Nghiên cứu hiện tượng từ đa nghĩa từ góc độ ngôn ngữ học tri nhận (với động từ chạy trong tiếng Việt) Phần 2: đa nghĩa là kết quả của hòa trộn ý niệm

Nguyễn Minh Hà*
* ThS.Trường Đại học Ngoại Ngữ – ĐHQGHN, Email: haminhnguyenulis@gmail.com

1. Đặt vấn đề

Đa nghĩa là một hiện tượng phổ biến, đa dạng và phong phú của ngôn ngữ loài người nói chung và của tiếng Việt nói riêng. Theo Phan Thị Nguyệt Hoa (2011), từ đa nghĩa trong từ điển Tiếng Việt (1998) chiếm một tỷ lệ khá lớn là khoảng 55%, 37% và 18% lần lượt tương ứng với các danh từ, động từ, và tính từ đa nghĩa. Phần lớn các từ thường xuyên được sử dụng là các từ đa nghĩa. Các mục từ phát triển đa dạng xuất phát từ nhu cầu sử dụng ngôn ngữ hàng ngày của người nói, khi họ có xu hướng tạo ra từ mới hoặc thêm nghĩa mới cho các từ sẵn có.

Theo Lê Quang Thiêm (1979), “từ đa nghĩa là từ mà nội dung bao gồm một số nghĩa khác nhau, các nghĩa này lập thành một hệ thống nằm trong các mối quan hệ liên kết với nhau, gồm một vài nét nghĩa chung và nhiều nét nghĩa loại biệt thường biểu thị các đối tượng khác nhau nhưng lại được đặt cơ sở trên một sự giống nhau về chức năng, hình thức hoặc thuộc tính nào đó của đối tượng”.

Khác với các đường hướng nghiên cứu truyền thống thường phân chia ngôn ngữ thành các lĩnh vực khác nhau như: âm vị học, hình thái học, cú pháp học và ngữ dụng học, ngôn ngữ học tri nhận nghiên cứu ngôn ngữ trên cơ sở nhận thức và hiểu biết của con người về thế giới, hay nói cách khác là cách con người ý niệm hóa thế giới. Từ góc độ ngữ nghĩa học tri nhận, hiện tượng đa nghĩa vừa có nguồn gốc từ cấu trúc ý niệm của con người, vừa phản ánh cấu trúc ý niệm của con người. Từ đa nghĩa được hình thành thông qua quá trình tương tác giữa hoạt động nhận thức của con người với môi trường sống xung quanh.

Theo Gilles Fauconnier và Mark Turner (2003), đa nghĩa là một quá trình tri nhận trong đó, nghĩa mới được kiến tạo là kết quả của một hoạt động tinh thần cơ bản của con người gọi là hòa trộn ý niệm. Bản chất của hoạt động tinh thần này là kiến tạo sự kết hợp một phần giữa hai không gian tâm thức đầu vào, để phóng chiếu có chọn lọc từ các không gian đầu vào này tới một không gian hòa trộn tâm thức mới, sau đó phát triển một cấu trúc nổi bật và làm phát sinh một nghĩa mới nổi bật.

Xuất phát từ quan điểm lý luận đó, trong bài viết này, chúng tôi nghiên cứu hiện tượng từ đa nghĩa nói chung từ góc độ ngôn ngữ học tri nhận thông qua việc khảo sát và phân tích ngữ nghĩa của một động từ chuyển động điển hình trong tiếng Việt, gắn với hoạt động tự nhiên cơ bản của con người là động từ chạy trong tiếng Việt.

Trên cơ sở lý thuyết không gian tâm thức, nghiên cứu xác định các thành tố và khung của không gian tâm thức tạo bởi nghĩa gốc và nghĩa mở rộng của động từ chạy. Khái niệm hòa trộn ý niệm được sử dụng để giải thích cho sự mở rộng ngữ nghĩa giữa nghĩa gốc và nghĩa mở rộng của động từ chạy. Nghĩa mở rộng của động từ chạy được thực hiện thông qua sự phóng chiếu mang tính lựa chọn từ những không gian đầu vào tới không gian hòa trộn. Ở không gian hòa trộn, ngoài những yếu tố quen thuộc, còn có thêm thông tin mới được đưa vào, kết quả là một nghĩa mới đã được kiến tạo. Phương pháp nghiên cứu định tính được sử dụng trong nghiên cứu này nhằm khảo sát các nghĩa của động từ chạy trong tiếng Việt. Các dữ liệu trong nghiên cứu không ở dạng số liệu mà được phân tích và diễn giải từ góc độ ngôn ngữ học tri nhận. Tuy nhiên đây mới chỉ là kết quả ban đầu trong nghiên cứu của chúng tôi và hy vọng trong thời gian tới, chúng tôi có thể công bố tiếp những kết quả đầy đủ hơn.   

2. Các khái niệm cơ bản

2.1. Không gian tâm thức

Theo Nguyễn Văn Hán (2012), không gian tâm thức là những tập hợp một phần khi chúng ta nghĩ và nói về những mục đích của việc hiểu và hành động tại chỗ. Không gian tâm thức được cấu trúc và thay đổi khi tư duy và diễn ngôn được bày tỏ và được kết nối với nhau bởi nhiều loại ánh xạ  khác nhau trong sự đồng nhất riêng biệt và những ánh xạ tương đồng.

G. Fauconnier và M. Turner (2002) đã tiến hành nghiên cứu một thuộc tính chung của những cấu hình không gian tâm thức đó là có sự kết nối đặc tính giữa các thành tố thuộc các không gian khác nhau mặc dù các kết nối này không bao hàm ý là chúng có cùng đặc điểm hoặc thuộc tính. Khi các yếu tố và những mối quan hệ của một không gian tâm thức được tổ chức “trọn gói” mà ta đã biết, chúng ta nói rằng không gian tâm thức được đóng khung và chúng ta gọi cách tổ chức đó là một khung.

Nghiên cứu của G. Fauconnier và M. Turner (2002) cho thấy một không gian tâm thức có thể được tổ chức bằng một khung cụ thể như đấm bốc và một khung tổng quát hơn như việc đánh nhau và một khung thậm chí còn tổng quát hơn nữa là việc tranh tài. Mỗi một khung này có những phạm vi, những sơ đồ hình ảnh, những khuôn mẫu lực-động, những mối quan hệ quan yếu. Người ta cũng sử dụng những topo hình học mịn hơn trong không gian tâm thức, nằm dưới mức độ khung đang được tổ chức.

Một đặc tính quan trọng của ngôn ngữ, cấu trúc nhận thức và kết nối ý niệm được gọi là nguyên tắc đường vào (access principle). Nguyên tắc này cho rằng một sự biểu đạt gọi tên hay mô tả một yếu tố trong một không gian tâm thức có thể được dùng để đi vào những đặc điểm tương ứng của yếu tố đó trong một không gian tâm thức khác. Nếu hai yếu tố a và b được liên kết với nhau bằng một công thức kết nối F (b = F (a) ), thì yếu tố b có thể được nhận ra bằng việc gọi tên, miêu tả hay chỉ ra yếu tố a tương ứng với nó.

Fauconnier đã phát triển lý thuyết không gian tâm thức bằng cách liên kết các thành tố và các yếu tố với các khung. Không gian tâm thức được kết nối với sự hiểu biết có tính ký ức dài hạn, chẳng hạn như khung của hành động “đi bộ dọc theo con đường” được kết nối với những hiểu biết tri nhận có tính chất dài hạn, chẳng hạn như ký ức về thời gian mà “Bạn đã lên ngọn núi Rainier năm 2001”. Không gian tâm thức bao gồm bạn, núi Rainier, năm 2001 và hành động leo núi của bạn có thể được kích hoạt theo nhiều cách khác nhau và với nhiều mục đích khác nhau. Hành động “Bạn đã lên ngọn núi Rainier năm 2001” thiết lập một không gian tâm thức để tường thuật một sự kiện đã xảy ra trong quá khứ.

2.2. Hòa trộn ý niệm

Sự hòa trộn ý niệm liên quan đến việc thiết lập những ánh xạ bán phần giữa các mô hình tri nhận trong những không gian khác nhau trong mạng, và sự phóng chiếu của cấu trúc ý niệm từ không gian nay sang không gian khác. Theo G. Fauconnier và M. Turner (2003), để giải thích cho sự phức tạp trong quá trình tư duy của con người, chúng ta không chỉ cần mô hình một miền ý niệm (như trường hợp hoán dụ ý niệm) hoặc mô hình hai miền ý niệm (như trường hợp ẩn dụ ý niệm) mà cần đến một mạng (network), hay còn gọi là một mô hình nhiều không gian tâm thức (many space model) hoặc mô hình mạng hòa trộn ý niệm (conceptual integration network model). Mạng hòa trộn ý niệm được hiểu là hoạt động nhận thức cơ bản diễn ra theo một khuôn mẫu cụ thể nhưng ở các mức độ trừu tượng khác nhau và có cấu trúc rõ ràng bao gồm các không gian tâm thức đầu vào (input mental spaces), không gian tâm thức chung (generic space) và không gian đặc biệt thứ tư được gọi là không gian tâm thức hòa trộn (integrated mental space – the blended space – the blend).

Lược đồ của quá trình hòa trộn ý niệm như sau: không gian tâm thức chung là một siêu cấu trúc, ánh xạ lên mỗi không gian tâm thức đầu vào và bao gồm những điểm chung của các không gian đầu vào. Các không gian tâm thức đầu vào tham gia vào sự ánh xạ xuyên không gian và phóng chiếu có chọn lựa tới không gian tâm thức thứ tư là không gian hòa trộn. Không gian hòa trộn này có cấu trúc nổi bật, không bị quy định bởi những không gian tâm thức đầu vào, và do đó một nghĩa mới được kiến tạo.

Hình 1: Mạng hòa trộn ý niệm gốc với 4 không gian tâm thức

Một trong những ví dụ điển hình minh họa thuyết hòa trộn ý nhiệm mà Arthur Koestler đề cập trong “The act of creation”: Một ngày nọ, một nhà sư vào lúc bình minh tản bộ lên núi, lên tới đỉnh ngọn núi vào lúc mặt trời lặn, chiêm nghiệm ở trên núi trong vài ngày mãi cho đến một buổi bình minh nọ thì nhà sư bắt đầu đi xuống núi. Không đưa ra bất cứ một giả định nào về sự bắt đầu, dừng lại hay tốc độ đi của ông ấy. Câu đố là: có một nơi nào đó trên con đường mà nhà sư ở vị trí cùng một giờ trong ngày trên hai cuộc hành trình riêng biệt? (Fauconnier & Turner, 2002).

Hình 2: Lược đồ cơ bản của câu đố về nhà sư
(Fauconnier & Turrner, 2002)

G. Fauconnier và M. Turner đã vận dụng lý thuyết về sự hòa trộn ý niệm để giải đáp câu đố này, các ông đã đưa ra mô hình mạng Nhà sư (the network model). Chúng ta có thể thấy ở đây có hai không gian tâm thức đầu vào (ngày nhà sư tản bộ lên núi và ngày xuống núi), không gian hòa trộn và không gian chung. Không gian chung này bao gồm những điểm chung của hai không gian đầu vào: một cá nhân đang di chuyển và vị trí của anh ta, một đường đi nối chân núi với đỉnh núi, ngày đi, và sự chuyển động theo một hướng không xác định. 

2.3. Đa nghĩa trên cơ sở thuyết hòa trộn ý niệm

G. Fauconnier và M. Turner đưa ra bốn nguyên tắc phát triển nghĩa của một từ đa nghĩa như sau:

(i) Thông qua sự phóng chiếu có lựa chọn, sự biểu đạt ở một không gian đầu vào  được phóng chiếu tới không gian hòa trộn và được dùng để biểu đạt những yếu tố tương ứng trong không gian đó.

(ii) Sự biểu đạt ở nhiều không gian đầu vào khác nhau có thể được kết hợp để làm nổi bật cấu trúc ở không gian hòa trộn, mặc dù sự kết hợp này có thể là không phù hợp ở từng không gian đầu vào. Kết quả là những cụm từ đúng ngữ pháp nhưng vô nghĩa ở không gian đầu vào có thể trở thành đúng ngữ pháp và có nghĩa ở không gian tâm thức.

(iii) Những thuật ngữ được sử dụng rất tự nhiên, thông qua những liên kết trong mạng hòa trộn ý niệm, làm nổi bật những nghĩa mà đáng lẽ ra không thể nổi bật nếu không gian hòa trộn không được tạo thành.

(iv) Hòa trộn ý niệm tạo ra sự liên tục của các hiệu ứng đa nghĩa, do đó đa nghĩa trở thành kết quả thường xuyên và tất yếu của hòa trộn ý niệm. Một điều dễ nhận thấy ở hiện tượng đa nghĩa là chức năng sẵn có một số khung thông qua sự mặc định, văn cảnh và văn hóa.

3. Kết quả nghiên cứu và diễn giải

3.1. Không gian tâm thức tạo bởi nghĩa gốc của động từ “chạy” trong tiếng Việt.

Từ chạy trong Từ điển tiếng Việt 2018 của Viện Ngôn ngữ học (Hoàng Phê chủ biên) có nghĩa gốc như sau: “Người hoặc động vật di chuyển thân thể bằng những bước nhanh mạnh và liên tiếp”. Theo Lý Toàn Thắng (2009), từ nghĩa gốc này, người ta có thể suy ra sáu thành tố ngữ nghĩa cơ bản của động từ chạy: tác thể (người hoặc động vật), hành động (chuyển động tịnh tiến hoặc chuyển động độc lập), phương hướng (nguồn, đích, hướng, đường dịch chuyển), nền (điểm quy chiếu của chuyển động), cách thức (tốc độ, phương tiện, tư thế, trạng thái của đối tượng chuyển động) và nguyên nhân.

Hình 3 dưới đây là lược đồ cơ bản của không gian tâm thức tạo bởi nghĩa gốc của động từ chạy trong tiếng Việt. Trong đó:

– Hình tròn là không gian tâm thức

– o là hình ảnh của người hoặc động vật

– Mũi tên hướng xuống là hướng chuyển động đi xuống

– Đường thẳng là nền của chuyển động bao gồm nguồn, đích và đường đi.

Hình 3: Lược đồ cơ bản của không gian tâm thức
tạo bởi nghĩa gốc của động từ “chạy” trong tiếng Việt

Về ký hiệu của lược đồ:

– a là tác thể (Agent) – b là hành động dịch chuyển (Action/ Move) – c là phương hướng (Direction) – d là nền (Ground) – e là cách thức (Manner) – f là nguyên nhân (Cause)

Trong từ điển tiếng Việt (2018), động từ chuyển động chạy trong tiếng Việt có một nghĩa gốc và 11 nghĩa mở rộng. Các nghĩa này được khái quát trong bảng sau:

1(Người/ động vật) di chuyển thân thể bằng những bước nhanh mạnh và liên tiếp.
2(Người) di chuyển nhanh đến nơi khác không kể bằng gì (bằng những phương tiện, công cụ khác).
3(Phương tiện giao thông) di chuyển nhanh đến nơi khác trên một bề mặt
4(Máy móc/ đồ dùng có máy móc) hoạt động, làm việc
5Điều khiển cho phương tiện, máy móc di chuyển hoặc hoạt động
6Điểu khiển cho tia X, tia phóng xạ hoặc các thiết bị chuyên dụng tác động đến bộ phận cơ thể để chữa bệnh
7(Người) mang và di chuyển nhanh. Khi người di chuyển, vật cũng di chuyển theo
8Nhanh chóng tránh trước điều gì không hay, thường bằng cách chạy hoặc di chuyển đi nơi khác
9Chịu, bỏ dở không theo đuổi đến cùng
10Khẩn trương tìm kiếm, lo liệu để mau chóng có được, đạt được cái đang rất cần, muốn
11Nằm trải ra thành dải dài và hẹp
12Làm nổi lên thành đường dài để trang trí

3.2. Nghĩa mở rộng của động từ chạy thông qua hòa trộn ý niệm.

Các nghĩa mở rộng của động từ chạy lần lượt được phân tích trên cơ sở mối quan hệ với nghĩa gốc, hay nói cách khác, quá trình kiến tạo nghĩa của động từ chạy được nghiên cứu nhằm làm sáng rõ hiện tượng mở rộng nghĩa thông qua hòa trộn ý niệm.

Nghĩa (2) “Người di chuyển nhanh đến nơi khác không kể bằng gì / bằng những phương tiện, công cụ khác”: chạy tàu, chạy xe, chạy ô tô v.v.

Đầu vào 1Đầu vào 2KG chungKG hòa trộn
a1 Ngườia2 Ngườia   Tác thểa’1 Người
b1 Di chuyểnb2 Di chuyểnb Hành độngb’1 Di chuyển
e1.1 Nhanhe2.1 Nhanhe Tốc độe’2.1 nhanh
e1.2 bước châne2.2 tàu, xe, ô tôe Phương tiệne’2. bằng ph tiện
c1 trên mặt đấtc2 trên bề mặtc Nềnc’3 đến nơi khác
Hình 4: Mạng hòa trộn ý niệm của nghĩa mở rộng 2 động từ “chạy”

Không gian đầu vào 1 bao gồm những thông tin sau: (i) người hoặc động vật, (ii) di chuyển thân thể, (iii) bằng những bước chân, (iv) nhanh, mạnh, liên tiếp, (v) trên mặt đất. Ở không gian đầu vào 2, chúng ta có những thông tin sau: (i) người, (ii) di chuyển, (iii) nhanh, (iv) đến nơi khác, (v) bằng những phương tiện công cụ khác, (vi) trên bề mặt. Không gian chung bao gồm các thuật ngữ khái quát hơn như: tác thể, hành động, cách thức (tốc độ, phương tiện) và nền, cho phép thiết lập những ánh xạ xuyên không gian giữa các yếu tố thuộc hai không gian đầu vào và giữa các yếu tố này với không gian chung. Chẳng hạn, ánh xạ xuyên không gian được thiết lập giữa yếu tố “bằng bước chân” ở đầu vào 1, yếu tố “bằng tàu, xe, ô tô” ở đầu vào 2 và yếu tố chung “bằng phương tiện, công cụ” ở không gian chung theo nguyên tắc đường vào. Cuối cùng, ở không gian hòa trộn, chúng ta có cấu trúc được phóng chiếu từ hai không gian đầu vào và một cấu trúc mới không xuất hiện ở bất cứ không gian đầu vào nào bao gồm các yếu tố người (a’1), di chuyển (b’1), nhanh (c’3), đến nơi khác (e’2.1), bằng phương tiện (e’2.2)  

Khi hành động ở không gian đầu vào 2 “Người di chuyển nhanh đến nơi khác bằng những phương tiện, công cụ khác” được biểu đạt bằng động từ chuyển động chạy ở không gian đầu vào 1, chính sự đối lập giữa hai cách thức chuyển động (bằng chân – bằng phương tiện) đã khiến chúng ta cảm nhận hành động dịch chuyển trở nên nhanh hơn và với một đích đến rõ ràng, cụ thể hơn. Điều này có nghĩa là thông qua những liên kết trong mạng hòa trộn ý niệm, hai yếu tố “tốc độ” và “đích” đã được tập trung làm nổi bật ở không gian hòa trộn. Cấu trúc nổi bật về tốc độ, phương hướng và cách thức không tồn tại ở không gian đầu vào mà là kết quả của việc kết hợp các yếu tố của hai không gian này. Chính sự ghép đôi không cân xứng giữa hai cách thức di chuyển, “bằng bước chân” và “bằng phương tiện” giúp chúng ta nhận thấy cấu trúc nổi bật này trở nên sinh động và tự nhiên hơn tại không gian hòa trộn.

Đầu vào 1Đầu vào 2KG chungKG hòa trộn
a1 Ngườia2 Phương tiệna   Tác thểa’2 Phương tiện
b1 Di chuyểnb2 Di chuyểnb Hành độngb’1 Di chuyển
e1.1 Nhanhe2 Nhanhe Cách thứce’1 nhanh
e1.2 bước chânc2 đến nơi khácc Phương hướngc’2 đến nơi khác
d1 trên mặt đấtd2 trên bề mặtd Nềnd’2 trên bề mặt
Hình 5: Mạng hòa trộn ý niệm của nghĩa mở rộng của 3 động từ ‘chạy”

Không gian đầu vào 1 gồm những yếu tố sau: (i) người hoặc động vật, (ii) di chuyển thân thể, (iii) bằng những bước chân, (iv) nhanh, mạnh, liên tiếp, (v) trên mặt đất. Ở không gian đầu vào 2, chúng ta có những thông tin sau: (i) phương tiện giao thông, (ii) di chuyển, (iii) nhanh, (iv) đến nơi khác, (v) trên một bề mặt. Hai không gian đầu vào có cấu trúc chung gồm: tác thể, hành động, cách thức, phương hướng và nền.

Các yếu tố tương ứng ở ba không gian này được kết nối bởi ánh xạ xuyên không gian và phóng chiếu có lựa chọn tới không gian hòa trộn. Chẳng hạn, liên kết giữa ba yếu tố “người hoặc động vật” ở đầu vào 1, “phương tiện giao thông vận tải” ở đầu vào 2 và “tác thể” ở không gian chung được hình thành dựa trên nguyên tắc đường vào. Sau đó, sự biểu đạt của yếu tố “phương tiện giao thông” ở không gian đầu vào 2 được lựa chọn phóng chiếu đến không gian hòa trộn để biểu đạt yếu tố tương ứng. Chính thông qua sự phóng chiếu có lựa chọn này, chúng 6

ta có cấu trúc được phóng chiếu từ hai không gian đầu vào và một cấu trúc mới không xuất hiện ở bất cứ không gian đầu vào nào bao gồm các yếu tố phương tiện (a’2), di chuyển (b’1), nhanh (e’1), đến nơi khác (c’2),  trên bề mặt (d’2).

Khi hành động ở không gian đầu vào 2 “Phương tiện giao thông di chuyển nhanh đến nơi khác trên một bề mặt” được biểu đạt bằng động từ chuyển động chạy ở không gian đầu vào 1, chính sự đối lập giữa hai tác thể (người – phương tiện giao thông) đã khiến chúng ta cảm nhận hành động dịch chuyển có một đích đến cụ thể hơn và bề mặt trên đó phương tiện giao thông dịch chuyển trở nên rõ ràng hơn. Điều này có nghĩa là thông qua những liên kết trong mạng hòa trộn ý niệm, hai yếu tố “nền” và “phương hướng” đã được tập trung làm nổi bật ở không gian hòa trộn.

Cấu trúc nổi bật về tác thể, nền và phương hướng không tồn tại ở không gian đầu vào mà là kết quả của việc kết hợp các yếu tố của hai không gian này. Chính sự ghép đôi không cân xứng giữa hai tác thể, “người” và “phương tiện giao thông” giúp chúng ta nhận thấy cấu trúc nổi bật này trở nên sinh động hơn tại không gian hòa trộn.

Nghĩa (4) “Máy móc hoặc đồ dùng có máy móc hoạt động, làm việc”: máy chạy thông ca, đồng hồ chạy chậm, v.v.

Đầu vào 1Đầu vào 2KG chungKG hòa trộn
a1 Ngườia2 Máy móca   Tác thểa’2 Máy móc
b1 Di chuyểnb2 Hoạt độngb Hành độngb’2 Hoạt động
e1.1 Nhanhe 2 Nhanhe Tốc độe’1 nhanh
e1.2 bước chân
Hình 6. Mạng hòa trộn ý niệm của nghĩa mở rộng 4 động từ “chạy”

Không gian đầu vào 1 bao gồm các yếu tố sau: (i) người hoặc động vật, (ii) di chuyển thân thể, (iii) bằng những bước chân, (iv) nhanh, mạnh, liên tiếp, (v) trên mặt đất. Ở không gian đầu vào 2, chúng ta có những thông tin sau: (i) máy móc hoặc đồ vật có máy móc, (ii) hoạt động, làm việc, (iii) với tốc độ cao. Không gian chung bao gồm: tác thể, hành động, cách thức.

Những ánh xạ xuyên không gian lần lượt tạo sự kết nối giữa các nhóm yếu tố: người – tác thể – máy móc, di chuyển – hoạt động – làm việc, nhanh, mạnh, liên tiếp – cách thức – nhanh. Sau đó, yếu tố “di chuyển”, “nhanh” ở đầu vào 1 và yếu tố “máy móc hoặc đồ vật có máy móc”, “hoạt động, làm viêc” ở đầu vào 2 được lựa chọn để phóng chiếu đến không gian hòa trộn, tạo ra một cấu trúc mới không xuất hiện ở bất cứ không gian đầu vào nào bao gồm các yếu tố máy móc (a’2), hoạt động, làm việc (b’2), tốc độ nhanh (e’1).

Khi hành động ở không gian đầu vào 2 “Máy móc hoặc đồ dùng có máy móc hoạt động, làm việc” được biểu đạt bằng động từ chuyển động chạy ở không gian đầu vào 1, chính sự đối lập giữa hai tác thể (người – máy móc) và hai hành động (chạy – làm việc) đã khiến chúng ta nhận thấy một cấu trúc mới xuất hiện với các yếu tố “tác thể”, “hành động” và “tốc độ” đã được tập trung làm nổi bật ở không gian hòa trộn thông qua những liên kết trong mạng hòa trộn ý niệm.

Đầu vào 1Đầu vào 2KG chungKG hòa trộn
a1 Ngườia2.1 Ngườia Tác thểa’2.1 Người
b1 Di chuyểnb2.1 Điều khiểnb Hành độngb’2 Điều khiển
e1.1 Nhanha2.2 phương tiệna Bị thểa’2.2 Phtiện
e1.2 bước chânb2.2 di chuyểnb Chuyển độngb’1 di chuyển
e2 Nhanhe’1 Nhanh
Hình 7. Mạng hòa trộn ý niệm của nghĩa mở rộng 5 động từ “chạy”

Ở nghĩa mở rộng (5) động từ chạy, chúng tôi chủ yếu tập trung phân tích yếu tố quan trọng nhất trong mạng hòa trộn ý niệm, đó chính là cấu trúc nổi bật. Cấu trúc này bao gồm một số thông tin mới, không có ở hai không gian đầu vào. Chúng tôi sẽ đi sâu phân tích ba quá trình làm xuất hiện cấu trúc nổi bật ở nghĩa mở rộng (5) động từ chạy.

Quá trình thứ nhất là quá trình tập hợp (composition). Các cặp yếu tố tương ứng (người – phương tiện/máy móc, di chuyển – hoạt động) được phóng chiếu đến không gian hòa trộn và hợp nhất tại đây. Các yếu tố không tương ứng (người, điều khiển) từ không gian đầu vào 2 cũng được phóng chiếu và tập hợp tại không gian hòa trộn. Các yếu tố này sẽ được kết nối và thiết lập những mối liên hệ xuyên không gian mới: yếu tố “người hoặc động vật” (a1) ánh xạ lên yếu tố “phương tiện, máy móc” (a2.2) và yếu tố “di chuyển thân thể” (b1) ánh xạ lên yếu tố “di chuyển hoặc hoạt động” (b2.2). Quá trình hòa trộn ý niệm tạo ra một cấu trúc nổi bật trong đó, chạy được ý niệm hóa là điều khiển cho phương tiện, máy móc di chuyển hoặc hoạt động.

Quá trình thứ hai là quá trình hoàn thành (completion) hay còn gọi là hoàn thành khuôn mẫu. (M. Turner, 2012). Các yếu tố đã được tập hợp từ hai không gian đầu vào (a’2.1, b’2, a’2.2, b’1, e’1) sẽ kích hoạt một khung ý niệm chung rộng hơn 2 khung ý niệm ban đầu bao gồm bốn yếu tố chung (tác thể, hành động, vật, chuyển động, tốc độ). Quá trình hoàn thành khuôn mẫu cũng bổ sung thêm thông tin từ kiến thức nền của người nói, nhằm hoàn thiện những đặc điểm của khung ý niệm chung, bao gồm những mối liên hệ và kịch bản ở không gian hòa trộn. Cụ thể là nghĩa mở rộng (5) động từ chạy bao gồm hai mối liên hệ (1) nguyên nhân – kết quả (người điều khiển – máy móc di chuyển, hoạt động) và (2) khái quát – cụ thể (máy móc – bộ phận chuyển động). Kịch bản của nghĩa mở rộng (5) động từ chạy được “hoàn thành” như sau: người thực hiện hành động có kế hoạch thực hiện một mục đích nhằm thay đổi trạng thái của phương tiện hoặc máy móc từ bất động sang chuyển động. Người sử dụng cơ thể hoặc công cụ tác động lên phương tiện hoặc máy móc khiến nó hoạt  động.

Quá trình cuối cùng là chi tiết hóa (elaboration) hay còn gọi là “vận hành mạng hòa trộn ý niệm” nhằm tạo ra cấu trúc nổi bật. Trong quá trình này, những mối liên hệ TƯƠNG ĐỒNG xuyên không gian (hai không gian đầu vào) giữa “người, động vật – phương tiện, máy móc” và “di chuyển thân thể – di chuyển hoặc hoạt động” và những mối liên hệ NGUYÊN NHÂN – KẾT QUẢ, KHÁI QUÁT – CỤ THỂ trong không gian (không gian tâm thức) giữa “người điều khiển – máy móc di chuyển, hoạt động” và “phương tiện, máy móc – bộ phận chuyển động” đã được nén lại và hợp nhất thành một mối liên hệ đơn nhất (UNIQUENESS). Việc nén các yếu tố (a’2.1, b’2, a’2.2, b1, e’1) và các mối liên hệ (a1-a2.2,b1-b2.2,a’2.1-b’2,a’2.2-b’1) sau một chuỗi hòa trộn ý niệm làm xuất hiện một cách biểu đạt mới hay một cấu trúc ý niệm mới là nghĩa mở rộng (5): chạy được ý niệm hóa là điều khiển cho phương tiện, máy móc di chuyển hoặc hoạt động.

Nghĩa (6) “Điểu khiển cho tia X, tia phóng xạ hoặc các thiết bị chuyên dụng tác động đến bộ phận cơ thể để chữa bệnh”: chạy tia X, chạy tia tử ngoại.v.v.

Đầu vào 1Đầu vào 2KG chungKG hòa trộn
a1 Ngườia2.1 Ngườia Tác thểa’1 Người
b1 Di chuyểnb2.1 Điều khiểnb Hành độngb’2.1 Điều khiển
c1 Đícha2.2 Thiết bịa Tác thểa’2.2 Thiết bị
b2.2 Tác độngb Hành độngb’2.2 Tác động
a2.3 Cơ thểa Bị  thểa’2.3 Cơ thể
c2 Chữa bệnhc Mục đíchc’1Chữa bệnh
HÌnh 8. Mạng hòa trộn ý niệm của nghĩa mở rộng 6 động từ “chạy”

Tương tự như nghĩa (5), mạng hòa trộn ý niệm của nghĩa mở rộng (6) động từ chạy bao gồm sự phóng chiếu từ không gian đầu vào 1 tới không c’1Chữa bệnh gian đầu vào 2 và cả hai không gian đầu vào đều phóng chiếu cấu trúc khung tới không gian hòa trộn. Người (thực hiện hành động chạy) ánh xạ tới người (điều khiển thiết  bị), đích (chuyển động hướng tới đích) ánh xạ tới mục đích (để chữa bệnh). Hành động chuyển động (chạy) ánh xạ tới ít nhất 3 yếu tố khác nhau: (1) hành động điều khiển (của người), (2) hành động tác động đến bộ phận cơ thể người (của tia X, tia phóng xạ, thiết bị chuyên dụng), (3) mối liên hệ NGUYÊN NHÂN – KẾT QUẢ (người điều khiển – thiết bị tác động).

Cấu trúc ý niệm của cảnh chuyển động “Người hoặc động vật di chuyển thân thể bằng những bước nhanh mạnh và liên tiếp” ở không gian đầu vào 1 đã được hòa trộn với ít nhất ba yếu tố: tác thể (người), bị thể/ tác thể trung gian (tia X, tia phóng xạ, thiết bị chuyên dụng), bị thể (bộ phận cơ thể) và một chuỗi các sự tình: (1) người  điều khiển thiết bị thông qua tay nắm, nút ấn, màn hình máy tính, (2) thiết bị phát ra chùm tia laze, tia X, tia tử ngoại, (3) các chùm tia này tác động đến các bộ phận cơ thể như mắt, phổi, mật, (4) sự tác động của tia X, tia tử ngoại khiến cho các bộ phận này thay đổi trạng thái như cải thiện thị lực của mắt, tán vỡ sỏi mật, thận, đốt tế bào khối u, (5) và khỏi bệnh ở không gian đầu vào 2. 

Ở không gian hòa trộn, những yếu tố được phóng chiếu có lựa chọn (a1, a2.2, a2.3, b2.1, b2.2, c1) và những mối liên hệ xuyên không gian (a1-a2.1, b1-b2.1, b1-b2.2, b1-a2.2, b1-a2.3, c1-c2) đã được hòa trộn và nén lại thành một cấu hình duy nhất và đơn giản hơn ở nghĩa mở rộng 6 khi “chạy” được ý niệm hóa là điều khiển tia X, tia tử ngoại hoặc thiết bị chuyên dụng tác động lên bộ phận cơ thể để chữa bệnh.

Nghĩa (7) “Người mang và di chuyển nhanh. Khi người di chuyển, vật cũng di chuyển theo”: chạy công văn hỏa tốc, chạy thư, chạy cờ.v.v.

Đầu vào 1Đầu vào 2KG chungKG hòa trộn
a1 Ngườia2.1 Ngườia Tác thểa’1 Người
b1 Di chuyểnb2.1 Di chuyểnb Hành độngb’1 Di chuyển
e1 Nhanha2.2 Vậta Đối thểa’2 Vật
b2.2 Di chuyểnb Hành độngb’2 Di chuyển
e2 Nhanhe Tốc độe’1 Nhanh
Hình 9. Mạng hòa trộn ý niệm của nghĩa mở rộng 7 động từ “chạy

Ở nghĩa mở rộng (7) động từ chạy, người (thực hiện hành động chạy) ánh xạ đồng thời tới người (di chuyển) và vật (được mang theo). Hành động chuyển động (chạy) ánh xạ đồng thời tới hành động dịch chuyển (của người) và hành động dịch chuyển theo (của vật). Tốc độ nhanh (hành động chạy) ánh xạ đồng thời tới tốc độ nhanh (vật được mang theo) và tính chất khẩn trương, khẩn cấp (hành động đưa thư, chuyển công văn…). Cấu trúc ý niệm của cảnh chuyển động “Người hoặc động vật di chuyển thân thể bằng những bước nhanh mạnh và liên tiếp” ở không gian đầu vào 1 đã được hòa trộn với ít nhất hai yếu tố: tác thể (người), đối thể (công văn, thư, cờ) và một chuỗi các sự tình: (1) người mang theo công văn, thư, cờ, (2) người di chuyển nhanh có thể bằng bước chân hoặc có thể bằng các phương tiện giao thông khác (3) vật cũng di chuyển nhanh theo người, ở không gian đầu vào 2. Ở không gian hòa trộn, những yếu tố được phóng chiếu có lựa chọn (a1, b1, e1, a2.2, b2.2) và những mối liên hệ xuyên không gian (a1-a2.1, a1-a2.2, b1-b2.1, b1-b2.2, e1-e2) đã được hòa trộn và nén lại thành một cấu hình duy nhất và đơn giản hơn ở nghĩa mở rộng 7 khi “chạy” được ý niệm hóa là người mang và di chuyển nhanh, khi người di chuyển , vật cũng di chuyển theo. 

Nghĩa (8) “Nhanh chóng tránh trước điều gì không hay, thường bằng cách chạy hoặc di chuyển đi nơi khác”: chạy lụt, chạy giặc, chạy tội, chạy án.v.v.

Đầu vào 1Đầu vào 2KG chungKG hòa trộn
a1 Ngườia2 Ngườia Tác thểa’1 Người
b1 Di chuyểnb2 Di chuyểnb Hành độngb’1 Di chuyển
c1 Đíchc2.1 Nơi khácc Đíchc’1 Nơi khác
f1 Nguồnc2.2 Tránh trướcc Mục đíchc’2 Tránh trước
e1 Nhanhf2 Điều không hayf Nguồnf’2 Điều ko hay
e2 Nhanh chónge Tốc độe’1 Nhanh chóng
Hình 10. Mạng hòa trộn ý niệm của nghĩa mở rộng 8 động từ “chạy

Ở nghĩa mở rộng (8) động từ chạy, một số yếu tố tương ứng ở hai không gian đầu vào 1 và 2 đã được hợp nhất (a1-a2, b1-b2, e1-e2) nhưng một số yếu tố tương ứng khác lại được phóng chiếu riêng lẻ (c2.1, c2.2, f2) tới không gian hòa trộn. Sự phóng chiếu từ hai không gian đầu vào là có chọn lọc vì có một số yếu tố không được phóng chiếu từ không gian đầu vào 1 bao gồm e1.2 (bằng bước chân) và d1 (trên mặt đất). Tại không gian hòa trộn của nghĩa 8 động từ chạy, một cấu trúc mới, nổi bật đã xuất hiện. Cấu trúc này vừa thừa hưởng cấu trúc cụ thể (concrete structure) của hành động chạy “Người hoặc động vật di chuyển thân thể bằng những bước nhanh mạnh và liên tiếp” từ không gian đầu vào 1, vừa thừa hưởng cấu trúc bên trong (internal event structure) của sự tình “Nhanh chóng tránh trước điều gì không hay, thường bằng cách chạy hoặc di chuyển đi nơi khác” từ không gian đầu vào 2. Hai cấu trúc này không được đặt cạnh nhau một cách đơn giản mà đã được hòa trộn với nhau để tạo ra một cấu trúc cụ thể mới (novel specific structure) với các yếu tố  đích (c’1), mục đích (c’2), nguồn (f’2) và tốc độ (e’1) được tập trung làm nổi bật ở không gian hòa trộn.

Một thuộc tính đáng lưu ý khác của khung hành động “Nhanh chóng tránh trước điều gì không hay, thường bằng cách chạy hoặc di chuyển đi nơi khác” tại không gian hòa trộn là nội dung cảm xúc. Người thực hiện hành động chạy (nghĩa mở rộng 8) bị chi phối bởi những cảm xúc tiêu cực như lo lắng, bất an, sợ hãi, căng thẳng, mất kiểm soát, đau khổ, tội lỗi.v.v. khi họ di chuyển để tránh trước (rời xa khỏi nguồn) điều gì không hay (nguồn đồng thời cũng là nguyên nhân) như nạn lụt lội, giặc giã, sưu thuế, tội.v.v. Giá trị cảm xúc này có thể được phóng chiếu ngược trở lại không gian đầu vào 1. Sự hòa trộn ý niệm ở nghĩa mở rộng (8) động từ chạy đã khiến hành động chạy vốn chỉ được hiểu là “di chuyển thân thể bằng những bước nhanh mạnh và liên tiếp” ở nghĩa gốc giờ được ý niệm hóa là “Nhanh chóng tránh trước điều gì không hay, thường bằng cách chạy hoặc di chuyển đi nơi khác” và trở nên sống động hơn với những cảm xúc tiêu cực tương ứng.

 Nghĩa (9) “chịu, bỏ dở không theo đuổi đến cùng”: các thầy lang đều chạy vì bệnh đã quá nặng, nhiều kỹ sư giỏi cũng đành chạy vì không thể khắc phục được sự cố này.v.v

Đầu vào 1Đầu vào 2KG chungKG hòa trộn
a1 Ngườia2 Ngườia   Tác thểa’2 Người
b1 Di chuyểnb2 Chịu, bỏ dởb Hành độngb’2 Chịu, bỏ dở
f1 Nguồnf2 (người) bệnhe Nguồnf’2 Người (bệnh)
Hình 11. Mạng hòa trộn ý niệm của nghĩa mở rộng 9 động từ “chạy

Theo Fauconnier và Turner (2002), hòa trộn ý niệm là một quá trình đơn giản hóa các ý tưởng phức tạp, và thể hiện các ý tưởng trừu tượng thông qua cái cụ thể. Quá trình này đạt được thông qua việc nén các mối liên hệ ý niệm (vital relation) để tạo ra một cấu trúc mạnh và hiệu quả hơn ở không gian hòa trộn

Ở nghĩa mở rộng (9) động từ chạy, các yếu tố tương ứng ở hai không gian đầu vào (a1 -a2, b1-b2, f1-f2) đã được kết hợp bởi mối liên hệ ý niệm mang tính chất tương đồng (analogy). Sau khi được kết nối bởi ánh xạ xuyên không gian, các yếu tố tương ứng này sẽ được phóng chiếu tới không gian hòa trộn và hợp nhất tại đây. Hai người (a1-a2) ở hai không gian đầu vào được hợp nhất thành một người (a’2), hai nguồn (f1-f2) cũng được hợp nhất thành một nguồn (f’2) mà người đó muốn tránh xa. Tuy nhiên hành động chịu, bỏ dở, không theo đuổi đến cùng (b2) lại không phải là yếu tố tương ứng trực tiếp với hành động di chuyển (b1) và cũng không thể được giải thích một cách đơn giản là giữa chúng có mối liên hệ ẩn dụ.

Nguyễn Minh Hà (2017) đã giải thích nghĩa mở rộng (9) như sau “Khi thầy thuốc từ bỏ hy vọng sẽ chữa cho ai đó khỏi bệnh hay thợ cơ khí không mong đợi là sẽ sửa được máy móc, họ sẽ từ bỏ mọi nỗ lực cố gắng cứu chữa hay sửa chữa và rời xa khỏi nguồn. Nguồn ở đây được hiểu là bệnh, người bệnh hoặc máy móc hỏng. Như vậy hành động rời xa khỏi nguồn khi “chịu, bỏ dở không theo đuổi đến cùng” mới chính là yếu tố tương ứng của hành động di chuyển (b1). Tuy nhiên hành động rời xa khỏi nguồn lại có mối liên hệ HOÁN DỤ (bộ phận thay cho tổng thể) với hành động chịu, bỏ dở không theo đuổi đến cùng. Chính vì vậy hai yếu tố không tương ứng (b1-b2) vẫn được hợp nhất thành một hành động (b’2) ở không gian hòa trộn.

Yếu tố cảm xúc tiêu cực ở không gian đầu vào 2 (e2) như bất lực, chán nản, mệt mỏi, buông xuôi.v.v. cũng được phóng chiếu và hợp nhất tại không gian hòa trộn của nghĩa mở rộng (9) mặc dù không có yếu tố tương ứng ở không gian đầu vào 1. Kết quả là chạy được ý niệm hóa là “chịu, bỏ dở không theo đuổi đến cùng”.

Nghĩa (10) “Khẩn trương tìm kiếm, lo liệu để mau chóng có được, đạt được cái đang rất cần, muốn”: chạy chức, chạy hưu, chạy trường, chạy thầy, chạy thuốc.v.v

Đầu vào 1Đầu vào 2KG chungKG hòa trộn
a1 Ngườia2 Ngườia   Tác thểa’1 Người
b1 Di chuyểnb2 Tìm kiếmb Hành độngb’1 Tìm kiếm
c1 Đíchc2.1 Có đượcc Mục đíchc’2.1 Có được
e1 Nhanhc2.2 Cái cầnc Đíchc’2.2 Cái cần
e2 Khẩn trươnge Tốc độe’1 Khẩn trương
Hình 12. Mạng hòa trộn ý niệm của nghĩa mở rộng 10 động từ “chạy

Ở nghĩa mở rộng (10) động từ chạy, các yếu tố tương ứng ở hai không gian đầu vào (a1-a2, e1-e2) đã được kết hợp bởi mối liên hệ ý niệm mang tính chất tương đồng (analogy). Các yếu tố không tương ứng còn lại (b1-b2, c1-c2.1, c1-c2.2) cũng được kết nối trên cơ sở mối liên hệ ẩn dụ và hoán dụ. Cụ thể là hai yếu tố không tương ứng (b1) và (b2) được kết hợp với nhau bởi mối liên hệ ẩn dụ trên cở sở hoán dụ: HÀNH ĐỘNG (tìm kiếm, lo liệu) LÀ CHUYỂN ĐỘNG (di chuyển cơ thể) và BỘ PHẬN (di chuyển có mục đích) THAY THẾ CHO TỔNG THỂ (tìm kiếm lo liệu). Ba yếu tố c1, c2.1, c2.2 được liên hệ với nhau bởi mối liên hệ ẩn dụ MỤC ĐÍCH (có được, đạt được) LÀ ĐÍCH ĐẾN và THỨ MONG MUỐN (cái đang rất cần, muốn) LÀ ĐÍCH ĐẾN (đích của chuyển động chạy).

Tiếp đó, các cặp yếu tố ở hai không gian đầu vào sẽ thiết lập ánh xạ tới không gian hòa trộn (a1-a2-a-a’1; b1-b2-b-b’2; c1-c2.1-c-c’2.1; c1-c2.2-c-c’2.2). Không gian này sẽ hình thành một cấu trúc ẩn dụ mới, là kết quả của quá trình ánh xạ các chất liệu ý niệm đã được chọn lựa từ hai không gian đầu vào (a’1, b’2, c’2.1, c’2.2; e’1) với ba yếu tố “lo liệu, tìm kiếm” (b’2), “để có được, đạt được” (c’2.1), “cái đang rất cần, muốn” (c’2.2) đã được tập trung làm nổi bật ở không gian hòa trộn. Điều quan trọng là trong quá trình vận hành mạng hòa trộn ý niệm, hai không gian đầu vào vẫn hoạt động và xuất hiện tại hậu   trường tâm thức. Không gian hòa trộn vẫn liên quan chặt chẽ với hai không gian đầu vào. Do vậy, những thuộc tính cấu trúc của nghĩa mở rộng (10) động từ chạy tại không gian hòa trộn có thể được ánh xạ ngược trở lại hai không gian đầu vào nhằm tạo cấu trúc mới cùng với những hiệu ứng suy luận và cảm xúc. Đó cũng chính là lý do tại sao động từ “chạy” vốn có nghĩa gốc là “di chuyển thân thể bằng những bước nhanh mạnh và liên tiếp” nhưng hiện tại lại đang được sử dụng rất phổ biến với nghĩa tiêu cực (nghĩa mở rộng 10): khi không có hoặc không giành được thứ mình muốn một cách đường đường chính chính thì cũng là lúc người ta hay nghĩ đến việc “chạy” (Nguyễn Cao, 2016).Chúng tôi sẽ phân tích sâu hơn vấn đề này ở những nghiên cứu sắp tới.

Nghĩa (11) “Nằm trải ra thành một dải dài và hẹp”: con đường chạy qua làng, dãy núi chạy dọc theo bờ biển, hàng tít lớn chạy suốt trang báo.v.v.

Đầu vào 1Đầu vào 2KG chungKG hòa trộn
a1 Ngườia2 Vậta   Tác thểa’2 Vật
b1 Di chuyểnb2 nằm trải rab Hành độngb’2 Nằm trải ra
f1 Nguồng2 một dải dài hẹpf Nguồng’2 một dải dài
c1 Đíchc Đích
g Địa điểm
Hình 13. Mạng hòa trộn ý niệm của nghĩa mở rộng 11 động từ “chạy

Ở nghĩa mở rộng (11) động từ chạy, cấu trúc của nghĩa gốc đã được phóng chiếu ẩn dụ tới cấu trúc của nghĩa trừu tượng (11)   động từ chạy. Cụ thể là người (thực hiện hành động chạy) ánh xạ tới vật (con đường, dãy núi, hàng tít). Hành động ĐI CHUYỂN TRONG KHÔNG GIAN (chạy) ánh xạ ẩn dụ tới sự ĐỊNH VỊ TRONG KHÔNG GIAN  (nằm trải ra). Sự dịch chuyển từ NGUỒN tới ĐÍCH theo một HƯỚNG xác định (Source – Path – Goal schema: lược đồ nguồn – đường đi – đích của hành động di chuyển chạy) ánh xạ ẩn dụ tới sự định vị thành một dải dài và hẹp (của con đường, dãy núi và hàng tít): bắt đầu từ một điểm A (nguồn) tới một điểm B (đích) theo một hướng xác định (hướng) so với làng, bờ biển và trang báo (ground – nền).  

Ở không gian hòa trộn, tất cả những yếu tố được phóng chiếu có lựa chọn (a2, b2, g2) và những mối liên hệ ẩn dụ xuyên không gian (a1-a2, b1-b2, f1-c1-g2) đã được hòa trộn và nén lại thành một cấu hình duy nhất và đơn giản hơn ở nghĩa mở rộng 11 khi “chạy” được ý niệm hóa là “nằm trải ra thành một dải dài và hẹp”

Nghĩa (12) “Làm nổi lên thành đường dài để trang trí”: chạy một đường viền, mép khăn trải bàn được chạy chỉ kim tuyến, chạy chỉ cho cánh cửa ô tô.v.v.

Đầu vào 1Đầu vào 2KG chungKG hòa trộn
a1 Ngườia2 Ngườia   Tác thểa’2 Người
b1 Di chuyểnb2 làm nổi lênb Hành độngb’2 làm nổi lên
f1 Nguồnh2 đường dàih Tạo thểh’2 đường dài
c1 Đíchf1 nguồn
c1 Đích
Hình 14. Mạng hòa trộn ý niệm của nghĩa mở rộng 12 động từ “chạy

Ở nghĩa mở rộng (12) động từ chạy, hai yếu tố tương ứng (b1-b2) được kết nối bởi ánh xạ ẩn dụ trên cơ sở mối liên hệ tương đồng. Sự dịch chuyển từ NGUỒN tới ĐÍCH theo một HƯỚNG xác định (Source – Path – Goal schema: lược đồ nguồn – đường đi – đích của hành động di chuyển chạy) ánh xạ ẩn dụ tới quá trình dần tạo thành đường viền nổi (h2) bắt đầu từ một điểm A (nguồn) đến điểm B (đích) theo một hướng và khoảng cách xác định (hướng) so với mép khăn hay cánh cửa ô tô (nền).

Mặc dù hai không gian đầu vào đều có hai khung khác biệt với những yếu tố khác biệt (a1, b1, f1, c1 và a2, b2, h2), các yếu tố không tương ứng của hai khung này vẫn được kết nối bởi các ánh xạ ẩn dụ xuyên không gian (a1-a2, b1-b2, f1-c1-h2). Tuy nhiên chỉ có một khung duy nhất (khung đầu vào 2) là được phóng chiếu tới không gian hòa trộn, tạo ra một cấu trúc mới không xuất hiện ở bất cứ không gian đầu vào nào bao gồm các yếu tố người (a’2) làm nổi lên (b’2) thành đường dài (h’2) để trang trí.

Khác với các nghĩa mở rộng, nghĩa gốc của động từ chuyển động chạy trong tiếng Việt không có sự hòa trộn ý niệm. Hay nói cách khác, nghĩa gốc của động từ chạy chỉ bao gồm một khung và là một mạng đơn. Nghĩa mở rộng của động từ chuyển động chạy là sự hòa trộn ý niệm của hai khung khác biệt thuộc hai không gian tâm thức khác biệt, trong đó có một không gian tâm thức tạo bởi nghĩa gốc của động từ chuyển động chạy. Các mạng hòa trộn ý niệm khác nhau có sự bất đối xứng (khi phóng chiếu hai khung) ở các mức độ khác nhau và do đó tạo thành các nghĩa mở rộng khác nhau. Các mạng hòa trộn ý niệm khác nhau có số lượng thành tố khác nhau (được ánh xạ tới không gian đầu vào 2 và được phóng chiếu có lựa chọn tới không gian tâm thức) từ không gian tâm thức tạo bởi nghĩa gốc và luôn ít hơn số lượng thành tố của nghĩa gốc động từ chạy. Nghĩa gốc đồng thời ảnh hưởng tới sự hình thành các nghĩa mở rộng và ngược lại các nghĩa mở rộng cũng bổ sung thêm các hiệu ứng suy luận và cảm xúc cho nghĩa gốc.

4. KẾT LUẬN

Nghiên cứu này được tiến hành với mục đích phân tích hiện tượng từ đa nghĩa nói chung từ góc độ ngôn ngữ học tri nhận, thông qua việc khảo sát và phân tích ngữ nghĩa của động từ chạy trong tiếng Việt nghiên cứu làm sáng rõ mối quan hệ giữa các nghĩa khác nhau của một từ đa nghĩa.

Trước tiên, các thành tố, khung và lược đồ cơ bản của không gian tâm thức tạo bởi nghĩa gốc của động từ chạy được xác định. Trên cơ sở thu thập dữ liệu, nghiên cứu phân tích quá trình kiến tạo các nghĩa mở rộng của động từ chạy trong tiếng Việt xuất phát từ nghĩa gốc và mối liên hệ giữa các nghĩa này. Nghĩa gốc của động từ chạy chỉ bao gồm một khung, là một mạng đơn và có số lượng các thành tố nhiều nhất. Nghĩa mở rộng của động từ chuyển động chạy là sự hòa trộn ý niệm của không gian tâm thức tạo bởi nghĩa gốc và một không gian tâm thức khác. Ở nghĩa mở rộng, số lượng thành tố từ nghĩa gốc được phóng chiếu đến không gian hòa trộn cũng ít hơn. Ngoài ra, các nghĩa được mở rộng từ nghĩa gốc của động từ chạy bằng cách: (1) kết nối các thành tố của không gian tâm thức chung (người, sự dịch chuyển, hình, nền, phương hướng, cách thức và nguyên nhân) với các thành tố tương ứng ở không gian đầu vào 1 (nghĩa gốc) và 2 (nghĩa mở rộng) bằng ánh xạ xuyên không gian trên cơ sở các mối liên hệ tương đồng, ẩn dụ và hoán dụ theo nguyên tắc đường vào (2) phóng chiếu có lựa chọn các thành tố và các mối liên hệ quan yếu đến không gian hòa trộn (3) hòa trộn và nén các yếu tố và các mối liên hệ quan yếu đã được phóng chiếu có lựa chọn để tạo thành một cấu trúc mới, nổi bật (4) phóng chiếu ngược trở lại cấu trúc ở không gian đầu vào để tạo các hiệu ứng suy luận và cảm xúc.

Thứ hai, việc hình thành các nghĩa của động từ chạy là một quá trình hòa trộn ý niệm gồm bốn không gian tâm thức. Nghĩa mở rộng được kiến tạo tại không gian hòa trộn bao gồm những yếu tố chung, tương ứng (giữa không gian chung – không gian đầu vào 1 và không gian đầu vào 2) và những yếu tố khác biệt, bất đối xứng (giữa hai khung khác biệt là khung đầu vào 1 và khung đầu vào 2). Các yếu tố tương ứng tạo mối liên hệ giữa nghĩa gốc với nghĩa mở rộng và giữa các nghĩa mở rộng với nhau. Các yếu tố khác biệt, bất đối xứng (được tập trung làm nổi bật ở không gian hòa trộn) mở rộng cấu trúc của nghĩa gốc để kiến tạo một cấu trúc mới của một nghĩa mở rộng mới, khác biệt với nghĩa gốc và khác biệt với các nghĩa mở rộng khác.      

Cuối cùng, các nghĩa càng gần với nghĩa gốc thì càng có nhiều các yếu tố chung, tương ứng (được kết nối bởi ánh xạ xuyên không gian trên cơ sở các mối liên hệ tương đồng) và càng ít các yếu tố khác biệt, bất đối xứng. Các nghĩa càng xa với nghĩa gốc thì càng có ít các yếu tố chung tương ứng và càng nhiều các yếu tố khác biệt bất đối xứng (được kết nối bởi ánh xạ xuyên không gian trên cơ sở các mối liên hệ ẩn dụ và hoán dụ). Các nghĩa xa với nghĩa gốc nhất chỉ có một khung duy nhất (không gian đầu vào 2) được phóng chiếu tới không gian hòa trộn đề kiến tạo cấu trúc mới, nổi bật của nghĩa mới.

Kết quả của nghiên cứu này có thể được áp dụng cho những nghiên cứu khác về từ đa nghĩa trong tiếng Việt cũng như biên soạn từ điển với mục đích giúp những người đang sử dụng tiếng Việt như tiếng mẹ đẻ hoặc như một ngoại ngữ có thể hiểu rõ hơn các nghĩa khác nhau của từ đa nghĩa nói chung và động từ chuyển động chạy tiếng Việt nói riêng.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Tiếng Việt

1. Lâm Quang Đông (2017). Luận giải sự phát triển nghĩa của động từ chạy theo hướng tri nhận. Tạp chí Nghiên cứu Nước ngoài, Tập 33, số 4 (2017) 45-57.

2. Nguyễn Văn Hán (2012). Định vị thời gian trong tiếng Việt dưới góc nhìn của ngôn ngữ học tri nhận. Luận án tiến sĩ ngữ văn. Trường ĐH KHXH & NV, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh.

3. Nguyễn Minh Hà (2017). Nghiên cứu hiện tượng từ đa nghĩa từ góc độ ngôn ngữ học tri nhận (với động từ chạy trong tiếng Việt) – Kết quả bước đầu. Báo cáo tham gia Hội thảo NNH toàn quốc do ĐHNN, ĐH Đà Nẵng tổ chức.

4. Phan Thị Nguyệt Hoa (2011). Nghiên cứu từ đa nghĩa từ vựng trong tiếng Việt. Luận án tiến sĩ ngôn ngữ học. Học viện KHXH, Viện KHXHVN.

5. Lý Toàn Thắng (2009). Ngôn ngữ học tri nhận. Từ lí thuyết đại cương đến thực tiễn tiếng Việt. Hà Nội: NXB Phương Đông.

6. Viện Ngôn ngữ học (Hoàng Phê chủ biên) (2018). Từ điển tiếng Việt. Hà Nội: NXB Hồng Đức.

Tiếng Anh

1. Fauconnier, G (1994). Mental Spaces. Cambridge: Cambridge University Press.

2. Fauconnier, G (1997). Mappings in Thought and Language. Cambridge: Cambridge University Press.

3. Fauconnier, G & Mark, T (2002). The way we think: Conceptual Blending and the Mind’s Hidden Complexities. New York: Basic Books. 

4. Lakoff, G & Johnson, M (1980). Metaphor we live by. Chicago: University of Chicago Press.

5. Lakoff, G (1987). Women, Fire, and Dangerous Things. What Categories Reveal about the Mind. Chicago: University of Chicago Press.  

 6. Lyons, J. (1997). Semantics. Cambridge: Cambridge University Press.

7. Talmy, L (2005). Foreword (comparing introspection with other methodologies). Methods in Cognitive Linguistics: Ithaca (p1-12). Amsterdam: John Benjamins

7. Taylor, J.R (1995). Linguistic Categorization: Prototypes in Linguistic Theory (2nd ed). Oxford: Clarendon Press.

8. Evans, V & Green, M (2006). Cognitive Linguistics. A Introduction. Edinburgh: Endinburgh University Press. 9. Tyler, A and Evans, V (2003). The Semantics of English Prepositions. Spatial Scenes, Embodied Meaning and Cognition. Cambridge: Cambridge University Press. (Bản dịch của Lâm Quang Đông và Nguyễn Minh Hà)