Nghiên cứu phương pháp dịch từ văn hóa trong bản dịch tiếng Anh tiểu thuyết “Nỗi buồn chiến tranh” của tác giả Bảo Ninh và phản hồi của độc giả

Nguyễn Thị Thu Hướng – TS; Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Đà Nẵng; Email: ntthhuong@ufl.udn.vn
Vũ Thị Thùy Linh – Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Đà Nẵng; Email: Vuthuylinhh3698@gmail.com

TÓM TẮT: Trong bài báo nghiên cứu này, người nghiên cứu tập trung so sánh và phân tích các từ văn hóa Việt Nam trong bản gốc và bản dịch tiếng Anh tác phẩm “Nỗi buồn chiến tranh” của nhà văn Bảo Ninh thông qua 2 chiến lược dịch thuật chính là ngoại lai hóa (foreignization) và bản địa hóa (domestication) cũng như 4 khía cạnh của từ văn hóa bao gồm các mục địa lí (geographical items), dân tộc (ethnical items), văn hóa xã hội (socio-cultural items) và tên riêng (proper names). Đồng thời, thông qua đó, đánh giá mức độ cảm nhận và thấu hiểu của độc giả.
TỪ KHÓA: từ văn hóa; phương pháp dịch; bản địa hóa; ngoại lai hóa; phản hồi của độc giả.
NHẬN BÀI: 15/4/2022.             BIÊN TẬP-CHỈNH SỬA-DUYỆT ĐĂNG: 5/10/2022

Mở đầu

Lí thuyết về mối tương quan giữa ngôn ngữ và văn hóa đã được khởi xướng và nghiên cứu khá sâu với công trình của tác giả Nida xuất bản năm 1964. Theo ông, từ ngữ là biểu trưng căn bản của nền tảng văn hóa. Do đó, trong quá trình dịch, yếu tố ngôn ngữ nên phù hợp với văn hóa của ngôn ngữ đích. Đồng thời, ông cũng nhấn mạnh thêm rằng, sự khác biệt giữa các nền văn hóa thậm chí có thể gây ra sự phức tạp hơn cho người dịch hơn là sự khác biệt về cấu trúc ngôn ngữ.

Các học giả Việt Nam đã đóng góp rất lớn cho sự phát triển của dịch thuật với rất nhiều bài báo hoặc ấn phẩm khai thác các khía cạnh của các từ văn hóa. Học giả Trần Thị Phấn (2001) đã thực hiện luận án với đề tài “Nghiên cứu về quy trình dịch thuật các từ văn hóa tiếng Việt sang tiếng Anh”. Nghiên cứu tập trung vào việc phân loại các loại thủ tục dịch thuật và các ví dụ tiêu biểu của các từ văn hóa Việt Nam trong quá trình dịch thuật.

Tuy nhiên, các công trình nghiên cứu kể trên chỉ bàn luận về các phương pháp dịch thuật và phân tích các chiến lược trong quá trình dịch thuật mà các dịch giả có thể áp dụng. Ngoài ra, rất ít nghiên cứu giải quyết các vấn đề liên quan đến việc dịch các từ văn hóa Việt Nam sang tiếng Anh trong quá trình dịch thuật. Vì vậy, người đọc khó có thể nắm được phương pháp và chiến lược dịch từ văn hóa trong quá trình dịch thuật. Bên cạnh đó, không có nhiều tác giả chú ý đến phản hồi của độc giả nước ngoài về các từ văn hóa Việt Nam trong bản dịch tiếng Anh. Do đó, đề tài “Nghiên cứu phương pháp dịch từ văn hoá trong bản dịch tiếng Anh tiểu thuyết “Nỗi buồn chiến tranh” của tác giả Bảo Ninh và phản hồi của độc giả” được thực hiện nhằm đánh giá cũng như phân tích phương pháp và chiến lược dịch từ văn hóa tiếng Việt sang tiếng Anh, đồng thời đưa ra phản ứng của độc giả về các từ văn hóa Việt Nam đối với bản dịch tiếng Anh.

Nghiên cứu được tiến hành nhằm tìm kiếm câu trả lời cho các câu hỏi sau:

(1) Chiến lược dịch thuật được dịch giả sử dụng trong bản dịch tiếng Anh tiểu thuyết “Nỗi buồn chiến tranh” là gì?

(2) Mức độ thấu hiểu của độc giả đối với các từ văn hóa sau khi đọc bản dịch tiếng Anh tiểu thuyết “Nỗi buồn chiến tranh” như thế nào?

1. Cơ sở lí luận

1. 1 Các khái niệm

Có rất nhiều định nghĩa về dịch thuật được các tác giả đưa ra. Nhìn chung, dịch thuật là đem thông tin diễn đạt bằng ngôn ngữ này diễn đạt lại bằng ngôn ngữ khác sao cho nghĩa không thay đổi. Đối với Catford (1995), ông định nghĩa dịch thuật là sự thay thế chất liệu ngôn bản ở ngôn ngữ nguồn sang chất liệu ngôn bản ở ngôn ngữ đích.

Newmark (1980) định nghĩa văn hóa là phương thức và những cách thức biểu đạt với một cộng đồng sử dụng một ngôn ngữ cụ thể làm phương tiện biểu đạt. Từ văn hóa, dưới sự nhìn nhận của Shermon (2017, p.75), là đặc điểm và kiến thức của một nhóm người cụ thể, bao gồm ngôn ngữ, tôn giáo, ẩm thực, thói quen xã hội, âm nhạc và nghệ thuật. Pym (2009), cho rằng dịch từ văn hóa là quá trình vừa đảm bảo ngôn ngữ trong dịch thuật lại vừa tôn trọng và thể hiện sự khác biệt văn hóa.

1.2 Phân loại từ văn hóa

Khi đề cập đến từ văn hóa, trong cuốn “Cultural Awareness”, Tomalin and Stempleski (1993) đã phân loại chúng thành 3 nhóm cơ bản sau: quan điểm (ideas), sản phẩm (products) và hành vi (behaviors).

Đề tài này dựa trên nền tảng của Vlahov và Florin (1980) về các từ văn hóa. Dựa trên lí thuyết, tác giả phân tích các từ văn hóa theo 4 khía cạnh chính bao gồm các mục: địa lí (geographical items), dân tộc (ethnical items), văn hóa xã hội (socio-cultural items) và tên riêng (proper names).

1.3 Chiến lược dịch từ văn hóa

Lawrence Venuti, người đầu tiên xây dựng chúng theo lĩnh vực nghiên cứu dịch thuật nghĩa hiện đại, vào năm 1995 với cuốn sách “The Translator’s Invisibility”: A History of Translator cho rằng bản địa hóa là chiến lược dịch làm giảm sự mơ hồ của văn bản nguồn để làm cho nó dễ hiểu và thân thiện với người đọc, còn ngoại lai hóa tập trung vào việc truyền tải trung thực các yếu tố văn hóa nước ngoài trong quá trình dịch thuật. Vinay và Darbelnet (1995) phân loại dịch thuật thành hai chiến lược cơ bản bao gồm dịch trực tiếp (direct) và dịch gián tiếp (indirect). Các chiến lược dịch trực tiếp gồm ba kĩ thuật: dịch mượn (borrowing), sao phỏng (calque) và nguyên văn (literal). Các chiến lược dịch gián tiếp (indirect method) gồm bốn kĩ thuật: chuyển đổi từ loại (transposition), biến điệu (modulation), tương đương (equivalance) và thoát ý (adaptation).

Có thể thấy, chiến lược dịch bản địa hóa và ngoại lai hóa bao gồm đa dạng các kĩ thuật. Tuy nhiên, trong nghiên cứu này, người nghiên cứu dựa trên nền tảng về khái niệm về bản địa hóa và ngoại lai hóa của Lawrence Venuti (1995) và 7 kĩ thuật dịch thuật cơ bản của Vinay và Darbelnet (1995) để tổng hợp và đúc kết thành bảng phân loại chiến lược dưới đây:

1.3.1. Bản địa hóa (domestication)

Bản địa hóa là chiến lược dịch giúp văn bản ở ngôn ngữ nguồn phù hợp với văn hóa của ngôn ngữ đích, đồng thời, khi sử dụng chiến thuật này một vài thông tin từ văn bản nguồn có thể mất đi. (Gile, 2009). Chiến lược dịch thuật bản địa hóa (domestication) bao gồm 4 kĩ thuật chính:

(1) Dịch chuyển đổi từ loại, theo Vinay and Darbelnet (1995) định nghĩa, đây là phương pháp chuyển vị cấp độ ngữ pháp và nó liên quan đến việc thay thế thay thế một từ loại này bằng một từ loại khác mà không thay đổi nghĩa của thông điệp.

(2) Dịch biến điệu có nghĩa là sự thay đổi trong thông điệp do có một sự thay đổi về quan điểm.

(3) Dịch tương đương dùng để chỉ những trường hợp khi hai ngôn ngữ cùng mô tả một tình huống nhưng với các phương tiện cấu trúc hoặc phong thái khác nhau.

(4) Dịch thoát ý được dùng khi một tình huống trong văn hóa gốc không tồn tại trong văn hóa dịch.

1.3.2.Ngoại lai hóa (foreignization)

Ngoại lai hóa, là chiến lược dịch làm nổi bật văn hóa ở văn bản nguồn và hạn chế chuyển di sang ngôn ngữ đích (Schleiermacher, 1813). Chiến lược dịch thuật ngoại lai hóa bao gồm 3 kĩ thuật chính:

(1) Dịch mượn, theo (Vinay and Darbelnet, 1995, tr.31) định nghĩa là một từ được lấy trực tiếp từ một ngôn ngữ khác và được sử dụng với hình thức tương tự trong ngôn ngữ đích mà không cần dịch.

(2) Dịch sao phỏng là kĩ thuật dịch mà toàn bộ đơn vị cú pháp được vay mượn để thay thế, các thành phần riêng lẻ của nó được dịch sát nghĩa.

(3) Dịch nguyên văn là kĩ thuật dịch từ đối từ, là sự thay thế cấu trúc cú pháp của ngôn ngữ gốc.

2. Tiến trình và phương pháp nghiên cứu

2.1 Phương pháp nghiên cứu

Tác giả sử dụng phương pháp định tính và định lượng trong nghiên cứu này. Phương pháp định tính được sử dụng trong việc lựa chọn và so sánh các từ văn hóa trong bản gốc tiếng Việt và bản dịch tiếng Anh cũng như phân tích và phân loại các từ văn hóa theo 4 khía cạnh địa lí, dân tộc, văn hóa xã hội và tên riêng. Ngoài ra, các chiến lược dịch từ văn hóa bao gồm ngoại lai hóa và bản địa hóa cũng được mô tả trong quá trình phân tích. Phương pháp định lượng được sử dụng để thực hiện khảo sát 20 phản ứng của độc giả bao gồm 10 độc giả nước ngoài và 10 sinh viên năm 4 Khoa tiếng Anh Trường Đại học ngoại ngữ, Đại học Đà Nẵng với điều kiện chưa từng tiếp xúc bản gốc tiếng Việt của tiểu thuyết “Nỗi buồn của chiến tranh”. Những người thực hiện khảo sát được yêu cầu đọc qua bản dịch tiếng Anh của tác phẩm trước khi hoàn thành khảo sát bao gồm các câu hỏi trắc nghiệm và câu hỏi mở liên quan đến sự hiểu biết về các từ văn hóa. Kết quả thu được sẽ được phân tích, tổng hợp từ đó đưa ra kết luận.

2.2 Cách thức tiến hành

Đối tượng nghiên cứu sau khi đọc xong bản dịch tiếng Anh của tác phẩm “Nỗi buồn chiến tranh” được mời để hoàn thành bảng câu hỏi với mục đích điều tra sự hiểu biết của họ về 4 khía cạnh chính của từ văn hóa bao và 2 chiến lược dịch thuật đối với bản dịch tiếng Anh của tiểu thuyết “Nỗi buồn chiến tranh”. Khảo sát bao gồm bảng câu hỏi và câu hỏi mở được thiết kế để xác định người đọc hiểu về từ ngữ văn hóa.

Cụ thể hơn, bảng câu hỏi bao gồm 16 câu hỏi và được chia thành 4 phần: Thông tin chung về người trả lời (5 câu hỏi), mức độ thấu hiểu từ văn hóa Việt Nam (9 câu hỏi) và cảm nhận khách quan của độc giả (2 câu hỏi). Bảng câu hỏi bao gồm cả câu hỏi trắc nghiệm, bình luận mở và câu hỏi đánh giá. Khoảng trắng hoặc dòng trống được sử dụng chủ yếu cho người trả lời. Dưới mỗi câu hỏi trắc nghiệm, tác giả cung cấp cho người đọc có cơ hội bày tỏ ý kiến nếu họ muốn. Mọi nỗ lực được thực hiện để đảm bảo rằng đối tượng nghiên cứu hoàn toàn thoải mái với thông tin trong biểu mẫu thu thập dữ liệu cũng như hiểu rõ ràng về các mục đích của quy trình thu thập dữ liệu.

Đối với cách thức phỏng vấn, chọn ngẫu nhiên 2 độc giả nước ngoài trong tổng số 10 độc giả nước ngoài và 1 sinh viên trong tổng số 10 sinh viên năm 4 Khoa tiếng Anh, Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Đà Nẵng đã tham gia khảo sát câu hỏi để tiến hành phỏng vấn thêm. Cụ thể là 2 độc giả nước ngoài bao gồm:

(1) Anh Ramtin, quốc tịch Đức-Mỹ, trước đây là một thầy giáo tại Đức, hiện đang sống và làm việc tại Hà Nội (Việt Nam) với vai trò vừa là giáo viên trung tâm Anh ngữ online, offline, vừa là nhà phát triển trang web về giáo dục. Anh đã sống ở Việt Nam được 5 năm, đã hoàn thành bậc 3/6 về khung năng lực tiếng Việt cho người nước ngoài;

(2) Anh 石恒 (Shiheng), người Trung Quốc, hiện đang giám đốc sản xuất tại Cty điện tử Gongjin, khu công nghiệp An Dương, Hải Phòng. Anh hiện sống và ở tại Việt Nam được 8 tháng. Mục đích của phỏng vấn là hiểu được khó khăn của độc giả trong quá trình đọc bản dịch tiếng Anh đồng thời bàn luận về phản ứng của họ đối các từ vựng văn hóa khác, đồng thời so sánh với văn hóa của đất nước họ. Từ đó tăng tính khách quan trong bài nghiên cứu.

3. Kết quả nghiên cứu

3.1 Từ văn hóa và chiến lược dịch thuật từ văn hóa

Biểu đồ 1. Tỉ lệ của các từ văn hóa trong bản dịch tiếng Anh tác phẩm “Nỗi buồn chiến tranh” tác giả Bảo Ninh

Biểu đồ thể hiện số lượng từ văn hóa tương đương với tần suất sử dụng trong quá trình dịch tác phẩm từ ngôn ngữ nguồn sang ngôn ngữ đích. Có thể thấy rằng, yếu tố địa lí chủ yếu được sử dụng trong bản dịch, chiếm 41% (313 từ) trong tổng số 770 từ văn hóa, gấp 2 lần yếu tố tập tục, chỉ chiếm 20% (152 từ). Theo sau là yếu tố tên riêng tương ứng với 26% (202 từ). Yếu tố văn hóa xã hội chiếm 13% (103 từ) tỉ lệ từ văn hóa đã được sử dụng, nhỏ hơn lần lượt 7%, 13% so với 2 yếu tố địa lí và tên riêng.

Biểu đồ 2. Tần suất xuất hiện ngoại lai hóa (foreignization) và bản địa hóa (domestication)

Dựa vào biểu đồ 2, có thể thấy 2 phương pháp dịch ngoại lai hóa và bản địa hóa được sử dụng đan xen nhau trong quá trình dịch, 405 từ vựng được dịch sử dụng ngoại lai hóa và 365 từ vựng được dịch sử dụng bản địa hóa.

3.1.1. Từ văn hóa mang yếu tố địa lí (geographical items)

Từ văn hóa
(Ngôn ngữ nguồn)
Từ văn hóa
(Ngôn ngữ đích)
Kĩ thuật dịch
(Translation strategy)
bụi ngấy hoang tànwildflowers and shrubsdịch biến điệu
vành đai phòng thủdefense linesdịch biến điệu
chợ giờiblack marketdịch thoát ý
chiến trườngbattlefielddịch nguyên văn
mây nắngclouds and sunshinedịch nguyên văn

Nhìn chung, với những từ vựng mang yếu tố địa lí, dịch giả có xu hướng sử dụng linh hoạt giữa bản địa hóa, với 150 từ, chiếm 48% và ngoại lai hóa với 163 từ. Cụ thể hơn, đối với kĩ thuật dịch biến điệu của phương pháp dịch bản địa hóa, cụm danh từ “bụi ngấy hoang tàn” được đưa ra từ bản dich vừa gợi hình ảnh vừa gợi ra đau thương: đống đổ nát của thiên nhiên, do hệ quả của chiến tranh không hồi kết, khi dịch sang tiếng Anh được chuyển thành “wildflowers and shrubs” (hoa dại và cây bụi). Sự đau thương trong cảnh vật không còn nữa, dịch giả tập trung vào sự hiện ngang của thiên nhiên dù cho có trải qua nhiều phong ba bão tố của chiến tranh. Tương tự, cụm từ “vành đai phòng thủ” (dải đất lớn với hàng loạt rãnh và hố dùng để ngăn quân địch xâm phạm), khi dịch sang ngôn ngữ đích được chuyển thành “defense lines” (tuyến phòng thủ – một công trình quân sự kiên cố, vững chắc, gồm các tường thành bê tông với nhiều ụ chống tăng, lô cốt đại bác, ổ súng máy, đồn quân sự và các vũ khí hiện đại nhất để ngăn quân địch xâm phạm). Có thể thấy, quy mô của “defense lines” lớn hơn nhiều so với nghĩa ban đầu là “vành đai phòng thủ”.

Thêm vào đó, kĩ thuật dịch thoát ý cũng được sử dụng để truyền tải ý nghĩa của các yếu tố địa lí bằng sự tương đối về văn hóa. Ví dụ, khi diễn đạt cụm “chợ giời” (là khu chợ mở ngoài trời với tính chất tự phát, nơi mọi người đến để bán hoặc trao đổi hàng hóa) – cụm từ chỉ tồn tại trong văn hóa ở ngôn ngữ nguồn (tiếng Việt) và hoàn toàn không tồn tại trong văn hóa ở ngôn ngữ đích (tiếng Anh), dịch giả đã tìm một tìm một yếu tốt tương đương với văn hóa ở ngôn ngữ đích “black market” (là khu chợ buôn bán bất hợp pháp hoặc không tuân thủ với một bộ quy tắc thể chế, nơi buôn bán hàng cấm buôn lậu, buôn người).

Đối với ngoại lai hóa, từ “chiến trường”, “mây nắng” trong văn bản gốc được dịch bằng kĩ thuật dịch nguyên văn là “battlefield” và “clouds and sunshine” khi sang ngôn ngữ đích.

Từ văn hóa
(Ngôn ngữ nguồn)
Từ văn hóa
(Ngôn ngữ đích)
Kĩ thuật dịch
(Translation strategy)
thuốc làosnuffdịch thoát ý
cái tăng xêtrenchdịch thoát ý
chiếc võnghammockdịch nguyên văn
mẩu rubia rubi cigarettedịch mượn

Có thể nhận thấy, những từ vựng văn hóa về đồ vật mang đậm yếu tố bản địa, là một thách thức lớn đối với dịch giả trong quá trình dịch. Để khắc phục khó khăn, kĩ thuật dịch thoát ý được ưu tiên sử dụng vì tính phù hợp và linh hoạt. Theo thống kê, có 40 từ trong tổng số 152 từ vựng văn hóa về yếu tố tập tục được dịch giả sử dụng. Cụ thể là danh từ “thuốc lào” (loại thuốc khi hút có nhiều khói tỏa ra, được làm từ loài thực vật chưa hàm lượng nicotin cao, rất dễ gây nghiện); khi qua ngôn ngữ đích, vì sự vắng mặt của từ văn hóa “thuốc lào”, dịch giả đã sử dụng 1 hình ảnh tương đương để diễn đạt “snuff” (một loại thuốc lá không khói được làm từ lá cây thuốc lá nghiền thành bột. Thuốc được hít vào khoang mũi, cung cấp một lượng nicotin nhanh chóng và để lại mùi thơm trong khoang mũi). Tương tự, “cái tăng xê” (hay còn gọi là “hầm tăng xê”, phiên âm từ tiếng Pháp: tranchée, nghĩa là hầm trú ẩn, giao thông hào), khi dịch qua tiếng Anh là “trench” (một hố sâu được đào bởi những người lính và được sử dụng như một nơi mà họ có thể tấn công kẻ thù trong khi bị ẩn giấu).

Bên cạnh đó, dịch giả sử dụng thêm những kĩ thuật dịch thuật khác để phong phú thêm bản dịch trong quá trình dịch từ vựng văn hóa về đồ vật, trong đó, kĩ thuật dịch mượn có 5 từ, kĩ thuật dịch nguyên văn gồm 18 từ.

Từ văn hóa
(Ngôn ngữ nguồn)
Từ văn hóa
(Ngôn ngữ đích)
Kĩ thuật dịch
(Translation strategy)
những kẻ yếu bóng víabe frightened to deathdịch nguyên văn
những tay sính chuyện hoang đườngthose who leaned toward mysticismdịch nguyên văn
những tay am tường tử vithose who believed in horoscopesdịch nguyên văn

Đối với những từ văn hóa chỉ người, dịch giả có xu hướng dịch nguyên văn, với 61 từ được sử dụng trong tổng số 152 từ vựng văn hóa về yếu tố tập tục. Việc sử dụng này khiến các từ vựng văn hóa được dịch sang ngôn ngữ phổ biến nhất, dễ hiểu nhất, rõ ràng nhất thay vì cố gắng chuyển đổi một cụm mang ý nghĩa tương đương. Chẳng hạn như: “những kẻ yếu bóng vía” – những người run sợ, mất bình tĩnh trước những vấn đề không đáng sợ, khi dịch sẽ chuyển đổi thành “be frightened to death” (run sợ đến chết), thay vì sử dụng từ “coward” – kẻ nhát gan. Hay như cụm danh từ “những tay sính chuyện hoang đường”, “những tay am tường tử vi” khi dịch sang ngôn ngữ đích là “those who leaned toward mysticism”, “those who believed in horoscopes”, hoàn toàn sát với nghĩa ban đầu ở ngôn ngữ nguồn.

Từ văn hóa
(Ngôn ngữ nguồn)
Từ văn hóa
(Ngôn ngữ đích)
Kĩ thuật dịch
(Translation strategy)
hồn masoul of ghostdịch nguyên văn
linh hồn lở loétwarped and torn soulsdịch nguyên văn
phong hủilepersdịch nguyên văn
lớp bùn đặc ghê tanh như mùi thịt thốilike blood from a corpsedịch tương đương

Đa số những từ mang yếu tố văn hóa xã hội, chiến lược dịch bản địa hóa có xu hướng được ưa chuộng hơn trong bản dịch, với 68 từ trong tổng số 103 từ vựng văn hóa mang yếu tố văn hóa xã hội, đặc biệt là kĩ thuật dịch tương đương được sử dụng với tần suất khá nhiều (45/68 từ). Với kĩ thuật này, mặc dù cùng mô tả một cụm từ nhưng với phong thái, hình ảnh khác nhau hoàn toàn ở ngôn ngữ đích và ngôn ngữ nguồn. Cụ thể là “lớp bùn đặc ghê tanh như mùi thịt thối” được dịch là “like blood from a corpse”. “Lớp bùn đặc” được thay thế bằng “blood”, “mùi thịt thối” được thay thế bằng “corpse” trong quá trình dịch.

3.1.4. Từ văn hóa chứa tên riêng (proper names)
(i) Tên người

Từ văn hóa
(Ngôn ngữ nguồn)
Từ văn hóa
(Ngôn ngữ đích)
Kĩ thuật dịch
(Translation strategy)
Thịnh  “nhớn”“Big” Thinhdịch nguyên văn
Tạo “voi”Tao the elephantdịch nguyên văn
Hơ biaHo biadịch nguyên văn

Đối với tên riêng chỉ người, ngoại lai hóa mà tiêu biểu là kĩ thuật dịch nguyên văn được sử dụng nhiều với 45 từ văn hóa chứa chỉ tên người trong tác phẩm. Mục đích của việc giữ nguyên bản trong quá trình dịch từ văn bản gốc sang văn bản tiếng Anh không chỉ là một cách để thể hiện lòng tôn trọng tác giả, mà còn để truyền tải tính ấn tượng về tên của nhân vật, nổi bật nên được ngụ ý tên nhân vật trong văn bản gốc. Ví dụ “Hơ bia” là tên gọi chung đối với những cô gái xinh đẹp, chịu thương chịu khó dân tộc Ê-đê. Hơn hết, sự linh hoạt của dịch giả còn được thể hiện ở cách dịch tên nhân vật mang đặc điểm độc đáo và riêng biệt. Chẳng hạn, Thịnh “nhớn” (Thịnh to cao, vạm vỡ, khỏe mạnh), Tạo “voi” (Tạo to khỏe như con voi). Đó là lí do khi sang bản dịch, nhân vật này có tên là: “Big” Thinh, Tao the elephant.
 (ii) Tên địa danh

Từ văn hóa (Ngôn ngữ nguồn)Từ văn hóa (Ngôn ngữ đích)Kĩ thuật dịch (Translation strategy)
Thăng ThiênAscension Passdịch thoát ý
Tây NguyênCentral Highlandsdịch thoát ý
Đồi Xáo ThịtHamburger Hilldịch thoát ý
Hà NamHa Nam Provincedịch chuyển đổi từ loại
Bình LụcBinh Luc Districtdịch chuyển đổi từ loại

Có thể nhận thấy, trong quá trình dịch tên địa danh, dịch giả đã dành nhiều thời gian tìm hiểu về tính chất lịch sử, địa lí để cụ thể hóa tên riêng đó thông qua kĩ thuật dịch thoát ý. Cụ thể là “Đồi Xáo Thịt” là tên gọi của trận chiến giữa Quân đội Nhân dân Việt Nam với Mỹ năm 1969 ở Huế. Ngọn đồi này sau trận đánh ác liệt và tàn khốc đã được lính Mỹ gọi là “Đồi Thịt Băm” (Đồi Xáo Thịt) – Hamburger Hill, như một cách thể hiện độ khốc liệt và thương vong cao của lính Mỹ. Hay như “Tây Nguyên” là vùng cao nguyên, có vị trí chiến lược trong thời chiến cũng như thời bình, được dịch ở ngôn ngữ đích là “Central Highlands”. Tuy nhiên, đối với một số tên địa danh cụ thể, tác giả đã thêm những yếu tố liên quan đến đơn vị hành chính (như “province”, “district”) để làm rõ nghĩa hơn cho tên riêng đó, thay vì giữ nguyên như trong bản gốc, nhằm tránh sự hiểu lầm về địa danh đối với người đọc, đặc biệt là độc giả nước ngoài, những người có thể chưa biết rõ về những địa danh trong tác phẩm. Như vậy, trong quá trình dịch tên địa danh, dịch giả ưu tiên sử dụng phương pháp dịch bản địa hóa với 37 từ, mà tiêu biểu là kĩ thuật dịch thoát ý với 15 trên tổng số 37 từ và phương thức dịch chuyển đổi từ loại với 17 từ.

3.2 Phản hồi của độc giả

3.2.1 Phản hồi của độc giả tham gia khảo sát

Biểu đồ thể hiện mức độ thấu hiểu của độc giả tham gia khảo sát đối với 5 từ văn hóa tiêu biểu trong tác phẩm trên thang điểm từ 1-5. Mức thang điểm từ 4-5 cho thấy người đọc hiểu khá rõ về từ vựng văn hóa đó. Mức 2-3 cho thấy độc giả đã nắm được từ vựng đó nhưng chưa cụ thể, mức độ 1 cuối cùng thể hiện độc giả chưa hiểu hoặc hiểu một phần. Cụ thể là:

Đối với từ văn hóa đầu tiên: “like an echo from another world”, có 11 người trong tổng số 20 người tham gia khảo sát hiểu hoàn toàn về ý nghĩa của cụm từ này (mức 4 và 5), ngược lại, số lượng độc giả chưa hiểu rõ là 5 người. Lí do 5 người tham gia khảo sát chưa thực sự hiểu là do dường như không có mối tương quan giữa từ so sánh “the stream moans” với từ được so sánh “an echo from another world”. 11 người còn lại, ngược lại, nhận xét rằng: Sự so sánh này khiến câu văn trở nên ám ảnh hơn, hoàn toàn phù hợp với diễn biến tâm trạng của nhân vật Kiên.

Đối với từ văn hóa thứ 2: “The canina perfume”, thứ 3 “Ascension Pass”, thứ 4 “The trans Vietnam “unification”, mức độ hiểu trung bình chiếm đa số. Đặc biệt, độc giả Mira (quốc tịch Úc) còn chú thích thêm rằng: “Tôi đang tự hỏi loại nước hoa canina là gì. Thông thường, nước hoa có nghĩa là một chất lỏng có mùi thơm thường được làm từ tinh dầu chiết xuất từ hoa và gia vị, được sử dụng để tạo dễ chịu cho cơ thể hoặc quần áo của một người. Tuy nhiên, những người lính phải đối mặt với chiến tranh khốc liệt, vậy tại sao họ cần phải dùng nước hoa?”.

Đối với hai từ văn hóa cuối cùng trong bảng khảo sát “The game call “advance” và “frenzy of patriotism”, hầu như độc giả hiểu rõ ý nghĩa của những từ văn hóa này. Độc giả Trung Quốc còn giải thích thêm rằng, đây là một trò chơi đánh bài kiểu Việt Nam được phát minh ở miền Nam Trung Quốc. Tuy nhiên, cách gọi “The game call “advance” dường như gây khó hiểu cho 10 độc giả nước ngoài khác bởi thông thường họ sử dụng cụm “president” (card game) để diễn đạt. Đối với cụm “frenzy of patriotism”, độc giả tham gia khảo sát nhận xét rằng không quá khó khăn để hiểu được rằng cụm từ này diễn tả lòng yêu nước nồng nàn và sâu sắc của nhân dân Việt Nam trong chiến tranh.

3.2.2. Phản hồi của độc giả tham gia phỏng vấn

Anh Ramtin sau khi đọc xong bản dịch của tác phẩm “Nỗi buồn chiến tranh” của nhà văn Bảo Ninh đã nhận xét rằng: Vì hiện tại đang học tiếng Việt, nên tôi có thể hiểu một phần sự khác biệt giữa văn hóa Việt Nam nói riêng, văn hóa Á Đông nói chung với văn hóa phương Tây. Cụ thể là: khi đề cập đến “the North”, tôi biết, đó có thể là thủ đô Hà Nội hoặc 1 tỉnh nào đó ở phía bắc Việt Nam; hay như, khi đọc đến “compatriot cigarettes”, tôi đoán rằng đó là một loại thuốc lá gây nghiện, thường được sử dụng trong thời kì chiến tranh hoặc 1 cách hiểu nữa đó là: những bạn trẻ cùng nhau chia sẻ điếu thuốc bởi do có từ “compatriot”. Tuy nhiên, cũng có rất nhiều từ vựng văn hóa tôi cảm thấy chưa thực sự hiểu. Ví dụ như với từ “insect-proof netting”, trong văn hóa của đất nước Anh, những tấm lưới này được lắp đặt để bảo vệ cây trồng khỏi côn trùng gây hại cho mùa màng; khác với dụng ý dịch giả sử dụng: đồ dùng hình cái thúng, đan bằng tre hoặc bọc vải màn để úp đậy mâm thức ăn tránh ruồi nhặng.

Anh 石恒 (Shiheng), khi được hỏi về bản dịch tiếng Anh của tiểu thuyết “Nỗi buồn chiến tranh” của nhà văn Bảo Ninh, anh cho biết, vì văn hóa của Việt Nam và Trung Quốc có khá nhiều yếu tố tương đồng nên không mất quá nhiều thời gian để anh đọc xong cuốn tiểu thuyết. Điều anh hài lòng ở tác phẩm là cách dịch giả truyền tải đủ và khá sát nghĩa, thể hiện rõ những đau đáu của nhân vật Kiên với từng mảng hồi ức của chiến tranh; mặc dù có một vài phần dịch giả vì muốn cố gắng truyền tải sát nghĩa mà theo tôi, ý nghĩa ẩn sâu của tác phẩm chưa được nhấn mạnh.”. Ví dụ, câu “The echoes of the past days and months seem like rumbles of distant thunder, paining then numbing his own turbulent soul” dường như đang tập trung vào tả cảnh thiên nhiên mà quên mất đi mục đích chính của tác giả là nhấn mạnh sự giằng xe, hỗn loạn trong tâm can của nhân vật Kiên khi nghĩ về những ngày tháng quá khứ với chiến tranh và đồng đội.

Bạn Khưu Quỳnh Giang, sinh viên năm 4 Khoa tiếng Anh, Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Đà Nẵng, sau khi đọc xong tác phẩm, đã cảm thấy rất hứng thú với phương pháp dịch thuật từ văn hóa của tác giả được sử dụng trong tác phẩm. Giang nhận xét rằng: Tuy một vài từ ban đầu tôi chưa hiểu dụng ý thực sự của tác giả khi dịch, ví dụ như tại sao không dùng “a sense of patriotism” để diễn tả cụm “lòng yêu nước” mà lại sử dụng “frenzy of patriotism”. Tuy nhiên, sau khi tìm hiểu, bạn nhận thấy rằng cách sử dụng này hoàn toàn phù hợp, miêu tả rõ ràng và đúng hơn về tính chất của “lòng yêu nước” – một lòng nhiệt thành, nồng nàn luôn hướng về đất nước, Tổ quốc thân yêu.

Nhìn chung 3 độc giả được lựa chọn phỏng vấn ngẫu nhiên nói riêng và 17 độc giả còn lại tham gia khảo sát đều đồng ý rằng, bản dịch tiếng Anh cúa tác phẩm “Nỗi buồn chiến tranh” khá tốt trong việc truyền tải nội dung và ý nghĩa cúa tác phẩm, giúp người đọc có cái nhìn bao quát và rõ ràng trong quá trình đọc hiểu. Về chiến lược dịch thuật trong tác phẩm, trong khi độc giả nước ngoài có xu hướng dễ tiếp cận với phương pháp dịch bản địa hóa, sinh viên năm 4 Khoa tiếng Anh, Trường Đại học Ngoại Ngữ, Đại học Đà Nẵng hiểu nhanh hơn với phương pháp dịch ngoại lai hóa và đặc biệt là kĩ thuật dịch nguyên văn.

4. Kết luận và đề xuất

4.1 Kết luận

Thông qua những số liệu và kết quả phân tích chọn lọc, có thể thấy rằng trong quá trình dịch, dịch giả sử dụng đan xen giữa chiến lược dịch ngoại lai hóa thông qua 3 kĩ thuật chính là dịch mượn, dịch sao phỏng, dịch nguyên văn và bản địa hóa thông qua 4 kĩ thuật: dịch chuyển đổi từ loại, dịch biến điệu, dịch tương đương. Sự kết hợp này giúp độc giả dễ dàng hiểu và hình dung bối cảnh, diễn biến tâm lí nhân vật trong quá trình đọc bản dịch tiếng Anh tác phẩm “Nỗi buồn chiến tranh” của tác giả Bảo Ninh, đặc biệt đối với những từ văn hóa. Đồng thời, kết quả thực nghiệm khảo sát ý kiến độc giả đã chứng minh được tầm quan trọng của 2 chiến lược dịch ngoại lai hóa và bản địa hóa trong quá trình dịch thuật.

4.2 Đề xuất

Từ kết luận trên, người thực hiện đề xuất một số ý kiến dựa trên nghiên cứu này:

Về phía dịch giả, cần chú trọng hơn khi kết hợp 2 chiến lược dịch ngoại lai hóa và bản địa hóa trong quá trình dịch nhằm giảm sự mơ hồ, nhầm lẫn, khó hiểu của độc giả. Đồng thời, dịch giả có thể tham vấn thêm những ý kiến từ các chuyên gia cũng như những ý kiến nhận xét trung thực, thẳng thắn từ độc giả để làm phong phú thêm kinh nghiệm và kĩ năng dịch thuật cũng như hoàn thiện hơn bản dịch trong tương lai.

Về phía cá nhân sinh viên, đặc biệt là sinh viên khoa tiếng Anh chuyên ngành biên phiên dịch, trong quá trình học tập và rèn luyện cần tự tích lũy trau dồi thêm vốn kiến thức về dịch thuật, văn hóa trong dịch thuật, và nắm chắc các phương pháp dịch thuật, là hành trang quý báu trên bước đường trở thành biên, phiên dịch viên trong tương lai.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Tiếng Việt

  1. Trần Thị Phấn (2001), Nghiên cứu về quy trình dịch thuật các từ văn hóa tiếng Việt sang tiếng Anh, Luận văn tốt nghiệp, Đại học Ngoại ngữ, Đại học Đà Nẵng.

Tiếng Anh

  1. Nida, E. (1964), Toward a Science of Translating: With Special Reference to Principles and Procedures involved in Bible Translation, Netherlands.
  2. Shermon, G. (2017), Gamification Competency Assessments – Life Sciences.
  3. Kemppanen, H. (2012), Domestication and Foreignization in Translation Studies, Berlin.
  4. Munday, J. (2001), Introducing Translation Studies: Theories and applications, London & New York: Routledge.
  5. Vinay and Darbelnet, J. (1995), Comparative Stylistics of French and English, a Methodology for Translation.

An investigation into the English translation of Vietnamese cultural words
in the novel “Nỗi buồn chiến tranh” by Bảo Ninh and English-speaking readers’ reactions

Abstract: The research is about comparison and analysis of Vietnamese cultural words in the original novel “Nỗi buồn chiến tranh” by Bảo Ninh, and its English translation via translation strategies based on 4 main aspects including geographic items, ethnographic items, socio – cultural items and proper names. Besides, 2 main translation strategies are also analyzed. In other words, while domestication includes transposition, modulation, equivalence and adaptation technique, foreignization employs borrowing, calque and literal technique. From that, the author also investigates English-speaking readers’ reactions about the understanding scales regarding the English translation of Vietnamese cultural words in the novel “Nỗi buồn chiến tranh” by Bảo Ninh.

Key words: Vietnamese cultural words; translation strategies; foreignization; domestication; English readers’ reactions.