Tiếp cận liên ngành trong ngôn ngữ học

Nguyễn Văn KhangGS.TS; Trường Đại học Phenikaa; Email: khang.nguyenvan@phenikaa-uni.edu.vn

TÓM TẮT: Ngôn ngữ là của riêng loài người, tồn tại và phát triển trong xã hội loài người. Theo đó, ngôn ngữ tham gia vào mọi hoạt động của đời sống con người. Vì thế, ngôn ngữ không chỉ là mối quan tâm của ngôn ngữ học mà là mối quan tâm của mọi ngành khoa học, từ khoa học xã hội, khoa học nhân văn đến khoa học tự nhiên, khoa học công nghệ. Nghiên cứu ngôn ngữ ngày nay không chỉ dừng lại ở cách tiếp cận đơn ngành/ chuyên ngành (ngôn ngữ học) mà phải cần đến cách tiếp cận liên ngành; không chỉ với các ngành “truyền thống” như: chính trị học, xã hội học, tâm lí học, dân tộc học,… mà với cả các ngành khoa học khác như: nhân học, y học, khoa học máy tính, sinh thái học, giáo dục học hiện đại, v.v. Ngôn ngữ gắn liền với đời sống của mỗi dân tộc, quốc gia, vì thế, nghiên cứu ngôn ngữ ở  các quốc gia không thể như nhau bởi chúng chịu tác động của các nhân tố như: tình hình chính trị-xã hội của mỗi quốc gia, tình hình ngôn ngữ của mỗi quốc gia, văn hóa và truyền thống văn hóa của mỗi dân tộc, quốc gia, khoa học và truyền thống khoa học của mỗi quốc gia, v.v.  Đây là lí do của việc tiếp cận liên ngành trong nghiên cứu ngôn ngữ.

TỪ KHÓA: ngôn ngữ; ngôn ngữ học; khoa học xã hội; khoa học nhân văn; khoa học tự nhiên; khoa học công nghệ; tiếp cận chuyên ngành; tiếp cận liên ngành; “ngôn ngữ học liên ngành”.

NHẬN BÀI: 04/07/2024.                     BIÊN TẬP-CHỈNH SỬA-DUYỆT ĐĂNG: 04/09/2024

1. Đặt vấn đề

Gần đây, liên quan đến việc tiếp cận chuyên ngành và/ hoặc liên ngành trong nghiên cứu ngôn ngữ thường được nhắc đến  tại không ít hội thảo khoa học và trong các hội đồng bảo vệ luận án tiến sĩ về ngôn ngữ học. Có nhiều lí do, trong đó có lí do chính là, nghiên cứu ngôn ngữ cần phải, cùng với cách tiếp cận, sử dụng phương pháp, thủ pháp của ngành mình (ngôn ngữ học) là cách tiếp cận và sử dụng các phương pháp, thủ pháp của các ngành khoa học khác, nhất là trong thời đại khoa học công nghệ hiện nay.

Có thể nói, từ cấu trúc luận đến hậu cấu trúc luận được coi là một bước chuyển biến, tiếp nối trong nghiên cứu ngôn ngữ. Những nghiên cứu cơ bản của ngôn ngữ bắt đầu bằng việc nghiên cứu cấu trúc-hệ thống của các ngôn ngữ và các phương ngữ của mỗi ngôn ngữ; qua đó, khái quát được những tương đồng và khác biệt giữa các ngôn ngữ; xây dựng được các mô hình chung về đặc điểm ngữ âm, ngữ pháp, từ vựng-ngữ nghĩa của mọi ngôn ngữ và đặc điểm riêng của mỗi ngôn ngữ; xây dựng được đặc điểm loại hình học của các ngôn ngữ cũng như truy tìm lịch sử của chúng. Một cách khái quát, nhờ có cấu trúc luận, nghiên cứu ngôn ngữ đã khám phá, chỉ ra được những đặc điểm khái quát, cơ bản mang tính phổ quát cho mọi ngôn ngữ và đặc điểm đặc thù của mỗi ngôn ngữ ở bình diện cấu trúc-hệ thống.

Nhưng cũng chính từ những kết quả lớn lao ấy, có thể thấy những khoảng trống khó lấp nếu không dựa vào hậu cấu trúc luận mà như F.de Saussure  (2005) đã sớm chỉ ra là “ngôn ngữ học ngoại tại” (Etra-linguistic), mở đường cho cách tiếp cận liên ngành. Theo dõi tình hình nghiên cứu ngôn ngữ trên thế giới và ở Việt Nam cho thấy, cả hai cách tiếp cận chuyên ngành (đơn ngành) và liên ngành (giữa các ngành), liên chuyên ngành (giữa các chuyên ngành trong một ngành) đều đã và đang được vận dụng trong nghiên cứu, như là sự hỗ trợ, bổ sung cho nhau.

2. Liên ngành và cách tiếp cận liên ngành

Khái niệm “liên ngành” được sử dụng từ lâu trong nghiên cứu, theo đó, tưởng như đã rõ ràng nhưng thực tế lại chưa hẳn thế. Bởi liên quan đến khái niệm này, còn có các khái niệm như: “đa ngành (multidisciplinarity, pluridisciplinarity), xuyên ngành/ giao ngành (crossdisciplinarity, transdisciplinarity) thậm chí là “ siêu ngành” (metadisciplinarity).   

– Đa ngành (Multidisciplinary): gồm nhiều ngành và mỗi ngành cung cấp một góc nhìn khác nhau về  một hay một số vấn đề nào đó, tức là, các ý tưởng khác nhau được kết hợp để tìm ra giải pháp cho một vấn đề chung. Chẳng hạn, có thể xem xét cùng một đối tượng từ các ngành khác nhau.

– Xuyên ngành/ giao ngành (Crossdisciplinary; Transdisciplinary): đề cập đến việc xem xét một ngành từ quan điểm của một ngành khác. Cụ thể, nó liên quan sự thống nhất của khung trí tuệ vượt ra ngoài các cách nhìn nhận/ quan điểm của từng ngành. Cụ thể hơn, nếu so với đơn ngành thì các khung khái niệm được nhìn nhận rộng hơn trong nghiên cứu và áp dụng vào nghiên cứu khảo sát. 

– Liên ngành (Interdisciplinary): đề cập đến sự tích hợp, sự đóng góp của hơn hai ngành/ chuyên ngành vào một vấn đề; là sự phân tích tổng hợp và hài hòa giữa các ngành thành một tổng thể phối hợp và mạch lạc.

Revista Amazonia Investiga (2024) đã đưa ra ví dụ cách tiếp cận về “nước” từ các ngành khác nhau: Nhà hóa học cho rằng, nước gồm 2 phân tử Hydro và 1 phân tử Oxygen, độ PH của nước là trung tính. Nhà vật lí giải thích lí thuyết khúc xạ liên quan đến nước (cộng hưởng, sức căng bề mặt, v.v.). Nhà sinh vật học sẽ đưa ra câu hỏi đầu tiên là, tại sao 70% cơ thể con người được tạo thành từ nước và nước là một thành phần thiết yêu của sự sống ra sao? Nhạc sĩ sẽ giải thích các âm thanh liên quan đến nước, như tiếng róc rách êm dịu của dòng suối hoặc âm thanh phun trào của thác nước…để chuyển đổi thành các âm sắc, nốt nhạc.

Theo đó, là các cách tiếp cận về “nước”:

Cách tiếp cận đa ngành (in a multidisciplinary approach): giải quyết vấn đề nước ở một địa bàn nào đó (chẳng hạn là một thị trấn) thì phải kết hợp các lĩnh vực như địa lí, kiến trúc, khoa học chính trị và xã hội để cùng nhau đưa ra giải pháp thích hợp, trong đó mỗi lĩnh vực vẫn giữ các hoạt động cụ thể của mình.

Cách tiếp cận xuyên ngành/ giao ngành (in a trans-disciplinary approach): vật lí cộng hưởng sẽ được sử dụng để tìm hiểu chất lượng âm thanh, giúp cho nhạc sĩ thể hiện trong bản giao hưởng.

Cách tiếp cận liên ngành (in a interdisciplinary approach): sự kết hợp quan điểm của các ngành khác nhau để hiểu về “nước”.

Cũng theo tác giả, bất kể cách tiếp cận nào thì mục đích cuối cùng vẫn là nền tảng của nó: hệ các phương pháp được sử dụng.

Liên quan đến khái niệm liên ngành và cách tiếp cận liên ngành, có một số điểm đáng chú ý như sau:

– Liên ngành phân tích tổng hợp và hài hòa các mối liên hệ giữa các ngành thành một tổng  thể  có tính phối hợp và mạch lạc.

– Liên ngành đề cập đến sự tích hợp, đóng góp của hai hoặc hơn hai ngành/ chuyên ngành vào một vấn đề. Theo đó, các kiến thức phải có sự hài hòa, phụ thuộc lẫn nhau của sự liên hệ giữa bộ phận và toàn thể, giữa cái chung và cái riêng. – Các phương pháp sử dụng trong tiếp cận liên ngành phải giải quyết được sự phức tạp của tổng thể các mối liên hệ qua lại trong tổng thể đó.

Nếu ngành, hiểu một cách khái quát, là một lĩnh vực riêng mà con người trải nghiệm, trong đó có các nhóm/ cộng đồng chuyên gia riêng thì liên ngành như là sự tập hợp các thành phần khác nhau của hai hay nhiều ngành, nhằm giúp tìm ra các kết quả, các cách giải thích mà nếu chỉ dựa vào từng ngành thì không thể thực hiện được.

Tiếp cận liên ngành được hiểu là, trên cơ sở từ hai hoặc trên hai ngành hoặc các lĩnh vực chuyên môn riêng biệt có thể tìm ra được hướng triển khai nghiên cứu nhằm xác định các vấn đề nghiên cứu  nằm ngoài ranh giới thông thường và đưa ra được các giải pháp dựa trên những sự hiểu biết mới trong các tình huống phức tạp; tìm cách liên kết, thiết lập những mối quan hệ qua lại, quy định và ảnh hưởng lẫn nhau giữa các phương pháp và quy trình của các chuyên ngành khác nhau; có thể tìm kiếm, khai thác thông tin của các ngành khoa học có liên quan để chứng minh, giải thích, làm sáng tỏ  các sự việc, hiện tượng cần nghiên cứu. Margaret Mead (1931) gọi cách tiếp cận liên ngành là sự hợp tác (co-operation), sự thụ tinh chéo (crossfertilization) [dẫn theo Trịnh Cẩm Lan, 2015].

Một cách cụ thể hơn, liên ngành là sự tham gia của hai hay nhiều ngành (học thuật, khoa học hoặc nghệ thuật); tập trung vào sự tích hợp, so sánh các khái niệm và những hiểu biết khác nhau để thu nhận các tri thức mới. Do đó, nghiên cứu theo hướng liên ngành cần đến sự sáng tạo và tư duy phản biện: phân tích, đánh giá,  xử lí và so sánh đối chiếu thông tin một cách cẩn thận, chân thực.

Thực tế cho thấy, trong xã hội hiện đại, mọi vấn đề của khoa học (cả xã hội, tự nhiên, công nghệ) dường như không thể chỉ giải quyết bằng đơn ngành/ chuyên ngành mà cần sự tham gia của hai hay nhiều ngành. Trong một thế giới luôn vận động, thay đổi, phát triển, các vấn đề trên thế giới thực đều mang tính liên ngành và  đòi hỏi phải có giải pháp liên ngành. Ngôn ngữ là một hiện tượng xã hội, là công cụ giao tiếp quan trọng nhất và là công cụ tư duy của  con người nên ngôn ngữ liên quan đến mọi ngành, mọi lĩnh vực khoa học và tham gia vào mọi hoạt động đó. Ngày nay, ngôn ngữ không chỉ là của con người (ngôn ngữ tự nhiên) mà còn là ngôn ngữ của lập trình (nhân tạo), vì thế, hơn bao giờ hết, nghiên cứu ngôn ngữ không chỉ từ cách tiếp cận chuyên ngành “cho nó và vì nó” (F.de Saussure, 2005) mà cần có cách tiếp cận liên ngành, sử dụng các phương pháp nghiên cứu của các  ngành khoa học khác.

2. Tiếp cận liên ngành trong nghiên cứu ngôn ngữ

2.1. Vấn đề chung

Tiếp cận liên ngành trong nghiên cứu khoa học nói chung, khoa học xã hội và nhân văn nói riêng, trong đó có Ngôn ngữ học là sự tiếp nối, song hành với tiếp cận chuyên ngành. “Tiếp nối” và “song hành” là bởi, khởi thủy của nghiên cứu ngôn ngữ là cách tiếp cận chuyên ngành. Như trên đã nêu, đây là cốt lõi, cơ bản,  làm cơ sở cho tiếp cận liên ngành. Trong nghiên cứu, tùy vào tính vấn đề, nội dung  nghiên cứu, khảo sát mà người nghiên cứu có thể chỉ sử dụng cách tiếp cận chuyên ngành,  hoặc chỉ sử dụng tiếp cận liên ngành hoặc kết hợp cả hai (chuyên ngành và liên ngành).

Tiếp cận liên ngành trong nghiên cứu ngôn ngữ, có thể hiểu là, từ các ngành/ chuyên ngành khoa học có liên quan để hiểu sâu hơn cũng như mới hơn về ngôn ngữ và các yếu tố liên quan. Đây là một xu hướng quan trọng trong ngôn ngữ học hiện đại, vì nó mang lại cái nhìn đa chiều và phong phú hơn về đặc điểm cấu trúc, đặc điểm sử dụng  và sự phát triển của ngôn ngữ trong mối quan hệ với sự phát triển của xã hội (“xã hội” được hiểu với nghĩa rộng của từ này: từ cộng đồng giao tiếp với tư cách là nhóm xã hội đến các cộng đồng lớn như dân tộc, quốc gia, khu vực). Một vài minh chứng:

– Từ cách tiếp cận chuyên ngành của cấu trúc luận (thuần túy ngôn ngữ học), những vấn đề cơ bản, hệ thống, chuyên sâu của ngữ âm, ngữ pháp, từ vựng-ngữ nghĩa mang tính phổ quát của các ngôn ngữ nói chung, tính cụ thể của của từng ngôn ngữ nói riêng (chẳng hạn, tiếng Việt) được chỉ ra. Từ cách tiếp cận liên ngành đã và đang bổ sung, làm mới, sáng rõ các đặc điểm và lí giải các đặc điểm này  một cách có hệ thống, có cơ sở. Ngôn ngữ học có thể tiếp tục khám phá những đặc điểm mới về cấu trúc trong ngôn ngữ  bằng cách mở rộng định hướng  bản thể học trong sự kết hợp với xã hội học, tâm lí học, sinh học, v.v. Đó chính là đưa ngôn ngữ vào trong sử dụng và vận dụng triệt để kết các kiến thức ngôn ngữ đã được nghiên cứu để mở rộng nghiên cứu theo hướng liên ngành. – Chỉ có thể dựa vào lí thuyết của nhân học về sự phân tầng xã hội mới có thể xây dựng được các mô hình giao tiếp ngôn ngữ và lí giải được rằng, sự lựa chọn trong giao tiếp ở các xã hội và bối cảnh xã hội khác nhau là do sự phân tầng xã hội giữa các vai giao tiếp và nhờ các vai giao tiếp mang lại. Chẳng hạn, trong một xã hội mà coi trọng địa vị thì tính giai tầng, tức những khác biệt về uy tín xã hội, của cải xã hội, quyền lực được thể hiện rất rõ trong sử dụng ngôn ngữ mà như cách nói của G. R. Guy: ông chủ ngân hàng không nói năng như người phục vụ ở quán ăn, vị giáo sư nói không giống những người thợ hàn ống nước. Bởi, họ cho thấy những khác biệt xã hội thông qua những đặc thù của âm vị, ngữ pháp, qua cách lựa chọn từ ngữ (giống như sự thể hiện qua cách lựa chọn trang phục, trang sức, các phụ kiện, phương tiện giao thông, ẩm thực, v.v. của mỗi giai tầng xã hội) [G. R.Guy, 1988]. Theo đó, các mô hình giao tiếp được thiết lập và các cá nhân  tham gia giao tiếp sẽ vận dụng chúng vào trong các bối cảnh cụ thể. Chẳng hạn, các nhà ngôn ngữ học phương Tây đã chỉ ra sự phân công rõ ràng trong việc sử dụng ngôn ngữ cao/ biến thể cao (high language/ variation; H) với ngôn ngữ thấp/ biến thể thấp (low language/ variation; L) trong giao tiếp: H dùng trong các bối cảnh giao tiếp mang tính nghi thức, công cộng (hành chính, tôn giáo, giáo dục, phương tiện truyền thông trung ương, v.v.); L dùng trong các bối cảnh giao tiếp không chính thức, riêng tư (thư cá nhân, bạn bè, gia đình, tranh biếm họa, ca dao, dân ca, v.v.).

– Sau những nghiên cứu chung, chỉ ra được các mô hình khái quát về các biểu thức ngôn ngữ của các hành động ngôn từ (speech acts; như: hành động ngôn từ hỏi, hành động ngôn từ cầu khiến, hành động ngôn từ cam kết, hành động ngôn từ thề, v.v.) thì cần phải đi sâu nghiên cứu từng hành động ngôn từ gắn với phân tầng xã hội của các vai giao tiếp cũng như bối cảnh giao tiếp. Ví dụ, làm thế nào để chỉ ra được phát ngôn “Hôm nay sếp phát biểu thật tuyệt vời” thuộc hành động ngôn từ khen hay hành động ngôn từ nịnh nếu chỉ thuần túy dựa vào  cấu trúc bề mặt của ngôn từ này.

– Ngôn ngữ học tri nhận được xây dựng trên cơ sở của nhận thức luận/ tri nhận luận, vì thế, phải dựa vào các tri thức ngoài ngôn ngữ, như của tâm lí học và của các ngành khác như xã hội học, chính trị học, v.v. mới có thể xây dựng và giải thích được các các ẩn dụ ý niệm. Ví dụ, các ẩn dụ về ý niệm: CHÍNH TRỊ LÀ MỘT TRẬN CHIẾN (POLITICS AS A BATTLE), CHÍNH TRỊ LÀ CUỘC HÀNH TRÌNH  (POLITICS AS A JOURNEY), CHÍNH TRỊ LÀ NGƯỜI THỢ XÂY (POLITICIAN AS BUILDER). Với cách giao tiếp gắn với đặc điểm chính trị-xã hội của mỗi quốc gia, dân tộc lại tạo nên các ẩn dụng ý niệm đặc trưng, ví dụ: ở Anh có ẩn dụ ý niệm HOẠT ĐỘNG CHÍNH TRỊ  LÀ CUỘC CHƠI THỂ THAO/ ĐI SĂN, với ý so sánh việc các chính khách ở Anh chấp nhận các rủi ro khi đưa ra các quyết định chính trị cũng giống như chơi cờ bạc; ở Lavia có ẩn dụ ý niệm HOẠT ĐỘNG CHÍNH TRỊ LÀ CUỘC CHƠI ĐỒNG ĐỘI với ý hoạt động chính trị phải có nhóm, có phe [dẫn theo Nguyễn Tiến Dũng, 2019].

–  Critical Discourse Analysis (CDA; Phân tích diễn ngôn phản biện): được coi là mô tả một loạt các cách tiếp cận mà các nhà nghiên cứu có thể phân tích theo cách phản biện đối với các văn bản (texts) và hiện vật văn hóa (cultural artifacts) để khám phá, chỉ ra những hàm ý và những nội dung văn hóa từ các hàm ý này. Theo đó, CDA tập hợp các phương pháp tiếp cận để phân tích văn bản trải rộng trên nhiều lĩnh vực với nhiều tên gọi: phân tích tình cảm (sentiment analysis), phân tích nội dung định tính (qualitative content analysis), phân tích quan điểm hoặc cảm xúc (opinion or emotion analysis), phân tích theo chủ đề (thematic analysis), phân tích tường thuật (narrative analysis), phân tích tâm lí xã hội (psychosocial analysis), phân tích diễn ngôn trực quan (visual discourse analysis), ngôn ngữ học sinh thái (ecolinguistics), v.v. Cơ sở để thực hiện là: ngôn ngữ mà con người sử dụng để giao tiếp, cùng với các tạo tác văn hóa khác (như hình ảnh, phim ảnh, âm nhạc và mạng xã hội, v.v.) có một sức sống vượt xa những biểu hiện đơn giản hoặc nghĩa đen. Ngôn ngữ chứa đựng những giá trị văn hóa chuẩn mực, cấu trúc quyền lực, thành kiến ​​và tính chủ quan. Mục tiêu của CDA là làm bộc lộ các cấu trúc quyền lực ngầm và trình bày chi tiết về vai trò của diễn ngôn trong việc phản ánh và xây dựng hiện thực xã hội. CDA dựa trên tiền đề: ngôn ngữ có thể phản ánh các quan điểm và thực tiễn văn hóa, chính trị, giới, tuổi, địa vị,…chi phối dù có ý thức hay vô thức; chỉ định cách mọi người sử dụng văn bản để xây dựng ý thức về bản thân, xã hội và thực tế vật chất. [Heidi Scott, Sesync, 2023]. – Cách tiếp cận liên ngành với việc sử dụng các phương pháp, thủ pháp  nghiên cứu và các kĩ thuật xử lí từ các ngành liên quan có thể được áp dụng và thích nghi trong nghiên cứu ngôn ngữ, giúp nâng cao hiểu biết và tiếp cận toàn diện hơn về sự phát triển và sử dụng ngôn ngữ. Chẳng hạn:

Áp dụng các phương pháp khoa học máy tính để nghiên cứu xử lí ngôn ngữ tự nhiên (NLP), dịch máy và phân tích ngôn ngữ tự động (ngôn ngữ học với khoa học máy tính). Một trong những đóng góp quan trọng của hướng nghiên cứu này là nghiên cứu mạng từ. “Mạng từ là một sản phẩm liên ngành của ngôn ngữ học, tâm lí học và khoa học máy tính” [ Phạm Văn Lam, 2014];  Phân tích ngôn ngữ trong văn học để hiểu sâu hơn về cách mà ngôn ngữ được sử dụng để biểu đạt ý nghĩa và xây dựng thế giới hư cấu (ngôn ngữ học và văn học); Nghiên cứu cách mà ngôn ngữ ảnh hưởng đến suy nghĩ và hành vi của con người (ngôn ngữ học học và tâm lí học, xã hội học); Nghiên cứu cách mà ngôn ngữ được sử dụng trong giáo dục và phát triển ngôn ngữ của trẻ em (ngôn ngữ học và giáo dục học, tâm lí học); Nghiên cứu ngôn ngữ của các bệnh nhân và sự tương tác ngôn ngữ trong bối cảnh chăm sóc sức khỏe (ngôn ngữ học và y học); v.v.

2.2. Trường hợp: Tiếp cận liên ngành, chuyên ngành trong Ngôn ngữ học xã hội

1) Thuật  ngữ/ tên gọi:

Thuật ngữ “ngôn ngữ học xã hội” (sociolinguistics) gồm hai thành tố là socio (xã hội) và linguistics (ngôn ngữ học).  Socio là viết tắt của Sociology, theo đó, Ngôn ngữ học xã hội, một cách khái quát là nghiên cứu mối quan hệ giữa ngôn ngữ và xã hội. Mô hình tổng quát là:

NẾU X THAY ĐỔI THÌ Y RA SAO

Trường hợp X là xã hội, Y là ngôn ngữ: Nếu xã hội thay đổi thì có tác động vào ngôn ngữ hay không và, nếu tác động thì sẽ tác động như thế nào? (có thể coi đây là chức năng phản ánh của ngôn ngữ).

Trường hợp X là ngôn ngữ, Y là xã hội: Nếu ngôn ngữ thay đổi thì có tác động vào xã hội hay không và, nếu tác động thì sẽ tác động như thế nào? (có thể coi đây chức năng tác động vào nhận thức của ngôn ngữ). Một cách cụ thể hơn, ngôn ngữ học xã hội nghiên cứu sự tác động qua lại và biến đổi ngay trong cộng đồng giao tiếp với ba yếu tố là: đặc điểm của các biến thể, đặc điểm về chức năng của các biến thể và đặc điểm của người sử dụng, nhằm xác định: Ai nói? Nói bằng biến thể gì? Nói về vấn đề/ nội dung gì và Nói với ai [J.A Fishman, 1971, tr.68]. Thậm chí, Todorov (1972) còn cho rằng, ngôn ngữ học xã hội nghiên cứu mối quan hệ giữa hoạt động ngôn ngữ và xã hội hoặc nền văn hóa hoặc tập tính của con người, nên nó không chỉ liên quan đến xã hội học mà còn liên quan đến nhân chủng học/ nhân học/ nhân loại học (anthropology), dân tộc học (ethnology), v.v.

2) Ngôn ngữ học xã hội ra đời gắn với bối cảnh xã hội- ngôn ngữ:

Về xã hội, có một số đặc điểm đáng chú ý:

– Ngôn ngữ là một tiêu chí quan trọng để hình thành và xác định tộc người/ dân tộc. Vì thế, ngôn ngữ gắn bó với tộc người/dân tộc: vừa là công cụ vừa là văn hóa, linh hồn của dân tộc. Ở các quốc gia đa dân tộc, việc phân bố chức năng cho các ngôn ngữ trong đó việc xác định ngôn ngữ  quốc gia  là công việc cực kì quan trọng, trở thành một trong những quốc gia đại sự. Một chính sách ngôn ngữ-dân tộc phù hợp sẽ góp phần vào duy trì, củng cố nền độc lập, thống nhất của quốc gia, đẩy mạnh việc phát triển kinh tế, củng cố chính quyền cũng như sự đoàn kết thống nhất giữa các dân tộc hay trong nội bộ một dân tộc. Nếu không, sẽ ngược lại, vì nhiều khi  ngôn ngữ chỉ là cái cớ để thổi bùng các ngọn lửa chính trị. Đây chính là lí do giải thích vì sao, sau Đại chiến thế giới thứ hai, một loạt các quốc gia thuộc châu Á, châu Phi khi giành được độc lập đã đặc biệt quan tâm đến vấn đề ngôn ngữ: trước hết là xác định ngôn ngữ quốc gia và sau đó là xác định sự phân bố về vị thế, chức năng của ngôn ngữ quốc gia trong mối quan hệ với vị thế, chức năng của của các ngôn ngữ khác trong quốc gia.

– Sự khủng hoảng kinh tế xã hội của các nước công nghiệp hóa: nạn thất nghiệp và sự bần cùng hóa (và cả tái bần cùng hóa); sự thiệt thòi của tầng lớp nhập cư không thể hội nhập vào xã hội do chính sách đơn ngữ trong hành chính giáo dục, ví dụ, chính sách chỉ sử dụng tiếng Anh (English-only) ở Mỹ vào những năm trước 1965; khuynh hướng dân tộc chủ nghĩa cực đoan gắn với bài ngoại; sự phân hóa xã hội với sự bùng nổ các giai tầng xã hội; sự tự khẳng định của các tộc người/ dân tộc thiểu số; sự xuất hiện ồ ạt của các hội đoàn, v.v. Từ đó đặt ra các vấn đề liên quan đến ngôn ngữ như: ngôn ngữ và trường học, diễn ngôn chính trị, sự tha hóa ngôn ngữ, chính sách ngôn ngữ cho các dân tộc thiểu số, v.v.

Về ngôn ngữ:

Sự bất lực của ngôn ngữ học truyền thống, ngôn ngữ học cấu trúc trong việc giải quyết các vấn đề ngôn ngữ do cuộc sống đặt ra. Trước tình hình đó, các nhà nhân học/ nhân chủng học, ngôn ngữ học, tâm lí học như Dell Hymes (1962), William Labov, John Gumperz (1962), Ervin-Tripp, Charles Albert Ferguson, v.v. đã nghiên cứu, khảo sát, tìm giải pháp cho các vấn đề xã hội trực tiếp liên quan đến việc sử dụng ngôn ngữ. Chẳng hạn:

J. Gumperz đã cùng với các nhà xã hội học tiến hành khảo sát các vùng ở dải phía bắc Ấn Độ. Sau hai năm, tác giả đã công bố một số bài viết xung quanh vấn đề sự phân tầng xã hội được thể hiện ở ngôn ngữ; đi sâu vào phân tích những đối thoại đời thường và qua đó tìm cách kết nối khía cạnh sử dụng ngôn ngữ với các biến đổi xã hội. Bằng các tư liệu điều tra thực tế, tác giả đã phân tích, đánh giá và chỉ ra mối quan hệ có tính quy luật giữa sự vận dụng ngôn ngữ với quy tắc hành vi xã hội và cấu trúc xã hội.

C. Ferguson đã tiến hành khảo sát về tình hình dạy-học ngôn ngữ thứ hai với tư cách là một ngoại ngữ ở các nước thuộc châu Á, châu Phi và châu Mỹ La tinh; khảo sát việc sử dụng và giáo dục ngôn ngữ ở một số quốc gia  Đông Phi. Hai tác giả C. Ferguson  và J. Gumperz đã công bố một tài liệu trình bày về tính đa dạng trong ngôn ngữ ở Nam Á (như sự biến đổi, chức năng xã hội của các ngôn ngữ ở các địa bàn này).

J. Fishman đã tiến hành điều tra ngôn ngữ của các di dân từ các nước, các dân tộc khác nhau đến Mỹ. Tác giả đã đưa ra cảnh báo về tình hình ngôn ngữ ở Mỹ vào những năm đầu 60 là, khi một cộng đồng dân tộc thiểu số có số lượng dân lớn mà không được khuyến khích biểu đạt, duy trì, phát triển bằng ngôn ngữ văn hóa của họ thì nền chính trị và cơ tầng văn hoá của nhà nước Mỹ sẽ bị suy yếu. Tác phẩm “Sự trung thành ngôn ngữ ở nước Mỹ” của tác giả đã trở thành một văn kiện tham khảo trong kì họp quốc hội Mỹ. Nhờ đó, hơn 10 đề cương về giáo dục song ngữ đã được ra đời và chính sách song ngữ/ đa ngữ đã thay thế chính sách đơn ngữ “tiếng Anh duy nhất” (English-Only). Cũng từ đó, giáo dục song ngữ/ đa ngữ trở thành một trong những nội dung quan trọng của ngôn ngữ học xã hội.

W.Labov đã dành nhiều tâm trí nghiên cứu nguyên nhân của sự thất bại ở trường học của trẻ em da đen.

D. Hymes không chỉ quan tâm đến công cụ ngôn ngữ và các cộng đồng ngôn ngữ, mà còn chú ý đến cá nhân và cấu trúc xã hội.

Những nhân tố xã hội-ngôn ngữ đó là cơ sở để hình thành Ngôn ngữ học xã hội và tên gọi Sociolinguistics được chính thức hóa vào năm 1964; ở Việt Nam lúc đầu gọi là “Xã hội-ngôn ngữ học/ Xã hội ngôn ngữ học” (Hoàng Tuệ, 2001), sau đó được chính thức hóa là “Ngôn ngữ học xã hội”.

3) Tính liên ngành, liên chuyên ngành của Ngôn ngữ học xã hội

 Ngôn ngữ học xã hội, tự thân tên gọi đã mang đến cho nó  mục đích và nội dung nghiên cứu rộng lớn và cởi mở. Vì trọng tâm của Ngôn ngữ học xã hội là nghiên cứu “biến thể” (variation/variety), tức là ngôn ngữ trong sử dụng, vì thế, W.Labov có lí khi gọi Ngôn ngữ học xã hội là ngôn ngữ học của thực tế xã hội (a socially realistic linguistics), Ngôn ngữ học xã hội biến thể (variational sociolinguistics) và nhấn mạnh rằng, ngữ liệu nghiên cứu của Ngôn ngữ học xã hội  phải là ngôn ngữ đời sống thực tế; P. Trudgill gọi Ngôn ngữ học xã hội là cách mà ngôn ngữ học hành động (a  way of doing linguistics).

Dưới đây là một số hướng nghiên cứu của ngôn ngữ học xã hội theo cách tiếp cận liên ngành và liên chuyên ngành:

Ngôn ngữ học xã hội vĩ mô (Macro-Sociolinguistics)

Cách gọi khác: Ngôn ngữ học xã hội của xã hội  (sociolinguistics of  Society), Ngôn ngữ học xã hội của xã hội học (Sociolinguistics of Sociology), Xã hội học ngôn ngữ  (Sociology of Language).

 – Tập trung nghiên cứu tác dụng tương hỗ một cách toàn diện giữa ngôn ngữ và xã hội. Ví dụ, ngôn ngữ đóng vai trò như thế nào trong một giai đoạn nhất định, chẳng hạn, ngôn ngữ thúc đẩy hoặc cản trở sự trao đổi tin tức và sự phát triển của xã hội ra sao.

– Lấy bản thân xã hội làm xuất phát điểm nghiên cứu, coi ngôn ngữ là vấn đề xã hội hoặc tư liệu xã hội-một nhân tố quan trọng để nghiên cứu sự cấu thành tổ chức xã hội, Ngôn ngữ học xã hội của xã hội nghiên cứu các vấn đề thực tế ngôn ngữ dưới tác động của bối cảnh xã hội: Nghiên cứu các vấn đề ngôn ngữ và tình hình sử dụng ngôn ngữ ở một quốc gia hay cả một khu vực; nghiên cứu mối quan hệ và tác dụng tương hỗ giữa ngôn ngữ với sự phát triển của xã hội. Nhiệm vụ chủ yếu của nó là giải quyết những vấn đề có liên quan đến ngôn ngữ mà xã hội đang có yêu cầu, như: ngôn ngữ và dân tộc, chính sách ngôn ngữ, kế hoạch hoá ngôn ngữ, lập pháp ngôn ngữ, di dân với việc giữ gìn tiếng mẹ đẻ, v.v.;  việc xác lập ngôn ngữ chính thức, phát triển ngôn ngữ chung giữa các dân tộc, tiến hành chuẩn hoá, hiện đại hoá ngôn ngữ và văn tự. Trong đó, có một số nội dung rất được quan tâm là: Hiện tượng đa ngữ xã hội (Societal Multilingualism); Song/ đa thể ngữ (Diglossia/ Multiglossia); Thái độ ngôn ngữ (Language Attitudes); Kế hoạch hoá và chuẩn hoá ngôn ngữ (Language Planning and Standardization); Giáo dục bản ngữ (Venacular Language Education); Sự lựa chọn ngôn ngữ (Language Choice); Sự duy trì và chuyển đổi ngôn ngữ (Language Maintenance and Shift); Ngôn ngữ di sản/ cội nguồn (heritage language), v.v. Kết quả nghiên cứu thường được thể hiện trong các quyết sách về ngôn ngữ.

 – Về phương pháp nghiên cứu, cùng với cách tiếp cận liên ngành, định tính, chú trọng thu thập số liệu, phân tích định lượng, Ngôn ngữ học xã hội của xã hội cũng chú ý đến tính hệ thống và tính nghiêm ngặt của luận chứng; chú trọng sự can thiệp, tác động của con người vào việc sử dụng ngôn ngữ.

Ngôn ngữ học vi mô (Micro-Socolinguistics)

Cách gọi khác: Ngôn ngữ học xã hội của ngôn ngữ (Socolinguistics of Language), Ngôn ngữ học xã hội của ngôn ngữ học (Sociolinguistics of Linguistics).

Lấy ngôn ngữ làm xuất phát điểm nghiên cứu; coi các lực lượng xã hội là nhân tố cơ bản ảnh hưởng đến cấu trúc của ngôn ngữ và thông qua đó bộc lộ bản chất của ngôn ngữ; nghiên cứu ngôn ngữ trong giao tiếp, xem xét các mối quan hệ và tác dụng giữa đặc trưng xã hội, tâm lí của người nói với lời nói, v.v.

Đối tượng nghiên cứu của ngôn ngữ xã hội của ngôn ngữ là lời nói mà người ta sử dụng trong đời sống hàng ngày, trong đó, vấn đề trọng tâm là sự biến đổi ngôn ngữ; thông qua mối quan hệ giữa các nhân tố xã hội với các nhân tố ngôn ngữ  để đi tìm nguyên nhân biến đổi ngôn ngữ và các chế độ xã hội cho việc mở rộng biến thể. Các vấn đề/ nội dung nghiên cứu cụ thể, như: Dân tộc học giao tiếp (The Ethnography of Communication); Cộng đồng giao tiếp (Speech Communites); Biến thể ngôn ngữ (Linguistic variation); Sự biến đổi của ngôn ngữ (Language change); Ngôn ngữ và văn hoá (Language and Culture); Ngôn ngữ và sự phân tầng xã hội (Language and stratification), như: giới, tuổi, địa vị xã hội, thu nhập, giáo dục, tôn giáo, v.v.; Ngôn ngữ và sự phản trắc (Language and Disadvantage); Những ứng dụng của ngôn ngữ học xã hội (Some Applycations of the Sociolinguistics); v.v.

Ngôn ngữ học xã hội của dân tộc học (Sociolinguistics of Ethnogrhaphy)

 Xuất phát từ góc độ văn hoá dân tộc để khảo sát tình hình sử dụng ngôn ngữ và tác dụng của ngôn ngữ trong hoạt động giao tiếp của con người. Ngôn ngữ học xã hội của dân tộc học chú trọng nghiên cứu phương thức, đặc điểm và phạm vi của giao tiếp; sử dụng phương pháp phân tích định tính, lấy các sự kiện điển hình để phân tích miêu tả. Các nhà ngôn ngữ học phương Tây sử dụng khái niệm Dân tộc học giao tiếp (Ethnography 0f Communication) nhằm hướng tới các nhân tố về mặt tập tục văn hoá có liên quan đến giao tiếp ngôn ngữ, tức các nhân tố chi phối của hoàn cảnh và văn hoá ẩn đằng sau ngôn từ của con người. Theo D. Hymes, giao tiếp trong xã hội có khuynh hướng được phân loại theo sự kiện (events). Sự kiện giao tiếp (Speech events) là đơn vị miêu tả cơ bản trong nghiên cứu giao tiếp ngôn ngữ, gồm 8 thành tố được viết tắt bằng 8 chữ cái của từ S.P.E.A.K.I.N.G: 1.S (Setting and Scence:chu cảnh/ thoại trường); 2.P (Participants: người tham gia giao tiếp/ vai giao tiếp); 3.E (End: mục đích giao tiếp); 4.A (Acts sequence: chuỗi hành vi/ hành động); 5.K (Key: phương thức giao tiếp).6.I (Instrumentalities:phương tiện/ công cụ giao tiếp); 7.N (Norm of interraction and interpretation: chuẩn tương tác và chuẩn giải thích trong giao tiếp); 8.G (Genres: thể loại giao tiếp).

Coi giao tiếp ngôn ngữ là một quá trình tương tác, trong quá trình này, sự vận dụng của ngôn ngữ với các yếu tố xã hội, văn hoá dân tộc không ngừng hỗ trợ nhau. Được xây dựng trên cơ sở năng lực giao tiếp của con người, Ngôn ngữ học xã hội của dân tộc học hướng tới đích cuối cùng là xây dựng khoa học giao tiếp nhân loại mang tính tổng hợp.

Ngôn ngữ học xã hội của tâm lí học xã hội (Sociolinguistics of Social psychology)

Trọng tâm của hướng nghiên cứu này là sự bình giá và thái độ của toàn xã hội hay một nhóm xã hội đối với một loại biến thể ngôn ngữ nào đó. Nghiên cứu thái độ là một phần quan trọng của ngôn ngữ học xã hội. Vì giá trị xã hội của tất cả các biến thể ngôn ngữ đều bắt nguồn từ cộng đồng giao tiếp có liên quan đến lập trường thái độ và chính sách đang được duy trì. Việc mở rộng hay thu hẹp phạm vi sử dụng của một biến thể có quan hệ mật thiết tới việc sử dụng. Hướng nghiên cứu này hiện đang được tiến hành rộng rãi. Ví dụ, H. Giles cùng các nhà tâm lí học xã hội đã nhấn mạnh, hành vi ngôn ngữ của con người chịu sự ràng buộc của động cơ, cá tính của người nói cũng như mức độ lí giải phạm vi hành vi. Khi nghiên cứu hiện tượng biến đổi của ngôn ngữ, cần phải xem xét cơ chế tâm lí. Giles đã đưa ra lí thuyết thích nghi ngôn từ của người giao tiếp. Nội dung chủ yếu của lí thuyết này là, con người trong quá trình giao tiếp, luôn mong muốn hoặc là làm vui lòng đối tượng giao tiếp (hội tụ) hoặc là làm cho đối tượng giao tiếp phải khó chịu (phân li). Tâm lí tìm đến sự gần gũi hoặc là xa rời với người đối thoại (khoảng cách; D) là nhân tố để hình thành nên phong cách giao tiếp khác nhau.

Ngôn ngữ học xã hội của ngữ dụng học (Sociolinguistics of pragmatics)

 Đối tượng nghiên cứu chủ yếu là hội thoại và cho rằng, trong hội thoại hàng ngày có tồn tại các quy tắc tự nhiên chi phối các cuộc thoại. Trong khi tiến hành nghiên cứu hội thoại, có tác giả chú trọng tới những nguyên tắc chung về hội thoại, có tác giả quan tâm đến vấn đề chiến lược hội thoại, có tác giả lại chú trọng nghiên cứu cấu trúc hội thoại hoặc phong cách của hội thoại. Ví dụ, P. Brown và S. Levinson chú trọng đi sâu phân tích tầng bậc của phương pháp biểu đạt hội thoại và chỉ ra rằng, người giao tiếp trong các xã hội khác nhau tồn tại một đặc điểm riêng rất rõ về chiến lược biểu đạt lịch sự. Một số tác giả khác như H.Sacks, I. Schegloff, G. Jefferson chú trọng tới nguồn tham dự hội thoại để phân tích quy tắc cấu tạo của hội thoại. Qua phân tích tư liệu ngôn từ hội thoại bằng ghi âm, các tác giả đã phát hiện ra một số mô thức giao tiếp lặp đi lặp lại như lượt lời, cặp thoại, v.v. Có tác giả đã gọi phương pháp nghiên cứu này là phương pháp nhân chủng học – phương pháp luận dân tộc học trong nghiên cứu hội thoại (phương pháp luận hội thoại dân tộc). Các nhà phân tích hội thoại nhấn mạnh rằng, phát ngôn là ngữ liệu thích hợp cho việc nghiên cứu quy tắc hành vi ngôn ngữ và cấu trúc văn hoá, xã hội. Từ đây có thể tìm thấy được mối quan hệ tương hỗ giữa sự vận dụng ngôn ngữ với các nhân tố văn hoá. Ngôn ngữ học xã hội mô tả các nguồn ngôn ngữ có sẵn trong các cộng đồng giao tiếp và đưa ra cách giải thích có hệ thống về cách các biến xã hội ảnh hưởng đến sự lựa chọn ngôn ngữ trong số các nguồn đó. Trong khi đó, Ngữ dụng học giải thích cách các cá nhân sử dụng các nguồn ngôn ngữ để tạo ra và giải thích ý nghĩa trong sự tương tác và đôi khi để thay đổi các mối quan hệ. Vì thế giữa ngôn ngữ học xã hội và ngữ dụng học có những chỗ giao nhau/ chồng lấn.

Ngôn ngữ học xã hội và Ngôn ngữ học tri nhận: Ngôn ngữ học xã hội tri nhận (cognitive sociolinguistics)

Ngôn ngữ học xã hội học tri nhận quan tâm đến các vấn đề mà ngôn ngữ học tri nhận và ngôn ngữ học xã hội cùng quan tâm, như: ngôn ngữ học (linguistics), tâm lí học tri nhận/ nhận thức (cognitive psychology), nhân chủng học (anthropology), xã hội học (sociology). Đây được coi là một hướng nghiên cứu mới nổi; là sự kết hợp các lí thuyết và phương pháp được sử dụng trong ngôn ngữ học tri nhận và ngôn ngữ học xã hội để nghiên cứu về biến thể ngôn ngữ (language variation). Ngôn ngữ học xã hội tri nhận lí giải ý nghĩa xã hội được truyền tải và thay đổi theo khung mô hình tinh thần (a mental model framework)*.

3. Vấn đề “Ngôn ngữ học liên ngành”: có hay không?

Một cách chung nhất, ngôn ngữ học hiện phân thành ngôn ngữ học học lí thuyết (Theoretical/ General Linguistics) và ngôn ngữ học ứng dụng (Applied Linguistics). Bên cạnh đó, ngôn ngữ học còn đưa ra lĩnh vực liên ngành (Interdisciplinary fields) trong nghiên cứu ngôn ngữ, như: Ngôn ngữ học nhân chủng/ Ngôn ngữ học nhân học/ Nhân học ngôn ngữ (Anthropological linguistics),

Ngôn ngữ học bệnh học (Clinical linguistics), 
Ngôn ngữ học máy tính (Computational linguistics),
Ngôn ngữ học toán học (Mathematical linguistics), 
Ngôn ngữ học thần kinh (Neurolinguistics),
Ngôn ngữ học dân tộc (Ethnolinguistics),
Ngôn ngữ học tâm lí (Psycholinguistics),
Ngôn ngữ học tri nhận (Cognitive linguistics),
Ngôn ngữ học xã hội (Sociolinguistics);
Ngôn ngữ học chính trị ( Political linguistics),
Ngôn ngữ học sinh học (Biographies  Linguistic),
Ngôn ngữ học sinh thái (Ecolinguistics),
Ngôn ngữ học văn hóa (Culturallinguistics),
v.v.

Như vậy, có thể thấy, tiếp cận liên ngành trong nghiên cứu ngôn ngữ:

 Là lĩnh vực nghiên cứu trong ngôn ngữ học, có sự kết hợp ngôn ngữ học với các ngành khoa học khác; nhằm nghiên cứu, khai thác để hiểu sâu hơn về ngôn ngữ và các hiện tượng liên quan đến chúng

– Phương pháp tiếp cận đa phương diện: kết hợp các ngành khoa học xã hội, nhân văn, khoa học tự nhiên và công nghệ để nghiên cứu và giải thích ngôn ngữ.

Nghiên cứu ngôn ngữ ngày nay không chỉ là đặt trong mối quan hệ giữa ngôn ngữ học với các ngành khoa học khác mà còn đặt trong mối quan giữa các chuyên ngành của ngôn ngữ học, đó là sự chồng lấn/ giao nhau giữa các ngành khoa học và chính trong nội bộ của ngành ngôn ngữ học (các phân ngành của ngôn ngữ học). Có thể lấy các lĩnh vực nghiên cứu của Ngôn ngữ học ứng dụng làm ví dụ: Trong Bách khoa toàn thư về Ngôn ngữ học ứng dụng (theEncyclopedia of Applied Linguistics) của Wiley  Chapelle đã liệt kê 28 lĩnh vực  của Ngôn ngữ học ứng dụng:

1/Phân tích diễn ngôn và tương tác (Analysis of Discourse and Interaction); 2/Đánh giá và kiểm tra (Assessment and Testing); 3/Giáo dục song ngữ và đa ngữ (Bilingual and Multilingual Education); 4/Song ngữ và đa ngữ (Bilingualism and Multilingualism); 5/Tiếp thu/ thụ đắc ngôn ngữ thứ hai (theo hướng) tri nhận (Cognitive Second Language Acquisition); 6/Phân tích hội thoại (Conversation Analysis); 7/Ngôn ngữ học khối liệu (Corpus Linguistics); 8/Phân tích diễn ngôn phản biện (Critical Discourse Analysis); 9/Văn hóa và bối cảnh/ ngữ cảnh (Culture and Context); 10/Diễn ngôn (Discourse); 11/Ngôn ngữ học pháp đình/ tòa án (Forensic Linguistics); 12/Ngữ pháp (Grammar); 13/Tư tưởng ngôn ngữ (Language Ideology); 14/Học và dạy ngôn ngữ (Language Learning and Teaching); 15/Biographies Linguistic (Ngôn ngữ học sinh học); 16/Chính sách và kế hoạch hóa ngôn ngữ/ Quy hoạch ngôn ngữ (Language Policy and Planning); 17/Ngôn ngữ chuyên ngành (Language for Specific Purposes); 18/Lexis (Từ vựng); 19/Văn tự/ chữ viết (Literacy); 20/Truyền thông đa phương tiện (Multimodal Communication); 21/Ngữ âm và Âm vị học (Phonetics and Phonology); 22/Ngữ dụng học (Pragmatics); 23/Phương pháp định tính (Qualitative Methods); 24/Phương pháp định lượng và phương pháp hỗn hợp (Quantitative and Mixed Methods); 25/Các tiếp cận lí thuyết xã hội, năng động và phức tạp đối với việc phát triển ngôn ngữ thứ hai (Social, Dynamic, and Complexity Theory Approaches to Second Language Development); 26/Công nghệ và ngôn ngữ (Technology and Language); 27/Biên dịch và phiên dịch/ dịch viết và dịch nói (Translation and Interpreting); 28/Các loại tiếng Anh (trên) thế giới (World Englishes).

Thứ nữa, ngôn ngữ tham gia vào mọi hoạt động của đời sống con người nên nghiên cứu ngôn ngữ ở  các quốc gia không thể như nhau bởi chúng chịu tác động của các nhân tố như: tình hình chính trị-xã hội của mỗi quốc gia, tình hình ngôn ngữ của mỗi quốc gia, văn hóa và truyền thống văn hóa của mỗi quốc gia, khoa học và truyền thống khoa học của mỗi quốc gia, v.v. Thiết nghĩ, việc sử dụng thuật ngữ “Ngôn ngữ học liên ngành” (Interdisciplinary Linguistics) cần được cân nhắc thận trọng và cần đặt nó trong cách nhìn nhận của các lĩnh vực nghiên cứu thuộc khoa học xã hội, khoa học nhân văn, khoa học tự nhiên, khoa học công nghệ.

4. Kết luận Ngôn ngữ là của riêng loài người, tồn tại và phát triển trong xã hội loài người. Theo đó, ngôn ngữ không chỉ là mối quan tâm của ngôn ngữ học mà đang trở thành trung tâm của mọi ngành khoa học, từ khoa học xã hội, nhân văn đến khoa học tự nhiên, công nghệ. Vì thế, nghiên cứu ngôn ngữ ngày nay không chỉ dừng lại ở cách tiếp cận chuyên ngành (ngôn ngữ học) mà phải cần đến cách tiếp cận liên ngành; không chỉ với các ngành “truyền thống” như: chính trị học, xã hội học, tâm lí học, dân tộc học, v.v. mà với cả hàng loạt các ngành khoa học khác như: nhân học, y học, khoa học máy tính, sinh thái học, giáo dục học hiện đại, v.v. Không chỉ tiếp cận liên ngành, với sự hình thành, phát triển các phân ngành theo hướng chuyên sâu và cởi mở, ngôn ngữ học cần cả đến sự tiếp cận liên phân ngành/ liên chuyên ngành (ví dụ: ngôn ngữ học cấu trúc – ngôn ngữ học hậu cấu trúc; ngôn ngữ học lí thuyết – ngôn ngữ học ứng dụng; ngôn ngữ học xã hội – ngôn ngữ học tri nhận – ngôn ngữ học ứng dụng, ngôn ngữ học tâm lí – ngôn ngữ học tính toán; v.v.).

Nhân kỉ niệm 60 năm ra đời thuật ngữ “Sociolinguistics” (1964) và 40 năm thành lập Phòng Ngôn ngữ học xã hội (1984), Viện Ngôn ngữ học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.

Chú thích:
*Mô hình tinh thần (Mental model), hiểu một cách khái quát là, những cách thức suy nghĩ tác động lên hành vi và quyết định của con người. Mô hình tinh thần dựa trên: (1) suy nghĩ bản năng; (2) kinh nghiệm hình thành từ trải nghiệm nhất định trong quá khứ; (3) sự tương tác “nguyên thủy” với mọi thứ quen thộc trong cuộc sống hàng ngày. [https://www.linkedin.com/pulse/mental-model-staylab].

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Tiếng Việt

  1. F.de Saussure (2005),  Ngôn ngữ học đại cương (Cao Xuân Hạo dịch). Nxb Khoa học xã hội.

  2. Nguyễn Văn Khang:
– (2003) Kế hoạch hóa ngôn ngữ-Ngôn ngữ học xã hội vĩ mô. Nxb.Khoa học xã hội.
– (2012) Ngôn ngữ học xã hội. Nxb Giáo dục Việt Nam.
– (2014) Chính sách ngôn ngữ và lập pháp ngôn ngữ ở Việt Nam. Nxb. Khoa học xã hội.
– (2019) Ngôn ngữ mạng- Biến  thể ngôn ngữ trên mạng  tiếng Việt. Nxb. ĐHQG HN, 2019.
– (2022) Những vấn đề của Ngôn ngữ học ứng dụng. Tạp chíNgôn ngữ và Đời sống” số 5, tr.5-14.
– (2023) Ngôn ngữ sử dụng ở vùng dân tộc thiểu số Việt Nam. Nxb Giáo dục Việt Nam.
– (2024) Ngôn ngữ trong đời sống xã hội trong “Giáo sư Hoàng tuệ: Ngôn ngữ trong đời sống xã hội”. Nxb Dân trí, 2024, tr.257-266.

3. Nguyễn Tiến Dũng (2019), Ẩn dụ ý niệm trong các diễn ngôn chính trị (trên tư liệu tiếng Anh và tiếng Việt), Luận án tiến sĩ Ngôn ngữ học. (Cơ sở đào tạo:  Học viện Khoa học xã hội).

4. Hoàng Tuệ (2001), Tuyển tập Ngôn ngữ học. Nxb Đại học quốc gia TP.HCM.

5. Phạm Văn Lam và các cộng sự (2014), Tổng quan về Mạng tiếng Việt, Tạp chí Từ điển học & Bách khoa thư, số 7.

6. Trịnh Cẩm Lan, Liên ngành trong nghiên cứu khu vực, 2015, http:// repository.vnu.edu.vn/bitstream

Tiếng Anh

7. Klein, Julie Thompson (1990), Interdisciplinarity: History, Theory, and Practice. Detroit: Wayne State University.

8. Revista Amazonia Investiga    2024-03-30. Journal article Interdisciplinarity.https://en.wikipedia.org/wiki/Interdisciplinarity.

9. Podesva R. J., & Sharma  D. (2013), Research Methods in Linguistics. Cambridge University Press. Inter, Multi, Cross, Trans, & Intra-disciplinary: What is the difference and why is it important? https://www.archpsych.co.uk/post/disciplinarities-definitions

10. Guy Gregory R (1988), Language and social class- Linguistics: The Cambridge Survey.

11. Fishman J.A (1971), Sociolinguistics: A Brief Introduction, Newbury House.

12. John J. Gumperz (1971),  Language in Social Groups. Stanford Univ Press; First Edition (December 1, 1971).

13. Labov W (1973), Sociolinguistic Patterns University of Pennsylvania Press, 1973-344.

14. Labov W (2006), The Social Stratification of English in New York City (2nd ed.). Cambridge: Cambridge  University Press.

15. Hymes D.(1962), The Ethnography of speaking. Journal  of Folklore Research 50 91-3) 79-116.

16. Ervin-Tripp, S. M. and A. Dill (1973), Language Acquisition And  Communicative Choice: Essays. Stanford University Press. 

17. Ferguson C. A. (1996), Sociolinguistic perspectives.  Oxford university press.

18. Giles H (1997), Accommodation Theory, in: Sociolinguistics (pp.232-239).

19. Brown. P., & Levinson. S. C.(1987), Politeness: Some universals in language usage, Cambridge University Press, Cambridge.

20. Emanuel A. Schegloff (2006), Sequence organization in interaction: A primer in conversation analysis. Cambridge: Cambridge University Press

21. Gail Jefferson (1972), Studies in social interaction (pp. 294–338). New York: Free Press. De Gruyter Mouton,  Interdisciplinary Linguistics [INTLING]
https://www.degruyter.com/serial/intling-b/htmlPublished.

22. Jakobson, R (2008), Linguistics in its relation to other sciences. In Main trends of research in the  social and human sciences. Cambridge University Press.

23. Marcus, S (1975),  Linguistics as a pilot science, In Current trends in linguistics. The Hague: Mouton: 2871-2887.

24. Gitte Kristiansen and Rene Dirven, ed. (2008), Cognitive sociolinguistics: Language variation, cultural models, social systems.
https://www.uwinnipeg.ca/factsheets/docs/factsheet-interdisc-linguistics.

25. Gumperz, John J (1982), Discourse Strategies. Cambridge: Cambridge University Press.

26. Chapelle C.A. (2012), Encyclopedia of Applied Linguistics Oxford, UK: Wiley-Blackwell.

27. Viet Quoc Hoang-Khang Nguyen Van, Revisiting Applied Linguistics and Language Education in the Digital Era: Scope and Future Directions.In: Applied Linguistics and Language Education Research Methods: Fundamentals and Innovations. Copyright: © 2024 | ISBN13: 9798369326039|ISBN13 Softcover: 9798369350485|EISBN13: 9798369326046DOI: 10.4018/979-8-3693-2603-9.ch014. P.228-243.

Interdisciplinary approach in Linguistics

Abstract: Language is unique to humanity, exists and develops in human society. Accordingly, language participates in all activities of human life. Therefore, language is not only the concern of linguistics but is the concern of all scientific disciplines, from social sciences and humanities to natural sciences and technological sciences. Nowadays language research does not stop at a specialized approach (linguistics) but requires an interdisciplinary approach; not only with “traditional” disciplines such as politics, sociology, psychology, ethnology, etc. but also with other scientific disciplines such as anthropology, medicine, computer science, ecology, modern education, etc. Language is closely related to the life of each ethnic group and each country, therefore, language research in different countries cannot be the same because they are affected by factors such as: the socio-political situation of each country. country, each country’s linguistic situation, each country’s culture and cultural traditions, each country’s science and scientific traditions, etc.

Key words: language; linguistics; social science; humanities; natural science; science and technology; specialized approach; interdisciplinary approach; “interdisciplinary linguistics”.

(Bài đã đăng trên Tạp chí Ngôn ngữ và đời sống số 9(358)-2024, tr.5-16)