Hùm ta và hùm Tây

DƯƠNG KỲ ĐỨC
TS; Viện Nghiên cứu và Phát triển ngôn ngữ văn hóa

Với nhiều người trong chúng ta, có một mãnh thú oai phong như “chúa tể của muôn loài, giữa chốn thảo hoa không tên, không tuổi” và bi tráng trong “những đêm vàng bên bờ suối”, “say mồi đứng uống ánh trăng tan”, khiến ta vừa khiếp sợ lại vừa tôn sùng. Đấy là con hùm. Trong tiếng Việt, có nhiều cách định danh (gọi tên) khác nhau cho con chúa thú này: chúa sơn lâm, cọp, hùm, hổ, kễnh, ông kễnh, khái, ông ba mươi, sơn quân, sơn tinh.

Trong các tên gọi đó, “hổ” là từ gốc Hán (trong tiếng này, người ta gọi nó là “ɦǔ”). Tự dạng của “ɦǔ” trong tiếng Hán còn thể hiện rõ dáng dấp hùng dũng của con thú này: tư thế chồm lên, miệng há to, giơ nanh vuốt, đuôi dài (xem hình vẽ)

“Chúa sơn lâm” là tên gọi vừa Việt vừa Hán-Việt, có tính văn chương. “Sơn quân” (vua núi), “sơn tinh” (thần núi) là từ Hán-Việt mang tính tín ngưỡng (sùng bái con vật thiêng).

Các từ còn lại là gốc Việt. “Khái” là từ cổ xưa nhất. Gốc proto Việt-Mường của nó là *k-ha:ŀʔ Được biến đổi trong các thứ tiếng cụ thể như sau:

Tiếng Rục:              kəɦă:ŀ3

Tiếng Thà Vựng:    kaɦă:ŀ3

Tiếng Poọng:          kɦa:ŀ3

Tiếng Cuối:            kɦa:ŀ3

Tiếng Mường:        kha:ŀ3

Tiếng Việt:                         khái

Trong tiếng Khơme hiện đại là kha:ŀ, có gốc proto Khơme là * kha:ŀ .

Là từ chính cống Việt, nhưng oái oăm thay, bây giờ “khái” ít được dùng, chỉ đóng vai trò một từ địa phương, chẳng hạn, ở vùng Nghệ -Tĩnh có câu tục ngữ: “Chưa qua truồng” (truông) đã trật lọ cho khái”. Trong đó “truồng” hay “truông” là đèo núi, còn “lọ” (hay “lõ”) là chỉ cái bòi, cái cu của người đàn ông. Nghĩa của câu này là: chưa đi qua khỏi đèo, đã vội tỏ ý khinh thường hùm cọp, bằng cách làm một cử chỉ rất đậm sắc văn hoá tộc người là “phô” cái của nợ ra, ý bảo: “cho mày ăn cái này này”. Ý của câu tục ngữ này là khuyên ta đừng có mà giỡn mặt hiểm nguy.

“Cọp”, “hùm” có nhiều khả năng là từ tượng thanh gọi tên con vật theo tiếng gầm của nó. Tất nhiên là theo cái “tai nghe” của người Việt. Đấy cũng là một cách nói kiêng kị, tránh gọi thẳng “tên cúng cơm” của con mãnh thú. Người Việt còn kiêng kị bằng cách gọi con thú dữ này là “kễnh”, “ông kễnh”, theo vóc dáng của nó. “Kễnh” trong tiếng ta, là “to kềnh” (chẳng hạn, nói: “no kễnh bụng”). Mà “kềnh” là to hơn rất nhiều so với đồng loại (khi nói về động vật), chẳng hạn ta nói: “tôm kềnh”, “kiến kềnh”. Có địa phương còn dùng từ “kệnh” với nghĩa to kềnh. “Kễnh”, “kềnh”, “kệnh” rõ ràng là những từ biến âm (biến thanh điệu) có một nghĩa chung. Tương tự: (héo) , (treo cờ) rủ, (gà) , và: sùi (bọt), sủi (tăm), v.v…

“Ông ba mươi” cũng là một cách nói kiêng kị, gọi theo tập tính săn mồi của loài thú này vào đêm ba mươi âm lịch, vốn trời rất tối, thuận tiện cho việc rình mồi. “Ông” còn tỏ ý kính sợ: “ông kễnh”, “ông ba mươi” (cá voi, trâu chọi cũng được tôn là “ông”, với nghĩa tôn kính).

Nói đến hùm, còn phải kể đến từ “dần”, khi nói về thời gian (tuổi dần cầm tinh con hổ, năm canh dần, giờ dần…) và sự xung, hợp (dần, thân, tị, hợi tứ hành xung;  dần và hợi hợp mộc; dần, ngọ và tuất hợp hoả, v.v..). “Dần” là từ Hán-Việt, có gốc Hán trung đại là *јіn (tiếng Hán hiện đại là yin).

Xét về phạm vi sử dụng, “cọp” là từ dùng phổ biến hơn ở miền Nam Trung. Còn từ “khái” tuy là từ bản ngữ, cổ xưa nhất, nhưng lại không phổ biến, mà giữ vị thế của một từ địa phương. “Sơn quân”, “sơn tinh” được dùng khi lễ bái, cầu khấn trong các nghi thức tín ngưỡng. Còn “dần” được dùng trong các chủ đề tâm linh, trừu tượng, nói về hùm mà không phải là về hùm. Thông dụng nhất lại là từ “hổ”, một từ gốc ngoại: hổ cốt, hổ khẩu, hổ lang, hổ phù, hổ tướng, hổ trướng, hùng hổ, mãnh hổ, ngũ hổ, v.v… Trong số 11 từ ngữ chỉ con vật này thì trung hoà và phổ biến hơn cả là 3 từ “cọp”, “hổ”, “hùm”. Nhưng giữa chúng cũng có sự phân công về khả năng kết hợp từ vựng (một kiểu phân bố bổ túc) như sau:

 cọphổhùm         
dữxxxdữ như cọp/hổ/hùm
khoẻ  xkhoẻ như hùm
ăn  xăn như hùm
sợx  sợ như sợ cọp
bắtx  có gan vào hang bắt cọp
nuôi dạy x nuôi dạy hổ
vuốt râux xvuốt râu cọp/hùm
miệngx xđưa đầu vào miệng cọp, miệng hùm gan sứa
hangx xcó gan vào hang bắt cọp, hang hùm miệng rắn
chuồngxx chuồng cọp (ở nhà tù Côn Đảo), chuồng hổ (ở vườn thú)
xiếc  xxiếc hổ
nhện  xnhện hùm
tôm  xtôm hùm
tranh x tranh hổ
ngũ x ngũ hổ (tranh)
mãnh x mãnh hổ
hùng x hùng hổ
– cốt x hổ cốt (cao/rượu)
– pín  x hổ pín (rượu)
– mang x rắn hổ mang
– lửa x rắn hổ lửa
– tướng x hổ tướng
– trướng x hổ trướng

Ở tiếng ta, “hổ” là một yếu tố cấu tạo từ có sức sản sinh tương đối cao: làm yếu tố chính (mãnh hổ, bạch hổ, tranh ngũ hổ…), làm yếu tố phụ (hổ cốt, hổ khẩu, hổ quyền =  võ hổ, hổ tướng...) và làm yếu tố đẳng lập (hổ lang = hổ+sói, hùng hổ = gấu+hổ…). Đấy là những khuôn mẫu cấu tạo có nguồn gốc Hán. Đặc biệt, “hổ” được dùng để cấu tạo tên gọi của các loại rắn độc hoặc nguy hiểm, một kiểu cấu tạo từ rất Việt Nam: hổ chúa, hổ chuối, hổ đất, hổ lửa, hổ mang, hổ mây, hổ ngựa, hổ trâu

Trong tiếng Hán, quê hương của từ “hổ” Hán-Việt, yếu tố “hổ” cũng có những kết hợp lí thú. (Để tiện ấn loát, chúng tôi dùng âm Hán-Việt thay thế âm Hán). Chẳng hạn “ngải hổ” là lá ngải dùng làm đồ trang sức có hình con hổ để tránh tà ma, tai ương trong ngày tết Đoan ngọ mồng 5 tháng 5 âm lịch ở một số vùng như Sơn Đông, Chiết Giang, Giang Tô, Phúc Kiến. “Ngải hổ” còn được dùng làm đồ trang sức cho phụ nữ. Do chữ “ngải” có âm gần giống với “ái” (yêu), nên trong tiếng Hán còn có “ái hổ” và thế là dần dần ngày tết Đoan ngọ lại trở thành ngày lễ yêu cuộc sống, thể hiện tâm lí tôn thờ sự mạnh mẽ của hổ. Trong tiếng Hán còn có từ “hổ tiếu” nghĩa là hổ gầm. Do “tiếu” có âm gần với “hiếu” nên trong dân gian người ta đã diễn dịch ra nhiều câu chuyện về “hiếu hổ” (hổ cảm động trước lòng hiếu thảo của con người nên làm điều tốt cho người) (Xem: Thường Tuấn, Văn hoá về 12 con giáp của Trung Quốc, Nxb Tổng hợp Tp HCM, 2007, trang 59-63). Hiện tượng âm thanh của ngôn ngữ “dẫn dắt” ý nghĩ, tư tưởng  của con người cũng quen thuộc với người Việt ta. Chẳng hạn, con dơi, tuy là một con vật có hình thù xấu xí, nhưng lại hay được vẽ, chạm trổ trong nhà cửa, đồ đạc của người Việt, mà không sợ xúi quẩy, chỉ vì “dơi” được gọi là “phức” theo âm Hán-Việt, còn “phức” thì lại có âm gần giống với “phúc”. Thành ra, “dơi” lại là biểu tượng của phúc (phúc đức, phúc lộc) trong tâm thức của người Việt!

Tuy “hổ” là từ gốc Hán rất thông dụng và quen thuộc, nhưng nhiều từ ngữ có yếu tố “hổ” cũng vẫn được Việt hoá cho thuần Việt hơn nữa. Chẳng hạn, “hổ lang” được chuyển thành “hùm sói” (“Trong vòng giáo dựng gươm trần, Kề răng hùm sói gửi thân tôi đòi” – Truyện Kiều), “hổ trướng” thành “trướng hùm” (“Trướng hùm” mở giữa trung quân – Truyện Kiều). Có khi từ Hán-Việt được chuyển hẳn cả về ý nghĩa: “hổ đầu” vốn có nghĩa là “đầu to như hổ”, một biểu hiện của tướng mạo của kẻ anh hùng, sang tiếng Việt đã biến thành “râu hùm” (“Râu hùm hàm én mày ngài, Vai năm tấc rộng thân mười thước cao” – hình dáng của Từ Hải trong Truyện Kiều). “Hổ lao” trong tiếng Hán có nghĩa là phòng giam tử tù, sang tiếng Việt chuyển thành “chuồng cọp” là xà lim giam chính trị phạm ở Côn Đảo dưới thời chính quyền Sài Sòn ở Nam Việt Nam.

Trong tiếng Anh, hùm được gọi là “tiger” ( đọc là taigơ), tiếng Pháp là “tigre” (tigrơ), đều bắt nguồn từ “tigris” trong tiếng Latinh. Từ này lại có gốc ở tiếng Hi Lạp (nói đúng hơn là gốc Iran). Có hai giả thuyết. Một là bắt nguồn từ “tighra”, nghĩa là “đốm”. Hai là từ chữ “stizein”, nghĩa là hình xăm. Người Nga cũng gọi con hùm là “tigr” (chigrơ).

Từ chữ “tiger”, tiếng Anh có thêm danh từ “tigress” (taigris) là hùm cái, các tính từ “tigrine” (taigrainơ), “tigrish” (taigrisơ), “taigerish” (taigơrisơ),  “tigroid” (taigroit). “Tigerism” (taigơridơm) là thói hùm thói hổ, tính hùm tính hổ, tức là khoác lác, huênh hoang. Danh từ “tiger” được dùng riêng rẽ để chỉ con vật có đặc điểm hình thức giống như hùm như hổ (chẳng hạn, tiểu hổ, một loại mèo vằn nuôi ở trong nhà, hoặc người có tính cách hung bạo, hung hãn, dữ tợn như hùm như hổ). “Tiger” còn được dùng như một định ngữ để chỉ các sự vật (phần nhiều là động vật, thực vật) có một đặc điểm gì đó giống như ở hùm ở hổ: “tiger-beetle” (bọ hung hổ, ăn thịt sống), “tiger-shark” (Cá mập hổ, có vằn và rất dữ), “tiger-cat” (hổ miêu, mèo rừng có vằn), “tiger-moth” (bướm hổ, có cánh vằn hoặc đốm), “tiger-lily” (hoa li hổ, có màu da cam chấm đen), “tiger-eye”, “tiger’s eye” (mắt hổ, là một loại đá ngọc có màu vàng nâu hoặc vàng xanh), “tiger’s milk” (sữa hổ, rất bổ), v.v….

Trong tiếng Nga cũng có từ riêng để phân biệt hổ cái: “tigrisa”, hổ con: “tigriônok” (danh từ số ít) và “tigriata” (danh từ số nhiều). Có hai tính từ: “tigrinưi” và “tigrovưi”: “tigrinaia povadka” là có dáng vẻ hoặc có thói như hổ như hùm, “tigrovoe odeialo” là cái chăn hổ, vì có màu vàng nâu và có vằn như da hùm da hổ. Cũng có những cách gọi tên động vật, thực vật và đồ vật khác theo đặc điểm của hổ của hùm như ở trong tiếng Anh: “tigrovaia akula” (cá mập hổ), “tigrovaia lilia” (hoa li hổ), “tigrovưi glaz” (mắt hổ, một loại đá ngọc). Ngoài ra có từ  riêng để gọi thợ săn hổ: “tigrolov”, chứng tỏ công việc này khá phổ biến, nhất là ở vùng rừng taiga.

Về nghĩa văn hàm, là nghĩa văn hoá được hàm ẩn trong từ ngữ, ta thấy trong tiếng Việt, các từ “cọp”, “hùm”, “hổ” chứa đựng nhiều nội dung.

Trước hết là nghĩa văn hàm tích cực. Với người Việt, hùm hổ là biểu trưng cho:

1/ sự mạnh khoẻ:khoẻ như hùm; cao hoặc rượu hổ cốt được uống để bồi bổ gân cốt  
2/ sức ăn phàm:ăn như hùm; nam thực như hổ, nữ thực như miêu  
3/ kẻ mạnh:điệu hổ li sơn, cọp lẻ không cự được sói bày, hùm thiêng khi đã sa cơ cũng hèn  
4/ con vật có bộ da quý:hổ/hùm chết để da, người ta chết để tiếng  
5/ dáng vẻ hùng dũng, oai phong, dũng mãnh:râu hùm, hổ bộ (bước đi hùng dũng), hổ tướng  
6/ võ tướng, quân sự, chiến tranh:hổ môn, hổ phù, hổ trướng  
7/ kẻ quyền uy:cáo mượn oai hùm, chúa sơn lâm, sơn quân, sơn tinh  
8/ kẻ có địa vị cao:hùm mất hươu hơn mèo mất thịt (kẻ trên mất bổng lộc thì bao giờ cũng xót hơn là người dưới, vì người dưới hoặc là chẳng có bổng lộc, hoặc nếu có thì không đáng kể)  
9/ chỉ chung kẻ mạnh hoặc hùng dũng, oai phong, dũng mãnh hoặc con nhà võ hoặc có quyền uy hay địa vị cao:con hùm xám Yên Thế, con hùm xám đường số 4  
10/ địa thế hiểm yếu: hổ cứ, nơi rồng chầu hổ phục  
11/ người đỗ đạt cao:hổ bảng (bảng treo danh sách người thi đỗ đại khoa thời xưa)  
12/ đấng thiêng liêng, tôn kính:thần hổ, hùm thiêng, tranh ngũ hổ, tranh ông hổ, đức ngài  


Nghĩa văn hàm tiêu cực
:

1/ kẻ độc ác, kẻ dữ:dữ như cọp/hùm/hổ đói, sợ như sợ cọp, làm ma giúp hổ, hổ đội lốt thày tu, hổ đi báo tới  
2/ nỗi nguy hiểm:thế cưỡi hổ, ngồi trên lưng cọp, vuốt râu hùm, nhổ nanh cọp  
3/ nguồn gây nguy hiểm chết người, nguồn độc:thể hiện trong tên gọi một số loài rắn: hổ mang (hổ trâu, hổ chúa, hổ chuối), hổ lửa, hổ đất, hổ mây  
4/ vẻ hùng hổ bên ngoài:miệng hùm gan sứa
5/ sự khủng khiếp:chuồng cọp (trong nhà tù)

Nghĩa văn hàm trung hoà:

1/ kẻ/phe đối lập:toạ sơn quan hổ đấu (ngồi trên núi an toàn xem hai hổ đánh nhau)

Trong tiếng Anh, “tiger” có các nghĩa văn hàm như sau.

Nghĩa tích cực:

1/ sự mạnh khoẻ:to work like a tiger – làm việc như hổ, tức là như điên, tiger (player) – vận động viên/người chơi hổ (đối lập với rabbit player – vận động viên/người chơi thỏ, tức là yếu)
2/ làm cho khoẻ như hổ như hùm:tiger’s milk – sữa hổ, pha từ sữa bột với sữa đậu nành và có thêm các loại vitamin

Nghĩa tiêu cực:

1/ hung bạo, hung hãn, khát máu, xảo quyệt:tigress – đồ hổ cái, tức là người đàn bà dữ dằn, tigrine aspect – dáng vẻ hung hãn, dữ tợn, the tiger of the sea – hổ của biển cả, tức là cá mập, fight like a tiger – chiến đấu như hổ, tức là tranh giành quyết liệt, to rouse the tiger in smb – kích động con hổ trong người ai, tức là làm họ nổi thú tính
2/ nỗi nguy hiểm:to ride a tiger – cưỡi cọp, tức là đùa với lửa, ở tình thế hiểm nguy
3/ tính huênh hoang, khoác lác:You’r a tiger – mày là đồ hổ, tức là đồ huênh hoang, tigerism – tính hổ, tức là khoác lác, huênh hoang

Nghĩa trung hoà:

1/ có ngoại hình, dáng dấp dữ dằn:tiger-wolf-sói hùm, một loại sói túi, tiger-cat – hổ miêu, loại mèo rừng có vằn,  red tiger – cọp đỏ, tức là sơn sư, một loại sư tử núi ở châu Mĩ
2/ có vằn hoặc đốm:tiger – tiểu hổ, tức là mèo vằn, tiger suit – hổ phục, tức là quần áo rằn ri nguỵ trang
3/ có màu rợ (như màu lông hổ):tigrine snakes – rắn hổ, có da sặc sỡ, tiger – trong tiếng Anh cổ, nghĩa là hổ hầu (người hầu ngựa cho kị sĩ, mặc đồng phục trông như hổ)
4/ có màu vàng nâu hoặc vàng xanh (như màu mắt hổ):tiger-eye-mắt hổ, tức là đá ngọc vàng nâu hay vàng xanh
5/ phàm ăn thịt sống:tiger-beetle- bọ hung hổ

tiếng Nga, các nghĩa văn hàm, trên cơ sở tư liệu hiện có, chỉ có tính trung hoà:

1/ có dáng vẻ hoặc có thói như hổ như hùm:tigrinaia povadka – dáng hổ hoặc thói hổ
2/ có vằn hoặc đốm:tigrovaia akula – cá mập hổ, tigrovaia lilia – hoa li hổ (như trong tiếng Anh), tigrovoeodeialo – cái chăn hổ, có màu vàng nâu và có vằn
3/ có màu vàng nâu hoặc vàng xanh (như mắt hổ):tigrovưi glaz – mắt hổ, một loại đá ngọc để trang trí

Xem ra, trong tâm thức của con người, con hùm con hổ để lại nhiều dấu ấn sâu đậm nhất ở người Việt, rồi đến người Anh và cuối cùng mới đến người Nga. Điều này thể hiện rõ qua bảng so sánh sau về nghĩa văn hàm của các từ chỉ hùm chỉ hổ trong ba thứ tiếng Việt, Anh, Nga:

                 Nghĩa văn hàm

 tích cựctiêu cựctrung hoà
Việt1251
Anh235
Nga003

Bảng này cũng cho thấy, trong khi đối với người Nga, hùm là một con vật không phải là “tốt”, cũng không phải là “xấu”, thì đối với người Anh, nó có vẻ hơi “xấu” hơn, còn đối với người Việt, hùm lại để lại một ấn tượng “quá tốt” đến bất ngờ với người Anh và người Nga. Đặc biệt, nó được gán cho những phẩm chất tốt đẹp mà cả con nhà võ lẫn con nhà văn đều coi là mẫu mực phải hướng tới (xem nghĩa tích cực 6 và 11). Hơn thế nữa, nó còn là một đấng thiêng liêng, đáng tôn kính (nghĩa tích cực 12), được sùng bái như thần linh, được tôn gọi là “ông”, là “đức ngài” – một điều mà người Anh, người Nga  không thể hình dung được. Câu trả lời nằm ở tín ngưỡng bản địa sùng bái tự nhiên của người Việt và ảnh hưởng của văn hoá Trung Hoa nói chung, của Nho giáo và Đạo giáo nói riêng: ở xứ sở này, hùm được coi là dương cương trong thế đối lập với âm nhu của rồng, bảng hổ được đối sánh với bảng rồng trong hệ thống danh sách những người đỗ đại khoa; theo quan  niệm của Đạo giáo, hùm là sứ giả dẫn ta lên cõi tiên, là thần hộ pháp của đạo này và người ta dán tranh hùm ở trong nhà vào đêm trừ tịch để trừ ma quỷ. Từ sợ hãi đến kinh sợ, từ kinh sợ đến tôn sùng như thần linh phải tạc tượng, vẽ tranh để thờ cúng – đó là quy luật tâm lí dễ hiểu.