NGUYỄN VĂN KHANG*
* GS.TS; Trường Đại học Phenikaa; Email: nvkhang@gmail.com
TÓM TẮT: Bài viết nghiên cứu, khảo sát thực trạng việc sử dụng ngôn ngữ ở vùng dân tộc thiểu số Tây Nam Bộ. Tư liệu của bài viết là từ kết quả điền dã ngôn ngữ học xã hội năm 2019 tại một số địa bàn thuộc các tỉnh Bạc Liêu, Vĩnh Long, Cà Mau. Kết quả nghiên cứu góp phần vào xây dựng một bức tranh chung về tình hình sử dụng ngôn ngữ ở vùng này cũng như ở các vùng dân tộc thiểu số của Việt Nam hiện nay; góp phần vào xây dựng cơ sở khoa học cho chính sách ngôn ngữ nói chung, chính sách ngôn ngữ ở vùng dân tộc thiểu số nói riêng trong giai đoạn mới; góp phần vào phát triển bền vững vùng dân tộc thiểu số ở các địa phương này cùng các vùng dân tộc thiểu số trong cả nước.
TỪ KHOÁ: năng lực ngôn ngữ; sử dụng ngôn ngữ; dân tộc thiểu số; điền dã ngôn ngữ học xã hội.
NHẬN BÀI: 1/3/2021. BIÊN TẬP-CHỈNH SỬA-DUYỆT ĐĂNG: 13/5/2021
(Bài đăng trên Tạp chí số 5a(311)-2021, tr.3-14)
* Bài viết là sản phẩm của Đề tài có mã số ĐTĐL-XH-06/18
1. Khái quát về hiện trạng đa ngữ vùng dân tộc thiểu số Tây Nam Bộ
1.1. Vùng Tây Nam Bộ (cách gọi khác: “Miền Tây”, “Đồng bằng sông Cửu Long”) có phía tây bắc giáp Campuchia, phía đông bắc giáp vùng Đông Nam Bộ, phía đông giáp biển Đông, phía nam giáp Thái Bình Dương, phía tây giáp vịnh Thái Lan. Vùng Tây Nam Bộ gồm 12 tỉnh và 1 thành phố trực thuộc trung ương: An Giang, Bạc Liêu, Bến Tre, Cà Mau, Đồng Tháp, Tiền Giang, Sóc Trăng, Long An, Hậu Giang, Kiên Giang, Trà Vinh, Vĩnh Long và thành phố Cần Thơ.
1.2. Theo Tổng Điều tra dân số và Nhà ở năm 2009, dân số vùng Tây Nam Bộ là 17.191.470 người, chiếm 20% dân số Việt Nam. Trong đó, dân số tỉnh An Giang là đông nhất với số dân trên hai triệu người (2.142.709), tiếp đến là các tỉnh có số dân từ một triệu đến dưới hai triệu người: Kiên Giang (1.688.248), Đồng Tháp (1.666.467), Tiền Giang (1.672.271), Long An (1.436.066), Sóc Trăng (1.292.853), Bến Tre (1.255.946), Cà Mau (1.206.938), Cần Thơ (1.188.435), Vĩnh Long (1.024.707), Trà Vinh (1.003.012); hai tỉnh có số dân gần 1 triệu người là: Bạc Liêu (856.518) và Hậu Giang (757.300).
– Dân số của dân tộc Kinh chiếm 91,97% dân số cả vùng và có sự khác nhau giữa các tỉnh với sự chênh lệch cao nhất là khoảng 25%, cụ thể: Đồng Tháp (99,83%), Tiền Giang (99,71%), Long An (99,69%), Bến Tre (99,63%), Cần Thơ (96,95%), Cà Mau (96,75%), Hậu Giang (96,33%), An Giang (94,73%), Bạc Liêu (89,38%), Vĩnh Long (87,33%); Kiên Giang (85,67%), Trà Vinh (67,56%), Sóc Trăng (64,23%). Như vậy, dân tộc Kinh chiếm đại đa số trong vùng cũng như hầu hết các tỉnh (trừ hai tỉnh Trà Vinh và Sóc Trăng chiếm khoảng 2/3). Với số lượng tỉ lệ nghịch với số dân của dân tộc Kinh, số dân của các DTTS chiếm tỉ lệ thấp. Chẳng hạn, tỉnh có số dân DTTS nhiều nhất là tỉnh Sóc Trăng (35,77%) và Trà Vinh (32,44%); các tỉnh còn lại có thứ tự như sau: Kiên Giang (14,33%), Vĩnh Long (11,67%), Bạc Liêu (10,62%), An Giang (5,27%), Hậu Giang (3,67%), Cà Mau (3,25%), Cần Thơ (3,05%); các tỉnh khác đều dưới 1%: Đồng Tháp (0,17%), Tiền Giang (0,29%), Long An (0,31%), Bến Tre (0,37%). Có thể hình dung như sau:
1.3. Vùng Tây Nam Bộ có 42 dân tộc thiểu số (DTTS) cư trú; nhiều nhất là tỉnh An Giang có 29 DTTS, ít nhất là tỉnh Bạc Liêu có 17 DTTS. Đáng chú ý là:
– Nếu như ở một số địa bàn của vùng DTTS Đông Nam Bộ, vùng Tây Nguyên và Trung Bộ có một số lượng đáng kể người dân của một số DTTS phía bắc như Tày, Nùng, Thái, Mông,… thì ở vùng Tây Nam Bộ lại có lượng thấp, thậm chí rất thấp. Chẳng hạn: tại địa bàn Tây Nam Bộ, dân tộc Tày có số dân đông nhất nhưng cũng chưa đến 1.000 người; các DTTS khác như Mường, Thái, Nùng cũng chỉ khoảng 500 người. Đáng chú ý là dân tộc Mông từ phía bắc có mức độ di dân mạnh ở các vùng DTTS khác nhưng lại có số lượng rất ít ở vùng Tây Nam Bộ (chưa đến 100 người).
– Nếu như ở vùng Đông Nam Bộ, quá trình tiếp nhận di dân diễn ra rất mạnh, theo đó, dân số sau 10 năm từ 2009-2019 tăng nhanh thì ở vùng Tây Nam Bộ lại có mức tăng không đáng kể. Theo báo cáo sơ bộ của Tổng điều tra Dân số và Nhà ở ngày 11/7/2019, dân số toàn vùng Tây Nam Bộ là 17.273.630 người. Nếu so với năm 2009 (17.191.470 người) thì dân số tăng 0,48% và chiếm 17,95% dân số cả nước (17.273.630 người/96.208.984 tổng số dân cả nước). Với số dân tăng rất ít như vậy cho thấy, cư dân ở vùng này khá ổn định.
1.4. Đặc điểm về dân tộc-cư trú ở vùng DTTS Tây Nam Bộ là như sau:
1) Ba DTTS là Khmer, Hoa và Chăm có số dân đông nhất so với các DTTS khác tại vùng Tây Nam Bộ. So với dân số của mỗi dân tộc trong cả nước, người Hoa chiếm 21,52%, người Chăm chiếm 9,78%, người Khmer chiếm 6,12%. So với các DTTS khác trong tỉnh và giữa các tỉnh, mật độ cư trú của ba DTTS này là như sau:
Bảng 1. Mật độ cư trú tập trung của các dân tộc Khmer, Hoa, Chăm ở vùng Tây Nam Bộ (so với tổng dân số của mỗi dân tộc)
Tỉnh | Mật độ cư dân (so với số dân của dân tộc tại vùng) | ||
Khmer | Hoa | Chăm | |
Vĩnh Long | 21.820 (1,84%) | 4.879 (2,53%) | 91 (0,57%) |
Bạc Liêu | 70.667 (5,97%) | 20.082 (11,33%) | 69 (0,43%) |
Cà Mâu | 29.845 (2,52%) | 8.911 (5,02%) | 106 (0,66% |
An Giang | 29.845 (2,52%) | 8.075 (4,55%) | 14.209 (89,79%) |
Đồng Tháp | 657 (0,05%) | 1.855 (1,04%) | 90 (0,56%) |
Long An | 1.195 (0,1%) | 2.690 (1,51%) | 218 (1,37%) |
Tiền Giang | 744 (0,06%) | 2.690 (1,51%) | 72 (0,45%) |
Bến Tre | 578 (0,04%) | 2.690 (1,51%) | 72 (0,45%) |
Trà Vinh | 317.203 (26,80%) | 7.690 (3,98%) | 163 (1,03%) |
Kiên Giang | 210.899 (17,82% ) | 7.690 (3,98%) | 400 (2,52%) |
Hậu Giang | 21.169 (1,78) | 6.363 (3,59%) | 400 (2,52%) |
Sóc Trăng | 397.014 (33,54%) | 64.910 (36,52%) | 106 (0,66%) |
Cần Thơ | 21.414 (1,80%) | 14.199 (8,01%) | 173 (1,09% |
Số dân vùng/ số dân của dân tộc của cả nước | 6,12% (1.183.476/1.260.640) |
21,52% 177.178 /823.071 |
9,78% 15.823/161.729 |
Nhận xét:
Thứ nhất, về người Khmer: Người Khmer cư trú vừa trải rộng tất cả các tỉnh trong vùng, mặt khác, lại tập trung tại một vài tỉnh như: Sóc Trăng (33,54%), Trà Vinh (26,80%), Kiên Giang (17,82%) và một phần ở An Giang (7,62%), Bạc Liêu (5,95%). Còn lại, các tỉnh khác có số lượng ít hoặc rất ít. Tuy nhiên, vì là số dân đông nên số lượng dân “rất ít” cũng là từ 500 người trở lên. Vì thế, người dân Khmer vẫn có điều kiện cư trú tương đối tập trung, nhất là tại các phum/ sóc/ ấp. Ví dụ, huyện Trà Cú tỉnh Trà Vinh có khoảng 60% người Khmer; ở ấp Đai Úi, xã Phú Mỹ, huyện Mỹ Tú tỉnh Sóc Trăng có trên 90% số dân là người Khmer. Có thể hình dung bằng biểu đồ sau:
Thứ hai, về người Hoa: Cũng có phần giống như người Khmer, người Hoa sống trải khắp các tỉnh miền Tây Nam Bộ với các mức độ khác nhau, trong đó số dân tập trung nhất là ở tỉnh Sóc Trăng (36,52%), Trà Vinh (26,80%), Kiên Giang (16,84%), Bạc Liêu (11,33%); các tỉnh có số dân ít nhưng cũng là hàng nghìn (ít nhất là ở tỉnh Hậu Giang với số dân là 6.363 người). Có phần không giống với đa số các DTTS khác, người Hoa ít làm nghề nông (“ít” chứ không phải “không có”) mà sống bằng nghề buôn bán, mở quán hàng, mở các cửa hàng, cửa hiệu (thuốc Bắc, trồng răng, chạm khắc, v.v.). Chẳng hạn, người Hoa ở An Giang gồm những người ở các địa phương khác nhau với các phương ngữ Hán như: Triều Châu, Quảng Đông, Phúc Kiến, Hải Nam, Hẹ, v.v. “Người Hoa cư trú ở các huyện như: An Phú, Tân Châu, Chợ Mới, Phú Tân, Châu Thành, Tri Tôn, Thoại Sơn, Tịnh Biện; vùng nông thôn, biên giới: các xã Khánh Bình, Quốc Thái, Khánh An, Phước Hưng, Đa Phước, (huyện An Phú), Phú Hiệp (huyện Phú Tân), Vĩnh Mỹ (thị xã Châu Đốc), Mỹ Đức (huyện Châu Phú)”. [An Giang online, 23/05/2019]. Có thể hình dung bằng biểu đồ sau:
Thứ ba, về người Chăm: So với dân tộc Khmer và Hoa, dân tộc Chăm ở vùng Tây Nam Bộ có số dân ít hơn nhiều: 15.823 người (so với 177.178 người Hoa và 1.183.476 người Khmer). Tuy nhiên, nhìn từ góc độ cư trú thì người Chăm lại sống tập trung gần như tuyệt đối tại An Giang (89,79%). “Tại tỉnh An Giang có 9 xã có người Chăm sinh sống, trong đó khoảng 2.660 hộ, 13.722 người, chiếm tỉ lệ gần 12% so tổng số người dân tộc thiểu số và chiếm 0,62% so tổng dân số toàn tỉnh, sống tập trung khá đông ở huyện An Phú và thị xã Tân Châu, số còn lại sống rải rác ở các huyện: Châu Phú và Châu Thành, gần như toàn bộ theo Hồi giáo Sunni” [https://vi.wikipedia.org/wiki/]. Ngay ở huyện Châu Đốc của tỉnh An Giang cũng có một làng Chăm Châu Giang. Có thể hình dung bằng biểu đồ sau:
2) Các DTTS có số dân ít và rất ít
Ngoài ba DTTS là Khmer, Hoa và Chăm có số dân đông, các DTTS khác có số dân ít thậm chí rất ít. Trong số đó, có 7 DTTS có số dân trên 100 người: 6 dân tộc tại chỗ ở vùng DTTS miền Bắc (Tày, Mường, Thái, Nùng, Lào, Dao) và 1 dân tộc tại chỗ thuộc vùng DTTS Tây Nguyên (Ê Đê).
– DTTS có số dân từ 100 đến dưới 1 nghìn: Tày (784), Mường (643), Thái (481), Nùng (284), Lào (212), Dao (107), Ê Đê (180). Tuy với số lượng dân ít, nhưng họ lại sống trải đều ra khắp các tỉnh Tây Nam Bộ: các DTTS Tày, Thái, Mường, Ê Đê cư trú ở cả 13 tỉnh; dân tộc Lào cư trú ở 11 tỉnh (trừ tỉnh Long An và Tiền Giang), Dao 12 tỉnh (trừ tỉnh Bến Tre); đông nhất là người Thái ở Long An (178 người), ở Cần Thơ (112 người).
– Một số lượng khá đông các DTTS có số dân rất ít, thường là mấy chục người, thậm chí chỉ có 1, 2 người. Ví dụ: tỉnh Vĩnh Long và Đồng Tháp chỉ có 1 người Dao, tỉnh Bạc Liêu có 1 người Ê Đê, tỉnh Bến Tre có 1 người Lào, v.v.
Từ miêu tả về thành phần dân tộc và cư trú ở trên cho thấy, có ba đặc điểm đáng chú ý về trạng thái đa ngữ ở vùng DTTS Tây Nam Bộ là: 1/ Đây là vùng đồng bằng (đồng bằng sông Cửu Long) và người dân của DTTS cư trú đan xen với người Kinh và đan xen với nhau, tức là, dường như ít có sự phân biệt miền ngược-miền xuôi hay vùng núi-vùng đồng bằng như ở các vùng khác (chỉ có vùng sâu, vùng xa giáp biên giới); 2/ Đây là vùng khá ổn định về dân số cũng như thành phần dân tộc. Mặc dù có sự di dân nhưng không ồ ạt với nhiều thành phần dân tộc. DTTS chiếm số đông vẫn là ba dân tộc tại chỗ (Khmer, Hoa và Chăm). Nếu có những cuộc di dân thì chủ yếu lại là sự di dân của ba dân tộc này từ Campuchia về Việt Nam; 3/ Đây là vùng tiếp giáp với Campuchia nên có giao lưu biên giới khá nhộn nhịp. Với những đặc điểm như vậy, cho thấy, vùng Tây Nam Bộ ít có sự biến động về dân số, cho nên đây là vùng đa ngữ xã hội khá ổn định với vị thế và chức năng khác nhau.
Từ miêu tả về thành phần dân tộc và cư trú ở trên cho thấy, có ba đặc điểm đáng chú ý về trạng thái đa ngữ ở vùng DTTS Tây Nam Bộ là: 1/ Đây là vùng đồng bằng (đồng bằng sông Cửu Long) và người dân của DTTS cư trú đan xen với người Kinh và đan xen với nhau, tức là, dường như ít có sự phân biệt miền ngược-miền xuôi hay vùng núi-vùng đồng bằng như ở các vùng khác (chỉ có vùng sâu, vùng xa giáp biên giới); 2/ Đây là vùng khá ổn định về dân số cũng như thành phần dân tộc. Mặc dù có sự di dân nhưng không ồ ạt với nhiều thành phần dân tộc. DTTS chiếm số đông vẫn là ba dân tộc tại chỗ (Khmer, Hoa và Chăm). Nếu có những cuộc di dân thì chủ yếu lại là sự di dân của ba dân tộc này từ Campuchia về Việt Nam; 3/ Đây là vùng tiếp giáp với Campuchia nên có giao lưu biên giới khá nhộn nhịp. Với những đặc điểm như vậy, cho thấy, vùng Tây Nam Bộ ít có sự biến động về dân số, cho nên đây là vùng đa ngữ xã hội khá ổn định với vị thế và chức năng khác nhau.
2) Tiếng Việt là ngôn ngữ quốc gia được phát huy chức năng một cách toàn diện ở vùng DTTS vùng Tây Nam Bộ. Có thể nói, đại đa số người DTTS ở vùng này đều có khả năng giao tiếp được bằng tiếng Việt. So với trước đây, khả năng sử dụng tiếng Việt của người DTTS còn hạn chế thì ngày nay đã thay đổi rất nhiều kể cả trong nhận thức. Chẳng hạn, theo tác giả Hứa Kim Oanh “Trước đây, người Chăm không khuyến khích con cái đi học, nam giới học đến hết tiểu học thì không học tiếp nữa, tiếng Việt (Quốc ngữ) hạn chế sử dụng nên không thông thạo, dần dần không nói được. Đối với hầu hết nữ giới không được đi học nên không giao tiếp được bằng tiếng Việt (Quốc ngữ), họ hạn chế trao đổi với người Kinh bởi ngôn ngữ. Theo họ, ông bà xưa không cho con cái đi học vì sợ người Chăm bị ảnh hưởng người Kinh dẫn đến mất cái đạo hoặc ảnh hưởng những điều xấu mà trong giáo luật đã cấm kỵ” [Hứa Kim Oanh, Người Chăm Islam sông Hậu (An Giang) và quá trình giao lưu văn hóa-hội nhập; https://sites.google.com/site/vhlsangiang/nghien-cuu-an-giang/van-hoa/]. Đây chính là quá trình thay đổi nhận thức dẫn đến sự thay đổi về sử dụng ngôn ngữ của người DTTS nói chung, người Chăm nói riêng. Vì thế, tiếng Việt ngày nay đã phát huy được vị thế và chức năng của mình tại vùng DTTS Tây Nam Bộ: không chỉ được dùng trong giao tiếp ngoài xã hội mà còn được dùng cùng với tiếng mẹ đẻ trong giao tiếp gia đình. Nói là “đa số biết nói tiếng Việt” cũng có nghĩa rằng, vẫn còn một số lượng nhất định người DTTS không biết nói tiếng Việt (có thể nghe được ít nhiều hoặc nói một vài câu đơn giản).
So với khả năng giao tiếp nói, số người mù chữ hoặc tái mù chữ Quốc ngữ có phần nhiều hơn. Chẳng hạn, “hiện nay, tỉ lệ đồng bào dân tộc tỉnh An Giang biết chữ có độ tuổi từ 10 trở lên đạt 90,15%; tỉ lệ phụ nữ đồng bào dân tộc mù chữ chỉ còn khoảng 19,5% [http://tuyengiaoangiang.vn/
khoa-giao/hoat-dong-khoa-giao, 3/8/2020]. Vì thế, xóa mù chữ cho mọi người dân nói chung, cho người DTTS nói riêng là nhiệm vụ luôn được đặt ra của các tỉnh vùng Tây Nam Bộ. Ví dụ, Hậu Giang đặt “Mục tiêu đến năm 2020 xóa mù chữ cho hơn 13.600 người độ tuổi 15-60, nâng tỉ lệ biết chữ đạt 99%” [Huỳnh Hải, Dân Trí, Chủ nhật, 19/01/2014], “Cần Thơ nâng cao hiệu quả phổ cập giáo dục, xóa mù chữ” [Ánh Tuyết, Báo ảnh Dân tộc và Miền núi,15/3/2019], v.v.
3) Ba ngôn ngữ DTTS có số dân đông là Khmer, Hoa, Chăm luôn phát huy được chức năng của mình trước hết là trong nội bộ dân tộc. Với số dân đông và cư trú thường tập trung tại các thôn bản/ phum sóc, người dân của DTTS này có điều kiện sử dụng tiếng mẹ đẻ trong giao tiếp gia đình, xã hội. Không những thế, các ngôn ngữ DTTS này còn được những dân tộc khác cư trú đan xen sử dụng. Ví dụ, theo khảo sát của nhóm đề tài do Nguyễn Thị Huệ làm chủ nhiệm, tại phường 8 là khu vực ngoại ô của thành phố Trà Vinh nơi có 70% người Khmer cư trú: “nhóm điều tra đã đến gặp lần lượt 294 hộ, trong đó hộ người Khmer có 255 hộ, 37 hộ người Kinh và chỉ có 2 hộ người Hoa” cho thấy, “người Kinh cũng biết tiếng Khmer để thuận lợi trong giao tiếp. Có 7 người Kinh biết chữ Khmer. 17 người Kinh sử dụng tiếng Khmer để giao tiếp thông thường hàng ngày [Nguyễn Thị Huệ, Cổng thông tin bản đồ ngôn ngữ dân tộc học (trường hợp tỉnh Trà Vinh, Đề tài NCKH cấp trường Q.T 6.2/KHCN 1-BM 17]. Tại Sóc Trăng “vùng đất đậm sắc màu văn hóa cộng cư ba dân tộc Kinh-Khmer-Hoa”, “ngày nay, không ít người dân, đặc biệt là những hộ kinh doanh, mua bán nhỏ, để tiện giao dịch, làm ăn, họ phải nói được cả 3 thứ tiếng Việt-Khmer-Hoa” [Nguyên Thanh, Cần Thơ Online, 07/11/2008].
4) Các ngôn ngữ của một số DTTS có số dân khoảng 500 người như Tày, Mường, Thái ít nhiều còn có thể sử dụng trong giao tiếp gia đình. Còn đối với ngôn ngữ của 35 DTTS có số dân chỉ là mấy chục người lại cư trú khá phân tán, mỗi tỉnh một vài người, nhất là 21 DTTS có số dân dưới 10 người thậm chí chỉ có một, hai người (như Brâu, Xinh Mun, Bru-Vân Kiều, Co, Kháng, La Hủ, Hà Nhì, v.v) thì nguy cơ mất tiếng mẹ đẻ là nhãn tiền. Lí do là vì, họ ít có điều kiện sử dụng tiếng mẹ đẻ, không có người để giao tiếp và lâu dần sẽ bị quên; thế hệ sau chắc chắn sẽ không biết tiếng mẹ đẻ của bố hoặc mẹ.
2. Đặc điểm về sử dụng ngôn ngữ ở vùng dân tộc thiểu số Tây Nam Bộ: ở một số địa bàn tại các tỉnh Bạc Liêu, Vĩnh Long và Cà Mau
2.1. Sử dụng ngôn ngữ trong giao tiếp gia đình
2.1.1. Sử dụng ngôn ngữ trong giao tiếp giữa các thành viên trong gia đình
Trong giao tiếp gia đình dù ở các lứa tuổi khác nhau người DTTS luôn sử dụng hai ngôn ngữ là tiếng mẹ đẻ và tiếng Việt. Đây là điều khác biệt so với trước đây thường chỉ dùng tiếng mẹ đẻ. Nhìn chung, dù ở lứa tuổi khác nhau, người DTTS vẫn ưu tiên sử dụng tiếng mẹ đẻ nhiều hơn so với tiếng Việt, tuy nhiên, mức độ có khác nhau và xem ra không phụ thuộc vào độ tuổi. Điều này khác với ở các địa bàn DTTS tại các vùng DTTS khác. Chẳng hạn: Nếu ở lứa tuổi từ 19 trở lên, mức độ sử dụng tiếng mẹ đẻ trung bình là 25% thì ở tuổi dưới 18 lại là 27%. Mức độ sử dụng tiếng Việt ở độ tuổi 31 trở lên trung bình là 16%, còn ở tuổi từ 30 trở xuống là 18%. Thực ra, sự chênh lệch tuy có nhưng không đáng kể, nhất là tỉ lệ “từ chối trả lời” của người ở lứa tuổi dưới 18, 3-50 và trên 51 ở khoảng 30%. Nhưng dẫu sao, con số này cũng đã làm phá vỡ cách nhìn truyền thống về sử dụng ngôn ngữ trong gia đình “chỉ là tiếng mẹ đẻ”. Tỉ lệ nói tiếng dân tộc xen tiếng Việt và nói tiếng Việt xen tiếng dân tộc cũng ở mức thấp (chỉ ở khoảng trên dưới 6%) và nghiêng một chút về sử dụng tiếng mẹ đẻ xen tiếng Việt. Có thể hình dung bằng bảng sau:
Bảng 2. Sử dụng ngôn ngữ trong giao tiếp gia đình, xét theo độ tuổi
Ngôn ngữ | Độ tuổi | |||||||
Dưới 18 | 19-30 | 31-50 | Trên 51 | |||||
SL | % | SL | % | SL | % | SL | % | |
Tiếng mẹ đẻ | 217 | 27,0 | 196 | 24,4 | 207 | 25,7 | 207 | 25,7 |
Tiếng Việt | 145 | 18,0 | 147 | 18,3 | 136 | 16,9 | 125 | 15,5 |
Tiếng mẹ đẻ xen tiếng Việt | 55 | 6,8 | 48 | 6,0 | 50 | 6,2 | 48 | 6,0 |
Tiếng Việt xen tiếng mẹ đẻ | 44 | 5,5 | 42 | 5,2 | 46 | 5,7 | 45 | 5,6 |
Tiếng mẹ đẻ xen tiếng DTTS khác | 7 | 0,9 | 5 | 2 | 0,2 | |||
Chọn nhiều phương án | 87 | 10,8 | 79 | 0,6 | 82 | 10,2 | 89 | 11,1 |
Không trả lời | 249 | 31,0 | 287 | 9,8 | 283 | 35,2 | 288 | 35,8 |
Tổng | 804 | 100.0 | 804 | 35,7 | 804 | 100.0 | 804 | 100.0 |
Các nhân tố xã hội đã tác động mạnh đến giao tiếp trong gia đình DTTS ở vùng này. Trong gia đình, những người sống chung đã ảnh hưởng trực tiếp đến việc sử dụng ngôn ngữ của các thành viên trong gia đình và nơi cư trú. Chẳng hạn:
Ở các gia đình người Hoa, “những gia đình người Hoa chung sống ba thế hệ thì đôi khi họ có sử dụng tiếng Hoa phương ngữ (tiếng Triều Châu, còn gọi là Tiều) để giao tiếp với ông bà hay cha mẹ”; “ở trong gia đình dùng tiếng Tiều” [Bạc Liêu]. Tuy nhiên cũng cùng là gia đình người Hoa ở TP Bạc Liêu nhưng “do năng lực tiếng mẹ đẻ yếu nên người Hoa lựa chọn tiếng Việt để giao tiếp là chính” [TP Bạc Liêu]. Vì thế mới có tình hình là “trẻ thì nói tiếng Việt với cha mẹ, người già thì nói tiếng mẹ đẻ” [Cà Mau]. Ở các gia đình người Khmer, “trong bối cảnh giao tiếp là môi trường gia đình, giữa các thành viên trong gia đình, hàng xóm bạn bè là người Khmer thì tiếng Khmer đóng vai trò quan trọng nhất” [Bạc Liêu]. Theo đó, “chỉ những gia đình nào thuần dân tộc thì mới sử dụng tiếng Khmer trong gia đình, còn những gia đình hôn nhân khác dân tộc thì sử dụng tiếng Việt trong gia đình” [Cà Mau]. Địa bàn cư trú cũng là một nhân tố quan trọng tác động đến việc sử dụng ngôn ngữ trong gia đình, nhất là những gia đình kết hôn khác dân tộc: cư trú ở cộng đồng với số đông dân của DTTS nào thì sẽ ngôn ngữ của dân tộc đó sẽ được phát huy tác dụng. Ví dụ: “Chồng người Khmer; vợ người Hoa khi giao tiếp có dùng cả tiếng Hoa (vì ở khu người Hoa)”. [TP Bạc Liêu]. Cũng có khi là tổng hợp của nhiều nhân tố từ hôn nhân, gia đình, cư trú, thói quen sinh hoạt, v.v. tác động đến việc sử dụng ngôn ngữ trong gia đình: “Trong gia đình dùng tiếng Khmer” [Bạc Liêu], nhưng cũng có khi “vợ chồng Khmer nhưng trong gia đình đều nói tiếng Việt” [Bạc Liêu]; “trong gia đình Hoa nhưng nói tiếng Việt” [Vĩnh Long]; “Trong gia đình thường dùng tiếng Khmer; nhưng một số hộ lại dùng tiếng Việt. Những gia đình kết hôn khác dân tộc (chủ yếu là chồng Kinh, vợ Khmer; chồng Hoa vợ Kinh) đều dùng tiếng Việt” [Vĩnh Long]; “ở nhà tôi nói tiếng Khmer nhưng con tôi ít biết vì (…) xung quanh toàn là người Kinh cả. Cháu đi học ở trường suốt nên chỉ sử dụng tiếng Việt” [Vĩnh Long].
2.1.2. Sử dụng ngôn ngữ với khách đến chơi nhà
Khách đến chơi nhà gồm hai loại là khách cùng dân tộc và khách khác dân tộc.
a. Với khách là người cùng dân tộc: Đối với khách cùng dân tộc, người DTTS sử dụng tiếng mẹ đẻ nhiều hơn so với tiếng Việt. Cụ thể: Những người lứa tuổi 30 trở xuống, chênh nhau khoảng 5%: ở độ tuổi dưới 18, tỉ lệ sử dụng tiếng dân tộc là 22,6% so với 18,5% sử dụng tiếng Việt; ở độ tuổi 19-30, tỉ lệ sử dụng tiếng mẹ đẻ là 22,5% so với 18,7% sử dụng tiếng Việt. Những người ở độ tuổi từ 31 trở lên chênh nhau khoảng 11%: ở độ tuổi 31-50, tỉ lệ sử dụng tiếng dân tộc là 25% so với 19,5% sử dụng tiếng Việt; ở độ tuổi trên 51, tỉ lệ sử dụng tiếng mẹ đẻ là 24,5% so với 12,8% sử dụng tiếng Việt. Tỉ lệ sử dụng đan xen giữa hai ngôn ngữ chiếm tỉ lệ thấp (trung bình là 5%) và khá cân bằng khi dùng tiếng mẹ đẻ xen tiếng Việt và sử dụng tiếng Việt xen tiếng mẹ đẻ. Có thể hình dung bằng bảng sau.
Bảng 3. Sử dụng ngôn ngữ trong giao tiếp với khách đến chơi nhà là người cùng dân tộc, xét theo độ tuổi
Ngôn ngữ | Độ tuổi | |||||||
Dưới 18 | 19-30 | 31-50 | Trên 51 | |||||
SL | % | SL | % | SL | % | SL | % | |
Tiếng mẹ đẻ | 182 | 22,6 | 181 | 22,5 | 201 | 25,0 | 197 | 24,5 |
Tiếng Việt | 149 | 18,5 | 150 | 18,7 | 128 | 15,9 | 103 | 12,8 |
Tiếng mẹ đẻ xen tiếng Việt | 42 | 5,2 | 47 | 5,8 | 46 | 5,7 | 46 | 5,7 |
Tiếng Việt xen tiếng mẹ đẻ | 46 | 5,7 | 44 | 5,5 | 48 | 6,0 | 44 | 5,5 |
Tiếng mẹ đẻ xen tiếng DTTS khác | 16 | 2,0 | 3 | 0,4 | ||||
Chọn nhiều phương án | 30 | 3,7 | 5 | 6,3 | 62 | 7,7 | 59 | 7,3 |
Không trả lời | 339 | 42,2 | 328 | 40,8 | 319 | 39,7 | 355 | 44,2 |
Tổng | 804 | 100.0 | 804 | 100.0 | 804 | 100.0 | 804 | 100.0 |
b. Khách là người khác dân tộc: Khác với khách cùng dân tộc, khi khách đến nhà là người khác dân tộc, tiếng Việt chiếm tỉ lệ gần như tuyệt đối với tỉ lệ trung bình ở các độ tuổi là 90%, tỉ lệ sử dụng tiếng dân tộc chỉ chiếm khoảng 3%. Điều này phù hợp với năng lực nói tiếng DTTS khác của người dân. Quan sát thực tế cho thấy, người dân sử dụng tiếng DTTS thiểu số khác chủ yếu ở một vài câu chào hỏi thông thường hoặc một hai câu đùa vui (ngắn) xen vào. Có thể hình dung bằng bảng sau.
Bảng 4. Sử dụng ngôn ngữ trong giao tiếp với khách đến chơi nhà là người khác dân tộc, xét theo độ tuổi
Ngôn ngữ | Độ tuổi | |||||||
Dưới 18 | 19-30 | 31-50 | Trên 51 | |||||
SL | % | SL | % | SL | % | SL | % | |
Tiếng mẹ đẻ | 22 | 3,4 | 22 | 3,4 | 23 | 3,6 | 23 | 3,6 |
Tiếng Việt | 585 | 91,4 | 588 | 91,9 | 587 | 91,7 | 586 | 91,6 |
Tiếng mẹ đẻ xen tiếng Việt | 4 | 0,6 | 3 | 0,5 | 2 | 0,3 | 2 | 0,3 |
Tiếng Việt xen tiếng mẹ đẻ | 2 | 0,3 | 2 | 0,3 | 2 | 0,3 | 2 | 0,3 |
Tiếng mẹ đẻ xen tiếng DTTS khác | 1 | 0,2 | 2 | 0,3 | ||||
Chọn nhiều phương án | 3 | 0,5 | 10 | 1,6 | 10 | 1,6 | 3 | 0,5 |
Không trả lời | 23 | 3,6 | 15 | 2,3 | 16 | 2,5 | 22 | 3,4 |
Tổng | 640 | 100.0 | 640 | 100.0 | 640 | 100.0 | 640 | 100.0 |
2.2. Sử dụng ngôn ngữ trong giao tiếp hành chính
Trong giao tiếp hành chính, ngôn ngữ được dùng chủ yếu là tiếng Việt. “Giao tiếp ở phường, xã, người Hoa, người Khmer đều dùng tiếng Việt, hiếm khi dùng tiếng của dân tộc mình”; “khi làm việc ở xã đều nói tiếng phổ thông”; “khi lên họp ở xã thì dùng tiếng Kinh”; “các cuộc họp đều dùng tiếng Việt”. Tuy nhiên, người DTTS cũng tùy vào từng bối cảnh giao tiếp cụ thể mà linh hoạt trong sử dụng ngôn ngữ. Chẳng hạn, khi trao đổi công việc trong phạm vi ít người mà đều là người cùng dân tộc thì có thể dùng tiếng dân tộc: “Nếu chỉ có người Khmer thì dùng tiếng Khmer”; “Ban trị sự người Hoa khi trao đổi với nhau thì nói bằng tiếng Hoa”; “Ban Dân tộc có 5/21 người là người Khmer nên khi gặp nhau đều nói tiếng Khmer; còn khi họp thì dùng tiếng Việt”.
Khi họp thôn, người DTTS dùng tiếng Việt là chính, nhưng cũng có khi dùng cả tiếng dân tộc để giải thích hoặc tóm tắt nội dung văn bản để mọi người có thể nắm được và hiểu đúng nội dung của văn bản: “Trong các cuộc họp đều xen kẽ tiếng Khmer tiếng Việt, nhưng tiếng Việt là nhiều”; “Người dân lên ủy ban thì dùng tiếng Kinh, còn ở thôn thì vừa dùng tiếng Kinh vừa dùng tiếng dân tộc”; “Họp thôn thì nói tiếng Việt. Khi họp điều gì bà con không biết thì dùng tiếng Khmer”; “Họp chi bộ nói tiếng Việt trước, sau đó có thể nói tiếng Khmer; còn nếu chỉ đọc văn bản thì có một số người không hiểu”; “Khi họp ở dân, tuyên truyền pháp luật thì truyền đạt lại bằng tiếng Khmer để đồng bào hiểu”. Kết quả khảo sát bằng phiếu cho thấy, trừ gần một nửa số người từ chối trả lời, các ý kiến đều cho rằng, trong các cuộc họp ở xã hay thôn tiếng Việt đóng vai trò chủ đạo (56,5% họp xã và 43,8% họp thôn). Trong khi đó, tiếng dân tộc chỉ dùng ở mức độ 2,6% khi họp xã và 0,9% khi họp thôn. Việc sử dụng đan xen giữa hai ngôn ngữ trong các cuộc họp là không đáng kể. Có thể hình dung bằng biểu đồ sau:
Khảo sát bằng phiếu hỏi các cuộc họp với ba độ tuổi khác nhau là cuộc họp của người cao tuổi, cuộc họp của thanh niên và cuộc họp của thiếu niên cho kết quả là: Có một nửa số người không trả lời, lí do là vì: đây là câu hỏi chung nên có thể không thuộc vào lứa tuổi của họ. Cho nên, chỉ căn cứ vào số phiếu trả lời cho thấy, trong các cuộc họp hầu như sử dụng tiếng Việt, tỉ lệ sử dụng tiếng dân tộc là rất thấp, không đáng kể (ở cuộc họp cao tuổi là 1,7%, thanh niên là 1,4%, thiếu niên là 2,1%). Trong khi đó, tỉ lệ sử dụng tiếng dân tộc xen tiếng Việt lại tương đối cao: 8,5% ở cuộc họp người cao tuổi, 5,5% ở các cuộc họp thanh niên và 3,2% ở các cuộc họp thiếu niên; tỉ lệ dùng tiếng Việt xen tiếng dân tộc ở các cuộc họp người cao tuổi là 2,5%, còn ở cuộc họp thanh niên và thiếu niên chỉ ở mức độ 0,5%. Kết quả này cho thấy, các cuộc họp của người cao tuổi xem ra vẫn cần đến tiếng dân tộc nhiều hơn so với các cuộc họp thanh niên và thiếu niên.
2.3. Sử dụng ngôn ngữ trong giao tiếp đời thường
Là cộng đồng đa ngữ, người DTTS linh hoạt trong sử dụng ngôn ngữ. Việc sử dụng ngôn ngữ nào là dựa vào đối tượng giao tiếp, chủ đề giao tiếp và bối cảnh giao tiếp cụ thể. Chẳng hạn: Nếu cư trú tập trung, cộng đồng đa số là người DTTS thì ngôn ngữ giao tiếp hàng ngày chủ yếu sẽ là tiếng mẹ đẻ “những ấp nào có tỉ lệ người Khmer sinh sống từ 80% dân số trở lên thì họ đều xài luôn tiếng Khmer” [Vĩnh Long]; “gặp nhau chào hỏi bằng tiếng Khmer” [Xã Tân Mỹ, huyện Trà Ôn, Vĩnh Long]; “nói với hàng xóm bằng tiếng Khmer, tuy nhiên cũng có trộn với tiếng Việt” [xã Tân Lập, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau]. Ở các cộng đồng người Hoa, do lứa tuổi trẻ hiện ít biết tiếng Hoa, cho nên, tùy vào đối tượng cụ thể mà sử dụng “Già giao tiếp bằng tiếng Triều Châu; các bác gặp nhau trao đổi bằng tiếng Triều Châu nhiều hơn tiếng Việt; còn trẻ thì trao đổi bằng tiếng Việt” hoặc “người Hoa thì gặp nhau thì nói tiếng Việt trước” [Cà Mau]. Ở các cộng đồng có các DTTS cư trú đan xen người dân có thể sử dụng Việt và các tiếng mẹ đẻ của họ. “Khi giao tiếp, người dân cùng sử dụng tiếng Hoa, tiếng Khmer, tiếng Việt. Khi nói tiếng Khmer không được thì mượn Kinh luôn” [Bạc Liêu]. “Ở đây người Hoa, người Kinh, người Khmer cư trú lâu đời. Họ thường xuyên nói tiếng Việt với nhau” [xã Tân Lập, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau]; “Khi giao tiếp có pha trộn tiếng Việt; các cháu đi học về đều nói tiếng Việt” [Bạc Liêu]. Dưới đây là một số bối cảnh giao tiếp cụ thể:
a) Giao tiếp ở chợ: Khi gặp nhau mua bán ở chợ, người DTTS sử dụng song ngữ. Chẳng hạn, tại một chợ ở TP Vĩnh Long, người Hoa “mua bán dùng tiếng Quảng; nhưng cũng có khi hỏi mua bằng tiếng Quảng nhưng người bán lại trả lời bằng tiếng Việt”. Ở các chợ khác, nhất là chợ vùng quê, người cùng dân tộc cho rằng “tiện gì thì nói, cũng không để ý là tại sao”. Khảo sát bằng phiếu cho thấy, các chợ ở Tây Nam Bộ, người DTTS sử dụng tiếng Việt nhiều, cụ thể: người cùng dân tộc sử dụng tiếng Việt và tiếng mẹ đẻ tương đương nhau (27,1% tiếng Việt và 27,5% tiếng dân tộc). Còn với người Kinh thì chủ yếu là tiếng Việt (70,8%); với người dân tộc khác cũng chủ yếu bằng tiếng Việt là 46,9% (vì gần một nửa số người được hỏi không trả lời).
b) Giao tiếp ở các nơi công cộng khác: Tại các nơi công cộng như bến tàu, bến xe, cửa hàng, v.v. người vùng dân tộc thường linh hoạt sử dụng cả tiếng mẹ đẻ và tiếng dân tộc ở mức độ tương đương nhau, trong đó, tiếng Việt có phần nhiều hơn (29,1% tiếng Việt và 23,6% tiếng mẹ đẻ). Tùy vào từng hoàn cảnh giao tiếp cụ thể mà họ linh hoạt “chọn nhiều phương án” (9%), theo đó, việc sử dụng mức độ sử dụng chuyển đổi giữa hai ngôn ngữ tiếng Việt và tiếng dân tộc tương đối cao (8,6%). Đối với người Kinh và người khác dân tộc thì ngôn ngữ chủ đạo là tiếng Việt: 68,3% với người Kinh và 48,1% với người dân tộc khác.
c) Giao tiếp ở các lễ hội, tham quan: Cũng giống như sử dụng ngôn ngữ ở chợ, bến tàu bến xe, người DTTS ở vùng Tây Nam Bộ sử dụng ngôn ngữ cũng phóng khoáng như tính cách người miền Tây Nam Bộ, tức là không quá bị bó buộc hay ràng buộc vào một khế ước xã hội chặt chẽ nào. Biểu hiện rõ nhất cho nhận xét này là tiếng mẹ đẻ và tiếng Việt luôn được song dụng khi những người cùng dân tộc nói chuyện với nhau, trong đó, tỉ lệ dùng tiếng mẹ đẻ có cao hơn một chút (29,7% tiếng mẹ đẻ và 23,5% tiếng Việt) và linh hoạt chuyển đổi tiếng dân tộc – tiếng Việt trong sử dụng (10,6% dùng tiếng Việt xen tiếng dân tộc, 6,7% chuyển đổi sử dụng tiếng Việt – tiếng mẹ đẻ). Đối với người Kinh là người thuộc các dân tộc khác thì tiếng Việt vẫn là lựa chọn số 1.
d) Ngôn ngữ trong nghi lễ thờ cúng: đều là tiếng mẹ đẻ. Chẳng hạn, người Khmer dùng tiếng Khmer để hành lễ, “các lễ hội ma chay đều dùng tiếng Khmer”: “Người Khmer sử dụng hoàn toàn tiếng Khmer trong tình huống hát hò kể chuyện, cúng bái, nghi lễ cưới hỏi, tang ma và có khoảng 30,8% ghi chép bằng tiếng Khmer” [Bạc Liêu]; “Ngày tết Khmer, ma chay/ lo hậu sự, lễ hội: dùng tiếng Khmer” [xã Tân Lập, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau]; “Đám tang còn dùng tiếng dân tộc”; “Thờ cũng bằng tiếng Khmer [Xã Hựu Thành, huyện Trà Ôn, Vĩnh Long]; “Các phong tục tập quán, đám cưới, karaoke cũng bằng tiếng Khmer” [Xã Tân Mỹ, huyện Trà Ôn, Vĩnh Long]. Tuy nhiên, như trên đã nêu, người Khmer không hoàn toàn cứng nhắc như vậy: họ vẫn dùng xen tiếng Việt như vui câu chuyện trong đám hỉ, khi gặp người Kinh trong chùa Khmer, v.v.: “Khi gặp nhau trong chùa đều dùng tiếng Khmer. Nhưng cũng có khi dùng cả tiếng Khmer lẫn tiếng Việt”; “Băng rôn trong chùa dùng tiếng Khmer”; “Khi có đông người Kinh vào chùa thì dùng tiếng Việt”; “Tu tại chùa thì dùng tiếng Khmer, cũng có khi dùng cả tiếng Kinh”. [Chùa Kỳ Sơn]. Trong đám cưới chỉ có “nghi lễ thì dùng tiếng Khmer” còn khi vui thì “dùng cả tiếng Khmer và tiếng Kinh”. Người Hoa vì nói các tiếng địa phương Hán khác nhau mà lại không thông thoại nên việc sử dụng ngôn ngữ trong nghi lễ cũng có phần khác với người Khmer. Chẳng hạn, “cộng đồng người Hoa thì có miếu, chùa ông Bổn. Cúng bái tế lễ bằng tiếng Hoa [Bạc Liêu]; “cúng bái, cưới xin thì dùng tiếng Hoa”, “các lễ hội, đình chùa thì nói bằng tiếng Hoa”; “Khi cúng bái, tang ma thì một số người Hoa lớn tuổi còn sử dụng tiếng Hoa”. Tuy nhiên, “chúc Tết các người lớn tuổi dùng tiếng mẹ đẻ; còn con trẻ dùng tiếng Việt” [Cà Mau].
e) Giao tiếp bằng điện thoại: Việc sử dụng ngôn ngữ khi giao tiếp bằng điện thoại cũng giống như các tình huống giao tiếp ở trên: Khi với người cùng dân tộc thì tiếng mẹ đẻ và tiếng Việt được chia đều cho nhau (26,5% dùng tiếng dân tộc và 26,4% dùng tiếng Việt). Theo đó, việc chuyển đổi, đan xen tiếng dân tộc-tiếng Việt trong sử dụng cũng có tỉ lệ xấp xỉ với các trường hợp ở trên (8% vừa dùng tiếng Việt vừa dùng tiếng dân tộc và 7,2% chọn nhiều phương án). Còn với người Kinh và người DTTS khác thì ngôn ngữ vẫn là tiếng Việt (69,9% dùng tiếng Việt và 0,7% dùng tiếng dân tộc khi giao tiếp với người Kinh; 40,8% dùng tiếng Việt và 2% dùng tiếng Việt khi giao tiếp với người DTTS khác).
2.4. Sử dụng ngôn ngữ của học sinh dân tộc nội trú
1) Trường DTTS là nơi tập trung của các học sinh thuộc nhiều DTTS do vậy, trong khuôn viên nhà trường là một cộng đồng đa ngữ. Chẳng hạn: Trường phổ thông dân tộc (PTDT) nội trú tỉnh Bạc Liêu “dao động trong khoảng 5 dân tộc”: Khmer, Chăm, Hoa, Tày, Mường và có một vài học sinh người Kinh; trong đó học sinh dân tộc Khmer là chủ yếu. Trường PTDT nội trú tỉnh Vĩnh Long chủ yếu là học sinh người dân tộc Khmer, ngoài ra có một vài học sinh của DTTS khác như Hoa, Kinh (thuộc diện gia đình khó khăn). Trường PTDT nội trú tỉnh Cà Mau có 95% học sinh là người Khmer, còn lại: học sinh người Hoa (khoảng 3, 4 học sinh), Mường (1, 2 học sinh), học sinh người Kinh 10 người (“thuộc diện có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn”). Trường PTDT nội trú THCS Danh Thị Tươi đặt tại xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời, trong số 231 học sinh thì “học sinh dân tộc Khmer 225, dân tộc Hoa 03, dân tộc Mường 03, dân tộc Tày 01”. Khác với các trường nội trú khác, học sinh ở trường PTDT nội trú này “học xong là về nhà” vì “phụ huynh muốn cho con học tại nhà; chỉ có em nào nhà nghèo mới ở nội trú”, “vì thế chỉ có 27 em nội trú”.
2) Trước khi nói về tình hình sử dụng ngôn ngữ của học sinh trong trường dân tộc nội trú, chúng tôi muốn đưa ra một số nhận xét chung về năng lực ngôn ngữ của các em và những nhân tố tác động đến năng lực ngôn ngữ của các em.
Về năng lực tiếng Việt, là học sinh nên các em ở các trường này đều có khả năng về tiếng Việt ở cả nói và viết (do đó mới có thể theo học được). Tuy nhiên, khái niệm “năng lực tiếng Việt” mà chúng tôi dùng ở đây là ở mức có đáp ứng với việc học tương ứng ở các lớp hay không. Có thể đưa ra một nhận xét chung là, về cơ bản, tiếng Việt của học sinh ở các trường dân tộc nội trú đáp ứng được chương trình học. Tuy nhiên cũng không thật đồng đều. Chẳng hạn: “Mặc dù trong trường tiếng Việt sử dụng rộng rãi nhưng tiếp thu hơi chậm”; “các em diễn đạt tiếng Việt chưa thật phong phú”; “học sinh dân tộc gặp khó khăn về tiếng Việt”; “học sinh Khmer năng lực tiếng Việt yếu (so với các học sinh DTTS khác)”. Vì thế, “tỉnh có chủ trương tăng cường tiếng Việt cho học sinh Khmer mẫu giáo, lớp 1; luyện kĩ năng nghe, nói, đọc, viết, trong đó, chú trọng nghe, nói [Vĩnh Long].”. Trường có bổ túc thêm tiếng Việt”, “tăng cường rèn luyện kĩ năng sử dụng tiếng Việt cho học sinh” [Bạc Liêu].
Về năng lực tiếng dân tộc, học sinh Khmer nói chung có thể “nói chuyện với nhau bằng tiếng Khmer; một số em không rành tiếng Khmer thì sử dụng cả hai là tiếng Việt và tiếng Khmer” [Vĩnh Long]; “học sinh Khmer có khả năng giao tiếp bằng tiếng Khmer; các em người Hoa sống cùng với các em Khmer nên biết tiếng Khmer; học sinh Kinh chưa biết tiếng Khmer” [Bạc Liêu]. Về chữ viết, các trường nội trú đều dạy tiếng Khmer: “trường có dạy tiếng Khmer: 2tiết/tuần”; “100% học sinh được học chữ Khmer, khối 10 và 11 học 2 tiết/tuần, khối 12 học 1 tiết/tuần” [Vĩnh Long]; “Tiếng Khmer 1 tuần 2 tiết: học đến lớp 12 và tất cả học sinh đều học” [Bạc Liêu]; “Trong trường có dạy tiếng Khmer: mỗi tuần dạy 3 tiết cả 3 khối 10, 11, 12. Chữ Khmer dạy cuốn 1, 2, 3 (trong tổng số 7 cuốn)” [Cà Mau]. Như vậy, có thể thấy, trạng thái song ngữ, trước hết là song ngữ tiếng Việt-tiếng Khmer được duy trì trên lớp. Tuy nhiên, “nếu các em học chữ Khmer rồi nhưng không sử dụng thì sẽ tái mù”; “dạy chữ Khmer để duy trì bản sắc văn hóa nhưng không chấm điểm chính thức nên chất lượng không cao vì không tính điểm nên học sinh lơ là”.
3) Về sử dụng ngôn ngữ trong giao tiếp: Trong giờ học, trừ giờ tiếng dân tộc, các em đều sử dụng tiếng Việt. Chỉ trừ trường hợp đặc biệt, nếu có thầy cô cùng dân tộc thì các em “có thể xen đôi câu tiếng dân tộc”. Ngoài giờ học như thời gian giải lao, sau khi tan học tại kí túc xá, học sinh sử dụng tiếng Việt là chính (84,4%), còn lại các em sử dụng tiếng mẹ đẻ khi nói chuyện với nhau. Chẳng hạn, khi ra chơi một số em Khmer “giao tiếp bằng tiếng Khmer” [Cà Mau]; “trong trường khi các em vui chơi với nhau thì các em cũng có sử dụng một ít tiếng Khmer; khoảng 30% trao đổi với nhau bằng tiếng Khmer” [Cà Mau]; “Một số em biết tiếng Khmer thì chào thầy/ cô bằng tiếng Khmer, còn các em nào chưa biết thì tôi dạy cho các em cách chào hỏi với thầy/ cô bằng tiếng Khmer” [giáo viên dân tộc là người Khmer; Cà Mau]; “ở kí túc xá đa số các em đều nói tiếng Kinh: khoảng 70% tiếng Kinh, 30% tiếng Khmer [Vĩnh Long]. Có thể coi ý kiến dưới đây mang tính khái quát cho việc sử dụng ngôn ngữ của học sinh một số trường PTDT nội trú ở ba tỉnh vùng Tây Nam Bộ: “học sinh sử dụng hầu như là tiếng Việt, nhất là học sinh người Hoa, Mường, Tày. Các học sinh người Khmer thỉnh thoảng có trao đổi với nhau bằng tiếng Khmer”. Nhận xét này phù hợp với cảnh huống ngôn ngữ ở vùng này:
Cộng đồng người Khmer vừa đông dân vừa cư trú tương đối tập trung, lại có các chùa Khmer là nơi có thể phát huy được tiếng nói chữ viết Khmer nên tiếng Khmer được các em học sinh nội trú sử dụng nhiều trong trường học và đây cũng là lí do để cho rằng, tiếng Việt của học sinh Khmer có hạn chế so với các học sinh DTTS khác. Cộng đồng người Hoa tuy cũng có số lượng tương đối đông sau cộng đồng Khmer và cũng có chùa, có hội tương tế để có thể phát huy được tiếng nói chữ viết dân tộc, nhưng vì, trong cộng đồng người Hoa lại có các cộng đồng nhỏ hay nhóm nhỏ với các tiếng Hoa/ Hán phương ngữ khác nhau đến mức không thể thông thoại nên người Hoa nói chung, học sinh Hoa nói riêng sử dụng tiếng Việt là chính. Ngay ở chùa, hội tương tế hoặc các trung tâm dạy tiếng Hoa thì đó là tiếng Hán phổ thông và chữ viết gồm chữ Hán phồn thể và chữ Hán thể (trong đó chữ Hán giản thể là chính). Đây cũng cũng là lí do cho thấy năng lực tiếng Việt của học sinh người Hoa được coi là tốt. Đối với các cộng đồng DTTS khác như Chăm và các cộng đồng DTTS di dân từ nơi khác đến như Tày, Nùng, Thái, Mường thì do số lượng dân ít, cư trú lại phân tán, nên giao tiếp từ trong gia đình đến ngoài xã hội họ đều sử dụng tiếng Việt. Theo đó, học sinh thuộc các dân tộc này, thay vì không biết tiếng mẹ đẻ lại có năng lực tiếng Việt tốt.
3. Kết luận
1) Tây Nam Bộ là vùng đa dân tộc, đa ngôn ngữ. So với các vùng DTTS khác ở Việt Nam như Đông Bắc, Tây Bắc, Tây Nguyên, người DTTS ở Tây Nam Bộ chiếm một tỉ lệ ít hơn nhiều so với dân tộc Kinh. Các DTTS tại chỗ như Khmer, Hoa, Chăm có số dân đông. 7 DTTS di dân từ phía bắc hoặc Trung Bộ, Tây Nguyên như Tày, Mường, Thái, Nùng, Lào, Dao, Ê Đê có số dân từ 100 đến dưới 1.000, còn lại các DTTS di dân đều có số dân ít, thậm chí rất ít. Do tỉ lệ số dân như vậy lại cư trú đan xen nên đã giúp cho chức năng của tiếng Việt được mở rộng, theo đó, đa phần người dân đều biết tiếng Việt và có thể sử dụng tiếng Việt trong giao tiếp. Tuy nhiên, vẫn còn có những người hạn chế về năng lực tiếng Việt, do tuổi tác và do điều kiện sống và làm ăn. Chẳng hạn, do điều kiện cư trú và làm ăn dựa vào thiên nhiên (như sông nước), nên một số gia đinh DTTS cư trú tương đối biệt lập, cách xa nhau làm hạn chế về mặt giao tiếp, do đó, điều kiện sử dụng tiếng Việt của họ không nhiều (vì trong gia đình chủ yếu dùng tiếng DTTS để giao tiếp). Đây là nguyên nhân làm hạn chế năng lực giao tiếp của họ.
2) Những dân tộc tại chỗ như Khmer và Chăm vẫn phát huy được tiếng mẹ đẻ trong giao tiếp gia đình và một phần ngoài xã hội, nhất là tiếng Khmer: người Khmer chiếm số đông lại giáp biên giới với Camphuchia nên điều kiện sử dụng tiếng Khmer là rất thuận lợi. Đối với người Hoa, do họ thuộc các nhóm nói phương ngữ phía nam Trung Quốc, mà giữa các nhóm này cũng không hiểu ngôn ngữ của nhau, vì thế, việc sử dụng tiếng mẹ đẻ cả trong gia đình và xã hội là không nhiều, nhất là thế hệ thứ ba hầu như không có khả năng giao tiếp bằng tiếng mẹ đẻ của mình.
3) Chùa Khmer và các miếu, hội đoàn người Hoa đóng vai trò tích cực trong việc bảo tồn và phát huy tiếng nói chữ viết dân tộc: Chùa Khmer là nơi người Khmer sử dụng tiếng Khmer và dạy học tiếng nói, chữ viết Khmer. Theo đó, đây là nơi người Khmer có thể gặp gỡ nhau và giao lưu với nhau bằng tiếng Khmer. Chùa cũng mở các khóa học chữ Khmer. Nói cách khác, chùa Khmer là nơi khích lệ niềm tự hào dân tộc của người Khmer, trong đó có tiếng nói chữ viết của mình. Miếu, Hội quán của người Hoa là nơi gặp gỡ của người Hoa với những lễ hội, sinh hoạt tâm linh, giao lưu. Đây là điều kiện để phát huy tiếng mẹ đẻ. Tuy nhiên, khác với người Khmer, người Hoa chủ yếu dùng tiếng Việt để giao tiếp. Chỉ có một nhóm nhỏ người lớn tuổi có thể sử dụng tiếng Triều hoặc tiếng Quảng để giao tiếp. Nói chung, người Hoa chỉ dùng tiếng Hoa trong các một số nghi lễ. Đối với lớp trẻ, họ không biết nói tiếng Hoa phương ngữ và có lẽ vì mưu sinh, thay vì học tiếng Hoa phương ngữ, họ học tiếng Trung Quốc (tiếng Hán phổ thông) bằng giọng Bắc Kinh hoặc Đài Loan, chữ Hán cả giản thể và phồn thể (nghiêng về phồn thể). 4) Đối với các DTTS di dân (kể cả một vài DTTS có số dân trên 100 như Tày, Mường, Thái, Nùng, Lào, Dao, Ê Đê) thì hầu như sử dụng tiếng Việt, thậm chí, một số người còn thể giao dịch làm ăn bằng tiếng Khmer. Trong gia đình, họ cũng dùng tiếng Việt là chủ yếu. Điều này làm cho thế hệ thứ ba (lứa tuổi học sinh) đại đa số không biết nói tiếng mẹ đẻ của mình.
TÀI LIỆU THAM KHẢO CHÍNH
- Nguyễn Văn Khang (2019), “Cơ sở lí thuyết và thực tiễn liên quan đến nghiên cứu tình hình sử dụng ngôn ngữ ở vùng dân tộc thiểu số Việt Nam – Một số vấn đề về đa ngữ xã hội”. Tạp chí Nghiên cứu dân tộc, số 8 (3), tr.43-52.
- Trần Phương Nguyên (2018), “Cảnh huống ngôn ngữ vùng dân tộc thiểu số Đông Nam Bộ: Một vài nội dung quan yếu”. Tạp chí Ngôn ngữ, số 3, tr.51-67.
- Hoàng Quốc (2014), “Thực trạng sử dụng ngôn ngữ của người Hoa ở Kiên Giang”,Tạp chí Ngôn ngữ, Số 4 (2014), tr.45-58.
- Huỳnh Thanh Thêm (2016), “Tình hình sử dụng ngôn ngữ của cộng đồng người Khmer ở thị xã Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang”. Tạp chí Phát triển Khoa học và Công nghệ, Tập 20, số X2-2017, tr.73-81.
The situation of language usage in the Southwestern ethnic minority region, Vietnam (Through some surveyed areas)
Abstract: This paper examines the situation of language usage in the southwestern ethnic minority region. The material of the article is from the results of the 2019 socio-llinguistic fieldwork in some areas of Bac Lieu, Vinh Long and Ca Mau province. The results of this research contribute to building a general picture of the situation of language use in this region as well as in the ethnic minority areas of Vietnam today; contribute to building a scientific basis for language policies in general and language policies in ethnic minority areas in particular in the new period; and contribute to the sustainable development of ethnic minority areas in these localities as well as ethnic minority areas all over the country.
Key words: linguistic competence; language use; ethnic minority; sociallinguistic fieldwork; the southwestern ethnic minority region; Bac Lieu; Vinh Long; Ca Mau.