ĐỖ PHƯƠNG LÂM*
TS; Đại học Hải Phòng; Email: dolamdhhp@gmail.com
Trong văn bản hành chính của một số cơ quan nhà nước gần đây xuất hiện các cụm từ mới: “thu giá” và “trạm thu giá”. Sự xuất hiện của những cụm từ này khiến cho tiếng Việt hiện nay song song tồn tại cả hai danh từ: “trạm thu phí” và “trạm thu giá”. Trong khi đại bộ phận người dân và các phương tiện thông tin đại chúng sử dụng cách nói truyền thống: “trạm thu phí” thì riêng một số văn bản hành chính lại dùng từ: “trạm thu giá”. Hiện tượng này làm dấy lên những băn khoăn của người dân về sự phân biệt ý nghĩa và cách dùng của các cụm từ nói trên. Bài viết này ngõ hầu giúp bạn đọc lí giải băn khoăn đó.
1. Thuật ngữ “trạm thu giá”
Tên gọi “trạm thu giá” lần đầu xuất hiện tại Thông tư 49/2016/TT-BGTVT của Bộ Giao thông vận tải, ngày 30/12/2016. Tại văn bản này, “trạm thu giá” được giải thích là “nơi thực hiện việc thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ của phương tiện tham gia giao thông đường bộ…” [1]. Trong một văn bản khác, cụm từ “thu giá” liên tục được sử dụng, chẳng hạn: “Nhà cung cấp dịch vụ thu giá mở tài khoản trả trước cho chủ phương tiện trên hệ thống thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ…” [2].
Như vậy, từ cách nói này, chúng ta có thể hiểu “giá” là một thứ “hữu hình” có thể thu và nộp. Những từ ngữ này hoàn toàn trái ngược với tư duy thông thường của người Việt. Trước nay, trong tiếng Việt chỉ tồn tại các cụm từ: “thu phí”, “trạm thu phí” mà không hề có “thu giá” và “trạm thu giá”.
2. Phân biệt “giá” và “phí”
“Giá” tức “giá cả”, là mức đo giá trị hàng hóa, ví dụ: giá cả, giá thành, giá trị, giá chợ đen,v.v. “Giá” chỉ là “biểu hiện” về giá trị chứ không phải là cái gì cụ thể. “Phí” là khoản tiền, khoản chi tiêu vào một việc nào đó, ví dụ: học phí, lộ phí, tình phí, viện phí, v.v. Theo Từ điển tiếng Việt, “phí” còn được hiểu là “khoản tiền phải trả cho một công việc phục vụ, dịch vụ công cộng nào đó” [4, tr.1009]. Vì thế, chỉ có thể nói: thu phí cầu đường mà không thể nói thu giá cầu đường. Các cụm từ “thu giá”, “trạm thu giá” được cấu tạo không đúng quan hệ ngữ nghĩa giữa các thành tố.
3. Về từ ngữ trong văn bản hành chính
Một yêu cầu hết sức quan trọng đối với ngôn ngữ trong các văn bản hành chính là phải tuân theo những quy tắc chung của tiếng Việt, không thể tách rời ngôn ngữ thông dụng của nhân dân. Văn bản hành chính phải dùng từ ngữ toàn dân, có tính phổ thông, đại chúng. Đối tượng tiếp nhận của văn bản quản lí nhà nước thuộc nhiều tầng lớp nhân dân, rất đa dạng về nhận thức và trình độ. Điều đó càng đòi hỏi ngôn ngữ trong văn bản hành chính phải trong sáng, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ tiếp thu. Việc “đột ngột” đưa các cụm từ “thu giá”, “trạm thu giá” vào trong văn bản hành chính của một số cơ quan nhà nước là đi ngược lại nguyên tắc trên.
Thiết nghĩ, sự “sáng tạo” về ngôn ngữ có thể được khuyến khích trong các loại hình văn bản văn học nghệ thuật, nhưng đối với văn bản hành chính cần được thận trọng hơn. Các cơ quan tham mưu về soạn thảo văn bản cần tham khảo ý kiến của giới chuyên môn, để văn bản của cơ quan nhà nước thực sự thâm nhập vào đời sống kinh tế – xã hội của quảng đại nhân dân. Đó cũng là biện pháp tích cực hưởng ứng cuộc vận động giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Bộ Giao thông vận tải (2016), Thông tư số 49/2016/TT-BGTVT, “Quy định về xây dựng, tổ chức và hoạt động của trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ”, Khoản 1 Điều 3.
- Thủ tướng Chính phủ (2017), Quyết định Số 07/2017/QĐ-TTg, “Về việc thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử tự động không dừng”, Chương 1, Điều 3.
- Viện Ngôn ngữ học (1991), Từ điển yếu tố Hán Việt thông dụng, Nxb KHXH., H.
- Trung tâm Từ điển học (2014), Từ điển tiếng Việt, Nxb Đà Nẵng và Trung tâm từ điển học, H.
“Trạm thu giá” or “Trạm thu phí”?
Abstract: Recently, there have appeared in Vietnamese administrative documents such new phrases as “thu giá” (collecting prices) and “trạm thu giá” (booth for collecting prices). This phenomenon has aroused the concerns of the people of the semantic distinction and uses of the phrases above. This article is aimed at clarifying those issues.
Key words: administrative documents; phrase; new words.