Đặc điểm ngữ dụng của đại từ nhân xưng “anata” trong tiếng Nhật

HOÀNG ANH THI* – HỨA NGỌC TÂN**
* PGS.TS; Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội; Cố vấn chuyên môn Trường Đại học Đại Nam; Email: giadinhthi@gmail.com
** Trường Đại học Đại Nam; Email: tanhn@dainam.edu.vn

TÓM TẮT:Trong giao tiếp ngôn ngữ, đại từ nhân xưng là bộ phận quan trọng đầu tiên, bởi vì không thể có giao tiếp mà không có xưng hô. Tiếng Nhật có hệ thống xưng hô khá phức tạp, do sự đa dạng về kiểu loại, phong phú về sắc thái biểu cảm. Đó là vì trong tiếng Nhật tồn tại tới 4 kiểu phương tiện, là đại từ phương vị, đại từ nhân xưng, từ chỉ quan hệ thân tộc, từ chỉ chức vụ, trong đó 2 kiểu đầu là đại từ chân chính, 2 kiểu sau là đại từ chuyển hóa. Khác với từ thân tộc, hay từ chỉ chức vụ có chỉ xuất và biểu đạt liên nhân xác định, đại từ nhân xưng tiếng Nhật có chỉ xuất luân phiên, có biểu cảm rất đa dạng, và điều này cũng gây khó cho người nước ngoài học tiếng Nhật cũng như việc dịch thuật Nhật-Việt, Việt-Nhật.

Căn cứ trên đặc trưng giao tiếp của người Nhật, là rất chú trọng Aite 相手– người đối thoại, chúng tôi cho rằng, so với ngôi thứ nhất, ngôi thứ hai được cân nhắc lựa chọn kĩ hơn. Là trung tâm trong các đại từ ngôi thứ hai, nhưng Anata lại có nghĩa ngữ dụng khá phức tạp, với biên độ biểu thái rộng, thậm chí trái ngược nhau, gây khó không ít cho người học. Trong bài viết này, chúng tôi phân tích đặc điểm ngữ dụng của đại từ Anata, góp phần lí giải tính đa diện của đại từ này. Phương pháp nghiên cứu áp dụng trong bài là khảo sát, phân tích diễn ngôn bản gốc và đối chiếu bản dịch tác phẩm văn học Nhật Bản và Việt Nam.

TỪ KHÓA: tiếng Nhật; đại từ nhân xưng; Anata; trung tính; tiêu cực; tích cực.

NHẬN BÀI: 8/6/2022.             BIÊN TẬP-CHỈNH SỬA-DUYỆT ĐĂNG: 17/8/2022
(Bài đăng trên Tạp chí số 8(329)-2022, tr.65-72)

1. Về đại từ “Anata” trong tiếng Nhật

1.1. Khái niệm về “Anata”

Đại từ điển Kojien định nghĩa đại từ ngôi thứ hai như sau: “Là đại từ nhân xưng chỉ người đối thoại, hoặc nhóm bao gồm người đối thoại, chẳng hạn kimi, anatagata” (Kojien, 1997, tr.2036). Đại từ nhân xưng có chức năng chỉ xuất và tồn tại trong mọi ngôn ngữ, nhưng đặc điểm ngữ dụng chúng không hoàn toàn giống nhau giữa các ngôn ngữ. Không như tiếng Anh nói riêng, các ngôn ngữ Ấn Âu nói chung, đại từ ngôi thứ hai trong tiếng Nhật không chỉ có một từ, mà là một hệ thống bao gồm anata (anta, anatagata), kimi, kisama, omae/temae (như từ điển đã chỉ ra). Mỗi đại từ được lựa chọn sử dụng theo các bối cảnh khác nhau, thể hiện quan hệ liên nhân giữa người giao tiếp.

Trong các đại từ ngôi thứ hai của tiếng Nhật, Anata được coi là từ trung tâm, thông dụng nhất, nhưng định nghĩa và quan niệm về nó lại thiếu thống nhất, thậm chí khá mâu thuẫn. Chưa cần đến sự so sánh giữa các định nghĩa, mà ngay trong một định nghĩa cũng bộc lộ mâu thuẫn này: “Anata là đại từ nhân xưng chỉ người đối thoại. Là đại từ ngôi thứ hai thông dụng nhất, đối ứng với ngôi thứ nhất Watashi, nhưng không được sử dụng nhiều như “You” trong tiếng Anh, mà bị hạn chế bởi bối cảnh sử dụng và người đối thoại” (Morita Yoshiyuki, 1999, tr.66). Có thể chỉ ra sự mâu thuẫn nằm ở những chỗ được in nghiêng: thông dụng, nhưng lại không được sử dụng nhiều, mà bị hạn chế.

Cũng theo từ điển Kiso Nihongo Jiten, cần phân loại cách dùng Anata theo mối quan hệ với người đối thoại, tức là người đối thoại có mối quan hệ nhất định nào đó hay không. Nếu có quan hệ nào đó, Anata sẽ được thay thế bằng danh xưng chỉ người đối thoại, chẳng hạn là Sensei 先生 (thầy cô), Kachou 課長 (trưởng phòng),…Ngay cả trường hợp người đối thoại không có danh xưng đặc biệt, nhưng vẫn là những nhân vật có mối quan hệ (gia đình hay xã hội) thì cách xưng hô được ưu tiên hơn Anata là cách gọi tên họ kết hợp với hậu tố “-san”. Trường hợp thứ hai, người đối thoại không có mối quan hệ nào, chẳng hạn người qua đường, hoặc sử dụng trong ngôn ngữ quảng cáo… thì mới sử dụng Anata (Morita Yoshiyuki, 1999, tr.66-68).

Từ điển Kiso Nihongo Jiten nói trên là từ điển giải thích ngôn ngữ Nhật, do đó cách giải thích của từ điển này bao gồm cả đặc điểm ngữ pháp, ngữ nghĩa, lẫn đặc điểm ngữ dụng như trên. Trong cách giải thích này, cần đặc biệt lưu ý sự phân biệt 2 trường hợp “không dùng” (những người vốn có mối quan hệ nhất định – được gọi là có quan hệ liên nhân), và “dùng” (những người không có mối quan hệ nào – được gọi là không có quan hệ liên nhân). Đây là điểm mấu chốt để lí giải đặc điểm ngữ dụng của Anata, chỉ ra quy tắc giúp người học hiểu bản chất của nó, không còn phấp phỏng liệu mình dùng Anata có thất lễ không, người phiên dịch cũng có thể tham khảo khi lựa chọn dùng hay không dùng. Bài viết của chúng tôi cũng dựa trên sự phân biệt này để phân tích, khảo sát và mô tả.

1.2. Một số nghiên cứu về “Anata” Những nghiên cứu về Anata đã có từ lâu. Theo bài tổng quan của Shimotani Maki 下谷麻記, đại từ này vốn dĩ là từ chỉ không gian mang nghĩa là “phía kia” (trong sự đối ứng với Konata là “phía này”), được ngữ pháp hóa trở thành đại từ nhân xưng. Cũng theo học giả này, Anata từ chỗ là đại từ chỉ người đối thoại với sắc thái tôn kính thì hiện nay đã mất đi sắc thái này, từ thời điểm công bố cuốn “礼法要項” (“Hướng dẫn phép tắc”, 1941), trong đó có viết, đại từ này chỉ nên dùng với người ngang hàng… (Shimotani Maki, 2012). Bên cạnh đó, các học giả khác (như Ouhashi 大高, 1999; Yokotani và Hasekawa 横谷・長谷川, 2010) đã đặt Anata trong hệ thống các phương tiện xưng hô nói chung để mô tả. Hệ thống này gồm có, đại từ nhân xưng các ngôi, từ thân tộc và trong giao tiếp công việc còn có thêm các từ chỉ chức vụ, vị trí công việc,…mà sự lựa chọn phương tiện nào là tùy theo quan hệ trên dưới, thân sơ. Các học giả này cũng khẳng định, so với các đại từ ngôi thứ hai khác, như Temee, Kisama, Anta, thì Anata lịch sự hơn (dẫn theo Shimotani Maki, 2012).

Shimotani cũng tiến hành điều tra và mô tả chi tiết đặc điểm ngữ dụng của Anata. Chúng tôi đặc biệt chú ý đến nhận xét của học giả này về việc sử dụng Anata trong mối quan hệ bình đẳng, tức là giữa nam và nữ trong mối quan hệ yêu đương, trong đó, Anata xuất hiện trong cuộc cãi vã và cũng xuất hiện trong giao tiếp vợ chồng, nhưng với tần số cực kì thấp. 

Có thể nói, theo Shimotani, Anata có thể được sử dụng một cách khách quan, tách khỏi vị thế, cảm xúc, thái độ (trong giao tiếp công quyền, trong phỏng vấn,…), và ngược lại, nó cũng có thể được sử dụng như một cách thể hiện khoảng cách gần xa (mà theo học giả này là tạo khoảng cách xa) (Shimotani, 2012).

Tương tự Shimotani Maki, Yonezawa Youko cũng có tổng quan nghiên cứu về Anata, đồng thời tiến hành điều tra tình hình sử dụng Anata, từ đó đưa ra nhận xét là: có người cho rằng Anata mang tính chính thức (formal), trong khi có người cho rằng dùng Anata là thiếu lễ độ. Dựa trên kết quả khảo sát của mình, học giả này đi đến kết luận, sở dĩ Anata ít sử dụng là vì, nó không bộc lộ quan hệ liên nhân – vốn là nhân tố không thể thiếu trong giao tiếp như trong tiếng Nhật. Do đó, cũng như từ điển nói trên, theo học giả này, Anata (hiện nay) hầu hết được sử dụng trong những trường hợp trung tính, tức là không có, không cần bộc lộ quan hệ liên nhân, sử dụng giữa người nói và người nghe thuần túy chỉ như là đại từ nhân xưng mà thôi, không hàm chứa bất kì yếu tố xã hội nào (chẳng hạn như trong phiếu điều tra, trên phát thanh truyền hình đại chúng,…) (Yonezawa Youko, 2016).

Như đã biết, ngôn ngữ luôn biến đổi dưới tác động của các yếu tố văn hóa, xã hội, cho nên, có thể quá trình biến đổi của đại từ Anata, cũng như mọi hiện tượng ngôn ngữ nói chung, vẫn đang tiếp tục. Thông qua tổng quan cũng như kết quả khảo sát của hai học giả, bước đầu có thể nhận định, cách sử dụng của Anata là có căn cứ, có quy tắc, không đơn giản chỉ là sự sử dụng lộn xộn cảm tính. Đó là căn cứ trên sự tồn tại “có/ không” mối quan hệ với đối tác cụ thể (“Tokutei no aite 特定の相手”, theo cách gọi của Kiso Nihongo Jiten), hoặc theo nhận thức quan hệ (“Wakimae”) theo cách gọi của Ide Sachiko (dẫn theo Yonezawa, 2016).

Các điều tra thực tế của Shimotani và Yonezawa rất chi tiết, khách quan, với đối tượng và bối cảnh đa dạng. Tuy nhiên, các điều tra này bộc lộ một số điểm theo chúng tôi là chưa hợp lí, được trình bày trong mục đánh giá sau đây.

1.3. Đánh giá

Thứ nhất, các học giả cho rằng, Anata rất hiếm khi xuất hiện trong giao tiếp thực tế. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là, có phải chỉ Anata ít xuất hiện, hay là các đại từ ngôi hai nói chung ít xuất hiện (hay thậm chí, toàn bộ đại từ nhân xưng đều ít xuất hiện),… thì chưa thể khẳng định, bởi lẽ, điều tra của hai học giả này chưa tham chiếu với các đại từ ngôi hai khác. Việc ít xuất hiện của đại từ ngôi thứ hai nói riêng (và các đại từ nói chung) rất có thể là xuất phát từ đặc thù của tiếng Nhật, các hình thức ngôn ngữ khác như các dạng thức kính ngữ, hay dạng thức lịch sự có thể thay thế cho đại từ.  Ví dụ, trong phát ngôn: “Oshatta touri-ni shimasu (おっしゃった通りにします)” (“Tôi sẽ làm theo lời anh nói”) không xuất hiện một đại từ nào, cả ngôi thứ nhất và ngôi thứ hai như chúng vẫn xuất hiện trong phát ngôn tương ứng ở các ngôn ngữ khác. Lí do phát ngôn này khuyết đại từ nhân xưng (thực chất là đại từ ẩn), nhờ động từ kính ngữ (dạng quá khứ) “Oshatta” luôn dùng để chỉ hành động của đối tác giao tiếp, và đây là đặc thù của tiếng Nhật.

Thêm vào đó, mặc dù đã chỉ ra, Anata “là ngôi thứ hai khách quan, không liên quan tới vị thế trên dưới, hoặc quan hệ thân sơ”, nhưng trong khảo sát của mình, học giả Shimotani gộp chung 3 loại sau vào cùng một nhóm: 1) Anata trong giao tiếp tự nhiên; 2) Anata trong phỏng vấn; 3) Anata trong diễn giảng. Theo chúng tôi, ba loại bối cảnh này khác nhau, khó có thể gộp chung mà cho ra được kết quả xác đáng, thuyết phục. Trong 3 bối cảnh, bối cảnh (1) bao hàm cả những giao tiếp có liên nhân chứ không đơn thuần là khách quan, do đó cần phải được tách riêng khỏi hai bối cảnh còn lại, mà lí do sẽ được phân tích ở mục 3 của bài viết. Như vậy, trước hết cần phân chia bối cảnh ngữ dụng theo tính chất giao tiếp, có hay không có quan hệ liên nhân giữa các nhân vật, từ đó tách ra khảo sát riêng giao tiếp có quan hệ liên nhân, vì đây mới là chỗ Anata bộc lộ những mâu thuẫn trong đặc điểm ngữ dụng.

Thứ hai, cũng về việc điều tra, ở một phía khác, cách làm của Yonezawa lại có điểm chưa hợp lí. Một phần điều tra của Yonezawa là nhằm tìm xem Anata được sử dụng thế nào giữa những người được coi là vị thế tương đồng, phân ra theo độ tuổi. Thế nhưng, điều tra này lại chưa tách riêng cách xưng hô trong mối quan hệ đặc thù, là các đôi lứa, đặc biệt là tập trung vào sử dụng của phái nữ gọi phái nam, mà trộn chung vào một nhóm với tất cả các mối quan hệ khác. Như vậy cũng khó có thể phát hiện khác biệt của Anata trong quan hệ đặc thù này.

Thứ ba, liên quan đến điểm thứ hai ở trên, (mà mô tả khảo sát của Yonezawa đã cho thấy), một số người trả lời phỏng vấn giải thích lí do họ “ngại” dùng Anata vì cảm thấy thân mật gần gũi quá! Tuy nhiên, thật tiếc là điều này chưa được bàn kĩ trong tổng quan các học giả đi trước, và cả trong chính khảo sát của Yonezawa. Thứ tư, giống như điểm thứ ba nêu trên, có một vấn đề nữa được nhắc tới, nhưng còn bỏ ngỏ trong nghiên cứu của hai học giả, và cũng không được đào sâu trong phần tổng quan. Đó là nhận xét Anata do phái nữ dùng để gọi phái nam trong quan hệ lứa đôi, là một cách nhấn mạnh nữ tính”. Vô hình trung, các học giả công nhận việc có sử dụng Anata trong mối quan hệ của các cặp đôi nam nữ, nhưng vấn đề ngôn ngữ – văn hóa này lại chỉ được nhắc thoáng qua. 

2. Nghĩa ngữ dụng của “Anata”

Đi tìm giải đáp cho những thắc mắc về đại từ Anata, chúng tôi tiến hành khảo sát tác phẩm văn học ở cả hai ngôn ngữ, đó là bản gốc của 2 tác phẩm văn học cùng 2 bản dịch, và 1 bộ phim truyền hình Nhật. Điều khác biệt so với những khảo sát trước là chúng tôi khảo sát 2 chiều chuyển dịch: dịch Nhật Việt và dịch Việt Nhật. Cũng cần phải nói thêm rằng, mặc dù có quan niệm cho rằng ngôn ngữ thoại trong phim (hoặc tác phẩm văn học) là không phải là ngôn ngữ tự nhiên mà là ngôn ngữ theo kịch bản, đã được hư cấu (như quan niệm của Shimotani ở trên), nhưng phía ngược lại, cũng có quan niệm cho rằng có thể sử dụng ngôn bản phim như hình mẫu của ngôn ngữ tự nhiên, chẳng hạn như Jeon Hyong-Ju (2003), Alena Kacmarova (2014),… Chúng tôi theo quan điểm này, chấp nhận sử dụng ngữ liệu hội thoại trong tác phẩm văn học, hay phim ảnh. Theo chúng tôi, ngôn ngữ hội thoại trong phim, truyện phải theo kịch bản, theo ý đồ của tác giả là điều đương nhiên, nhưng đó không phải là phiên bản “ảo” không có thực, không đáng xem xét. Bởi lẽ, văn học, hay phim ảnh được sáng tác để đưa đến độc giả hay khán giả, cho nên không thể có một phiên bản ngôn ngữ tách biệt quá xa hiện thực cuộc sống, lời thoại sống sượng, gượng ép.

Với quan điểm chấp nhận như nêu trên, chúng tôi tiến hành khảo sát cả ở tác phẩm văn học, cả trong phim truyền hình, với tính chất khảo sát là có định hướng, xem xét sự xuất hiện, đặc điểm ngữ dụng của Anata trong hội thoại.

Tuy nhiên, chúng tôi giới hạn phạm vi khảo sát ở giao tiếp cá nhân (informal) giữa các nhân vật có quan hệ liên nhân nhất định (gia đình, đồng nghiệp, bạn bè,…). Khảo sát tập trung vào mặt định tính, do đó, chúng tôi không chủ trương thống kê con số (việc này sẽ được thực hiện vào dịp khác), nhằm trả lời các  câu hỏi như: 1) Có hay không việc sử dụng Anata trong mối quan hệ liên nhân (vốn được cho là không dùng Anata)?; 2) Nếu có thì bối cảnh sử dụng có đặc điểm gì?; 3/ Đặc điểm ngữ dụng của Anata trong bối cảnh đó. Phạm vi khảo sát gồm: Tác phẩm tiếng Nhật: Wagahai wa nekodearu của Natsume Soseki, với bản dịch Tôi là con mèo (dịch giả Bùi Thị Loan). Bản dịch Natsuno Ame (dịch giả Kato Sakae) từ tác phẩm Mưa mùa hạ của Ma Văn Kháng. Đặc biệt, chúng tôi cũng khảo sát bộ phim truyền hình Nhật Bản mới lên sóng năm 2021 “Omameda Towako to Sannin no Moto Otto” (Ba người chồng cũ của tôi).

Kết quả khảo sát cho thấy: Có việc sử dụng Anata trong các tác phẩm, trong phim truyền hình Nhật, và trong bản dịch ngược Việt-Nhật (trong 10 tập bộ phim truyền hình, tần suất sử dụng Anata không phải là ít); Bối cảnh sử dụng giữa các nhân vật có quan hệ liên nhân (giữa đồng nghiệp, bố mẹ – con, giữa bạn trai – bạn gái (cả 2 chiều, nữ -> nam, và nam -> nữ); Đặc điểm ngữ dụng theo 3 sắc thái: trung tính, tiêu cực, tích cực.

2.1. “Anata” với nghĩa biểu thái trung tính

Theo quy tắc xã hội, vị thế trên dưới trong xã hội Nhật Bản gần như áp đặt mọi hành động xưng hô. Hễ xưng hô là phải xác lập mối quan hệ liên nhân về vị thế trên – dưới, khoảng cách xa – gần. Do Anata không thực hiện chức năng chỉ ra vị thế trên dưới, nó chỉ có thể sử dụng giữa những người có vị thế ngang nhau, hoặc nhân vật vị thế cao gọi nhân vật vị thế thấp. Thông qua khảo sát tác phẩm, chúng tôi nhận thấy, giữa những người đồng lứa là bạn bè hay đồng nghiệp, đại từ này không phổ biến. Thay vào đó, người ta thường dùng từ chỉ chức vụ, vị trí công việc, hoặc gọi tên họ của người đối thoại, đúng như kết quả khảo sát của Yonezawa. Điều này là hoàn toàn dễ hiểu, vì trong giao tiếp giữa các nhân vật có quan hệ liên nhân, nguyên tắc xưng hô là phải chỉ ra mối quan hệ đó.

Tuy nhiên, cần phải nói thêm trong bối cảnh này, Anata vẫn được sử dụng, mang tính chất trung tính nếu theo chiều thuận từ trên xuống, và nhất quán, ổn định, không phân biệt giới tính. Như đã nêu trên, đây là Anata không được đánh dấu. Ví dụ:

Giám đốc nói với nhân viên trong phát ngôn sau.

PN1: “Anata no iken-de imamade doredake tazukete kitaka”「あなたの意見で今までどれだけ助けてきたか」( đã giúp tôi nhiều lắm qua ý kiến của cô).  (Tập 9 phim truyền hình Omameda Towako to sannin no moto otto)

Ngược lại, nếu Anata theo chiều nghịch, từ nhân vật vị thế thấp lên nhân vật vị thế cao, hoặc thay thế xưng hô ổn định bằng Anata giữa các nhân vật ngang hàng, thì đây là sự đánh dấu một thái độ đặc biệt, theo chiều hướng xấu, như mô tả ở mục tiếp theo sau đây.

2.2. Anata với nghĩa biểu thái tiêu cực

Chúng tôi gọi đây là trường hợp Anata được đánh dấu, tức là giữa các nhân vật có quan hệ liên nhân, bình thường đang xưng hô với nhau bằng các phương tiện khác, khi có cãi cọ, hay bất mãn mà chuyển sang sử dụng đại từ này, có nghĩa là phủ nhận quan hệ liên nhân vốn có, có thể coi là biểu hiện gia tăng khoảng cách như người không thân quen (ít nhất tại thời điểm đó). Anata lúc này có nghĩa biểu thái tiêu cực.

Trong tiểu thuyết “Mưa mùa hạ”, nhân vật chính diện là Trọng, xung quanh là một số đồng nghiệp cùng phòng, trong đó có Hưng – nhân vật phản diện. Bản dịch sang tiếng Nhật thể hiện xưng hô của Trọng đối với Hưng lúc bình thường là “Fun-sanフンさん”, nhưng khi cãi nhau (vào thời điểm Hưng đã được cất nhắc lên quyền trưởng phòng, tức là cấp trên của Trọng), cách xưng hô này đã được thay thế bằng Anata như trong phát ngôn dịch sau đây.

PN2’: 「あなたには僕をどなりつける資格などない」(Bản dịch “Natsu no Ame”, tr.202) từ phát ngôn bản gốc.

PN2: Anh không có quyền quát tôi! (Mưa mùa hạ, tr.191)

Việc cấp dưới (Trọng) dùng Anata để gọi cấp trên (Hưng), trong bất cứ trường hợp nào cũng bị coi là vô lễ, trong mối quan hệ bình thường sẽ không xảy ra. Nhưng ngay cả khi Anata sử dụng theo chiều từ người trên xuống người dưới, nếu là sự thay thế cho cách xưng hô thường dùng thì cũng mang tính tiêu cực, báo hiệu sự xấu đi của mối quan hệ, bới vì nó được nhìn nhận như là sự xóa bỏ liên nhân giữa hai nhân vật. Như vậy, để khẳng định Anata có phải là tiêu cực không thì cần dựa trên tính đánh dấu hay không đánh dấu.

2.3. “Anata” với biểu thái tích cực

Theo Yonezawa, Anata khi dùng giữa người thân trong trong gia đình (tức là thuộc quan hệ gần Bên trong (Uchi うち), giống như trong xã hội, cũng phải theo nguyên tắc lễ độ, hạn chế người dưới sử dụng với người trên. Ngay cả người trên với người dưới, mà cụ thể là cha mẹ nói với con cái, hay anh chị nói với em cũng hiếm khi dùng, nguyên do là điều này gây cảm giác xa cách lạnh lùng (Yonezawa, 2016). 

Về điều này, chúng tôi cho rằng thực ra, cần bổ sung thêm điều kiện là đột xuất được sử dụng thay thế một phương tiện xưng hô khác thì mới là sự đánh dấu thái độ như mục 2.2 đã trình bày. Bởi vậy, theo chúng tôi, thực ra Anata không hoàn toàn chỉ thể hiện sự lạnh lùng xa cách, cần hạn chế trong sử dụng. Ngược lại, khảo sát của chúng tôi cho thấy, vẫn có một Anata khác thân thiện hơn, mà thậm chí theo đánh giá của Kato Eri là: “Gần đây, Anata được mở rộng bối cảnh ngữ dụng, thể hiện sự thân mật khi dùng để gọi người vị thế thấp hơn” (Kato Eri, 2019). Đặc biệt là Anata dùng trong xưng hô giữa cặp đôi (người yêu, vợ chồng), như mô tả sau đây.

PN3: 「それでもあなたが御飯を召し上がらんでパンを御食べ になったり、ジャムを御舐めになるものですから」(Wagahai wa nekodearu, Bg, tr.51)

PN3’: mình không ăn cơm mà ăn bánh mì với mứt. (Bd Tôi là con mèo, tr.71)

Trong PN3, Anata là từ vợ dùng để gọi chồng (theo thông lệ, không đánh dấu), từ này được chuyển dịch thành “Mình” trong PN3’ ở bản dịch.

Ở chiều ngược lại, khi chuyển dịch tiểu thuyết “Mưa mùa hạ” sang tiếng Nhật, tất cả các trường hợp bạn gái gọi bạn trai, vợ gọi chồng trong tác phẩm đều được dịch thành Anata (hoặc Anata). Chúng tôi trích dẫn trường hợp làm ví dụ như sau.

PN4: “Anh thì cứ như ở trên mây, trên gió ấy” (Bg, tr.53). “Anh” là từ nhân vật nữ (Loan) gọi người yêu (Trọng), được chuyển dịch thành PN4’ như sau.

PN4’: 「あなたって仙人みたいな人ね」(Bd, tr.54)

PN5 (bạn trai nói với bạn gái): Anata niwa akaruku sugoku niauあなたには明るくすごく似合う」(Em rất hợp với son màu sáng)

(Tập 8 phim truyền hình Omameda Towako to sannin no moto otto)

Những trường hợp trên đều là Anata không đánh dấu, và như thế, đại từ này xuất hiện một cách bình thường, trong mối quan hệ vẫn đang tốt đẹp, không phải bối cảnh cãi cọ, mà như vậy, có thể coi Anata cũng có nghĩa ngữ dụng tích cực.  Theo chúng tôi, Anata có thể dùng giữa vợ chồng do một số lí do.

Thứ nhất, Anata xưng hô giữa vợ chồng thực ra vẫn nhất quán với tính chất “không liên nhân” của nó. Tuy nhiên, tính “không liên nhân” này lại rất đặc biệt, do sự khác biệt giữa Anata với tất cả các danh từ chỉ quan hệ thân tộc khác. Các danh từ/ từ xưng hô thân tộc như okaa-sanお母さん (mẹ), ojii-sanお祖父さん (ông),…trong tiếng Nhật (cũng như hệ thống từ vựng tương đương trong mọi ngôn ngữ khác) có chức năng chỉ ra các mối quan hệ mang tính vĩnh cửu, không thể thay đổi, là cha mẹ – con cái, anh chị em, ông bà – cháu chắt. Duy nhất chỉ có Anata xưng hô giữa hai nhân vật có quan hệ vợ – chồng, mà vợ chồng, xét cho cùng vẫn là “người dưng” – tức là không phải là huyết thống, không vĩnh cửu, có thể thay đổi. Quan hệ hôn nhân không mang tính sinh học, nên nó vẫn là “không liên nhân” so với các mối quan hệ khác trong gia tộc. Do đó, nó vẫn có thể được sử dụng ngay ở nơi chỉ chấp nhận các phương tiện mang chức năng chỉ rõ liên nhân là gia đình, gia tộc. Hệ quả tiếp theo, một khi Anata hầu như chuyên được dùng cho quan hệ giữa cặp đôi thì dẫn tới suy luận ngầm định, chỉ cặp đôi mới dùng. Như vậy, có một Anata được sử dụng trong mối quan hệ thân thiết, đặc biệt trong quan hệ tình cảm lứa đôi. Có lẽ đây chính là lí do trong điều tra của Yonezawa, một số người trả lời, lí do họ e ngại không sử dụng là vì cảm thấy nó quá thân mật (như đánh giá thứ ba ở trên).

Đối với việc vợ gọi chồng là Anata, được nhận xét là một phong tục, nhằm nhấn mạnh nữ tính, chúng tôi đặt giả thiết điều này có thể bắt nguồn từ tính chất xã hội Nhật Bản (cũng như Việt Nam và một số quốc gia trong vùng ảnh hưởng văn hóa Trung Hoa). Theo đó, nữ giới có vị thế thấp hơn nam giới, vai trò yếu thế hơn, phụ thuộc chồng trong gia đình. Việc vợ gọi chồng là Anata như là cách thể hiện sự nhún nhường của bản thân và đề cao chồng, do tính chất “kính ngữ” xa xưa của đại từ Anata. Như vậy, riêng trường hợp này, Anata trở lại điểm xuất phát ban đầu của nó, là một đại từ thể hiện kính ngữ, mà hiện nay đã mất đi tính chất kính ngữ (với chồng), chỉ còn lại dấu hiệu “nữ tính”. Tuy nhiên, đây mới là giả thiết ban đầu, cần được kiểm chứng thêm trong tương lai.

3. “Anata”từ chức năng liên nhân zero đến chức năng liên nhân rõ rệt

Chức năng cơ bản của đại từ nhân xưng nói chung là qui chiếu, chỉ xuất, và có thể coi đây là đặc trưng ngôn ngữ. Đại từ Anata cũng không nằm ngoài đặc trưng này, không chỉ ra liên nhân, và chúng tôi gọi đó là “liên nhân zero”. Đúng như nhiều nghiên cứu đã chỉ ra, đại từ này bị giới hạn với đối tượng giao tiếp có vị thế cao hơn, chẳng hạn cấp trên, người lớn tuổi hơn, thầy cô giáo…chính vì lí do không có chức năng chỉ ra liên nhân về vị thế, hoặc khoảng cách. Việc tránh không dùng Anata như thế chắc chắn không do quy tắc ngôn ngữ, mà do quy tắc văn hóa trong một xã hội mà tính chất liên nhân là yếu tố không thể thiếu.

Tuy nhiên, ở phía ngược, ngay trong các quan hệ có liên nhân, Anata không đánh dấu vẫn có thể sử dụng, và mang sắc thái ngữ dụng trung tính. Nói một cách triệt để, Anata trung tính được sử dụng thường xuyên, trở thành bình thường giữa các nhân vật nào đó, thì coi như đã được ngầm định chấp nhận. Đó là sự công nhận mối quan hệ bình thường (dù thân thiện hay không) không có vấn đề, và như thế, nói cho cùng, cũng là một cách bộc lộ liên nhân. Tiếp theo, trường hợp Anata được đánh dấu, dùng thay thế cho cách xưng hô định sẵn thông thường giữa các nhân vật vốn có liên nhân, đồng nghĩa với xóa bỏ liên nhân, trở thành người xa lạ, mối quan hệ xa cách. Vô hình trung, đây lại cũng là cách bộc lộ liên nhân mang sắc thái ngữ dụng tiêu cực, bộc lộ thái độ bất mãn, cảm giác không hài lòng với người đối thoại,…mà có thể coi điều này lại cũng là bộc lộ liên nhân (tiêu cực) ít nhất tại thời điểm đó. Như vậy, chưa cần nói tới Anata mang đặc điểm ngữ dụng tích cực, ngay cả Anata trung tính, hay tiêu cực, thì vẫn cần được nhìn nhận là có tính liên nhân, không giống You trong tiếng Anh.

4. Kết luận

Anata được giới học giả thống nhất quan niệm, là đại từ trung tâm trong nhóm đại từ ngôi thứ hai của tiếng Nhật. Tuy nhiên, các đặc điểm ngữ dụng của Anata trong thực tế không thống nhất, biên độ khác biệt ngữ dụng của nó đi từ kính ngữ, chính thức cho tới kém lễ độ, cần tránh sử dụng.

Để nhìn nhận đúng bản chất, Anata cần được đặt trong một trục phân chia theo tính chất CÓ/ KHÔNG CÓ liên nhân. Khác với Anata giữa những nhân vật không có liên nhân như là người không thân quen, hoặc dùng trong quảng cáo, trong thông điệp truyền thông,…các trường hợp còn lại, Anata có thể mang nghĩa ngữ dụng trung tính, tiêu cực, tích cực. Tất cả các nghĩa ngữ dụng này đều cần được coi là bộc lộ quan hệ liên nhân giữa những người giao tiếp.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Tiếng Việt
1. Hoàng Anh Thi (2021), Mối quan hệ giữa nhân xưng và kính ngữ trong tiếng Nhật – Một biểu hiện ngữ pháp – văn hóa (Liên hệ với tiếng Việt), Kỉ yếu hội thảo quốc tế “Nguyễn Tài Cẩn – Tư tưởng, Tác phẩm, và Kỉ niệm”, Khoa Ngôn ngữ học – Trường Đại học KKXH và NV.

Tiếng nước ngoài
2. Alena Kacmarova (2014), Exploring film dialogue discourse, Discourse an Interaction, pp 67-77.
3. Jeon, Hyong-J (2003), Use of film dialogues as a morden of natural conversation for developing conversational proficiency.
Truy cập vào 10/2/2022, tại http://hdl.handle.net/1842/486
4. Masayoshi Shibatani (1990), The languages of Japan, Cambridge University Press.
5. 加藤恵利 (Kato Eri) (2019), 『二人称代名詞「あなた」「あんた」「おまえ」「きみ」について』124-139.
Truy cập vào 4/3/2022, tại https://www.jstage.jst.go.jp/article/kotoba/40/0/40_124/_pdf/-char/ja
6. 金田一春彦 (Kindaichi Haruhiko) (2012),『日本語学』新版(下)岩波新書出版.
7. 新村出 (1998) 『広辞苑』岩波新書.
8. 下谷麻記 (Shimotani Maki) (2012),『自然談話における二人称代名詞「あなた」についてのー考察 ー認職的優位性(Epistemic Primacy)を踏まえてー』関西外国語大学留学生別科 日本語教育論集22号, pp.63-96.
9. 中根千枝 (Nakane Chie) (2009),『タテ社会の人間関係:Japanese Society』チャールズ・イー・タトル出版.
10. 森田良行 (Morita Yoshiyuki) (1999),『基礎日本語辞典』角川書店.
11. 米澤陽子 (Yonezawa Youko) (2016),『二人称代名詞「あなた」に関する調査報告』   日本語教育163号, 64-78.

NGỮ LIỆU:

1. Ma Văn Kháng (1986), Mưa mùa hạ, Nxb Văn học và Bản dịch Natsuno Ame夏の雨 (1992) của Kato Sakae加藤栄, Nxb Shinjuku Shobou新宿書房.
2. Natsume Shouseki 夏目 漱石 (bản chúng tôi sử dụng là tác phẩm tái bản 2017), Wagahai wa Neko dearu吾輩は猫である, Nxb Shinsouban 新装版 và bản dịch Tôi là con mèo (2011) của Bùi Thị Loan.
3. Natsume Shouseki 夏目 漱石 (bản chúng tôi sử dụng là tác phẩm tái bản 2017), Wagahai wa Neko dearu吾輩は猫である, Nxb Shinsouban 新装版 và bản dịch Tôi là con mèo (2011) của Bùi Thị Loan.

Pragmatic characteristics of the pronoun “Anata” in Japanese

Abstract: In linguistic communication, personal pronouns are the first important part, because there can be no communication without addressing. Japanese has a rather complex system of addressing, due to the diversity of types and richness of expressive nuances. That’s because in Japanese, there are four types of means, which are azimuth pronouns, personal pronouns, kinship words, and positional words, of which the first two are genuine pronouns, the latter two are pronouns from transformation. Unlike the kinship words, or the positional words, which can only appear and express a definite interpersonal relationship, Japanese personal pronouns can only appear alternately, have a variety of expressions, and this also makes it difficult for foreigners as well as translation from Japanese into Vietnamese, or from Vietnamese into Japanese.

Based on the characteristics of the Japanese communication , which is very focused on the interlocutor (Aite 相手), we think that, compared to the first person, the second person is considered more carefully selected. Being the center of the second person pronouns, but Anata has a rather complicated pragmatic meaning, with a wide range of expressions, even contradictory, causing many difficulties for learners. In this article, we analyze the pragmatic characteristics of the pronoun “Anata”, contributing to explain the plurality of this pronoun. The research method applied in this article is to survey and analyze the original discourse and compare translations of Japanese and Vietnamese literary works.

Key words: Japanese; personal pronounce; Anata; neutural; negative; positive.