Ngoa dụ trong tục ngữ, ca dao

NGUYỄN VĂN NỞ*
* PGS.TS; Trường Đại học Cần Thơ; Email: nvno@ctu.edu.vn

TÓM TẮT: Trong quá trình giao tiếp, việc nói phóng đại, cường điệu là một hiện tượng phổ biến. Nhưng không phải bất kì sự phóng đại nào cũng là cách nói ngoa dụ. Cần nhận diện đúng hình thức thể hiện và nội dung biểu đạt của biện pháp ngoa dụ để không nhập nhằng khi tìm hiểu biện pháp này. Trong tục ngữ, ca dao, ngoa dụ được sử dụng với nhiều mục đích và nội dung biểu đạt khác nhau như: thể hiện quan niệm về đời sống tinh thần, biểu lộ tình cảm, và hài hước, đùa vui. Qua biện pháp ngoa dụ trong tục ngữ, ca dao ta thấy được cách nói năng cũng như tư duy liên tưởng và phần nào dấu ấn văn hoá-dân tộc của người Việt.

TỪ KHÓA: biện pháp tu từ; ngoa dụ; sự phóng đại; tục ngữ; ca dao.

NHẬN BÀI: 16/6/2021.                  BIÊN TẬP-CHỈNH SỬA-DUYỆT ĐĂNG: 15/8/2021
(Bài đăng trên Tạp chí số 8(315)-2021, tr.3-10)
1. Đặt vấn đề

Ngoa dụ là một trong những biện pháp tu từ có nhiều tên gọi và định nghĩa cũng không thống nhất. Có tên gọi, quan niệm và dẫn ngữ liệu ví dụ thiếu chính xác khiến biện pháp ngoa dụ được hiểu chưa rõ ràng và nhầm lẫn với một số biện pháp tu từ khác. Trong quá trình giao tiếp, việc nói phóng đại, cường điệu là một hiện tượng phổ biến, thể hiện rất đa dạng, diễn ra trong mọi lĩnh vực của đời sống, trong nhiều phong cách chức năng ngôn ngữ khác nhau. Nhưng không phải bất kì sự phóng đại nào cũng là biện pháp tu từ ngoa dụ. Cần nhận diện đúng hình thức thể hiện và nội dung biểu đạt của biện pháp ngoa dụ để không nhập nhằng khi tìm hiểu biện pháp này trong văn bản. Trong đó, có văn bản rất gần gũi, quen thuộc, phản ánh đặc trưng nói năng cũng như tư duy liên tưởng của người Việt là tục ngữ, ca dao.

2. Đôi điều bàn về biện pháp tu từ ngoa dụ

Công việc tiếp theo là xác định các tiêu chí ngữ nghĩa và những nét nghĩa phân theo mỗi tiêu chí của hệ thống từ chỉ HĐCRĐT. Dựa vào đặc trưng của hoạt động chuyển dời đối tượng, có thể tìm được có 5 tiêu chí: phương tiện chuyển dời; đối tượng được chuyển dời; vị trí, hướng di chuyển, tốc độ, thời gian và mục đích chuyển dời.

Về mặt thuật ngữ, biện pháp tu từ ngoa dụ có nhiều tên gọi như: ngoa ngữ, khoa trương, thậm xưng, cường điệu, phóng đại,…Còn sách giáo khoa trong chương trình phổ thông hiện hành và chương trình mới được ban hành năm 2018 thì dùng thuật ngữ nói quá. Có lẽ vì muốn Việt hóa nên dẫn đến xu hướng tìm những từ thuần Việt thay thế từ Hán Việt. Tuy nhiên, có trường hợp thay thế làm ảnh hưởng không ít đến nội hàm khái niệm. Cách dùng nói quá là trường hợp như vậy và cũng không phù hợp lắm với thuật ngữ ngôn ngữ học. Liên quan đến thuật ngữ này, tác giả Sái Phu có bàn như sau: “…còn khi có một biện pháp tu từ, cần có một thuật ngữ riêng để người đọc khỏi hiểu lầm, tốt nhất là những thuật ngữ Hán Việt vốn dễ phân biệt với những từ ngữ trung hòa. Chẳng hạn dùng ngoa dụ đối lập với khiêm dụ bên cạnh các thuật ngữ dành cho các biện pháp tu từ như tỉ dụ, ẩn dụ, hoán dụ, phúng dụ, uyển dụ, ta sẽ có một hệ thống đồng chất hơn”. [Sái Phu, 2005, tr.183]. Dùng thuật ngữ ngôn ngữ học theo một “hệ thống đồng chất” là điều lí tưởng nhưng thật khó thực hiện, nhất là đối với những thuật ngữ đã quá quen thuộc. Tuy nhiên, việc dùng những “từ ngữ trung hòa” trong trường hợp “nói quá” cũng là điều cần nên điều chỉnh. 

Về mặt quan niệm, Cù Đình Tú – tác giả dùng thuật ngữ “khoa trương” – cho ngoa dụ là biện pháp tu từ: “… dùng sự cường điệu quy mô của đối tượng được miêu tả so với cách biểu hiện bình thường nhằm mục đích nhấn mạnh vào một bản chất nào đó của đối tượng được miêu tả” [Cù Đình Tú, 2001, tr.204]. Tác giả Đinh Trọng Lạc dùng thuật ngữ phóng đại và định nghĩa như sau: “…dùng từ ngữ hoặc cách diễn đạt để nhân lên gấp nhiều lần những thuộc tính của khách thể hoặc hiện tượng nhằm mục đích làm nổi bật bản chất của đối tượng cần miêu tả, gây ấn tượng đặc biệt mạnh mẽ”. [Đinh Trọng Lạc, 2012, tr.40-41]. “Từ điển khái niệm ngôn ngữ học” giải thích rất ngắn gọn: “Cách diễn đạt cường điệu những đặc trưng, tính chất của sự vật và hiện tượng.” [Nguyễn Thiện Giáp, 2016, tr.304]. Võ Bình – Lê Anh Hiền thì cho rằng: “Đó là cách nói quá sự thật để nhấn mạnh ý và làm nổi rõ bản chất của hiện tượng.” [Võ Bình – Lê Anh Hiền, 1983, tr.88]. Sách giáo khoa Ngữ văn 8, tập 1, có định nghĩa khá tương đồng với tác giả Đinh Trọng Lạc, chỉ khác trong cách gọi tên: “Nói quá là biện pháp tu từ phóng đại mức độ, quy mô, tính chất của sự vật, hiện tượng được miêu tả để nhấn mạnh, gây ấn tượng, tăng sức biểu cảm.” [Bộ Giáo dục và Đào tạo, 2006, tr.102]. Tuy diễn đạt khác nhau khi định nghĩa ngoa dụ như sự cường điệu, phóng đại hoặc nhân lên gấp nhiều lần hay nói quá sự thật… nhưng đều có điểm tương đồng về cách nói và sự thể hiện hình thức – phương tiện biểu đạt – của ngoa dụ. Có lẽ cần dùng cách nói phối hợp từ như: sự cường điệu, phóng đại, nhân lên gấp nhiều lần, nói quá sự thật… để nói về ngoa dụ!

Điều cần chú ý là khi tiếp nhận ngoa dụ không nên dừng ở chỗ nói quá sự thật. Những hình ảnh, chi tiết, sự kiện, tính chất, trạng thái… xuất hiện ở đây chỉ là hình thức, là phương tiện biểu đạt. Sự cường điệu trong cách nói ngoa dụ là nhằm mục đích “nhấn mạnh, gây ấn tượng, tăng sức biểu cảm” [Bộ Giáo dục và Đào tạo, 2006, tr.102].

Nếu xét theo thực tế khách quan, về mặt tư duy logic, đúng là cách nói này không thật, có phần phi lí. Nhưng xét về bản chất thì chẳng vô lí chút nào. Ngoa dụ là cách nói giúp con người có thể cụ thể hóa những cung bậc tình cảm, thái độ đánh giá. Sự cường điệu trong cách nói ngoa dụ không chỉ nhằm mục đích “nhấn mạnh, gây ấn tượng, tăng sức biểu cảm” mà còn vì chỉ có cách nói đó mới thể hiện được suy nghĩ, nhận thức hết sức chủ quan về đối tượng được nói đến trong một cảnh huống nhất định. Thực tế trong giao tiếp, có những lúc đôi khi ngôn từ cũng bất lực, không biểu đạt được hết những cảm xúc, cảm giác, cảm nhận của chúng ta.

Ngoa dụ khác với nói dối, nói dóc. Sự cường điệu, phóng đại, nhân lên gấp nhiều lần, nói quá sự thật sự vật, hiện tượng, tính chất được miêu tả so với cách nói bình thường cũng bắt gặp khi người nào đó nói dối, nói dóc. Đại từ điển tiếng Việt giải thích hai từ này như sau:

nói dóc đgt. Nói khoác lác, bịa chuyện cốt cho vui hoặc tỏ vẻ hơn người: chỉ tổ nói dóc.

nói dối đgt. Nói không đúng sự thật, cố ý nói sai khác, để che giấu kiếm chác cái gì: tính hay nói dối.” [Nguyễn Như Ý,chủ biên, 1999, tr.1272].

Từ điển giải thích có vẻ chưa ổn về từ nói dối. Mục đích của nói dối đâu chỉ “để che giấu kiếm chác cái gì”! Có khi nói dối để giữ bí mật, nói dối để tránh tổn thương, đau đớn cho người khác, nói dối để an ủi, động viên, nói dối bởi…dối lòng vì những lí do không nên hay không thể nói và cũng có không ít những lời nói dối ngọt ngào! Nói dối không phải lúc nào cũng có nghĩa xấu. Xét đoán, đánh giá cũng tùy tình huống, mục đích, hoàn cảnh. Sự khác biệt giữa ngoa dụ với nói dối là ở mục đích biểu đạt.

Ngoa dụ cũng khác với so sánh tu từ. So sánh nhằm mục đích nêu lên một cách hình ảnh đặc điểm, tính chất của đối tượng được miêu tả nên ít nhiều cũng có sắc thái ngoa dụ. Nhưng so sánh là sự đối chiếu hai hay nhiều đối tượng khác loại dựa vào mối quan hệ liên tưởng tương đồng. Ví dụ:

Nhớ ai bổi hổi, bồi hồi, /Như đứng đống lửa, như ngồi đống than.     [Ca dao]

Công cha như núi thái sơn/ Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.  [Ca dao]

Còn cách nói ngoa dụ thì thể hiện như sau:

 Anh thương em thương quằn thương quạiNgủ quên thì nhớ
Thương dại thương dộtThức dậy thì thương…
     Thương lột da óc,Đùng đùng lửa cháy thành than
 Thương tróc da đầu.Vắng em một bữa, ruột gan rã rời.

Đấy không phải là sự đối chiếu các sự vật khác loại mà là “sự cường điệu quy mô, tính chất của đối tượng được miêu tả”. Do có sự nhầm lẫn này mà có giáo án khi soạn về biện pháp “nói quá” đã dẫn các thành ngữ so sánh: khỏe như voi, nhanh như cắt, ngu như heo, hiền như đất, chậm như rùa,… là ngoa dụ. Ngoài ra, còn dẫn hai ngữ liệu:

– Mấy cô má đỏ hây hây/ Đội bông như thể đội mây về làng.

– Mẹ già như chuối ba hương/ Như xôi nếp một, như đường mía lau.  

và thuyết minh như sau: “Sự kết hợp của cả hai phép tu từ phóng đại, nói quá và so sánh sẽ đem lại những hiệu quả cao hơn và bậc cảm xúc lớn hơn cho câu nói. Hai biện pháp tu từ này đều nhằm một mục đích là làm rõ hơn, cụ thể hơn, sinh động hơn bản chất của đối tượng. Nếu kết hợp cả hai phép tu từ trong câu nói sẽ đem lại hiệu quả cao hơn.”[https://dinhnghia.com.vn/noi-qua-la-gi-bien-phap-noi-qua-co-tac-dung-gi-ngu-van-8/]. Không nên gọi là “phép tu từ phóng đại, nói quá” vì vừa thừa vừa sai và cần phân biệt ngoa dụ với so sánh. Một phần nguyên nhân nhầm lẫn này là do trong sách giáo khoa Ngữ văn lớp 8, Mục II. LUYỆN TẬP có yêu cầu:

“4. Tìm năm thành ngữ so sánh có dùng biện pháp nói quá

Mẫu: ngáy như sấm.”   [Bộ Giáo dục và Đào tạo, 2006, tr.103].

Theo chúng tôi, yêu cầu như thế đã dẫn đến việc người đọc khó phân biệt hai biện pháp tu từ này. Hiểu như thế thì có lẽ các biện pháp tu từ so sánh đều là sự kết hợp của cả hai biện pháp so sánh và ngoa dụ. Nên yêu cầu học sinh tìm thành ngữ ngoa dụ thì đúng hơn. Và có thể gợi ý các thành ngữ như: tuyệt thế giai nhân, chim sa cá lặn, đẹp nhất trần đời, thiên đường trần gian, trời long đất lở, trời nghiêng đất ngả, triều dâng thác đổ,… 

“Từ điển khái niệm ngôn ngữ học” khi ví dụ về biện pháp ngoa dụ, đã dẫn ra hai câu ca dao:

Cầu này cầu ái cầu ân,/ Một trăm cô gái rửa chân cầu này. [Nguyễn Thiện Giáp, 2016, tr.304].

Theo chúng tôi, đây cũng không phải là cách nói ngoa dụ mà là cải số, dùng số lượng xác định để chỉ số lượng không xác định, thuộc biện pháp tu từ hoán dụ. “Một trăm cô gái” có nghĩa là rất nhiều cô đã đến cầu này, nơi hò hẹn của tình yêu. Con số “một trăm” xác định ở đây là con số biểu trưng. Cũng giống như hai câu của nhà thơ Tố Hữu trong bài “Bầm ơi”:

                   Con đi trăm núi, ngàn khe/ Chưa bằng muôn nỗi tái tê lòng bầm.

Hoặc như các thành ngữ: trăm đắng ngàn cay, trăm công ngàn việc, trăm dâu đổ đầu tằm, trăm hoa đua nở, trăm hồng ngàn tía, trăm kẻ bán vạn người mua, trăm khôn nghìn khéo, trăm mưu nghìn chước, trăm tay nghìn mắt,

Cũng cần nói thêm là trong một câu thơ hay tục ngữ, ca dao thậm chí là thành ngữ vẫn có sự xuất hiện và phối hợp của nhiều biện pháp tu từ nhưng những ví dụ bàn ở trên không phải là biện pháp ngoa dụ. 

Biện pháp tu từ ngoa dụ có phạm vi sử dụng rộng rãi và với nhiều mục đích khác nhau. Chỉ trừ phong cách ngôn ngữ hành chính, ngoa dụ không xuất hiện. Trong tục ngữ, ca dao, ngoa dụ là biện pháp tu từ được vận dụng với nhiều dụng ý nghệ thuật, giá trị biểu đạt phong phú và phần nào phản ánh cách nói năng, tư duy của người Việt.

3. Nội dung biểu đạt của ngoa dụ trong tục ngữ, ca dao

Ngoa dụ được sử dụng nhằm nhiều mục đích với giá trị biểu đạt khác nhau, và phần nào thể hiện đặc trưng nói năng và tư duy liên tưởng của người Việt. Trong cùng một văn bản, cách nói ngoa dụ vừa có thể biểu lộ tình cảm, vừa thể hiện sự đùa vui, hài hước lại cũng có thể hàm chứa một quan niệm về đời sống tinh thần. Tuy nhiên, dựa vào sự biểu đạt trội hơn ở từng văn bản, chúng ta có thể tạm chia cách nói ngoa dụ trong tục ngữ, ca dao thành ba nội dung sau: (1) thể hiện quan niệm về đời sống tinh thần, (2) biểu lộ tình cảm, và (3) gây cười nhằm để đùa vui.

3.1. Thể hiện quan niệm về đời sống tinh thần

Nội dung này chủ yếu được thể hiện trong tục ngữ. Trong tục ngữ, ngoa dụ có thể được dùng để biểu đạt quan niệm về thời gian, về nhân sinh, về quy luật tình cảm con người.

3.1.1. Trong năm, theo vòng quay của trái đất quanh mặt trời mà có những tháng, ngày thì ngắn còn đêm lại dài và ngược lại. Quy luật này được dân gian thể hiện như sau: “Đêm tháng năm chưa nằm đã sáng”; “Ngày tháng mười chưa cười đã tối”. Thời gian đây đâu còn là thời gian vật lí và cái phi lí chưa nằm đã sáng, chưa cười đã tối phản ánh trạng thái tâm lí của con người. Sự tác động của tự nhiên đã ảnh hưởng đến nhịp sinh học và nhận thức của con người về thời gian. Thời gian qua đi không trở lại, thời gian trôi nhanh: “Qua giêng hết năm, qua rằm hết tháng”, còn đời người như “bóng câu qua cửa sổ”. Thế nên cần quý trọng thời gian và làm những việc hữu ích. Trong thực tế, có những người biếng nhác, sống vật vờ, ăn bám hoặc chỉ biết hưởng thụ. Bằng cách nói ngoa dụ, dân gian phê phán những hạng người như thế. Khi thì nhẹ nhàng nhưng thấm thía: “Đời người có một gang tay, ai hay ngủ ngày còn được nửa gang”; lúc thì phê phán thẳng thừng và không ngại dùng những từ khiếm nhã: “Ngủ lắm thì lắm chiêm bao, ăn lắm ỉa lắm cứt cao hơn đầu”. Tục ngữ cũng phản ánh một thực trạng hình thành từ nếp sống lao động nông nghiệp nhất là lúc nông nhàn mà đặc biệt vào những ngày lễ Tết. “Tháng giêng là tháng ăn chơi” nên “Tháng giêng ăn nghiêng bồ thóc”. “Vô công rỗi nghề” thì “miệng ăn, núi lở” huống chi cả tháng ăn chơi “xả láng” nên việc nghiêng bồ thóc cũng có cường điệu lắm đâu. “Có không, mùa đông mới biết; giàu nghèo, ba mươi tết mới hay”, nên đôi khi trong những ngày xuân, nhà giàu thì tiêu phí để khoe sang còn người nghèo cũng vay mượn chi xài mà dấu hèn, rồi sau đó “kéo cày trả nợ”! Hình ảnh mang tính cường điệu “ăn nghiêng bồ thóc” phản ánh một thực trạng nói trên.

Có khá nhiều triết lí dân gian về vấn đề ăn uống. Ai từng trải qua những ngày đói khát, thiếu thốn mọi bề mới đồng cảm với câu: “Đói ăn muối cũng ngon”. Trong cuộc sống, những khi bị đụng chạm đến quyền lợi, bị sẻ chia, mất phần không ít kẻ sinh ra ganh ghét, hằn thù: “Đưa đũa ghét năm, đưa tăm ghét đời”. Chỉ với hành động đưa đũa, đưa tăm thế thôi mà ghen ghét đến cả năm, cả đời. Phóng đại đấy nhưng cũng chẳng nói quá chút nào bởi trong thực tế cuộc sống có kẻ còn tranh giành, thậm chí hãm hại người khác chỉ vì quyền lợi vật chất. Dù coi cái ăn là trọng nhưng dân gian khẳng định: “Miếng ăn là miếng nhục”, “Ăn một miếng, tiếng một đời”. Rõ ràng quan niệm trên vẫn còn nguyên giá trị. Đâu ít người không vượt qua được sự cám dỗ của vật chất nên “thân bại, danh liệt”. Dân ta vốn cần cù lao động, chịu thương chịu khó. Họ quan niệm tay có làm thì hàm mới có nhai. Dẫu giàu có mà “nhớt thây, lầy xương”, chỉ biết ăn chơi thì cũng có ngày “Miệng ăn núi lở”. Cách nói ngoa dụ trong câu “Giàu giờ ngọ, khó giờ mùi” có thể có nhiều cách hiểu, tùy thuộc vào hoàn cảnh, ngữ cảnh giao tiếp và quan niệm của mỗi người. Đó có thể phản ánh cái nhìn mỉa mai, châm biếm hoặc sự chia sẻ, đồng cảm, lạc quan, vui mừng hay thể hiện sự an nhiên, tự tại vì: “Ai giàu ba họ, ai khó ba đời!”.

3.1.2. Nói đến tình cảm là nói đến sự nhìn nhận mang tính chất chủ quan. Nhưng dẫu chủ quan, cách nói ngoa dụ trong tục ngữ vẫn khái quát một quy luật tình cảm muôn thủa của con người là “Yêu nên tốt, ghét nên xấu”; “Yêu ai yêu cả đường đi/ ghét ai ghét cả tông chi họ hàng. Khi yêu, người ta có thể chia sẻ, trao nhau tất cả, dành hết tình cảm cho người mình thương yêu: “Yêu nhau cái chấy cắn đôi”. Khi yêu, lúc ghét con người dường như ở vào trạng thái bất thường (Mà làm gì có ai thật sự đang yêu lại ở vào trạng thái bình thường!). Và do đó, cách nhìn nhận, đánh giá có phần thiên kiến, phiến diện, thiếu chính xác, phi logic. Vả lại, logic trong tình yêu khác với logic khách quan trong khoa học. Thật khó lí giải, không thể lí giải và có lẽ cũng không cần lí giải! Bởi không có lời giải nào là thỏa đáng ngay cả chính với người trong cuộc. Làm sao giải thích cho được khi cái sự yêu ghét lại khiến người ta có cái nhìn thế này: “Thương nhau củ ấu cũng tròn, ghét nhau quả bồ hòn cũng méo”; “Lúc ghét bẻ ngay hoá vẹo, khi ưa vẽ méo nên tròn”. Ấy thế mà người tiếp nhận vẫn thấy đúng! Bởi nó phản ánh quy luật tình cảm rất thường tình của con người.

Trong mối quan hệ gia đình, quy luật trên cũng thể hiện rất rõ. Nhân dân ta thể hiện triết lí trọng ruột rà hơn người dưng: “Một giọt máu đào hơn ao nước lã”. Cách nói ngoa dụ về quan niệm này cũng thể hiện qua câu: “Yêu nhau chị em gái, rái nhau chị em dâu, đánh nhau vỡ đầu là anh em rể”. Trong mối quan hệ vợ chồng, sự hoà hợp là điều rất quan trọng. Không khó khăn, nghịch cảnh nào chẳng thể vượt qua nếu vợ chồng yêu thương, đồng lòng: “Thuận vợ thuận chồng, tát biển Đông cũng cạn”. Cách nói ngoa dụ qua hình ảnh “tát cạn biển Đông” nhằm khẳng định một điều: sự êm ấm, hạnh phúc trong quan hệ vợ chồng sẽ đem lại kết quả tốt đẹp, thành công trong mọi việc. Dân gian đề cao sự xứng lứa vừa đôi, yêu thương hạnh phúc: “Cơm trắng ăn với chả chim, chồng đẹp vợ đẹp những nhìn mà no”. Và ngược lại thì dẫn đến hệ quả: “chín đụn, mười con cũng lìa” nếu “cơm không lành, canh không ngọt”.

Cách nói ngoa dụ còn được vận dụng nhằm thể hiện tình yêu của cha mẹ đối với con cái. Biết bao nỗi vất vả, nhọc nhằn và cả hiểm nguy (“Người chửa cửa mả”) mà người mẹ đã trải qua khi sinh nở và nuôi dạy con cái lớn khôn: “Con biết nói, mẹ hói đầu”; “Con lên ba, mẹ sa xương sườn”; “Con biết ngồi, mẹ rời tay”. Ngoa dụ đấy nhưng thật ra có nói quá lắm đâu! Con cái khôn lớn, sự vất vả, nhọc nhằn nuôi nấng, dạy bảo đã vơi nhưng nỗi lo lắng, yêu thương vẫn đeo đẳng cả đời. Con đến tuổi thành gia, lập thất thì cha mẹ: “Lựa con dâu, sâu con mắt”. Rồi lại lo đến thế hệ sau. Lo cho đến cuối đời, nhắm mắt xuôi tay mà đôi khi vẫn còn nặng lòng. Niềm vui, nỗi buồn, hạnh phúc, khổ đau của cha mẹ gắn liền với niềm vui, nỗi buồn, hạnh phúc, khổ đau của con cháu. Bởi với cha mẹ, cháu con là tất cả. Thế nên, ta không thấy ngạc nhiên dân gian có những cách nói ngoa dụ về tình cảm trong mối quan hệ này như sau: “Cứt con người chê thối chê tanh, cứt con mình nấu canh cũng ngọt”; Con người ỉa đầu đường thì thối, con mình ỉa đầu gối thì thơm”. Từ ngữ sử dụng có phần dung tục, thiếu thẩm mĩ thế nhưng như đã nói, sự cường điệu trong cách diễn đạt và vận dụng những hình ảnh trên chỉ là phương tiện biểu đạt còn mục đích biểu đạt chính là phản ánh một sự thật về tình cảm của cha mẹ đối với con cái.

3.1.3. Khi đánh giá con người hay thể hiện triết lí nhân sinh, ngoa dụ cũng thường được vận dụng. Trước hết là quan niệm về phẩm hạnh như: “Nhân hiền tại mạo”, “Người khôn dồn ra mặt”. Qua nhân dạng đoán định được tương lai: “Nốt ruồi ở cổ có lỗ tiền chôn”; “Nốt ruồi ở tay ăn vay suốt đời”. Qua đó, chúng ta thấy tri thức dân gian về nhân tướng học. Để chỉ về sức trẻ của các cô gái mới lớn (vốn được coi là phái yếu!), dân gian có câu: “Con gái mười bảy bẻ gãy sừng trâu”. Còn vẻ đẹp của phụ nữ một con thì: “Gái một con trông mòn con mắt”. Ngoa dụ cũng được dùng để thể hiện triết lí trong giao tiếp như: “Nói phải củ cải cũng nghe”; “Nói ngọt lọt đến xương”. Cách nói trên thể hiện sức mạnh của ngôn từ. Ngôn ngữ không chỉ là phương tiện để chúng ta giao tiếp, tư duy mà còn là phương tiện để chinh phục tình cảm người khác. Ngôn ngữ có sức mạnh thật diệu kì và cách nói ngoa dụ chỉ một phần thể hiện điều đó.

Dân gian còn dùng ngoa dụ để phản ánh quan niệm về nhân quả. Ai làm điều ác tất bị trừng phạt:“Trời quả báo, ăn cháo gãy răng”. Nếu làm điều tốt, dù bé nhỏ nhưng thật lòng, kịp thời thì sẽ được phúc đầy:Thí một chén nước, phước chất bằng non”. Họ khẳng định một niềm tin: Thật thà ma vật không chết”; quan niệm về sự vô thường của sự giàu nghèo: Giàu giờ ngọ, khó giờ mùi”; “Bố thí giờ thìn, ăn xin giờ tị”. Mà trong cuộc sống, đã nghèo thì đi liền với khổ, với hèn, với thắt ngặt, khó khăn: “Khó bó đến xương”.Và nỗi khổ đau, niềm hạnh phúc sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tinh thần, thể chất: “Vui một đêm thành tiên, buồn một đêm thành cú”. Đôi khi cái nhìn của dân gian về cuộc đời cũng có phần tiêu cực, chán chường, bi quan, an phận. Ông cha ta quan niệm mỗi người đều có số, đấng tạo hóa đã “lập trình” sẵn, không ai có thể vượt qua phận mỏng của mình: Số giàu trồng lau ra mía, số khó trồng củ tía ra củ nâu”.

Sức mạnh của kim tiền cũng được dân gian đúc kết trong tục ngữ qua biện pháp ngoa dụ: “Nén bạc đâm toạc tờ giấy”; thể hiện sự mâu thuẫn trong xã hội và có phần châm biếm: “Quân tử ứ hự đã đau, tiểu nhân dùi đục đập đầu như không”; phê phán, đả kích hạng người vong ân, bội nghĩa: “Chưa khỏi rên đã quên thầy”; đánh giá về tính cách, phẩm hạnh, vận mệnh của con người qua ngoại hình, nhân dạng: “Đàn ông miệng rộng thì sang/ Đàn bà miệng rộng tan hoang cửa nhà”; “Nốt ruồi ở cổ, có lỗ tiền chôn”. Rõ ràng, những phương tiện biểu đạt được vận dụng là cường điệu, quá lời. Thế nhưng, về bản chất, những hiện tượng, tính chất, cách ứng xử nêu trên được người dân đúc kết từ thực tế đời sống muôn màu muôn vẻ và tái hiện lại bằng cách nói sinh động, gần gũi, đời thường qua cách nói ngoa dụ.

3.2. Biểu lộ tình cảm

Để giãi bày tình cảm, nhất là đối với tình yêu lứa đôi với bao cung bậc cảm xúc, ngoa dụ được tác giả dân gian sử dụng khá nhiều qua ca dao:

Sao rua chín cái nằm kề/ Thương em từ thuở má về với ba.

Sao rua chín cái nằm ngang/ Thương em từ thuở má mang trong lòng.

Sao rua chín cái nằm chồng/ Thương em từ thuở má bồng trên tay.                            [Ca dao]

Sao lại có thể thương em khi người con gái chưa hiện hữu trên đời? Sao tương tư lúc người ấy mới tượng hình hay còn là em bé sơ sinh? Câu “Thương em từ thuở má bồng trên tay” lại gợi nhớ đến điển cố trong thành ngữ “lá thắm chỉ hồng” (hồng diệp xích thằng). Chàng trai này không rơi vào hoàn cảnh như Vi Cố nhưng cách nói ngoa dụ trên lại giúp biểu đạt rất đỗi tự nhiên một điều mà khoa học hiện đại cũng khó thể lí giải thuyết phục. Đó là về tình yêu đôi lứa, nhất là chuyện vợ chồng mà dân gian gọi là “duyên nợ ba sinh”. Vì vậy, mượn chuyện ông Tơ, bà Nguyệt kết nối, se duyên hay do hóa công sắp đặt mà thôi! Có “duyên thì dẫu xa muôn trùng cũng gặp; mang “nợ” sẽ gắn bó lâu dài bằng ngược lại thì dẫu gần vẫn cách mặt và “nghễnh ngãng như kèo đục vênh”. Nhà thơ Xuân Diệu đã từng phải thốt lên: “Làm sao cắt nghĩa được tình yêu!”. Xuân Diệu có thể đã giúp cho nhiều đôi lứa trả lời câu hỏi muôn đời không có lời giải dù câu thơ không cắt nghĩa được gì! Cách nói trên là cách nói ngoa dụ, nhưng có thể chính tác giả dân gian không nghĩ về điều đó. Lời nói tự tuôn từ tim, thật bụng, tận lòng và chỉ nói như thế mới có thể thể hiện được ý tình. Không ai nỡ hiểu chàng trai ấy nói dối cả. Đấy cũng là sự khác biệt về bản chất giữa ngoa dụ với lời nói dối, nói dóc. Những chi tiết “không thật” trong bài ca dao chỉ là phương tiện biểu đạt. Mục đích biểu đạt ở đây là nhằm khẳng định tình yêu của chàng trai với cô gái, như giữa hai người đã có duyên tiền định, đã hẹn nhau từ bao kiếp nào.

Triệu chứng của bệnh tương tư là nỗi nhớ. Mà con người thì “Làm sao sống được mà không yêu” [Xuân Diệu]. Nên tâm bệnh này đã tồn tại muôn đời, muôn thuở của muôn kiếp nhân sinh để rồi rền rĩ ngân lên bao điệp khúc trong thơ nhạc nói chung và ca dao nói riêng. Nỗi nhớ đã làm chàng trai như không còn sinh lực:

Vắng cơm ba bữa còn no/ Vắng em một bữa giở giò không lên.

Và chỉ vắng một bữa mà thân thể lại thế này:

 Anh đau ba năm, anh không ốm,/ Anh đói sáu tháng, anh không mòn

Vắng em một bữa, da còn bọc xương.

Cách sắp đặt tiệm thoái về thời gian: “ba năm”, “sáu tháng”, “một bữa”, để nói về sự hành hạ của bệnh tật (đau), thiếu ăn (đói), xa cách người yêu (vắng); cùng sự đối lập giữa “không ốm”; “không mòn” với “da còn bọc xương” càng gây nên ấn tượng, càng nhấn mạnh về sự tiệm tiến cực điểm của nỗi nhớ. 

Nỗi nhớ của chàng trai qua cách nói ngoa dụ lắm cung bậc. Khi thì nhẹ nhàng, sâu lắng như các bài ca dao đã dẫn lúc thì trào dâng, mạnh mẽ:

 Anh thương em thương quằn thương quạiNgủ quên thì nhớ
Thương dại thương dộtThức dậy thì thương…
     Thương lột da óc,Đùng đùng lửa cháy thành than
 Thương tróc da đầu.Vắng em một bữa, ruột gan rã rời.

 Thương” gì mà thấy thương! Nói có vẻ dí dỏm, đùa vui nhưng những ai đã trải nghiệm về nỗi nhớ trong tình yêu thì có thể đồng cảm với tâm trạng của chàng trai ấy. Bao thi nhân đã thể hiện chứng bệnh nan y này qua những câu thơ da diết, sâu lắng. Như Xuân Quỳnh thầm thì: “Lòng em nhớ đến anh/ Cả trong mơ còn thức” (Sóng); Nguyễn Bính thao thức: “Tương tư thức mấy đêm rồi/ Biết cho ai, hỏi ai người biết cho” (Tương tư); Xuân Diệu than thở: “Bữa nay lạnh, mặt trời đi ngủ sớm/ Anh nhớ em, em hỡi! Anh nhớ em.” (Tương tư chiều); còn chàng trai trong bài ca dao trên thì rên rỉ: Ngủ quên thì nhớ/ Thức dậy thì thương nghĩ có khác gì? Nên chuyện chàng trai than mà như la làng cũng chẳng lấy gì làm lạ:

Anh than một tiếng nát miễu, xiêu đình/ Cây huệ kia đang xanh lại héo, cá ở ao huỳnh vội xếp vi.

Vì có khi còn dữ dội, quyết liệt hơn:

Dao phay kề cổ, máu đổ không màng,/ Chết thời chịu chết, buông nàng không buông.

Trời đánh không buông, trời gầm chẳng nhả. Ngay cả cái chết cũng không chia lìa được lứa đôi! Thiên tình sử của nhân loại đâu hiếm những mối tình lấy đi nước mắt của bao thế hệ về sự chung tình. Chỉ khác là trong ca dao, cách nói, cách biểu lộ tình cảm thật chân chất, mộc mạc và có phần hóm hỉnh mà thôi.

Chàng trai bộc lộ tình cảm mạnh mẽ như thế, còn cô gái thì tỉ tê nỗi niềm mong nhớ của mình một cách sâu lắng:

Đêm nằm lưng chẳng bén giường,/ Trông cho trời sáng ra đường gặp anh.

Cường điệu đó nhưng thật ra chẳng phóng đại chút nào. Đêm đấy mới thật là đêm! Đêm trăn trở, trằn trọc; đêm được nỗi nhớ hành hạ, tra tấn! Chỉ mong thời gian qua mau, mà càng chờ thì thời gian như ngừng trôi, trời càng lâu sáng. Lòng như thế thì sao lưng có thể bén giường. Vì nhớ thương, vì mong được gặp người yêu nên cô gái không quản trắc trở, chẳng ngại đắng cay, cực nhọc:

Thương anh vô giá quá chừng/ Trèo tường quên mệt, ngậm gừng quên cay.

Nên đến khi gặp được người yêu thì:

Nhác trông thấy bóng anh đây,/ Ăn chín lạng hạt ớt thấy ngọt ngay như đường.

Con số chín biểu trưng ở đây làm cho sự cường điệu càng được nhân lên để biểu đạt một điều thật khác với lẽ thường. Không ít thì nhiều nhưng “Ớt nào mà ớt chẳng cay”, vậy mà ăn lại ngọt ngay như đường mật! Chỉ một câu mà có sự kết hợp đến ba biện pháp tu từ: hoán dụ, nghịch dụ và ngoa dụ. Thật phi logic nhưng cũng đúng vô cùng về mặt tâm tư, cảm xúc, ý tình. “Lưng chẳng bén giường”,Trèo tường quên mệt, ngậm gừng quên cay” nên “ăn ớt thấy ngọt”là hệ quả tất yếu. Bên cạnh niềm vui vỡ òa còn là sự nũng nịu, trách yêu, buồn tủi, dỗi hờn:

 Em đi tìm anh, nước mắt nhỏ úa ngọn cỏ vàng,/ Anh không tin đi thử mấy nẻo đàng em qua. Lặn lội tìm kiếm trong nỗi nhớ thương đến nỗi “nước mắt nhỏ úa ngọn cỏ vàng”! Có lẽ cần cường điệu như thế mới có thể biểu đạt nỗi nhớ và ngay cả nói như vậy cũng chưa chắc đã diễn đạt hết. Ngôn từ nào phải vạn năng. Có những lúc ngôn ngữ như bất lực, chỉ có thể “nói được” qua giao cảm của trái tim, của sự đồng cảm.

Đã yêu sẽ hết lòng, thật dạ mà không thương thì dứt khoát, rõ ràng, rạch ròi. Chàng trai nào “được” phản hồi những lời này thì thôi đừng đeo đuổi, mơ mộng, tơ tưởng chi nữa:

Anh về mua lụa bọc trời,/ Mua thuyền chở núi em thời theo ngay.

hay: Bao giờ cây cải làm đình, / Gỗ lim thái ghém thì mình lấy ta.     

Lụa nào có thể bọc trời? Thuyền gì chở được núi? Cây cải, gỗ lim sao có thể thái ghém, làm đình? Những điều kiện đưa ra như “thách cưới” còn hơn cả cường điệu, quá sức phi lí nhưng tất cả nhằm khẳng định một điều là khước từ sự tỏ ý, ngỏ lời, kết đôi. Từ chối như thế cũng có phần quyết liệt, dễ tổn thương quá. Thôi như thế để cho ai kia khỏi vẩn vơ, vương vấn, vướng víu, vật vờ nữa!

3.3. Gây cười nhằm để đùa vui

Trong ca dao, cách nói ngoa dụ cũng còn được dùng để gây cười nhằm mục đích hài hước, đùa vui. Ví như bài ca dao sau:

 Cô gái Sơn Tây yếm thủng tày giần,/ Răng đen hạt nhót, chân đi cù hèo./ Tóc rễ tre chải lược bờ cào,/ Xù xì da cóc, hắc lào tứ tung./ Trên đầu chấy rận như sung,…

Những ai nhớ “Đôi mắt người Sơn Tây” của Quang Dũng có thể sẽ “sốc” khi đọc bài ca dao trên. Nhưng những từ ngữ gợi hình được phối hợp ở đây chắc hẳn chỉ nhằm mục đích đùa vui, gây cười chứ không có ý nói xấu, chê bai cô gái Sơn Tây. Về bài ca dao này, quyển Phong cách học – thực hành tiếng Việt có đề cập như sau: “Từ lần in đầu, Vũ Ngọc Phan đã đưa nó vào cuốn sách Tục ngữ, ca dao, dân ca Việt Nam. Sau đó, có thể vì một nhận định nào đó, chẳng hạn cho là bài ca dao này mang tính chất đả kích, bôi nhọ người phụ nữ Sơn Tây, mà Vũ Ngọc Phan đã tạm rút nó ra khỏi tập sách trong mấy lần tái bản. Gần đây, ở lần in thứ tám, bài ca này lại được in lại trong tập sách, thiết tưởng như thế là phải”. (Võ Bình – Lê Anh Hiền, 1983, tr.89).

Trong một số bài ca dao, ẩn trong sự hài hước, đùa vui vẫn có thể phản ánh một thực tế về hoàn cảnh sống ngày xưa. Ví như:

Con rận bằng con ba ba/ Đêm nằm nó ngáy cả nhà thất kinh/ Hàng xóm vác gậy đi rình/ Mới hay con rận trong mình bò ra…                      [Ca dao]

Đằng sau tiếng cười có thể còn ẩn chứa nhiều nỗi niềm, như ngậm nuốt trong lòng, như tiếng than về sự khốn khó, cơ cực của một thời “đói nghèo trong rơm rạ”. Rơm rạ thay cho chiếu chăn, còn y phục thì quần tơi, áo bố… nơi tha hồ cho rận, rệp kí sinh và thi nhau châm chích khiến không thể ngon giấc sau một ngày lam lũ, nhọc nhằn, một nắng hai sương, bán mặt cho đất, bán lưng cho trời trên đồng cạnh, dưới đồng sâu. Cũng có khi cách nói ngoa dụ vừa mang tính đùa vui, vừa thể hiện tính triết lí như:

Lỗ mũi em mười tám gánh lông,Đi chợ thường hay ăn quà,
Chồng yêu chồng bảo râu rồng trời cho.Chồng yêu chồng bảo về nhà đỡ cơm.
Đêm nằm thì ngáy o o,Trên đầu những rác cùng rơm,
Chồng yêu chồng bảo ngáy cho vui nhà.Chồng yêu chồng bảo hoa thơm rắc đầu.

Bài ca dao trên được xếp vào loại ca dao hài hước. Chúng ta không phủ nhận điều này vì có đâu một người phụ nữ “đáng yêu”, “đẹp người, hay nết” như thế! Nhưng đằng sau những lời đùa vui, hóm hỉnh ấy của dân gian thể hiện quan niệm, đúc kết quy luật về tình cảm hết sức chủ quan của con người như đã đề cập ở trên: “Yêu nên tốt, ghét nên xấu”; “Yêu ai yêu cả đường đi, ghét ai ghét cả tông chi họ hàng”.   

4. Kết luận

Trong cuộc sống, khi đề cập đến một sự vật, hiện tượng nào đó, ngoài nhận xét, đánh giá người ta còn biểu lộ một thái độ tình cảm nhất định. Việc nhận xét, đánh giá và biểu lộ thái độ tình cảm như thế được thể hiện bằng nhiều hình thức nghệ thuật khác nhau trong đó có biện pháp tu từ ngoa dụ. Biện pháp tu từ này có nhiều tên gọi và quan niệm không thống nhất. Có tên gọi và quan niệm thiếu tường minh đã dẫn đến cách hiểu chưa chính xác khiến hiểu nhập nhằng với một số biện pháp tu từ khác như so sánh tu từ và hoán dụ tu từ. 

Ngoa dụ được dùng khá nhiều trong tục ngữ, ca dao. Tìm hiểu biện pháp tu từ ngoa dụ trong ca dao, tục ngữ, ta không chỉ nhận thức rõ hơn cách nói này – qua phương tiện biểu đạt – mà còn thấy được quan niệm về đời sống tinh thần, sự biểu lộ tình cảm, thái độ, đánh giá về sự vật, hiện tượng của dân gian. Nội dung biểu đạt ở đây có thể là khẳng định, đề cao; có thể là châm biếm, đả kích về một đối tượng, hành động, trạng thái nào đó hoặc nhằm mục đích hài hước, đùa vui. Tìm hiểu biện pháp tu từ ngoa dụ trong ca dao, tục ngữ cũng giúp ta thấy được đặc trưng cách nói năng, tư duy liên tưởng và dấu ấn văn hoá-dân tộc. 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Võ Bình – Lê Anh Hiền (1983), Phong cách học – thực hành tiếng Việt, Sách Cao đẳng Sư phạm, Nxb Giáo dục.
  2. Bộ Giáo dục và Đào tạo (2006), Ngữ văn 8, tập một, Nxb Giáo dục.
  3. Nguyễn Thiện Giáp (2016), Từ điển khái niệm ngôn ngữ học, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội.
  4. Đinh Trọng Lạc, Nguyễn Thái Hoà (1993), Phong cách học tiếng Việt, Nxb Giáo dục.
  5. Đinh Trọng Lạc (2012), 99 phương tiện và biện pháp tu từ tiếng Việt, Nxb Đại học Sư phạm.
  6. Nguyễn Thái Hòa (2006), Từ điển tu từ – Phong cách – Thi pháp học, Nxb Giáo dục.
  7. Nguyễn Văn Nở (2012), Phong cách học tiếng Việt, Nxb Đại học Cần Thơ.
  8. Vũ Ngọc Phan (1998), Tục ngữ ca dao dân ca Việt Nam, Nxb Khoa học Xã hội. Hà Nội.
  9. Sái Phu (2005), Viết nhịu Lapsus Calami – Dọn vườn ngôn ngữ học, Nxb Trẻ.
  10. Cù Đình Tú (2001), Phong cách học và đặc điểm tu từ tiếng Việt, Nxb Giáo dục.
  11. Nguyễn Như Ý (chủ biên) (1999), Đại Từ điển tiếng Việt, Nxb Văn hóa-Thông tin.
  12. https://dinhnghia.com.vn/noi-qua-la-gi-bien-phap-noi-qua-co-tac-dung-gi-ngu-van-8/, truy cập ngày 04/6/2021.

Hyperbole in folk poems and proverbs

Abstract: Exaggeration is a common practice in communication. However, not all exaggeration is hyperbole. To fully understand hyperbole, we must accurately recognize its presentation and expressed contents. In folk poems and proverbs, hyperbole is used with various purposes and contents. This figure of speech helps articulate perspectives on spiritual life, expresses feelings and adds hilarity. By analyzing its use in folk poems and proverbs, we can have a better grasp of the communication practice, the associative thinking and the cultural tradition of Vietnamese people.     Key words: figures of speech; hyperbole; exaggeration; proverbs; folk poems.