Tình trạng viết sai lỗi chính tả tồn tại ở số đông học sinh, đặc biệt là học sinh THCS. Việc viết sai chính tả có thể gặp ở bất cứ văn bản nào, môn học nào.
Học sinh viết sai lỗi chính tả
Chính tả là một trong những nội dung vô cùng quan trọng đối với học sinh hiện nay. Đặc biệt là trong xu thế hội nhập hóa, việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt là hết sức cấp thiết. Học sinh viết đúng chính tả sẽ rèn được kỹ năng sử dụng từ, cách phát âm, viết… đồng thời còn rèn cho học sinh lòng yêu quý tiếng Việt và chữ viết.
Tuy nhiên, ở các bậc học nói chung và học sinh THCS nói riêng, việc học sinh viết sai chính tả còn phổ biến, chủ yếu do cách phát âm địa phương còn quá nặng, học sinh chưa nắm được quy tắc chính tả. Nếu học sinh phát âm sai thì dẫn đến viết sai và hiểu sai nghĩa của từ.
Theo PGS.TS Nguyễn Ngọc Chinh và cô Hoàng Thị Thanh Thúy, Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng, qua cuộc khảo sát học sinh lớp 6, 7 một trường học ở TP. Đà Nẵng cho thấy, học sinh thường xuyên mắc các lỗi như quy tắc viết hoa, phụ âm đầu (l/n; tr/ch…), phần vần (ui/ươi; in/inh/ing..), lỗi về dấu thanh (hỏi/ngã) và lỗi do biến âm tùy tiện như muốn thành mún; yêu thành iu; vui vẻ thành zui zẻ…
Qua khảo sát cho thấy, 78,1% các em cho biết thỉnh thoảng nhận thức được mình viết sai, 18,8% thường xuyên nhận biết và 3,1% là không bao giờ.
PGS.TS Nguyễn Ngọc Chinh và cô Hoàng Thị Thanh Thúy chỉ ra 3 nguyên nhân là do học sinh không nhớ, không thuộc mặt chữ, nhận thức hạn chế và thiếu ý thức rèn luyện; do không nắm được quy tắc kết hợp ngữ âm và do ảnh hưởng phương ngữ địa phương…
“Chúng tôi nhận thấy hiện nay thực trạng mắc lỗi chính tả vẫn tồn tại trong phần lớn các em học sinh. Nhà trường đã phối hợp cùng các giáo viên tìm các biện pháp nhằm hạn chế sự mắc lỗi của các em song chỉ thuyên giảm ở mực độ nhỏ. Trách nhiệm trực tiếp của ở chính bản thân những học sinh mắc lỗi và quá trình giảng dạy của giáo viên trên bục giảng, cần kết hợp giữa các hoạt động của nhà trường để quá trình đó tạo hiệu quả cao nhất. Trách nhiệm đó không riêng của giáo viên mà cần của gia đình và toàn xã hội”, PGS.TS Nguyễn Ngọc Chinh cho hay.
Đây là một trong những nội dung được trao đổi trong Hội thảo Ngữ học toàn quốc được tổ chức vào sáng 23/10 với chủ đề “Ngôn ngữ học ứng dụng trong xu hướng hội nhập quốc tế”. Hội thảo diễn ra tại Trường Ngoại ngữ – Du lịch, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội.
Hội thảo Ngữ học toàn quốc được tổ chức 2 năm 1 lần của Hội Ngôn ngữ học Việt Nam. Tính đến nay, đã có 22 hội thảo đã diễn ra.
Hội thảo Ngữ học toàn quốc năm 2022
Hội thảo năm nay có 200 công trình nghiên cứu đã được lựa chọn từ trong rất nhiều công trình được gửi đến từ 115 đơn vị thuộc 28 địa phương. Trong đó 192 tác giả đến từ các trường Đại học, Cao đẳng, 39 tác giả đến từ các Học viện và Viện nghiên cứu, 17 tác giả đến từ khu vực giáo dục phổ thông. Các công trình nghiên cứu này cũng được biên tập kỹ càng và đã kịp thời đưa vào kỷ yếu với 1.600 trang.
PGS.TS Nguyễn Lân Trung, Chủ tịch Hội Ngôn ngữ học Việt Nam cho hay: “Hội thảo đã tạo ra được một diễn đàn học thuật nghiêm túc, chất lượng và mở rộng, thu hút được sự quan tâm của giới nghiên cứu. Hội thảo năm nay bên cạnh 3 báo cáo tại phiên toàn thể, các báo cáo khác sẽ chia thành 7 tiểu ban, bao quát được các khu vực ngôn ngữ học lý thuyết, Việt ngữ học, các tiếng dân tộc và phương ngữ, giảng dạy Ngoại ngữ và dịch thuật, các vấn đề ứng dụng công nghệ và các ngành khoa học liên quan khác. Tôi hi vọng rằng rất nhiều trí tuệ và cảm xúc, rất nhiều hiểu biết và kinh nghiệm được chia sẻ tại diễn đàn sẽ mở ra các hướng tiếp cận mới, những sự phối hợp, liên kết mới trong học thuật giữa các cá nhân, các cơ sở nghiên cứu và giảng dạy”.
TS. Hoàng Ngọc Tuệ, Hiệu trưởng Trường Ngoại ngữ – Du lịch, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội cho biết: “Tôi tin tưởng và kỳ vọng rằng những kết quả nghiên cứu của Hội thảo lần này sẽ có những đóng góp thiết thực cả về mặt lý luận và thực tiễn, đặc biệt trong công tác nghiên cứu và giảng dạy Ngôn ngữ học và Ngôn ngữ học ứng dụng trong thời kỳ hội nhập quốc tế và chuyển đối số mạnh mẽ hiện nay, như các nghiên cứu liên ngành về Ngôn ngữ và công nghệ; Ngôn ngữ số, Ngôn ngữ học khối liệu; Thuật ngữ… các tại các cơ sở giáo dục và các viện nghiên cứu”.
TS. Hoàng Ngọc Tuệ cũng chia sẻ thêm, việc được Hội ngôn ngữ học Việt Nam giao quyền đăng cai tổ chức Hội thảo Ngữ học năm nay cũng đã thể hiện sự quan tâm của Hội, của các nhà khoa học trong lĩnh vực ngôn ngữ tới công tác đào tạo và nghiên cứu ngôn ngữ của trường, thể hiện uy tín của trường trong lĩnh vực này. Hiện tại Đại học Công nghiệp Hà Nội đang đào tạo 46 ngành với các cấp trình độ từ Đại học – Thạc sĩ – Tiến sĩ. Về lĩnh vực ngôn ngữ – ngoại ngữ, trường hiện đang đào tạo 5 ngành: Tiếng Việt – Ngôn ngữ học, Ngôn ngữ Anh, Trung, Nhật, Hàn theo định hướng ứng dụng.
Tào Nga
https://danviet.vn/canh-bao-tinh-trang-hoc-sinh-viet-sai-loi-chinh-ta-bien-am-tuy-tien-yeu-iu-vui-ve-zui-ze-20221023120343479.htm