Ẩn dụ ý niệm “chính trị là trò chơi” trên một số báo mạng tiếng Việt

NGUYỄN THỊ BÍCH HẠNH*
* TS; Học viện Khoa học xã hội, Viện Hàn  lâm Khoa học Xã hội Việt Nam; Email: ntbichhanh78@gmail.com

TÓM TẮT: Bài viết căn cứ vào những tương liên trong kinh nghiệm và những miền tri thức được chiếu xạ từ miền nguồn sang miền đích, giải mã ý niệm CHÍNH TRỊ LÀ TRÒ CHƠI trên báo điện tử Dantri.com.vn và Vietnamnet.vn, lí giải cơ chế sao phỏng giữa hai miền không gian miền “nguồn” và miền “đích” trong tư duy ngôn ngữ của các tác giả. Dựa trên quan hệ logic trong việc tổ chức lược đồ ánh xạ của ẩn dụ ý niệm, bài viết chỉ ra kiểu tư duy đặc thù trong cấu trúc ý niệm vừa mang tính phổ quát, vừa mang đặc trưng tư duy, văn hóa của người Việt.

TỪ KHÓA: ẩn dụ ý niệm; chính trị; trò chơi; quân cờ; canh bạc; chiếu xạ; lược đồ.

NHẬN BÀI: 6/5/2020.             BIÊN TẬP-CHỈNH SỬA-DUYỆT ĐĂNG: 15/7/2020
(Bài đăng trên Tạp chí số 7(300)-2020, tr.11-17)

1. Đặt vấn đề

1.1. Ẩn dụ ý niệm (cognitive/ conceptual metaphor) là sự ý niệm hóa một miền tinh thần này qua một miền tinh thần khác, đó là sự ánh xạ (mapping) có hệ thống từ một miền nguồn sang một miền đích nhằm tạo nên một mô hình tri nhận, liên quan đến những gì xảy ra trong tâm trí. Theo G. Lakoff và M. Johnson, “ẩn dụ ý niệm là một cơ chế nhận thức mà thông qua nó, logic của những khái niệm có tính trừu tượng được thay bằng logic của những khái niệm có tính cụ thể hơn” (Lakoff, G. & Johnson, M. 1980:4). Ẩn dụ ý niệm được định nghĩa thêm bởi Kӧvecodes, ẩn dụ ý niệm giúp người ta hiểu ý niệm đích A (thường trừu tượng) thông qua các cấu trúc ý niệm nguồn B (cụ thể hơn) (Kӧvecodes 2002:4). Miền nguồn cung cấp một cấu trúc tri thức tương đối phong phú cho miền ý niệm đích, sự hiểu biết này diễn ra thông qua các ánh xạ lược đồ giữa các yếu tố của miền A và B (Kӧvecodes 2002:12). Theo Kӧvecodes (2002:33), các ánh xạ ẩn dụ đóng vai trò rất quan trọng trong biểu thức ý niệm, bởi chúng giải thích tại sao các thuộc tính cụ thể được sử dụng để hiểu miền đích. Lakoff (1993:208) chứng minh rằng, lập sơ đồ chiếu xạ là một trong những cách thông thường để ý niệm hóa mọi thứ. Ánh xạ không phải là tùy tiện mà dựa trên kinh nghiệm và kiến thức hàng ngày của con người nên được sử dụng một cách vô thức. Một hệ thống cố định của các tương ứng giữa các yếu tố hợp thành miền nguồn và miền đích sẽ tạo thành sơ đồ ánh xạ trong cấu trúc ý niệm. Khi những tương ứng này được kích hoạt, các thuộc tính từ miền nguồn phóng chiếu sang miền đích và tuân theo nguyên tắc chiếu xạ bộ phận, đơn tuyến, vì thế, có một sự chuyển di của duy nhất một số thuộc tính từ miền nguồn đến miền đích. Ẩn dụ gắn liền với đặc trưng văn hóa tinh thần của người bản ngữ.

Nghiên cứu ẩn dụ ý niệm đã trở thành một trào lưu nở rộ và được phát triển mạnh mẽ ở nhiều quốc gia, nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, tại Việt Nam, nghiên cứu ẩn dụ ý niệm trên diễn ngôn báo chí, cụ thể là trong các diễn ngôn chính trị vẫn chưa dành được nhiều sự quan tâm của các nhà nghiên cứu. Trong bối cảnh ấy, nghiên cứu của chúng tôi hứa hẹn mang lại một cái nhìn mới về cách tư duy của người bản ngữ về một trong những cách ẩn dụ về “chính trị” thông qua miền nguồn “trò chơi”.

1.2. Để nghiên cứu ẩn dụ CHÍNH TRỊ LÀ TRÒ CHƠI trên báo điện tử tiếng Việt, chúng tôi sử dụng kết hợp phương pháp nghiên cứu định lượng và định tính mà chủ yếu là phân tích diễn ngôn, kết hợp với thủ pháp thống kê, phân loại để giải quyết mục tiêu nghiên cứu đã đặt ra. Ngữ liệu được thu thập ngẫu nhiên từ 650 bản tin tiếng Việt trên hai tờ báo điện tử Dantri.com.vn và Vietnamnet.vn, tại chuyên mục Thế giới của nhiều tác giả khác nhau. Các bài viết được khảo sát trong khoảng thời gian từ 01/01/2019 đến 30/12/2019. Với dữ liệu thu thập được, chúng tôi tiến hành nhận diện ẩn dụ theo quy trình nhận dạng ẩn dụ MIP (Metaphor Identification Procedure) do Pragglejaz (2007) (*1) đề xuất gồm 4 bước như sau: (i) đọc toàn bộ các diễn ngôn thể thao để thiết lập hiểu biết chung về nghĩa; (ii) xác định các từ ngữ có tiềm năng sử dụng ẩn dụ và các từ ngữ có liên quan trong ngữ cảnh; (iii) xác định dạng thức của biểu thức có từ ngữ ẩn dụ tiềm năng, đối chiếu các từ ngữ ẩn dụ tiềm năng vào các miền nguồn để gọi tên miền nguồn và miền đích, từ đó xác định liệu diễn ngôn tìm được có phải là biểu thức ẩn dụ hay không; (iv) gọi tên các biểu thức ẩn dụ: các từ ngữ tiềm năng này trở thành từ biểu lộ ẩn dụ (metaphorically-expressed words) (chúng tôi gọi là dụ dẫn), các diễn ngôn có chứa dụ dẫn ẩn dụ được gọi là biểu thức ẩn dụ (metaphor expessions). Sau khi nhận diện ẩn dụ, chúng tôi tiến hành quy loại và dán nhãn ẩn dụ; xác định tập hợp các nét thuộc tính đặc trưng thuộc miền nguồn và miền đích trong các mô hình ý niệm, từ đó xác định các điểm tương ứng được kích hoạt trong khung tri nhận; liệt kê các dụ dẫn ẩn dụ được lựa chọn trong mỗi thuộc tính thuộc miền nguồn; lập sơ đồ chiếu xạ và lí giải các cơ chế chuyển di, sao phỏng các nét thuộc tính giữa hai miền không gian “nguồn”, “đích” trong biểu thức ý niệm; từ đó chỉ ra tính quy luật trong chiếu xạ, tìm hiểu đặc trưng tư duy và cách tri nhận của người viết. Qua đó, góp phần chứng minh mối quan hệ mật thiết giữa bộ ba ngôn ngữ  – văn hóa – tư duy được thể hiện qua các biểu thức ý niệm.

2. Lược đồ ánh xạ trong ẩn dụ ý niệm CHÍNH TRỊ LÀ TRÒ CHƠI   

Ẩn dụ ý niệm CHÍNH TRỊ LÀ TRÒ CHƠI là một ý niệm mang tính phổ quát ở nhiều nền văn hóa và có một nền tảng kinh nghiệm vững chắc. Ẩn dụ này bao gồm hai miền không gian “nguồn” và “đích”, trong đó các nét thuộc tính từ không gian miền nguồn “trò chơi” được lựa chọn, chiếu xạ lên miền đích theo nguyên tắc chiếu xạ bộ phận khiến miền đích “chính trị” mang một số nét tri thức của miền nguồn “trò chơi”. Miền nguồn trò chơi vốn chứa đựng một số nét thuộc tính như: các loại trò chơi (có thể gồm: cờ bạc, bài tây, cờ tướng/ vua, bóng đá, quyền anh…); người chơi (người chơi chính, người chơi phụ, dự bị…); luật chơi; sân chơi; chiến thuật/ chiêu trò (đặt cược, nước cờ, nước đi tiền trạm, chiếu bí, phản đòn, quân át chủ bài, quân bài tủ, hạ đo ván, lật ngược thế cờ, ván bài lật ngửa),… thắng/ thua; thái độ/ cảm xúc của người chơi; tính chất của cuộc chơi (mạo hiểm, táo bạo, rủi ro, liều lĩnh, có tính toán, so găng quyết liệt)… những nét thuộc tính này được mô tả bằng một hệ thống thuật ngữ của miền nguồn trò chơi, thường được sử dụng trong các tình huống trong các trò chơi cờ bạc, cờ tướng/ vua, bài tây, bóng đá, hay quyền anh. Khi những nét thuộc tính từ miền nguồn được kích hoạt, một số nét thuộc tính của miền nguồn được chiếu xạ lên miền đích “chính trị”. Miền đích thâu nhận có chọn lọc theo nguyên lí chiếu xạ bộ phận và mang một số tri thức mới từ miền nguồn. Qua ngữ liệu khảo sát từ 650 bản tin về chính trị trên báo điện tử Dantri.com.vn và Vietnamnet.vn, có thể hình dung cấu trúc ý niệm CHÍNH TRỊ LÀ TRÒ CHƠI qua lược đồ hình ảnh dưới đây:

Bảng 1. Lược đồ ánh xạ CHÍNH TRỊ LÀ TRÒ CHƠI

Thuộc tính của miền nguồn (trò chơi)Thuộc tính miền đích (chính tr)
Các trò chơiCác chiêu trò chính trị
Những người tham gia trò chơiNhững chính trị gia
Luật chơi trong trò chơiLuật chơi trên chính trường
Chiến thuật/ chiêu trò trong trò chơiCác chiến thuật/ chiêu trò chính trị
Thắng/ thua trong trò chơiThành công/ thất bại trên chính trường
Thái độ/ cảm xúc của người chơiThái độ/ cảm xúc của chính trị gia
Tính chất của cuộc chơiTính chất của sự kiện chính trị

3. Ẩn dụ ý niệm CHÍNH TRỊ LÀ TRÒ CHƠI trong báo mạng tiếng Việt

Trong các diễn ngôn chính trị khảo sát trên báo Dantri.com.vn và Vietnamnet.vn xuất hiện nhiều biểu thức ẩn dụ CHÍNH TRỊ LÀ TRÒ CHƠI với các dụ dẫn cụ thể, gắn với từng nét thuộc tính của miền nguồn “trò chơi”. Các dụ dẫn tiêu biểu thuộc lĩnh vực trò chơi với nhiều miền trò chơi khác nhau, song trong khuôn khổ của bài viết, chúng tôi chỉ đề cập đến hai miền nguồn trò chơi cơ bản, xuất hiện phổ biến trong ngữ liệu là trò chơi cờ (cờ tướng, cờ vua) và trò cờ bạc. Một số nét thuộc tính của hai miền nguồn này được lựa chọn, kích hoạt, phóng chiếu lên miền đích “chính trị”. Có thể mô tả các dụ dẫn ẩn dụ được kích hoạt bởi hai miền nguồn trò chơi trong bảng 2 dưới đây:

Bảng 2. Các dụ dẫn ẩn dụ được kích hoạt trong mô hình ý niệm
CHÍNH TRỊ LÀ TRÒ CHƠI trong báo mạng tiếng Việt

TT Miền nguồn trò chơi Các dụ dẫn ẩn dụ Tần số xuất hiện
1 Cờ vua/ tướng Bàn cờ 11
Quân cờ 09
Nước cờ 13
Ván cờ 15
Thế cờ 11
Người chơi 09
Luật chơi 06
Con tốt thí 02
Chiếu tướng/ chiếu bí 04
Đặt cược 08
2 Cờ bạc Canh bạc 12
Cá cược/ đặt cược 10
Cháy túi 01
Con bạc 02
Chiêu trò 02

Trò chơi – dù là trò chơi thể thao (bóng đá, quyền anh), trò chơi trí tuệ (cờ vua/ cờ tướng) hay trò chơi may rủi (bài tây, cờ bạc) đều mang tính cạnh tranh khốc liệt, trong một trò chơi thường có phân định thắng thua rõ ràng. Những trò chơi mang tính chất may/ rủi, việc thắng/ thua còn liên quan đến giá trị vật chất/ tiền bạc nên tính chất khốc liệt, hơn thua của nó càng cao, người chơi càng hiếu thắng, quyết liệt, ăn thua và khát nước, mục tiêu cuối cùng là giành chiến thắng. Trong ý niệm CHÍNH TRỊ LÀ TRÒ CHƠI, các thuộc tính của miền nguồn “trò chơi” được kích hoạt, chiếu xạ lên miền đích “chính trị” giúp người đọc hình dung bối cảnh nơi chính trường cũng phức tạp và diễn biến hồi hộp, nhiều đòn cân não như diễn biến trong các trò chơi, quyết liệt phân định kẻ thắng, người thua, thậm chí ẩn chứa nhiều rủi ro, mạo hiểm, chỉ cần tính toán sai một li sẽ đi một dặm. Qua khảo sát của chúng tôi trên báo mạng tiếng Việt, qua hai tờ báo điện tử Dantri.com.vn và Vietnamnet.vn, ẩn dụ ý niệm CHÍNH TRỊ LÀ TRÒ CHƠI được dùng khá phổ biến, với miền nguồn “trò chơi” ánh xạ lên miền đích “chính trị”, được thể hiện tầng bậc với 2 trò chơi điển hình gồm: cờ tướng/ vua và cờ bạc.

3.1. Miền nguồn “ván cờ” trong ý niệm CHÍNH TRỊ LÀ TRÒ CHƠI

Miền nguồn “ván cờ” (cờ tướng, cờ vua) trong ẩn dụ ý niệm cơ sở CHÍNH TRỊ LÀ TRÒ CHƠI đã tạo nên ý niệm phái sinh CHÍNH TRỊ LÀ MỘT VÁN CỜ. Miền nguồn “ván cờ” cung cấp một số dụ dẫn cơ bản như: bàn cờ, quân cờ, nước cờ, ván cờ, thế cờ, người chơi, tốt thí, chiếu tướng, đặt cược, luật chơi… các dụ dẫn này đều chỉ dẫn những gì liên quan đến một trận thi đấu trong trò chơi cờ tướng/ cờ vua. Khi miền đích “chính trị” thâu nhận các tri thức từ miền nguồn này, miền chính trị mang thuộc tính mới từ các trò chơi cờ tướng/ cờ vua. Trong các biểu thức ẩn dụ mà chúng tôi tìm thấy từ nguồn ngữ liệu khảo sát, miền đích “chính trị” đã tiếp nhận hết sức linh hoạt tri thức từ miền trò chơi này, tạo ra hàng loạt các dụ dẫn điển hình để mô tả trạng thái của những người trong cuộc, những chính trị gia, của quốc gia, của một tổ chức chính trị, đảng phái…khi họ được đặt trong một thế địa chính trị có sức cạnh tranh gay gắt, phải đấu tranh bằng những đòn cân não, bằng những quyết sách chính trị có tính toán, cân nhắc cẩn trọng để bảo toàn lực lượng và bảo vệ hình ảnh, quan điểm, lợi ích của bản thân, của tổ chức mà họ đại diện, và rộng hơn là vị thế, hay lợi ích của một quốc gia, dân tộc. Khi ý niệm CHÍNH TRỊ LÀ MỘT VÁN CỜ, có nghĩa là người viết nhìn các vấn đề địa chính trị của các quốc gia giống như một “bàn cờ” trong một “ván cờ”, trên bàn cờ đó, các quân cờ ẩn giấu sức mạnh tiềm năng, giống như những thách thức và cơ hội mà một quốc gia đang phải đối mặt. Những bàn cờ chính trị này cần những người chơi đủ trí tuệ và tài năng để điều khiển “quân cờ” hay chính là việc chính trị gia đủ bản lĩnh và trí tuệ để đưa ra những chủ trương, quyết sách đúng đắn, phù hợp để kiểm soát hoặc làm thay đổi thế cờ, thay đổi cục diện chính trị của quốc gia. Ví dụ:

(1) Bàn cờ Trung Đông thay đổi: Mỹ không còn là nước duy nhất chiếm ưu thế (Dantri.com, 23/11/2019)

(2) Suy tính của Nga, Mỹ và Trung Quốc trên bàn cờ Venezuela (Dantri.com, 15/05/2019)

(3) Chiến lược cương nhu linh hoạt của ông Kim Jong-un trên bàn cờ với Mỹ (Dantri.com, 20/04/2019)

(4) Bàn cờ Syria sau khi Mỹ rút quân (Dantri.com, 8/10/2019)

(5) Những biến động trên “bàn cờ” châu Á năm 2019 (Dantri.com, 31/12/2019)

Trên các bàn cờ địa chính trị đó, mỗi một tình huống, một ngữ cảnh, một thời điểm nhạy cảm có liên hệ trực tiếp đến các phương diện chính trị của quốc gia được xem như một thời điểm thích hợp cho một “ván cờ” mới. Tình thế thắng, thua hoàn toàn tùy thuộc vào bản lĩnh điều binh khiển tướng của các chính trị gia, thử thách bản lĩnh chính trị của người chơi chính – người đứng đầu. Ví dụ:

(6) “Ván cờ” Triều Tiên thử thách cuộc chơi “cân não” Mỹ – Trung (Dantri.com, 19/01/2019)

(7) Tổng thống Donald Trump cho biết ông coi các cuộc đàm phán hạt nhân “thăng trầm” với Triều Tiên là “một ván cờ hay”. (Dantri.com,16/01/2020)

(8) Cả hai hồ sơ đối ngoại lớn này đều nằm trong một “ván cờ thế” giữa hai tay chơi là Mỹ và Trung Quốc. (Dantri.com,2/4/2019)(9) Lợi ích của Nga trong ván cờ chiến lược với Mỹ ở Venezuela (Dantri.com, 31/1/2019)

Việc ý niệm hóa CHÍNH TRỊ LÀ MỘT VÁN CỜ cho phép hiểu rằng, tất cả các phương diện liên quan đến chính trị của một quốc gia như: ngoại giao, kinh tế, chiến tranh, y tế, bầu cử, tội phạm… đều được xem như những “quân bài”, trong đó, việc đưa ra các quyết định liên quan đến các phương diện trên được xem như những “nước cờ” trong trọng trong ván cờ địa chính trị của mỗi quốc gia, góp phần quyết định vận mệnh hay thay đổi cục diện chính trị của mỗi quốc gia. Ta bắt gặp nhiều biểu thức ẩn dụ này trên báo điện tử tiếng Việt:

(9) Toan tính của Trung Quốc trong “nước cờ” Iran (Dantri.com,09/01/2020)

(10) Dự đoán những “nước đi” của Nga trên bàn cờ thế giới năm 2020(Dantri.com,01/01/2020)

(11) Triều Tiên đi nước cờ mới trong đàm phán hạt nhân với Mỹ? (Dantri.com,19/04/2019)

Trong một ván cờ, việc quyết định chọn đi “nước cờ” nào sẽ quyết định đến thế trận bàn cờ và có khả năng điều hướng cuộc chơi. Vì thế, trước khi hạ cờ, người chơi chính phải tính toán, cân nhắc để đưa ra được nước cờ sáng sủa, đi những bước tấn công hay đánh chặn, chốt hạ phù hợp. Nếu người chơi lái được thế trận bàn cờ theo chủ đích của mình thì được xếp hạng là “cao cờ”, “làm chủ ván cờ”, “kiểm soát bàn cờ”. Trong các ván cờ chính trị cũng vậy, chính trị gia là người quyết định đưa ra những bước đi phù hợp với năng lực của bản thân mình, biết đánh giá tiềm năng và sức mạnh của đối thủ, phải phán đoán được nước đi của đối phương để đưa ra những phương án phòng bị cho mình, tính đường tiến những cũng phải để đường lui trong trò chơi chính trị. Vì thế, nếu đi nước cờ thông minh, chính trị gia sẽ là người chiến thắng, làm chủ thế cờ. Nếu đi nước cờ sai, việc trả giá là tất yếu. Việc tham gia điều hướng bàn cờ chính trị chứa đầy yếu tố may rủi, bị chi phối bởi cả yếu tố khách quan và chủ quan, nên người ta thường ý niệm hóa sự may rủi này thông qua các dụ dẫn như: nước cờ rủi ro, nước cờ sai, nước cờ mạo hiểm, nước cờ chiến lược, nước cờ khôn ngoan, nước cờ tàn, nước cờ hụt,… Có thể tìm thấy rất nhiều biểu thức ẩn dụ này trong báo mạng tiếng Việt. Ví dụ:

(12) Muốn phế truất ông Trump: Nước cờ mạo hiểm của phe Dân chủ (Dantri.com,28/09/2019)

(13) Trump đi nước cờ sai tại Hàn Quốc (Dantri.com, 23/11/2019)

(14) Hé lộ nước cờ “kiên nhẫn chiến lược” của Nga với Mỹ (Dantri.com.vn,06/07/2019)

(15) Nước cờ táo bạo của Thaksin khi đề cử công chúa Thái tranh ghế thủ tướng (Dantri.com, 9/2/2019)

Trong khi tham gia những cuộc chơi lớn trên trường chính trị, các chính trị gia/ quốc gia phải cân nhắc, tính toán để đưa ra những quyết sách mang tính tháo gỡ bế tắc, tìm hướng, điều hướng, hay quyết định, định đoạt các vấn đề địa chính trị liên quan đến vận mệnh quốc gia. Các biểu thức ẩn dụ liên quan đến miền nguồn “ván cờ” thường được ý niệm hóa thông qua các dụ dẫn như: nước cờ chiến lược, nước cờ phản đòn, phá vỡ thế cờ, lật ngược thế cờ… để chỉ các quyết sách mang tính quyết định của các chính trị gia/ quốc gia. Xem các ví dụ sau:

(16) 4 nước cờ “phản đòn” của Trung Quốc khi ông Trump dọa áp thuế (Dantri.com,03/08/2019)

(17) 3 vũ khí giúp Iran “lật ngược thế cờ” trong cuộc đối đầu với Mỹ (Dantri.com,22/05/2019)

(18) Tuy nhiên, nếu kinh tế đi xuống, ông Trump sẽ rơi vào thế bất lợi, đảng Dân chủ sẽ có một cơ hội lớn để “lật ngược thế cờ” và đánh bại ông ở những bang quan trọng như Iowa, Michigan, Minnesota, Pennsylvania và Wisconsin. (Vietnamnet.vn, 14/05/2019)

(19) Tổng thống Trump đã phá vỡ “thế cờ” tại Syria bằng quyết định rút quân bất ngờ, bỏ rơi người Kurd trước chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ ở miền Bắc Syria. (Dantri.com, 24/10/2019)

Các chiến thuật khi chơi cờ cũng được chiếu xạ lên miền đích “chính trị”, khiến cho người chơi cờ – những chính trị gia tham gia vào bộ máy chính trị đều phải biết kĩ năng chơi và di chuyển quân cờ để “thay đổi thế cờ”, “vẽ lại bàn cờ”. Các chính trị gia luôn phải cân nhắc, thảo luận thật kĩ trước khi đưa ta quyết định cuối cùng là có di chuyển thế cờ để “chiếu tướng”, đối đầu trực tiếp với đối thủ hay không, hay sử dụng “quân tốt thí” để đạt được mục tiêu và tránh bị tổn thương. Ví dụ:

(20) Cùng đếm ngược, Mỹ – Iran “chiếu tướng” châu Âu (Dantri.com.vn,18/06/2019).

(21) “Quân tốt” trên bàn cờ chính trị (Dantri.com,03/01/2019)

(22) Trong khi đó, với Trung Quốc, họ có thể cảnh báo Mỹ về việc Bắc Kinh đang nắm trong tay quân cờ Triều Tiên”, có thể tung ra khi phù hợp để đấuvới Washington. (Vietnamnet.vn, 08/01/2019)

Vì xem CHÍNH TRỊ LÀ MỘT VÁN CỜ, nên cả các nét thuộc tính của miền nguồn “ván cờ” mang tính chất ăn thua như “đặt cược”, “cá cược” cũng đồ chiếu lên miền đích “chính trị”. Khi đó, người mạo hiểm “đặt cược” trong ván cờ địa chính trị này chính là các chính trị gia/ quốc gia. Bởi họ không thể dự đoán chính xác được kết quả cho các quyết sách của mình nên đành xem chính trị như một trò chơi mạo hiểm, họ đưa ra quyết định dựa vào niềm tin và trực cảm cá nhân, khi đã “đặt cược” là xác định được ăn cả, ngã về không. Ví dụ:

(23) Khi đã “đặt cược” vào Joe Biden, Trung Quốc có thể cứng rắn với các nhà đàm phán của chính quyền Trump. (Dantri.com, 29/09/2019)

(24) “Ván cược lớn” với những lầm tưởng dẫn đến cái kết của hội nghị Trump – Kim  (Dantri.com, 4/3/2019)

(25) Ván cờ “được – mất” của Trung Quốc nếu giúp ông Trump điều tra đối thủ(Dantri.com.vn, 04/10/2019).

3.2. Miền nguồn “trò cờ bạc” trong ý niệm CHÍNH TRỊ LÀ TRÒ CHƠI

Miền nguồn “trò cờ bạc” trong ẩn dụ ý niệm cơ sở CHÍNH TRỊ LÀ TRÒ CHƠI đã tạo nên ý niệm phái sinh CHÍNH TRỊ LÀ TRÒ CỜ BẠC. Miền nguồn “cờ bạc” cung cấp một số dụ dẫn cơ bản như: canh bạc, đặt cược, cháy túi, con bạc, chiêu trò… các dụ dẫn này đều chỉ dẫn những gì liên quan đến một trò chơi cờ bạc, mang nặng tính may – rủi, được – mất. Khi miền đích “chính trị” thâu nhận các tri thức từ miền nguồn này, miền chính trị mang thuộc tính mới từ các trò chơi cờ bạc. Trong các biểu thức ẩn dụ mà chúng tôi tìm thấy từ nguồn ngữ liệu khảo sát, miền đích “chính trị” đã tiếp nhận hết sức linh hoạt tri thức từ miền trò chơi này, tạo ra hàng loạt các dụ dẫn điển hình để mô tả trạng thái của những người trong cuộc, những chính trị gia, của quốc gia, của một tổ chức chính trị, đảng phái…khi họ được đặt trong một thế địa chính trị có sức cạnh tranh gay gắt, phải đấu tranh bằng những đòn cân não, bằng những quyết sách chính trị có tính toán, cân nhắc cẩn trọng để bảo toàn lực lượng và bảo vệ hình ảnh, quan điểm, lợi ích của bản thân, của tổ chức mà họ đại diện, và rộng hơn là vị thế, hay lợi ích của một quốc gia, dân tộc.

Khi ý niệm CHÍNH TRỊ LÀ TRÒ CỜ BẠC, có nghĩa là người viết nhìn các vấn đề địa chính trị của các quốc gia giống như một “canh bạc”, trong đó, các chính trị gia giống như các “con bạc” lão làng, bậc thầy, có thể điềm tĩnh, lạnh lùng để tung ra đòn quyết định đúng thời điểm; có thể bộc lộ bản tính hiếu thắng, hơn thua, và là con bạc khát nước. Dễ tìm thấy các biểu thức ẩn dụ loại này trong ngữ liệu bài viết đã khảo sát. Ví dụ:

(26) “Canh bạc” của đảng Dân chủkhi điều tra luận tội Trump (Dantri.com, 26/9/2019)

(27) Canh bạc” đầy rủi ro của ông Trump khi ra lệnh giết chết tướng Iran (Dantri.com.vn,06/01/2020).

(28) “Canh bạc có tính toán” của Iran (Dantri.com.vn,09/07/2019)

(29) Google Android – “Canh bạc cuối cùng” của Motorola (Dantri.com.vn,07/09/2009)

(30) Tàu sân bay Mỹ có thể bị đánh chìm trong “canh bạc rủi ro” với Iran (Dantri.com.vn, 10/05/2019)

(31) Đây được coi là một “chiêu trò” của Johnson trong nỗ lực thu hút cử tri ủng hộ cho đảng Bảo thủ của ông trong cuộc tổng tuyển cử hôm nay, vốn được ví như “canh bạc” mà ông đã đặt cược rất nhiều kì vọng. (Dantri.com, 12/12/2019)

Trong ý niệm CHÍNH TRỊ LÀ TRÒ CỜ BẠC, tính chất ăn thua của trò chơi cờ bạc dẫn đến xuất hiện các dụ dẫn như “đặt cược”, “đặt cược đúng cửa”, “đặt cược sai cửa”… khi chiếu xạ lên miền đích “chính trị”, hình ảnh người tham gia đặt cược để thử vận may trong các trò chơi chính trị này sẽ là các chính trị gia. Ví dụ

(32) Họ biết rõ những rủi ro, bao gồm việc “đặt cược sai cửa”, Bonnie Glaser, chuyên gia về châu Á tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, nhận định. (Dantri.com.vn, 04/10/2019).

(33) Ông Trump đặt cược “tất tay” vào thương chiến Mỹ-Trung để tái đắc cử? (Dantri.com.vn, 28/08/2019).

(34) Lí do Thổ Nhĩ Kỳ phớt Mỹ, “đặt cược” vào Nga (Vietnamnet.vn, 17/07/2019)

4. Kết luận

Như vậy, thông qua bảng số liệu và phân tích các số liệu, được chứng minh qua các ví dụ cụ thể, có thể thấy trong các diễn ngôn chính trị trên báo điện tử Dantri.com.vn và Vietnamnet.vn có xuất hiện một số lượng phổ biến các biểu thức ẩn dụ CHÍNH TRỊ LÀ TRÒ CHƠI. Phần lớn các thuộc tính từ miền nguồn “trò chơi” đã được lựa chọn, kích hoạt và chiếu xạ lên miền đích “chính trị”. Với tư duy xem chính trị giống như một trò chơi cờ/ cờ bạc, tác giả các bản tin đã chuyển tải những thông tin về địa chính trị, chính trường của các quốc gia qua một kịch bản của trò chơi, đầy may rủi, hơn thua, kịch tính khiến cho người đọc cảm nhận những thử thách mang tính chất cân não, cam go nơi chính trường.

Có thể thấy, tư duy CHÍNH TRỊ LÀ MỘT TRÒ CHƠI là một ẩn dụ mang tính phổ quát, xuất hiện ở nhiều nền văn hóa, bởi tính chất cạnh tranh khốc liệt trên các chính trường, các hành động, quyết sách của những chính trị gia có tầm ảnh hưởng đến lợi ích và ngay cả hòa bình của một quốc gia nên miền chính trị thường được ý niệm hóa qua miền nguồn trò chơi cờ/ cờ bạc, để làm rõ những thử thách dành cho người chơi cũng như bản lĩnh của các chính trị gia trong từng nước đi mang tính lịch sử của mình trong các ván cờ địa chính trị, để những bước dấn thân của họ không còn mang tính may rủi như một canh bạc khiến người chơi có thể cháy túi hoặc sạt nghiệp sau mỗi nước đi sai lầm. Dễ nhận thấy, toàn bộ tư duy ý niệm CHÍNH TRỊ LÀ TRÒ CHƠI được thể hiện bởi lược đồ hình ảnh có sẵn trong vô thức của người viết, được hình thành bởi những tương liên trong kinh nghiệm và kiến thức có sẵn về “trò chơi”, về những trải nghiệm liên quan đến trò chơi và nằm trong một khung tri nhận mang tính phổ quát.

Ghi chú: “Bài viết này là sản phẩm nghiên cứu thuộc Đề tài cấp Bộ: Ẩn dụ ý niệm (trên tư liệu thành ngữ và báo mạng tiếng Việt) do TS. Nguyễn Thị Bích Hạnh làm chủ nhiệm đề tài, cơ quan chủ quản: Học viện Khoa học xã hội. Quyết định số: 244/HĐKH-KHXH ngày 28/12/2018

Chú thích: (1*) Pragglejaz Group (2007), MIP: A Method for Identifying Metaphorically Used Words in Discourse. Metaphor and Symbol, 22 (1), tr.3.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Nguyễn Tiến Dũng (2019), Ẩn dụ ý niệm trong các diễn ngôn chính trị (trên tư liệu tiếng Anh và tiếng Việt), Luận án tiến sĩ Ngôn ngữ học, Học viện Khoa học xã hội.
  2. Pragglejaz Group (2007), MIP: “A Method for Identifying Metaphorically Used Words in Discourse”. Metaphor and Symbol, 22 (1), 1-39.
  3. Hart, C. (2005), “Analysing Political Discourse: Toward a Cognitive Approach”. Critical Discourse Studies, 2 (2).
  4. Marie, C., Bonniot, C. and Michel, C,. (2009), “Pleasure in decision-making situations: politics and gambling”, Journal of Risk Research. Vol. 12, No. 5, July 2009, 619–645.
  5. Lorna Dyall & Zoe Hawke & Ruth Herd & Papa Nahi (2012), Housework Metaphor for Gambling Public Health Action: An Indigenous Perspective, Int J Ment Health Addiction (2012) 10:737–747 DOI 10.1007/s11469-011-9370-1.
  6. Lakoff, G., & Johnson, M. (1980), Metaphors we live by. Chicago: University of Chicago Press.
  7. Lakoff, G. (1996), Moral Politics: What Conservatives Know that Liberals Don’t. Chicago: University of Chicago Press.
  8. Lakoff, G. (1993), The Contemporary Theory of Metaphor. In Ortony, A. (1993) Metaphor and Thought. Cambridge: Cambridge University Press.
  9. Lakoff, G & Johnson, M. (2003), Metaphors We Live By. Chicago: The University of Chicago           Press. 
  10. Fadda, S. (2006), “The Use of Metaphors in Political Discourse: the Speeches of George W. Bush”. Proceedings – 33rd International Systematic Functional Congress.  
  11. Kövecses, Zoltan (2002), Metaphor. A Practical Introdution. Oxford.

Conceptual metaphor POLITICS IS A GAME in some Vietnamese online newspapers

Abstract: This article analyses the conceptual metaphor POLITICS IS A GAMEunderlying the metaphorically used words and expressions in online newspaper Dantri.com.vn and Vietnamnet.vn  and explains the mapping scheme between the source domain and target domain. Based on the experiential correlations and knowledge mapped from source domain to target domain, the article shows typical thinking of the conceptual construction, which is both universal as well as typical of Vietnamese people thinking.

Key words: Conceptual metaphor; politics; games; chessman; gamble; irradiation; mapping.