HOÀNG THỊ YẾN
ThS, Đại học Ngoại ngữ, ĐHQGHN
1. Qua kết quả phân tích các loại câu chào của các tác giả Hàn Quốc và Việt Nam[1], chúng ta có thể thấy, những phát ngôn chào xuất hiện ở tiếng Hàn cũng xuất hiện trong tiếng Việt. Ví dụ như: (1) Lời chào hàm ẩn (không có mặt từ chào trong phát ngôn)- ở cấp độ cao, (2) Lời chào có ý nghĩa chúc mừng, lời chào có ý nghĩa động viên, lời chào sử dụng từ xưng hô, lời chào liên quan tới thời tiết, đề cập tới ngoại hình,….(3) Ba hình thức câu cảm thán, trần thuật, nghi vấn trong lời chào cũng là đặc điểm chung cho cả hai thứ tiếng. Tuy nhiên, trong tiếng Việt có phát ngôn chào tường minh – câu chào có xuất hiện từ chào nhưngtrong tiếng Hàn lại không có. [2]
Trên cơ sở phân loại của Ja Jung Min(2004) nghiên cứu hệ thống lại lời chào hỏi tiếng Hàn thành các nhóm phạm trù sau:(1) Lời chào miêu tả hành động, hành vi – 행위 묘사하기 (2) Lời chào hỏi thăm – 안부 묻기. (3) Lời chào biểu hiện tần số giao tiếp – 만남의 정도 나타내기. (4) Nói vui mừng, hân hạnh khi chào hỏi – 반기는 말하기 (5) Biểu hiện tình cảm của người nói. – 화자의 감정 나타내기. (6) Lời chào hỏi mục đích – 목적 묻기. (7) Lời chào đề cập tới ngoại hình, các bộ phận cơ thể. 신체. 외모 등을 언급하기. (8) Lời chào cổ vũ, động viên, khích lệ ĐTGT – 상대의 고충 헤아리기 (9) Lời chào đề cập tới thời tiết- 날씨 언급하기 (10) Lời chào sử dụng từ xưng hô – 호칭어 사용하기. (11) Lờì chào có nội dung, tính chất khác.
Trong bài này, chúng tôi phân tích phạm trù lời chào miêu tả hành động, hành vi – 행위 묘사하기dưới góc độ hình thái- ngữ nghĩa – ngữ dụng và văn hoá tâm lí dân tộc trong sự đối chiếu so sánh với tiếng Việt. Cụ thể là, chúng tôi sẽ giới thiệu các câu chào điển hình có tần số sử dụng cao, phạm vi và chức năng biểu cảm, chức năng hoạt động của nó trong các tình huống, hoàn cảnh giao tiếp, ĐTGT,… Đồng thời, nghiên cứu cũng nêu ra những điều mà người sử dụng cần lưu tâm để nâng cao hiệu quả giao tiếp, tránh mắc những lỗi lầm đáng tiếc dễ xảy ra trong giao tiếp do hạn chế về ngôn ngữ và văn hoá. Đặc trưng của mỗi loại cũng được chúng tôi chú ý tổng hợp và phân tích, làm rõ bằng các ví dụ trích dẫn từ nguồn tài liệu tham khảo hoặc tự tạo.
2. Nhóm lời chào miêu tả hành vi (행위 묘사하기 ) là nhóm trong câu chào xuất hiện các động từ động tác, miêu tả hành động, hành vi của con người diễn ra trong cuộc sống hàng ngày – mang tính thường nhật. Ví dụ, các động từ như: 가다/ 오다/ 먹다/ 있다/ 일어나다/… trong các câu chào:
(1) 어디 가세요? – Đi đâu thế?
(2) 시장 오셨어요? – Đã tới chợ à?
(3) 이제 오세요? – Bây giờ tới à?
(4) 저녁 먹었어요? – Ăn tối rồi chứ?
(5) 일어나셨어요? – Dậy rồi à?
(6) 여기 계셨네요?… – Ở đây à?
Lời chào đề cập tới những hành động bình thường nhất của con người trong cuộc sống (đi, đến, ăn, ở, dậy,..) nên chúng ta có thể khẳng định rằng mức độ gần gũi, thân mật giữa các đối tượng tham gia giao tiếp là rất cao. Có thể khẳng định, những phát ngôn chào miêu tả hành vi thường xuất hiện nhiều trong những cuộc giao tiếp, những màn chào hỏi giữa những người có quan hệ cá nhân rất gần. Ví dụ, những người trong cùng gia đình, gia tộc, những người hàng xóm – tối lửa tắt đèn có nhau, những người bạn thân thiết,….
Những cuộc đối thoại giữa những người sống gần gũi với nhau rất dễ nhận biết, bởi những vấn đề mà họ đề cập trong câu chuyện bao giờ cũng rất bình thường, giản dị- như cuộc sống vốn có. Nhưng, điều đó không có nghĩa là vì thế nó trở nên nhàm chán, đơn điệu hoặc quá vụn vặt. Tình cảm gắn bó sâu sắc được hình thành bởi chính từ những sinh hoạt hàng ngày bình dị ấy. Đây cũng là điểm tương đồng trong cách nghĩ, cách cảm của người Hàn và người Việt. Chuyện hỏi han từng li từng tí những gì liên quan tới ĐTGT, từ chuyện ăn, ngủ, đi, đứng,… không bị coi là thất lễ, là quá tò mò, mà đó là biểu hiện của sự quan tâm, là thước đo đánh giá mức độ tình cảm. Đối với người Việt Nam, nếu như không có những câu chào hỏi như vậy khi gặp gỡ, ĐTGT rất dễ bị trách: – ‘Nó có hỏi han gì tôi đâu?’.Câu phàn nàn vừa có nghĩa trách nhân vật thứ 3 được nhắc tới trong câu chuyện không chào hỏi gì, vừa có ý trách là không quan tâm thăm hỏi gì tới người nói.
Trong quan hệ mang tính công việc và có sự phân định trên – dưới rõ ràng, tuy không thân thiết, gắn bó như trong gia đình nhưng nếu là những đồng nghiệp thường xuyên gặp gỡ thì cũng hiểu rõ về nhau, gắn bó với nhau như trong một gia đình. Trong trường hợp như vậy, những câu chào thuộc nhóm này cũng thường xuyên được sử dụng. Ở những nơi làm việc như thế, công việc sẽ tiến triển rất tốt bởi các thành viên quan tâm, sống gắn bó và biết sống vì nhau. Đoàn kết là sức mạnh và tình thương yêu chính là nền tảng, là cơ sở tạo nên sức mạnh đó.
3. Lời chào hỏi khởi xướng có thể miêu tả hành động (1) đã xảy ra trong quá khứ (- 시장 오셨어요?), (2) đang xảy ra trong hiện tại (-어디 가세요?) và (3) sẽ xảy ra trong tương lai gần (-이제 오세요?).
Đối với người Hàn, những cuộc thăm không báo trước trong nhóm những người có quan hệ gần gũi, thân thiết không phải là thất lễ. Bởi vì cũng giống như người Việt, khi đã gần gũi, thân thiết như anh em ruột thịt, như người trong nhà thì họ không câu nệ, khách sáo, không cần giữ khoảng cách với nhau nữa. Chính vì vậy câu chào – 왔어요? vốn có nghĩa là : Tới rồi đó à? được người Hàn dùng với nghĩa như là: Đã về (nhà) rồi đấy à? Động từ 오다 (tới/ đến) được dùng với nghĩa của động từ 귀가하다 (quy gia – về nhà). Khi sử dụng loại hình câu hỏi này, tính tôn trọng thể hiện ở mức độ không cao. Khoảng cách được tạo thành bởi sự chênh lệch về tuổi tác cao – thấp, địa vị trên – dưới bị rút ngắn bớt, xóa nhòa bớt bởi sợi dây tình cảm, bởi sự gắn bó, thông hiểu lẫn nhau giữa các thành viên tham gia giao tiếp. Tuy nhiên, nếu kết hợp các phát ngôn chào với các phương tiện phi ngôn ngữ như cúi chào(허리굽힘), cúi đầu chào(목례/ 목인사), thì tính tôn trọng sẽ được nâng cao. Ngoài ra, nếu kết hợp với các yếu tố ngữ điệu, âm vực trầm bổng, cường độ cao thấp của giọng nói,… sẽ làm tăng tính nghi thức của phát ngôn chào.
4. Trong câu chào: 어디 가세요? (Đi đâu thế?) không phải người chào tò mò muốn biết điểm tới của ĐTGT là ở đâu mà đặt sự nhấn mạnh, trọng tâm vào hành vi chuyển dịch, biểu thị sự quan tâm về sự dịch chuyển của ĐTGT. Ở loại câu hỏi này, trong quan hệ thân mật, gần gũi giữa hai bên giao tiếp thường không có câu đáp tương ứng. Ví dụ, nếu nhân được câu hỏi: – 어디 가세요? Người nghe sẽ trả lời một cách chiếu lệ – chào đáp mang tính phi đối ứng. Vì dụ như: – 저기 좀… (Đằng kia,…) hoặc – 예…. (Ừ,…). Hay, chỉ đơn giản là cười, hoặc vừa cười vừa gật đầu,…
Trong tình huống sau, câu chào đầu tiên cũng là phát ngôn của người nói thông báo với người nghe việc mình về nhà.
아빠: – 여보, 나 왔어요. (Mình ơi, tôi về rồi đây).
아들: – 아빠, 다녀오셨어요? (Bố, bố về rồi ạ)
엄마: – 피곤하시죠? 어서 씻고 저녁 드세요.
(Mệt lắm hả mình? Mình rửa tay rồi ăn cơm)
(서울대. 한국어 3급. 33과. 1999)
Trong ví dụ trên, người bố thông báo với người mẹ việc mình đi làm về. Người con chào bố. Người vợ không chào đáp lại chồng mà thay bằng lời hỏi thăm thể hiện thái độ quan tâm: Chắc anh mệt lắm rồi phải không? rồi không chờ chồng trả lời, giục chồng đi tắm rửa để ăn tối. Người chồng chào nhưng cũng không hề có ý chờ câu chào đáp tương ứng từ người vợ. Nhưng, rõ ràng, trong cuộc giao tiếp trên, dù không có câu chào đáp tương ứng ở chỗ này chỗ kia nhưng tính liên tục và logic của cuộc đối thoại cũng không hề bị ảnh hưởng. Như vậy, những câu chào tương tự như những câu chào trích dẫn ở trên mang tính nghi thức rất cao. Đó là những phát ngôn chào thường được sử dụng khi người Hàn ra khỏi nhà hoặc trở về nhà. Đoạn đối thoại trên cũng có thể dịch khác đi như sau:
아빠: – 여보, 나 왔어요. (Mình ơi, tôi về rồi đây → Chào cả nhà).
아들: – 아빠, 다녀오셨어요? (Bố, bố về rồi ạ. → Con chào bố ạ. )
엄마: – 피곤하시죠? 어서 씻고 저녁 드세요.
(Mệt lắm hả mình? Mình tắm rửa nhanh rồi ăn cơm→ Chào mình,… )
Tình huống này cũng giống như người Việt, đặc biệt là các em nhỏ, khi ra khỏi nhà thường chào: – ‘Con chào mẹ, con đi chơi’, /- ‘Con xin phép mẹ cho con đi chơi’. /- ‘Con chào mẹ con đi học ạ’,… Những phát ngôn chào trên không chỉ đơn thuần là lời chào hỏi, nó còn thể hiện sự tôn trọng đối với người trên, thái độ lễ phép của người dưới. Chính vì tính nghi thức trong những phát ngôn chào trên là rất cao nên trẻ em Việt Nam có bài hát: ‘Khi đi em hỏi, khi về em chào, miệng em chúm chím, mẹ có yêu không nào’. Đây là bài hát có tính giáo dục rất lớn, dạy trẻ nếp chào hỏi lễ phép. Không chỉ coi trọng hành vi chào mà thái độ, tâm thế khi chào cũng rất được coi trọng. Hỏi cũng là chào, mà chào cũng là để hỏi, hỏi để xin phép hoặc thông báo mình sẽ thực hiện một hành vi nào đó, để thể hiện tình cảm của mình đối với đối tượng giao tiếp,..
Đặc biệt, trong văn hoá về tôn ti tầng bậc, địa vị của người Hàn thì ở những mối quan hệ có sự phân biệt trên – dưới rõ rệt thì sự chào đáp của người trên thường bị lược bỏ hoặc người trên chỉ chào đáp lại một cách ngắn gọn và mang tính chất, ý nghĩa tượng trưng bằng các phương tiện ngôn ngữ (응- Vâng, Ừ / 그래 – Phải/ đúng.) và phi ngôn ngữ (목례 – cúi đầu chào/ 허리 굽힘 – cúi người chào/..)- Các học giả gọi đó là câu chào đáp mang tính đối ứng tiêu cực. Hiện tượng này thường gặp trong trường hợp người dưới chào người trên: ‘- 저 왔습니다’/’ – 다녀왔습니다’ (Con/ em/ cháu đã về ạ?) … để thông báo mình đã về nhà, hoặc người dưới chào người trên khi người trên về nhà như trường hợp sau: ‘- 다녀오셨어요?’ (Bố/mẹ/ anh/ chị/.. đã về ạ?),/ ‘- 이제 오세요?’(Bác/ chú/ cô/… tới chơi ạ?),..
Đặc biệt trong nhóm phát ngôn chào: (1)- 밥 먹었니- Ăn cơm chưa? Và (2)- 어디 가세요? – Đi đâu thế? cần lưu ý ngữ điệu cuối câu hỏi, nếu ngữ điệu cuối câu cao thì sẽ yêu cầu lời đáp mang tính tích cực – người chào hỏi cần biết thông tin. Lúc này, người đáp không thể ậm ừ, gật gù bỏ qua mà phải đáp lại bằng những câu hàm chứa thông tin mà ĐTGT yêu cầu. (1) – ‘Tôi ăn cơm rồi’. (2) – ‘Tôi đi chợ’. Còn với những phát ngôn chào như: – 시장 나오셨어요?(Bác ra chợ à?) / – 어디 가세요? (Đi đâu thế?) với ngữ điệu đi xuống, phát ngôn – 오셨어요? (Bác/ anh đến rồi ạ?) hay – 왔니?(Đến rồi à?) /- 집에 있었네!(Có nhà này!)… thì chỉ cần lời chào đáp tiêu cực, phi đối ứng – đó chính là những lời chào đích thực.
Việc phân định lời chào đích thực hay không phải lời chào đích thực trong những trường hợp như thế này quả thực không đơn giản. Có lẽ chỉ có cách sống gần gũi, thường xuyên giao tiếp với người Hàn, chúng ta mới có thể cảm nhận được một cách sâu sắc cái tinh tế trong sắc thái biểu cảm của mỗi phát ngôn chào.
5. Trong nhóm phát ngôn chào miêu tả hành vi có các phát ngôn chào sử dụng động từ 먹다 – ăn. Động từ này được dùng nhiều trong các phát ngôn chào được sử dụng trước và sau bữa ăn.
(1) A: – 차린 것은 없지만 어서 드십시오. – Thức ăn chẳng có gì, mời anh .
(- 차린 것은 없지만 많이 드십시오). – Thức ăn chẳng có gì, ăn nhiều đi anh.
B: 별 말씀을 다하십니다. 잘 먹겠습니다. – Bác nói thế. Cháu sẽ ăn ngon ạ (Cháu mời bác ạ).
Cũng giống như người Việt, biểu hiện khiêm tốn của chủ nhà khi thết đãi khách là một nét đẹp trong văn hoá truyền thống của người Hàn. Ngoài cách nói trên, người Việt còn có những phát ngôn giàu hình tượng và giàu sức biểu cảm hơn: – ‘Hôm nay bác tới chơi, nhà em chỉ có bát cơm rau. Mong bác tự nhiên cho’.
(2) A: 천천히 많이 드십시오. – Bác ăn nhiều đi ạ.
B: 잘 먹었습니다. – Tôi no rồi.
Những phát ngôn được người Việt dùng như lời mời trước bữa ăn và sau khi ăn xong khá phong phú:
Ví dụ (1) – Cháu mời ông bà, con mời bố mẹ, em mời các anh chị xơi cơm.
(1′)- Con mời bố mẹ, em mời các anh chị xơi cơm.
(1”)- Mời cả nhà xơi/ ăn cơm.
Thường thì (1”) được người trên dùng khi nói với người dưới. Tất nhiên cũng có nhiều gia đình, khi ăn người trên không cần phải mời ai. Nếu người dưới dùng phát ngôn (1”) để mời người trên thì bị coi là vô lễ. (1) và (1′) được coi là những lời mời hợp chuẩn lễ nghi.
Ví dụ (2) – Mời ông bà xơi cơm. Con ăn no rồi ạ.
(2′) – Bố mẹ ăn cơm. Con đủ rồi ạ.
(2”) – Mời bố mẹ ăn cơm, con no rồi.
(2”’) – Con xin phép bố mẹ. Con ăn no rồi.
Có thể thấy về hình thức phát ngôn được dùng khi kết thúc bữa cơm không khác nhiều với lời mời trước bữa cơm. Phát ngôn vừa như một lời thông báo người nói đã hoàn thành bữa cơm và lời chúc mọi người tiếp tục ăn ngon. Trong tình huống có những phát ngôn như thế này, thường lời đáp bị lược bỏ hoặc mang tính chất phi đối ứng. Với (1) thì lời đáp có thể là: – ‘Ừ, cháu ăn đi’. hoặc – ‘Ừ’’, hoặc đơn giản là cái gật đầu hoặc ánh nhìn trìu mến. Với (2) thì: – Ăn nữa đi cháu’./ ‘Ăn ít thế hả con’./ ‘Ừ, cháu ăn xong rồi à? Đi rửa mồm, rửa tay đi cháu’./….
6. Trên cơ sở phân tích như trên và dựa vào kết quả nghiên cứu của các công trình trước đó, có thể rút ra một vài đặc trưng cơ bản của nhóm các phát ngôn chào miêu tả hành vi, hành động chung cho tiếng Hàn và tiếng Việt như sau:
1) Hành động và hành vi xuất hiện trong lời chào thường mang tính thường nhật cao
2) Quan hệ giữa hai bên giao tiếp rất thân mật và gần gũi, thường là quan hệ trong gia tộc, hàng xóm, đồng nghiệp,…
3) Ngôn ngữ cử chỉ kết hợp trong câu chào sẽ làm tăng tính nghi thức, thể hiện sự tôn trọng, như: cúi đầu chào, khoanh tay chào, cúi người chào,..
4) Có thể lược bỏ lời chào đáp hoặc chào đáp bằng câu chào đáp mang tính tiêu cực, biểu hiện ý chào bằng các phương tiện phi ngôn ngữ (gật đầu, cúi người, mỉm cười, giơ tay, nháy mắt,…).
Tóm lại, tính thường nhật của các hành vi trong các phát ngôn chào biểu hiện mức độ thân mật cao giữa các thành viên tham gia giao tiếp. Sự vận dụng kết hợp với ngôn ngữ cử chỉ cần được lưu ý tùy theo mục đích giao tiếp và việc lựa chọn sử dụng chiến lược giao tiếp để giao tiếp hợp chuẩn lễ nghi và văn hóa dân tộc. Khi sử dụng lời chào miêu tả hành động, hành vi cần phân định rõ lời chào đích thực và câu hỏi yêu cầu hồi đáp thông tin để kịp thời xử lí tình huống giao tiếp.
Để giao tiếp thành công với người bản ngữ, nắm vững những kiến thức ngôn ngữ thôi chưa đủ, người sử dụng ngoại ngữ cần nắm vững quy tắc giao tiếp, có hiểu biết sâu rộng về văn hóa ứng xử của dân tộc sử dụng ngôn ngữ đó để ứng xử linh hoạt trong thực tế giao tiếp.
Tài liệu tham khảo
1. Nguyễn Văn Hiệp (2006), Các tiểu từ tình thái cuối câu tiếng Việt và chiến lược lịch sự. Hội thảo ngôn ngữ học liên Á.
2. Phạm Thị Thành(1995), Nghi thức lời nói tiếng Việt hiện đại qua các phát ngôn chào, cám ơn, xin lỗi. Luận án phó tiến sĩ ngữ văn.
3. 서정수 (2004), 인사말 비교연구– 한. 일. 영. 중국의 주요 인사말. 한양대학교
4. 차정민 (2004), 한국어 교육을 위한 대화열기에서의 인사연구, 연세대학교
5. 서울대. 한국어 3급. 33과. 1999
[1] Tham khảo Sheo Jung Soo (2004), Ja Jung Min (2004), Phạm Thị Thành (1995),… [2] Trong tiếng Hàn có từ (động từ) – có nghĩa là chào. Tuy nhiên, động từ này thường chỉ được dùng để chỉ bản thân hành động hoặc dùng kết hợp với từ 말 –(lời) với tính cách là một danh từ (인사 말) để chỉ lời nói được sử dụng khi chào hỏi: lời chào( hỏi) chứ không xuất hiện trong phát ngôn chào.