Động từ chỉ tâm trạng trong đờn ca tài tử Nam Bộ

TRẦN THANH VÂN* – HOÀNG THỊ HƯƠNG**
*TS; Trường Đại học Đồng Tháp; Email: trthanhvan1010@gmail.com
** Cao học Ngôn ngữ Việt Nam; Trường Đại học Đồng Tháp; Email: hoangthihuongthptth@gmail.com

TÓM TẮT:Động từ là một vấn đề đã được nhiều nhà nghiên cứu quan tâm trên nhiều phương diện. Tuy nhiên, nghiên cứu nhóm động từ chỉ tâm trạng trong Đờn ca tài tử Nam Bộ vẫn là một vấn đề mới, đáng lưu tâm. Bài viết của chúng tôi đi vào tìm hiểu Động từ chỉ tâm trạng trong Đờn ca tài tử Nam Bộ với mong muốn chỉ ra những đặc trưng riêng trong việc sử dụng động từ chỉ tâm trạng ở loại hình giao tiếp đặc thù và qua đó rút ra một số đặc trưng văn hóa của người Nam Bộ. Các nhóm động từ chỉ tâm trạng chúng tôi tập trung nghiên cứu gồm: động từ chỉ tâm trạng yêu thương, động từ chỉ tâm trạng buồn, động từ chỉ tâm trạng nhớ nhung, động từ chỉ tâm trạng mong chờ, động từ chỉ tâm trạng vui, động từ chỉ tâm trạng lo sợ và động từ chỉ tâm trạng trách giận.

TỪ  KHÓA: động từ; tâm trạng; động từ chỉ tâm trạng; Đờn ca tài tử; Nam Bộ.

NHẬN BÀI: 20/8/2020.                  BIÊN TẬP-CHỈNH SỬA-DUYỆT ĐĂNG: 15/10/2020
(Bài đăng trên Tạp chí số 10(303)-2020, tr.111-116)

1. Mở đầu

Đờn ca tài tử Nam Bộ của Việt Nam là một loại hình nghệ thuật có sức sống bền lâu, là kết quả của quá trình tư duy, lao động sáng tạo trên cơ sở kết tinh từ những giai điệu âm nhạc theo dòng người tứ xứ về đây, in đậm bản sắc tâm hồn cốt cách của con người Nam Bộ. Đối với người dân Nam Bộ, Đờn ca tài tử giữ một vị trí vô cùng quan trọng trong đời sống văn hóa tinh thần của họ. Hiện nay có nhiều bài viết, công trình nghiên cứu Đờn ca tài tử trên nhiều phương diện như: tiết tấu, nhạc điệu, giá trị văn hóa… Nhưng việc nghiên cứu Đờn ca tài tử dưới góc độ ngôn ngữ học vẫn là một hướng tiếp cận mới. Vì vậy, bài viết của chúng tôi đi vào tìm hiểu vấn đề Động từ chỉ tâm trạng trong Đờn ca tài tử Nam Bộ. Mục đích của chúng tôi qua bài viết này là chỉ ra đặc điểm cơ bản của động từ chỉ tâm trạng trong Đờn ca tài tử Nam Bộ, đồng thời rút ra một số đặc trưng riêng trong việc sử dụng động từ chỉ tâm trạng của người Nam Bộ so với người ở vùng đất khác, qua đó rút ra một số đặc trưng văn hóa của người Nam Bộ qua việc sử dụng động từ chỉ tâm trạng trong Đờn ca tài tử Nam Bộ.

2. Đặc điểm sử dụng động từ chỉ tâm trạng trong Đờn ca tài tử Nam Bộ

Động từ chỉ tâm trạng là những từ có ý nghĩa biểu thị trạng thái, tình cảm của con người như yêu thương, thích, ghét, lo, sợ, mong nhớ, thấp thỏm, lo lắng, hồi hộp… Tiến hành khảo sát 296 bài vọng cổ, chúng tôi thu được 114 động từ chỉ tâm trạng, với tổng số lần xuất hiện là 2.303 lần. Chúng tôi chia lớp động từ chỉ tâm trạng thành 7 nhóm: động từ chỉ tâm trạng yêu thương, động từ chỉ tâm trạng buồn, động từ chỉ tâm trạng nhớ nhung, động từ chỉ tâm trạng mong chờ, động từ chỉ tâm trạng vui, động từ chỉ tâm trạng lo sợ và động từ chỉ tâm trạng trách giận. Kết quả thống kê cụ thể tần số xuất hiện của bảy nhóm động từ trên được chúng tôi thể hiện ở bảng sau:

Bảng thống kê tần số xuất hiện của các nhóm động từ chỉ tâm trạng trong Đờn ca tài tử Nam Bộ

TTCác nhóm động từ chỉ tâm trạngTần số xuất hiệnTỉ lệ %
1Động từ chỉ tâm trạng yêu thương66729%
2Động từ chỉ tâm trạng buồn38816,8%
3Động từ chỉ tâm trạng nhớ nhung36115,7%
4Động từ chỉ tâm trạng mong chờ25311%
5Động từ chỉ tâm trạng vui24310,6%
6Động từ chỉ tâm trạng lo sợ2089%
7Động từ chỉ tâm trạng trách giận1837,9%
Tổng2303100%

Kết quả thống kê cho thấy các nhóm động từ chỉ tâm trạng yêu thương, buồn, nhớ xuất hiện với tỉ lệ cao. Động từ chỉ tâm trạng yêu thương xuất hiện 667 lần (29%), động từ chỉ tâm trạng buồn xuất hiện 388 lần (16,8%) và động từ chỉ tâm trạng nhớ nhung xuất hiện 361 lần (15,7%). Sở dĩ ba nhóm động từ này xuất hiện nhiều vì trong 296 bài vọng cổ chúng tôi khảo sát có hơn 2/3 những bài hát viết về đề tài tình yêu đôi lứa với những bài hát tỏ tình yêu thương, nhớ mong khi xa cách, chờ mong hẹn ước. Đồng thời, đây cũng là cách bộc lộ cảm xúc thái độ một cách trực tiếp nhưng vẫn rất sâu sắc, tế nhị và duyên dáng. Nhóm động từ chỉ tâm trạng xuất hiện ít nhất là động từ chỉ tâm trạng trách giận xuất hiện183 lần (7,9%). Con số này cho thấy người Nam Bộ rất coi trọng tình cảm, có lối sống nặng tình, nặng nghĩa. Việc trách móc giận hờn có thể làm tổn thương tình cảm, nên họ ít dùng. Để hiểu rõ hơn sắc thái nghĩa tinh tế của các loại động từ chỉ tâm trạng được sử dụng trong Đờn ca tài tử Nam Bộ, chúng tôi đi vào phân tích cụ thể:

2.1. Động từ chỉ tâm trạng yêu thương

Từ điển tiếng Việt định nghĩa: “Yêu là có tình cảm dễ chịu khi tiếp xúc với một đối tượng nào đó, muốn gần gũi và thường sẵn sàng vì đối tượng đó mà hết lòng, hoặc có tình cảm thắm thiết dành riêng cho một người khác giới nào đó, muốn chung sống và cùng nhau gắn bó cuộc đời [7, tr.1482]. Thương là có tình cảm gắn bó và thường tỏ ra quan tâm, chăm sóc” [7, tr.1235]. Có thể nói, nét đặc trưng trong Đờn ca tài tử Nam Bộ là việc bộc lộ cảm xúc, thái độ về tình yêu đôi lứa. Khi thương một ai đó hay khi đã yêu một ai đó, trong những bài vọng cổ giao duyên hay những bài đờn ca tự sự, nhân vật trữ tình thường nói thương. Như vậy, với cách nói này thì thương bao gồm cả hai trạng thái là thươngyêu. Đây có thể xem là một nét tính cách mà chỉ thấy ở người Nam Bộ, ít xuất hiện ở các vùng miền khác. Trong khi vùng Bắc Bộ, khi bộc lộ tình cảm người ta thường nói yêu, ít nói thương hoặc khi nói thương thì không bao hàm cả yêu. Chẳng hạn như tình cảm yêu thương của cô gái Nam Bộ được thể hiện trong lời ca:

“Lời cuối đêm nay tạ từ nhau anh nhé, còn thương nhau xin gọi cố nhân sầu”. (Phận gái thuyền quyên).

Động từ thương được sử dụng một cách trực tiếp để khẳng định tình cảm, không vòng vo khách sáo. Đồng thời, khi động từ thương kết hợp với phó từ chỉ sự tiếp diễn còn đã góp phần thể hiện tình cảm kéo dài, bền chặt theo thời gian dù vì nghịch cảnh nên không đến được với nhau. Mặc dùđược sử dụng trực tiếp để bày tỏ tình cảm, nhưng hầu như tất cả các trường hợp sử dụng động từ thương trong Đờn ca tài tử Nam Bộ đều rất nhẹ nhàng, tế nhị, đằm thắm yêu thương và cũng rất đỗi chân thành. Hay như tấm lòng của chàng trai đối với người yêu: “Dù cho đến ngàn sau, nhưng lòng anh vẫn thương hoài”. (Thành phố buồn). “Vẫn thương hoài” là cụm từ thể hiện tình cảm sâu nặng, bền chặt, khó lòng thay đổi.

Để thể hiện tâm trạng yêu thương, bên cạnh động từ thương, trong Đờn ca tài tử Nam Bộ còn xuất hiện các động từ như: yêu, mến, yêu thích, yêu mến,… Có thể đó là tâm trạng mến thương trong hoài niệm về quá khứ: Dẫu ở xa xôi tôi vẫn nghĩ về chốn cũ, nơi có một người mà tôi thương tôi mến. (Thân em phận gái). Động từ mến biểu thị tình cảm quý mến, yêu thích và trân trọng của chàng trai dành cho cô gái bên cạnh tình cảm yêu thương. Ở đây, nhân vật trữ tình bày tỏ tâm trạng khi ở xa, nhớ về kỉ niệm xưa. Anh đã có một thời thơ ấu đẹp bên cô gái, tâm tư của anh hiện tại được thể hiện qua cách nói rất giản dị thân tình. Hoặc có khi là tâm trạng yêu thương hòa quyện buồn đau khi tình yêu tan vỡ: Yêu em anh quá dại khờ; Trèo cao té nặng ai ngờ đâu em (Tình dại khờ). Động từ yêu đặt ở đầu câu, nhấn mạnh tình cảnh hiện tại của chàng trai: yêu cô gái chân thành sâu sắc, không toan tính. Để rồi đau đớn nhìn cô gái đi lấy chồng và một mình nhận lấy đau khổ, ngỡ ngàng, chua xót.

2.2. Động từ chỉ tâm trạng buồn

Từ điển tiếng Việt định nghĩa “Buồn là tâm trạng không thích thú của người đang gặp việc đau thương hoặc đang có điều không được như ý” [7, tr.114]. Buồn đồng nghĩa với sầu và trái nghĩa với mừng, vui. Trong Đờn ca tài tử Nam Bộ, buồn là trạng thái thường xuyên xảy ra, biểu hiện sự trống trải trong lòng, hay cảm giác thiếu vắng tình cảm. Vì hoàn cảnh tình yêu dang dở, bị ngăn cản, hay vì chia ly cách trở mà nỗi buồn xuất hiện nhiều. Hoàn cảnh không được như ý đã khiến nhiều người mang buồn phiền trong lòng: “Chợ Mới đón anh đón người rể mới, còn buồn không anh sao chẳng thấy anh về?” (Chợ Mới). Đây là lời hỏi của cô gái với người yêu về tâm trạng hiện tại, vì cô biết trước đó anh rất buồn khi bị ba mẹ ngăn cản tình yêu của hai người. “Còn buồn không” là cụm từ biểu thị sự nghi vấn trăn trở của cô gái trong bài ca cổ, đồng thời còn cho thấy cả nỗi mong ngóng khắc khoải trong lòng cô gái, hi vọng chàng trai không còn đau buồn. Hoặc ta có thể gặp nỗi lòng của một chàng trai Nam Bộ gửi đến người con gái yêu thương của mình trong hoàn cảnh cách xa: “Giáo đường đông này sẽ buồn biết bao nhiêu” (Bài thánh ca buồn). Giáo đường buồn nhằm ngụ ý chỉ tình cảm của chàng trai. Với anh, không có người yêu thì cả giáo đường đều bao phủ nỗi buồn. Nỗi buồn thiếu vắng người yêu lan tỏa toàn bộ không gian lễ đường được thể hiện qua sự kết hợp giữa phó từ chỉ thời gian sẽ với động từ buồn.

Để thể hiện tâm trạng buồn, bên cạnh động từ buồn, trong Đờn ca tài tử Nam Bộ còn xuất hiện các động từ như: sầu, buồn thương, buồn đau… Sầu tức là buồn sâu trong lòng vì nhớ thương xa cách như lời ca cổ: “Ta nhớ ta sầu qua men rượu Sa-Kê”. (Trúc Lan, Phương Tử). Động từ sầu là động từ chính trong câu, biểu thị tâm trạng buồn rầu, sầu khổ của nhân vật trữ tình trước sự ra đi của Phương Tử, đã uống rượu giải sầu. Sầu chỉ sắc thái buồn ở mức độ rất cao. Đặc biệt, nỗi buồn thường đi kèm nỗi nhớ, càng thương càng nhớ thì càng buồn: “Mái tranh xưa đã bao mùa mưa nắng chắc cũng buồn thương nhớ một người xa”. (Cánh cò và dòng sông). Cũng buồn thương là cụm động từ diễn tả tâm trạng buồn, nhớ, thương, ngậm ngùi, xót xa của chàng trai đi xa quê lập nghiệp. Đời bể dâu nên anh đành lỗi hẹn với cô gái mà trong lòng vẫn nhớ về quê hương và kỉ niệm tình yêu ngày trước. Trong kỉ niệm đó có cánh cò, dòng sông, con đê, mái tranh nghèo,…

 2.3. Động từ chỉ tâm trạng nhớ nhung

Nhớ được Từ điển tiếng Việt giải thích: “Nghĩ đến với tình cảm tha thiết muốn được gặp, được thấy người hay cảnh thân thiết nào đó hiện đang ở cách xa” [7, tr.918]. Nếu trong ca dao xưa, nỗi nhớ trong tình yêu da diết bổi hổi bồi hồi thì trong Đờn ca tài tử Nam Bộ, tâm trạng nhớ nhung cũng được thể hiện rất tha thiết và sâu lắng. Cả chàng trai và cô gái đều chủ động nói lên tình cảm nhớ nhung của bản thân mình. Có thể nói, đây làmột cung bậc cảm xúc, một thứ gia vị không thể thiếu trong tình yêu, tình yêu đôi lứa, tình yêu gia đình. Người Nam Bộ thường mang trong mình nỗi buồn xa xứ, hoặc buồn vì tình yêu bị chia cách, nên hay bày tỏ nỗi nhớ trong lòng. Tâm trạng nhớ được thể hiện bởi các động từ như nhớ, nhớ mong, nhớ nhung, nhớ thương… Trong đó, động từ nhớ được sử dụng nhiều nhất: “Trong mơ ta gọi tên mình gọi cho đỡ nhớ ân tình thế thôi”. (Gió thổi bên sông).

Khi kết hợp với phó từ chỉ mức độ rất, động từ nhớ lạibộc lộ tình cảm tha thiết mãnh liệt: “Con chuồn chuồn đậu trên giàn mướp đắng, nó nói rằng nó cũng rất nhớ anh”. (Tình đắng lí khổ qua). Cô gái ý tứ kín đáo mượn hình ảnh con chuồn chuồn để bày tỏ tình cảm nhớ nhung người yêu của mình. Rất nhớ tức là nhớ ở mức độ cao. Đó cũng là mức độ sâu nặng trong tình yêu giữa những chàng trai, cô gái trong bài vọng cổ.

Động từ nhớ thương là từ ghép, có nét nghĩa được mở rộng và cụ thể, diễn tả tình cảm gắn bó khăng khít thân thiết: “Trong bóng mây trôi về nơi vô định. Tôi nhớ thương hoài bóng dáng diễm kiều xưa” (Ca dao em và tôi). Chàng trai trong bài ca cổ dùng cụm động từ “nhớ thương hoài” để khẳng định và bày tỏ tình cảm nhớ thương sâu nặng của mình với người yêu. Hoài tức là mãi, ngụ ý chỉ sự kéo dài, không kết thúc. Nỗi nhớ cũng có thể đi liền với nỗi mong chờ tạo thành một trạng thái tình cảm phức hợp trong tâm tư con người: “Ai chẳng nhớ mong chỉ sợ lòng vương vấn nên chắc tay súng diệt thù, thay lời hẹn phải không em?” (Điểm hẹn quê hương). Chàng trai dùng phó từ chỉ sự phủ định chẳng kết hợp với động từ nhớ mong, nhằm khẳng định tình cảm với người yêu bằng cách nói phủ định: ai chẳng nhớ mong = ai cũng nhớ mong = anh cũng nhớ mong. Tình cảm yêu nước và tình cảm lứa đôi hòa quyện trong lời ca cổ làm toát lên vẻ đẹp tâm hồn của người Nam Bộ trong hoàn cảnh đất nước loạn li đương thời.

2.4. Động từ chỉ tâm trạng mong chờ

Mong được Từ điển tiếng Việt định nghĩa: “1. Ở trạng thái trông ngóng, đợi chờ điều gì, việc gì đó xảy ra; 2. Có nguyện vọng rằng, ước muốn rằng; 3. Có thể có được hi vọng” [7, tr.805]. Còn Chờ được Từ điển tiếng Việt giải thích là “Ở trong trạng thái đang mong ngóng ai đó sẽ đến, đợi cái gì sẽ tới, sẽ xảy ra”. [7, tr.216]. Mong chờ có nghĩa là: “Đợi chờ với nhiều hi vọng” [7, tr.805]. Ước ở đây được hiểu là ước mong, ước mơ, là mong muốn về một điều gì đó, mơ ước ai sẽ làm điều gì đó. Và trong cách lựa chọn từ ngữ để diễn tả nội dung này, chủ thể trong những bài vọng cổ Đờn ca tài tử Nam Bộ lại lựa chọn động từ mong. Do đó, ta thấy động từ mong xuất hiện rất nhiều cùng với động từ chờ.

Tâm trạng mong chờ trong Đờn ca tài tử Nam Bộ được thể hiện qua các động từ: mong, mong ngóng, trông đợi, trông chờ, chờ đợi, chờ mong,…Chờ mong, trông ngóng là những cung bậc tình cảm của đôi lứa yêu nhau. Và trong những bài tân cổ giao duyên Đờn ca tài tử Nam Bộ, động từ chờ  đã thể hiện được rất nhiều cung bậc tình cảm của những chàng trai, cô gái khi yêu nhau. “Cặp áo thêu hoa dành cho em đó chờmột ngày rộn ràng pháo nổ sánh bước bên nhau đẹp mối duyên đầu” (Ăn năn). Động từ chờ trong ví dụ trên thể hiện sự chờ mong trông ngóng về một ngày tươi đẹp rộn ràng pháo cưới để hai đứa được sánh bước bên nhau. Cô gái chờ đợi trong háo hức hân hoan được làm cô dâu mới. Tuy nhiên, động từ chờ đôi khi còn là sự chờ mong khắc khoải trong cô đơn: “Buồn riêng một mình ai chờ mong từng đêm gối chiếc nỗi u hoài này ai có hay” (Nỗi buồn hoa phượng). Nỗi mong chờ u hoài vì những điều đã qua, có một chút tiếc nuối vì những ngày tháng vui tươi hồn nhiên đã không còn nữa và có những điều thầm kín, những tình cảm chân thành nhưng vì rụt rè chưa dám thổ lộ để nay đã xa rồi lại chờ mong trong nỗi niềm riêng.

Động từ chỉ tâm trạng chờ mong có thể kết hợp với phó từ chỉ sự tiếp diễn cũng để khẳng định sự giống nhau về hiện tượng, trạng thái, hoạt động, tính chất của trường hợp nêu ra so với những trường hợp vừa được nói đến trước đó: “Đón đợi anh về đâu phải chỉ riêng em mà bến nước dòng sông cũng mong chờ anh trở lại” (Điểm hẹn quê hương). Lời nói trong bài ca vọng cổ đầy hình ảnh và bộc lộ tình yêu tinh tế của cô gái. Phép hoán dụ bến nước dòng sông kết hợp với cụm từ cũng mong chờ cho thấy tình cảm tha thiết và nỗi mong chờ đã choán hết cả không gian. Tương tự, phó từ cứ với nét nghĩa là tiếp tục một điều đang làm, hay đang thực hiện, trải qua, khi kết hợp với động từ chờ, đợi đã tạo nên một ngữ động từ sinh động, gợi cảm: “Dù biết rằng anh chẳng bao giờ trở lại nhưng hương bưởi cứ bay bay cho lòng em vương vấn mãi, cứ nhớ cứ thương cứ chờ cứ đợi một hình bóng ai trong giây phút giao… mùa” (Bông bưởi trắng). Cô gái vì tình yêu sâu sắc nên tiếp tục nhớ thương chờ đợi người yêu dù biết không hi vọng. Cụm từ cứ chờ cứ đợi biểu thị sự khẳng định có phần chua xót ngậm ngùi trong tâm tư nhân vật trữ tình.

2.5. Động từ chỉ tâm trạng vui

Từ điển tiếng Việt định nghĩa: “Vui là có tâm trạng tích cực, thích thú của người đang gặp việc hợp nguyện vọng hoặc đang có điều làm cho hài lòng” [7, tr.1434].

Được vui sống cùng người thân yêu là ước muốn của con người, và nhân vật trong bài Người đẹp trong tranh đã thể hiện tâm nguyện của mình: “Hãy vui lên mà giữ niềm tin trọn vẹn, anh sẽ cùng em vuihạnh phúc thanh bình” (Người đẹp trong tranh). Động từ vui khi kết hợp với phó từ chỉ mệnh lệnh hãy phía trước, và phó từ lên phía sau, có mục đích động viên khích lệ tinh thần. Chàng trai ra đi lập công danh sự nghiệp, người con gái ở nhà chờ đợi. Họ hẹn thề với nhau, động viên nhau, chờ khi người con trai vinh hiển trở về sẽ vui sum vầy trọn vẹn. Tình yêu ấy thật đáng quý và nó trở thành động lực để con người hướng tới những điều tốt đẹp trong cuộc sống. Không chỉ là niềm vui trong hạnh phúc đôi lứa mà trong Đờn ca tài tử Nam Bộ, ta còn bắt gặp niềm vui trong lao động với cuộc sống giản dị thường ngày: “Một nắng hai sương em mình ên phận gái miệt vườn/ Qua bao mùa vui cùng ruộng nương”(Tình đắng lí khổ qua). Tuy vất vả, lo toan nhưng người dân vẫn vui với công việc, gắn bó với quê hương ruộng vườn và luôn chăm chỉ cần mẫn. Động từ chỉ tâm trạng vui góp phần làm sáng lên vẻ đẹp tâm hồn tính cách người Nam Bộ lạc quan, yêu lao động, yêu cuộc sống.

Tâm trạng vui còn được thể hiện qua các động từ: vui mừng, vui vầy, cười vui,…Có thể bắt gặp tâm trạng vui mừng ở những người dân chân chất vượt lên hoàn cảnh chiến tranh khốc liệt: “Nhạc suối đâu đây như rộn rã vui mừng” (Tiếng chày trên sóc Bom Bo). Nhạc suối ở Bom Bo vui mừng nhằm chỉ chính sự vui mừng của con người nơi đây. Sự gặp gỡ giữa những con người kháng chiến đã tạo nên một không khí phấn khởi, và tiếng nhạc tiếng chày như bản hùng ca khơi dậy tinh thần và sức mạnh chiến đấu của dân tộc Việt Nam. Không chỉ vậy, người dân còn đoàn kết một lòng tương trợ lẫn nhau, cùng nhau thực hiện nhiệm vụ: “Nón tai bèo lấp lánh dưới trăng, lúc nói chuyện thì thầm, khi cười vui rộn rã” (Dệt chặng đường xuân).Động từ cười vui cho thấy tâm trạng rất thoải mái thích thú của những con người hết mình vì Tổ quốc. Họ nói chuyện và cười với nhau trong không khí hân hoan, không hề bi quan về khói lửa bom đạn. Điều đó cho thấy tinh thần anh dũng quả cảm gan dạ ở người Nam Bộ.

2.6. Động từ chỉ tâm trạng lo sợ

Từ điển tiếng Việt định nghĩa “Lo sợ là lo lắng và có phần sợ hãi, không yên lòng” [7, tr.723]. Sợ là tâm lí chung của người Nam Bộ, do họ là những cư dân mới đến lập nghiệp ở vùng đất có nhiều nơi rừng thiêng nước độc. Vì thế mà họ có nhiều bỡ ngỡ, lo lắng, sợ hãi. Mặt khác, cuộc sống con người ở đây lại vất vả và bị áp bức bởi tầng lớp thống trị, đời sống tình cảm nhiều khi không trọn vẹn, khiến họ dễ mang tâm trạng buồn và lo âu. Tâm trạng lo sợ được thể hiện qua các động từ như: lo buồn, thổn thức, hãi hùng, lo lắng, lo âu, lo sợ…: “Em chớ nên lo buồn anh đã thưa cùng mẹ cha” (Chợ mới).

Chớ là phó từ chỉ mệnh lệnh, kết hợp với động từ lo buồn, nhằm ngụ ý khuyên nhủ, dặn dò. Ở đây, chàng trai muốn khuyên người yêu không nên lo nghĩ buồn rầu. Bởi anh rất yêu thương cô gái và quan tâm đến tình cảm của 2 người. Trong tâm lí người nam, họ muốn gánh vác công việc và trách nhiệm về mình, để người nữ được nhẹ lòng hay đỡ phải bận tâm. Và đây là tấm lòng người mẹ: “Nhưng nghĩ đến chuyện làm dâu khó nhọc, mẹ vừa thương, vừa lo sợ trong…lòng” (Con gái của mẹ). Tấm lòng của người mẹ thể hiện rất cảm động qua lời dặn dò con mình. Tâm trạng rối bời phức tạp khi con gái đi lấy chồng diễn đạt qua cách kết hợp phó từ vừa (vừa lo sợ trong lòng). Bà vừa thương lại vừa lo cho con của mình. Sợ con mình phải chịu cảnh khổ khi làm dâu.

Động từ sợ còn thể hiện tâm lí lo sợ sự đổi thay, sợ nghịch cảnh làm tàn phai tình cảm dẫn đến chia li: “Suốt một thời gian khi tuổi xuân mòn mỏi, em sợ ngày kia sẽ rẽ lối chia đường” (Đau xót lí con cua). Cô gái lo lắng, luôn ở trong trạng thái phải bận tâm, không yên lòng về tuổi xuân và tình yêu, vì cho rằng có thể xảy ra điều không hay. Đó là cảm giác gây ra bởi sợ hãi và phiền muộn. Không những vậy, tâm trạng lo sợ còn được diễn đạt ở mức độ cao: “Trống thành tây mấy dùi khoan nhặt, lòng thiếp hãi hùng theo tiếng trống tàn canh” (Bạch Thu Hà). Động từ hãi hùng có ý nghĩa chỉ sự sợ hãi đến mức khủng khiếp của Bạch Thu Hà khi nghe tiếng trống và biết Võ Đông Sơ hi sinh. Nàng nghẹn ngào tím ruột bầm gan, ngỡ ngàng, đau xót, bẽ bàng. Đó là tâm lí sợ cảnh chia li, đau đớn vì sinh ly tử biệt thường thấy ở các bài vọng cổ Nam Bộ.

2.7. Động từ chỉ tâm trạng trách giận

Từ điển tiếng Việt định nghĩa: “Trách là tỏ lời không bằng lòng về người có quan hệ gần gũi nào đó, cho là đã có hành vi thái độ không đúng, không hay, không tốt với mình hoặc có liên quan đến mình.” [7, tr.1292]. “Giận là cảm thấy không bằng lòng hoặc bực bội với người có quan hệ gần gũi nào đó vì người ấy đã làm điều trái với ý mình.” [7, tr.502]. Tâm trạng trách giận được thể hiện qua các động từ như: giận, hờn, trách móc, giận dỗi, giận hờn, hờn trách,… Người Nam Bộ được ca ngợi là trọng tình, sắt son chung thủy. Nhưng đôi khi do hoàn cảnh nên lỗi ước cùng nhau. Vì thế, trong một số bài vọng cổ Đờn ca tài tử Nam Bộ ta vẫn thấy sự nhớ nhung hàm chứa lời trách móc. Có thể là trách ai phụ nghĩa quên câu hẹn ước, trách người sang ngang phụ mối duyên đầu: “Xin anh đừng hờn trách chi thêm buồn. Thuyền xưa nay đã sang sông, bỏ bờ bến xưa. Mười năm sầu nhớ thương mong đợi” (Đón xuân này nhớ xuân xưa). Động từ hờn trách kết hợp với phó từ đừng không phải để chỉ mệnh lệnh mà nhằm chuyển tải một thông điệp của người con gái gửi đến chàng trai năm xưa. Cô mong muốn người xưa không buồn phiền trách hờn, mà hãy chấp nhận thực tại. Lời bài hát này vang lên lại khiến người trai xa quê bồi hồi xúc động với một cảm giác khó tả. Phải chăng đó là những kí ức những hoài niệm về ngày xưa thân ái. Khoảng thời gian 10 năm xa cách đã khiến vạn vật đổi thay và người con gái năm xưa cũng đã yên bề gia thất. Tâm trạng của chàng trai hờn trách, sầu khổ, nhớ thương mong đợi suốt khoảng thời gian dài đã được cô gái đồng cảm và chia sẻ.

Động từ giận hờn có thể tách ra và kết hợp với phó từ chỉ thời gian tạo thành cụm động từ độc đáo: “Em đi bên chồng về quê phản bái chắc có những người đang giận đang hờn?” (Cô Thắm về làng). Cụm từ đang giận đang hờn biểu thị tâm trạng đang tiếp diễn ở hiện tại, do cô Thắm đi lấy chồng khiến nhiều chàng trai buồn hụt hẫng và sinh ra giận hờn. Nếu không yêu thương, không đong đầy tình cảm thì sẽ không hờn giận trách móc. Chính sự trách móc nhẹ nhàng kín đáo đã làm cho tình cảm ngày càng thắm thiết: “Cậu bé ngập ngừng hái từng bông hoa dại, tặng cô bạn chung trường hay giận dỗi làm ngơ” (Gió thổi bên sông). Động từ giận dỗi là từ dùng để chỉ tính cách, hành động hay trạng thái của cô gái. Đó là tâm lí của những cô gái trẻ thích làm duyên làm dáng, hay giận hờn vu vơ, cũng là để biểu thị tình cảm quan tâm để ý đến đối phương. Họ đã có thời gian bên nhau suốt thời thơ ấu đến lúc khôn lớn.

Trong Đờn ca tài tử Nam Bộ còn xuất hiện các động từ chỉ tâm trạng khác như hẹn, tiếc, ghen,…nhưng với tần số không cao. Đó là do thói quen lựa chọn dùng từ mộc mạc, gần gũi của người Nam Bộ.

3. Kết luận

Trên đây, chúng tôi tìm hiểu động từ chỉ tâm trạng trong Đờn ca tài tử Nam Bộ, gồm: động từ chỉ tâm trạng yêu thương, động từ chỉ tâm trạng buồn, động từ chỉ tâm trạng nhớ nhung, động từ chỉ tâm trạng mong chờ, động từ chỉ tâm trạng vui, động từ chỉ tâm trạng lo sợ và động từ chỉ tâm trạng trách giận. Các động từ chỉ tâm trạng trong Đờn ca tài tử Nam Bộ đã cho thấy những cung bậc cảm xúc của nhân vật trữ tình, có yêu thương, có nhớ nhung, có đợi chờ, có giận hờn và trách móc. Tất cả đều rất chân thành đằm thắm, tinh tế kín đáo để người giãi bày có thể trực tiếp giãi bày chuyện của trái tim mình mà người nghe cũng không phải ngượng ngùng khó xử. Đồng thời, lớp động từ này cũng góp phần thể hiện tâm tư tình cảm, nguyện vọng và đời sống tinh thần phong phú, tinh tế rất đáng trân trọng của người Nam Bộ khi cuộc đời còn nhiều vất vả lo toan.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Nguyễn Văn Ái (chủ biên) (1994), Từ điển phương ngữ Nam Bộ, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh.
  2. Lê Biên (1999), Từ loại tiếng việt hiện đại, Nxb Giáo dục.
  3. Đỗ Hữu Châu (1999), Từ vựng – Ngữ nghĩa tiếng Việt, Nxb Giáo dục.
  4. Cao Xuân Hạo (1998), Tiếng Việt mấy vấn đề ngữ âm, ngữ pháp, ngữ nghĩa, Nxb Giáo dục.
  5. Trần Văn Khê (2000), Văn hóa với âm nhạc dân tộc, Nxb Thanh Niên.
  6. Võ Trường Kỳ (2015), Tìm hiểu nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ, Nxb Quân đội nhân dân.
  7. Hoàng Phê (chủ biên) (2016), Từ điển tiếng Việt, Nxb Hồng Đức. 8. Huỳnh Công Tín (2015), Soạn giả Viễn Châu 100 bài vọng cổ đặc sắc, Nxb Chính trị quốc gia.

Verbs of moods in the Southern Don ca tai tu

Abstract: Works examining Vietnamese verbal issues on various aspects have been conducted by many researchers. However, the verbs of moods in the Southern Don ca tai tu emerge as a new issue for investigation. This paper probes these verbs in order to characterize their uses in this special type of communication; thereby revealing some cultural features of the Southerners. The verbs under investigation fall into subgroups of indicating affection, sadness, nostalgia, longing, happiness, anxiety, and anger. Key words: verb; mood; verbs of moods; Don ca tai tu; Southern