Đặc trưng văn hoá – xã hội biểu thị tốc độ nhanh trong ngữ cố định tiếng Anh và tiếng Việt

HOÀNG TUYẾT MINH*
* PGS.TS; Trường Đại học Mở Hà Nội; Email: Hoangtuyetminh71@gmail.com

TÓM TẮT: Bài báo này làm sáng tỏ các đặc trưng văn hoá – xã hội biểu thị trong ngữ cố định chỉ tốc độ nhanh tiếng Anh và tiếng Việt, từ đó chỉ ra những điểm tương đồng và dị biệt giữa chúng. Bài báo sử dụng hai phương pháp chính là phương pháp miêu tả và phương pháp so sánh, đối chiếu để làm rõ các đặc trưng văn hoá – xã hội của các ngữ cố định chỉ tốc độ nhanh trong tiếng Anh và tiếng Việt, từ đó chỉ ra những điểm tương đồng và dị biệt với hai tiêu chí, phạm trù biểu trưng và sắc thái nghĩa của chúng. Ngữ liệu là các ngữ cố định biểu thị tốc độ nhanh được thu thập từ các từ điển đơn ngữ, song ngữ, từ điển thành ngữ tiếng Anh và tiếng Việt. Kết quả nghiên cứu cho thấy, các phạm trù biểu trưng và các sắc thái nghĩa biểu thị tốc độ nhanh trong tiếng Anh nhiều hơn trong ngữ cố định chỉ tốc độ nhanh (NCĐ TĐN) tiếng Việt, nhưng các từ ngữ biểu trưng cho các phạm trù và nét các sắc thái nghĩa của các NCĐ TĐN tiếng Việt lại phong phú, đa dang và tinh tế hơn trong NCĐ TĐN tiếng Việt. Kết quả nghiên cứu phần nào đó giúp người sử dụng ngữ cố định chỉ tốc độ nhanh tiếng Anh và tiếng Việt trong cuộc sống hàng ngày dễ dàng hơn và tránh được những cú sốc về văn hoá; đồng thời, kết quả nghiên cứu cũng hữu ích cho quá trình dạy-học tiếng Anh và tiếng Việt như một ngoại ngữ.

NHẬN BÀI: 19/10/2020.              BIÊN TẬP-CHỈNH SỬA-DUYỆT ĐĂNG: 14/12/2020
(Bài đăng trên Tạp chí số 12(306)-2020, tr.63-75)

1. Dẫn nhập

Ngữ cố định được coi là một đơn vị của từ vựng trong kho tàng từ vựng học của mọi ngôn ngữ. Do đó, ngữ cố định nói chung thường được miêu tả trong các sách, giáo trình từ vựng học (Lexicology) trong phần từ vựng của mọi ngôn ngữ. Trong tiếng Anh và tiếng Việt, việc nghiên cứu ngữ cố định cũng như vậy. Theo chúng tôi được biết thì trong tiếng Anh chưa có một nghiên cứu chuyên sâu nào về ngữ cố định nói chung và ngữ cố định chỉ tốc độ nhanh nói riêng. Có chăng chỉ là một số những định nghĩa hay giải thích về ngữ cố định (expressions hay còn được gọi là set expressions hay fixed expressions) ở trong các từ điển tiếng Anh mà thôi. Trong tiếng Việt, ngoài một số những giải thích về ngữ cố định trong từ điển, chúng tôi còn tìm thấy trong một số sách và giáo trình của Mai Ngọc Chừ, Vũ Đức Nghiệu và Hoàng Trọng Phiến (1997), Mai Thị Kiều Phượng (2011) cũng nghiên cứu về ngữ cố định trong tiếng Việt, nhưng chưa thấy có nghiên cứu nào nghiên cứu riêng và chuyên sâu về NCĐ TĐN. Chính vì vậy, nghiên cứu này khảo sát cách biểu thị tốc độ nhanh trong ngữ cố định tiếng Anh và tiếng Việt, từ đó chỉ ra những điểm tương đồng và dị biệt giữa chúng ở hai ngôn ngữ dưới góc nhìn văn hoá-xã hội.

2. Cơ sở lí luận

2.1. Về ngữ cố định

2.1.1. Định ngữ ngữ cố định

Trong tiếng Anh, theo Từ điển Collins Cobuild (1988), ngữ cố định, set or fixed expression, được sử dụng để chỉ bất kì một nhóm gồm hai hay nhiều từ, ví dụ như cụm từ (phrases) hoặc câu (sentences), chúng được coi là một đơn vị từ vựng. Theo D. Cystal (2006), expression là thuật ngữ được sử dụng trong ngôn ngữ học nhằm để chỉ chuỗi các thành tố được coi như là một đơn vị dùng cho mục đích phân tích và thảo luận; ngữ cố định cũng có thể được sử dụng để khảo sát các đặc trưng ngữ nghĩa.

Trong tiếng Việt, theo Mai Ngọc Chừ, Vũ Đức Nghiệu & Hoàng Trọng Phiến (1997), cụm từ cố định là những đơn vị có sẵn, được hình thành trong quá trình phát triển của lịch sử xã hội – ngôn ngữ. Nó thường gồm một tập hợp các từ đơn có kết hợp chặt chẽ, vững chắc, ổn định thành một khối không thể tách rời, có ý nghĩa hoàn chỉnh, dùng để gọi tên sự vật, hiện tượng, biểu thị khái niệm. Cụm từ cố định là một loại đơn vị từ vựng, được sử dụng tương đương như từ (có thể thay thế cho từ hoặc kết hợp với từ để tạo câu), ví dụ như: mẹ tròn con vuông, đầu voi đuôi chuột, ăn trắng mặc trơn, yêu nước thương nòi, ăn ngon mặc đẹp, nhà tranh vách đất… hay nói tóm lại, chẳng chóng thì chày, nói vô phép. Theo Mai Thị Kiều Phượng (2011, 325), “Ngữ cố định cũng giống như là những đơn vị tồn tại hiển nhiên có sẵn trong ngôn ngữ, được hình thành trong quá trình phát triển của lịch sử – xã hội – ngôn ngữ. Ngữ cố định không phải là các tên gọi của sự vật, hiện tượng hay quan hệ mà nó thường gồm một tập hợp các từ kết hợp với nhau theo một kết cấu tương đối vững chắc, cố định, ổn định, bất biến, khó tách rời và luôn luôn có ý nghĩa hoàn chỉnh, dùng để tái hiện trong lời nói và gọi tên – biểu thị sự vật, hiện tượng, cũng như biểu thị khái niệm như các từ”.

2.1.2. Phân loại ngữ cố định

Về cách phân loại ngữ cố định dựa trên những tiêu chí khác nhau. Cách phân loại được nhiều người nhắc đến là phân loại căn cứ đặc điểm cấu tạo về ngữ nghĩa và về sự vận dụng, có thể chia ngữ cố định thànhquán ngữ và thành ngữ.

Theo Mai Ngọc Chừ, Vũ Đức Nghiệu & Hoàng Trọng Phiến (1997):

Quán ngữ là những cụm từ cố định, có những đặc trưng rất gần với cụm từ tự do. Đó là những cách nói diễn đạt nhằm mục đích đưa đẩy để chuyển ý hay dẫn ý, để mở đề hoặc gây chú ý, tạo tình huống giao tiếp, không khí giao tiếp… Chẳng hạn: Các quán ngữ dùng trong ngôn ngữ lời nói hàng ngày: nói vô phép, nói trộm vía,…; Các quán ngữ dùng trong ngôn ngữ khoa học như: như trên đã nói, nói tóm lại,…; Các quán ngữ dùng trong các phong cách khác, như: thưa các đồng chí, thưa quý vị (hiến văn, báo cáo); thân mến; chào thân ái, kính thư (thư từ); cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, kính gửi; đồng kính gửi… (văn bản hành chính). Có thể phân loại các quán ngữ của tiếng Việt dựa vào phạm vi và tính chất phong cách của chúng, như: Những quán ngữ hay dùng trong phong cách hội thoại, khẩu ngữ: Của đáng tội, Khí vô phép, Khổ một nỗi là, (Nói) bỏ ngoài tai, Nói dại đổ đi,Những quán ngữ hay dùng trong phong cách viết (khoa học, chính luận,…) hoặc diễn giảng như: Nói tóm lại, Có thể nghĩ rằng, Ngược lại, Một mặt thì, Mặt khác thì,

 – Thành ngữ là kiểu cụm từ cố định tiêu biểu nhất trong ngôn ngữ gồm một tập hợp các từ đơn có kết cấu chặt chẽ, vững chắc, ổn định thành một khối không thể tách rời, có ý nghĩa hoàn chỉnh, dùng để gọi tên sự vật (hiện tượng, tính chất, hoạt động)một cách hình ảnh, bóng bẩy. Ví dụ: ông nói gà bà nói vịt, trống đánh xuôi kèn thổi ngược,…

Tóm lại ngữ cố định là một mảng không thể thiếu được trong từ vựng của một ngôn ngữ. Nó góp phần đáng kể trong việc mang lại tính chất phong phú sinh động của ngôn ngữ. Nó góp phần tạo ra sức sống luôn luôn xanh tươi cho ngôn ngữ. 

Như vậy có thể nói, quan niệm về ngữ cố định trong tiếng Anh hoàn toàn tương đương với cụm từ cố định trong tiếng Việt. Trong nghiên cứu này chúng gọi chung là ngữ cố định, chúng gồm quán ngữ và thành ngữ. Dựa trên các định nghĩa về quán ngữ và thành ngữ như trên, chúng tôi đi xác định những NCĐ TĐN trong tiếng Anh và tiếng Việt.

2.2. Quan niệm về tốc độ

Theo Từ điển Oxford Advanced Learner’s Dictionary (2017), tốc độ (speed) được định nghĩa là (i) tính nhanh của cử động; sự mau lẹ; (ii) tốc độ của người/ vật khi chuyển động. Theo Đại từ điển tiếng Việt (2013) và Từ điển tiếng Việt (2017) tốc độ là (i) độ nhanh, nhịp độ của quá trình vận động, phát triển;  (ii) vận tốc, và vận tốc được định nghĩa là đại lượng vật lí đặc trưng cho sự nhanh hay chậm của một chuyển động, được đo bằng quãng đường đi được trong một đơn vị thời gian. Qua thực tế khảo sát tư liệu, chúng tôi quan niệm tốc độ theo nghĩa thứ 2 của từ điển tiếng Anh và tiếng Việt, nghĩa là tốc độ là vận tốc của người và vật khi chuyển động, tốc độ là đặc trưng cho sự nhanh, chậm và một số tốc độ khác như dần dần, từ từ, đều đều, thong thả, vội vã,… của một chuyển động.

2.3. Đặc trưng văn hóa-xã hội Anh và Việt

Các nhà văn hóa học trong nước và trên thế giới đã khẳng định rõ rằng, trong lịch sử ở cựu lục địa Âu-Á đã hình thành nên hai vùng văn hóa lớn là: vùng văn hóa phương Tây (chính xác là Tây Bắc) và vùng văn hóa phương Đông (chủ yếu là Đông Nam). Cho nên, các nền văn hoá hiện đại dù đang thuộc giai đoạn văn minh nào, nông nghiệp, công nghiệp hay thậm chí hậu công nghiệp cũng đều không thoát ra ngoài hai loại hình văn hóa cơ bản: Văn hoá gốc du mục văn hoá gốc nông nghiệp. Điển hình cho loại văn hóa gốc nông nghiệp là các nền văn hoá phương Đông, chính xác hơn là văn hoá ĐÔNG NAM, Đông Nam Á (bao gồm vùng đất phía Nam sông Dương Tử), trong đó có Việt Nam; còn điển hình cho loại văn hóa gốc du mục là các nền văn hoá phương TÂY (chính xác là Tây Bắc châu Âu – miền Bắc Trung Quốc), trong đó có nước Anh.

Loại hình văn hóa gốc nông nghiệp và loại hình văn hóa gốc du mục với những nội dung khác biệt rõ rệt. Loại hình văn hóa gốc nông nghiệp sống bằng nghề trồng trọt, do đó, con người phải sống định cư, dẫn đến yêu trọng thiên nhiên; về mặt nhận thức phải hình thành lối tư duy tổng hợp – biện chứng để giải quyết nhiều yếu tố trong sản xuất; về mặt tổ chức cộng đồng buộc phải trọng tình. Lối sống trọng tình dẫn đến thái độ trọng đức, trọng văn và trọng phụ nữ. Lối tư duy tổng hợp – biện chứng dẫn đến lối sống linh hoạt, luôn biến báo cho phù hợp với hoàn cảnh. Những cái này đã quy định lối ứng xử với môi trường xã hội là thái độ dung hợp trong tiếp nhận.

Trong khi đó, loại hình văn hóa gốc du mục lại có những đặc trưng ngược lại. Cụ thể, do nghề nghiệp chăn nuôi nên phải du cư, dẫn đến không coi trọng tự nhiên, có tham vọng chinh phục tự nhiên; trong nhận thức thiên về tư duy phân tích, dẫn đến trọng lí, đồng thời chú ý đến các yếu tố, dẫn đến lối sống thực dụng, vật chất. Trong tổ chức cộng đồng thì coi trọng sức mạnh, dẫn đến trọng tài, trọng võ, trọng nam giới, coi trọng vai trò cá nhân, việc ứng xử diễn ra theo nguyên tắc. Trong ứng xử với môi trường xã hội thì độc đoán trong tiếp nhận, cứng rắn, hiếu thắng trong đối phó.

Những điều lí giải trên đây theo nguyên lí nhất nguyên luận và quyết định luận duy vật biện chứng về sự ra đời của nền văn hóa phương Đông và nền văn hóa phương Tây với những đặc trưng khác biệt điển hình của chúng là chìa khóa vạn năng để giải quyết các mối quan hệ con người với giới tự nhiên, với xã hội và con người với đời sống tinh thần, quan niệm nhân sinh quan và thế giới quan. Chính những điều đó đã lí giải tại sao người phương Tây coi trọng cá nhân, còn người phương Đông lại coi trọng cộng đồng, v.v.

Qua những đặc trưng cơ bản của hai loại hình văn hóa nông nghiệp và du mục, chúng ta thấy, hai loại hình văn hóa này gần như trái ngược nhau, từ đó chúng ta cảm nhận rằng ngữ cố định chỉ tốc độ nhanh trong tiếng Anh và tiếng Việt sẽ mang những sắc thái văn hóa dân tộc khác nhau được biểu hiện qua những nét đặc trưng rất riêng biệt và rất tế nhị của từng nền văn hóa.

3. Phương pháp nghiên cứu

3.1. Mục đích nghiên cứu

Mục đích chính của nghiên cứu là làm sáng tỏ các đặc trưng văn hoá – xã hội biểu thị trong NCĐ TĐN tiếng Anh và tiếng Việt, từ đó chỉ ra những điểm tương đồng và dị biệt giữa chúng. Mục đích cụ thể là xác định các đặc trưng văn hoá – xã hội dưới hai tiêu chí: (i) các phạm trù biểu trưng và (ii) các sắc thái nghĩa biểu thị tốc độ của NCĐ TĐN trong tiếng Anh và tiếng Việt để chỉ ra những tương đồng và khác biệt giữa chúng dưới góc nhìn của văn hoá – xã hội.

3.2. Nhiệm vụ nghiên cứu

(i) Khảo sát và xác định các NCĐ TĐN trong tiếng Anh và tiếng Việt;

(ii) Xác định và phân loại: 1/Các phạm trù biểu trưng biểu thị các nét biểu trưng về văn hoá – xã hội trong cuộc sống của người Anh và người Việt. Trong các phạm trù biểu trưng, các từ biểu trưng cho các phạm trù biểu trưng ở hai ngôn ngữ cũng được xác định; 2/Các sắc thái nghĩa biểu trưng biểu thị tốc nhanh được xác định theo các sắc thái biểu thị ngữ nghĩa tốc độ nhanh; qua đó, chúng được phân nhóm theo các sắc thái nét nghĩa đơn, sắc thái hai nét nghĩa và sắc thái ba nét nghĩa được tích hợp trong các NCĐ TĐN dựa theo cách giải thích trong từ điển; 3/So sánh các phạm trù biểu trưng và các từ biểu ngữ biểu thị cho các phạm trù; so sánh nhóm sắc thái nghĩa và các sắc thái nét nghĩa của các nhóm NCĐ TĐN tiếng Anh và tiếng Việt dưới góc nhìn của văn hoá-xã hội để chỉ ra những điểm tương đồng và dị biệt.

3.4. Phương pháp nghiên cứu

Bài báo sử dụng phương pháp miêu tả và phương pháp so sánh đối chiếu hai chiều để chỉ ra những nét tương đồng và dị biệt về các đặc trưng văn hoá-xã hội dưới hai tiêu chí: các phạm trù biểu trưng và từ ngữ biểu thị trong các phạm trù; và các sắc thái nghĩa và các sắc thái nét nghĩa của các nhóm chỉ tốc độ nhanh trong các NCĐ TĐN tiếng Anh và tiếng Việt. Phương pháp nghiên cứu liên ngành ngôn ngữ-văn hoá để giúp tìm ra những phạm trù biểu trưng các đặc trưng văn hoá – xã hội, các từ ngữ biểu thị cho các phạm trù; các sắc thái nghĩa và các nét sắc thái nghĩa và để lí giải cho những tương đồng và khác biệt ngầm ẩn trong các NCĐ TĐN tiếng Anh và tiếng Việt. Ngoài ra, các thủ pháp phân loại, thống kê cũng được sử dụng để thống kê, phân loại các NCĐ TĐN trong tiếng Anh và tiếng Việt. 

Các phương pháp này có tầm quan trọng như nhau và được vận dụng xuyên suốt đề tài, tất cả nhằm mục đích duy nhất: giải quyết vấn đề đề tài đã đặt ra.

3.5. Phạm vi và đối tượng nghiên cứu

Nghiên cứu tiếp cận theo hướng liên ngành ngôn ngữ-văn hoá để khảo sát các đặc trưng ngôn ngữ, văn hoá và xã hội của NCĐ TĐN tiếng Anh và tiếng Việt theo hai chí: các phạm trù biểu trưng, từ ngữ biểu trưng cho các phạm trù và các sắc thái nghĩa và các sắc thái nét nghĩa của các nhóm chỉ tốc độ nhanh trong các NCĐ TĐN tiếng Anh và tiếng Việt. Trong phạm vi bài báo này, chúng tôi sẽ đi sâu phân tích chi tiết các phạm trù biểu trưng, các sắc thái nghĩa và các nét sắc thái nghĩa, còn các từ ngữ biểu thị các phạm trù chúng tôi chỉ dừng lại ở thống kê số lượng và đưa ra một số ví dụ điển hình, còn chi tiết các đặc trưng của chúng chúng tôi xin dành cho một nghiên cứu khác. 

NCĐ TĐN trong phạm vi nghiên cứu gồm thành ngữ và quán ngữ chỉ tốc độ nhanh trong tiếng Anh và tiếng Việt. Tốc độ được coi là vận tốc vận động của người và vật, biểu thị các tốc độ, vận tốc nhanh. NCĐ TĐN được khảo sát trong các từ điển đơn ngữ, song ngữ, từ điển thành ngữ tiếng Anh, tiếng Việt, Anh-Việt; các từ điển giải thích ngôn ngữ học, thành ngữ tiếng Anh và tiếng Việt và trên mạng xã hội với từ khoá “words related to speed”. Kết quả thu được 280 NCĐ TĐN trong tiếng Anh và 198 NCĐ TĐN trong tiếng Việt.

4. Kết quả và thảo luận

4.1. Đặc trưng văn hoá-xã hội của NCĐ TĐN trong tiếng Anh

Qua khảo sát NCĐ TĐN trong tiếng Anh, dựa trên ý nghĩa về tốc độ nhanh và các tiêu chí phân loại các đặc trưng văn hoá – xã hội của NCĐ TĐN của tiếng Anh, chúng tôi có được các kết quả sau.

4.1.1. Các phạm trù biểu trưng của NCĐ TĐN trong tiếng Anh

Về các phạm trù biểu trưng: 280 NCĐ TĐN được phân loại thành 22 phạm trù biểu trưng các đặc trưng văn hoá – xã hội (Bảng 1), gồm các phạm trù như chỉ bộ phận cơ thể con người, chất liệu, con người, đo lường, đồ vật/ vật dụng, động vật, hành động, (hiện tượng) tự nhiên, kim loại, nơi chốn/ vị trí, quan điểm, đánh giá, số từ/ số lượng, sự việc, tên người, thời gian, thực phẩm, thực vật, tiền bạc, trạng thái, trí tuệ, vũ khí và một số các phạm trù khác.

Về tổng thể: 22 phạm trù biểu thị TĐN trong tiếng Anh được thể hiện bằng 483 lượt từ biểu hiện. Trong đó các từ biểu hiện các biểu trưng cho phạm trù hành động chiếm tỉ lệ cao nhất (27,33%), có 132 từ, ví dụ: make, go, run, get, beat…; sau đó đến từ biểu hiện phạm trù trạng thái đứng thứ hai với 107 từ, chiếm 22,15%, ví dụ: quick, fast, sharp… ; tiếp theo là từ biểu hiện cho phạm trù sự việc, với 41 từ, chiếm 8,49%, ví dụ: run, work, draw, leap, lick,…; từ biểu hiện phạm trù đo lường với 37 từ, chiếm 7,66%, ví dụ: gallop, palce, speed…; từ biểu hiện phạm trù các (hiện tượng) tự nhiên với 30 từ, chiếm 6.21%, ví dụ: lightning, wind, fire,….;  từ biểu hiện phạm trù cho đồ vật/ vật dụng với 26 từ, chiếm 5,38%, ví dụ: clock, gear, leather, stakes…), từ biểu hiện phạm trù bộ phận cơ thể con người với 19 từ, chiếm 3.93%, ví dụ:  back, blink, eye, leg, tail,… từ biểu hiện phạm trù động vật với 17 từ, chiếm 3.52%, ví dụ: buck, bunny, cat, rabbit…, từ biểu hiện phạm trù cho các phạm trù khác với 16 từ, chiếm 3,31%, ví dụ: clip, steam,…; từ biểu hiện phạm trù nơi chốn/ vị trí thời gian có tỉ lệ là 2,48% và 2,28%. Các từ biểu hiện cho các phạm trù còn lại có tỉ lệ rất thấp, dao động trong khoảng từ 1,45% đến 0,62%.

Bảng 1. Phạm trù biểu trưng trong NCĐ TĐN tiếng Anh

TT Phạm trù biểu trưng Tổng số TT Phạm trù biểu trưng Tổng số
Từ biểu hiện  % Từ biểu hiện %
1 Bộ phận cơ thể người 19 3,93 12 Số từ/ số lượng 7 1,45
2 Chất liệu 2 0,41 13 Sự việc 41 8,49
3 Con người 8 1,66 14 Tên người 1 0,21
4 Đo lường 37 7,66 15 Thời gian 11 2,28
5 Đồ vật/ vật dụng 26 5,38 16 Thực phẩm 1 0,21
6 Động vật 17 3,52 17 Thực vật 1 0,21
7 Hành động 132 27,33 18 Tiền bạc 5 1,04
8 (Hiện tượng) tự nhiên 30 6,21 19 Trạng thái 107 22,15
9 Kim loại 2 0,41 20 Trí tuệ 3 0,62
10 Nơi chốn/ vị trí 12 2,48 21 Vũ khí 3 0,62
11 Quan điểm/ đánh giá 2 0,41 22 Khác 16 3,31
Tổng số 483 100

4.1.2. Các sắc thái nghĩa biểu thị tốc độ nhanh trong ngữ cố định tiếng Anh

Về phân nhóm các sắc thái nghĩa: Các NCĐ TĐN trong tiếng Anh được phân tích dựa trên sự giải thích nghĩa của chúng trong các từ điển Anh-Anh. Qua khảo sát chúng tôi thấy, sắc thái biểu thị ngữ nghĩa nhanh trong các NCĐ TĐN tiếng Anh gồm ba dạng: sắc thái biểu thị ngữ nghĩa nhanh có một nét nghĩa đơn, sắc thái biểu thị ngữ nghĩa nhanh tích hợp hai nét nghĩa và tích hợp ba nét nghĩa (Bảng 2). Cụ thể như sau:

280 NCĐ TĐN trong tiếng Anh được chia thành 49 sắc thái nghĩa, gồm 03 nhóm sắc thái nghĩa:

 (i) 3 sắc thái nghĩa đơn (một nét nghĩa) chiếm 2,86%, ví dụ: nhanh gọn (in short order), nhanh nhảu (play fast and loose), nhanh nhẹn (bright and breezy);

(ii) 44 sắc thái nét nghĩa tích hợp 2 sắc thái nghĩa (chiếm 93,57%), gồm các sắc thái nghĩa chỉ: nhanh, chỉ người (speed demon, fast talk, a swift runner); nhanh chóng, mau nhẹ (on the double); nhanh trí, hiểu (quick on the uptake, have a mind like a trap, have swift wit); nhanh, bất ngờ (loke a dose of salts); nhanh, bột phát (snap decision); nhanh, chắc chắn (swift and sure); nhanh, chớp nhoáng (a flying visit); nhanh, cơ hội (blink and you’ll miss it, jump at the chance); nhanh, cuống cuồng (run like a lamplighter, run like a rabbit); nhanh, dễ nổi nóng (have a quick temper); nhanh, đoảng (whizz through, quick and dirty); nhanh, đối đáp (a bright spark); nhanh, đột ngột (break into a gallop, like a dose of salts); nhanh, đuổi đi (make a quick work of, sweep someone off their feet); nhanh, gấp gáp (a race against time, against the clock, buck up); nhanh, giải quyết công việc (make fast work of, cut to the chase, toss off); nhanh, gọn (cut off a corner); nhanh, hối hả/ vội vàng (a lick of paint, look sharp); nhanh, kết quả tốt (go great guns, make good time); nhanh, hết tốc độ (at full pelt, at full lick, at full gallop); nhanh, khẩn trương (make haste); nhanh, liên tục (nineteen to the dozen, be quick on the draw); nhanh, lướt qua (speed through, pull ahead); nhanh, nhiều (breed like rabbits, come thick and fast); nhanh, ngay lập tức (at the drop of a hat, double quick, in a breath); nhanh, phản ứng (quick of the mark); nhanh, ra lệnh (make it snappy, must fly, move your ass); nhanh, rất vội (hurry off, hurry away); nhanh, rất (good gallop, lightning quick, like a bat out of hell); nhanh, sống động (fast and furious); nhanh, sống gấp (life in the fast lane); nhanh, tăng giá (run up); nhanh, tăng tốc (rattle through, a turn of speed); nhanh, thay đổi (before the ink is dry, quick change artist); nhanh, thoăn thoắt (fast acting, fancy a quickie); nhanh, thúc giục (pressed for time, snap to it); nhanh, tiến bộ (hand over hand, hand over fist); nhanh, tiếp tục (make haste slowly); nhanh, tốc độ cao (at top speed, burn the wind, at a good clip); nhanh, trốn đi (mile a minute, cut and run, hop to it); nhanh, truyền tin (fire off, like wildfire);

(iii) 5 sắc thái nghĩa tích hợp của 03 nét nghĩa, chiếm 3,57%, gồm: nhanh, dừng, đột ngột (a quick one); nhanh, dồn dập, tới tấp (thick and fast); nhanh, hiệu quả, đầy sinh lực (move a gear, shift up a gear); nhanh, kiếm tiền, dễ dàng (coin money, make a quick buck); nhanh, phủ định, khuyên nhủ (hold your horses).

Bảng 2. Sắc thái nghĩa biểu thị trong NCĐ TĐN tiếng Anh

TT

Sắc thái nghĩa

NCĐ TĐN Nhóm sắc thái nghĩa
số % số %
1 Nhanh gọn 3 1,07 8 2,86
2 Nhanh nhảu 2 0,71
3 Nhanh nhẹn 3 1,07
4 Nhanh, chỉ người 5 1,79 262 93,57
5 Nhanh chóng, mau lẹ 3 1,07
6 Nhanh trí, hiểu 8 2,86
7 Nhanh, bất ngờ 1 0,36
8 Nhanh, bột phát 1 0,36
9 Nhanh, chắc chắn 1 0,36
10 Nhanh, chớp nhoáng 1 0,36
11 Nhanh, cơ hội 4 1,43
12 Nhanh, cuống cuồng 3 1,07
13 Nhanh, dễ nổi nóng 1 0,36
14 Nhanh, đoảng 2 0,71
15 Nhanh, đối đáp 1 0,36
16 Nhanh, đột ngột 4 1,43
17 Nhanh, đuổi đi 5 1,79
18 Nhanh, gấp gáp 5 1,79
19 Nhanh, giải quyết công việc 4 1,43
20 Nhanh, gọn 1 0,36
21 Nhanh, hết tốc độ 10 3,57
22 Nhanh, hối hả/ vội vàng 6 2,14
23 Nhanh, kết quả tốt 2 0,71
24 Nhanh, khẩn trương 1 0,36
25 Nhanh, liên tục 4 1,43
26 Nhanh, lướt qua 3 1,07
27 Nhanh, nhiều 2 0,71
28 Nhanh, ngay lập tức 15 5,36
29 Nhanh, phản ứng 1 0,36
30 Nhanh, ra lệnh 5 1,79
31 Nhanh, rất vội (ra lệnh) 5 1,79
32 Nhanh, rất 87 31,07
33 Nhanh, sống động 1 0,36
34 Nhanh, sống gấp 1 0,36
35 Nhanh, tăng giá 1 0,36
36 Nhanh, tăng tốc 34 12,14
37 Nhanh, thay đổi 2 0,71
38 Nhanh, thoăn thoắt 4 1,43
39 Nhanh, thúc giục 5 1,79
40 Nhanh, tiến bộ 3 1,79
41 Nhanh, tiếp tục 1 0,36
42 Nhanh, tốc độ cao 7 2,50
43 Nhanh, trốn đi 9 3,21
44 Nhanh, truyền tin 3 1,79
45 Nhanh, dừng lại, đột ngột 1 0,36 10 3,57
46 Nhanh, dồn dập, tới tấp 1 0,36
47 Nhanh, hiệu quả, đầy sinh lực 2 0,71
48 Nhanh, kiếm tiền, dễ dàng 5 1,79
49 Nhanh, phủ định, khuyên nhủ 1 0,36
    280 100 280 100

 Về tổng thể: Trong 49 sắc thái nghĩa biểu thị tốc độ nhanh trong NCĐ TĐN tiếng Anh, sắc thái nghĩa biểu thị nét nghĩa nhanh, rất chiếm tỉ lệ cao nhất, 31,07%; tiếp theo sắc thái nghĩa biểu thị nét nghĩa nhanh, tăng tốc, chiếm 12,14%; sắc thái nghĩa biểu thị nét nghĩa nhanh, ngay lập tức, chiếm 5,36%; sắc thái nghĩa biểu thị nét nghĩa nhanh, hết tốc độ, chiếm 3,57%; sắc thái nghĩa biểu thị nét nghĩa nhanh, trốn đi, chiếm 3,21%; sắc thái nghĩa biểu thị nét nghĩa nhanh, tốc độ cao, chiếm 2,50%; sắc thái nghĩa biểu thị nét nghĩa nhanh, hối hả/ vội vàng, chiếm 2,14%; các sắc thái nghĩa biểu thị nét nghĩa nhanh khác lại dao động trong khoảng 1,79% đến 0,36%.

4.2. Đặc trưng văn hoá-xã hội của ngữ cố định chỉ tốc độ nhanh trong tiếng Việt

Qua khảo sát 198 NCĐ TĐN trong tiếng Việt, dựa trên ý nghĩa về tốc độ nhanh và các tiêu chí phân loại các đặc trưng văn hoá – xã hội của NCĐ TĐN trong tiếng Việt, chúng tôi có được các kết quả sau.

4.2.1. Các phạm trù biểu trưng của ngữ cố định tốc độ nhanh trong tiếng Việt

Bảng 3. Phạm trù biểu trưng trong NCĐ TĐN tiếng Việt

TT Phạm trù biểu trưng TĐN Tổng số TT Phạm trù biểu trưng TĐN Tổng số
Từ biểu hiện % Từ biểu hiện %
1 Bộ phận cơ thể người 68 11,99 12 Nơi chốn/ vị trí 4 0,71
2 Chất liệu 2 0,35 13 Số từ/ số lượng 8 1,41
3 Con người 4 0,71 14 Thời gian 8 1,41
4 Đo lường 8 1,41 15 Cây) Thực phẩm 8 1,41
5 Đồ vật/ vật dụng 8 1,41 16 Thực vật 3 0,53
6 Đồ chơi/ trò chơi 8 1,41 17 Trạng thái 61 10,76
7 Động vật 26 4,59 18 Vũ khí 6 1,06
8 Côn trùng 2 0,35 19 Siêu nhiên 14 2,47
9 Lông vũ 4 0,71 20 Thuỷ sinh 3 0,53
10 Hành động 277 48,85 21 Khác 6 1,06
11 (Hiện tượng) tự nhiên 34 6,00   Tổng số 567 100

Về các phạm trù biểu trưng: Bảng 3 cho thấy, 198 ngữ liệu được phân loại thành 21 phạm trù biểu trưng các đặc trưng văn hoá – xã hội trong các NCĐ TĐN tiếng Việt, với 567 lượt từ biểu hiện, gồm các phạm trù chỉ bộ phận cơ thể người, chất liệu, con người, đo lường, đồ vật, vật dụng, đồ chơi, trò chơi, động vật, côn trùng, lông vũ, hành động, (hiện tượng) tự nhiên, nơi chốn/ vị trí, số từ, thời gian, (cây) thực phẩm, thực vật, trạng thái, vũ khí, siêu nhiên, thuỷ sinh và một số các phạm trù khác.

Về tổng thể: Trong số 576 từ biểu hiện các phạm trù biểu trưng, số lượng từ biểu thị phạm trù biểu trưng các hành động (ăn, bán, bay, chạy, chết…) chiếm tỉ lệ cao nhất (48,85%), tiếp đến là các từ biểu thị các bộ phận cơ thể người (chân, cổ, tay, bàn tay, cẳng…) chiếm tỉ lệ 11,99%; chỉ trạng thái (nhanh, mau, lẹ, tháo…) chiếm tỉ lệ 10,76%; chỉ (hiện tượng) tự nhiên chiếm 6,0%; chỉ động vật (ngựa, chó, bò, chuột…) chiếm tỉ lệ 4,59%; chỉ siêu nhiên (ma, rồng, hà bá…) chiếm tỉ lệ 2,47%; các phạm trù biểu trưng TĐN còn lại dao động trong khoảng từ 0,35% đến 1,41%.

4.2.2. Các sắc thái nghĩa biểu thị tốc độ nhanh trong ngữ cố định tiếng Việt

Về phân loại các sắc thái nghĩa: Bảng 4 cho thấy, trong tổng số 198 NCĐ TĐN tiếng Việt, có 52 sắc thái nghĩa biểu thị TĐN được chia thành 04 nhóm sắc thái nghĩa sau:

(i) 01 sắc thái nghĩa đơn (01 sắc thái nghĩa đơn), gồm 04 nét sắc thái (chiếm 6,06%); nhanh chóng (hết bay, hết biến; nhanh như ăn cướp), nhanh nhảu (ăn trước, sạch bát; miệng nói, chân đi), nhanh nhạy (xuất quỉ nhập thần), nhanh nhẹn (mau mồm mau miệng, mau tay hay làm, tay nem, tay chạo);

(ii) 2 sắc thái nghĩa, gồm 26 nét sắc thái nghĩa (chiếm 74,24%): nhanh, cuống cuồng (chạy vắt chân lên cổ, chạy cắm đầu cắm cổ, chạy như chó phải lói); nhanh, dễ dàng (gẩy móng tay cũng xong); nhanh, đoảng (nhanh nhảu đoảng); nhanh, đột ngột (không kịp trở bàn tay, lật như trở bàn tay, chết không kịp ngáp); nhanh, gấp gáp (cứu hạn như cứu hoả); nhanh, gọn (phỗng tay trên); nhanh, hết tốc độ (chạy toé khói, chạy bán sống bán chết, nhanh như mũi tên); nhanh, hoảng sợ (chạy như ngựa vía, chạy như chó phải pháo); nhanh, lan truyền (tiếng lành đồn xa, tiễng dữ đồn xa; lời nói không cánh mà bay, như vết dầu loang); nhanh, liên tục (lạy như tế sao, vái như tế sao); nhanh, lớn (chảy như nước); nhanh, mạnh (gió táp mưa xa, bạt gió long đất); nhanh, mệt mỏi (chạy bở hơi tai, chạy hộc tốc dốc gan); nhanh, ngay lập tức (chết thẳng cẳng); nhanh, nhiều (mọc như nấm, như tằm ăn rỗi, ngốn như bò ngốn rơm); nhanh, phát triển (lên như diều, lên như diều được gió); nhanh, rất (quay tít như chong chóng, nhanh như thuế vụ, nhanh như biến); nhanh, tăng tốc (tốc chiến tốc thắng); nhanh, thay đổi (thay đổi như chong chóng); nhanh, thoăn thoắt (chạy như con thoi, tay năm tay mười); nhanh, thời gian (ngày dài tháng tiếu, ngoảnh đi ngoảnh lại); nhanh, thong thả (ăn như chèo thuyền); nhanh, thuận lợi (như buồm gặp gió, như diều được gió); nhanh, tốc độ cao (lao như bay, lao như tên bắn); nhanh, trốn đi (lủi như chạch, lủi như cuốc, xa chạy cao bay); nhanh, vội vàng (ăn như ăn cướp, bán đổ bán tháo, chân trước chân sau).

(iii) 2 sắc thái nghĩa đồng thời (sắc thái nghĩa kép) được thể hiện ở hai vế của NCĐ TĐN, gồm có 6 nét sắc thái nghĩa (chiếm 4,55%): nhanh – ẩn – hiện (đi mây, về gió); nhanh nhẹn – đủng đỉnh (ăn như thuyền ch mã, làm như ả chơi trăng); nhanh – chậm (mau miệng ăn, thưa miệng nói; nhanh chân thì được, chậm chân thì trượt), nhanh – khoẻ – luộm thuộm (ăn như phát tẩu, làm như trấu vải), nhanh – nhiều – chậm (ăn như rồng cuốn, nói như rồng leo, làm như mèo mửa); nhanh, khoẻ – nhỏ nhẹ (nam thực như hổ, nữ thực như miêu).

(iv) 03 sắc thái nghĩa, gồm 16 nét sắc thái nghĩa (chiếm 15,55%): nhanh, dồn dập, nhiều (bắn như đổ đạn, bắn như vãi trấu); nhanh, mạnh mẽ, ào ạt (dâng lên như vũ bão), nhanh, mạnh, bất ngờ (đánh như trời giáng); nhanh, mạnh, dồn dập (chảy như thác đổ); nhanh, mạnh, nhiều (chảy như tháo cống); nhanh, nhiều, khoẻ (ăn như thuồng luồng); nhanh, nhiều, tham (ăn như bò ngốn cỏ); nhanh, qua quýt, cẩu thả (chớp nhoáng, đảo nhào); nhanh, tấp nập, đông đúc (chạy như mắc cửu); nhanh, thong dong, mạnh mẽ (chạy nhanh như ngựa tế); nhanh, thuận lợi, phát triển (diều gặp gió); nhanh, tiêu tan, mất mát (kiếm củi ba năm thiêu một giờ); nhanh, tiêu tiền, nhiều (tiêu tiền như ăn gỏi); nhanh, vội vã, hỗn loạn (chạy xiên chạy quàng); nhanh, vội vã, hốt hoảng (chạy thốc chạy tháo); nhanh, vội vàng, hấp tấp (chạy như chạy loạn).

Bảng 4. Sắc thái nghĩa biểu thị trong NCĐ TĐN tiếng Việt

TT Sắc thái nghĩa NCĐ TĐN Nhóm sắc thái nghĩa
Số % Số %
1 nhanh chóng 2 1,01 12 6,06
2 nhanh nhảu 2 1,01
3 nhanh nhạy 1 0,51
4 nhanh nhẹn 7 3,54
5 nhanh, cuống cuồng 9 4,55 147 74,24
6 nhanh, dễ dàng 1 0,51
7 nhanh, đoảng 1 0,51
8 nhanh, đột ngột 11 5,56
9 nhanh, gấp gáp 1 0,51
10 nhanh, gọn 1 0,51
11 nhanh, hết tốc độ 17 8,59
12 nhanh, hoảng sợ 5 2,53
13 nhanh, lan truyền 4 2,02
14 nhanh, liên tục 3 1,52
15 nhanh, lớn 1 0,51
16 nhanh, mạnh 4 2,02
17 nhanh, mệt 3 1,52
18 nhanh, ngay lập tức 1 0,51
19 nhanh, nhiều 10 5,05
20 nhanh, phát triển 4 2,02
21 nhanh, rất 26 13,13
22 nhanh, tăng tốc 2 1,01
23 nhanh, thay đổi 1 0,51
24 nhanh, thoăn thoắt 2 1,01
25 nhanh, thời gian 5 2,53
26 nhanh, thong thả 1 0,51
27 nhanh, thuận lợi 3 1,52
28 nhanh, tốc độ cao 2 1,01
29 nhanh, trốn đi 10 5,05
30 nhanh, vội vàng 19 9,60
31 nhanh – ẩn-hiện 1 0,51 9 4,55
32 nhanh – khoẻ-nhỏ nhẹ 1 0,51
33 nhanh nhẹn-đủng đỉnh 1 0,51
34 nhanh-chậm 4 2,02
35 nhanh – khoẻ-luộm thuộm 1 0,51
36 nhanh – nhiều-chậm 1 0,51
37 nhanh, dồn dập, nhiều 5 2,53 30 15,15
38 nhanh, mạnh mẽ, ào ạt 4 2,02
39 nhanh, mạnh, bất ngờ 1 0,51
40 nhanh, mạnh, dồn dập 2 2,02
41 nhanh, mạnh, nhiều 1 0,51
42 nhanh, nhiều, khoẻ 3 1,52
43 nhanh, nhiều, tham 1 0,51
44 nhanh, qua quýt, cẩu thả 2 2,02
45 nhanh, tấp nập, đông đúc 1 0,51
46 nhanh, thong dong, mạnh mẽ 1 0,51
47 nhanh, thuận lợi, phát triển 1 0,51
48 nhanh, tiêu tan, mất mát 2 2,02
49 nhanh, tiêu tiền, nhiều 1 0,51
50 nhanh, vội vã, hỗn loạn 1 0,51
51 nhanh, vội vã, hốt hoảng 2 2,02
52 nhanh, vội vàng, hấp tấp 2 2,02
  Tổng số 198 100 198 100

 

 Về tổng thể: Nhóm sắc thái nghĩa kép có tỉ lệ NCĐ TĐN tiếng Việt thấp nhất là 4,55%; nhỉnh hơn là nhóm sắc thái 01 nét nghĩa có tỉ lệ NCĐ TĐN, 6,06%; tiếp theo là nhóm sắc 03 nét nghĩa, 15,15%; nhóm sắc thái 02 nét nghĩa có tỉ lệ NCĐ TĐN cao nhất, 74,24%.

4.2. So sánh đặc trưng văn hoá-xã hội của ngữ cố định chỉ tốc độ nhanh trong tiếng Anh với tiếng Việt

4.2.1. Về phạm trù biểu trưng của ngữ cố định chỉ tốc độ nhanh tiếng Anh và tiếng ViệtVề các phạm trù biểu trưng: Bảng 5 cho thấy, NCĐ TĐN tiếng Anh có số lượng các phạm trù biểu trưng nhiều hơn các NCĐ TĐN tiếng Việt một biểu trưng (22 và 21 các phạm trù biểu trưng). Trong tổng số 27 phạm trù biểu trưng thì NCĐ TĐN tiếng Anh và tiếng Việt có 15 các phạm trù là giống nhau, không tính các phạm trù khác, đó là phạm trù chỉ bộ phận cơ thể người, chất liệu, con người, đo lường, đồ vật/ vật dụng, động vật, hành động, hiện tượng tự nhiên, nơi chốn/ vị trí, số từ/ số lượng, thời gian, thực phẩm, thực vật, trạng thái, vũ khí và chúng khác nhau ở 11 các phạm trù; NCĐ TĐN trong tiếng Anh không có 05 phạm trù: đồ chơi, côn trùng, lông vũ, siêu nhiên, thuỷ sinh. Đây là các phạm trù biểu trưng đặc trưng của nền văn hoá nông nghiệp và lúa nước chỉ trong ngôn ngữ, văn hoá và xã hội của người Việt mới có. Trong khi đó, NCĐ TĐN tiếng Việt lại không có 06 phạm trù kim loại, quan điểm/ đánh giá/ sự việc, tên người, tiền bạc, trí tuệ. Đây là các phạm trù biểu trưng đặc trưng của nền văn hoá công nghiệp.

Bảng 5. Phạm trù biểu thị trong NCĐ TĐN tiếng Anh và tiếng Việt

TT Phạm trù NCĐ TĐN tiếng Anh NCĐ TĐN tiếng Việt TT Phạm trù NCĐ TĐN tiếng Anh NCĐ TĐN tiếng Việt
Số % Số % Số % Số %
1 Bộ phận cơ thể người 19 3,93 68 11,99 15 Số từ/ số lượng 7 1,45 8 1,41
2 Chất liệu 2 0,41 2 0,35 16 Sự việc 41 8,49 0 0
3 Con người 8 1,66 4 0,71 17 Tên người 1 0,21 0 0
4 Đo lường 37 7,66 8 1,41 18 Thời gian 11 2,28 8 1,41
5 Đồ vật/ vật dụng 26 5,38 8 1,41 19 Thực phẩm 1 0,21 8 1,41
6 Đồ chơi/ trò chơi 0 0 8 1,41 20 Thực vật 1 0,21 3 0,53
7 Động vật 17 3,52 26 4,59 21 Tiền bạc 5 1,04 0 0
8 Côn trùng 0 0 2 0,35 22 Trạng thái 107 22,15 61 10,76
9 Lông vũ 0 0 4 0,71 23 Trí tuệ 3 0,62 0 0
10 Hành động 132 27,33 277 48,85 24 Vũ khí 3 0,62 6 1,06
11 Hiện tượng tự nhiên 30 6,21 34 6,00 25 Siêu nhiên 0   14 2,47
12 Kim loại 2 0,41 0 0 26 Thuỷ sinh 0   3 0,53
13 Nơi chốn/ vị trí 12 2,48 4 0,71 27 Khác 16 3,31 6 1,06
14 Quan điểm/ đánh giá 2 0,41 0 0   Tổng số 483 100 567 100

Về các từ biểu hiện trong phạm trù đo tốc độ nhanh tiếng Anh và tiếng Việt có sự chênh lệch khá lớn. Phạm trù đo tốc độ trong NCĐ TĐN tiếng Việt rất phong phú, với 567 từ, còn trong NCĐ TĐN tiếng Anh có 483 từ. Số lượng từ biểu hiện cho phạm trù hành động vàphạm trù trạng thái trong NCĐ TĐN tiếng Anh và tiếng Việt cùng chiếm tỉ lệ cao thứ nhất (27,33% và 48,85%) và thứ hai (22,15% và 10,76%); Tuy nhiên, số lượng từ biểu hiện cho phạm trù hành động trong NCĐ TĐN tiếng Việt  (ăn vụng, chạy, cứu hạn, kêu, lẩn trốn, leo, phi, phóng, thục mạng, vắt chân, xoay…) nhiều hơn NCĐ TĐN trong tiếng Anh (beat, break, carry, catch, change, chop, come, jump, play, run, say, shift…) (48,85% và 27,33%); ngược lại còn các số lượng từ biểu hiện cho phạm trù trạng thái ở NCĐ TĐN tiếng Anh (agile, bad, fast, haste, quick, snap, thick…) lại nhiều hơn trong tiếng Việt (điên, đổ, dữ, lật lọng, mau, nhanh, nháo nhào, nhoáng nhoàng…) (22,15% và 10,76%). Như vậy có thể thấy, người Việt chú trọng vào hành động biểu thị tốc độ nhiều hơn và người Anh; ngược lại, người Anh lại quan tâm đến các trạng thái của tốc độ nhiều hơn.

Phạm trù có tỉ lệ nhiều thứ ba được người Anh sử dụng nhiều trong các NCĐ TĐN là phạm trù sự việc (acting, bait, chance, decision, order, retreat, shot, shakes, study…); trong khi đó thứ tự thứ ba về số lượng các từ biểu hiện các phạm trù trong tiếng Việt là từ chỉ bộ phận cơ thể người (bàn tay, cẳng, chân, đít, đuôi, lỗ tai, giò, mồm, móng tay, vai…). Chúng ta lại thấy sự khác biệt tế nhị nữa của hai nền văn hoá, khi nền văn hoá công nghiệp chú trọng các sự việc đang diễn ra trong cuộc sống thì nền văn hoá nông nghiệp lại nâng cao vai trò của các bộ phận cơ thể người

Trong các phạm trù biểu trưng của NCĐ TĐN tiếng Anh và tiếng Việt còn thể hiện sự khác biệt rõ ràng hơn những đặc trưng của ngôn ngữ, văn hoá và xã hội của hai dân tộc thông qua số lượng các từ biểu hiện. Trong khuôn khổ nghiên cứu này, chúng tôi chưa có điều kiện đi sâu phân tích các từ biểu hiện trong phạm trù như đã nêu ở phần phạm vi nghiên cứu.

4.2.2. Về sắc thái nghĩa biểu thị tốc độ nhanh trong ngữ cố định tiếng Anh và tiếng Việt

Về các sắc thái nghĩa: Bảng 6 cho thấy, tổng số có 84 sắc thái nghĩa biểu thị TĐN trong các NCĐ tiếng Anh và tiếng Việt. Như đã mô tả ở trên, trong tiếng Anh có 49 sắc thái nghĩa biểu thị tốc độ nhanh; trong khi đó, tiếng Việt có nhiều hơn, phong phú và giàu các sắc thái nghĩa nhanh hơn, có 52 sắc thái nghĩa biểu thị tốc độ nhanh. NCĐ TĐN tiếng Anh và tiếng Việt đều có chung 17 sắc thái biểu thị tốc độ nhanh, đó là sắc thái biểu thị: nhanh nhảu; nhanh nhẹn; nhanh cuống cuồng; nhanh, đoảng; nhanh, đột ngột; nhanh, gấp gáp; nhanh, gọn; nhanh, hết tốc độ; nhanh, liên tục; nhanh, ngay lập tức; nhanh, nhiều; nhanh, rất; nhanh, tăng tốc; nhanh, thay đổi; nhanh, thoăn thoắt; nhanh, tốc độ cao; nhanh, trốn đi.

Như vậy, NCĐ TĐN tiếng Anh và tiếng Việt khác nhau ở 67 sắc thái nghĩa.

Bảng 6. Sắc thái nghĩa trong NCĐ TĐN tiếng Anh và tiếng Việt

TT Sắc thái nghĩa biểu thị TĐN NCĐ TĐN tiếng Anh NCĐ TĐN tiếng Việt
Số % Số %
1 nhanh – ẩn-hiện 0 0 1 0,51
2 nhanh – khoẻ-luộm thuộm 0 0 1 0,51
3 nhanh – khoẻ-nhỏ nhẹ 0 0 1 0,51
4 nhanh – nhiều-chậm 0 0 1 0,51
5 nhanh chóng 0 0 2 1,01
6 nhanh chóng, mau lẹ 3 1,07 0 0
7 nhanh gọn 3 1,07 0 0
8 nhanh nhảu 2 0,71 2 1,01
9 nhanh nhạy 0 0 1 0,51
10 nhanh nhẹn 3 1,07 7 3,54
11 nhanh nhẹn-đủng đỉnh 0 0 1 0,51
12 nhanh trí, hiểu 8 2,86 0 0
13 nhanh-chậm 0 0 4 2,02
14 nhanh, bất ngờ 1 0,36 0 0
15 nhanh, bột phát 1 0,36 0 0
16 nhanh, chắc chắn 1 0,36 0 0
17 nhanh, chỉ người 5 1,79 0 0
18 nhanh, chớp nhoáng 1 0,36 0 0
19 nhanh, cơ hội 4 1,43 0 0
20 nhanh, cuống cuồng 5 1,79 9 4,55
21 nhanh, dễ dàng 0 0 1 1
22 nhanh, dễ nổi nóng 1 0,36 0 0
23 nhanh, đoảng 2 0,71 1 1
24 nhanh, đối đáp 1 0,36 0 0
25 nhanh, dồn dập, nhiều 0 0 5 2,53
26 nhanh, dồn dập, tới tấp 1 0,36 0 0
27 nhanh, đột ngột 4 1,43 11 5,56
28 nhanh, dừng lại, đột ngột 1 0,36 0 0
29 nhanh, đuổi đi 5 1,79 0 0
30 nhanh, gấp gáp 5 1,79 1 0,51
31 nhanh, giải quyết công việc 4 1,43 0 0
32 nhanh, gọn 1 0,36 1 0,51
33 nhanh, hết tốc độ 10 3,57 17 8,59
34 nhanh, hiệu quả, đầy sinh lực 2 0,71 0 0
35 nhanh, hoảng sợ 0 0 5 2,53
36 nhanh, hối hả/ vội vàng 6 2,14 0 0
37 nhanh, kết quả tốt 2 0,71 0 0
38 nhanh, khẩn trương 1 0,36 0 0
39 nhanh, kiếm tiền, dễ dàng 5 1,79 0 0
40 nhanh, lan truyền 0 0 4 2,02
41 nhanh, liên tục 4 1,43 3 1,52
42 nhanh, lớn 0 0 1 0,51
43 nhanh, lướt qua 3 1,07 0 0
44 nhanh, mạnh 0 0 4 2,02
45 nhanh, mạnh mẽ, ào ạt 0 0 4 2,02
46 nhanh, mạnh, bất ngờ 0 0 1 0,51
47 nhanh, mạnh, dồn dập 0 0 2 1,01
48 nhanh, mạnh, nhiều 0 0 1 0,51
49 nhanh, mệt 0 0 3 1,52
50 nhanh, ngay lập tức 15 5,36 1 0,51
51 nhanh, nhiều 2 0,71 10 5,05
52 nhanh, nhiều, khoẻ 0 0 3 1,52
53 nhanh, nhiều, tham 0 0 1 0,51
54 nhanh, phản ứng 1 0,36 0 0
55 nhanh, phát triển 0 0 4 2,02
56 nhanh, phủ định, khuyên nhủ 1 0,36 0 0
57 nhanh, qua quýt, cẩu thả 0 0 2 1,01
58 nhanh, ra lệnh 5 1,79 0 0
59 nhanh, rất 87 31,07 26 13,13
60 nhanh, rất vội (ra lệnh) 5 1,79 0 0
61 nhanh, sống động 1 0,36 0 0
62 nhanh, sống gấp 1 0,36 0 0
63 nhanh, tăng giá 1 0,36 0 0
64 nhanh, tăng tốc 34 12,14 2 1,01
65 nhanh, tấp nập, đông đúc 0 0 1 0,51
66 nhanh, thay đổi 2 0,71 1 0,51
67 nhanh, thoăn thoắt 4 1,43 2 1,01
68 nhanh, thời gian 0 0 5 2,53
69 nhanh, thong dong, mạnh mẽ 0 0 1 0,51
70 nhanh, thong thả 0 0 1 0,51
71 nhanh, thuận lợi 0 0 3 1,52
72 nhanh, thuận lợi, phát triển 0 0 1 0,51
73 nhanh, thúc giục 5 1,79 0 0
74 nhanh, tiến bộ 3 1,07 0 0
75 nhanh, tiếp tục 1 0,36 0 0
76 nhanh, tiêu tan, mất mát 0 0 2 1,01
77 nhanh, tiêu tiền, nhiều 0 0 1 0,51
78 nhanh, tốc độ cao 7 2,50 2 1,01
79 nhanh, trốn đi 9 3,21 10 5,05
80 nhanh, truyền tin 3 1,07 0 0
81 nhanh, vội vã, hỗn loạn 0 0 1 0,51
82 nhanh, vội vã, hốt hoảng 0 0 2 1,01
83 nhanh, vội vàng 0 0 19 9,60
84 nhanh, vội vàng, hấp tấp 0 0 2 1,01
  Tổng số 280 100 198 100

NCĐ TĐN tiếng Anh không có 35 sắc thái nghĩa sau: nhanh, ẩn-hiện; nhanh khoẻ-luộm thuộm; nhanh khoẻ-nhỏ nhẹ; nhanh nhiều-chậm; nhanh chóng; nhanh nhạy; nhanh nhẹn đủng đỉnh; nhanh-chậm; nhanh, dễ dàng; nhanh, dồn dập, nhiều; nhanh, hoảng sợ; nhanh, lan truyền; nhanh, lớn; nhanh, mạnh; nhanh, mạnh mẽ, ào ạt; nhanh, mạnh, bất ngờ; nhanh, mạnh, dồn dập; nhanh, mạnh, nhiều; nhanh, mệt; nhanh, khoẻ, nhiều; nhanh, nhiều, tham; nhanh, phát triển; nhanh, qua quýt, cẩu thả; nhanh, tấp nập, đông đúc; nhanh, thời gian; nhanh, thong dong, mạnh mẽ; nhanh, thong thả; nhanh, thuận lợi; nhanh, thuận lợi, phát triển; nhanh, tiêu tan, mất mát; nhanh, tiêu tiền, nhiều; nhanh, vội vã, hỗn loạn; nhanh, vội vã, hốt hoảng; nhanh, vội vàng; nhanh, vội vàng, hấp tấp. Đây chính là các đặc trưng tính cách của người nông dân ở nền văn hoá nông nghiệp, điển hình là các đặc trưng về đủng đỉnh, ẩn-hiện, luộm thuộm, lan truyền/ truyền tin, tham, qua quýt, cẩu thả, thong thả, hỗn loạn, hốt hoảng, hấp tấp.

NCĐ TĐN tiếng Việt không có 32 sắc thái nghĩa sau: nhanh chóng, mau lẹ; nhanh gọn; nhanh trí, hiểu; nhanh, bất ngờ; nhanh, bột phát; nhanh, chắc chắn; nhanh, chỉ người; nhanh, chớp nhoáng; nhanh, cơ hội; nhanh, dễ nổi nóng; nhanh, đối đáp; nhanh, dồn dập, tới tấp; nhanh, dừng lại, đột ngột; nhanh, đuổi đi; nhanh, giải quyết công việc; nhanh, hiệu quả, đầy sinh lực; nhanh, hối hả/ vội vàng; nhanh, kết quả tốt; nhanh, khẩn trương; nhanh, kiếm tiền, dễ dàng; nhanh, phản ứng; nhanh, phủ định, khuyên nhủ; nhanh, ra lệnh; nhanh, rất vội (ra lệnh); nhanh, sống động; nhanh, sống gấp; nhanh, tăng giá; nhanh, thúc giục; nhanh, tiến bộ; nhanh, tiếp tục. Đây là những đặc trưng điển hình của người phương Tây: bột phát, chắc chắn, chớp nhoáng, cơ hội, dễ nổi nóng, giải quyết công việc, hiệu quả, đầy sinh lực, kết quả tốt, khẩn trương, ra lệnh, sống động, tiến bộ.

Trong các sắc thái nét nghĩa, sắc thái nét nghĩa nhanh, rất xuất hiện trong NCĐ TĐN tiếng Anh và tiếng Việt với tỉ lệ cao nhất (31,07% và 13,13%). Đây chính là đặc trưng phổ quát nhất của các NCĐ TĐN ở hai ngôn ngữ. Một sự khác biệt rất tinh tế là, trong tiếng Anh có tỉ lệ NCĐ TĐN chiếm vị trí thứ hai là sắc thái nghĩa biểu thị nhanh, tốc độ, trong khi đó sắc thái nghĩa này ở tiếng Việt chỉ có 1,01%. Chiếm tỉ lệ nhiều thứ hai ở NCĐ TĐN tiếng Việt là sắc thái nghĩa nhanh, vội vàng, 9,60%; trong khi đó, NCĐ TĐN  trong tiếng Anh lại không có sắc thái nghĩa này. Còn chiếm tỉ lệ nhiều thứ ba ở NCĐ TĐN tiếng Việt là nhanh, hết tốc độ, 8,59%; trong khi đó, sắc thái nghĩa này chỉ có 3,57% ở tiếng Anh. 

Một khác biệt rất đặc sắc mà chỉ trong NCĐ TĐN tiếng Việt mới có, đó là đặc trưng của sắc thái nghĩa kép thể hiện ở hai vế của NCĐ TĐN, ví dụ sắc thái nghĩa biểu thị sự nhanh – ẩn – hiện: đi mây về gió; nhanh – nhiều – chậm: ăn như rồng cuốn, nói như rồng leo, làm như mèo mửa; nhanh nhẹn – đủng đỉnh: ăn như thuyền chở mã, làm như ả chơi trăng… Trong các NCĐ TĐN tiếng Việt này, các đặc trưng của văn hoá, ngôn ngữ và xã hội thể hiện rất rõ, ví dụ: người Việt sử dụng hình ảnh siêu nhiên (rồng) thể hiện khi tư tưởng, tinh thần của người Việt đi vào chỗ bế tắc, họ chỉ biết dựa vào những hiện tượng siêu nhiên để giải toả chúng; hay sử dụng những ngôn từ rất dân dã trong xã hội (ả chơi trăng), thể hiện trí tưởng tượng phong phú luôn gắn với thiên nhiên, thời tiết (đi mây, về gió)…

5. Kết luận

Như vậy có thể thấy, ngữ cố định không chỉ là một đơn vị từ vựng đơn thuần, nó còn là một đơn vị của ngôn ngữ – văn hoá, NCĐ TĐN trong tiếng Anh và tiếng Việt không phải là ngoại lệ. Qua việc phân tích 280 NCĐ TĐN tiếng Anh và 198 NCĐ TĐN tiếng Việt chúng ta không chỉ nhìn thấy một bức tranh phản ánh đặc sắc các phạm trù văn hoá – xã hội, mà chúng ta còn hiểu sâu sắc hơn nữa cách tư duy của người Anh và người Việt khi biểu thị tốc độ nhanh. Bên cạnh những điểm phổ quát giống nhau về biểu thị tốc độ nhanh trong tiếng Anh và tiếng Việt, chúng còn có sự khác biệt tế nhị về các phạm trù biểu thị tốc độ nhanh, sự tinh tế và đa sắc màu của văn hoá và xã hội thông qua các sắc thái nghĩa, và chúng còn phong phú, đặc sắc hơn trong việc sử dụng các từ biểu hiện của hai ngôn ngữ khi biểu thị tốc độ nhanh.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Tiếng Anh

  1. Broukal, M.Nd (1999), Idioms for everyday use. CUP.
  2. Collins, C. (1988), English language Dictionary, Collins – London and Glasgow.
  3. Crystal, D. (2006, 6th ed), A Dictionary of linguistics and phonetics, Blackwell.
  4. Oxford Advanced Learner’s Encyclopedic Dictionary. (2017, 9th ed), OUP.
  5. Oxford Idioms dictionary for learners of English (2005), OUP.
  6. Tylor E. B., (1958), Primitive culture: The origins of culture, Harper

    Tiếng Việt
  7. Vĩnh Bá (1998), Từ điển thành ngữ Anh-Việt, Nxb Giáo dục.
  8. Phạm Văn Bình (1996), Tục ngữ thành ngữ tiếng Anh, Nxb Hải Phòng.
  9. Mai Ngọc Chừ, Vũ Đức Nghiệu & Hoàng Trọng Phiến (1997), Cơ sở ngôn ngữ học và tiếng Việt,      Nxb Giáo dục.
  10. 10. Vũ Dung, Vũ Thúy Anh, Vũ Quang Hào (1998), Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam, Nxb Văn hóa-thông tin.
  11. Nguyễn Lân (1997), Từ điển thành ngữ và Tục ngữ Việt Nam, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội.
  12. Phan Ngọc (2002), Bản sắc văn hóa Việt Nam, Nxb Văn học.
  13. Hoàng Phê (chủ biên) (2017), Từ điển tiếng Việt, Viện Ngôn ngữ học, Nxb Hồng Đức.
  14. Mai Thị Kiều Phượng (2011), Các bình diện của từ và ngữ cố định trong tiếng Việt, Nxb Khoa học Xã hội.
  15. Trần Ngọc Thêm (1999), Cơ sở văn hóa Việt Nam, Nxb Giáo dục Việt Nam.
  16. Nguyễn Như Ý (chủ biên) (2013), Đại từ điển tiếng Việt, BGD&ĐT, Trung tâm Ngôn ngữ và Văn hoá Việt Nam, Nxb Văn hoá-Thông tin. 17. Nguyễn Như Ý, Nguyễn Văn Khang, Phan Xuân Thành (1994), Từ điển thành ngữ Việt Nam, Viện Ngôn ngữ học, Nxb Văn hóa-Thông tin.

Socio-cultural features of high-speed set expressions in English and in Vietnamese

Abstract: This study attempts to point out the socio-cultural features of high-speed set expressions in English and Vietnamese to find out their similarities and differences. The methods of the study are descriptive and contrastive analysis, describing the features of high-speed set expressions in English and Vietnamese and identifying the similarities and differences of those in two languages in terms of different categories and aspects of meaning. Samples denoting high-speed in English and in Vietnamese were collected from English and Vietnamese monolingual, bilingual and idiomatic dictionaries. The results show that the categories and aspects of meaning of high-speed set expressions in English are richer than those in Vietnamese; whereas, the Vietnamese words expressing high-speed tend to expression various aspects of meaning at the same time and specific aspects of meaning of high-speed set expression in Vietnamese are more plentiful and more vivid than those in English. The values of the study are that it can be helpful not only for foreign language users to avoid cultural shocks, but also for teachers and learners in the process of teaching and learning English and Vietnamese as a foreign language.

Key words: high-speed; set expressions; similarities and differences; socio-cultural features; English and Vietnamese.