Hình ảnh tượng trưng của con chuột trong ngôn ngữ và văn hóa Trung Quốc và Việt Nam

PHẠM NGỌC HÀM*
* PGS.TS; Trường  Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội;
 Email: phamngocham.nnvhtq@gmail.com

TÓM TẮT: Theo quan niệm của người Trung Quốc và người Việt Nam, chuột là con vật tượng trưng cho một trong mười hai con giáp, đứng đầu trong thập nhị địa chi. Trải qua quá trình tiếp xúc, con người đã phát hiện được những thuộc tính bản chất của chuột và liên hệ với đời sống xã hội. Từ đó, trong tiếng Hán và tiếng Việt, một lớp từ ngữ có chứa tên loài vật này được hình thành với những ý nghĩa đa dạng, thể hiện rõ nét đặc điểm tri nhận của nhân dân hai nước Trung-Việt. Bài viết sử dụng những phương pháp và thủ pháp nghiên cứu như thống kê, miêu tả, phân tích, so sánh đối chiếu, trên ngữ liệu thu thập từ từ điển và trong các tác phẩm văn học cũng như thực tế đời sống, tiến hành phân tích, đối chiếu nghĩa của những từ ngữ có chứa tên gọi của loài vật này trong tiếng Hán và tiếng Việt, đồng thời liên hệ với những tập tục, văn hóa dân gian có liên quan đến chuột, chỉ ra những điểm tương đồng và khác biệt giữa chúng. TỪ KHÓA: Con chuột; tiếng Hán; tiếng Việt; ngữ nghĩa; văn hóa.

TỪ KHÓA: Con chuột; tiếng Hán; tiếng Việt; ngữ nghĩa; văn hóa.

NHẬN BÀI: 29/11/2019.                     BIÊN TẬP-CHỈNH SỬA-DUYỆT ĐĂNG: 15/1/2020
(Bài đăng trên Tạp chí số 1(293)-2020, tr.54-60)

1. Đặt vấn đề

Với vai trò là trung tâm của vũ trụ, con người trong quá trình tiếp xúc với thế giới động vật vô cùng phong phú, đa dạng đã nhận thức được những thuộc tính bản chất của từng loài, thông qua tư duy trừu tượng, liên hệ với đời sống xã hội, từ đó hình thành nên trường từ vựng ngữ nghĩa động vật – một trong những trường từ vựng cơ bản trong mỗi ngôn ngữ. Đặc biệt là trong tiếng Hán và tiếng Việt, nhóm từ biểu thị mười hai con giáp mang đậm nét văn hóa dân tộc của nhân dân hai nước Việt Nam và Trung Hoa từ lâu đã thu hút sự chú ý của giới nghiên cứu ngôn ngữ và văn hóa. Chuột gắn liền với năm Tý, đứng ở vị trí đầu tiên của hệ thống mười hai con giáp trong thập nhị địa chi, là loài vật có thực trong tự nhiên. Đặc điểm tri nhận về loài vật này được thể hiện rõ nét trong tiếng Hán và tiếng Việt qua ý nghĩa ẩn dụ và những liên tưởng so sánh trong ý nghĩa của từ鼠thử/ chuột. Có thể nói, trường từ vựng chỉ mười hai con giáp thuộc trường từ vựng văn hóa, phản ánh sinh động đặc điểm nhận thức của nhân dân hai nước Việt Nam và Trung Hoa về thế giới động vật trong mối quan hệ với đời sống con người.

Ở Việt Nam và Trung Quốc, nghiên cứu về trường từ vựng – ngữ nghĩa động vật đã đạt được thành quả đáng kể, nhưng nghiên cứu về từ ngữ chỉ mười hai con giáp thì chưa nhiều. Ngoài một số luận văn thạc sỹ ra, trước hết phải nói đến luận án tiến sỹ của Bùi Thị Hằng Nga (裴氏恒娥, 2015), đây là công trình nghiên cứu so sánh đối chiếu vĩ mô về cấu trúc và ý nghĩa của các từ ngữ về mười hai con giáp trong tiếng Hán và tiếng Việt. [7]. Tiếp đó, Ngô Thị Huệ (2017) chọn đối tượng nghiên cứu là thành ngữ có chứa hình ảnh con chuột trong tiếng Hán và tiếng Việt từ góc nhìn ẩn dụ tri nhận. Qua nghiên cứu, bài viết đưa ra năm điểm tương đồng và bốn điểm khác biệt về đặc trưng ngữ nghĩa của nhóm thành ngữ này trong hai ngôn ngữ. [2].

 Trong bài viết này, chúng tôi sử dụng các phương pháp và thủ pháp nghiên cứu như thống kê, miêu tả, phân tích, so sánh đối chiếu, trên ngữ liệu thu thập từ từ điển và trong các tác phẩm văn học cũng như thực tế đời sống, tiến hành phân tích, đối chiếu về ngữ nghĩa, hàm ý văn hóa của những từ ngữ có chứa thành tố là tên gọi chuột trong tiếng Hán và tiếng Việt, đồng thời liên hệ đến những sáng tác thơ ca, tập tục, văn hóa dân gian có liên quan đến chuột, chỉ ra những điểm tương đồng và khác biệt giữa chúng, nhằm góp một tài liệu cho công tác nghiên cứu đối chiếu Hán Việt trên phương diện ngôn ngữ và văn hóa. Bài viết là sự kế tiếp các nghiên cứu của chúng tôi về Chữ 羊dương trong ngôn ngữ-văn hóa Việt Nam và Trung Hoa (2015), Con gà trong ngôn ngữ Trung-Việt (2017), “Chó” trong ngôn ngữ và văn hóa Trung Việt (2018). Hi vọng có thể thông qua nghiên cứu trường hợp, góp phần làm nổi rõ đặc điểm của tiểu trường từ vựng – ngữ nghĩa động vật mà trước hết là mười hai con giáp trong tiếng Hán và tiếng Việt.

2. Ý nghĩa của từ 鼠 thử / chuột trong tiếng Hán và tiếng Việt

Xét về mặt văn tự, chữ 鼠thử trong Thuyết văn giải tự được giải thích rằng: “Đó là chữ tượng hình, phần trên là biểu tượng của đầu, phần dưới là biểu tượng của chân và đuôi con chuột. Về mặt từ vựng, 鼠thử là danh từ chỉ chung cho loài động vật sống trong hang lỗ, chủng loại khác nhau nhưng đều gọi chung là 鼠thử (chuột), chuyển nghĩa thành bệnh tật.” (𧰼形。上𧰼首。下𧰼足尾。穴蟲之緫名也。其類不同而皆謂之鼠。引伸之爲病也) [9]. Trong phương ngữ tiếng Hán, loài vật này còn được gọi là 耗子hao tử, 耗hao hoặc 耗耗hao hao.

Tân hiện đại Hán ngữ từ điển giải thích rằng, “鼠 thử là một chữ tượng hình, phần đầu là biểu tượng của răng nhọn sắc, phần dưới là biểu tượng của chân, xương sống và đuôi loài chuột, nghĩa gốc là danh từ chỉ chung cho loài vật sống trong hang lỗ, sau dùng để chỉ chuột, phương ngôn gọi là耗子 hao tử, còn có nghĩa là một trong mười hai con giáp. Về nghĩa ẩn dụ, 鼠thử dùng để ví với kẻ tiểu nhân, gian thần. Ngoài ra, chữ  鼠thử còn liên thông với chữ癙 thử  chỉ một loại bệnh do chuột gây ra: bệnh dịch hạch (disease). Về sau, từ  鼠thử lại phát triển thành nghĩa là nhát gan, sợ hãi, tư thế cung kính cẩn trọng thái quá đến mức run sợ” [8]. Ngày nay, 鼠thử trong tiếng Hán và chuột trong tiếng Việt còn dùng để chỉ một linh kiện dùng để điều khiển màn hình của máy vi tính. 

Như vậy, giữa hai chữ鼠thử và耗hao có liên quan với nhau. Xét về quá trình diễn tiến và phát triển nghĩa của chữ耗 hao, phần lớn các bộ từ điển tiếng Hán đều giải thích rằng, 耗 hao vốn được viết thành 秏hao, là chữ hình thanh gồm 禾hòa (cây lúa) là tự tố biểu nghĩa kết hợp với毛 mao (lông) là tự tố biểu âm, có nghĩa là lúa gạo, thuộc loài lúa gạo, về sau được viết thành耗hao gồm 耒lỗi (cái bừa) là tự tố biểu nghĩa, kết hợp với 毛mao (lông) là tự tố biểu âm, từ đó phát triển thành nghĩa mất mát, tiêu tổn. Tiếng Việt cũng mượn từ秏 hao này và các từ ghép có chứa秏 hao như hao phí, hao tổn, hao kiệt, tiêu hao… vốn có trong tiếng Hán. Đặc biệt là耗 hao trong tiếng Hán còn dùng để chỉ đất bạc màu, cằn cỗi do bị hao tổn chất màu nuôi dưỡng cây trồng. Chúng tôi cho rằng, các nghĩa của耗hao này đều có liên hệ với nhau. Ngay cả耗hao với nghĩa là con chuột trong phương ngữ tiếng Hán cũng liên quan đến đặc tính của loài vật này là sống nhờ vào lúa gạo, phá hoại mùa màng, khiến cho lương thực bị hao tổn.

Trong tiếng Việt, chuột là một từ thuần Việt. Từ điển tiếng Việt của Hoàng Phê (chủ biên, 2011) giải thích rằng, chuột là danh từ, chỉ loài thú gặm nhấm, mõm nhọn, tai bầu dục, đuôi thon dài, thường phá hoại mùa màng và có thể truyền bệnh dịch hạch. Nghĩa thứ hai là thiết bị cầm tay liên kết với máy tính, có một hoặc nhiều nút ấn, khi cho chuyển động trên một mặt phẳng thì sẽ gây ra việc chuyển động con trỏ trên màn hình để dễ dàng chọn lựa các thành phần, và khi ấn nút nó sẽ truyền lệnh cho máy tính thực hiện một chức năng nào đó. [3].

Căn cứ vào từ điển, có thể nói, nghĩa của từ 鼠thử trong tiếng Hán và chuột trong tiếng Việt khá đơn thuần. Từ nghĩa chỉ một loài động vật, người ta đã liên hệ các thuộc tính bên trong và bên ngoài của nó với một linh kiện máy tính để đặt tên cho linh kiện hết sức tinh vi này. Như vậy, nghĩa ẩn dụ của 鼠thử trong tiếng Hán, đặc biệt là chuột trong tiếng Việt chủ yếu thể hiện trong các ngữ cố định như tục ngữ, thành ngữ, yết hậu ngữ, nhất là trong các tác phẩm văn học.  

Về ý nghĩa ẩn dụ và những liên tưởng so sánh trong ý nghĩa của từ chuột trong tiếng Việt, qua khảo sát, chúng tôi có thể chỉ ra như sau:(1)Biểu thị sự xấu xí về hình hài của con người mang ý nghĩa khinh miệt, chẳng hạn như mặt chuột, mắt chuột, răng chuột, mõm chuột;(2)Dáng vẻ, điệu bộ không đường hoàng, tự nhiên, như lấm lét như chuột ngày;(3)Sự nhanh nhạy, như nhanh như chuột ;(4)Sự nhỏ bé, mất cân xứng, chẳng hạn như đầu voi đuôi chuột;(5)Ví với giai cấp thống trị bóc lột, nghĩa ẩn dụ này thường xuất hiện trong thơ ca.

Trong tiếng Hán, nghĩa ẩn dụ của  鼠thử bao gồm (1) Chỉ kẻ tiểu nhân, gian thần, từ 鼠子thử tử (đồ chuột bọ) dùng để mắng chửi kẻ hèn kém, mang ý nghĩa khinh miệt; (2) Chỉ kẻ tầm nhìn hạn hẹp, hiểu biết nông cạn, chẳng hạn như 鼠目寸光 thử mục thốn quang (mắt chuột chỉ nhìn được trong khoảng cách một tấc); (3) Chỉ những hành vi cử chỉ không đường hoàng, chính trực, vụng trộm, từ 鼠辈 thử bối (giống chuột/ loài chuột) là từ dùng để chửi kẻ vô lễ, không biết trên dưới, không biết tôn kính, khiêm nhường; (4) Chỉ tính cách nhút nhát, như 鼠胆 thử đảm (gan chuột: nhát như chuột); (5) Chỉ bọn thống trị bóc lột, thường xuất hiện trong thơ ca. Từ những phân tích trên đây có thể thấy, nghĩa ẩn dụ và sự liên tưởng so sánh trong ý nghĩa của鼠thử trong tiếng Hán và chuột trong tiếng Việtcó nhiều điểm tương đồng, từ miền nguồn CHUỘT được ánh xạ lên miền đích CON NGƯỜI với những đặc điểm tính cách như hèn kém, không đường hoàng, trộm cắp, bóc lột, gian trá, xiểm nịnh… Riêng tiếng Việt, chuột và một số bộ phận cơ thể bên ngoài như mặt, tai, mắt, răng, mõm… của chuột còn dùng để ví với ngoại hình xấu xí, nhỏ bé của con người. Đặc biệt là trong tâm thức của người Việt Nam, những từ miêu tả ngoại hình con người như mặt chuột, mắt chuột, răng chuột, mõm chuột, tai chuột…, còn có mối liên hệ bên trong, khiến người ta nghĩ đến kẻ tiểu nhân hội tụ đầy đủ những bản tính xấu xa, không đường hoàng, vô hậu. Sự phản ánh về ngoại hình và tập tính của chuột trong mối liên hệ với con người trong ngôn ngữ đó đã thể hiện sinh động nét tương đồng và khác biệt về đặc điểm tri nhận của nhân dân hai nước Việt Trung với loài vật này.

3. Về các từ ngữ có chứathử / chuột trong tiếng Hán và tiếng Việt

thử trong tiếng Hán và chuột trong tiếng Việt ngoài vai trò làm từ đơn ra, còn có thể làm từ tố cấu tạo từ và làm từ cấu tạo nên ngữ cố định. Theo thống kê của chúng tôi qua từ điển trực tuyến, trong tiếng Hán có tới 358 đơn vị từ chứa鼠thử, gồm 158 từ song âm tiết, 50 từ ba âm tiết, 140 từ và cụm từ bốn âm tiết, 10 cụm từ có năm, sáu và tám âm tiết, chưa kể một lượng không nhỏ các ngữ cố định, trong đó riêng yết hậu ngữ đã có tới 54 đơn vị. Điều đó chứng tỏ mối quan tâm của con người với loài vật này cũng như ảnh hưởng của nó trong đời sống xã hội, nhất là ngôn ngữ là rất sâu sắc.Từ điển tiếng Việt của Hoàng Phê (chủ biên) thu thập được 18 đơn vị mục từ có chứa chuột. Trong đó, đại đa số là danh từ chỉ tên gọi các loài chuột, chỉ có một số rất ít mang ý nghĩa liên tưởng, biểu trưng như chuột rút dùng để chỉ hiện tượng bắp thịt bị co rút và đau đột ngột, hay chuột chạy cùng sào chỉ tình thế đến bước đường cùng, không còn lối thoát, hay như chuột  sa chĩnh gạo dùng để ví bỗng nhiên gặp được nơi sung sướng, được hưởng cảnh sung túc, nhàn hạ

Ngạn ngữ Trung Quốc có những câu mượn chuột làm hình ảnh ví von, so sánh, chẳng hạn như一只老鼠坏了一锅汤 nhất chích lão thử hoại liễu nhất oa thang (một con chuột làm hỏng cả nồi canh: con sâu làm rầu nồi canh), dùng để chỉ sự ảnh hưởng đến mức nguy hại của cái xấu đến toàn cục; 老鼠留不住隔夜粮 lão thử lưu bất trú cách dạ lương (chuột không giữ nổi gạo qua đêm: háu ăn, mồm cá ngão) dùng để phê phán thói tham ăn tục uống, không biết tiết kiệm; 老鼠看仓,看得精光 lão thử khán thương, khán đắc tinh quang (chuột coi kho, hết cả kho lương thực: mỡ vào miệng mèo, gửi trứng cho ác) dùng để vạch trần thói tham lam, chiếm của công làm của riêng; 多鸣之猫,捕鼠必少 đa minh chi miêu, bổ thử tất thiểu (mèo kêu nhiều bắt được ít chuột: khua môi múa mép, mồm miệng đỡ chân tay) dùng để phê phán kẻ bất tài nhưng thích thể hiện.

  Trong số các thành ngữ có chứa thành tố chuột, chuột thường kết hợp với miêu (mèo), cẩu (chó), lang (sói), điểu (chim)…, như 猫鼠同眠 miêu thử đồng miên (mèo chuột ngủ chung: kẻ cắp bà già gặp nhau), 鸟惊鼠窜 điểu kinh thử soán (chim kinh hoàng chuột chạy lung tung: bỏ chạy tán loạn), 狗逮老鼠 cẩu đãi lão thử (chó bắt chuột: ngồi lê mách lẻo), 狗头鼠脑 cẩu đầu thử não (đầu chó não chuột: đầu óc ngu si, như đầu chó, não chuột)… Đặc biệt là trong 54 câu yết hậu ngữ mà chúng tôi thu thập được, chuột thường kết hợp với từ chỉ gà, voi, mèo, cáo,… như老鼠睡猫窝送来一口肉lão thử thụy miêu oa (chuột ngủ trong tổ mèo), nghĩa giống như 老鼠替猫刮胡子 (chuột vuốt râu giúp mèo), 黄鼠狼骂狐狸--都不是好货 hoàng thử lang mạ hồ li (chuột vàng chửi cáo: kẻ cắp bà già gặp nhau), 黄鼠狼看鸡--越看越稀 hoàng thử lang khán kê (chuột vàng coi gà: gửi trứng cho ác) ,老鼠给大象指路--越走越窄 lão thử cấp đại tượng chỉ lộ (chuột chỉ đường cho voi: mỡ vào miệng mèo, tình thế ngày càng nguy cấp), tương đương với câu này còn có老鼠给猫拜年 lão thử cấp miêu bái niên (chuột chúc tết mèo)… Tất cả những cách nói này đều thể hiện sự nhận thức của con người về mối quan hệ đối nghịch giữa các loài động vật trong giới tự nhiên, từ đó liên hệ vào đời sống xã hội, hình thành nên những lối nói mang ý nghĩa ví von với tình thế nguy cấp. Trong đó, chuột thường dùng để chỉ những kẻ bản chất xấu xa, ngu ngốc hoặc tàn độc, có khi chuột là hình ảnh biểu trưng cho kẻ vì ngu mà gặp nạn, hoặc kẻ ác độc gian tham gây ra tổn hại cho cộng đồng. Cách biểu đạt tương đương với những câu này trong tiếng Việt thường không xuất hiện yếu tố chuột. Tuy nhiên, chỉ căn cứ vào mặt chữ, người Việt Nam cũng có thể lĩnh hội được nghĩa bóng của những lối nói này. Điều đó chứng tỏ nhận thức về bản chất của chuột trong mối tương quan với các loài động vật khác của người Việt Nam cũng tương tự như nhận thức của người Trung Quốc.

Trong tiếng Việt cũng có hàng loạt các lối nói trong đó chuột được dùng theo ẩn dụ tri nhận mà miền nguồn CHUỘT được ánh xạ lên miền đích CON NGƯỜI với tình thái tiêu cực như lủi như chuột, ướt như chuột lột, mõm chuột, len lét như chuột ngày, cháy nhà mới ra mặt chuột, chuột sa chĩnh gạo, chuột gặm chân mèo, chuột cắn dây buộc mèo, lù đù như chuột chù phải khói,chuột chù chê khỉ rằng hôi. Một số trường hợp miền nguồn CHUỘT ánh xạ lên miền đích SỰ VẬT như đầu voi đuôi chuột, hôi như chuột chù…,cũng đều mang nghĩa tiêu cực, chỉ sự mất cân đối hoặc bẩn thỉu, xấu xa.

Từ những phân tích trên đây có thể thấy, thửchuột trong hầu hết các từ ngữ có chứa chúng trong tiếng Hán và tiếng Việt đều mang tính hình tượng và có nghĩa bóng. Nghĩa bóng có tính hình tượng…, nghĩa bóng biểu thị sự vật gián tiếp thông qua nghĩa đen. [1]. Nghĩa bóng của từ ngữ chứa yếu tố chuột đã thể hiện rõ nét về đặc điểm tri nhận về loài vật này của nhân dân hai nước Trung-Việt.

4. Ý nghĩa ẩn dụ củathử / chuột trong thơ ca

Từ nhận thức về loài chuột ngoại hình xấu xí, ăn hang ở lỗ, ưa bóng tối, sợ ánh sáng, phá hoại mùa màng, thích gậm nhấm làm hư hại vật dùng, người xưa đã mượn loài vật này để thể hiện thái độ căm ghét, thề không chung sống với những kẻ bất lương, chuyên đè nén, bóc lột người lương thiện. Vì vậy, 鼠thử/ chuột từ lâu đã trở thành đối tượng đả kích, châm biếm trong thơ ca Trung Quốc cũng như Việt Nam, có thể dẫn ra hai bài Thạc thử trong Kinh thi Trung Quốc và Tăng thửcủa Nguyễn Bỉnh Khiêm trong thơ ca Việt Nam để chứng minh cho nhận định này.

Trước hết, trong bài Thạc thử (chuột xù, chuột to), tác giả dân gian đã sử dụng thủ pháp tỉ (ví von) nếu theo ngôn ngữ học tri nhận thì miền nguồn là CHUỘT, miền đích là GIAI CẤP THỐNG TRỊ BÓC LỘT. Ba khổ thơ chỉ thay đổi một số từ như vô thực ngã thử, vô thực ngã mạch (đừng ăn thóc lúa của ta), vô thực ngã miêu (đừng ăn mạ non của ta) để vạch trần thói tham lam tọa hưởng kì thành của giai cấp thống trị. Khổ thứ nhất là mạc ngã khẳng cố (không kẻ nào đoái hoài đến ta), khổ thứ hai thay cố bằng đức: mạc ngã khẳng đức (không kẻ nào nghĩ đến công đức của ta), khổ thứ ba thay đức bằng lao: mạc ngã khẳng lao (không kẻ nào nghĩ đến công lao, sự vất vả lam lũ của ta), để phê phán thái độ bàng quan, vô ơn bạc nghĩa của bọn thống trị. Bài thơ còn lặp lại ba lần thệ tương khứ nhữ (ta thề sẽ rời xa ngươi) và tam tuế quán nhữ (bao nhiêu năm nay ta nuôi ngươi) ở cả ba khổ và đặc biệt là thạc thử thạc thử (chuột xù kia ơi chuột xù kia), nghe như lời gọi, chỉ mặt vạch kẻ thù, cũng là tiếng kêu than của người dân lao động. Bài thơ đã sử dụng thủ pháp nhân hóa, khiến cho loài chuột bỗng chốc trở thành kẻ tội phạm với bộ mặt gian ác, bất lương đang phải nghe những lời tố cáo, vạch trần tội ác mà nhân dân lao động chính là người phán xử.

Bài thơ chữ Hán Tăng thử của Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng không kém phần đanh thép trong việc mượn hình ảnh con chuột để tố cáo tội ác của kẻ âm mưu, quen thói đục khoét, hám lợi cá nhân, lãng quên việc dân việc nước, khiến cho xã tắc điêu tàn, chúng dân khốn khó. Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng dùng thạc thử để hình dung bộ mặt xấu xa bỉ ổi của kẻ thống trị trong câu Thạc thử hồ bất nhân, Thảo thiết tứ âm độc (chuột xù sao bất nhân, vụng trộm và tàn độc đến thế), Thành xã ỷ vi gian (cậy thế lộng quyền làm việc gian tà). Đặc biệt là từ thành xã vừa có nghĩa chỉ chân tường, góc phố –  nơi ẩn náu của loài chuột, vừa chỉ nơi tôn nghiêm bất khả xâm phạm mà kẻ thống trị ẩn mình làm điều tàn độc. Quả là một hình ảnh ví von hết sức độc đáo, có giá trị tố cáo đanh thép, mạnh mẽ, trong đó kẻ thống trị ở chốn tôn nghiêm được ví vớichuột là loài vật xấu xa đến tột cùng. Ý nghĩa châm biếm đả kích của bài thơ nhờ đó mà càng thêm sâu sắc.

Trong ca dao, dân ca, chuột,  nhất là chuột chù cũng trở thành một hình tượng nghệ thuật mang ý nghĩa ví von hết sức tinh tế, dùng để chỉ kẻ xấu không biết mình xấu lại hay khoe khoang, chê bai người khác, muốn hưởng sang giàu. Chẳng hạn như  Chuột chù chê khỉ răng hôi, Khỉ toét miệng cười: “cả họ mày thơm” hay như Chim chích mà đậu cành sòi, Chuột chù trong ống đòi soi gương Tàu (Ca dao Việt Nam). Bài Tướng thử (nhìn con chuột) trong Kinh thi cũng mượn chuột – loài vật hạ đẳng để đối lập với con người, trong đó có những câu: Tướng thử hữu bì, nhân nhi vô nghi, bất tử hà vi (nhìn con chuột nó còn có cái da, con người mà không biết nghi lễ, chẳng chết thì sống làm gì). Liên từ nhi nối kết hai vế có ý nghĩa trái ngược nhau đã làm nổi bật tính chất đối lập hoàn toàn giữa chuột và con người, qua đó thể hiện quan điểm lễ là phẩm chất tối thiểu của mỗi con người trong xã hội. Bài thơ Quan thị của nữ thi sĩ Hồ Xuân Hương có câu Rúc rích thây cha con chuột nhắt, vo ve mặc mẹ cái ong bầu. Ngoài cách đảo ngữ và phép đối rất chỉnh ra, hình ảnh chuột nhắt rúc rích còn gợi cho người đọc cảm nhận về đặc tính của loài chuột cũng như không gian, thời gian và tâm sự của người thi sỹ tài hoa nhưng lận đận về tình duyên và hẩm hiu trong hạnh phúc gia đình. Gần đây, một bài hát nổi tiếng của Trung Quốc nhan đề老鼠爱大米 lão thử ái đại mễ (chuột yêu gạo) do Dương Thần Cương sáng tác ca từ, phổ nhạc và biểu diễn được đông đảo khán thính giả ưa thích bởi phép ví von rất bình dị, độc đáo, gây ấn tượng mạnh về tình yêu đôi lứa. Bài hát này còn có tên là “Yêu em như thế” (这样爱你), trong đó có câu 我爱你 爱着你, 就像老鼠爱大米 (tôi yêu em, yêu em, như chuột yêu gạo). Tình yêu giữa nam và nữ được ví với chuột và gạo, tình yêu như cơm ăn nước uống hàng ngày, bình dị mà sâu sắc, ý vị.

5. thử / chuột trong văn hóa dân gian Việt Nam và Trung Hoa Nếu như trong văn hóa dân gian Việt Nam từ xa xưa đã có tranh dân gian đám cưới chuột thì ở Trung Quốc cũng có truyền thuyết về chuột lấy vợ (老鼠娶亲lão thử thú thân). Tranh dân gian đám cưới chuột được treo ở mỗi gia đình người dân Trung Quốc và Việt Nam đều thể hiện ước muốn của người xưa mong có được cuộc sống hạnh phúc, con cháu đầy nhà, vạn vật sinh sôi, sung túc vẹn toàn trong bối cảnh kinh tế nghèo nàn, sức sản xuất chủ yếu dựa vào đôi bàn tay lao động phổ thông. Dấu ấn văn hóa đó cũng xuất phát từ sự tri nhận về đặc tính của loài chuột. Sức sinh sản của chuột rất lớn, thực tế cho thấy, một con chuột mẹ mỗi lần có thể sinh từ năm đến mười con, thậm chí là hơn mười con. Sau khi sinh con, chuột mẹ lại có thể thai nghén ngay. Chuột con sau khi ra đời một tháng trở lên đã đến thời kì phát dục và có thể tiếp tục sinh sôi. Hơn nữa, tuổi thọ của loài chuột cao, nếu không gặp tai họa do mèo và con người gây nên cái chết cho chúng thì chuột thường sống đến già. Vì vậy, trong dân gian, chuột là hình ảnh biểu trưng cho sự sinh sôi nảy nở, con cháu đông đàn, sống lâu trăm tuổi. Trong tiếng Hán có các lối nói như 老鼠娶亲 lão thử thú thân, 鼠纳妇 thử nạp phụ, 鼠纳福 thử nạp phúc đều có nghĩa là chuột thành thân. Trong đó, từ妇 phụ (phụ nữ, vợ) hài âm với福 phúc mà một trong những nghĩa của chữ福 phúc chính là con cháu đông đàn. Trong dân gian có biểu tượng tam đa gồm福 phúc là hình ảnh ông già vẫn có con trẻ bám theo, 禄lộc là hình ảnh ông quan cân đai áo mũ, 寿 thọ là hình ảnh ông già râu tóc bạc phơ. Tất cả những dấu ấn về văn hóa dân gian đó ở Trung Quốc và Việt Nam đều xuất phát từ nhận thức về tập tính sinh sôi nảy nở nhanh chóng của loài chuột.

Chuột sở dĩ đứng ở vị trí đầu tiên trong bảng mười hai con giáp là do quan niệm âm dương. Người xưa chia thời gian một ngày đêm thành mười hai canh giờ, tương đương với 24 giờ hiện nay. Mỗi canh giờ ấy tương ứng với một con giáp, giờ Tý từ 11 giờ đêm hôm trước đến 1 giờ sáng hôm sau, đó chính là giao thời giữa hai ngày. Thời khắc này cũng được coi là điểm giao thừa giữa năm cũ và năm mới. Mặt khác, người xưa căn cứ vào đặc tính của các loài động vật chia chúng thành hai loại âm và dương. Cách phân loại âm dương cho động vật là căn cứ vào số lượng ngón chân chẵn hay lẻ của từng loài. Nhìn chung, động vật thường có số ngón chân trước, chân sau và chân trái, chân phải như nhau. Riêng loài chuột chân trước đều có bốn ngón, chân sau có năm ngón, tổng số ngón là lẻ. Theo quan niệm của người xưa, số lẻ là số dương, số may mắn, biểu trưng cho sự sinh sôi nảy nở. Đó cũng là cơ sở mà người xưa đặt chuột vào vị trí hàng đầu trong hệ thống mười hai con giáp. 

Trong những ngày lễ tết dân gian của người Trung Quốc xưa, ngày 25 tháng giêng âm lịch được coi là ngày thành hôn của chuột. Tương truyền, đêm hôm ấy, mọi nhà đều không lên đèn, mọi người ngồi im lặng trước lò sưởi trong nhà, ăn uống, giao tiếp bằng cử chỉ âm thầm trong bóng đêm. Tất cả dành không gian yên tĩnh cho chuột đoàn viên, hội ngộ, nếu không sẽ đắc tội và bị chuột gieo bệnh tật cho con người trong năm mới.

6. Kết luận Chuột là con vật được lấy làm hình ảnh tượng trưng cho một trong mười hai con giáp, hơn nữa lại đứng đầu trong bảng mười hai con giáp. Tất cả những đặc tính của chuột đã được con người phát hiện và liên hệ vào đời sống, từ đó  những tập tục văn hóa truyền thống của nhân dân hai nước Việt Trung có liên quan đến loài vật này ra đời, đồng thời hình thành nên một lớp từ ngữ chứa yếu tố鼠thử/chuột với những nghĩa ẩn dụ và sự liên tưởng so sánh phong phú, nhưng đa số là mang tình thái tiêu cực, đặc biệt là chuột đã trở thành miền nguồn ánh xạ lên miền đích là con người, được thể hiện sinh động trong các sáng tác văn chương, nhất là thơ ca. Các tác giả đã thể hiện thái độ của mình đối với những thói hư tật xấu trong xã hội, nhất là bản chất xấu xa của giai cấp thống trị qua hình ảnh con chuột. Cũng như hầu hết các con vật khác trong mười hai con giáp, chuột mang tính hai mặt, vừa thể hiện ý nghĩa tích cực, vừa thể hiện ý nghĩa tiêu cực, tuy nhiên ý nghĩa liên tưởng tiêu cực về chuột là cơ bản. Chính những tương đồng trong bối cảnh văn hóa xã hội đã dẫn tới tương đồng trong đặc điểm tri nhận của người Trung Quốc và người Việt Nam về chuột cũng như tư duy liên tưởng giữa chuột với đời sống con người đã tạo nên sự giống nhau là cơ bản về ý nghĩa ẩn dụ và sự liên tưởng so sánh trong ý nghĩa của các từ ngữ chứa yếu tố鼠thử/chuột trong hai ngôn ngữ. Có thể nói, các từ chỉ mười hai con giáp nói chung và các từ ngữ có chứa thành tố鼠thử /chuột nói riêng thuộc lớp từ vựng văn hóa có ý nghĩa vô cùng sâu sắc, cần được tiếp tục đi sâu nghiên cứu, làm sáng tỏ quan niệm thiên, địa, nhân nhất thể của người xưa cũng như đặc điểm tri nhận của mỗi dân tộc về thế giới động vật.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Nguyễn Thiện Giáp (2014), Nghĩa học Việt ngữ, Nxb Giáo dục Việt Nam.
  2. Ngô Thị Huệ (2017), “Đối chiếu thành ngữ có hình ảnh con chuột trong tiếng Hán và tiếng Việt từ góc độ ẩn dụ tri nhận“, Tạp chí Ngôn ngữ, số 11.
  3. Hoàng Phê (2011), Từ điển tiếng Việt, Nxb Đà Nẵng
  4. Phan Văn Quế (1995), “Các con vật và một số đặc trưng của chúng được cảm nhận từ góc độ dân gian và khai thác đưa vào kho tàng thành ngữ tiếng Việt”, Tạp chí Ngôn ngữ, số 4.
  5. Hà Thành cùng nhóm tác giả (1996), Từ điển Việt-Hán, Nxb Giáo dục.
  6. Nguyễn Đức Tồn (2008 tái bản 2015), Đặc trưng văn hóa dân tộc của ngôn ngữ và tư duy, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.
  7. 裴氏恒娥 (2015),汉越生肖词语对比研究,华南师范大学博士学位论文.
  8. 王同亿(1993),新现代汉语词典,海南出版社.
  9. 许慎(2012),说文解字,中国印书馆.
  10. https://www.baidu.com/s?ie (truy cập ngày 19 tháng 12 năm 2019).