Nguyên Phó thủ tướng Nguyễn Khánh với những vấn đề ngôn ngữ ở Việt Nam

NGUYỄN VĂN KHANG
GS.TS; Trường Đại học Phenikaa; Email: khang.nguyenvan@phenikaa-uni.edu.vn

[Nguồn: Tạp chí Ngôn ngữ & Đời sống, số 8.2023]

TÓM TẮT:Bài viết giới thiệu ý kiến của nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Phó Thủ tướng chính phủ Nguyễn Khánh về những vấn đề ngôn ngữ ở Việt Nam. Dù là đương chức hay đã nghỉ làm việc, ông luôn noi gương Chủ tịch Hồ Chí Minh, tiếp bước nguyên Thủ tướng Phạm Văn  Đồng và các nhà lãnh đạo tiền bối, dành sự quan tâm sâu sắc đến tiếng Việt, ngôn ngữ các dân tộc thiểu số và ngoại ngữ.

Bài viết này như một nén tâm nhang thành kính của người viết nói riêng, của giới ngôn ngữ học nói chung để tưởng nhớ đến ông và tri ân những đóng góp của ông cho nền ngữ học nước nhà.

TỪ KHÓA: nguyên Phó thủ tướng Nguyễn Khánh; vấn đề ngôn ngữ ở Việt Nam; tiếng Việt; ngôn ngữ dân tộc thiểu số; ngoại ngữ.

1. Mở đầu

1.1. Cùng với quốc kì, quốc ca, ngôn ngữ quốc gia (quốc ngữ) là một trong ba chỉ tố, là biểu tượng cho một quốc gia độc lập, tự chủ, có chủ quyền. Vì thế, bất kì quốc gia nào, ngay sau khi giành được độc lập, một trong những “quốc gia đại sự” là xác định ngôn ngữ quốc gia. Việt Nam cũng vậy. Bản “Tuyên ngôn độc lập” bằng tiếng Việt được Chủ tịch Hồ chí Minh đọc trước toàn dân, vang lên giữa quảng trường Ba Đình ngày mồng 2/9/1945 là sự khẳng định vị thế ngôn ngữ quốc gia của tiếng Việt.

Có thể nói, Đảng và Nhà nước Việt Nam rất chú trọng tới vấn đề ngôn ngữ, có chính sách đúng đắn, phù hợp, xuyên suốt về ngôn ngữ và ở từng giai đoạn cụ thể của lịch sử, luôn đưa ra những chủ trương, theo đó là các biện pháp thực thi đối với vấn đề ngôn ngữ ở Việt Nam. Điều này đã được thể hiện trong “Đề cương văn hóa Việt Nam” năm 1943, trong Hiến pháp đầu tiên năm 1946 và được hiến định tại Khoản 3, Điều 5 của Hiến pháp năm 2013: “Ngôn ngữ quốc gia là tiếng Việt. Các dân tộc có quyền sử dụng tiếng nói, chữ viết, giữ gìn bản sắc dân tộc, phát huy phong tục, tập quán, truyền thống và văn hóa tốt đẹp của mình”.

Các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước luôn dành sự quan tâm thích đáng đến ngôn ngữ. Chủ tịch Hồ Chí Minh khi nói về văn hóa đã nhắc đến ngôn ngữ với tư cách một thành tố quan trọng của văn hóa: “Vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích của cuộc sống, loài người mới sáng tạo và phát minh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn học, nghệ thuật, những công cụ cho sinh hoạt hằng ngày về mặc, ăn, ở và các phương thức sử dụng. Toàn bộ những sáng tạo và phát minh đó tức là văn hóa. (…)”. [https://tulieuvankien.dangcongsan.vn/print/2522/van-de-van-hoa-trongtu-tuong-hochi-minh-ve-phat-trien-dat-nuoc ]. Người khẳng định: “Tiếng nói là thứ của cải vô cùng lâu đời và vô cùng quý báu của dân tộc. Chúng ta phải giữ gìn nó, quý trọng nó, làm cho nó phổ biến ngày càng rộng khắp” [Báo Nhân dân, số 3089, ra ngày 09 tháng 09 năm 1962]. Cùng với đó, Bác đã có nhiều bài viết về vấn đề sử dụng tiếng Việt, về chữ Quốc ngữ.

Noi gương Bác, nguyên Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã dành nhiều tâm huyết cho công cuộc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt. Cụm từ “Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt” do ông đề xuất gắn liền với ba bài nói chuyện quan trọng của ông: “Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt” (năm 1966). “Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt” (năm 1979), “Trở lại vấn đề: vì sự trong sáng và phát triển của tiếng Việt” (năm 1999). Tư tưởng chủ đạo trong ba bài viết là: “Khi chúng ta nói “giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt” thì chữ “giữ gìn” ấy bao hàm một ý nghĩa quan trọng là chúng ta không thể để mất đi một cái gì vô vùng quý báu, một cái gì khiến cho tiếng Việt là tiếng Việt, thứ tiếng mà cha ông ta đã xây dựng và đã bảo vệ trong lịch sử rất lâu đời của dân tộc. Nhưng nói như vậy không có ý chỉ nhìn về quá khứ; trái lại còn phải nhìn về tương lai […]. Cho nên, không thể nào cố chấp, bảo thủ được. […]. Đồng thời nếu phải chống bảo thủ và cố chấp, thì phải chống tuỳ tiện, chống cái khuynh hướng dễ dàng đổi mới, dễ dàng nhập vào tiếng Việt những cái không cần thiết, dễ dàng làm cho tiếng Việt mất đi cái bản sắc đẹp đẽ của nó, cái bản lĩnh quý báu của nó, tóm lại cái trong sáng cần giữ gìn nó” [Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, Nxb KHXH, 1981].

1.2. Trong bài viết này, chúng tôi muốn nói về nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Khánh, nhà lãnh đạo tiếp nối thế hệ cha ông, cũng đã dành nhiều tâm huyết cho ngôn ngữ-văn hóa Việt Nam.

Vào đầu năm 2010, Viện Ngôn ngữ học được giao thực hiện Nhiệm vụ cấp Bộ “Chính sách của Đảng và Nhà nước Việt Nam về ngôn ngữ qua các thời kì” và Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đã giao cho GS.TS Nguyễn Văn Khang lúc đó là Phó Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học, trực tiếp thực hiện. Để thực hiện Nhiệm vụ này, trong nhiều nội dung phải triển khai, chúng tôi thấy có một việc cần thiết là tham vấn ý kiến của các nhà quản lí, các chuyên gia. Người đầu tiên chúng tôi nghĩ đến là nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Khánh. Lí do là vì, chiều ngày 28/08/1997, ở cương vị Phó Thủ tướng (PTT), ông đã đến thăm và làm việc với Viện Ngôn ngữ học (20 Lý Thái Tổ, Hà Nội). Tại đây, ông đã thân mật nói chuyện với những người làm công việc ngôn ngữ học và nêu ra nhiều vấn đề xung quanh chính sách và thực thi chính sách của Đảng và Nhà nước về ngôn ngữ. PTT Nguyễn Khánh rất quan tâm đến tình hình ngôn ngữ và chữ viết ở Việt Nam. Nhấn mạnh tầm quan trọng trong việc nghiên cứu thực trạng ngôn ngữ và chữ viết hiện nay, PTT Nguyễn Khánh “lưu ý ngành ngôn ngữ học cần đi sâu hơn nữa vào việc điều tra nghiên cứu, cố gắng làm sáng tỏ các cơ sở khoa học để giải quyết thật tốt các vấn đề của thực tiễn ngôn ngữ và chữ viết tiếng Việt, đẩy mạnh công tác chuẩn hóa ngôn ngữ và chữ viết trong đời sống xã hội từ cán bộ cơ quan nhà nước, từ thầy và trò ở trường học đến toàn dân” [Tạp chí Ngôn ngữ và Đời sống, số 10.1997]. Sau khi liên hệ và được ông cho phép, chiều 20/05/2010, chúng tôi1 đến nhà riêng của ông. Ông thân mật tiếp chúng tôi. Sau khi nghe chúng tôi “đặt vấn đề”, ông đã cởi mở trao đổi mà theo cách nói của ông là “tôi phụ trách vấn đề này, chung thôi” và “ta nói chuyện lai rai”.

 2. Ý kiến của nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Khánh về  ngôn ngữ

Để đảm bảo tính trung thực và cũng để dễ theo dõi, chúng tôi sắp xếp lại những nội dung chủ yếu mà PTT Nguyễn Khánh nêu tra thành các mục lớn; còn từng nội dung cụ thể thì giữ nguyên lời PTT Nguyễn Khánh. Vì thế, cách xưng “tôi” dưới đây là lời của PTT Nguyễn Khánh và trong cách diễn đạt cũng phần nào mang tính khẩu ngữ của một buổi trò chuyện.

2.1. Những vấn đề về tiếng Việt

2.1.1.  Trong nhà trường vẫn nói ngọng/lẫn lộn n-l

Lúc là Phó Thủ tướng, tôi đi thăm một trường phổ thông (cấp 3), tôi thấy các cô giáo vẫn còn nói ngọng, kể cả cô hiệu trưởng. Hôm ấy, có Phó Thủ tướng đến thăm, các học sinh ra sân ngồi nghe nói chuyện. Các thầy cô giáo lên báo cáo mà vẫn còn nói ngọng. Sau đó, khi nói chuyện với các thầy cô giáo, tôi nói khéo léo thôi, các cô các cháu thì chuẩn về mọi thứ như các môn Toán, Văn, v.v. nhưng còn ngôn ngữ thì phát âm chưa đúng. Tôi có phàn nàn với lãnh đạo ngành giáo dục của tỉnh, để cho giáo viên khi đứng lớp nói ngọng là không chấp nhận được. Không phải chỉ giáo viên tiếng Việt đâu, giáo viên các môn khác nói ngọng cũng không thể được. Phải sửa, giáo viên nhất định phải sửa. Tôi nghĩ, cố gắng trong một năm là có thể bỏ được nói ngọng.

2.1.2. Về vị trí ngôn ngữ quốc gia của tiếng Việt

Thời kì tôi làm Phó Thủ tướng, ông Thủ tướng Võ Văn Kiệt có cái văn bản về bảo vệ vị trí của tiếng Việt. Còn tôi thì tôi muốn nói hơn quá mức là bảo vệ vị trí độc tôn của tiếng Việt trong sinh hoạt và giao dịch của người Việt Nam ở trong nước. Tôi nhớ hồi đó, tôi phụ trách vấn đề văn hóa dân tộc, khoa học đã ra một nghị định hướng dẫn về biển hiệu, tên đường phố, trong đó có nội dung về ngôn ngữ: có thể dùng tiếng nước ngoài, nhưng phải sau dòng chữ tiếng Việt và nhỏ hơn2. Phải bảo vệ tính độc tôn của tiếng Việt trong giao dịch của người Việt Nam ở trong nước. Nhưng bây giờ tôi thấy hơi lù bù rồi, báo chí cũng không phê phán gì cả. Ngay trong hoạt động của Đài truyền hình, phát thanh cũng vậy.

Kỉ niệm 120 năm ngày sinh của Bác Hồ, ông Phó Tổng Giám đốc UNESCO có bài phát biểu. Trong bài phát biểu đó, ông ấy nói một câu rất hay về Hồ Chủ tịch: Hồ Chủ tịch ngay từ hồi ở bên Pháp đã viết một bài báo ngắn nói là chống sự lạm dụng của tiếng Anh trong sinh hoạt của nước Pháp3. Cái đó là một chính sách rất là nhất quán và nếu nói về chính sách là phải nói rất rõ chỗ đó. Bởi vì sao, bởi vì là, mình phải tin vào tiếng Việt. Người Việt Nam phải thông thạo tiếng Việt hơn chứ, lợi cho sự giao dịch hơn cái thứ tiếng mà mình không thông thạo. Tiếng Việt bây giờ là ngôn ngữ có đủ tư cách là thứ tiếng có thể giao dịch được trong tất cả mọi lĩnh vực. Ngay sau Cách mạng tháng Tám, các trường đại học đã học bằng tiếng Việt.

Tôi khẳng định, đầu tiên là phải bảo vệ tiếng Việt ở vị trí độc tôn trong các ngôn ngữ mà người Việt Nam dùng trong sinh hoạt. Tiếp đây phải có thể chế nghiêm ngặt trong việc dùng tiếng nước ngoài trong giao dịch ở trong nước. Giao dịch dân dã thì không nói làm gì.

Biển hiệu bây giờ rất loạn. Tiếng Tây lại giả cầy, không ra Tây mà cũng chẳng ra ta.

Thứ nhất là phải bảo vệ tiếng Việt, làm cho tiếng Việt phải chuẩn hơn, bảo vệ sự trong sáng của tiếng Việt. Bảo vệ là một khía cạnh, còn một khía cạnh nữa là phải hoàn thiện nó. Tiếng Việt còn có những nhược điểm gì, trước mắt có thể khắc phục được thì khắc phục. Ý thức của người Việt Nam bảo vệ tiếng nói của mình, cũng giống như bảo vệ hải đảo, vùng đất, vùng trời Việt. Mà phải nói như thế này, đã là người Việt Nam là phải nắm được tiếng Việt, nói và viết tiếng Việt một cách chuẩn. Chứ không thể nói tôi là người Việt Nam nên tôi nói thế nào cũng được. Tất cả mọi người Việt Nam gọi là yêu nước là phải yêu tiếng Việt, nói tiếng Việt chuẩn hay ít nhất là tương đối chuẩn.

Thứ hai, một chính sách về tiếng Việt là phải giúp cho những nhà khoa học, những nhà giáo dục dạy và học tiếng Việt ở trong nhà trường một cách chuẩn mực. Xóa bỏ tình trạng nói ngọng. Lãnh đạo còn nhiều người cũng nói ngọng.

Tôi còn nhớ, năm 1941, khi học xong Tiểu học, về Hà Nội học thêm hè để chuẩn bị thi vào Trường Bưởi (Chu Văn An). Tôi trọ ở gần Ô Quan Chưởng, thuê một ông thầy dạy tiếng Pháp. Thầy này ngữ vựng rất giỏi nhưng lại nói ngọng nên tôi không học. Hồi đó, tôi chưa có ý thức như bây giờ, nhưng nói ngọng tôi cứ thấy buồn cười. Tiếng Pháp nói ngọng là tiếng Pháp không dùng, là tiếng Pháp hỏng. Đây không phải là chính sách mà là chủ trương Nhà nước phải có để các nhà khoa học, các nhà giáo dục giúp cho việc hoàn thiện tiếng Việt.

Thứ ba, tiếng Việt mình có những ưu điểm gì? Đặc sắc là cái gì? Tôi thấy, tiếng Việt nó có mấy cái hay sau: có logic hợp lí phù hợp, ngôn ngữ đơn lập, âm tiết tính; kết cấu ngữ pháp nhẹ nhàng mà lại chặt; chữ đặc sắc, được Latinh hóa. Chữ viết Latinh hóa là một thế mạnh khi phổ biến trên thế giới. Tôi có dự một cuộc hội thảo đánh giá về Alexan de Rhoes. Tôi đánh giá cao những người có công lao đó. Giả sử không có Alexan de Rhoes và các cộng sự, không có chữ Latinh thì học tiếng Việt thế nào? Phải hoàn thiện tiếng của nước mình như thế nào để người dân có thể sử dụng được và là tiếng Việt; chứ đừng để lai căng hóa đến mức thành dở tiếng Tây.

Một ưu điểm nữa của tiếng Việt là âm thanh có tính nhạc rất cao. Hàm lượng nhạc trong âm thanh tiếng Việt rất phong phú. Ngày xưa, khi tôi đi Festival thanh niên, có nhiều cô gái bảo người Việt nói như hát. Tiếng Việt mình rất mềm dẻo, phản ánh con người Việt Nam rất nguyên tắc nhưng mềm dẻo.

Thứ tư, nhiều vùng nói chuẩn, ngay Nghệ An cũng có nhiều nơi nói chuẩn, nói chuẩn hơn ở Hà Nội ở một số âm. Nghệ An và Nam Bộ phân biệt các âm trch. Phải cân nhắc liệu lấy tiếng Hà Nội là chuẩn có chắc đúng. Phải nghĩ tới vai trò của Việt Nam trên thế giới, tương lai của Việt Nam. Người học tiếng Việt sẽ ngày càng nhiều. Vì vậy, phải chuẩn hóa tiếng Việt. Điều này Chính phủ, nhiều đồng chí lãnh đạo đều biết cả, nhưng phải ra thành một cái thực thi trong cả nước, trong giáo dục và cưỡng chế hẳn hoi. Ví dụ, nói ngọng không cho làm thầy giáo, phải đi học thêm, chữa bệnh nói ngọng, chữa bệnh nói ngọng chỉ trong một năm là được thôi mà.

2.2. Về ngôn ngữ các dân tộc thiểu số ở Việt Nam

Quyền cơ bản của mỗi dân tộc về ngôn ngữ, dùng tiếng nói và chữ viết của dân tộc đó. Cái này thuộc về nguyên tắc, không phải bàn.

Quyền dân tộc tự quyết, dùng ngôn ngữ, chữ viết của mình trong sinh hoạt, giao tiếp. Nhưng quyền phải đi liền với tác dụng thực tế của chữ viết đó, của ngôn ngữ đó. Nên, đối với tiếng dân tộc phải tùy vào điều kiện: một là có thể dạy nó trong trường, hai là phải sử dụng nó; nên không phải chỉ học có một vài lớp là lại thôi. Cần xác định, trường học của ta, cấp nào trở xuống, ở đâu mới dạy các môn tiếng dân tộc. Cái này thì tôi thấy đúng: coi tiếng dân tộc thiểu số là một môn học trong nhà trường phổ thông; phải là một môn học như các môn học khác.

Dân tộc Việt Nam sống rất đan xen. Nên phải có ở tầm cao hơn để giải quyết vấn đề này.

Cái này về mặt chính trị mà nói, một mặt hết sức tôn trọng quyền sử dụng tiếng nói chữ viết của dân tộc đó; mặt nữa, điều kiện thực hiện cái đó và tác dụng thực hiện của nó thế nào. Cũng phải đề phòng lạm dụng, một dân tộc ở nhiều vùng mà mỗi vùng làm chữ viết khác nhau thì sự thống nhất thế nào? Phải xác định học như thế nào, học đến lớp nào thì thôi, học để làm cái gì? Sự phát triển của các dân tộc cũng phải hòa nhập, cũng phải phát triển rộng rãi thì mới đi lên được chứ.

2.3. Vai trò của ngoại ngữ (tiếng nước ngoài)

2.3.1. Sự cần thiết phải biết ngoại ngữ

Tôi thích ngôn ngữ. Tôi thích ngôn ngữ bởi lẽ tôi học tiếng Pháp và tôi thấy tiếng Pháp, trong đó, logic của tiếng Pháp ảnh hưởng nhiều đến hoạt động của mình. Cho nên tôi cho rằng, ngôn ngữ không phải chỉ là để dùng cho việc về ngôn ngữ, mà đó còn là vấn đề của trí tuệ, logic, tư duy của con người. Học ngôn ngữ, các thứ tiếng đều như vậy, giúp cho mình các suy nghĩ chặt chẽ trong tư duy, trong viết, trong giao tiếp.

Đầu những năm 80 (của thế kỉ 20-NVK), khi tôi phụ trách Văn phòng Trung ương Đảng, tôi đã bàn với anh em là học tiếng Anh. Nhờ Trường Sư phạm4 mở một lớp tiếng Anh cho cán bộ Trung ương Đảng. Anh em có người hỏi tôi “Học tiếng Anh để làm gì?”. Vì hồi đó sách báo tiếng Anh ít lắm, nên cũng có người cho rằng, chẳng cần phải học tiếng Anh. Nhưng tôi nghĩ thì rất cần vì liên quan đến giao dịch quốc tế. Còn tiếng Nga, tiếng Trung thì cũng đã khá ổn rồi: anh em đi học ở Trung Quốc về thì dùng tiếng Trung Quốc, học ở Nga về thì dùng tiếng Nga.

Bác Hồ biết nhiều ngôn ngữ, hiểu về ngôn ngữ. Không có ngoại ngữ thì không có khả năng về ngôn ngữ mấy đâu. Hồi tôi sang Liên Xô làm nghiên cứu sinh về Triết học (1961-1964). Đây là đoàn đầu tiên làm nghiên cứu sinh về Triết học. Tôi sang học ở Liên Xô thì học bằng tiếng Nga, có mang một ít sách tiếng Việt nhưng không ăn thua, vì học ở cỡ đó thì phải đọc bằng bản gốc. Mấy ông bà giáo sư Nga lại biết tiếng Pháp, mê tiếng Pháp. Lúc đó thế mạnh của tôi là tiếng Pháp. Vì thế, tôi vừa học tiếng Nga vừa học tập, trao đổi với các giáo sư bằng tiếng Pháp.

Khuyến khích học ngoại ngữ để từ việc hiểu biết, sử dụng ngoại ngữ mình học nâng tư duy mình lên. Ngôn ngữ có quan hệ mật thiết với tư duy. Học ngoại ngữ tốt để nâng tư duy mình mạch lạc hơn, rõ ràng hơn. Những người như Bác Hồ, Phạm Văn Đồng, Trường Chinh sử dụng ngôn ngữ rất chặt chẽ, chính xác vì đều biết ngoại ngữ.

2.3.2. Hội nhập quốc tế và vai trò của ngoại ngữ

Người Việt Nam với nhau thì dùng tiếng Việt là đúng rồi. Tuy nhiên, chúng ta cũng phải hết sức tranh thủ các giá trị từ các ngôn ngữ nước ngoài để bổ sung hoàn thiện cho tiếng Việt, thuận lợi cho sinh hoạt làm ăn, kinh tế xã hội. Người Việt Nam yêu đất nước Việt Nam, người Việt Nam yêu cả trái đất. Ít nhất người Việt Nam là một con người, cái nhân văn là con người. Người Việt Nam yêu tiếng Việt nhưng người Việt Nam cũng tôn trọng mọi thứ tiếng trên thế giới. Lịch sử Việt Nam là lịch sử có truyền thống văn hóa lâu đời.

Tôi đã đi hơn 50 nước, tôi thấy được nhiều cái hay ở người ta như lịch sử, di tích, di sản rất ghê gớm. Thành ra, chúng ta phải có thái độ rõ ràng, phải có chính sách khuyến khích học ngoại ngữ. Học ngoại ngữ phải thành một chính sách hẳn hoi. Không được bài bác theo kiểu lúc này thì bỏ ngoại ngữ này, lúc khác lại bỏ ngoại ngữ khác.

Nói là hội nhập quốc tế trước hết là hội nhập văn hóa, trong đó có ngôn ngữ. Ngôn ngữ là công cụ cho hội nhập. Ngôn ngữ nào cũng có đặc sắc riêng. Ngôn ngữ là phương tiện, là cỗ xe chở tri thức. Tôi dùng cỗ xe nào để chở được tri thức đến với tôi là được. Có thêm ngoại ngữ để tải thêm tri thức thế giới. Cho nên, không nên quá áp đặt bắt buộc phải học ngôn ngữ này mà không phải là ngôn ngữ khác.

Tiếng Anh trở thành một ngôn ngữ ưu tiên là hoàn toàn đúng. Chính phủ thời gian gần đây có ra một Nghị định về việc học ngoại ngữ, có chương trình 7 năm học ngoại ngữ ở trường phổ thông, từ lớp 3 đến lớp 12; đến cao đẳng, đại học thì tiếng Anh phải đạt mức nào. Đây là một chính sách đúng, tôi ủng hộ.

Tiếng Anh là ngôn ngữ số 1. Các trường phải chuẩn bị các điều kiện để dạy tiếng Anh.

Tuy nhiên, Bộ Giáo dục nên cân nhắc thêm các quy định trình độ tiếng Anh và các ngoại ngữ ở bậc Thạc sĩ, Tiến sĩ, xét học hàm Phó Giáo sư, Giáo sư. Một tiến sĩ là phải biết 2 ngoại ngữ với tiếng mẹ đẻ nữa là 3, bất kể là tiến sĩ gì. Nếu tiến sĩ ra nước ngoài mà không giao tiếp được thì khó chấp nhận. Tuy nhiên, cần nhớ là không được “Anh hóa”. Bác Hồ nói rất đúng, không khéo là “Anh hóa” đấy.

Cũng cần phải khắc phục tình trạng sử dụng ngoại ngữ một cách vô lối. Nhưng, ngược lại cũng không cường điệu ở mức vô lối. Phải chú trọng đến chất lượng dạy và học. Khi tôi ở Liên Xô (Nga) tôi thấy nhiều ông tốt nghiệp đại học tiếng Nga nhưng ra chợ, cửa hàng có dùng được tiếng Nga để mua hàng đâu; vì chỉ ngồi trong nhà học, mọt sách ấy mà. 

3.  Vấn đề Quản lí nhà nước về ngôn ngữ

1) Bộ Giáo dục cần phải chuẩn bị cho Chính phủ các quy định đối với tiếng Việt. Thậm chí phải là Quốc hội, phải có luật về ngôn ngữ, chứ không phải có một chính phủ nào có quyền thay đổi ngôn ngữ được. Ngôn ngữ thuộc về khoa học, cho nên ngay cả ông thủ tướng không thể thích thay đổi ngôn ngữ là thay đổi được mà phải có luật, có các quy định sử dụng. Hiện tiếng Việt sử dụng rất lộn xộn ở vấn đề chữ hoa, rồi tên riêng có gạch ngang hay không gạch ngang. Ngôn ngữ trên báo chí cũng rất lộn xộn, kể cả trên các văn bản khác.

 Phải hoàn thiện ngôn ngữ tiếng Việt. Nhưng bao giờ hoàn thiện và hoàn thiện như thế nào thì phải có mục tiêu. Phải đưa ra được nhược điểm để giải quyết. Khi đã có chuẩn thì tất cả mọi người Việt Nam yêu nước phải học tiếng Việt; nghe, nói, đọc, viết phải chuẩn. Bắt buộc các cháu ở trường học phải nói tiếng Việt chuẩn thì mới cho thi đỗ được.

2) Nhà nước cần xem xét và có quy định: phạm vi dùng ngôn ngữ thiểu số đến mức nào; trong những loại công việc gì thì phải dùng và được dùng. Phải có cái chuẩn, cái quy định rõ ràng.

3) Ngôn ngữ là vấn đề khoa học, vì thế, không cho phép hành chính hóa trong việc quyết định một vấn đề khoa học. Vấn đề này phải do Hội đồng khoa học có ý  kiến. Ví dụ, vấn đề chữ viết tiếng Việt, chữ viết hoa, vấn đề phiên âm chữ nước ngoài, chữ viết các dân tộc thiểu số, v.v. Quyền xem xét các vấn đề khoa học là của giới khoa học; mà không phải của chỉ một viện khoa học, nếu cần phải có cả một hội đồng khoa học.

Ví dụ, gần đây có chuyện là, có một ông ở Hội Người cao tuổi đã giới thiệu tôi với một ông đang đi tìm lại chữ Việt cổ. Ông ấy làm công phu lắm. Nhưng, khi phát biểu tôi có nói, tôi rất thích đề tài này, nhưng nói thực việc này phải chuyển cho cơ quan khoa học. Hội Người cao tuổi làm sao quyết định được vấn đề về chữ cổ. Vì thế, không được tước đi cái quyền giải quyết những vấn đề về ngôn ngữ của các cơ quan, tổ chức về ngôn ngữ.

Vấn đề ngôn ngữ rất hay. Rất nhiều vấn đề về ngôn ngữ liên quan đến các cơ quan thẩm quyền, nên các cơ quan thẩm quyền cần làm đúng theo thẩm quyền và không nên bỏ thẩm quyền đó mà không làm.

4. Kết luận

Có thể nói, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Khánh là người rất tâm huyết với ngôn ngữ. Ông đặc biệt quan tâm đến ngôn ngữ quốc gia tiếng Việt. Những trăn trở của ông từ hơn mười năm trước về các vấn đề như chuẩn hóa tiếng Việt, vay mượn từ ngữ nước ngoài trong tiếng Việt, tiếng Việt trong nhà trường, tiếng Việt trên các phương tiện thông tin đại chúng, tiếng Việt trong đời sống xã hội, v.v. cho đến nay vẫn là những vấn đề thời sự của tiếng Việt nói riêng, của các ngôn ngữ ở Việt Nam nói chung. Chúng tôi đã nhiều lần định đăng tải ý kiến của ông nhưng lại đắn đo vì nhớ lời của ông “chỉ nói chuyện thôi nhé” nên rồi lại thôi. Nay ông vừa đi xa, chúng tôi xin được đăng toàn bộ nội dung này như là nén tâm nhang của chúng tôi nói riêng, giới ngôn ngữ học Việt Nam nói chung để tưởng nhớ và tri ân ông với mong muốn những ý kiến tâm huyết của ông về các vấn đề ngôn ngữ ở Việt Nam sẽ từng bước được giải quyết.

Chú thích:

1 Chúng tôi gồm: GS.TS Nguyễn Văn Khang, PGS.TS Nguyễn Hoàng Anh (Chủ nhiệm Khoa Ngôn ngữ văn hóa Trung Quốc, cháu của PTT), TS. Nguyễn Thị Ly Na (Viện Ngôn ngữ học; lúc đó là ThS-NCS).

2 Nghị định số 194-CP ngày 31/12/1994 về hoạt động quảng cáo trên lãnh thổ Việt Nam có điều khoản về ngôn ngữ như sau: “Tiếng nói và chữ viết trong quảng cáo phải là tiếng nói và chữ viết Việt Nam, trừ các trường hợp: a) Những sách báo, ấn phẩm được phép xuất bản bằng tiếng nước ngoài; b) Những chương trình phát thanh, truyền hình bằng tiếng nước ngoài; c) Những nhãn hiệu hàng hoá viết tắt và viết bằng tiếng nước ngoài. Tên giao dịch quốc tế của các cơ sở sản xuất-kinh doanh-dịch vụ đã được các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép. Những từ ngữ đã được quốc tế hoá hoặc những từ ngữ mà tiếng Việt không thay thế được; d) Nếu dùng cả tiếng nói và chữ viết nước ngoài phải: Viết chữ Việt Nam trước, phía trên, kích thước lớn hơn chữ nước ngoài. Đọc tiếng Việt Nam trước, tiếng nước ngoài sau”.

3Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã đề cập đến vấn đề sử dụng từ ngữ nước ngoài trong tiếng Việt: “Tiếng ta còn thiếu  nên nhiều lúc phải mượn tiếng nước ngoài, nhất là tiếng Trung Quốc. Nhưng phải có chừng mực. Tiếng nào ta sẵn có thì dùng tiếng ta. (…). Chúng ta không chống mượn tiếng ngoại quốc để làm cho tiếng ta đầy đủ thêm. Nhưng chúng ta phải chống cách mượn không phải lối, mượn đến nỗi bỏ cả tiếng ta, đến nỗi quần chúng không hiểu” [Chống thói ba hoa, 1947, tập 5, tr.301,302,303].4Trường Đại học Sư phạm Ngoại ngữ; nay là Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội.

TÀI LIỆU THAM KHẢO CHÍNH

I

  1. Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, 2002.
  2.  Đề cương văn hoá Việt Nam (1943 của T.Ư), Văn kiện Đảng 1930-1945. Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng Trung ương xuất bản, Hà Nội, 1977, tIII, tr.363-368 [https://backancity.gov.vn/wp-content/uploads/2023/02/DE-CUONG-VAN-HOA-1943.pdf].
  3.  Phạm Văn Đồng (1966), Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt. Tạp chí “Học tập”, số 4.
  4.  Phạm Văn Đồng (1979), Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, in trong “Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt về mặt từ ngữ”, tập I. Nxb Khoa học xã hội.
  5.  Phạm Văn Đồng (1999), “Trở lại vấn đề : vì sự trong sáng và phát triển của tiếng Việt”. Tạp chí Ngôn ngữ, số 6.

II

  • Nguyễn Văn Khang (2008),  “Học tập tấm g­ương sử dụng ngôn ngữ của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Giữ gìn, phát triển nét đẹp truyền thống và hiện đại của ngôn ngữ văn hóa Thủ đô”. Tạp chí Ngôn ngữ, số 5.
  • Nguyễn Văn Khang (2016),  “Giữ gìn sự trong sáng của tiếng việt: 50 năm nhìn lại và những vấn đề đặt ra”. Tạp chí Ngôn ngữ và Đời sống, số 6, tr.1-11.
  •  Nguyễn Văn Khang (2014), Chính sách ngôn ngữ  và lập pháp ngôn ngữ ở Việt Nam. Nxb Khoa học Xã hội.

 NGUỒN TƯ LIỆU
Băng ghi âm buổi  trò chuyện của nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Khánh (tư liệu cá nhân).
Former Deputy Prime Minister Nguyen Khanh with language problems in Vietnam

Abstract: The article introduces the opinion of former Secretary of the Party Central Committee, former Deputy Prime Minister Nguyen Khanh on language issues in Vietnam. Whether in office or retired, he always followed the example of President Ho Chi Minh, followed in the footsteps of former Prime Minister Pham Van Dong and senior leaders, paid deep attention to Vietnamese,  languages ​​of ethnic minorities and foreign languages ​​in Vietnam.

This article is like a tribute to the writer in particular, and of the linguist community in general, to remember him and appreciate his contributions to the country’s linguistics.

Key words: former Deputy Prime Minister Nguyen Khanh; language issues in Vietnam; Vietnamese; languages ​​of ethnic minorities; foreign languages.