LÊ QUANG THIÊM*
GS.TS; Trường Đại học KHXH và NV, ĐHQGHN
1. Cách mạng tháng 8 năm 1945 giải phóng nước Việt Nam khỏi ách đô hộ thực dân, đồng thời cũng đưa tiếng Việt lên vị thế của ngôn ngữ quốc gia, ngôn ngữ chính thức trong đối nội cũng như đối ngoại của nhà nước. Lần đầu tiên trong lịch sử dân tộc tiếng Việt được dùng trong Tuyên ngôn độc lập của nước Việt Nam mới, tiếng Việt được dùng phổ biến trong các phương tiện thông tin đại chúng, tiếng Việt được dùng trong tất cả các trường học cấp học, kể cả trong trường đại học mà trước đây phải dùng tiếng Pháp; phong trào học tiếng Việt rộng khắp cả nước mà trước đây chưa bao giờ có, tiếng Việt càng được dùng nhiều để sáng tạo văn học nghệ thuật, thơ ca trong thời đại mới. Chính những điều kiện mới, vị thế mới, chức năng tiếng Việt được phát huy ở mức cao, tạo tiền đề và khả năng cho ngữ nghĩa từ vựng phát triển phong phú, đa dạng trong đó có bốn chiều hướng phát triển mà chúng tôi thấy cần chia thành hai cặp để bàn đến trong báo cáo này.
2. Ngữ nghĩa từ vựng, như chúng ta đều biết, là nghĩa của các đơn vị và toàn bộ hệ thống từ vựng của một ngôn ngữ. Nghĩa từ vựng, cái được biểu đạt của kí hiệu từ vựng vốn có chức năng ghi dấu, phản ánh, biểu đạt mọi sự vật hiện tượng, quá trình, thuộc tính… diễn ra trong đời sống hiện thực cũng như trong tư duy, tâm tưởng của mọi người. Với thuộc tính tinh thần trừu tượng và sinh động của nó, nghĩa từ vựng như bình diện nội dung của một hệ thống mở, sẵn sàng đón nhận mọi biến động, sinh sôi trong đời sống, trong tư duy của cá nhân và cộng đồng dân tộc. Vì vậy nội dung nghĩa từ vựng có thể coi là bức tranh phản chiếu trung thành mọi mặt của đời sống xã hội thuộc các thời kì lịch sử khác nhau. Ngữ nghĩa từ vựng tiếng Việt từ sau 1945 là nguồn tài liệu cung cấp sinh động những biến đổi, phát triển mọi mặt của đời sống, trong đó có cả những biến đổi phát triển chính của bản thân nó, chiều hướng và kết quả phát triển của hệ thống nghĩa từ vựng của tiếng Việt. Những biến đổi phát triển này được nhận thức một cách chính xác, khách quan sẽ có ý nghĩa không nhỏ trong nghiên cứu, tìm hiểu không chỉ bản thân ngữ nghĩa học của tiếng Việt mà còn cả những vấn đề văn hoá xã hội, lịch sử thuộc thời kì được nghiên cứu.
3. Nói đến chiều hướng phát triển nghĩa từ vựng tiếng Việt từ sau 1945 tức là đề cập đến các quá trình biến đổi theo chiều hướng đi lên, ngày một đầy đủ hơn, hoàn thiện hơn của khả năng cũng như vốn liếng nghĩa từ vựng tiếng Việt. Trong các chiều hướng, các quá trình phát triển ta có thể nhận thấy nhiều quá trình, nhiều chiều hướng, ví dụ như quá trình, chiều hướng dân tộc hoá, hiện đại hoá; quá trình phát huy sự giàu có và trong sáng của tiếng Việt, quá trình chuẩn tắc hoá trong vận dụng sáng tạo từ ngữ. Ở đây chúng tôi đề cập đến chiều hướng khái quát hoá, loại biệt hoá và chiều hướng chính xác hoá, biểu tượng hoá là những quá trình chiều hướng phát triển chiều sâu, chiều hướng phát triển trong thuộc tính nội dung nghĩa của hệ thống từ vựng. Bốn chiều hướng phát triển này trong ngôn ngữ học thế giới được coi là có tính phổ quát và là thước đo sự phát triển, hoàn thiện của một ngôn ngữ phát triển mà tiếng Việt của chúng ta từ sau Cách mạng tháng Tám đã thực sự đứng vào vị thế và có tính chất của một ngôn ngữ sánh ngang hàng với các ngôn ngữ phát triển khác trên thế giới. Nói rằng đứng vào vị thế và có tính chất của ngôn ngữ phát triển chưa hẳn tiếng Việt đã hoàn thành tốt, có tính chất đầy đủ của một ngôn ngữ phát triển. Cho nên bàn về bốn chiều hướng vừa nói tức cũng chỉ ra sự vận động để đi đến hoàn thiện của ngôn ngữ phát triển theo đầy đủ nội dung của nó. Bởi vậy tính khái quát, tính loại biệt và tính chính xác, tính biểu tượng nói đây không chỉ là khả năng, vốn liếng của tiếng Việt mà còn là sự vận động, chiều hướng biến đổi phát triển đi lên để đạt đến một ngôn ngữ phát triển hoàn thiện theo chuẩn mực của các ngôn ngữ phát triển trên thế giới.
4. Trước hết xin nói về cặp chiều hướng khái quát hoá và loại biệt hoá. Hiểu về tính khái quát và tính loại biệt của ngữ nghĩa còn nhiều điểm chưa hoàn toàn thống nhất. Phạm vi chúng tôi nói đây là tính khái quát và tính loại biệt của nghĩa từ vựng. Nghĩa từ vựng của đơn vị ngôn ngữ là nội dung được biểu đạt trong kí hiệu từ vựng. Đó là nội dung nghĩa của từ và ngữ cố định. Nội dung này là một tồn tại trừu tượng mang thuộc tính tinh thần văn hoá mà cộng đồng ngôn ngữ đã mã hoá, vận dụng, thổi vào cho đơn vị kí hiệu đó. Nghĩa của từ ngữ, hình thành và phát triển thông qua tư duy và giao tiếp của cộng đồng nên luôn luôn có tính khái quát. Điều này đã được các nhà ngôn ngữ học uy tín, các nhà triết học ngôn ngữ xác định: “Cảm giác thì biểu thị thực tại, tư tưởng và từ thì biểu đạt cái chung. Bất cứ một từ nào (lời nói) cũng đã là khái quát hoá cả rồi” (1, 87). Tính khái quát thể hiện thuộc tính nghĩa từ vựng của từ thường tương ứng với khái niệm. Sự thể là nếu nghĩa của đơn vị từ vựng ứng với nội dung của chủng loại, lớp hạng sự vật được định danh biểu đạt thì có đặc điểm khái quát cao hơn so với nghĩa của đơn vị tương ứng với nội dung phản ánh sự vật, hiện tượng, quá trình cá lẻ, có tính loại biệt hơn. Ví dụ như nghĩa của từ động vật có tính khái quát hơn nghĩa của từ chó, lợn, trâu, bò, voi, hổ, cò, vạc, bồ câu… Nghĩa của từ nhiên liệu, chất đốt thì khái quát hơn các từ than, củi, dầu, xăng, ga… Về mặt lôgic, tính khái quát và loại biệt có liên hệ với nội hàm và ngoại diên của khái niệm. Khái niệm có ngoại diên rộng thì nội dung nghĩa càng khái quát, khái niệm có ngoại diên hẹp thì nghĩa từ càng loại biệt. Trong ngữ nghĩa học từ vựng sự phân biệt khái quát/loại biệt tạo thành quan hệ bao nghĩa, thượng danh hạ danh trong từ vựng của ngôn ngữ… Thượng danh là từ có nghĩa chỉ chủng loại, lớp hạng còn hạ danh là những từ ngữ có nghĩa chỉ tiểu loại, hạng thuộc cùng chủng loại, lớp hạng. Ví dụ chim là thượng danh thì cò, vạc, bồ nông, sáo sậu,… là hạ danh; Rau là thượng danh còn cải, muống, mùi, xúp lơ,… là các hạ danh. Tuy nhiên cần hiểu cho chính xác rằng ngôn ngữ là công cụ của tư duy cho nên nghĩa của từ, mang đặc trưng khái niệm mà không hoàn toàn đồng nhất với khái niệm trong lôgic học. Nghĩa từ vựng của từ cũng có nhiều tầng, nhiều kiểu loại. Nếu như nội dung thuật ngữ khoa học đồng nhất với khái niệm khoa học thì các kiểu nghĩa còn lại có nhiều nét phân biệt. Mỗi kiểu nghĩa đều có tính khái quát, trừu tượng riêng mà không hoàn toàn đồng nhất với khái niệm khoa học. Nội dung các kiểu nghĩa thường là sự khái quát dân gian, khái quát thông thường mà cá nhân và cộng đồng người nói tri nhận, phản ánh trong kí hiệu từ. Ngày nay nhận thức nghĩa từ vựng theo hướng tri nhận luận chức năng luận mới, theo thuyết điển mẫu (prototype) càng giúp chúng ta thấy rõ đặc điểm nghĩa từ vựng của từ. [2, 117-128]
Như vậy tính khái quát và tính loại biệt được xem như là một cặp phạm trù có thể được dùng để đánh giá khả năng, sự phát triển của ngữ nghĩa từ vựng của ngôn ngữ. Về mặt phát triển có thể xem là một cặp chiều hướng phát triển và nghĩa từ vựng tiếng Việt sau 1945 biểu hiện rất rõ cặp chiều hướng này. [3, 69-96]
5. Xét ở cấp độ vĩ mô, cấp độ hệ thống lớn ta có thể nhận thấy, do đặc điểm ngôn ngữ thuộc loại hình đơn lập, phân tiết tính nên từ của tiếng Việt, hiểu theo nghĩa ranh giới từ chặt chẽ nhất, thường gồm một hình tiết, một tiếng một. Tính phân tiết, tính đơn hình vị của từ đã tạo cho nghĩa từ thuộc loại này có tính khái quát cao. Nếu so sánh với các ngôn ngữ biến hình có thể thấy rõ mỗi từ tiếng Việt đơn hình tiết giống như là một căn tố của tiếng biến hình. Mọi loại nghĩa từ Việt đều hàm chứa trong một hình thái duy nhất. Mọi kiểu loại ý nghĩa ngữ pháp tiếng Việt đều được biểu đạt bằng hư từ, trật tự từ, bằng phương thức kết hợp. Từ khởi nguyên tính phân tiết, đơn hình vị của từ làm nổi rõ đặc điểm đơn lập phân tích tính. Bộ phận từ đa hình tiết thường là mượn từ tiếng Hán, một bộ phận theo quan niệm khá lỏng lẻo về ranh giới từ thì mới được cấu tạo sau. Như vậy có thể nói xét về đại thể từ đơn hình tiết là cơ sở, chiếm ưu thế lúc đầu về nghĩa và nghĩa của từ bộ phận này có tính khái quát cao. Những từ vay mượn về sau, từ Hán-Việt phản ánh những phạm trù khái niệm mới cũng mang đặc điểm khái quát như: động vật, thực vật, vũ trụ, nhân sinh, thiên nhiên, xã hội, chân lí, tự do v.v. Tính khái quát này là do đặc điểm thực tại được định danh được biểu đạt mà có. Dĩ nhiên rằng tính khái quát cao thường gắn với tư duy, sự tri nhận, sự hiểu biết, nhân sinh, văn hoá và thường là được vay mượn từ tiếng Hán, tức là từ Hán-Việt hoặc là sự tổ hợp các từ đơn hình vị thành các từ ghép phức hợp song tiết đẳng lập.
6. Tính khái quát của nghĩa từ vựng luôn song hành cùng tính loại biệt. Đây là hai thuộc tính, hai mặt gắn bó với nhau có mặt này phải có mặt kia nương tựa, bù đắp cho nhau. Thực tế ngôn ngữ phát triển thuộc loại hình nào cũng có hai thuộc tính này. Chúng khác nhau là ở sự biểu hiện bằng chất liệu và phương thức tạo thành từ vựng. Ta có từ nhà là khái quát vì phân biệt với nó là nhà khách, nhà hàng, nhà tù, nhà giam, nhà nghỉ… là loại biệt. Ta có từ hoa là khái quát phân biệt với hoa hồng, hoa mai, hoa cúc, hoa lay dơn…loại biệt. Đến lượt hoa hồng là khái quát và hoa hồng nhung, hoa hồng bạch, hoa hồng đen loại biệt. Rõ ràng trong tiếng Việt, bằng phương thức cấu tạo từ khác nhau trong đó có phương thức ghép có thể cấu tạo hàng loạt đơn vị định danh có mức độ khái quát/loại biệt khác nhau. Những khảo sát khả năng và phương thức phái sinh định danh tiếng Việt phát triển sau 1945 nổi rõ đặc điểm này. Trong hai chiều hướng phát triển khái quát hoá/loại biệt hoá thì loại biệt hoá có số lượng áp đảo, bởi vì trong các mô hình có sức sản sinh cao của phương thức ghép thì ghép phụ nghĩa, ghép sắc thái hoá với các biến thể theo vị trí khác nhau là có sức sản sinh cao hơn cả. Kết quả khảo sát cho chúng tôi khẳng định rằng với những từ đơn hình tiết thuộc các từ loại chính: danh, động, tính từ đều có khả năng tạo hàng loạt các đơn vị ghép có nghĩa loại biệt và đây như là một trong những chiều hướng phát triển nội lực vốn từ-nghĩa của tiếng Việt trong thời cận hiện đại [3, 224-250]. Dẫn thêm chứng cứ cụ thể chúng ta dừng lại một kiến giải gần đây về hai loại danh từ của Cao Xuân Hạo. Theo Cao Xuân Hạo trong tiếng Việt có hai loại danh từ gọi là “danh từ khối” (DTK) và “danh từ đơn vị” (DTĐV) phân biệt nhau. Các danh từ đơn vị như cái, con, nỗi, niềm, sự, cuộc, việc, chiếc, bức, tấm… Những DTĐV này có đặc điểm nghĩa là “chỉ những hình thức tồn tại phân lập trong không gian, trong thời gian” có thể gọi là “danh từ hình thức thuần tuý” số lượng những đơn vị loại này là 215. Nếu tính cả loại DTĐV “mà sở biểu, ngoài hình thức tồn tại phân lập, còn chứa đựng những thuộc tính nội dung” thì “từ đơn tiết cũng chỉ 175 trong ngôn ngữ thông dụng”. Nếu tính cả đa tiết ghép mà hầu hết là từ Hán Việt thì số lượng chừng chỉ gấp 3 tức khoảng 525 đơn vị. Còn danh từ khối là thứ danh từ có đặc điểm nghĩa “sở biểu là một tập hợp những thuộc tính khiến sự vật được biểu thị bằng danh từ khối khác”. Số lượng những từ đơn hình tiết loại này là 3.100. Nếu tính cả danh từ ghép sẽ tăng khoảng 2,5 lần tức khoảng7.750 đơn vị [5, 265-304]. Như vậy có thể thấy cả hai loại danh từ: DTĐV và DTK đều có mức độ khái quát khác nhau về nghĩa, song số lượng khá hữu hạn trong tiếng Việt thông dụng. Số lượng này nếu so sánh với các danh từ ghép loại biệt chính phụ (theo quan niệm ranh giới từ không thật chặt chẽ) trong tiếng Việt ngày nay quả là một sự chêch lệch đến hàng trăm lần hơn. Điều này cho thấy chiều hướng loại biệt hoá có khả năng phát triển áp đảo và là sự phát triển cần thiết tất yếu cho ngữ nghĩa từ vựng tiếng Việt hiện đại.
7. Như đã nói, song song với cặp chiều hướng phát triển khái quát hoá / loại biệt hoá là cặp chiều hướng chính xác hoá, biểu tượng hoá. Chính xác và biểu tượng cũng có thể hiểu khác nhau và thuộc các phạm vi khác nhau trong ngôn ngữ. Ở đây chúng tôi thảo luận hai thuộc tính này là về nghĩa từ vựng. Chính xác được hiểu một cách thông thường là “Rất đúng, không sai chút nào” (TĐTV). Với chúng tôi cách hiểu không sai chút nào, rất đúng được dùng theo chuẩn mực tri thức khoa học. Còn biểu tượng thông thường được hiểu là “hình ảnh tượng trưng”. Chúng tôi dùng biểu tượng mà không dùng biểu trưng để giới hạn phạm vi nghĩa biểu tượng ở nội dung có được của nhận thức, cao hơn cảm giác, nó cho ta hình ảnh của sự vật còn giữ lại trong đầu óc phản ánh vào kí hiệu từ vựng hoặc là nghĩa bóng của từ được tổng hợp từ cách dùng bóng bẩy, hình tượng như kết quả phát triển nghĩa gốc của từ bằng ẩn dụ, hoán dụ… Phạm vi dùng hai khái niệm này thuộc vào đặc điểm nội dung cấu trúc nghĩa từ vựng của từ là chính xác hoá / biểu tượng hoá. Kết quả phân tích của chúng tôi về sự phát triển nghĩa từ vựng của từ sau 1945 đến nay cho thấy rằng cặp chính xác hoá / biểu tượng hoá là cặp song hành phân biệt đối lập nhau nhưng luôn tồn tại cùng nhau. Và đây cũng là cặp chiều hướng phát triển nghĩa từ vựng tiếng Việt tăng mạnh từ sau 1945.
8. Tư duy hình tượng, lối nói so sánh ví von, mượn vật nói người, mượn cảnh nói tình cảm chính là nét đặc trưng ngôn ngữ nghệ thuật, thơ ca truyền thống Việt Nam. Những từ mận, đào, thuyền, bến, cò, vạc đã được dùng với nghĩa thay người, thay thân phận; những so sánh ví von, nhân cách hoá đã làm cho tín hiệu từ vựng ngoài nghĩa gốc là chỉ vật, chỉ cây, chỉ chim muông trong thực tại có thêm nghĩa biểu tượng chỉ người con trai, người con gái, chỉ người đi kẻ ở, chỉ thân phận chịu thương chịu khó lầm lũi… Những nghĩa bóng, nghĩa biểu tượng loại này vốn là sản phẩm của tư duy hình tượng, lối tư duy tri nhận bằng hình ảnh, so sánh tượng trưng, loại suy… Điều đáng nói là số lượng, phạm vi, dung lượng loại nghĩa này phát triển mạnh, cao hơn một bước nữa trong thời hiện đại.
Trước hết nói về số lượng. Khảo sát qua văn bản văn học, nghệ thuật, qua các loại từ điển giải thích xuất bản sau 1945 theo tuần tự thời gian đều nhận thấy số lượng nghĩa bóng của từ tăng lên một số lượng đáng kể. Có từ trước đây vài nghĩa nay có đến trên 10 nghĩa, có từ đến trên 20 nghĩa. Các nghĩa càng xa nghĩa gốc nghĩa đen thì tính biểu tượng càng cao. Cũng có thể nghĩ rằng các nghĩa này trước đây đã có mà ta chưa nhận ra, tổng hợp được. Thực tế khảo sát là có một phần như thế; song phần lớn hơn, áp đảo là nội dung biểu tượng mới phát sinh trong thời đại mới, trong hoàn cảnh mới; cách cảm, cách tri nhận đổi mới do thời cuộc đưa lại; Và lớn hơn nữa là đội ngũ, lực lượng sáng tạo ra nó ngày càng đông đảo hơn, có trình độ, tay nghề được đào luyện nhiều hơn; đó là các nhà văn, nhà thơ, giới văn nghệ sĩ đông đảo, những nhà hoạt động chính trị-xã hội, nhà khoa học-công nghệ…
Nghĩa biểu tượng trong thời kì mới với hình tượng mới hướng nhiều vào lớp từ cơ bản như đất, nước, núi, sông, mẹ, cha, bác, sống, chết, mất, còn, đỏ, hồng, xanh… nghĩa là thuộc những loại từ thông dụng, có đời sống lâu dài trong tiếng Việt, nay được thổi thêm vào nội dung hình ảnh tượng trưng mới. Tuyến phái sinh nghĩa bóng cũng nhiều hơn, dạng thể biểu tượng cũng đa dạng, phong phú hơn gắn với những hình tượng, điển hình, xúc cảm thẩm mĩ mới của thời đại. Nội dung nghĩa biểu tượng gắn với danh từ thường mang những tượng trưng to lớn, cao đẹp, hoành tráng; nghĩa trong động từ có nội dung biểu tượng quyết liệt, mạnh mẽ; nghĩa biểu tượng tính từ gây ấn tượng mạnh, hào sảng…Chúng như một phần ánh xạ phản ánh hiện thực hào hùng, bi thương đượm tinh thần lạc quan đi lên của thời đại mới, của dân tộc. Tuyến phát triển dung lượng nghĩa theo hướng cảm nhận, tư duy hình tượng tạo ra nghĩa biểu tượng tổng hợp từ văn bản văn học nghệ thuật phát triển thêm phạm vi, dung lượng, chất lượng mới mang tính thời đại mới sau Cách mạng Tháng Tám chắc chắn sẽ là dấu ấn riêng cho giai đoạn này của lịch sử mà trước đó không có và sau này có thể khác. Nội dung, phạm vi, quy mô vốn từ mang loại nghĩa này có thể khác, nhưng chiều hướng phát triển thì không ngừng nghỉ và ngày một đổi mới, thăng hoa. Đây là một chiều hướng phát triển nội dung nghĩa mang hàm lượng ngữ nghĩa văn hoá ngôn từ sâu sắc.
9. Chiều hướng khác ngược với chiều hướng vừa nói là chính xác hoá. Chính xác hoá như trên đã nói “rất đúng, không sai chút nào” mà chúng tôi muốn lấy hệ quy chiếu chuẩn mực khoa học làm chuẩn được thể hiện rõ trong nội dung nghĩa thuật ngữ của nghĩa từ. Như đã rõ, cùng với sự phát triển của xã hội hiện đại, với chữ quốc ngữ, tiếng Việt đã hình thành một lớp từ vựng đồ sộ là những thuật ngữ khoa học. Nhờ có phôi thai chuẩn bị trước đó, từ sau năm 1945 thuật ngữ khoa học tiếng Việt đã phát triển rất nhanh chóng theo các định hướng dân tộc, khoa học, đại chúng. Tính khoa học yêu cầu cấu tạo và nghĩa thuật ngữ phải chính xác theo tri thức được biểu đạt. Tính dân tộc và đại chúng yêu cầu dễ hiểu, dễ phổ biến và chú trọng chất liệu dân tộc. Điều này dẫn đến tình hình là ngoài việc một bộ phận cần vay mượn nguyên các thuật ngữ nước ngoài vào tiếng Việt là con đường Việt hoá bổ sung cấu tạo và bằng thêm nội dung nghĩa cho từ ngữ Việt đã có. Theo con đường này một bộ phận không nhỏ những từ ngữ thường dùng giờ đây kiêm chức với nội dung thuật ngữ. Những từ như nước, đường, góc, cạnh, hình, điểm, chấm…trở thành thuật ngữ trong hình học, toán, lí, hoá. Có thể nói đây là con đường thuật ngữ hoá từ thường dùng, từ thông dụng và khi những từ này thực hiện chức năng thuật ngữ, trở thành thuật ngữ thì thuật ngữ hoá cũng chính là chính xác hoá phần nội dung nghĩa biểu đạt. Kết quả khảo sát của chúng tôi cho thấy chiều hướng này đã xẩy ra trong hầu hết các lĩnh vực khoa học và với số lượng tỉ lệ không nhỏ thuộc cả 3 từ loại: danh, động, tính từ tiếng Việt ngày nay.
10. Có một thời vì quá chú ý nghĩa thường dùng, nghĩa ngữ văn, nghĩa biểu tượng nên trong từ vựng – ngữ nghĩa học ít chú ý đến nghĩa thuật ngữ, đến quá trình chính xác hoá trong nội dung nghĩa của từ như một kiểu loại nghĩa. Trong ngôn ngữ học và khoa học công nghệ nói chung cũng có ý kiến cho rằng thuật ngữ khoa học và công nghệ nói chung có nội dung khoa học cần tách thành một lớp từ, tách khỏi vốn từ ngôn ngữ dân tộc, đồng âm hoá tất cả các từ đa nghĩa, xoá bỏ khái niệm đa nghĩa. Chúng tôi cho rằng ý kiến cực đoan như vậy là không thoả đáng. Lại càng không thoả đáng nếu xét về quan niệm chức năng và sự phân biệt các loại hình phong cách chức năng văn bản. Vì vậy thừa nhận hàm lượng nội dung đa chức năng của kí hiệu từ vựng, trong đó có chức năng biểu đạt chính xác khoa học của khái niệm tương ứng, thừa nhận hiện tượng kiêm chức, thừa nhận quá trình chính xác hoá trong nội dung ngữ nghĩa của từ, tức thừa nhận chiều hướng phát triển chính xác hoá nội dung nghĩa trong quá trình phát triển ngữ nghĩa từ vựng tiếng Việt đơn lập phân tiết tính. Có thể nhận thấy rằng sự phát triển đa nghĩa, nghĩa của từ bao hàm nhiều tầng lớp, nhiều kiểu loại nội dung trong một cái biểu đạt chính là một quá trình thể hiện quy luật tiết kiệm của ngôn ngữ; đồng thời cũng phù hợp quá trình tích hợp nội dung, tích hợp tri thức nhân loại trong kí hiệu từ vựng. Vì vậy nếu như chiều hướng biểu tượng hoá thể hiện tích hợp hàm lượng ngữ nghĩa – văn hoá ngôn từ sâu sắc thì chiều hướng chính xác hoá là sự thể hiện tích hợp hàm lượng ngữ nghĩa – văn minh trí tuệ nhận loại. Cặp chiều hướng này cùng với cặp chiều hướng khái quát hoá / loại biệt hoá làm cho tiếng Việt, ngữ nghĩa từ vựng tiếng Việt ngày càng phát triển hoàn thiện.
Tài liệu tham khảo
1. Mác, Angghen, Lênin bàn về ngôn ngữ. Nxb Sự thật Hà Nội.1962, tr.87.
2. Lê Quang Thiêm (2008), Ngữ nghĩa học, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2008, tr.117-128.
3. Lê Quang Thiêm (2003), Lịch sử từ vựng tiếng Việt thời kì 1858-1945. Nxb KHXH, HN, tr.224-250.
4. Lê Quang Thiêm (2009), Sự phát triển nghĩa từ vựng tiếng Việt từ sau Cách mạng tháng Tám (1945-1985). Đề tài: NCKH cấp ĐHQG (2007-2008) Mã số QG 06-32.
5. Cao Xuân Hạo (1982), Hai loại danh từ của tiếng Việt. trong: Tiếng Việt mấy vấn đề ngữ âm, ngữ pháp, ngữ nghĩa. Nxb Giáo dục, 2001, tr.265-304.