Hội thảo Ngôn ngữ học đối chiếu và Đối chiếu giữa các ngôn ngữ do Trường ĐH Phenikaa, Hội Ngôn ngữ học Việt Nam và Ban Đề án ngoại ngữ Quốc gia, Bộ GD&ĐT phối hợp tổ chức tại Trường ĐH Phenikaa ngày 30/11/2024.
Hội thảo đã nhận được hơn 225 bài viết của các học giả trong và ngoài nước, được viết bằng sáu ngôn ngữ: tiếng Việt (với số lượng lớn nhất), tiếng Anh, tiếng Hàn, tiếng Hán/ Trung Quốc/ Hoa, tiếng Nhật, tiếng Pháp.
Hội thảo có sự tham gia của các học giả nước ngoài đến từ các quốc gia và vùng lãnh thổ, như: Mỹ, Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Lào, Thái Lan…, các học giả trong nước đến từ 81 đơn vị là các trường ĐH, cao đẳng, phổ thông và các viện nghiên cứu ở mọi miền Tổ quốc.
Nội dung các bài viết góp phần làm sáng tỏ đặc điểm của tiếng Việt và các ngôn ngữ; bổ sung, minh chứng cho các vấn đề lý thuyết của ngôn ngữ học hiện đại; nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học, đào tạo, bồi dưỡng giảng viên, nghiên cứu viên; tăng cường hợp tác trong nước và quốc tế trong giảng dạy, nghiên cứu ngôn ngữ học; đặc biệt góp phần giải quyết các vấn đề của công nghệ thông tin cần đến dữ liệu của ngôn ngữ.
Phiên Toàn thể của Hội thảo có ba báo cáo được trình bày, gồm: Tổng quan nghiên cứu đối chiếu về từ tượng thanh trong tiếng Nhật và tiếng Việt của GS.TS Kamimura, ĐH Soka, Nhật Bản; Làm thế nào để dạy và học thanh điệu tiếng Việt từ góc nhìn của người nói tiếng Đài Loan và Trung Quốc của GS.TS Tưởng Vi Văn, ĐH Thành Công, Đài Loan; Đối chiếu hệ thống từ vựng giữa tiếng Mường và tiếng Việt: Phác thảo một hướng tiếp cận của GS.TS Nguyễn Văn Khang, Trường ĐH Phenikaa
Phiên song song có hoạt động thảo luận của 5 tiểu ban: Ngôn ngữ học đối chiếu; Ngôn ngữ học đối chiếu – dịch thuật; Ngôn ngữ – Văn hóa; Giáo dục ngôn ngữ; Ngôn ngữ học với tiếng Việt và các ngôn ngữ dân tộc thiểu số Việt Nam.
Hội thảo cũng diễn ra phiên đối thoại với phần chia sẻ của các chuyên gia ngôn ngữ học hàng đầu với chủ đề Ngôn ngữ học Việt Nam: Từ hiện tại nhìn về tương lai.
