LƯU THỊ OANH*
Trường Đại học Hà Nội; Email: oanhlt@hanu.edu.vn
TÓM TẮT: Bài viết chỉ ra cấu trúc của các đoạn độc thoại nội tâm trong truyện ngắn của Nam Cao từ hình thức thể hiện, cách thức nhập đề, cách thức kết thúc. Thông qua đó, bài viết khẳng định độc thoại nội tâm là một thủ pháp nghệ thuật nổi trội tạo nên “cạnh sắc” riêng của nhà văn Nam Cao. Với độc thoại nội tâm, Nam Cao đã góp một tiếng nói riêng cách tân và hiện đại hóa nền văn xuôi quốc ngữ, khẳng định một ngòi bút đầy tài năng, sắc sảo của một nhà văn hiện thực chủ nghĩa; việc sử dụng độc thoại nội tâm để tạo ra những điển hình tính cách nhân vật là một cái tài của nhà văn Nam Cao.
TỪ KHÓA: độc thoại; độc thoại nội tâm; cấu trúc hình thức; bút pháp; thủ pháp nghệ thuật.
NHẬN BÀI: 19/10/2023. BIÊN TẬP-CHỈNH SỬA-DUYỆT ĐĂNG: 01/02/2024
(Bài đăng trên Tạp chí số 2(350)-2024, tr.95-102)
1. Đặt vấn đề
Độc thoại nội tâm là một thủ pháp nghệ thuật nổi trội trong văn bản nghệ thuật của nhiều nhà văn. Tuy nhiên, thủ pháp này có những đặc thù riêng về kết cấu và cách thức thể hiện nội dung ở mỗi nhà văn. Trong số các nhà văn trước Cách mạng, Nam Cao nổi lên như một cây bút hiện thực phê phán xuất sắc nhất, ông đã sử dụng rất nhiều đoạn độc thoại nội tâm trong các tác phẩm của mình để khai thác các khía cạnh tâm lí nhân vật, phát triển câu truyện theo mạch tâm lí nhân vật. Bút pháp của ông: “Không nói những cái người ta đã nói, không tả theo lối người ta đã tả, ông đã dám bước vào làng văn với những cạnh sắc riêng của mình” (Hồ Biểu Chánh, trong Nam Cao – Những cạnh sắc riêng). Với độc thoại nội tâm, Nam Cao đã góp một tiếng nói riêng cách tân và hiện đại hoá nền văn xuôi quốc ngữ, khẳng định một ngòi bút đầy tài năng, sắc sảo của một nhà văn hiện thực chủ nghĩa. Với độc thoại nội tâm, ông đã khắc hoạ rất rõ nét nhiều loại nhân vật đủ mọi tầng lớp trong xã hội với nhiều sự biến động mang tính thời đại. Rất nhiều nhân vật trong các tác phẩm của ông đã để lại những ám ảnh kì lạ đối với nhiều thế hệ công chúng như: Chí Phèo, Thị Nở, Lão Hạc, Điền, Hộ, Đô….Và tất cả những tâm tư, tình cảm, những diễn biến tâm lí của các nhân vật ấy thể hiện qua các đoạn độc thoại nội tâm đã để lại những ấn tượng sâu sắc trong lòng độc giả. Bằng phương pháp thống kê, miêu tả, so sánh và phân tích, chúng tôi tập trung vào tìm hiểu và làm rõ hình thức thể hiện của các đoạn độc thoại nội tâm trong truyện ngắn của nhà văn Nam Cao về cấu trúc hình thức, cách thức nhập đề và cách thức kết thúc.
2. Hình thức thể hiện của các đoạn độc thoại nội tâm
2.1. Các phát ngôn cấu thành các đoạn độc thoại nội tâm
Qua lựa chọn và khảo sát 22 truyện ngắn, bút ký trong Nam Cao toàn tập (2 tập, Nxb Văn học, Hà Nội, 2003) chúng tôi đã thống kê được 88 đoạn độc thoại nội tâm với 640 phát ngôn độc thoại. Hình thức thể hiện các phát ngôn trong các đoạn độc thoại đó rất đa dạng và phong phú. Có những phát ngôn chưa thành câu, có những phát ngôn lại được thể hiện dưới dạng những câu ngắn, dài, rút gọn (tỉnh lược, vô nhân xưng, định danh…).
Các phát ngôn chưa thành câu như: Ừ!, Trời ơi!, Gớm!… có khoảng 28 phát ngôn phân bố không đồng đều, rải rác trong các đoạn độc thoại. So với các phát ngôn là câu thì loại phát ngôn này chiếm một số lượng ít, có những tác phẩm hầu như không có loại phát ngôn này, ví dụ: Cách mạng; Từ ngược về xuôi; Ở hiền…
Có khoảng 123 phát ngôn được thể hiện dưới dạng những câu rút gọn (hoặc thiếu chủ ngữ, hoặc thiếu vị ngữ, hoặc là những câu vô nhân xưng, những câu định danh), ví dụ: “Còn phây phây quá đi nữa.”, “Đi lâu thế không biết rằng đi đâu.”, “Có của mà vẫn khổ.”, “Thật đốn mạt.”, “Thế nào là mềm nắn rắn buông.”, “Thôi thì đành nhẽ.”.
Các phát ngôn được thể hiện dưới dạng là câu đơn và câu phức chiếm số lượng nhiều nhất, phân bố đồng đều, hầu như truyện ngắn nào, các đoạn độc thoại cũng đều có hai loại phát ngôn này. Các phát ngôn trong các đoạn độc thoại là câu đơn có khoảng 200. Các phát ngôn là câu phức có khoảng 289. Các phát ngôn là câu phức chiếm số lượng nhiều nhất, phân bố dày đặc trong các đoạn độc thoại thể hiện rất chi tiết bức tranh suy nghĩ nội tâm logic của nhân vật. Ví dụ: “Trước hồi Tổng khởi nghĩa vài ba tháng, tôi ở Hà Nội về quê. Một sự ngạc nhiên: ông cháu bất trị của tôi đến thăm tôi, việc ấy không thường. Mà việc này mới lại không thường nữa: ông ấy hỏi thăm tôi về tình hình Hà Nội, về Nhật, về Pháp, về các mặt trận, về sự hoạt động của Việt Minh trên các chiến khu và trong khắp nước. Ông ấy thở ra mùi chính trị. Tôi hơi chột dạ: “Coi chừng nhé! Thằng nào chứ thằng này thì có đủ tư cách làm mật thám”. Tôi nghĩ vậy. Trong câu truyện, tôi hết sức dè dặt và kín đáo” (Đường vô Nam, tr.354, tập II). Rồi: “Còn bà mẹ nữa! Có bà mẹ nào không muốn cho con gái có chồng? Bà nghĩ đã nát ruột về Nhu. Bà Thu hiểu rằng cái cảnh gái già chẳng sung sướng gì đâu! Bây giờ còn mẹ nên Nhu chưa thấy khổ, nhưng một mai bà trăm tuổi về già, bây giờ Nhu phải ở với chị dâu, rồi mới biết. Bởi vậy cho nên đối với việc người ta hỏi Nhu, bị tỏ ý lạc quan. Đã đành anh chàng cũng có ý bòn của đây, nhưng cái sự tham thì ở đời ai mà lại chả tham? Nếu nhà nó giàu, nó đã chả chịu lấy Nhu là đứa đã hơn nó những năm, sáu tuổi. Nó nghèo thì mình cho nó nhờ và ít nhiều. Nó nhờ vả mình thì phải nể con mình. Nó có nể con mình thì con mình mới khỏi khó, chứ cái bộ Nhu hiền như đất nặn thế nếu lấy phải thẳng chồng vũ phu, cậy của cậy tài, hay còn bố mẹ chồng thích hạnh hoẹ con dâu, thì đến chỉ khóc lắm, sưng mắt lên, rồi chết…” (Ở hiền). Nam Cao đã sử dụng nhiều phát ngôn là câu phức đủ cho thấy sự diễn biến tâm trạng phức tạp, lắt léo, riêng tư của đời sống con người. Đó là bức tranh toàn cảnh về các phát ngôn cấu thành các đoạn độc thoại nội tâm về số lượng và sự phân bố.
2.2. Cấu trúc hình thức của các đoạn độc thoại nội tâm
Theo khảo sát của chúng tôi, các đoạn văn độc thoại nội tâm của Nam Cao thường được cấu tạo bởi nhiều hình thức cấu trúc khác nhau, thể hiện sự điêu luyện trong sử dụng ngôn ngữ của nhà văn. Các cấu trúc hình thức thường được Nam Cao dùng để xây dựng đoạn văn độc thoại nội tâm là: cấu trúc cú pháp, cấu trúc liệt kê, cấu trúc diễn dịch và quy nạp, cấu trúc đề-thuyết. Hình thức cấu trúc các đoạn văn độc thoại nội tâm được dùng nhiều nhất trong 88 đoạn độc thoại nội tâm của Nam Cao đó là hình thức cấu trúc diễn dịch và quy nạp. Tất cả những diễn biến tâm trạng, những nỗi niềm, trăn trở của nhân vật xoay quanh trục chủ đề riêng biệt của các đoạn độc thoại nội tâm theo ý đồ sáng tác của nhà văn về các vấn đề xã hội, bản thân, gia đình, bạn bè. Cấu trúc diễn dịch và quy nạp được nhà văn sử dụng nhiều đã lí giải hết sức cặn kẽ những dòng suy nghĩ nội tâm của nhân vật. Tư duy tâm trạng, nỗi niềm thầm kín, sâu lắng của các loại nhân vật như được chụp lại nguyên bản, đầy đủ bằng thứ ngôn ngữ ngắn gọn, cô đọng, dễ hiểu qua cấu trúc trình bày hết sức logic. Nguồn gốc phát sinh các đoạn độc thoại nội tâm đều có một nguyên cớ riêng biệt. Các đoạn độc thoại nội tâm có cấu trúc diễn dịch kiểu như: “Bịch thấy người ta lo được chút danh vị thật là chật vật. Nào tiền chồng quỹ. Nào tiền chè lá đi nói với các ông kì cựu trong làng. Từ hàng phó lí cựu trở lên chẳng ông nào là có thể bỏ qua: ông một vài đồng, ông dám ba đồng cũng có ông phải đưa chục bạc; riêng cụ chỉ phải hai chục là ít nhất. Rồi lại còn phải bữa rượu khao: gạo lợn năm nay không có năm trăm bạc đừng nói chuyện. Năm trăm bạc, nguyên bữa rượu. Vay tất cả chẳng đến ngót một nghìn đó ư? Ngôi nghìn đồng bọc, bà mẹ ơi!…” (Mua danh, tr.338, tập I) chúng tôi đã thống kê được 45 đoạn. Có những đoạn độc thoại nội tâm lại được cấu trúc theo lối suy lí diễn dịch (tam đoạn luận), ở đó “cách trình bày có quan hệ đến bản chất phương pháp suy lí là việc xác định tính đúng/ không đúng cho một nhận định, một kết luận.” (Theo Diệp Quang Ban, Văn bản và liên kết trong tiếng Việt, tr.237). Chẳng hạn như: “Đàn bà vốn chuộng hoà bình: họ muốn yên chuyện thì thời, gai ngành làm chi cho sinh sự. Vả lại, bà đội cũng nghĩ rằng: chồng mình đang ốm… chồng mình có nợ người ta hẳn hoi… Và năm chục đồng bạc với nhà mình là mấy, lôi thôi lại chỉ tốn đến ba lần năm trục đồng!” (Chí Phèo, tr.100, tập I). Cũng có nhiều đoạn độc thoại được trình bày theo lối quy nạp, chẳng hạn: “Điều muốn nói với anh, tôi đành giữ kín trong lòng không nói nữa. Tôi biết chẳng đời nào anh nhận làm một anh tuyên truyền nhãi nhép như tôi. Vả lại dẫu có rủ được anh làm như tôi, khoác cái balo lên vai, đi hết làng nọ đến làng kia để nhận xét nông thôn một cách kĩ càng hơn cũng chẳng ích gì. Anh đã quen nhìn đời và nhìn người một phía thôi. Anh trong thấy anh thanh niên đọc thuộc lòng bài “ba giai đoạn” nhưng anh không trông thấy bố trẻ anh thanh niên vui vẻ vác đi để ngăn quân thù. Mà ngay trong cái việc anh thanh niên đọc thuộc lòng bài báo như một con vẹt biết nói kia, anh cũng chỉ nhìn thấy cái ngố bé ngoài của nó, mà không thấy cái nguyên cớ thật đẹp đẽ ở bên trong. Vẫn giữ đôi mắt ấy để nhìn đời thì càng đi nhiều, càng quan sát lắm, người ta chỉ càng thêm chua chát và chán nản.” (Đôi mắt, tr.467, tập II). Có những đoạn độc thoại nội tâm lại được trình bày theo cấu trúc đề-thuyết. Trong đó Nam Cao đã sắp xếp phần đề, phần thuyết trong những câu đứng nối tiếp nhau theo lối song hành, móc xích, chẳng hạn như đoạn độc thoại nội tâm: “Thương con thì để bụng. Nuông con thà giết con đi. Trẻ con đứa nào chả thích ở nhà với bố, với mẹ để chẳng người nào động đến thân? Đi ở cho nhà người ta, ăn cơm của người ta. Làm không được, người ta thiệt thì người ta xót. Người ta xót thì người ta phải nói. Nói, mình nghe thì chở, không nghe thì người ta phải chửi, phải đánh. Người ta đánh chửi cho là phúc nhà mình đây. Không đánh, không chửi, sao có nên thân người được?…” (Một đám cưới, tr.218, 219, tập 1).
Như vậy, cấu trúc hình thức của các đoạn độc thoại nội tâm cũng rất đa dạng và phong phú. Tất cả các loại cấu trúc hình thức này tuy thuộc về cách bố cục (kết cấu) văn bản, tạo lập văn bản nhưng nó cũng có vai trò rất quan trọng trong việc tạo ra mạch lạc cho văn bản nói chung và trong các đoạn văn nói riêng. Cụ thể là các cấu trúc hình thức này đã được nhà văn lựa chọn sử dụng đúng và chính xác với đối tượng mà nhà văn cần miêu tả (nông dân) đã tạo ra mạch lạc cho cả tác phẩm nói chung và các đoạn văn độc thoại nội tâm nói riêng. Nhà văn đã sử dụng nhiều cấu trúc hình thức diễn dịch, quy nạp đã thể hiện rất chính xác những suy lí giản đơn, rõ ràng, dễ hiểu đặc trưng của người nông dân.
2.3. Cách thức nhập đề của các đoạn độc thoại nội tâm
Các đoạn độc thoại dù ngắn hay dài cũng đều xuất phát từ ý đồ của tác giả mà có. Theo sự khảo sát của chúng tôi thì hình thức nhập đề của các đoạn độc thoại này cũng được thể hiện dưới nhiều dạng khác nhau. Có đoạn là dẫn thoại trực tiếp, có đoạn là dẫn thoại gián tiếp, có những đoạn dẫn thoại trực tiếp và gián tiếp đan xen nhau. Như vậy là cách thức nhập đề cũng rất phong phú. Hầu như các đoạn độc thoại có lời độc thoại được dẫn theo kiểu trực tiếp xen lẫn gián tiếp. Nhưng cũng có những đoạn độc thoại có lời độc thoại chỉ toàn trực tiếp hoặc chỉ toàn gián tiếp.
Các đoạn được dẫn thoại gián tiếp như: “Y nghĩ vậy. Y nghĩ vậy, bởi vì y quá tin tưởng vào luật pháp, vào công lí, vào sự ngay thẳng của quan trên. Nhưng làm gì có công lí, có sự ngay thẳng trong một cái xã hội toàn nô lệ, dưới quyền một cái chính phủ làm tay sai cho những quân kẻ cướp. Luật pháp thì có đấy, nhưng chỉ có để người ta dùng làm một sợi thừng mà buộc cổ thằng dân…” (Cách mạng, tr.359-360). Hay như: “Hắn nghĩ đến câu nói hùng hồn của một nhà triết học kia: “Phải biết ác, biết tàn nhẫn để sống cho mạnh mẽ”. Nhưng hắn nghĩ theo rằng: Từ rất đáng yêu, rất đáng thương, hắn có thể hy sinh tình yêu, thứ tình yêu vị kỉ đi, nhưng hắn không thể bỏ lòng thương; có lẽ hắn nhu nhược, hèn nhát, tẩm thường, nhưng hẳn vẫn còn được là người: hắn là người chứ không phải là một thứ quái vật bị sai khiến bởi lòng tự ái. Kẻ mạnh chính là kẻ giúp đỡ kẻ khác trên đôi vai mình. Và lại hèn biết bao là một thằng con trai không nuôi nổi vợ, con thì còn mong làm nên trò gì nữa?” (Đời thừa, tr.603-604, tập I). Ở các đoạn độc thoại kiểu này nhà văn đã dùng ngôi nhân xưng thứ 3: y, hắn, ông, cụ, bà… để miêu tả diễn biến tâm trạng của nhân vật. Nhưng không phải thế mà dòng suy nghĩ của nhân vật không thật và bị gián đoạn. Dùng lời dẫn thoại gián tiếp nhưng nội tâm của nhân vật vẫn được bộc lộ một cách trung thực và rõ nét đó cũng chính là sự tài tình trong thủ pháp nghệ thuật của nhà văn tuy các đoạn độc thoại kiểu này chiếm một số lượng không nhiều lắm so với các hình thức nhập đề khác.
Các đoạn độc thoại trong đó lời độc thoại được dẫn trực tiếp xen lẫn gián tiếp như: “Nhưng bỗng hắn lại hơi ngần ngại: biết đầu cái lão cáo già này nó chỉ lại lừa hắn vào nhà rồi lôi thôi? Ổ mà thật, có thể như thế lắm! Này nó hãy lôi ngay mấy cái mâm, cái nói hay đồ vàng bạc ra khoác vào cổ hàn, rồi cho vợ ra kêu làng lên, rồi cột cổ hắn vào, chần cho một trận om xương, rồi vu cho là ăn cướp thì sao? Cái thằng Bá Kiến này, già đời đục khoét, còn đớn gì mà chịu lép như trấu thế? Thôi dại gì mà vào miệng cọp hẳn cứ đứng đây này, cứ lại lăn ra đây này, lại kêu toáng lên xem nào. Nhưng nghĩ ngợi một tí, hắn lại bảo: kêu cũng không nước gì! Lão Bá vừa nói một tiếng, bao nhiêu người ai về nhà nấy, hắn có lăn ra kêu nữa, liệu có còn ai ra? Vả lại bây giờ rượu nhạt rồi, nếu lại phải rạch mặt thêm mấy nhát thì cũng đau. Thôi cứ vào! Vào thì vào, cần quái gì. Muốn đập đầu thì vào ngay giữa nhà hắn mà đập đầu còn hơn ở ngoài. Cùng lắm, nó có giở quẻ. hẳn cũng chỉ đến đi ở tù. ở tù thì hắn coi là thường. Thôi cứ vào.” (Chí Phèo, tr.87-88, tập I). Hay như: “Rồi ông ngồi lử thử. Bởi vì ông buồn lắm. Chỉ lát nữa là người ta rước Dần đi. Đêm hôm nay, chỉ còn mình ông với hai đứa trẻ con. Nhà sẽ vắng ngắt vắng nga, chẳng khác gì ngày vợ ông mới chết đi. Rồi chỉ mươi bữa nửa tháng là ông phải bỏ nốt hai đứa con trai để ngược… Chao ôi! Buồn biết mấy?… Ông đờ đẫn cả người. Ông nghĩ bụng rằng: giá Dần không phải về nhà người ta, thì có lẽ chẳng đời nào ông phải lên rừng; Ông cứ ở nhà với ba con, bố con đùm bọc với nhau, bay giờ bỏ lại hai đứa bé mà đi, ông thương chúng nó quá.” (Một đám cưới, tr.233, tập 1); “Bu chết đã ngót ba năm. Thầy bảo thế. Thì ra ba năm cũng dài lắm nhỉ. Ninh cứ tưởng bu Ninh chết đã lâu lắm. Nhưng trách gì!… Xưa kia, những ngày bu đi chợ tỉnh, độ gần tối chưa về Ninh đã thấy mong. Ấy là mới vắng bu có một ngày. Mà nào đã hết cả ngày. Bay giờ vắng bu bằn bặt những ba năm. Bao nhiêu ngày tháng! Ninh thấy lâu là phải. Biết bao giờ bu lại về với con? Ninh bâng khuâng cả người. Y như là năm mơ…” (Từ ngày mẹ chết, tr.292, tập I). Loại độc thoại được dẫn trực tiếp xem gián tiếp chiếm số lượng nhiều nhất. Thông qua lời dẫn của tác giả chúng ta thấy được những suy nghĩ nội tâm của nhân vật – đó là dẫn thoại gián tiếp, sau đó được bổ sung bằng lời dẫn trực tiếp làm cho đoạn độc thoại có tính tự nhiên và liên tục không hề bị gián đoạn. Qua đó chúng ta thấy được nhân vật nghĩ gì, làm gì, những điều đó có hợp lí hay không hợp lí, thấy được nhân vật đó thuộc lớp nhân vật nào (chính diện hay phản diện) từ đó thúc đẩy khả năng cảm nhận của độc giả về nhân vật, về sự tình diễn ra trong truyện và cuối cùng thấy được tâm tư tình cảm, những suy nghĩ về thời cuộc, về số phận con người với những toan tính đời thường của từng lớp người trong xã hội ở một thời điểm lịch sử. Ở những đoạn độc thoại đó tác giả đã vừa dẫn trực tiếp vừa dẫn gián tiếp, phối hợp rất nhịp nhàng càng làm tăng thêm hiệu quả miêu tả thực tâm trạng của nhân vật mà không hề bị gián đoạn.
Có những đoạn độc thoại, tác giả để nhân vật tự nói những suy nghĩ, toan tính của họ, đó là đoạn độc thoại được dẫn trực tiếp bằng lời của nhân vật. Các đoạn độc thoại đó chẳng hạn như: “Gớm! Sao lại có thứ người đâu mà lì quá thế! Người ta ngồi đây mà dám xán lăn ngay vào, nó chả ngang ngược mà người ta kêu bé, nó lại làm to hơn. Mà kể thì cũng ngù ngờ. Cái thằng trời đánh không chết ấy, nó còn sợ ai mà hòng kêu. Nhưng mà đáng kiếp. Thổ trận ấy thật là phải biết. Cứ gọi là hôm nay nhọc đừ. Phải cho hắn ăn thứ gì thì mới được. Đang đau ốm thế thì chỉ ăn cháo hành. Ra được mố hồi thì là nhẹ nhõm người ngay đó mà…” (Chí Phèo, tr.116, tập I). Hay như: “Hắn tặc lưỡi và nghĩ bụng “tháng ba này thằng nào thằng ấy đến ba ngày không được một bát cơm, dãi nhỏ ra, hết còn làm bộ”…” (Từ ngày mẹ chết, tr.350, tập I). Hoặc: “Hắn lúc đầu tự bảo: “Thôi thế là hết! Ta đã hỏng! Ta đã hỏng đứt rồi!”…” (Đời thừa, tr.605, tập I). Sở dĩ tác giả sử dụng lời trực tiếp của nhân vật cũng nhằm mục đích miêu tả xác thực hơn tính cách nhân vật, diễn biến sự tình trong truyện, nhấn mạnh và làm tăng tính chất quan trọng của sự việc; đẩy những mâu thuẫn, những thắc mắc, băn khoăn lên cao trào, tạo ra sự cuốn hút đối với độc giả. Bà cô thị Nở giận đến phát điên người lên khi thấy cháu gái của mình có ý định lấy Chí Phèo – một kẻ lưu manh, liều mạng không cha không mẹ làm chồng: “Người đàn bà đức hạnh ấy thấy cháu bà sao mà đĩ thế. Thật đốn mạt. Ngoài ba mươi tuổi mà chưa chót đời. Ngoài ba mươi tuổi…ai lại còn đi lấy chồng. Ai đời lại còn đi lấy chồng! Ừ! Mà có lấy thì lấy ai chứ?… Đàn ông đã chết hết cả rồi hay sao, mà lại đâm đầu đi lấy một thằng không cha. Ai lại đi lấy một thằng chỉ có một nghề rạch mặt ăn vạ. Trời ơi! Nhục nhã ơi là nhục nhã! Hỡi ông nhà bà!” (Chí Phèo, tr.120-121). Rồi ông Bá – một quan tham trong chế độ xã hội cũ – cũng có sự đánh giá, trăn trở, đồng tình trước cuộc cách mạng của nhân dân ta: “Một tiếng nói bên trong cãi lại ông: – Ấy thế mà họ cũng đã đánh Tây, đánh Nhật trên mạn ngược. Họ giết Nhật, giết mật thám giữa ban ngày ở ngay trong Hà Nội. Họ bắn súng, kéo cờ, diễn thuyết om xòm trong các chợ. Họ xui dân đừng nộp thóc, nộp thuế, đi phu. Mà dân ra sự cũng dám nghe theo họ, mới lạ chứ. Ngày xưa như thế thì bố bảo! Có lẽ cũng đối đời hay sao đó. Dân bây giờ cũng táo bạo nhiều rồi. Họ lại hâm mộ Việt Minh lắm. Chẳng cần nói đâu xa, ngay ở đây bây giờ mà Việt Minh nổi lên, chắc chắn là dân cũng theo ùn ùn” (Cách mạng, tr.374),…
Để có được đoạn độc thoại, nhà văn đã dùng rất nhiều lời dẫn khác nhau. Có những lời dẫn là một câu kể, có những lời dẫn là một câu kể, có những lời dẫn là một câu luận, cầu đề và cũng có những lời dẫn là một câu lửng vô nhân xưng. Theo sự khảo sát của chúng tôi thì đa phần các đoạn độc thoại được dẫn bằng một câu kể như: “Vả lại, bà đội cũng nghĩ rằng:…”, “Hắn tặc lưỡi và nghĩ bụng…”, “Và chắc trong bụng bà cũng đinh ninh rằng:….”,… Cũng có những đoạn lại được dẫn bằng một câu đề, chẳng hạn như: “Ý thằng con lão, thì nó muốn bán vườn, có lo cho bằng được. Nhưng lão không cho bán. Ai lại bán vườn đi mà lấy vợ? Vả lại bán vườn đi, thì cưới vợ về, ở đâu? Với lại, nói cho cùng nữa, nếu đằng nhà gái họ cứ khăng khăng đòi như vậy, thì dẫu có bán vườn đi cũng không đủ cưới…” (Lão Hạc, tr.195-196, tập I). Hay như: “Đàn bà vốn chuộng hoà bình: họ muốn yên chuyện thì thôi, gai ngạnh làm chi cho sinh sự. Vả lại, bà đội cũng nghĩ rằng: chồng mình đang ốm. Chồng mình cũng có nợ người ta hẳn hoi… Và năm chục đồng bạc đối với nhà mình là mấy, lôi thôi lại chả tổn đến ba lần năm chục đồng!..” (Chí Phèo, tr.100, tập I). Hoặc: “Bu chết đã ngót ba năm. Thầy bảo thế. Thì ra ba năm cũng dài lắm nhỉ. Ninh cứ tưởng bu Ninh chết đã lâu lắm. Nhưng trách gì!… Xưa kia, những ngày bu đi chợ tỉnh, độ gần tối chưa về Ninh đã thấy mong. Ấy là mới vắng bu có một ngày. Mà nào đã hết cả ngày. Bây giờ vắng bu bằn bặt những ba năm. Bao nhiêu ngày tháng! Ninh thấy lâu là phải. Biết bao giờ bu lại về với con)…” (Từ ngày mẹ chết, tr.292, tập 1).
Có những đoạn độc thoại lại được dẫn bằng một câu lửng vô nhân xưng chẳng hạn như: “Thoạt tiên hãy nửa chai rượu đã. Uống rượu đã. Uống rượu lúc đói mới thấy ngon. Lúc này uống khoái bằng mười lúc khác…” (Trẻ con không biết đói, tr.319-320, tập I). Hay như: “ Thì đã hẳn. Nhưng không hiểu sao tôi vẫn thấy tui tủi thế nào ấy. Cây bút của tôi bất lực. Nó không khạc ra lửa và đạn như cây súng. Nó ì ạch chạy theo phong trào mãi mà không kịp. Các bạn tôi cũng đều thấy na ná như tôi. …” (Đường vô Nam, tr.357, tập II). Hoặc như: “Thử để ý mà xem! Có phải từ ngày chúng ta phá đường con đường của chúng ta mới bắt đầu thật là tấp nập không? Nghĩ một tí thì thú vị lạ lùng…” (Trên những con đường Việt Bắc, tr.495, tập II).
Có đoạn độc thoại lại được dẫn bằng một câu luận, chẳng hạn như: “Bịch thấy người ta lo được chút danh vị thật là chật vật. Nào tiền chồng quỹ. Nào tiền chè lá đi nói với các ông kì cựu trong làng. Từ hàng phó lí cựu trở lên chẳng ông nào là có thể bỏ qua: ông một vài đồng, ông dăm ba đồng cũng có ông phải đưa chục bạc; riêng cụ chỉ phải hai chục là ít nhất. Rồi lại còn phải bữa rượu khao: gạo, lợn năm nay, không năm trăm bạc đừng nói chuyện….” (Mua danh, tr.338, tập I). Hay: “Tần nhận ra rằng y đã hùng hục làm một việc rất buồn cười: y muốn đấm ông bá một vài quả cho ông bá méo mặt đi, nhưng kết cục thì chính y méo mặt, bởi vì đấm ông bá thì chẳng khác gì đấm bị, đấm thế nào ông cũng chưa thấm thía. Y kiện ở phủ thì ông phủ ăn tiền, và cũng bênh người làm việc dưới quyền ông, vẫn đi lại với ông tươm tất xưa nay. Y kiện ở tỉnh thì tỉnh cứ lời phủ từ rồi cũng ăn tiền. Y nhờ ti liêm phóng điều tra, nhưng ở ti liêm phóng, người ta chỉ bắt cộng sản đã đủ nhược người rồi, còn hơi đâu mà để ý đến những việc tham nhũng của mấy ông tổng lí….” (Cách mạng, tr.362, tập II). Hoặc như: “Câu trả lời không có lợi cho ông lắm. Nhật đến đây cũng chẳng khác gì Tây:chúng muốn cướp lấy nước để tranh lấy những nguồn lợi ở đây. Cố nhiên chúng cũng phải làm như Tây, dùng người mình để trị người mình. Không thể, chúng cai trị làm sao được? Việt Minh thì khác hẳn. Việt Minh là những người làm cách mạng. Những người cách mạng không những chỉ ghét quân đi cướp nước; họ ghét cả những quan tham, lại nhũng, kỳ mục đục khoét dân. Họ mà lên chẳng những họ sẽ đuổi cổ ông về, họ còn trị tội ông là khác. Nhưng điều đáng ngại nhất vẫn là Tần: ngộ Tần cũng có vào Việt Minh?…” (Cách mạng, tr.370-371, tập II).
Như vậy chúng ta cũng thấy rằng việc tác giả dùng rất nhiều hình thức dẫn thoại khác nhau ở các đoạn độc thoại đều nhằm vào mục đích diễn giải tâm trạng của nhân vật ở nhiều cấp độ, hình thức, hoàn cảnh khác nhau. Điều này càng khẳng định tính chân thực của lời độc thoại nói riêng và của cả tác phẩm nói chung. Tất cả các đoạn độc thoại dù được dẫn bằng bất kì hình thức gì cũng đều nhằm miêu tả chân thực chân dung con người với lối suy nghĩ, lối sống của xã hội đang ở trong một giai đoạn cực kì đặc biệt. Cũng thông qua cách dẫn thoại phong phú này mà chúng ta bây giờ mới phần nào hình dung được lối viết, cách nhận thức sự việc của các nhà văn hiện thực thời bấy giờ mà Nam Cao là nhà văn tiêu biểu. Và từ góc độ ngôn ngữ học thì ngòi bút của nhà văn Nam Cao là một ngòi bút hết sức thâm thuý, chân thực mà không hề cứng nhắc.
2.4. Cách thức kết thúc các đoạn độc thoại nội tâm
Theo sự khảo sát của chúng tôi thì tất cả các đoạn độc thoại đều có cách kết thúc mang tính độc lập tương đối. Đa phần các đoạn độc thoại, lời độc thoại xen kẽ lời kể, nhiều khi gây khó khăn cho việc xác định xong lại rất hợp lí, hợp với logic kể chuyện. Chẳng hạn như: “Bu Ninh chết đã ngót ba năm. Thầy bảo thế. Thì ra ba năm cũng dài lắm nhỉ. Ninh cứ tưởng bu Ninh chết đã lâu lắm. Nhưng trách gì!… Xưa kia, những ngày bu đi chợ tỉnh, độ gần tối chưa về Ninh đã thấy mong. Ấy là mới vắng bu có một ngày. Mà nào đã hết một ngày. Bây giờ vắng bu bằn bặt những ba năm. Bao nhiêu ngày tháng! Ninh thấy bâng khuâng cả người. Y như là nằm mơ…” (Từ ngày mẹ chết, tr.292, tập I). Trong các đoạn độc thoại nội tâm, lời độc thoại thường được rút ra từ một loạt sự tình, nằm ở vị trí cuối đoạn độc thoại có giá trị kết thúc đoạn văn. Chẳng hạn như: “Một lát sau, Ninh nghĩ thương em quá, Ninh lại đi tìm dong, nhưng hết. Ninh moi luôn củ ráy, ráy nước, ăn ngứa lắm. Nhưng đói còn biết gì là ngứa? Ninh đem về nướng. Ninh gọi Đật về lau nước mắt cho nó, rồi chị em ăn ráy nước. Đật ăn tợn lắm, chẳng thấy kêu ca gì cả. Ninh rơi nước mắt. Ninh dặn em “Từ giờ đừng ăn cơm nhà thằng Chúc nữa”. Đật gật đầu. Thế mà hôm nay nó lại lần sang nhà bác Vụ. Có bực mình hay không?” (Từ ngày mẹ chết, tr.299, tập I). Hay như: “Có lần Chí Phèo ngủ, thị vào cả nhà hắn để rọi nhờ lửa nữa, có lần thị xin của hắn một tí rượu để về bóp chân; hắn mải ngủ càu nhàu bảo thị rằng: – Ở xó nhà ấy, muốn rốt bao nhiêu thì rót, để yên cho hắn ngủ. Và lắm lúc thị ngạc nhiên: sao người ta ghét hắn thế?” (Chí Phèo, tr.109, tập I). Hoặc: “Xóm Điền cũng chả nhà nào có những đồ đạc đắt tiền như thế. Vợ Điền quý lắm. Thị rất xót xa khi thấy những ông khách cục súc, sau khi nắc nỏm khen bộ ghế vừa đẹp vừa thanh, liền đặt cái mông đít to bành bạnh như cái vại lên mặt ghế, khiến mấy sợi mây lún xuống, rồi co cả hai chân bẩn thỉu lên, ngả cái lưng to như lưng trâu tựa vào vành ghế, khiến cái vành ghế phải oằn hẳn về đằng sau. Như thế phỏng còn gì là ghế? Có mà ghế sắt cũng phải hỏng, đừng nói gì ghế mây!” (Trăng sáng, tr.578, tập I). Các đoạn độc thoại kiểu này thường có một kết thúc tương đối độc lập với các sự tình khác trong truyện. Tuy nhiên, để tạo ra sự liên kết chặt chẽ giữa các đoạn độc thoại, cuốn hút độc giả, khiến độc giả phải trăn trở, suy tư, hồi hộp theo dõi trước những biến cố hoặc sự tình sẽ xảy ra đối với nhân vật, Nam Cao đã tạo ra các đoạn độc thoại có kết cấu mở hoặc có kết thúc bằng một câu lửng. Các đoạn độc thoại có kết cấu mở chẳng hạn như: “Bịch lấy làm khó nghĩ. Trốn cũng rầy mà không trốn cũng rầy. Trốn thì đêm hôm nhà cửa để cho ai? Khổ một nỗi ai cũng tưởng hắn nhiều tiền lắm. Mà không trốn thì chắc là bị bắt; lại vài chục bạc chuộc. Đằng nào cũng chết mà đã chắc gì vài chục đồng bạc mà xong. Này, chúng nó đang thù, chúng lại biết mình non mà lại cứ nhất định rằng mình được trầu được cau, nhà bây giờ lúc nào bạc trăm cũng có. Ngộ chúng nó cứ khăng khăng đòi giải không bằng lòng cho chuộc thì sao?” (Mua danh, tr.340, tập I). Hay như: “Điền thương con lắm. Vút cái, Điền thấy Điền không thể nào đi được. Điền không sướng khi con Điền còn khổ. Chao ôi! Trăng đẹp lắm! Trăng dịu dàng và trong trẻo và bình tĩnh. Nhưng trong những căn lều nát mà trăng làm cho cái bề ngoài trông cũng đẹp, biết bao người quằn quại, nức nở, nhăn nhó với những đau thương của kiếp mình! Biết bao tiếng nghiến răng và chửi rủa! Biết bao cực khổ và lầm than?… Không, không. Điền không thể nào mơ mộng được. Cái sự thật tàn nhẫn luôn luôn bày ra đấy. Sự thực giết chết những ước mơ lãng mạn gieo trong đầu óc Điền cái thứ văn chương của bọn nhàn rỗi quá. Điền muốn tránh sự thực, nhưng trốn tránh làm sao được? Vợ Điền khổ, con Điền khổ, cha mẹ Điền khổ. Chính Điền cũng khổ. Bao nhiêu người nữa, cùng một cảnh, khổ như Điền! Cái khổ làm héo một phần lớn những tính tình tươi đẹp của người ta. Tiếng đau khổ vang dội lên mạnh mẽ. Chao ôi! Chao ôi! Nghệ thuật là ánh trăng lừa dối, không nên là ánh trăng lừa dối, nghệ thuật có thể chỉ là tiếng đau khổ kia, thoát ra từ những kiếp lầm than, vang dội lên mạnh mẽ trong lòng Điền. Điền chẳng cần đi đâu cả. Điền chẳng cần trốn tránh, Điển cứ đứng trong lao khổ, mở hồn ra đón lấy tất cả những vang động của đời…” (Trăng sáng, tr.587-588, tập 1). Hoặc: “Ông nghĩ đến Tần. Kiện ông mãi chẳng ăn thua gì rồi Tần chán, bỏ làng đi. Không hiểu y ở đâu, làm gì để sinh nhai. Chỉ biết thỉnh thoảng y lại về làng. Tuy về làng y chẳng giở trò gì, nhưng ông bá cũng lo lo. Ông tin chắc rằng y chưa hết thù ông. Biết đầu y đã không đi giao thiệp, tìm được người có thế lực, để chờ dịp đập ông? Biết đâu y lại chẳng đã xin vào làm mật thám? Biết đâu y không lại làm quen được với một vài thằng quan Nhật?… Vào hồi gần đây, điều đoán phỏng sau cùng ấy có vẻ làm ông bá lo ngại nhất. Ông đã được thấy hoặc được nghe nói đến những vụ người ta mượn thế lực Nhật về để trả thù nhau hoặc trị nhau. Nếu Tần đã cầy cục làm thân được với một vài thằng Nhật rồi thì cứ liệu hồn cái đầu ông! Rất có thể chợt một hôm y về làng với một thằng Nhật đeo gươm, đến tận nhà ông, đòi đem ông ra chém. Kêu ai bây giờ….” (Cách mạng, tr.368-369, tập II).
Các đoạn độc thoại có kết thúc bằng một câu lửng như: “Ối chao ôi! Học với hành gì, ông ấy? Ông ấy thì chỉ có cái tài bàn tổ tôm là ông ấy học. Mà tài bàn, tổ tôm thì ông chẳng cần ai dạy nữa. Có mấy ngày, mấy đêm, là ông không đi tìm đám họp? Có điều ông đã muốn thì bà cũng phải cắn răng mà chịu. Thật tình thì bà chẳng ưa gì cái anh lang cu con này một tí nào. Người với ngợm gì mà đến hay!…” (Lang Rận, tr.414-415, tập I). Hay như: “Bà chạy ngược chạy xuôi vay lạy hết người nọ đến người kia, mới vay được non chục bạc. Non chục bạc thì chỉ nộp lệ làng, may cho con mỗi đứa cái áo tang và cho bà cái mấn, rồi biện miếng trầu, bát nước cho hàng xóm cũng đã không đủ rồi. Thành thử bà chỉ dám mua cho ông cỗ áo quan có non ba đồng. Rõ nghĩ mà thương! Nó vừa mỏng, vừa mọt, mộng trẽo trà trẽn trợt, giá chỉ bóp mạnh cũng răng rắc được. Của ấy được mấy nỗi mà nát? Bấm đốt ngón tay đã sáu năm trời rồi. Cũng phải cố biện bát cơm, bát canh để thay cho cái áo mới, chứ để thế thì tội nghiệp. Nhưng làm sao hay giờ… (Dì Hảo, tr.173, tập 1). Các nhân vật tư suy nghĩ, rồi tư vấn mình, ở đây tác giả để kết thúc các đoạn độc thoại bằng các câu lửng vô nhân xưng đều đã có mục đích. Nam Cao thể hiện những tâm lí quẩn quanh, thụ động của người nông dân, không biết bấu víu vào đâu trước cuộc sống khó khăn, nợ nần chồng chất.
Các đoạn độc thoại có kết thúc mở thường các phát ngôn độc thoại là một câu khẳng định, một câu luận hoặc một câu hỏi tạo sự chú ý, phân tích, theo dõi của độc giả, dẫn dắt độc giả theo chiều sâu tính cách nhân vật. Ở các đoạn độc thoại có kết thúc mở tác giả để độc giả tự đánh giá, suy nghĩ phần diễn tiến tiếp theo của sự tình hoặc của nhân vật. Điều này đã tạo ra sự lôi cuốn đối với độc giả. Và nhìn từ góc độ ngôn ngữ học thì đó chính là sự sắp đặt chủ quan của tác giả nhằm mục đích miêu tả, lí giải mọi khía cạnh phong phú và phức tạp tâm lí con người trước những đổi thay của thời cuộc. Các nhân vật tự bộc lộ tâm tư, tình cảm bằng chính những dòng suy nghĩ và những câu hỏi tự đặt ra cho mình mà phần lớn các câu hỏi đó không được trả lời. Trước mỗi biến cố, sự kiện, hoàn cảnh, câu hỏi lại được đặt ra và để đấy. Chẳng hạn như: “Lại còn cái ông Đật nữa? Đi đâu mà mải thế? Ý dáng lại lần sang nhà bác Vụ. Còn sang làm gì? Gạo của thầy gửi đã hết từ đời nảo, đời nào. Bác ấy đã phải cho ăn lận nhà bác ấy năm sáu bữa. Nhà bác ấy cũng túng. Chồng chết đi để lại đây bốn con. Bốn đứa cũng lúc nhúc như Ninh và Đật. Bác ấy nuôi được chúng nó cũng đã đến điều vất vả. Còn lấy gì mà nuôi cả Ninh và Đật nữa?…” (Từ ngày mẹ chết, tr.298, tập I). Hay như: “Cuộc đời bình thường. Ở những vùng như vùng này, súng nổ là chuyện bình thường. Súng không nổ, đó mới là bất thường. Những hôm ấy, người ta bảo: “Hôm nay, chưa thấy súng”. Nhưng đừng tưởng sống như vậy, người ta chỉ còn nghĩ đến một việc là đối phó với tiếng súng thôi đâu! Ông cụ chủ nhà vừa cưới vợ cho thằng còn trai thứ hai, tốn hơn một vạn đồng. Tôi rất ngac nhiên. Tiêu hơn một vạn đồng vào việc cưới lúc này? Một đám cưới nhà quê? “ (Từ ngược về xuôi, tr.507, tập II)… Tất cả những câu hỏi không lời giải đáp ấy đã được đặt ra khi thì ngắt quãng, khi thì liên tiếp, lúc lại kéo dài nhằm bộc lộ rõ tính chất trăn trở, dằn vặt và bế tắc của những con người trong xã hội cũ. Những câu hỏi ấy cứ nối tiếp nhau như những cơn bão lòng trong tâm hồn con người đang tích tụ, dồn nén lại thành giống tố cuộc đời đang đòi được giải đáp. Đó chính là cái đích cuối cùng mà nhà văn muốn miêu tả, muốn truyền đạt tới độc giả.
3. Kết luận
Cấu trúc hình thức của các đoạn độc thoại nội tâm, qua miêu tả, là đa dạng và phong phú. Độ phân bố các đoạn độc thoại trong các truyện ngắn của Nam Cao là không đồng đều. Nhưng như thế không có nghĩa là các đoạn độc thoại nội tâm được sắp xếp lung tung, tuỳ tiện, không theo một trật tự nào. Tất cả các đoạn độc thoại nội tâm trong truyện ngắn của Nam Cao được xuất hiện theo một trình tự nhất định phục vụ cho ý đồ chuyển tải hiện thực của nhà văn. Chính vì sự đa dạng, phong phú trong cách thể hiện ngôn ngữ của các đoạn độc thoại nội tâm, nhà văn đã tạo ra được cái nhìn khách quan, tổng thể, nhiều hướng khác nhau về diễn biến tâm lí và tính cách nhân vật trong đánh giá tính chất hiện thực của tác phẩm, sự đặc sắc, độc đáo trong bút pháp truyện ngắn Nam Cao… Sử dụng độc thoại nội tâm để tạo ra những điển hình tính cách nhân vật là một cái tài của nhà văn Nam Сао.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Tiếng Việt
- Diệp Quang Ban (2005), Ngữ pháp tiếng Việt, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
- Chafe L.W. (1998), Ý nghĩa và cấu trúc của ngôn ngữ, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
- Nguyễn Lai (1998), Ngôn ngữ và tư duy, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.
- Moskalskaja O.L. (1998), Ngữ pháp văn bản, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
- Phan Ngọc (2000), Cách giải thích văn học bằng ngôn ngữ học, Nxb Trẻ, TP Hồ Chí Minh.
- Nunan D. (1997), Dẫn nhập phân tích diễn ngôn, Nxb Giáo dục, Nội.
- Đào Thản (1998), Từ ngôn ngữ chung đến ngôn ngữ nghệ thuật, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.
- Trần Ngọc Thêm (1999, tái bản), Hệ thống liên kết văn bản tiếng Việt, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
- Diệp Quang Ban (1998), “Về mạch lạc trong văn bản”, Ngôn ngữ (1), tr.47-55.
- Nguyễn Minh Thuyết, Nguyễn Văn Hiệp (1998), Thành phần câu tiếng Việt, Nxb Đại học Quốc gia, Hà Nội.
- Phạm Văn Tình (1999), Ngữ cảnh lâm thời và phép tỉnh lược, Báo cáo khoa học tại Hội thảo khoa học Việt – Nga, Viện Ngôn ngữ học, Hà Nội, tháng 11-1999.
- Phạm Văn Tình (2002), Phép tỉnh lược và ngữ trực thuộc tỉnh lược trong tiếng Việt, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.
- Viện Ngôn ngữ học (Hoàng Phê chủ biên) (2000), Từ điển tiếng Việt, Nxb Đà Nẵng – Trung tâm từ điển học.
- Nhiều tác giả (1998), Nam Cao về tác giả và tác phẩm, Nxb Văn học Hà Nội.
- Nhiều tác giả (2003), Nam Cao nhà văn hiện thực xuất sắc, Nxb Văn hoá – Thông tin, Hà Nội.
Tiếng Anh - Asher R. E. (Ed.)(1994), The Encyclopaedia of Language and Linguistics (10 vol.), Pergamon Press, Oxford – New York – Seoul – Tokyo.
- Austin J. L. (1962), How to do things with Words, Oxford, Claren Press.
- Grice H. P. (1975), “Logic and convesation”, Syntax and semantics, New York.
- Halliday M. A. K. (1998), An Introduction to Functional Gramar, Arnold, London – New York – Sydney – Aucland.
- Halliday M. A. K. and Hasan R. (1976), Cohesion in English, Longman, London.
- International Encyclopedia of Linguistics, 4 vol.. (1992), Oxford University Press.
- Lyons J. (1977), Semantics, Vol. 1, Cambridge University Press, London – New York – Melbourne.
Structure of interior monologue paragraphs in Nam Cao’s short stories
Abstract: The article explores the structure of interior monologue paragraphs in Nam Cao’s short stories, focusing on their formal expressions, introduction methods, and conclusion styles. It highlights the distinctive artistic technique of interior monologue, which contributes to the unique literary voice of Nam Cao. Through the use of interior monologue, Nam Cao has added a modern and innovative touch to Vietnamese literature in the national language, asserting himself as a talented and sophisticated realist writer. The article emphasizes Nam Cao’s skillful use of interior monologue to create vivid character representations, showcasing his mastery in the realm of realistic literature.
Key words: monologue; interior monologue; formal structure of speech; literary style; artistic technique.