giai đoạn từ sau 1986
HOÀNG TRỌNG PHIẾN*
GS.TS; Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG Hà Nội
Từ sau 1986, nhờ có công cuộc Đổi mới, đất nước Việt Nam đã có những bước phát triển mạnh mẽ về mọi mặt kinh tế, xã hội. Thơ ca-một thể loại xung kích của văn học đã nhanh chóng bắt nhịp với thời đại và có những phản ánh đời sống rất kịp thời. Cho đến nay, sự nghiệp Đổi mới đã tiến hành được ba mươi năm. Trong quãng thời gian ấy, thơ hiện đại Việt Nam đã có những đổi mới không ngừng. Tuy nhiên, cho đến nay, vẫn chưa có một công trình nào tiến hành tổng kết, đánh giá quá trình đổi mới thơ một cách hệ thống ngoài những bài viết lẻ tẻ đăng rải rác trên một vài tờ báo. Ở các bài viết này, mặc dù đã có những cố gắng nhưng các tác giả của nó vẫn chưa chỉ ra được bản chất của những đổi mới trong thơ. Do vậy, cuốn “Tiến trình phát triển và đổi mới ngôn ngữ thơ Việt Nam từ sau 1986 đến nay” do PGS.TS. Nguyễn Hữu Đạt khảo cứu, được Nhà xuất bản ĐHQG Hà Nội ấn hành năm 2017 có thể được coi là công trình khoa học đầu tiên bàn về đổi mới thơ hiện đại. Đóng góp nổi bật của công trình này là: từ góc độ ngôn ngữ học, người viết đã chỉ ra một cách hệ thống những chuyển biến mạnh mẽ về phong cách cũng như về phương pháp sáng tác của một số nhà thơ tiêu biểu được lựa chọn làm đại diện cho các thế hệ thơ khác nhau.
Nhìn một cách tổng quát, công trình đã phác họa được sự phát triển và đổi mới ngôn ngữ thơ Việt Nam từ sau năm 1986 đến nay bằng cách nghiên cứu trường hợp theo thao tác phân tích định lượng và định tính của ngôn ngữ học. Công trình đã tập trung khảo cứu hai cấp độ: Đổi mới Từ vựng-ngữ nghĩa và Đổi mới cú pháp thơ.
Công trình được cấu trúc thành 5 chương gồm 1 chương lí luận và 4 chương khảo sát và phân tích cụ thể. Với một tinh thần làm việc công phu, tác giả công trình đã cung cấp cho bạn đọc nhiều bảng thống kê chi tiết về tình hình phát triển vốn từ vựng, những biến đổi cơ bản về phân bố từ loại và phân bố các lớp từ, sự phát triển và đổi mới từ đa tiết. Ngoài ra, tác giả còn dành ra 1 chương để phân tích những hiện tượng đổi mới trong sử dụng câu thơ trong giai đoạn trước 1986 và từ 1986 đến nay. Từ những con số khảo sát về định lượng, tác giả đã phân tích và chỉ ra những biến đổi về tỉ lệ sử dụng danh từ, động từ và tính từ trong thơ đã làm cho thơ hiện đại Việt Nam có sự đổi mới mạnh mẽ về đề tài, về phong cách và phương pháp sáng tác. Cụ thể, theo tác giả, thơ hiện đại Việt Nam giai đoạn này đã chuyển hướng từ cái ta cộng đồng sang cái tôi trữ tình và cái tôi thế sự.
Ở cấp độ trên từ, tác giả công trình đã bỏ nhiều công sức để phân tích những hiện tượng đổi mới trong cách dùng cụm từ phục vụ cho việc đặt tên bài thơ (các cách đặt tít bài). Theo hướng nghiên cứu của ngữ pháp văn bản, công trình đã hướng sự chú ý vào mối quan hệ chủ đề giữa tít bài và phần nội dung của văn bản. Nhờ đó, với những khảo sát cụ thể và thống kê định lượng, công trình đã khẳng định rằng, về cách đặt tít bài, thơ hiện đại Việt Nam giai đoạn từ sau 1986 đến nay đã có sự chuyển hướng mạnh từ cách đặt tít đề có tính cụ thể chuyển sang cách đặt tít đề mang tính biểu tượng, trong đó có nhiều hiện tượng kết hợp lạ và phá cách trong sử dụng ngôn ngữ.
Trong phần nghiên cứu về cú pháp thơ, những hiện tượng đổi mới trong cách tổ chức câu thơ, đoạn thơ, bài thơ được tác giả đặc biệt chú ý. Với những phân tích sắc sảo nhờ có bề dày kinh nghiệm nghiên cứu cũng như những mẫn cảm của người sáng tác (**), Hữu Đạt đã có nhiều phát hiện mới mẻ về con đường đổi mới thơ của Huy Cận, Nguyễn Duy, Hữu Thỉnh, Trần Đăng Khoa, Nguyễn Phong Việt ở nhiều góc độ khác nhau. Chẳng hạn, nhận xét về đổi mới trong thơ Nguyễn Duy, tác giả coi chặng đường sáng tác của ông đã diễn ra hai lần đổi mới và khẳng định: “Vốn từ vựng trong thơ ông mỗi lúc được mở rộng thêm cả về biên độ và nội dung ngữ nghĩa. Ngoài những bài thơ biểu thị tâm trạng ông còn có nhiều bài thơ tả cảnh (tả cảnh ngụ tình) nên trong các sáng tác mới của ông, hình tượng về cái tôi thế sự không còn nổi cộm, gay gắt mà được “pha chế” với cái tôi trữ tình. Do đó, tính phê phán xã hội trong thơ ông lần này ngọt ngào hơn, sâu lắng thấm thía hơn. Cuộc đổi mới lần thứ hai đã làm cho thế phân bố từ vựng trong thơ Nguyễn Duy có những biến động khá rõ: Tỉ lệ danh từ tăng 3,08%, trong khi đó động từ giảm 2,24%, tính từ giảm 0,84%. Điều đáng chú ý là… ông khéo léo chuyển sang đổi mới ngôn ngữ thơ ở một số phương diện khác bằng cách khai thác triệt để lợi thế về đặc điểm loại hình đơn lập của tiếng Việt” (tr.116). Còn nhận xét về sự đổi mới trong thơ Hữu Thỉnh, ông viết: “Từ Trường ca Biển đến Thư mùa đông, thơ Hữu Thỉnh đã có sự đổi mới mạnh mẽ về bút pháp và phong cách: Từ thơ “hành động” chuyển sang thơ “tâm trạng”, từ thơ thiên về ngoại hướng, chuyển sang thơ thiên về nội hướng. Sự phản ánh cái ta chung trong thơ ông giảm dần để nhường chỗ cho cái tôi trữ tình và cái tôi thế sự” (tr.119). Hoặc: “về thi pháp kể chuyện, từ Đối thoại Biển đến Đi dưới cây Hữu Thỉnh đã có những thay đổi về điểm nhìn: Từ điểm nhìn toàn tri (người kể chuyện đứng ở các góc độ khác nhau, biết hết, thấy hết mọi chuyện) chuyển sang điểm nhìn nhân vật (chỉ kể lại những gì anh ta thấy và biết). Tính chất của thơ của ông vì thế cũng chuyển từ thơ hướng ngoại sang thơ hướng nội ” (tr.125).
Trong khi phân tích về tiến trình đổi mới ở mỗi nhà thơ, tác giả công trình đã cố gắng lùi ra ra một bước để so sánh sự khác nhau trên con đường đổi mới của mỗi nhà sáng tác đồng thời đưa ra các nhận định khách quan về sự thành công cũng như hạn chế của tiến trình đổi mới. Đây là các nhận định không chỉ có ý nghĩa lí luận mà còn có ý nghĩa thực tế sâu sắc đối với công việc sáng tạo văn chương: “Trên con đường đổi mới ngôn ngữ thơ, những người sáng tác thuộc lớp trẻ (như Nguyễn Phong Việt) thường có ý thức đổi mới một cách quyết liệt hơn so với các nhà thơ lớn tuổi (như Nguyễn Duy). Điều đó thể hiện ở tỉ lệ phần trăm các hiện tượng “lạ hóa” trong tổng số các bài thơ của mỗi tác giả…Tất nhiên, đó chỉ là kết quả thuần túy về mặt định lượng. Nó cho phép ta nhận định: Sự đổi mới – cụ thể là việc làm “lạ hóa” thơ về phương diện kết hợp từ là dấu hiệu về tính vận động về phong cách sáng tác của nhà thơ. Tuy nhiên, sự đổi mới câu thơ chưa phải là yếu tố quyết định làm nên thơ hay. Điều này còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố nghệ thuật khác. Trong quá trình làm “lạ hóa” thơ về phương diện kết hợp từ, không phải trường hợp nào cũng thành công. Có những trường hợp, do quá chú ý đến điều này, các nhà thơ đã vô tình làm cho thơ mình trở nên rắc rối khó hiểu, gây tác động tiêu cực đến con đường tiếp nhận nghệ thuật” (tr.175). Với thái độ thẳng thắn, chân tình nhưng không dễ dãi, sau khi phân tích những mặt mạnh trong đổi mới thơ của Nguyễn Phong Việt, Hữu Đạt đã không ngần ngại chỉ ra điểm yếu của nhà thơ này: “Bên cạnh sự đổi mới thành công ở phương diện này, anh cũng đã tạo ra không ít những câu thơ dài dòng, rối rắm, tối nghĩa. Khi xuất hiện tập thơ đầu tiên, bạn đọc có cảm giác “sốc” trước những sự mới lạ, nhưng khi tập thơ thứ hai của anh xuất hiện bạn đọc đã thấy có sự “lặp lại” quá tải nên thơ bị nhàm” (tr.175).
Các ví dụ về thơ được trích dẫn trong công trình đều là các ví dụ điển hình, phản ánh khả năng thẩm thơ tinh tế của Hữu Đạt. Song, điều làm cho bạn đọc ngạc nhiên nhất chính là những trang viết về hiện tượng đổi mới trên phương diện cấu trúc thơ được trình bày ở chương 5. Đây là một chương có nhiều phát hiện mới về con đường sáng tạo thơ của Hữu Thỉnh, Nguyễn Duy, Trần Đăng Khoa và những đóng góp thực sự của họ trên con đường đổi mới. Đặc biệt, Hữu Đạt đã làm cho người đọc rất bất ngờ khi ông dùng thao tác “chiếu các yếu tố trên trục hệ hình xuống trục cú đoạn” để phân tích bài thơ Ở nghĩa trang thành phố của Trần Đăng Khoa. Mặc dù bài thơ này ra đời đã được ba mươi năm, nhưng chưa có ai phát hiện ra được cái sự tuyệt diệu trong tổ chức cấu trúc của nó. Chỉ đến công trình này, bài thơ của Trần Đăng Khoa mới được khám phá một cách đầy đủ khi Hữu Đạt chỉ ra rằng, đây là một bài thơ có sự cách tân về cấu trúc một cách rất đặc biệt. Bởi vì, từ bài thơ này, nếu sắp xếp lại trên trục tuyến tính và trục hệ hình có thể được vài chục bài thơ thuộc các thể loại khác nhau với ý nghĩa đầy đủ nhất của nó. Qua phân tích của Hữu Đạt, bạn đọc không chỉ được chiêm ngưỡng một tài năng thơ ca có tính thiên bẩm mà còn được chứng kiến khả năng biến hóa rất kì diệu của tiếng Việt. Đây cũng là một đóng góp rất mới của Hữu Đạt trong đổi mới lí luận phê bình văn học hiện nay.
Nghiên cứu thơ Việt Nam đã có nhiều thành tựu xuất sắc với các cách tiếp cận khác nhau. Công trình của PGS.TS. Nguyễn Hữu Đạt là công trình khảo cứu nhất quán, triệt để theo cách tiếp cận ngôn ngữ học hiện đại gắn với đặc trưng loại hình tiếng Viêt về mặt từ vựng và cú pháp. Công trình cho thấy sự phát triển và đổi mới ngôn ngữ thơ Việt Nam sau 1986 đến nay đồng hành với sự phát triển, đổi mới của tiếng Việt hiện đại. Trong tiến trình đó có sự đóng góp to lớn của nhà văn, nhà thơ.
Vốn là một nhà văn có bút pháp hấp dẫn, ngôn từ trong sáng, mới mẻ; một nhà ngôn ngữ học thông minh, sáng tạo; một nhà giáo nhiệt huyết với nghề, PGS.TS. Nguyễn Hữu Đạt đã có một công trình học thuật phản ánh rõ các đặc trưng nghề nghiệp đó.
Từ các kết quả khảo cứu công phu, nghiêm túc đáng tin cậy, “Tiến trình phát triển và đổi mới ngôn ngữ thơ Việt Nam từ sau 1986 đến nay” đã có những nhận định mang tính lí luận sâu sắc, mới mẻ. Những nhận định này đóng góp tích cực vào phương pháp nghiên cứu lí luận phê bình văn học nghệ thuật; nghiên cứu ngôn ngữ văn chương nói chung, ngôn ngữ thơ Việt Nam hiện đại nói riêng.
Tôi đánh giá cao giá trị thực tiễn của công trình này. Nó là tài liệu có giá trị đối với việc đổi mới giảng dạy ngôn ngữ thơ trong trường phổ thông; là một kiểu giải mã ngôn ngữ thơ và nghiên cứu ngôn ngữ văn chương đối với các học viên cao học, nghiên cứu sinh chuyên ngành ngữ văn Việt Nam.
________________
(*) Hữu Đạt còn là người tiên phong khai sáng dòng thơ hình họa, tác giả của tập thơ Lữ hành và trường ca nổi tiếng Cuộc chiến mười ngàn ngày.