PHAN VĂN HÒA* – GIÃ THỊ TUYẾT NHUNG**
* PGS.TS; Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Đà Nẵng; Email: hoauni@gmail.com
** Trường Trung học Phổ thông Trường Chinh, TP Kontum; Email: Gttnhung3009.tckt@kontum.edu.vn
TÓM TẮT: Bài viết nhằm phân tích và làm rõ các quá trình danh hóa của các lớp từ vựng, các chức năng của danh hóa; qua đó tìm hiểu danh hóa với tư cách là mặt biểu hiện của các loại ẩn dụ ngữ pháp: (1) Ẩn dụ ngữ pháp kinh nghiệm, (2) Ẩn dụ ngữ pháp liên nhân và (3) Ẩn dụ ngữ pháp văn bản. Bài viết, về mặt lí luận, dựa trên những góc nhìn mới của ngôn ngữ học chức năng và ngôn ngữ học tri nhận để phân tích và lí giải; về mặt thực tiễn và ứng dụng ngôn ngữ, dựa trên cứ liệu 364 mẫu danh hóa nhiều kiểu loại trong cuốn sách tiếng Anh “Happy Teachers Change the World” của Thích Nhất Hạnh và Katherine Weare (2017) – một văn bản sử dụng danh hóa một cách phong phú và sinh động, bài viết đề xuất các cách hiểu văn bản có danh hóa và ẩn dụ ngữ pháp sâu sắc hơn. Đồng thời, bài viết gợi ý các cách ứng dụng ẩn dụ ngữ pháp qua danh hóa trong việc nâng cao kĩ năng viết tiếng Anh, nhất là tiếng Anh học thuật một cách hiệu quả.
TỪ KHÓA: danh hóa; ẩn dụ ngữ pháp; văn bản; từ vựng; ngữ pháp. NHẬN BÀI: 22/11/2019.
BIÊN TẬP-CHỈNH SỬA-DUYỆT ĐĂNG: 10/1/2020
(Bài đăng trên Tạp chí số 1(293)-2020, tr.5-14)
1. Đặt vấn đề
Danh hóa từ lâu được tìm hiểu và nghiên cứu như một hiện tượng cấu tạo từ nhằm làm giàu vốn từ vựng và làm phong phú cách sử dụng từ trong văn bản. Khi Halliday (1985) khái quát một cách tương đối hệ thống về khái niệm ẩn dụ ngữ pháp trên cơ sở thực hiện chức năng của danh hóa trong phạm vi cấu tạo văn bản, danh hóa được nghiên cứu và quan tâm ở nhiều góc độ khác nhau. Halliday & Matthiessen (1985, 2004, 2014) cho rằng, danh hóa tạo ra phong cách viết cô đọng, đa dạng và trừu tượng, là đặc trưng phong cách viết khoa học trong tiếng Anh. Thomson (1999) khẳng định rằng, danh hóa là sử dụng hình thức định danh để diễn tả nghĩa quá trình. Langaker (2013) với tư tưởng tri nhận về ngôn ngữ cho rằng, các phạm trù phức tạp trong ngôn ngữ liên quan nhiều đến cách phân tích danh hóa ở các khái niệm như lược đồ hóa (schematization), lược đồ trừu tượng cao (highly abstract schema) và lược đồ cấp độ thấp (low-level schema),… Cũng từ đây, danh hóa cấp độ từ vựng và danh hóa cấp độ ngữ pháp-từ vựng hoặc cú pháp được nghiên cứu rõ hơn và danh hóa có chức năng trong ẩn dụ ngữ pháp được quan tâm đáng kể. Tuy nhiên, vì tính phức tạp cao của danh hóa, nhất là khi thực hiện chức năng ẩn dụ ngữ pháp, nếu không lưu ý đến những quá trình danh hóa, người học tiếng Anh có khi không hiểu một cách tường tận ý nghĩa sâu xa ẩn chứa trong những văn bản cô đọng ý nghĩa qua cách dùng rất đa dạng về từ ngữ cũng như các kiểu cấu trúc. Hoặc khi muốn viết khác đi để diễn đạt ý tưởng của mình phong phú hơn, người học tiếng Anh lại tỏ ra lúng túng, và chọn cách an toàn nhất là theo cấu trúc bình thường nhất. Vì thế, bài viết này một mặt nghiên cứu, khảo sát trên cứ liệu một văn bản cụ thể, phân tích hệ thống quá trình danh hóa, một mặt làm rõ hơn chức năng ẩn dụ của danh hóa để có thể ứng dụng hiệu quả.
2. Một số vấn đề lí luận
Mặc dù qua nhiều cách tiếp cận khác nhau về danh hóa, cho đến nay hầu hết các nhà nghiên cứu ngôn ngữ đều cơ bản cho rằng danh hóa là một sự chuyển đổi một diễn biến hay quá trình (process), một phẩm chất hay tính chất (quality), và một ước định hay đánh giá (assessment) trở thành một sự vật (thing). Ví dụ:
(1) Từ quá trình chuyển thành sự vật:
He practises listening deely. → His practice of deep listening.
(2) Từ phẩm chất trở thành sự vật:
I was not hungry to be free.→ I was not born with ahunger to be free.
(3) Từ ước định/ đánh giá trở thành sự vật:
I must do it. → It is myresponsibility to do it.
Tuy vậy, đi vào cụ thể, danh hóa phức tạp hơn nhiều và vì thế có nhiều công trình nghiên cứu sâu, tỉ mỉ. Lieber (2016), trong English Nouns-The Ecology of Nominalization là một ví dụ. Tác giả đã phân tích đến cùng quá trình danh hóa để xác định các hướng nghĩa bao trùm gồm nghĩa sự kiện, quá trình, trạng thái… được gọi chung là nghĩa sự kiện (eventive) như:
The Roman’s destruction of the city hoặc Her constant writing of notes.
Ngoài hướng nghĩa sự kiện (E: Event), tác giả nói đến hướng nghĩa tham chiếu về thế giới (R:referential) như embroidery (đồ trang trí: thuộc sản phẩm), residence (nơi cư ngụ: thuộc nơi chốn)…Trên cơ sở đó, tác giả phân tích từ các tiếp vĩ ngữ (suffixes) thành 14 lớp nghĩa có khi chồng lắp lên nhau như +ER trong teachER (tác thể/ agent) trong CookER (dụng cụ/ instrument), tạo thành bức tranh hiện nghĩa vô cùng sinh động khi danh hóa để giao tiếp. Halliday & Matthiessen (1985, 2004, 2014) phân tích danh hóa chủ yếu nói đến chức năng mới là ẩn dụ ngữ pháp và điều này đã thu hút rất lớn các công trình nghiên cứu tiếp theo: danh hóa được biết đến như là một nguồn lực duy nhất, lớn nhất để tạo ra ẩn dụ ngữ pháp. Quirk, Greenbaum, Leech và Svartvik (1985) lập luận rằng, danh hóa có chức năng như một cụm danh từ tương ứng một cách hệ thống với cấu trúc mệnh đề. Dựa trên quan điểm của ngôn ngữ học chức năng và ngôn ngữ học tri nhận, Heyvaert (2003) lập luận rằng, danh hóa:
Trước hết có thể là những cấu trúc được chuyển loại từ động từ sang danh từ như computer(máy tính), bestseller (cái) được bán chạy nhất), hoặc như:
Removal of references to the monarch is an act of sedition and a breaking of the oath of office taken by politicians (Không tham vấn nhà vua là một hành động nổi loạn và một hành vi bội ước về lời thề nhậm chức của các nhà chính trị).
Thứ hai, danh hóa tạo ra những cấu trúc giao thoa giữa một động từ và một mệnh đề đầy đủ và từ đó tạo ra những chủ định danh phức tạp (complex nominal heads) như:
Since old Nanapush had saved her from death, since he was her only friend on the reservation, her visiting the manstood to reason. (Bởi vì lão Nanapush đã cứu nàng thoát chết, bởi vì ông ta là người bạn duy nhất của nàng trên lãnh địa này, cho nên chuyến thăm của nàng đến người đàn ông này là có thể giải thích được.)
Thứ ba, danh hóa có thể bao gồm những mệnh đề có chức năng như là những tập hợp định danh đầy đủ như:
I am not a father who regrets that he didn’t see them enough because of work(Tôi không phải là một người cha hối tiếc rằng vì công việc mà mình đã không chăm nom con cái đầy đủ). Qua những ý tưởng trên về danh hóa, chúng ta có thể nhận ra tính phức tạp về cấu tạo, về ngữ nghĩa và về chức năng của danh hóa. Mặc dù vậy, có hai điểm then chốt bộc lộ ra ở đây: Về mặt cấu tạo, danh hóa như một phương thức cấu tạo từ, chủ yếu là chuyển loại phạm trù động từ, danh từ, tính từ và trạng từ; về phương diện này danh hóa thường ở cấp độ từ vựng và được gọi là danh hóa đơn giản. Về mặt chức năng, danh hóa là một quá trình chuyển nghĩa; và khi quá trình này được sắp xếp mang tính cú pháp để thể hiện nghĩa mô tả, ý tưởng trọn vẹn, nhất là khi đảm đương chức năng của ẩn dụ ngữ pháp, thường ở cấp độ cú pháp, được gọi là danh hóa phức tạp.
3. Phương pháp nghiên cứu và giới thiệu văn bản làm dữ liệu
Phân tích và tổng hợp là hai bước chủ yếu của quá trình nghiên cứu. Thống kê các mẫu trong văn bản một mặt để làm dữ kiện phân tích, một mặt như là những minh họa và minh chứng để thuyết giải từ những lập luận trên.
Văn bản là tiếng Anh nguyên gốc, có tên “Happy Teachers Change The World” (và có cả bản tiếng Việt: Thầy cô giáo hạnh phúc sẽ thay đổi thế giới), được viết bởi Thiền sư Thích Nhất Hạnh và TS. Katherine Weare. Sách được xuất bản năm 2017, do nhà xuất bản Parallax Press, California.
Thích Nhất Hạnh, tên khai sinh là Nguyễn Xuân Bảo, sinh năm 1926 tại Thừa Thiên-Huế, là nhà sư, nhà thơ, nhà hoạt động vì hòa bình được tôn vinh trên khắp thế giới. Năm 2019, được Quỹ Hòa Bình Schengen và Diễn đàn Hòa bình Thế giới trao giải thưởng Hòa Bình Trong Tâm (Inner Peace). Ông có hơn 100 tác phẩm bằng tiếng Việt và tiếng Anh với phong cách viết cô đọng, khoa học và gần gũi với mọi tầng lớp xã hội.
Karherine Weare, tiến sĩ, giáo sư giáo dục học thuộc đại học Southmpton và đại học Exceter, Vương quốc Anh. Bà nổi tiếng thế giới qua nhiều công trình nghiên cứu, bài viết đặc biệt dành cho giáo dục trẻ em.
4. Kết quả và thảo luận
Từ các quan điểm trên và dựa vào cứ liệu 364 mẫu thu thập được từ văn bản đã giới thiệu, bài viết chia danh hóa làm 3 loại: (1) Danh hóa đơn, danh hóa phức không ẩn dụ, và danh hóa ẩn dụ.
4.1. Danh hóa đơn: Danh hóa đơn theo thống kê có 5 loại với số lượng 126. Có số lượng lớn nhất là loại danh hóa chuyển đổi từ động từ sang danh từ, theo bảng dưới đây.
Bảng 1. Danh hóa: chuyển loại, số lượng và tần số xuất hiện
Quá trình chuyển loại | Số lượng | Tần số | Ví dụ |
1. Động từ → Danh Từ (Verb → NOUN) | 81 | 64% | Teach → teacher |
2. Tính từ → Danh từ (Adjective → NOUN) | 39 | 31% | Complex → Complexity |
3. Trạng từ → Danh từ (Adverb → Noun) | 2 | 1,6% | Here →The here |
4. Danh từ →Tính từ → Danh từ (N →Adj → NOUN) | 3 | 2,4% | Mind →Mindful → Mindfulness |
5. Động từ →Adj → NOUN | 1 | 0,8% | Interconnect → interconnected → Interconnectedness |
4.2. Danh hóa phức:Danh hóa phức thường mang tính cú pháp.Về mặt này, danh hóa được cho là một phương thức chuyển một cấu trúc mệnh đề sang nhóm định danh nơi đó động từ, tính từ…trở thành trung tâm của nhóm định danh. Theo Givón (1993), danh hóa mang tính cú pháp được định nghĩa là diễn trình (process), qua đó, mệnh đề có động từ chủ đạo, bất kể là một động từ hay cả nhóm động từ (trừ chủ ngữ) chuyển thành một danh ngữ. Danh hóa phức, theo thống kê có hai loại với tổng số là 100, gồm danh hóa ở cấp độ cụm từ và danh hóa ở cấp độ mệnh đề, như bảng sau đây:
Bảng 2. Các loại danh hóa phức: số lượng, xác suất
Loại danh hóa phức | Số lượng | Xác suất | Ví dụ |
1. Trong khuôn khổ cụm từ (Phrasals) | 69 | 69% | – Letting go of our thinking about the past or the future. |
2. Trong khuôn khổ mệnh đề (Clauses) |
31 | 31% |
– Whoever teaches mindfulness has to have a personal practice. |
4.3. Danh hóa có chức năng ẩn dụ ngữ pháp
Theo Taviers (2004), một cách khái quát nhất theo cơ chế cấu tạo, có hai loại ẩn dụ: ẩn dụ từ vựng (lexical meatphor) và ẩn dụ ngữ pháp (grammatical metaphor). Thực chất đây là cách nhìn ngôn ngữ mà Halliday (1985) từng nói đến là nhìn từ phía dưới (from below, từ vựng) và nhìn từ phía trên (from above, từ vựng-ngữ pháp). Ví dụ:
Blood bank (ngân hàng máu): ngân hàng theo nghĩa thông thường là nơi lưu giữ những gì có giá trị cao như tiền để phục vụ trong lĩnh vực kinh tế-xã hội. Ở đây, bank được sử dụng như là nơi chứa máu – một loại giá trị nhưng không phục vụ kinh tế-xã hội mà để cứu người, được gọi là (1) Ẩn dụ từ vựng;ẩn dụ từ vựng có thể phát triển thành ẩn dụ tri nhận (conceptual metaphor) như trong những câu thơ của Nicolas Jordon: My love for you is vaster than the ocean (Tình yêu anh dành cho em còn bao la hơn biển cả) [Nicholas Jordon, I’m sorry for the way I say I loveyou]. Xuân Diệu cũng có cách diễn tả tương tự: Cao rộng tình ta rực ráng chiều (Our high and wide love, radiant evening clouds). Theo nghĩa thường hiểu, tình yêu là một phạm trù ngữ nghĩa trừu tượng thuộc cảm xúc không thể có chiều cao hay chiều rộng, không thể có kích cỡ bao la. Tuy nhiên, trong trường hợp các câu thơ trên, tình yêu được ý niệm hóa là một vật thể (object); và nhờ vậy, có thể diễn tả qua màu sắc (rực ráng chiều) qua hình dạng (cao, rộng, bao la). Loại ẩn dụ này được gọi là Ẩn dụ ý niệm. Cũng từ ẩn dụ ý niệm lại có thể có những kiểu loại ẩn dụ khác nữa như ẩn dụ bản thể, ẩn dụ xu hướng… (xem Lakoff & Johnsen, 2003). Ngoài ẩn dụ từ vựng là (2) Ẩn dụ ngữ pháp được cấu tạo chủ yếu từ danh hóa và có các tiểu loại.
4.3.1 Ẩn dụ ngữ pháp
Trong cuốn “Introduction to Functional Grammar” lần xuất bản đầu tiên (1985), ngay trong những trang giới thiệu, Halliday đã dành gần trọn một trang nói về ẩn dụ ngữ pháp. Mặc dù Halliday cho rằng ẩn dụ ngữ pháp là một nét nổi bật của ngôn ngữ người lớn nhưng vẫn nhấn mạnh rằng trẻ em ở độ tuổi 5-10 tuổi vẫn nắm được nghĩa của ẩn dụ ngữ pháp, bởi lẽ các em đã bắt đầu nắm những khái niệm trừu tượng, phổ quát. Cũng trong cuốn sách này (tái bản lần 4, 2014), Halliday dành trọn chương cuối thảo luận về các phương thức diễn đạt ẩn dụ, ẩn dụ ngữ pháp và danh hóa.Điều này chứng tỏ ẩn dụ ngữ pháp và danh hóa có mối quan hệ đặc biệt và có vai trò lớn về mặt lí luận cũng như thực hành ngôn ngữ.
Theo Halliday (2014), ẩn dụ ngữ pháp là hiện tượng chuyển hóa phạm trù, là sự thay thế thể loại hoặc cấu trúc ngữ pháp này sang một thể loại hoặc cấu trúc ngữ pháp khác. Hình thức đơn giản nhất về sự chuyển hóa từ mệnh đề không ẩn dụ sang nhóm định danh ẩn dụ ngữ pháp như I originally intended/ Thoạt tiên tôi có ý định là mệnh đề không ẩn dụ → my original intention/ ý định từ đầu của tôi là danh hóa ẩn dụ. Halliday cho thấy quá trình chuyển loại/ chuyển phạm trù một cách cụ thể theo bản sau:
Bảng 3. Nhóm định danh ẩn dụ thể hiện hình thái chuyển đổi (Theo Halliday, 2014, tr.726)
‘I’ | ‘orginally’ | ‘intended’ |
Subject | Adjunct | Finite/ Predicator |
Senser | Process | |
Nominal group | Adverbial group | Verbal group |
my | original | intention |
Deitic | Post- Deitic | Thing |
determiner | adjective | noun |
Halliday (2014) tiếp tục giữ cặp khái niệm congruent (tương thích, mô tả theo thực tế) và incongruent (không tương thích, ẩn dụ) để dẫn giải mối quan hệ từ vựng ngữ pháp và ngữ nghĩa; từ đó nêu ra các loại ẩn dụ ngữ pháp gồm ẩn dụ ngữ pháp kinh nghiệm (Ideational grammatical metaphor), ẩn dụ ngữ pháp liên nhân (interpersonal grammatical metaphor) và ẩn dụ ngữ pháp văn bản (textual grammatical metaphor). Như nhiều nhà ngôn ngữ học khác, Liardet (2016) đã vận dụng quan điểm của Halliday giải thích sâu về ẩn dụ ngữ pháp theo các hình sau:
Hình 1 cho thấy mối quan hệ giữa từ vựng-ngữ pháp (vòng tròn bên trong) và ngữ nghĩa văn bản (vòng tròn bên ngoài), khi diễn đạt câu tương thích, không ẩn dụ:
(a) Because more people are immigrating to Sydney,properties cost more money (Bởi vì ngày càng nhiều người tới định cư ở Sydney nên giá cả bất động sản tăng cao).
Từ đó, nhờ sử dụng phương thức ẩn dụ ngữ pháp có thể tạo thành nhiều biến thể mệnh đề, ít nhất là hai kiểu loại như Hình 2 và Hình 3 sau:
(b) Due to increased immigration to Sydney, properties cost more money (Vì di cư đến Sydney ngày càng tăng, giá bất động sản tăng theo).
(c) Sydney’s immigration growth has led to increased property costs (Phát triển dân số nhập cư của Sydney dẫn đến giá cả bất động sản tăng cao).
4.3.1.1 Ẩn dụ ngữ pháp kinh nghiệm
Ẩn dụ ngữ pháp kinh nghiệm có 3 loại:
– Danh hóa diễn trình:
Danh hóa diễn trình là phương thức chuyển từ cấu trúc diễn trình gồm Tham thể + Động từ (+ Chu cảnh) thành cụm danh từ. Điểm mấu chốt ở đây là chuyển đổi diễn trình (động từ) sang hướng định danh.
Ví dụ: Cấu trúc không ẩn dụ:
(a) If we practice to breathe mindfully while we walk, we may recognize it is a wonder that we are alive and that we are making steps on this beautiful planet (Nếu chúng ta tập thở chánh niệm khi chúng ta đi bộ, chúng ta có thể nhận thức rằng đó là một điều kì diệu là chúng ta đang sống và chúng ta đang nâng từng bước chân ta trên hành tinh tuyệt đẹp này).
Dùng phương thức danh hóa diễn trình để trở thành ẩn dụ ngữ pháp:
(b) If we practice mindful breathing while walking, we may recognize it is a wonder that we are alive and that we are making steps on this beautiful planet. (Nếu thực tập hơi thở chánh niệm khi đi, ta có thể nhận ra rằng còn sống là một điều rất màu nhiệm và ta đang bước đi trên hành tinh xinh đẹp này).
– Danh hóa chu cảnh:
Danh hóa chu cảnh là phương thức chuyển một cấu trúc mệnh đề sang nhóm định danh nơi đó trạng từ trở thành trung tâm của nhóm định danh.
Ví dụ: Cấu trúc bình thường, không ẩn dụ:
(a) Colleagues invest impactfully on the students in their classes (Đồng nghiệp đã đầu tư một cách đầy tác động cho học sinh trong lớp học).
Dùng phương thức danh hóa chu cảnhđể trở thành ẩn dụ ngữ pháp:
(b) Colleagues could also see the impact of their investment on the students in their classes (Đồng nghiệp cũng có thể thấy được ảnh hưởng mà họ đã đầu tư cho học sinh trong lớp học).
– Danh hóa phẩm định:
Phẩm định có thể được nhận ra từ tính từ, cụm giới từ hoặc danh từ. Ví dụ:
(a) Sarah is wise. (Wise: tính từ)
(b) The fair is on a Tuesday. (On a Tuesday: cụm giới từ)
(c) Peter has a piano. (A piano: danh từ)
Danh hóa phẩm định thường xảy ra với nhóm tính từ. Danh hóa phẩm định được định nghĩa là phương thức chuyển từ cấu trúc phẩm định sang nhóm định danh trong đó tính từ trở thành danh từ trong mệnh đề mới. Ví dụ:
Cấu trúc bình thường, không ẩn dụ:
It is joyful to walk just for the sake of walking (Đi để mà đi là vui rồi).
Dùng phương thức danh hóa chu cảnh để trở thành ẩn dụ ngữ pháp:
It is a joy to walk just for the sake of walking (Đi để mà đi là một niềm vui).
Kết quả thống kê về ẩn dụ kinh nghiệm gồm danh hóa diễn trình, danh hóa chu cảnh và danh hóa phẩm định:
Bảng 4. Ba loại Ẩn dụ kinh nghiệm: số lượng, xác suất
Ẩn dụ kinh nghiệm | Số lượng | Xác suất | Ví dụ |
Danh hóa diễn trình | 52 | 80% | If we practice mindful breathing while walking, we may recognize it is a wonder that we are alive and that we are making steps on this beautiful planet. (p.4) |
Danh hóa chu cảnh | 4 | 6,2% | Colleagues could also see the impact of their investment on the students in their classes.(p.185) |
Danh hóa phẩm định | 9 | 13,8% |
It is a joy to walk just for the sake of walking. |
4.3.1.2 Ẩn dụ ngữ pháp liên nhân
Ẩn dụ liên nhân được Halliday (2014) giải thích là cách diễn đạt các ý nghĩa tình thái ở bên ngoài cú, chẳng hạn bằng phương tiện của một cú (cú, theo Hoàng Văn Vân) phóng chiếu bổ sung. Ví dụ:
(a) Tương thích/ không ẩn dụ: it’s probablygoing to rain. (Trời có thể mưa).
(b) Ẩn dụ ngữ pháp liên nhân: I think it’s going to rain. (Tôi nghĩ trời sẽ mưa). Ẩn dụ ngữ pháp liên nhân được tổ chức trong hai hệ thống: hệ thống Thức và hệ thống Tình thái,có thể được phân biệt như sau:
– Ẩn dụ tình thái
Ẩn dụ tình thái là hiện thực hóa một cách tường minh các ý nghĩa tình thái. Người nói diễn đạt quan điểm của mình bằng những cú riêng biệt theo những cách khác nhau. Trong ẩn dụ tình thái, sự thay đổi về ngữ pháp xảy ra dựa trên mối quan hệ logic-ngữ nghĩa của phóng chiếu. Trong khi các ý nghĩa tình thái được hiện thực hóa một cách tương thích bằng những thành phần tình thái trong cú (nghĩa là, các tác tử tình thái, các phụ ngữ tình thái hay các phụ ngữ thức).
Ví dụ: Cấu trúc bình thường, không ẩn dụ:
(a) Our ancestors must be no longer alive, but when we look deeply we see that that is not true (Tổ tiên của chúng ta hẳn đã qua đời rồi nhưng nếu nhìn sâu chúng ta sẽ thấy điều đó không đúng). Ẩn dụ tình thái:
(b) We think that our ancestors are no longer alive, but when we look deeply we see that that is not true (Chúng ta nghĩ rằng tổ tiên của chúng ta đã qua đời rồi, không còn sống nữa, nhưng nếu nhìn sâu chúng ta sẽ thấy điều đó không đúng).
– Ẩn dụ thức
Ẩn dụ thức được hiểu là sự chuyển đổi các lệnh thành các yêu cầu. Với phép ẩn dụ thức, hệ thống ngữ nghĩa của chức năng lời nói được tạo ra trở nên phức tạp hơn, tế nhị hơn.
Ví dụ: Cấu trúc bình thường, không ẩn dụ:
(a) Look into this glass and be in contact with all the human beings that reflected and worked in the past to make this glass available for you now (Hãy nhìn vào cái ly và hãy tiếp xúc với tất cả những người trong quá khứ đã nghĩ và đã làm ra cái ly cho ta sử dụng bây giờ).
Ẩn dụ thức:
(b) Could youlook into this glass and be in contact with all the human beings that reflected and worked in the past to make this glass available for you now? (Xin (các bạn, các em…) nhìn vào cái ly và xin tiếp xúc được với tất cả những người mà trong quá khứ đã nghĩ và đã làm ra cái ly ấy để cho ta sử dụng bây giờ nhé?).
Thống kê cho thấy Ẩn dụ liên nhân có hai loại với tổng số là 47, gồm Ẩn dụ tình thái và Ẩn dụ thức được xác lập trong bảng sau đây:
Bảng 5. Hai loại ẩn dụ liên nhân: số lượng, xác suất
Ân dụ liên nhân | Số lượng | Xác suất | Ví dụ |
Ẩn dụ tình thái | 40 | 85% | We think that our ancestors are no longer alive, but when we look deeply we see that that is not true |
Ẩn dụ thức | 7 | 15% | Could you look into this glass and be in contact with all the human beings that reflected and worked in the past to make this glass available for you now? |
4.3.1.3. Ẩn dụ ngữ pháp văn bản
Theo Martin (1992), Ẩn dụ văn bản là một thuật ngữ hữu ích “khi các hệ thống diễn ngôn được sử dụng để hiểu văn bản như một thực tế xã hội”. Martin xác định có bốn loại ẩn dụ văn bản là (1) quan hệ kèm thông điệp (meta-message relation), (2) quy chiếu văn bản (text reference), (3) tổ chức văn bản thương lượng (negotiating texture) và (4) nối kết nội bộ văn bản (internal conjunction). Theo Martin, các yếu tố quy chiếu văn bản (text references) như this không phải là tham thể mà là sự kiện kết nối văn bản và các yếu tố nối kết nội bộ văn bản (internal conjunctions) như as an introduction không bao giờ chỉ hoạt động. Ngay đến các trường hợp như let me begin by,… được sử dụng để hướng tới ý nghĩa liên nhân, khi văn bản độc thoại được hiểu như là văn bản đối thoại. Ví dụ:
I think Governments are necessary at different levels for a number of reasons. Let me begin by pointing out that the Federal Government fixes up problems that occur in the community. Another exampleis that the State Government looks after school; this prevents vandalism and fighting. As a final point, the Local Government is important to look after rubbish: otherwise everyone would have diseases. As a result of these factors, Government at several administrative levels are necessary (Martin 1992). (Tôi nghĩ rằng Chính phủ rất cần thiết ở các cấp độ khác nhau vì nhiều lẽ. Cho phép tôi bắt đầu chỉ ra việc Chính quyền Liên bang giải quyết các vấn đề xảy ra trong cộng đồng. Một ví dụ nữa là Chính quyền quan tâm đến trường học; điều này ngăn ngừa phá hoại và xung đột xảy ra. Cuối cùng là, Chính quyền địa phương đóng vai trò quan trọng trong việc xử lí rác: nếu không mọi người sẽ mắc bệnh. Do các yếu tố này, Chính quyền ở một số cấp hành chính là cần thiết).
Theo Martin, những cụm từ như a number of reasons, another example, as a final point and as a result of these factors có chức năng nối kết nội bộ văn bản; let me begin by pointing out that có chức năng là nối kết văn bản có tính đàm phán (negotiating texture); this có chức năng là quy chiếu văn bản. Tuy nhiên, một nghiên cứu mới đây của He,Yang, và Wen (2015) dưới góc nhìn chức năng nối kết (relator) cho rằng có 5 loại ẩn dụ ngữ pháp văn bản; theo đó, có sự chuyển loại từ các văn bản không ẩn dụ như: (a) She didn’t know the rules. Consequently, she died. (b) She didn’t the rules; so she died. (c) Because she didn’t know the rules, she died, (các cặp mệnh trên dùng các từ nối kết như consequently, so, because) đến các văn bản có ẩn dụ ngữ pháp văn bản như (d) Her ignorance of the rules caused her to die và (e) The cause of her death was her ignorance of the rules.
Theo thống kê từ “Happy Teachers Change The World”, ẩn dụ văn bản có hai loại với tổng số là 26 mẫu như bảng sau đây:
Bảng 6. Hai loại ẩn dụ ngữ pháp văn bản: số lượng, xác suất
Ẩn dụ NP văn bản | Số lượng | Xác suất | Ví dụ |
Quy chiếu văn bản | 9 | 34,6% | “Breathing in, I know I have a body, and mybody is a wonder of life.”. This is a very concrete way to enjoy having a body. |
Nối kết nội bộ văn bản | 17 | 65,4% | As an introduction, I will usually offer a short guided mindful breathing practice. I also know that students have taken this practice and used it at home to help themselves – for example, when they are feeling a gitated or they can’t sleep. (p.55) |
4.3.2 Ứng dụng
Danh hóa không ẩn dụ là một lĩnh vực rất phong phú. Hiểu biết và vận dụng các quy tắc danh hóa sẽ giúp người học làm giàu vốn từ vựng của mình. Hơn thế nữa, nắm được danh hóa không những giúp hiểu sâu ý nghĩa văn bản mà còn giúp sáng tạo văn bản một cách uyển chuyển, chủ động. Đối với danh hóa ẩn dụ nói riêng và ẩn dụ ngữ pháp nói chung, vấn đề ứng dụng lại vô cùng phong phú. Derewianka (1995) thu thập dữ liệu từ trẻ em và quan sát vai trò của ẩn dụ ngữ pháp trong sự phát triển ngôn ngữ từ thời thơ ấu đến tuổi thiếu niên, thấy rằng ẩn dụ ngữ pháp cũng là ngôn ngữ của trẻ, và cũng phân loại ẩn dụ văn bản như phân loại của Martin (1992). Taverniers (2004) khẳng định rằng ứng dụng ẩn dụ ngữ pháp là rất hữu dụng trong viết khoa học, phát triển ngôn ngữ và dạy viết học thuật.
Chính vì vậy, để có thể ứng dụng tốt nhất, trong giảng dạy ngôn ngữ, cần nắm bắt một cách hệ thống kiến thức về danh hóa, về ẩn dụ ngữ pháp để có thể triển khai tốt nhất các mục đích phát triển ngôn ngữ và phát triển các kĩ năng ngôn ngữ, nhất là kĩ năng viết tiếng Anh.
5. Kết luận
Những khảo sát trên từ một văn bản có chủ đề lớn “Happy Teachers Change The World” của những tác giả nổi tiếng về tư tưởng và cách diễn đạt tư tưởng: Thiền sư Thích Nhất Hạnh và TS. Katherine Weare, cho thấy danh hóa và ẩn dụ ngữ pháp chiếm số lượng khá lớn: 364 mẫu với rất nhiều kiểu loại. Danh hóa không ẩn dụ chiếm số lượng lớn nhất: 226/364 trong đó danh hóa đơn là 126 và danh hóa phức là 100. Còn lại là danh hóa thực hiện chức năng ẩn dụ ngữ pháp là 138, trong đó ẩn dụ ngữ pháp kinh nghiệm là 65, đứng đầu bảng, thứ đến là ẩn dụ liên nhân gồm 47 trường hợp, và cuối cùng là ẩn dụ ngữ pháp văn bản gồm 26 cách nối văn bản rất thú vị.
Về mặt lí luận, bài viết đã nêu lên những vấn đề có tính cơ sở, đồng thời cũng cho thấy tính phức tạp khi dẫn giải các ý tưởng mới từ một số nhà nghiên cứu, đã gợi ra nhiều điều cần phải tiếp tục suy gẫm, nghiên cứu và thảo luận. Về mặt ứng dụng, rõ ràng là vô cùng cần thiết. Điều quan trọng là làm sao người dạy và người học tiếng Anh cần lưu ý, quan tâm hơn nữa để từng bước ứng dụng các thành quả nghiên cứu về danh hóa, về ẩn dụ ngữ pháp trong ứng dụng ngôn ngữ như đọc hiểu, nghe hiểu, nói và nhất là viết học thuật, viết khoa học và viết văn phong cô đọng nhưng trong sáng, dễ hiểu và tạo ra sự thú vị lớn nhất cho người lĩnh hội văn bản.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Givon,T. (1993), English Grammar: A function-based introduction ©John enjamins Publishing Company.
- Halliday, M.& Matthiessen (2014), Introduction to Functional Grammar. Fourth Edition. London: Arnold.
- Heyvaert, L. (2003), A cognitive-functional approach to nominalization in English. Berlin New York, Mouton de Gruyter.
- Hoàng Văn Vân (2012), An experiential grammar of the Vietnamese clause, Vietnam Education Publishing House.
- Kazemian,B.(2013), “Ideational Grammatical Metaphor in Scientific Texts: A Halliday an Perspective”, International Journal of Linguistics, V.5, N.4.
- Liardet, L.( 2016), “Nominalization and grammatical metaphor: Elaborating the theory”, Elsevier, Journal English for Specific Purposes, 44.
- Lakoff, G and Johnson, M. (1980), Metaphor We live By. The University of Chicago Press.
- Lieber, R. (2016), English Nouns: The Ecology of Nominalization. Cambridge: Cambridge University Press.
- Langacker, R. (2013), Essentials of Cognitive Linguistics, Oxford University Press.
- Martin, J.(1992), Mathematical Discourse: Language, Sybolism and Visual Images. London.
- Quirk,R., Greenbaum, Leech and Svartvik (1985), A comprehensive grammar of the English language. London: Longman.
- Taverniers,M. ( 2004), Grammatical Metaphor in English, University Ghent.
- Yang, B.,(2017), Textual Metaphor Revisited. Australian Journal of Linguistics.
NGUỒN NGỮ LIỆU - Thich Nhat Hanh and Katherine Weare. (2017), Happy Teachers Change The World. Parallax Press; Red River Foreign Languages Publishing House, Ha Noi.
- Xuân Diệu. (1938), “Thơ Thơ”: Thổn thức nỗi niềm của Xuân Diệu. Ðời nay, Hà Nội.
Nominalization and gramatical metaphor from the view of usage
Abstract: The paper aims at analysing and clarifying the processes of nominalizing word classes and nominal functions. From doing so we discover the ways of expressing the types of grammatical metaphor (GM): (1) ideational GM, (2) Interpersonal GM, and (3) textual GM. In theory, the analysis and explanations of the paper are based on the new points of view- functional grammar and cognitive grammar. In practice, the book “Happy Teachers Change The World” by Zen Master Thích Nhất Hạnh và Educator Dr. Katherine Weare, is used as the source of data collected and the evidences for the existence and the functions of nominalization in non – grammatical metaphor and grammatical metaphor cases. The writers also focus on applying nominalization and GM in teaching-learning English.
Key words: nominalization; grammatical metaphor; text; lexicon; grammar.