Vài đặc trưng của tiếng Anh Úc

PHAN VĂN QUẾ*
* PGS.TS; Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội; Email: phanvanque52@gmail.com

TÓM TẮT: Oxtralia (Úc) là một quốc gia nói tiếng Anh bản ngữ (native language) và tiếng Anh Úc luôn được coi là có mối quan hệ chặt chẽ với tiếng Anh-Anh. Tuy vậy, với lịch sử hàng trăm năm được sử dụng ở một quốc gia rộng lớn, đa sắc tộc, tiếng Anh-Úc dần dần hình thành nên một số đặc trưng khác biệt. Bài viết này chúng tôi muốn giới thiệu một số những đặc trưng đó mà qua chúng tạo nên một tiếng Anh-Úc có những nét riêng.

TỪ KHOÁ: tiếng Anh-Úc; biến thể chuẩn; đặc trưng khác biệt; giọng dân dã; giọng phổ thông, giọng chuẩn.

NHẬN BÀI: 1/6/2022.             BIÊN TẬP-CHỈNH SỬA-DUYỆT ĐĂNG: 5/9/2022
(Bài đăng trên Tạp chí số 9(330)-2022, tr.41-45)

1. Đặt vấn đề

Úc (Oxtralia) là một quốc gia nói tiếng Anh bản ngữ (native language) được Nhà Ngôn ngữ học Braj Kachru (1932-2016) xếp vào vòng tròn trong cùng (inner circle) cùng với các nước khác như Anh, Mỹ, Canada, New Zealand trong mô hình phân loại tiếng Anh của mình.

Nguồn: Sandra Lee McKay, Teaching English as an international language, 2002, Oxford University Press, trang 10.

Như vậy, có thể thấy, tiếng Anh Úc rất gần với tiếng Anh Anh và các biến thể tiếng Anh chuẩn khác (standard varieties) trên thế giới. Với lịch sử trên hai trăm năm, xuất xứ từ nước Anh nhưng được sử dụng ở một quốc gia xa xôi rộng lớn gấp nhiều lần nước Anh và đứng thứ 6 về diện tích trên thế giới, với sự đa dạng về sắc tộc, ngôn ngữ, sự phong phú về điều kiện tự nhiên, về thảm động thực vật đã tạo nên một biến thể tiếng Anh có đặc trưng riêng của nó – tiếng Anh Úc. Trong bài viết này, chúng tôi muốn giới thiệu và bàn thêm về những đặc trưng mà qua đó tạo nên sự khác biệt của tiếng Anh Úc qua một số công trình của các tác giả quốc tế đã công bố.

Trước khi luận bàn về những khác biệt của tiếng Anh Úc so với các tiếng Anh khác, chúng tôi muốn đề cập đến một đặc trưng rất đáng bàn về tiếng Anh Úc – đó là sự thuần nhất (homogeneity) của ngôn ngữ này trong phạm vi nước Úc rộng lớn.

Theo các nhà nghiên cứu như George Turner (The English Language in Australia and New Zealand, trang.163) và R. Bernard (The Macquarie Dictionary, 1981) được David Crystal dẫn lại trong Từ điển bách khoa Cambridge về tiếng Anh (The Cambridge Encyclopedia of the English language, 2003, CUP, trang 350) thì tiếng Anh Úc khá thuần nhất, tức là không có sự khác biệt lớn giữa các vùng, miền và khó có thể thấy một nơi nào rộng lớn về diện tích như Oxtralia lại ít có sự khác biệt về ngôn ngữ (chỉ tiếng Anh Úc) như ở đây. Sự đồng nhất về ngôn ngữ trải dài từ Cairns tới Horbat, từ Sydney tới Perth (thành phố đông dân thứ tư, thuộc Tây Úc), tức là trải dài từ Đông sang Tây, từ đất liền tới hải đảo. Chính sự thuần nhất này mà cư dân ở Úc không gặp khó khăn trong giao tiếp khi chuyển từ vùng này đến vùng khác, từ bang này đến bang khác. Có chăng chỉ là một số từ chỉ các dụng cụ được gọi tên khác nhau ở mỗi vùng như xe đẩy trẻ con ở New South Wales gọi là Stroller, còn ở South Australia gọi là Pusher. Tất nhiên là còn nhiều sự khác biệt nữa, mà cũng không thể nói là không có sự khác biệt, nhưng chưa tới mức hình thành một xu hướng nghiên cứu về vấn đề này. Những quan điểm về sự cần thiết phải nghiên cứu sự khác biệt của tiếng Anh-Úc trong lòng nước Úc vẫn được đưa ra, nhưng hình như mới ở giai đoạn phôi thai đang hình thành (dẫn theo David Crystal). Chúng ta chờ đợi những công trình đó để hiểu thêm tiếng Anh Úc có thực sự thuần nhất (homoneity) như vậy không?

2. Nội dung

Dưới đây vào phần chính xin bàn thêm về đặc trưng của tiếng Anh Úc trong mối quan hệ với các loại tiếng Anh khác trên thế giới.

Khoảng 20 năm sau chuyến thám hiểm của Jame Cooks tới Oxtralia vào năm 1770, nước Anh đã thiết lập nơi lưu đày đầu tiên ở Sydney và trong vòng 50 năm đã đưa đến đây khoảng 130 ngàn tù nhân. Nhiều di dân tự do cũng đến miền đất này và đến năm 1850, dân số nước Úc có khoảng 400.000 người. Đến năm 1900 khoảng 4.000.000 và hiện tại tính đến năm 2001 khoảng 19 triệu và năm 2019 là 25.36 triệu.

Tuy tiếng Anh-Úc có lịch sử hơn hai trăm năm, nhưng mãi tới gần đây nó mới khẳng định được tư cách là một biến thể chuẩn (standard variety) với những đặc trưng, vị thế riêng biệt. Trước khi có được vị thế đó, tiếng Anh Úc cũng như các tiếng Anh địa phương khác không tránh khỏi những thành kiến và thị phi về một ngôn ngữ có vị trí thấp kém (inferior) và không được tôn trọng. Theo Andy Kirk Patrick, tới năm 1920, Bộ trưởng Giáo dục bang New South Wales – một trong những bang lớn của Úc vẫn thúc giục các giáo viên chấm dứt việc sử dụng tiếng Anh Úc trong lớp học. Trong một thông báo, ông ta đã viết “Thật là buồn khi thấy mọi người có thể nhận ra chúng ta là người Úc thông qua giọng nói của mình (Delbridge, 1999, tr.260) và nên nhớ rằng những người thuộc tầng lớp thấp hèn nhất đã mang theo họ một ngôn ngữ kì dị và luôn được lai tạp thêm những sự lệch chuẩn, do vậy các bạn có thể hiểu tại sao tiếng Anh tinh khiết (pure English) không trở thành, và có lẽ sẽ không trở thành ngôn ngữ ở vùng này (Gorlack, 1991, tr.147).

Trong khoảng 200 năm với bao sự chịu đựng, thị phi về một ngôn ngữ luôn được coi là cửa dưới so với tiếng Anh bản địa, tiếng Anh Úc qua quá trình hình thành, phát triển đã tạo dựng được vị thế của một biến thể tiếng Anh chuẩn và đến những năm 1970 được xếp đứng ngang hàng với các “ông lớn” khác trong đại gia đình tiếng Anh quốc tế. Vậy điều gì đã tạo nên điều này, và tiếng Anh-Úc có những đặc trưng gì khác biệt so với các loại tiếng Anh khác. Chúng ta cùng tìm hiểu thêm về vấn đề này.

Có lẽ một trong những sự kiện tạo dựng nên vị thế của tiếng Anh Úc là việc Arthur Mitchell, một giảng viên đại học của Úc, sau khi nghiên cứu ngôn ngữ học trở về từ London vào năm 1940, ông  đã xúc tiến hình thành một quan niệm rằng “tiếng Anh Úc nên phải được chấp nhận là ngôn ngữ chuẩn quốc gia và việc phát âm của người Úc không thể coi là kém chuẩn, mà phải được công nhận là những chuẩn chấp nhận được. Những ý kiến của ông lúc đầu nhận được sự phản ứng gay gắt, khá thù địch. Nhưng chỉ sau khi chính ông trở thành chủ tịch tập đoàn phát thanh của Úc (Australian Broadcasting Commission – ABC) vào năm 1952 thì tiếng Anh Úc mới được chấp nhận trên đài truyền thanh ABC. Sau đó, cùng với nhà ngôn ngữ học Delbridge, các ông đã tiến hành khảo sát ở phạm vi quốc gia về giọng nói tiếng Anh của người Úc. Qua khảo sát, các tác giả đã phát hiện và đi đến kết luận là giọng nói tiếng Anh của Úc có thể chia làm ba phân khúc nằm trên một dải phổ liên tục. Đó là giọng chuẩn, gần gũi với tiếng Anh chuẩn (RP) gọi là cultivated được khoảng 10% dân số Úc sử dụng, đặc biệt trên phương tiện thông tin đại chúng khi nói về những việc chính sự. Đối lập với giọng này (cultivated) là giọng dân dã, giọng nói của những người lao động gọi là (Broad) được khoảng 30% dân số sử dụng. Nhưng trên truyền hình, truyền thanh khi nói về những sự kiện, các môn thể thao… đặc trưng của Úc, các bình luận viên cũng dùng giọng này (Broad). Nằm ở giữa hai cực này là giọng trung hoà (General) được đại đa số mọi người sử dụng. Người dân Úc có thể sử dụng cả ba loại giọng này tuỳ vào ngữ cảnh giao tiếp cụ thể. Tuy không có điểm cắt rõ ràng giữa ba phân khúc trên, nhưng ta có thể hình dung phổ dải đó như sau: Broad – General – Cultivated continuum. (Andy Kirk Patrick, tr.70).

Chính kết quả của những nghiên cứu này đã dẫn đến việc xuất bản ba công trình về tiếng Anh-Úc dưới đây, góp phần tạo dựng cho tiếng Anh-Úc có được cái chuẩn của chính mình: 1/A Dictionary of Australian Colloqualism (John Wilke, 1978); 2/The Macquarie Dictionary (Arther Delbridge etal, 1981); 3/The Australian National Dictionary (William Rasom, 1988).

Vậy tiếng Anh Úc có điểm gì khác biệt?

Không thể kể hết những đặc trưng và những khác biệt của tiếng Anh Úc với các tiếng Anh chuẩn mực khác mà các nhà nghiên cứu đã tổng kết và thống kê lại. Nhưng chúng tôi muốn giới thiệu những gì là đặc trưng nhất, thực tế nhất từ góc nhìn của người giảng dạy tiếng Anh. Những đặc trưng này nằm ở cả ba bình diện: ngữ âm, từ vựng và ngữ pháp.

Về ngữ âm:

 Trong số các đặc trưng về cách phát âm, những người Úc nói tiếng Anh phổ thông, dân dã (General and Broad) thường không phân biệt hai âm nguyên âm đôi là /ei/ và /ai/ mà thường đọc là /ai/ cho cả hai âm này. Do vậy, những từ như “day” lẽ ra trong RP đọc là /dei/ nhưng người Úc đọc thành /dai/, hay từ “mate” theo tiếng Anh chuẩn đọc là /meit/, thì người Úc là /mait/. Chính vì vậy, câu chào hỏi của Úc “good day, mate” thường được những người nói tiếng Anh khác bông đùa khi gặp người Úc là /gud dai mait/, chứ không phải là /gudei meit/. Sự không phân biệt giữa hai âm này nhiều khi cũng dẫn đến sự nhầm lẫn. Theo chính tác giả của cuốn World Englishes, 2007, CUP là Andy Kirk Patrick thì có lần ở Úc, người lái xe taxi đã đưa nhầm tác giả đến phố Main Street chứ không phải phố Mine Street như kế hoạch. Đơn giản là cả hai từ MainMine đều được đọc là /main/ mặc dù theo tiếng Anh chuẩn từ trước đọc là /mein/ và từ sau đọc là /main/.

Một trong những đặc trưng rất dễ nhận biết về tiếng Anh Úc, đó là sự lên giọng của người Úc kể cả những câu trần thuật. Thông thường như chúng ta được học trong các bài ngữ âm tiếng Anh thì người ta chỉ lên giọng ở cuối câu hỏi tổng quát (yes/no question) hoặc trong những trường hợp về mặt hình thức là câu trần thuật, nhưng thực tế lại là câu hỏi như “This is really a nice book”.

Đã có khá nhiều các công trình đề cập đến sự lên giọng trong các câu trần thuật giống như trong các câu hỏi trong tiếng Anh Úc. Điều này có thể nhận thấy khá rõ trong giới trẻ, đặc biệt là các em gái tuổi teen. Vì nó được dùng rất phổ thông, cho nên người ta lý giải rằng việc lên giọng đó xuất phát từ việc người nói muốn xem hoặc kiểm chứng xem người nghe có nghe, có theo dõi mình không, có chú ý đến cái điều đang được nói không, và mình có thể tiếp tục câu chuyện không? (Theo Hovarth, 2008) chứ không phải từ sự thiếu tự tin như nhiều người nghĩ trước đây (dẫn lại theo Nicola Galloway and Health Rose, 2015, Routledge, tr.86).

Đặc điểm lên giọng cuối câu được gọi là “ngữ điệu câu hỏi kiểu Úc” (Australian questioning intonation, viết tắt là AQI, Guy and Vonwiller, 1989) cũng được Andy Kirk Patrick dẫn lại ở tr.71 của World Englishes. Cũng theo tác giả này, việc lên giọng ở cuối câu trần thuật, câu hỏi có đuôi và sau những tổ hợp với ok là muốn thể hiện yêu cầu hay sự khẳng định rằng người tiếp chuyện đang theo dõi và hiểu những gì đang nghe. Nhận định này của Andy Kirk Patrick cũng trùng hợp với nhận định của Nicola Galloway và Health Rose ở trên. Việc lên giọng khác thường so với tiếng Anh chuẩn cũng tạo nên những sự hiểu nhầm lí thú. Theo Andy Kirk Patrick (tác giả của World Englishes, 2007), trong một lần ở Singapore, tác giả được giới thiệu với một người bạn Úc. Anh ta chìa tay ra và nói “David Peebles” với ngữ điệu lên giọng của Úc (AQI). Theo phản ứng bình thường với ngữ điệu này, tác giả (Andy Kirk Patrick) tưởng anh ta hỏi mình có phải là David Peebles không, do vậy Andy Kirk Patrick trả lời: không phải, tôi là Andy Kirk Patrick. Anh bạn Úc tỏ ra ngạc nhiên và sửa lại ý nói rằng anh ta muốn giới thiệu tên anh ấy là David Peebles, chứ không phải hỏi tác giả có phải là David Peebles không?

Về từ vựng:

Cũng như các biến thể tiếng Anh khác, khi tiếp xúc với ngôn ngữ và điều kiện ở bản địa, việc tiếp nhận số lượng từ vựng mới là hết sức bình thường. Tiếng Anh Úc cũng vậy, theo từ điển Macquarie-2001 được Howard Jackson và Etienne Zé Amvela dẫn lại trong “Words, Meaning and Vocabulary, 2018” thì có khoảng 10.000 từ mang đặc trưng Úc đến từ nhiều nguồn khác nhau. Những người định cư đến Úc tiếp xúc với một hệ sinh thái động thực vật đa dạng và đặc trưng địa lí của một quốc gia rộng lớn. Những tên gọi cho các loài động thực vật một phần lấy từ ngôn ngữ thổ dân, một phần được hình thành từ tiếng Anh mang đậm tính chất Úc như “dingo” (chó hoang Úc), “billabong” (kênh cụt ở Úc), “outback” (vùng xa xôi ở Úc),…

Ngoài những nhóm từ vựng trên, trong quá trình phát triển công nghiệp nuôi gia súc, nuôi cừu hay quá trình săn vàng (gold rush) ở Úc cũng xuất hiện khá nhiều nhóm từ vựng mang đặc trưng riêng của Úc như Stockman (người chăn giữ súc vật), sundower (người đi lang thang đến chỗ nuôi cừu vào lúc mặt trời lặn để tìm chỗ ngủ), mullock (bãi đá thải), jossick (lục lọi tìm vàng)…Rất nhiều những từ này dần dần trở lên thông dụng và hoà nhập vào vốn từ vựng của tiếng Anh chuẩn.

Một trong những đặc trưng của người Úc là thích rút gọn từ, và hình như người Úc thích rút gọn từ nhiều hơn những người nói tiếng Anh khác. Từ được rút gọn thường được thêm các tiếp ngữ giảm nhẹ nghĩa như: ie, y, o – Ví dụ:

Babecue        =>    Babie                        Television     =>    Telie

Australian     =>    Aussie                      Barbeque      =>    Babie

Journalist    =>    Journo                      Afternoon     =>    Arvo(Dẫn theo Jenifer Jenkín, Global Englishes, 2015, Routledge, trang 72-73) và Nicola Galloway, trang 86)

Đặc trưng này chúng ta cũng có thể tìm thấy trong các công trình của Andy Kirk Patrick (trang 74) và của Nicola Galloway (tr.85).

Một trong những đặc điểm phát triển từ vựng của tiếng Anh Úc là việc dựa vào những từ vốn có trong tiếng Anh và gắn thêm nghĩa khác phản ánh đặc trưng của nước Úc. Trong các trường hợp này, từ “Bush” là ví dụ điển hình, từ “Bush” có nghĩa là “bụi cây, rừng cây bụi”. Người Úc mượn nghĩa của từ này để liên tưởng nói về những vùng đất hoang sơ, chưa được khai khẩn trong lòng nước Úc, và đối với họ từ “Bush” chiếm một vị thế đặc biệt trong đời sống và tâm hồn của họ.Bush” ở Úc là nói đến những vùng đất bao la, chưa khai khẩn, chưa có người ở, tức là gần hết diện tích nước Úc, trừ các thành phố. Do vậy, người Úc nói “To go bush” nghĩa là về nông thôn, không muốn sống hoặc quan hệ với thành phố. “Lived in the bush, worked in the bush, wrote about the bush”, ví dụ này được ghi lại từ Đài phát thanh Úc thể hiện nghĩa đặc biệt của Úc đối với từ “bush”. Và còn rất nhiều các tập hợp từ với “bush” phản ánh đặc trưng văn hoá của Úc thông qua từ này. Ví dụ: “bush ballad” (bài ca về cuộc sống nông thôn), “bush carpenter” (thợ mộc nghiệp dư), “bush ranger” (người sống ngoài vòng pháp luật), “bush whacker” (người sống ở nông thôn”…(Theo Andy Kirk Patrick, tr.73).

Về ngữ pháp:

Theo Nicola Galoway and Health Rose (tr.87) thì những cư dân trẻ nước Úc có xu hướng không dùng hai dạng khác nhau cho quá khứ và quá khứ phân từ đối với một số các động từ bất quy tắc. Các tác giả trên dẫn lại kết quả nghiên cứu của Collin và Peters năm 2008, theo đó qua khảo sát có 76% người ở lứa tuổi 65 vẫn thích dùng hai dạng khác nhau cho động từ bất quy tắc như: spring – sprang – sprung. Ngược lại, có 24% thuộc lứa tuổi từ 10 đến 24 chỉ thích dùng một dạng cho cả quá khứ và quá khứ phân từ: spring – sprung – sprung. Động từ tình thái cũng có những xu hướng sử dụng khác biệt. Người Úc thường dùng “will” thay “shall”, “should” thay “ought” và “better” hoặc “gotta” thay cho “have to” và “should” (we better go/ we gotta go).

Gorlach (1991) đề cập đến 2 đặc trưng khác biệt của tiếng Anh Úc được Andy Kirk Patrick dẫn lại (trang 74), thứ nhất là việc dùng đại từ “she” trong trường hợp những người nói tiếng Anh khác lại dùng “it” – ví dụ: “she’ll be right” có nghĩa là “it’ll be right”. Thứ 2 là dùng từ “but” ở cuối câu với hàm ý nhấn mạnh. Ví dụ “she’ll be right though but” nghĩa là “everything will be alright”. Vẫn theo Andy thì nhiều người Úc có xu hướng dùng tính từ “good” trong những trường hợp lẽ ra phải dùng “well” – ví dụ: He does not play as good as before.

3. Kết luận

Một số đặc trưng tiếng Anh Úc trên đây có lẽ là những ví dụ điển hình về sự khác biệt giữa tiếng Anh Úc với các biến thể tiếng Anh chuẩn khác. Một ngôn ngữ phải mất một thời gian rất dài mới được chấp nhận ngay trong lòng nước Úc. Một biến thể ngôn ngữ xuất hiện từ cuối thế kỉ 18, nhưng mãi đến giữa thế kỉ 20, tức là khoảng 200 năm sau mới được chấp nhận sử dụng trên đài phát thanh quốc gia đủ thấy sự phân biệt và thành kiến ngôn ngữ lớn đến mức nào. Nhưng mọi việc đã thay đổi, Oxtralia ngày nay là một trong những điểm đến của sinh viên quốc tế và là quốc gia có ngành công nghiệp đào tạo và giảng dạy tiếng Anh tiên tiến. Chắc chắn tiếng Anh Úc sẽ phát triển và luôn giữ được sự chuẩn mực cũng như những đặc trưng khác biệt của mình trong một thế giới tiếng Anh đầy biến động.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Andy Kirpatrick (2007), World Englishes, Cambridge University Press.
  2. David Crystal (2003), The Cambridge Encyclopedia of the English language, Cambridge University Press.
  3. David Crystal (2005), English as a global language, Cambridge University Press.
  4. Jennifer Jenkin (2015), Global Englishes, Routledge, New York.
  5. Nicola Galloway and Health Rose  (2015), Global Englishes, Routledge, London, New York.
  6. Howard Jackson, Etienne Zé Amvela (2018), Words, Meaning and Vocabulary – an Introduction to Modern English Lexicology, Bloomsbury Academic, UK.

Some features of Australian English

Abstract: Australia is a native English speaking country, and Australia English is supposed to have strong link with British English. However, with history of hundreds of years in a vast multicultural country, Australian English gradually established some distinctive features. This paper aims at presenting some of these features that make Australian English different from others.Key words: Australian English, standard variety, distinctive features, broad-general-cultivated accents.