Tình hình sử dụng ngôn ngữ của người dân tộc thiểu số ở biên giới Việt Nam – Campuchia (khảo sát tại đồn biên phòng cửa khẩu Thuận An, Đắk Mil, Đắk Nông)*

NGUYỄN MINH HOẠT*
*TS; Trường Đại học Nguyễn Tất Thành; Email: nmhoat@ntt.edu.vn

Bài viết thuộc sản phẩm Đề tài độc lập cấp Quốc gia; Mã số ĐTĐL.XH-06/18

TÓM TẮT: Khu vực biên giới Việt Nam – Campuchia, thuộc xã Thuận An (Đắk Mil, Đắk Nông) do Đồn Biên phòng cửa khẩu Thuận An quản lí. Nơi đây có nhiều người dân tộc thiểu số (DTTS) sinh sống, họ sử dụng tiếng phổ thông (tiếng Việt) và tiếng mẹ đẻ để giao tiếp. Vì vậy, tình hình sử dụng ngôn ngữ tại địa phương này có tác động, ảnh hưởng đến đời sống văn hóa xã hội, an ninh quốc phòng. Bài viết khảo sát, phân tích tình hình sử dụng tiếng Việt và tiếng mẹ đẻ của người DTTS tại khu vực Đồn Biên phòng cửa khẩu Thuận An. Qua đó, bài viết đề xuất các giải pháp nâng cao năng lực sử dụng ngôn ngữ cho người dân và cán bộ chiến sĩ đồn biên phòng, góp phần thực hiện tốt công tác vận động quần chúng, giữ vững an ninh chính trị trong địa bàn.

TỪ KHÓA: tình hình; sử dụng; ngôn ngữ; biên giới; biên phòng; Thuận An.

NHẬN BÀI: 10/11/2019.                 BIÊN TẬP-CHỈNH SỬA-DUYỆT ĐĂNG: 15/1/2020
(Bài đăng trên Tạp chí số 1(293)-2020, tr.71-76)

1. Mở đầu

Ngôn ngữ không chỉ là phương tiện giao tiếp, phương tiện biểu đạt tư duy mà còn là một trong những nhân tố hàng đầu để thống nhất dân tộc. Ngôn ngữ là yếu tố đặc trưng, quan trọng nhất của văn hóa, nó biểu thị các giá trị văn hóa và sức mạnh của cộng đồng về mọi mặt. Đồng thời văn hóa có vai trò hết sức quan trọng đối với sự phát triển của ngôn ngữ. Khi đời sống văn hóa vật chất, tinh thần phát triển thì ngôn ngữ mới có đầy đủ điều kiện để phát triển phong phú và thống nhất các phương ngữ thành một ngôn ngữ dân tộc.

Nghiên cứu tình hình sử dụng ngôn ngữ của địa bàn cụ thể là xem xét những cảnh huống ngôn ngữ chi phối nhu cầu sử dụng ngôn ngữ, từ đó thấy được vai trò, vị thế, chức năng của ngôn ngữ trong đời sống xã hội. Nghiên cứu tình hình sử dụng ngôn ngữ của người DTTS tại một địa phương để thấy được mối quan hệ giữ ngôn ngữ đối với các vấn đề của cuộc sống. Trên cơ sở kết quả nghiên cứu, đề ra các giải pháp bảo tồn và phát huy các giá trị của ngôn ngữ, khai thác hình thức sử dụng ngôn ngữ đạt hiệu quả phục vụ cuộc sống.

Khu vực Đồn Biên phòng cửa khẩu Thuận An (Đắk Mil, Đắk Nông) thuộc biên giới Việt Nam – Campuchia, có nhiều đồng bào DTTS cư trú. Các thành phần dân tộc ở đây gồm các cư dân bản địa, người M’Nông, người Êđê,… và các cư dân từ các địa phương khác chuyển đến, như người Tày, Nùng, Mường, Thái, Hoa, S’Tiêng,… đã tạo nên một địa bàn đa văn hóa, đa sắc tộc và đa ngôn ngữ. Chính vì vậy, tình hình sử dụng ngôn ngữ của người DTTS ở địa phương này có những nét đặc trưng, ảnh hưởng đến đời sống văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng.

Trên cơ sở khái quát tình hình xã Thuận An về các mặt diện tích, dân số, địa giới hành chính; kinh tế, văn hóa, xã hội và an ninh, bài viết khảo sát, phân tích tình hình sử dụng tiếng Việt và tiếng mẹ đẻ của người DTTS ở khu vực Đồn Biên phòng cửa khẩu Thuận An quản lí, qua đó đề xuất các giải pháp sử dụng tiếng Việt và tiếng mẹ đẻ trong công tác vận động quần chúng là người DTTS của cán bộ chiến sĩ đồn biên phòng tại khu vực biên giới đạt hiệu quả.

2. Nội dung

2.1. Khái quát tình hình xã Thuận An

2.1.1. Diện tích, dân số, địa giới hành chính

Thuận An là một xã thuộc huyện Đăk Mil, tỉnh Đăk Nông, có diện tích: 61,947 km². Dân số: 12.213 khẩu/2.860 hộ, gồm 14 thành phần dân tộc. Tình hình dân số và thành phần dân tộc trên địa bàn xã Thuận An được thống kê qua bảng sau:

Bảng 2.1. Dân số, thành phần dân tộc xã Thuận An (Nguồn: Báo cáo tình hình nói, viết tiếng dân tộc trên địa bàn xã Thuận An)

Dân sốKinhM’ NôngÊđêTàyNùngMườngThái
hộ khẩu2.1117031111050603
(%)8.692 (71,17)3.307 (27,07)55 (0,45)54 (0,44)31 (0,25)29 (0,24)12 (0,10)
Dân sốHoaS’TiêngKhơ merThổJ’ RaiK’ HoDao
hộ khẩu02020101020101
(%)08 (0,06)06 (0,05)06 (0,05)05 (0,04)03 (0,02)03 (0,02)02 (0,01)
Tổng2.86012.213 (100) 

Địa giới hành chính: xã Thuận An nằm ở phía Nam huyện Đăk Mil, giáp các xã: Đăk Lao, Đăk Mil, Đức Minh, Thuận Hạnh. Phía tây giáp xã Bu Sa Ra, huyện Betchanda, tỉnh Mođulkiry Campuchia. Đồn Biên phòng cửa khẩu Thuận An quản lí 11 km đường biên giới (thuộc xã Thuận An giáp Campuchia) gồm 11 cột mốc, trong đó có 01 cột mốc chính.

Trong các DTTS trên địa bàn, người M’Nông là dân bản địa đã sinh sống lâu đời trên vùng đất này, còn lại là các DTTS từ các tỉnh phía Bắc di cư theo con đường tự do đến lập nghiệp, làm nương rẫy. Trên tuyến biên giới, Đồn Biên phòng cửa khẩu Thuận An quản lí có 1917 khẩu/ 169 hộ, trong đó người M’Nông có 413 khẩu/ 74 hộ. Người M’Nông dọc tuyến biên giới có mối quan hệ thân tộc, dòng họ lâu đời với một số gia đình thuộc xã Bu Sa Ra, huyện Betchanda, tỉnh Mođulkiry Campuchia. Họ thường qua lại thăm người thân, trao đổi hàng hóa, thông tin với người thân ở hai bên biên giới. Một số người vượt biên năm 2001, 2004 vẫn thường xuyên liên lạc với người thân và gia đình giữa hai xã.

2.1.2. Kinh tế, văn hóa, xã hội và an ninh

Cuộc sống của người dân xã Thuận An cơ bản ổn định, kinh tế phát triển, nhất là các hộ người Kinh trồng cây công nghiệp (cà phê, tiêu, cao su, điều), cây ăn quả (bơ, sầu riêng). Năm 2018 xã Thuận An đạt các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới.

Tuy nhiên đến tháng 4/2019, trên địa bàn xã còn một số gia đình người DTTS (chủ yếu hai bon (buôn) Sa Pa và bon Bu Đăk) khó khăn về kinh tế. Toàn xã có hộ nghèo (theo chương trình 135), gồm 22 hộ, cận nghèo 26 hộ, tái nghèo 23 hộ, 35 trẻ em gặp hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Hộ nghèo năm 2019, gồm 34 hộ/160 khẩu (chiếm 1,25% dân số toàn xã), trong đó bon Sa Pa: 32 khẩu/ 6 hộ; bon Bu Đăk: 20 khẩu/7 hộ). Cận nghèo: 32 hộ (chiếm 1,18% dân số toàn xã), trong đó bon Sa Pa: 107 khẩu/22 hộ; bon Bu Đăk: 31 khẩu/01 hộ, giảm 07 hộ so với đầu năm 2018.

Trên địa bàn xã có 03 tôn giáo chính, gồm: Thiên Chúa Giáo 3.542 khẩu/826 hộ (chiếm 29,6% dân số toàn xã), có 01 nhà thờ và 05 giáo họ. Tin Lành: 3.430 khẩu/728 hộ (chiếm 28,7% dân số toàn xã), có 02 chi hội, 01 nhà thờ, 02 điểm nhóm, 01 cơ sở thờ tự. Phật Giáo 1.741 khẩu/422 hộ (chiếm 14,5% dân số toàn xã), có 01 nhà chùa. Ngoài ra trên địa bàn xã Thuận An có tôn giáo Cao Đài 04 khẩu/ 01 hộ. Các hoạt động tôn giáo trong những năm gần đây cơ bản ổn định, các tổ chức tôn giáo chấp hành tốt Pháp lệnh Tín ngưỡng, Tôn giáo số 21/2004/PL-UBTVQH11, ngày 18 tháng 6 năm 2004 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Năm 2018, xã Thuận An có 2.159 hộ đạt tiêu chuẩn Gia đình văn hóa (chiếm 84,33 % tổng số các gia đình trong toàn xã), trong đó có 2.002 hộ đạt Gia đình văn hóa trong 03 năm liền. Về tập thể, toàn xã  có 09/10 thôn/ bon đạt tiêu chuẩn thôn/ bon văn hóa. Các lễ hội, nghi lễ truyền thống của đồng bào DTTS cơ bản được duy trì và gìn giữ. Tuy nhiên nhìn tổng thể, so với các xã khác trên địa bàn huyện Đăk Mil, trình độ văn hóa, trình độ dân trí của người dân trong xã Thuận An không đồng đều. Do đời sống kinh tế khó khăn, tình trạng con em bỏ học còn nhiều. Một số em bỏ học vì không theo kịp chương trình, bậc học. Số người dân có trình độ văn hóa thấp đều thuộc hai bon DTTS ở biên giới là bon Sa Pa và bon Bu Đăk.

Về vấn đề an ninh chính trị, hai bon ở biên giới: bon Sa Pa và bon Bu Đăk vẫn còn các biểu hiện phức tạp. Người dân ở hai buôn này dễ bị kích động, lôi kéo từ những người có quan hệ thân tộc, dòng tộc ở bên kia biên giới, nhiều hộ có nguồn gốc ở Campuchia. Một số gia đình có người thân vượt biên đi Mỹ các năm 2001, 2004 thường về thăm người thân, gọi điện; gửi thư, tiền, hàng về cho người thân kết hợp tuyên truyền cuộc sống giàu sang ở nước ngoài. Những hoạt động này, đã tác động đến tư tưởng của một bộ phận thân nhân (nhiều nhất là số thanh niên DTTS tại chỗ), có người ở nước ngoài. Họ dễ bị kích động, lôi kéo, ỉ lại, hướng ngoại, trông chờ, lười lao động, ảo tưởng, thích cuộc sống an nhàn, giàu sang. Một số cá nhân và tổ chức ở nước ngoài có quan hệ với tổ chức Tin Lành Đê ga… tuyên truyền chống đối chính quyền, ảnh hưởng đến tình hình an ninh chính trị khu vực biên giới. Bên cạnh đó có bốn thôn trên địa bàn xã tình hình trật tự xã hội phức tạp, như: Đức An, Đức Hòa, Bắc, Hạnh.

2.2. Tình hình sử dụng tiếng Việt và tiếng mẹ đẻ của người  DTTS

2.2.1. Đối tượng và phương pháp khảo sát

– Đối tượng khảo sát: chọn người DTTS hai bon: Sa Pa và Bu Đăk. Đây là hai đơn vị hành chính cấp buôn nằm dọc tuyến biên giới Việt Nam – Campuchia, có 13 cộng đồng DTTS, trong đó người M’Nông chiếm tỉ lệ 65%, người Êđê 12%, còn lại các cư dân các DTTS từ các tỉnh khác di cư đến. Một số gia đình người M’Nông và người Êđê ở hai bon này có quan hệ họ hàng, thân tộc với một số gia đình ở nước ngoài và ở vùng biên giới Campuchia – Việt Nam. Vì thế tình hình an ninh chính trị ở đây khá phức tạp. Hai bon này cũng có những đặc trưng về tình hình sử dụng ngôn ngữ của người DTTS ở vùng biên giới.

– Phương pháp khảo sát: kết hợp với cán bộ Đồn Biên phòng cửa khẩu Thuận An, phát phiếu điều tra cho đối tượng theo bốn nhóm tuổi: 15 – 30; 31- 45; 46-60; trên 60, mỗi nhóm 60 người. Hướng dẫn cộng tác viên điền nội dung vào phiếu đúng với thực tế sử dụng tiếng Việt và tiếng mẹ đẻ. Thu phiếu, phân loại, tổng hợp lập bảng đánh giá, nhận xét rút ra những vấn đề sử dụng tiếng Việt và tiếng mẹ đẻ của người DTTS trong hai bon.

2.2.2. Tình hình sử dụng tiếng Việt của người DTTS tại bon Sa Pa và bon Bu Đăk

Bảng 2.2. Tình hình sử dụng tiếng Việt của người DTTS tại bon Sa Pa và bon Bu Đăk

Độ tuổiSố lượngKhả năng sử dụng tiếng ViệtPhạm vi sử dụng
NóiTỉ lệ %ViếtTỉ lệ %Trong gia đìnhTỉ lệ %Khi đi chợTỉ lệ %Khi đi họpTỉ lệ %
15-30605896,6457558,357955286,6
31-45605591,63253,3355388,34778,3
46-606042701728,30030503863,3
Trên 60603660350012202541,6

Bảng 2.2. cho thấy, khả năng sử dụng tiếng Việt (nói và viết) tăng dần theo độ tuổi từ cao đến thấp. Những người ở độ tuổi trên 60, khả năng nói (60%) và viết (5%) tiếng Việt thấp hơn những người ở độ tuổi 15-30 (nói 96%; viết 75%). Bởi vì, thế hệ trẻ có điều kiện học tập, sử dụng tiếng Việt để giao lưu tiếp xúc với nhiều người trong xã hội. Do đó, khả năng nói và viết tiếng Việt của những người trẻ tuổi cao hơn so với những người già (không có điều kiện học tập, giao tiếp). Trong số người DTTS trên địa bàn, người trẻ tuổi và người già còn có tình trạng mù chữ, tái mù chữ. Một số người chỉ biết nói chứ không viết được tiếng Việt. Tỉ lệ mù chữ trong hai bon khảo sát là 20%, trong đó người trên 60 tuổi là 17%, người từ 15-30 tuổi là 3%.

Về phạm vi sử dụng, tiếng Việt được sử dụng trong giao tiếp gia đình của người DTTS rất hạn chế, ở độ tuổi 15-30 chỉ có 8,3%, độ tuổi 31-45 có 5%. Những gia đình có sử dụng tiếng Việt giao tiếp trong gia đình thường có bố/ mẹ lấy người Kinh hoặc lấy một người thuộc DTTS khác hoặc bố/ mẹ có tham gia công tác ở địa phương, những người trong gia đình thỉnh thoảng trao đổi với nhau bằng tiếng Việt. Người DTTS trong hai bon, sử dụng tiếng Việt khi đi chợ và khi đi họp có tỉ lệ cao hơn so với sử dụng tiếng Việt trong gia đình. Tỉ lệ giao tiếp tiếng Việt: Khi đi chợ: độ tuổi 15-30 là 95%, độ tuổi trên 60 là 20%; Khi đi họp độ tuổi 15-30 là 86,6%, độ tuổi trên 60 là 41,6%. Bởi vì, tiếng Việt là ngôn ngữ giao tiếp chung giữa các cộng đồng DTTS và người Kinh. Tiếng Việt được sử dụng trong liên hệ giải quyết công việc, trong tiếp thu kiến thức khoa học công nghệ ứng dụng vào sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt, tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ ở địa phương.

2.2.3. Tình hình sử dụng tiếng mẹ đẻ của người DTTS tại bon Sa Pa và bon Bu Đăk

Bảng 2.3. Tình hình sử dụng tiếng mẹ đẻ của người DTTS tại bon Sa Pa và bon Bu Đăk

Độ tuổiSố lượngKhả năng sử dụng tiếng mẹ đẻPhạm vi sử dụng
NóiTỉ lệ %ViếtTỉ lệ %Trong gia đìnhTỉ lệ %Khi đi chợTỉ lệ %Khi đi họpTỉ lệ %
15-30603863,32541,64371,63863,32541,6
31-456042701728,35083,342703761,6
46-60605185813,35591,65083,34371,6
Trên 60605896,623,35896,65896,65591,6

Bảng 2.3 cho thấy, khả năng sử dụng tiếng mẹ đẻ của người DTTS cao dần theo chiều tăng của độ tuổi, 15-30 (63,3%), trên 60 (96,6%). Điều này cho thấy, đối với một số DTTS có số dân ít, sống đan xen trong các cộng đồng dân tộc khác, do những yếu tố xã hội, như việc làm, di cư, hôn nhân,… ở độ tuổi càng trẻ khả năng nói được tiếng mẹ đẻ giảm dần. Ngược lại những người DTTS đã lớn tuổi thường được sống trong buôn làng tập trung người cùng cộng đồng thì khả năng nói được tiếng mẹ đẻ tăng lên. Nếu vị thế ngôn ngữ của các cộng đồng DTTS trong khu vực giảm (ít người sử dụng so với ngôn ngữ cộng đồng khác trong khu vực), thì nguy cơ tiêu vong của ngôn ngữ đó càng cao.

Tỉ lệ người DTTS biết đọc và viết được chữ của dân tộc mình giảm hơn so với tỉ lệ người DTTS nói được tiếng mẹ đẻ. Tỉ lệ này có xu hướng tăngtheo chiều giảm của độ tuổi, 15-30 (41,6%), trên 60 (3,3%). Điều này cho thấy, thế hệ trẻ có nhiều cơ hội hơn những người đã lớn tuổi để được học chữ viết của dân tộc mình. Họ có thể được học viết chữ trong gia đình (những người trong gia đình biết chữ dạy cho những người trong gia đình chưa biết chữ); học tại trường (một số trường Tiểu học và trường phổ thông Dân tộc nội trú có chương trình dạy dạy tiếng mẹ đẻ cho học sinh DTTS ); học trong nhà thờ (qua giáo lí, bài dạy của tổ chức nhà thờ) và học qua bạn bè, qua công việc.

Về phạm vi sử dụng tiếng mẹ đẻ: Trong các không gian, như: gia đình, chợ, hội họp, người DTTS sử dụng tiếng mẹ đẻ chiếm tỉ lệ cao theo chiều tăng của độ tuổi. Chẳng hạn, sử dụng tiếng mẹ đẻ: trong gia đình, độ tuổi 15-30 (71,6%), trên 60 (96,6%); khi đi chợ, độ tuổi 15-30 (63,3%), trên 60 (96,6%); khi đi họp, độ tuổi 15-30 (41,6%), trên 60 (91,6%). Điều này cho thấy, những người trẻ tuổi do có điều kiện học tập và tiếp xúc với môi trường xã hội nhiều hơn những người đã lớn tuổi. Vì vậy, trong các môi trường giao tiếp những người trẻ tuổi sử dụng tiếng Việt để thay cho tiếng mẹ đẻ nhiều hơn so với những người đã nhiều tuổi.

2.2.4. Một số đặc điểm sử dụng ngôn ngữ trên địa bàn

Quá trình khảo sát, phóng vấn, chúng tôi nhận thấy, người DTTS ở các địa phương khác chuyển đến, nhất là ở các tỉnh phía Bắc nước ta, như người Tày, Nùng, Mường, Dao,… tỉ lệ dân số trên địa bàn ít hơn nhiều so với người M’Nông, người Êđê. Vì nhu cầu giao tiếp, họ đã tự học tiếng M’Nông, tiếng Êđê để hòa nhập với cuộc sống trong khu vực. Mặt khác, do sống chung trên địa bàn, ngoài học tiếng Việt, tiếng mẹ đẻ, nhiều người còn học thêm một hoặc hai ngôn ngữ của DTTS để sử dụng trong giao tiếp và sinh hoạt.

Kết quả khảo sát và phỏng vấn cũng cho thấy: Người DTTS ở các tỉnh phía Bắc vào sinh sống ở địa bàn có khả năng nói tiếng Việt tốt hơn, cách phát âm tiếng Việt chính xác người DTTS tại chỗ. Do thói quen phát âm tiếng mẹ đẻ, người M’Nông, người Êđê thường phát âm tiếng Việt thiếu dấu thanh, sai một số phụ âm đầu và phụ âm cuối. Các ngôn ngữ của người DTTS có số dân ít hơn và sống đan xen với người Kinh, người DTTS tại chỗ, tiếng nói và chữ viết của các DTTS này đang bị mất dần trong khu vực. Đến thế hệ thứ 3, thứ 4 (kể từ khi họ rời quê hương), nhiều người không nói được tiếng của cộng đồng dân tộc mình.

Do tác động của đời sống và nhu cầu xã hội, thế hệ người DTTS sinh năm từ 1980 đến nay đều biết tiếng Kinh, từ 1979 trở về trước biết tiếng Kinh hạn chế hơn. Các thế hệ trẻ người DTTS khi giao tiếp thường dùng tiếng Kinh, nhưng khi cần nói điều gì riêng với những người thân, người cùng dân tộc thì thường chuyển sang nói tiếng mẹ đẻ. Điều này sẽ ảnh hưởng đến việc trao đổi thông tin củacán bộ địa phương; cán bộ, chiến sĩ đồn biên phòng (không biết tiếng DTTS) làm nhiệm vụ tuyên truyền vận động quần chúng tại địa bàn có người DTTS.

2.3. Đề xuất giải pháp nâng cao năng lực sử dụng ngôn ngữ

2.3.1. Đối với cán bộ chiến sĩ đồn biên phòng tại vùng DTTS

Một trong những yêu cầu của cán bộ, chiến sĩ đồn biên phòng làm nhiệm vụ tuyên truyền, vận động quần chúng trong các thôn/ buôn người DTTS là phải biết tiếng mẹ đẻ của họ. Người DTTS nghe được tiếng của dân tộc mình, họ như nghe được lời nói tâm tình, ngọt ngào, thân thiết được truyền cảm từ cội nguồn sâu thẳm, tạo nên sự gần gũi, chân thành sâu sắc. Để nhiệm vụ chính trị thành công, cán bộ chiến sĩ đồn biên phòng phải bám sát địa bàn, cùng sinh hoạt với người dân, nghe được tiếng nói của họ để biết được tâm tư, tình cảm, nguyện vọng và những khó khăn trong đời sống của đồng bào. Từ đó tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng; chính sách, pháp luật của nhà nước; giải thích, giúp đỡ vận động nhân dân xây dựng, phát triển kinh tế, giữ vững an ninh chính trị, bảo tồn và phát huy truyền thống văn hóa, ổn định cuộc sống góp phần bảo vệ biên cương tổ quốc.

Để hiểu nói và viết được tiếng mẹ đẻ của người DTTS, cán bộ, chiến sĩ đồn biên phòng tiếp tục tự học, học người dân, học đồng đội; tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng ngắn hạn tiếng DTTS, theo học các lớp dạy tiếng M’Nông, tiếng Êđê do các cơ sở giáo dục tổ chức; mời giáo viên dạy tiếng dân tộc đến dạy tại đồn cho cán bộ, chiến sĩ nắm chắc những từ ngữ thông dụng để phục vụ giao tiếp. Đồng thời, thông qua các hoạt động của các lễ hội, các chương trình giao lưu kết nghĩa, từ thiện, chữa bệnh, phổ biến khoa học kĩ thuật, dạy tiếng Việt cho học sinh,… của chính quyền địa phương, các đơn vị kết nghĩa với đồn biên phòng đến tận thôn buôn để cán bộ chiến sĩ đồn biên phòng hiểu được phong tục tập quán và học thêm ngôn ngữ của đồng bào DTTS.

2.3.2. Đối với đồng bào DTTS

Nhà nước cần có chính sách đãi ngộ về vật chất, kinh phí, cung cấp tài liệu học tập, sách giáo khoa… để học sinh nghèo người DTTS có điều kiện được học tập tốt hơn. Tiếp tục đầu tư kinh phí nghiên cứu về ngôn ngữ và văn hóa người DTTS để bảo tồn phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của cộng đồng.

Phục dựng và tổ chức các lễ hội truyền thống của người DTTS, qua đó giáo dục tinh thần đoàn kết, tinh thần yêu nước, chấp hành nghiêm đường lối của Đảng, chủ trương pháp luật của Nhà nước đối với đồng bào DTTS. Mở lớp dạy tiếng Việt và tiếng M’Nông, tiếng Êđê lồng ghép trong các trường nội trú, các trung tâm giáo dục thường xuyên, các trường tiểu học và mở lớp dạy tiếng DTTS tại các đồn biên phòng, tại các thôn/ buôn để nâng cao năng lực sử dụng tiếng Việt và tiếng DTTS cho cán bộ và nhân dân trên địa bàn.  

Tăng cường các hoạt động giao lưu, kết nghĩa giữa các trường học, đơn vị kinh tế, bệnh viện, đơn vị hành chính với đồng bào biên giới. Triển khai các dự án, kết quả nghiên cứu khoa học ứng dụng vào thực tiễn sản xuất nhằm nâng cao đời sống của người DTTS ở biên giới, góp phần năng cao năng lực sử dụng tiếng Việt, ổn định đời sống, giữ an ninh chính trị – trật tự an toàn xã hội, bảo vệ vững chắc biên cương tổ quốc.

3. Kết luận

Kết quả nghiên cứu tình hình sử dụng tiếng Việt và tiếng mẹ đẻ của người DTTS tại khu vực Đồn Biên phòng cửa khẩu Thuận An (Đắk Mil, Đắk Nông) thuộc biên giới Việt Nam – Campuchia, có nhiều đồng bào DTTS cư trú, cho thấy: Khả năng sử dụng tiếng Việt (nói và viết) tăng dần theo độ tuổi từ cao đến thấp. Tiếng Việt được sử dụng trong giao tiếp gia đình của người DTTS rất hạn chế. Khả năng sử dụng tiếng mẹ đẻ của người DTTS cao dần theo chiều tăng của độ tuổi. Ở độ tuổi càng trẻ khả năng nói được tiếng mẹ đẻ giảm dần. Tỉ lệ người DTTS biết chữ viết của dân tộc mình giảm hơn so với tỉ lệ người DTTS nói được tiếng mẹ đẻ. Trong các không gian, như: gia đình, chợ, hội họp, người DTTS sử dụng tiếng mẹ đẻ chiếm tỉ lệ cao theo chiều tăng của độ tuổi.

Để nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền vận động quần chúng trong các thôn/ buôn người DTTS, cán bộ, chiến sĩ đồn biên phòng cần phải biết tiếng mẹ đẻ của người DTTS. Từ hiểu được tiếng nói cán bộ, chiến sĩ mới nghe và hiểu được tâm tư, nguyện vọng của người dân. Đồng thời sử dụng tiếng mẹ đẻ của người DTTS để tuyên truyền đường lối của Đảng, chủ trương chính sách của Nhà nước và vận động nhân dân xây dựng cuộc sống tốt đẹp, góp phần giữ vững an ninh chính trị, chủ quyến biên giới quốc gia.

Nhà nước cần có chính sách đãi ngộ về vật chất, kinh phí, cung cấp tài liệu học tập, tạo điều kiện cho học sinh DTTS học tốt tiếng Việt và tiếng mẹ đẻ. Phục dựng và tổ chức các lễ hội truyền thống của người DTTS, qua đó giáo dục tinh thần đoàn kết, tình thần yêu nước, chấp hành nghiêm đường lối của Đảng, chủ trương pháp luật của Nhà nước đối với đồng bào DTTS. Tăng cường các hoạt động giao lưu, kết nghĩa giữa các trường học, đơn vị kinh tế, bệnh viện, đơn vị hành chính với đồng bào biên giới.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Báo cáo tháng 4/2019 của Đồn Biên phòng cửa khẩu Thuận An, Đắk Minh, Đắk Nông.
  2. Trần Trí Dõi (2004) “Vấn đề lựa chọn ngôn ngữ trong tiếp nhận giáo dục ngôn ngữ ở một vài DTTS ở Việt Nam”. Tạp chí Ngôn ngữ (11), tr.10-13.
  3. Nguyễn Hữu Hoành (1997), “Tình hình sử dụng ngôn ngữ của người Mông”, Tạp chí Ngôn ngữ (1), tr.53-61.
  4. Nguyễn Minh Hoạt (2017), Bức tranh các ngôn ngữ DTTS ở Đắk Lắk, Kỉ yếu Hội thảo KH Quốc tế về Ngôn ngữ học tại Viện HL KHXH Việt Nam, ngày 24/8/2015. “Ngôn ngữ học Việt Nam 30 năm đổi mới và phát triển” Nxb KHXH, tr. 852-865.
  5. Nguyễn Văn Khang (2014), Ngôn ngữ học xã hội, Nxb Giáo dục Việt Nam.
  6. Nguyễn Văn Khang (2019), “Cơ sở lý thuyết và thực tiễn liên quan đến nghiên cứu tình hình sử dụng ngôn ngữ vùng dân tộc thiểu số: Một số vấn đề về đa ngữ xã hội”.Tạp chí Dân tộc, số 3.
  7. Đoàn Văn Phúc (2010), Bức tranh toàn cảnh về các ngôn ngữ ở Việt Nam, Đề tài khoa học cấp Bộ. Mã số: CT09-13- 02 do Viện Ngôn Ngữ học chủ trì.
  8. Tạ Văn Thông (2003), “Tình hình sử dụng ngôn ngữ trong trường tiểu học Chiềng Xôm”, Tạp chí Ngôn ngữ (5), tr.38-49.

The situation of language use among ethnic minorities in the Vietnam – Cambodia border (surveyed at the Border Post of Thuan An gate in Dak Nong province)

Abstract: The Vietnam-Cambodia border area located in Thuan An commune (Dak Mil and Dak Nong) is under the management of border post of Thuan An gate. There are many ethnic minorities living, they use the standard Vietnamese and their mother tongues to communicate. Therefore, the use of language in this region has an impact on socio-cultural life and national security. The paper examines and analyzes the situation of using Vietnamese and their mother tongues of ethnic minorities in the region of border post of ​​Thuan An gate. There by we propose solutions to improve the capacity of using the language for the people and the officers of the border post, which contributes to the good performance of mass mobilization and maintaining political security in the area.

Key  words: situation; use; language; border; border post; Thuan An.