Tìm hiểu biểu thức ngôn ngữ định danh trường học ngoài công lập trên địa bàn Hà Nội

Nguyễn Thị Hồng Ngân – TS. Bộ môn Ngôn ngữ – khoa Ngữ văn – ĐHSPHN
Trần Thị Mỹ Hạnh

1. Mở đầu

Trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, bên cạnh những kiểu trường học truyền thống là sự nở rộ của các loại hình trường lớp khác nhau nhằm đáp ứng nhu cầu giáo dục của mọi tầng lớp nhân dân. Đi liền với nó là việc chọn tên gọi cho các cơ sở kinh doanh giáo dục này ở Hà Nội nói riêng và ở các đô thị lớn trong cả nước nói chung. Đó là nhiệm vụ thiết thực đặt ra không chỉ đối với các nhà giáo dục học, các nhà kinh doanh giáo dục mà còn là nhiệm vụ quan trọng đối với những người làm công tác nghiên cứu ngôn ngữ. Những đơn vị ngôn ngữ định danh này không chỉ là tên gọi mà còn phản ánh những đổi thay về mặt nhận thức, tâm lí và quan niệm của con người gắn với những xu hướng, những triết lí giáo dục mới xuất hiện trong bối cảnh thời đại hiện nay. Một cái tên vừa đảm bảo tính nhân văn, sư phạm vừa có yếu tố thu hút khách hàng luôn là sự ưu tiên quan tâm của các nhà sáng lập.

Với suy nghĩ, Cái tên có giá trị định danh đặc biệt, để tạo thương hiệu và thường có ảnh hưởng sâu sắc tới người sở hữu tên đó, người sáng tạo ra nhan đề nó[5], bài viết này mong muốn đi sâu tìm hiểu cấu tạo, ý nghĩa của tên các trường học, qua đó thấy được những thông điệp, những triết lí giáo dục mà các nhà sáng lập muốn truyền tải.

2. Nội dung nghiên cứu

2.1. Các vấn đề về định danh

Từ ngữ có nhiều chức năng trong đó chức năng cơ bản nhất là định danh hay là gọi tên.  Theo G.V.Consanski, định danh là “sự cố định (hay gắn) cho một kí hiệu ngôn ngữ một khái niệm – biểu niệm (significat) phản ánh cái đặc trưng nhất định của một biểu vật (denotat) – các thuộc tính, phẩm chất và quan hệ của đối tượng cũng như quá trình thuộc phạm vi vật chất và tinh thần, nhờ đó các đơn vị ngôn ngữ tạo thành những yếu tố nội dung của giao tiếp ngôn từ” [6 ;33,34]. Quá trình định danh sự vật, hiện tượng phản ánh rõ nét đặc điểm tư duy – ngôn ngữ của cộng đồng sử dụng ngôn ngữ.

Phương tiện ngôn ngữ định danh có thể là hình vị hoặc từ, ngữ hoặc câu. Cóó hai phương thức định danh tiêu biểu là định danh trực tiếp và định danh gián tiếp. Phương thức định danh trực tiếp (còn được gọi là phương thức định danh khách quan) là dựa vào đặc điểm, trạng thái, tính chất của chính đối tượng được định danh hoặc dựa vào sự vật hiện tượng có liên quan chặt chẽ đến đối tượng để đặt tên đối tượng. Điều này sẽ liên quan đến vấn đề cơ sở định danh (dạng có lí do), cụ thể là lí do khách quan. Định danh gián tiếp là một phương thức quan trọng, còn được gọi là phương thức chuyển nghĩa, phương thức chủ quan khi mà ta không thể lí giải ngôn ngữ dựa trên lớp ngôn ngữ bề mặt. Định danh gián tiếp trong tiếng Việt, nói một cách đơn giản là định danh dựa vào phương thức chuyển nghĩa của từ ngữ, cụ thể là dựa vào cơ chế ẩn dụ, hoán dụ.

Tìm hiểu việc định danh trường học ngoài công lập trên địa bàn nội thành Hà Nội, luận văn thấy rằng, việc định này diễn ra dựa vào cả hai phương thức là định danh trực tiếp và định danh gián tiếp. Định danh trực tiếp trường học gắn liền với đặc điểm đối tượng định danh như không gian địa lí mà trường tọa lạc, tổ chức hoặc cá nhân thành lập trường. Định danh gián tiếp trường học là định danh chủ quan gắn liền với suy nghĩ, mong muốn của chủ thể sáng lập trường. Phương thức này khó nhận biết hơn nhưng không phải là không thể lí giải.

2.2. Cấu tạo và ý nghĩa của các BTNN định danh trường học ngoài công lập trên địa bàn các quận nội thành Hà Nội

Theo thống kê năm 2016 của Bộ GDDT, trên địa bàn HN có khoảng hơn 600 trường ngoài công lập với các loại hình và quy mô khác nhau. Bài viết tiến hành khảo sát 475 biểu thức ngôn ngữ (BTNN) gọi tên các trường ngoài công lập bao gồm trường dân lập, tư thục, bán công, trường liên kết, trường quốc tế trên địa bàn các quận nội thành ở các bậc học: Mầm non (MN), Tiểu học (TH), Trung học cơ sở (THCS) và Trung học phổ thông (THPT). Kết quả cụ thể như sau: trong 475 BTNN định danh có 197 biểu thức định danh trường mầm non, 133 biểu thức định danh trường tiểu học, 102 biểu thức định danh trường THCS, 43 biểu thức định danh trường THPT. Sự phân chia này mang tính chất tương đối bởi những cơ sở giáo dục này thiên về đào tạo liên cấp học.

Về nguồn gốc, trong 475 BTNN dùng để định danh các trường học ngoài công lập trên địa bàn nội thành Hà Nội, có 269 BTNN có cấu tạo là tiếng Việt: trường PTTHDL Lê Thánh Tông; Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm..,; 122 BTNN có cấu tạo là ngoại ngữ mà chủ yếu là tiếng Anh: HaNoi International School (HIS), có 84 BTNN có cấu tạo cả tiếng Việt và tiếng Anh: Trường Tiểu học và Trung học Cơ sở Pascan; trường Mầm non Juskids.. Thông qua sự đa dạng không chỉ về tên riêng của các trường, ta thấy được sự phong phú, đa dạng của các loại hình trường học ngoài công lập trên địa bàn Hà Nội.

Dù BTNN định danh trường học là tiếng Anh hay tiếng Việt, trật tự sắp xếp và số lượng các thành tố có khác nhau thì tất cả đều có cấu tạo là một cụm từ mà phổ biến là cụm danh từ. Chúng tôi không khảo sát được bất kì tên cơ sở nào có cấu tạo là từ hay câu như việc định danh nhiều sự vật, hiện tượng khác. Đi sâu khảo sát cấu trúc BTNN định danh trường học, chúng tôi nhận thấy rằng, cấu trúc này gồm hai phần: thành tố trung tâm và các thành tố phụ có vai trò hạn định.

Mô hình cấu tạo của BTNN định danh trường học
Thành tố trung tâm Thành tố phụ hạn định 1 Thành tố phụ hạn định 2 Thành tố phụ hạn định 3
Trường  Tiểu học Song ngữ Gateway
Trường TH và THCS Pascan
Trường Tiểu học Ngôi Sao
Trường Quốc tế Nhật Bản
Trường Phổ thông Liên cấp Vinschool
Trường THCS& THPT Nguyễn Siêu
Trường  Tiểu học Dân lập Hà Nội

Thành tố trung tâm trong BTNN định danh là các danh từ chung như trường, school, lycée, academy, school, pre-school, kindergarten,...và các thành tố phụ hạn định hay miêu tả có vai trò cung cấp thông tin cụ thể cho tên trường tạo nên tính xác định cho danh từ trung tâm:  Thành tố phụ hạn định 1: hạn định về cấp học (bậc học), cụ thể là: Mầm non, Tiểu học, THCS, THPT; thành tố phụ hạn định 2: hạn định về loại hình đào tạo như: dân lập, tư thục, song ngữ, quốc tế, chất lượng cao; thành tố phụ hạn định 3: hạn định tên riêng của trường. Thành phần này làm nên đặc trưng và tính xác định của trường, không có quy định cụ thể, phụ thuộc vào ý định của cơ quan hay cá nhân sáng lập ra nó. Tuy nhiên, không phải tất cả các trường đều có cấu tạo đầy đủ như trên. Một số trường lược bớt một, hai thành tố phụ nhưng về cơ bản vẫn đảm bảo ý nghĩa tên trường.

Ở vị trí trung tâm, đó là danh từ “trường” và tên nước ngoài tương ứng với tên tiếng Việt “trường” như : school, lycée .Ví dụ: Lycée Francais Alexandre Yersin, British Vietnamese International School (BVIS). Tuy nhiên, cũng có trường hợp school không đứng độc lập, đóng vai trò trung tâm của tên trường (tên tiếng Anh) mà trở thành yếu tố cấu tạo nên tên riêng. Ví dụ: Trường Phổ thông Liên cấp Vinschool. Vinschool được cấu tạo bởi hai yếu tố: tiền tố “Vin” nằm trong tên tập đoàn thành lập ra trường “Vingroup” còn hậu tố “school” để nhấn mạnh tổ chức cơ quan giáo dục. Chúng ta đều hiểu Vinschool là tên riêng của trường học vì có dấu hiệu nhận biết là “school” nhưng khi gọi tên trường này ta vẫn đọc đầy đủ yếu tố “trường” đứng đầu tổ hợp như trên. Có trường hợp yếu tố này mang nghĩa cụ thể hơn tên “trường” trong tiếng Việt. Chúng có thể bao hàm cả tên cơ quan và tên cấp học hoặc tên cơ quan và tên loại hình đào tạo. Đó là các từ: academy, kindergarten, pre-school,…Academy: có nghĩa là học viện, viện hàn lâm, trường tư thục. Trường học ngoài công lập trên địa bàn nội thành Hà Nội sử dụng từ Academy trong cấu trúc tên trường được hiểu là trường tư thục (trường do cá nhân thành lập nên). Ví dụ: Trường THCS Achimedes Academy, Trường Song ngữ Quốc tế Hà Nội Academy. Pre-school được hiểu là trường mầm non, với ý nghĩa này chúng ta có một số tên trường sau: Trường Mầm non SunBeam Preschool, Trường Mầm non Olympus/Olympus Pre-school, Trường Mầm non Quốc tế O’Hana/O’Hana Preschool, Trường Mầm non Quốc tế Eton House/Eton House International Pre-School,…Kindergarten: có nghĩa là trường/lớp mầm non, mẫu giáo, nhà trẻ, vườn trẻ,… Chúng ta có thể kể đến một số tên trường xuất hiện từ này như: Trường Mầm non Quốc tế Canada Maple Bear – Cannadian Kindergarten, Trường Mầm non Khu vườn nhỏ – Little Garden Kindergarten, Trường Mầm non Bầu trời xanh – Blue Sky Kindergarten,…Các trường hợp tên tiếng Anh như: school, pre-school, academy, kindergarten,... nằm trong cấu trúc tên riêng của trường học (tên tiếng Việt), chúng ta vẫn sử dụng từ trường để gọi tên trường học mà không lược bỏ tên cơ quan này. Ví dụ: Ta nói Trường Mầm non SunBeam Preschool, Trường Song ngữ Quốc tế Hà Nội – Academy, Trường Phổ thông Liên cấp Vinschool…

Thành tố phụ hạn định tên cấp học (bậc học) đã chỉ ra sự phong phú về các cấp bậc đào tạo. Gắn với bối cảnh xã hội hiện nay, đó là các trường dân lập, trường tư thục, trường liên cấp có nhiều bậc học kết hợp với các loại hình đào tạo khác nhau. Ví dụ: Trường Song ngữ Quốc tế Hà Nội (liên cấp mầm non, tiểu học, THCS, THPT), Trường Song ngữ Quốc tế Newton (liên cấp tiểu học, THCS, THPT), Trường Quốc tế Pháp Alexandre Yersin (liên cấp mầm non, tiểu học, THCS, THPT), Trường Phổ thông Liên cấp Vinschool, Trường Phổ thông Song ngữ Liên cấp Wellspring, Trường Quốc tế Liên cấp Việt Úc (VAS),…Có thể thấy, càng nhiều thông tin về loại hình trường khiến cho người nghe càng chú ý, càng thể hiện chi tiết về đặc điểm giáo dục của ngôi trường đó. Điều này phù hợp với mô hình kinh doanh – giáo dục hiện nay và bối cảnh hội nhập toàn cầu của đất nước. Chắc chắn những cái tên này sẽ tạo được chú ý của phụ huynh và sẽ là lựa chọn tốt nhất dành cho con cháu của họ.

Trong biểu thức ngôn ngữ định danh, tên riêng là yếu tố được nhà sáng lập quan tâm nhất bởi nó gắn với những khát vọng giáo dục mà họ gửi gắm. Tên riêng ở đây có thể là tiếng Việt, tiếng Anh hoặc tiếng Anh lẫn tiếng Việt. Trong các tên riêng là tiếng Việt, chúng tôi nhận thấy 61,8% tên riêng là người như tên Nguyễn Bỉnh Khiêm trong Trường PTDL Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Văn Huyên trong Trường PTDL Nguyễn Văn Huyên, Lương Thế Vinh trong Trường PTDL Lương Thế Vinh… Bên cạnh đó chúng tôi khảo sát được 29,6% tên riêng là các danh từ/ cụm danh từ được hiểu theo nghĩa chuyển và được dùng như tên riêng: Sơn Ca,  Họa My, Tuổi Thơ…trong Trường MN Sơn Ca, Trường MN Tuổi Thơ…Tên riêng  còn là các cụm từ: Vườn Tài Năng, Ngôi Sao Nhỏ, Đại Dương Xanh, Tuổi Thần Tiên, Thế Giới Xanh, Nốt Nhạc Vui, Bước Chân Vui Nhộn, Những Thiên Thần Nhỏ, Tia Nắng Mặt Trời, Vườn Hoa Hướng Dương, Ngôi Nhà Thiên Thần, Ngôi Sao Hà Nội…Dễ dàng nhận thấy, đa số tên riêng được cấu tạo bởi cụm từ thường xuất hiện ở biểu thức định danh trường Mầm non và Tiểu học dựa trên hai phương thức chuyển nghĩa tiêu biểu là ẩn dụ và hoán dụ. Chẳng hạn, trường Tiểu học Ngôi Sao Hà Nội: ngôi sao trong dải ngân hà vốn là những thiên thể tự phát sáng. Dựa trên sự tương đồng về vị trí cao, có tính chất tỏa sáng này mà người ta dùng ngôi sao như một danh từ riêng để định danh tên trường với khát vọng mỗi cá nhân sẽ tỏa sáng tài năng và nhân cách khi học dưới mái trường này. Tương tự, Trường MN chất lượng cao Bước Chân Vui Nhộn cũng có cơ sở định danh từ phương thức chuyển nghĩa như thế. Theo nghĩa gốc, chân là bộ phận dưới cùng, có vai trò nâng đỡ cơ thể và dùng để hoạt động và di chuyển. Hoán dụ bước chân ở đây không chỉ có ý nghĩa chỉ cả con người mà còn gợi ra đặc trưng ưa hoạt động, thích chạy nhảy, vui đùa của trẻ thơ. Nhờ những đặc điểm tương đồng và tương cận, những cái tên này gợi tới đặc điểm ngây thơ, hồn nhiên của lứa tuổi nhi đồng. Những cái tên Mặt Trời Bé Thơ, Mái Nhà Trẻ Thơ, Miền Đất Trẻ Thơ, Kết Nối Trẻ Thơ, Công Dân Toàn Cầu, Bước Chân Vui Nhộn, Những Thiên Thần Nhỏ, Sắc Màu Tuổi Thơ… ra đời dựa trên phương thức định danh như thế.

Tên riêng trường học xuất hiện trường hợp khá đặc biệt, đó là tên riêng được viết tắt và đây là ý định chủ quan của nhà giáo dục. Ví dụ: (Trường Mầm non Quốc tế) EQ, (Trường Mầm non) IQ Montessori, (Trường Mầm non) SOS, (Trường Mầm non) HTC, (Trường Tiểu học Quốc tế) VIP, Trường phổ thông FPT…Các tên viết tắt như: EQ, SOS, HTC, VIP, FPT… đó có thể là cơ quan, tổ chức đầu tư vốn như: SOS, HTC, FPT, nhưng cũng có thể là định hướng phát triển các tiềm năng của học sinh EQ (chỉ số cảm xúc), IQ (chỉ số thông minh), VIP (tầm quan trọng)…Tuy vậy, tên riêng có nguồn gốc tiếng Việt vẫn chiếm số lượng lớn bởi các loại hình này đều hướng tới đối tượng là người Việt.

Đặt tên riêng của trường là tiếng Anh cũng đang là một xu thế phổ biến. Điều này cho thấy sự chuyển dịch trong suy nghĩ, nhận thức của người đặt tên trường và hướng phát triển giáo dục của thời đại mới. Sự xuất hiện của nhiều trường có thành tố tên riêng là tiếng Anh cho thấy bước đi của thời đại, sự phát triển đa dạng của môi trường giáo dục và hơn thế nữa là thị hiếu giáo dục hiện nay, hướng đến con người toàn năng với mục đích là du học hoặc phát triển khả năng ngoại ngữ: Marie Curie, Pascan, Alfred Nobel, Newton, Einstein, Lômônôxốp,…Sử dụng kết hợp cả tiếng Anh và tiếng Việt trong việc đặt tên trường xuất hiện nhiều nhất ở cấp học mầm non. Những nhà sáng lập mong muốn khẳng định thương hiệu giáo dục, hướng đến hội nhập quốc tế. Ngoài ra, cũng có một vài trường hợp sử dụng ngôn ngữ khác như tên tiếng Nhật, tiếng Ý, tiếng Hàn Quốc:  Trường Mầm non Tổ Chim – Casa Dei Piccioni (tiếng Ý), Trường Tiểu học Regio Emelia (tiếng Ý), Trường Mầm non Tô-mô-e (tiếng Nhật), Trường Mầm non Choongang (tiếng Hàn), Trường Mầm non Fuji (tiếng Nhật), Trường Mầm non Hà Nội Irang (tiếng Hàn)

Về ý nghĩa, nghĩa của biểu thức ngôn ngữ định danh trường học là nghĩa của các thành phần tạo nên tên trường thể hiện những thông điệp và ước vọng của con người. Trong giáo dục, tên người biểu thị  khát vọng của con người, đó có thể là của nhà sáng lập, cũng có thể là phụ huynh học sinh: đó là tạo được môi trường giáo dục lành mạnh, học sinh được học tập và phát triển toàn diện. Ước vọng này khi đi vào định danh trường học được thể hiện cụ thể bằng việc đặt tên riêng của trường gắn liền với tên người. Tên của các vị danh nhân lịch sử, những nhà khoa học nổi tiếng có nhiều đóng góp cho đất nước, nhân loại được các người sáng lập lựa chọn với mong muốn đào tạo ra lớp người toàn tài, có khả năng phụng sự cho nước nhà, nhân loại: Lương Thế Vinh, Marie Curie, Lê Quý Đôn, Alfred Nobel, Newton, Einstein, Lômônôxốp,…Điều đặc biệt là, sau khi khảo sát chúng tôi thấy rằng, đa phần tên người được đặt cho trường học thường là nam giới ngoại trừ ba cái tên : Đoàn Thị Điểm, Hồ Xuân Hương, Marie Curie và cũng ít thấy một nhà khoa học nước ngoài nào thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, hay một nhà văn, nhà thơ nước ngoài được đặt tên cho một trường học, cơ sở giáo dục như Shakespeare, Puskin, Kawwabata hay Tagor…

Nghĩa của tên riêng liên quan đến những sự vật hiện thực: thế giới con vật, tên các loài chim, loài cây, hoa,…và những tên này thường xuất hiện ở tên trường của cấp học mầm non. Ví dụ: Đặt tên trường mang tên loài ong cho thấy nhà trường đề cao tính tập thể, kiên trì, đoàn kết ở mỗi cá nhân; chú chim sơn ca, họa mi…dễ gợi liên tưởng đến những đứa trẻ nhỏ tuổi: thông minh, nhanh nhẹn, vui vẻ, hay ca hát…; hoa anh đào biểu hiện cho khát vọng, cho sự thành công và thịnh vượng, hoa hướng dương biểu hiện sức sống mãnh liệt, luôn vươn lên mạnh mẽ và niềm tin vào tương lai tươi sáng phía trước…

Tên trường còn có ý nghĩa thông tin “ quảng cáo” cho các tập đoàn đầu tư của trường: VSK Thăng Long, HTC, FPT, Vinschool..Việc sử dụng tên tổ chức, tập đoàn đầu tư để đặt tên truờng cho thấy một phần chiến lược kinh doanh của họ. Mục đích của việc này, có lẽ là nhằm khẳng định tên tuổi, thương hiệu, thu hút sự chú ý của cộng đồng, huy động và luân chuyển các nguồn vốn khác nhau, mở rộng lĩnh vực kinh doanh, hoạt động.

Ngoài ra, BTNN định danh còn cho biết mô hình giáo dục mang tính chất quốc tế và phương pháp giáo dục đặc thù của nhà trường: (Trường Mầm non) Việt Mỹ, (Trường Mầm non) Quốc tế Việt – Hàn Montessor, (Trường THCS) Việt – Úc, Trường Mầm non Green Star Montessori, Trường Mầm non Anh Đào Montessori, Trường Mầm non Bambini Montessori, Trường Tiểu học Regio Emelia…Montessori: là phương pháp giáo dục trẻ em dựa trên nghiên cứu và kinh nghiệm của bác sĩ và nhà giáo dục Ý Maria Montessori. Phương pháp này nhấn mạnh đến vai trò của tính tự lập, tự do trong khuôn khổ cho phép trong việc hình thành nhân cách trẻ. Đây là một trong những phương pháp giáo dục hiện đại, tiên tiến và được áp dụng ở các trường mầm non hiện nay. Regio Emelia là phương pháp giáo dục có nguồn gốc từ Italia. Phương pháp này ra đời vào năm 1940 và đến nay đã có mặt ở hơn 60 quốc gia trên thế giới. Regio Emelia ra đời dựa trên cơ sở về cách học của trẻ. Theo phương pháp này, trẻ là người tham gia học tập chủ động, trải nghiệm thực tế dựa trên sự sáng tạo và giáo viên, cha mẹ đóng vai trò như những người hợp tác trong quá trình học của trẻ. Việc đưa những phương pháp này vào tên gọi của trường cho thấy nhiều trường học chú trọng, đề cao phương pháp giáo dục mới, hiện đại trong các nhà trường. Có thể nói, tìm được phương pháp giáo dục là yếu tố căn bản giúp nhà trường phát triển hơn trong tương lai.

Có thể thấy, BTNN định danh của các trường ngoài công lập vừa có tính truyền thống vừa có tính hiện đại. Tính truyền thống  thể hiện ở tinh thần hiếu học, tôn vinh sự học, tôn vinh những danh nhân lịch sử, những nhà khoa học tài ba, có nhiều đóng góp lớn cho lịch sử phát triển của dân tộc và nhân loại. Việc thiên về lựa chọn tên của những nhà khoa học tự nhiên nước ngoài đặt cho trường học còn cho thấy xu hướng giáo dục hiện nay: đào tạo hướng đến khoa học tự nhiên, khoa học kĩ thuật nhằm đáp ứng cho nhiệm vụ công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước. Đặc trưng văn hoá hiện đại gắn liền với bối cảnh xã hội, thời kì hội nhập, công nghiệp hoá – hiện đại hoá đất nước. Những BTNN định danh gắn với xu hướng toàn cầu hóa thông qua những tên gọi tiếng nước ngoài thể hiện xu hướng vận động của xã hội nói chung và giáo dục nói riêng. Trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, việc sử dụng một ngôn ngữ quốc tế là một nhu cầu và là yêu cầu thiết yếu. Sử dụng các ngôn ngữ quốc tế phần nào thể hiện sự ảnh hưởng quyền lực “mềm” của các cường quốc lên các quốc gia đang phát triển, các quốc gia nhỏ (small states). Không chỉ sử dụng tiếng Anh trong việc đặt tên trường, biểu thức ngôn ngữ định danh trường học còn có sự xuất hiện của các loại hình giáo dục mới, như: song ngữ, quốc tế, liên cấp… Điều đó thể hiện phương hướng giáo dục trong thời đại hiện nay.

Biểu thức ngôn ngữ định danh trường học ngoài công lập cònthể hiện những triết lí giáo dục mới gắn với những phương pháp giáo dục mới. Các phương pháp này thường bắt nguồn từ nước ngoài, coi trọng việc phát triển khả năng tư duy tự do, độc lập của học sinh. Như vậy chúng ta cần nhấn mạnh vai trò của giáo dục hướng đến việc giao lưu văn hóa. Mỗi nền giáo dục trên thế giới là một vòng tròn, có thể đồng tâm hoặc không đồng tâm với kích thước lớn nhỏ khác nhau. Nhưng chúng hoàn toàn có thể gặp gỡ tại những điểm chung. Không một nền giáo dục nào có thể tồn tại đơn lẻ, riêng rẽ như trong “chân không”. Giữa chúng bắt buộc phải có sự giao lưu, học hỏi lẫn nhau. Và khi có sự giao lưu về giáo dục, ắt sẽ có giao lưu văn hóa, bởi giáo dục là một mảnh ghép quan trọng của văn hóa, không có giáo dục thì bộ mặt của một nền văn hóa sẽ không hoàn chỉnh. Như vậy, con đường hội nhập của giáo dục cũng là con đường đi ra thế giới. Thông qua việc phân tích biểu thức ngôn ngữ định danh trường học, phần nào chúng ta thấy những khát khao, mong mỏi ấy.

Đứng từ góc nhìn của người sáng lập – tức chủ thể xây dựng và tạo lập ngôi trường, việc đặt tên cho trường học như thế nào là câu hỏi khiến họ băn khoăn và trăn trở. Giáo dục đã trở thành một ngành dịch vụ đáp ứng nhu cầu của xã hội. Nhà trường là nơi cung cấp dịch vụ cho học sinh và phụ huynh. Tên trường là một trong các yếu tố “quảng bá” dịch vụ, một thương hiệu mà trường gửi gắm. Đó có thể là trường đào tạo hệ Chất lượng cao, song ngữ, quốc tế… Và tên trường biểu hiện cho suy nghĩ, mong muốn của người sáng lập nhà trường và một phần tác động đến định hướng giáo dục trong tương lai của ngôi trường đó. Từ tên trường, họ muốn xã hội biết họ là ai, triết lí giáo dục của họ là gì..Phụ huynh học sinh có thể tiếp cận trường học theo nhiều kênh khác nhau nhưng để dẫn đến việc tìm hiểu thông tin về những yếu tố đó thì họ phải bị/được kích thích tâm lí, được gây hứng thú. Và một trong những yếu tố đầu tiên, đó là tên trường. Những tên gọi mang yếu tố ngôn ngữ nước ngoài như “Achimedes Academy”, “Vinschool”, “Hanoi Acedemy” có thể vừa tạo nên sự lạ lẫm, vừa tạo nên sự tò mò và chắc chắn là một ấn tượng đặc biệt đối với người đọc, người nghe.  Từ tên gọi, cơ sở giáo dục đã phần nào cho phụ huynh thấy môi trường giáo dục, mục đích giáo dục.. mà mà họ gửi gắm.

3. Kết luận

Tìm hiểu tìm hiểu các BTNN định danh trường học ngoài công lập trên địa bàn nội thành Hà Nội mang đến cái nhìn khách quan về tiến trình vận động của giáo dục trong bối cảnh xã hội hiện nay, nhất là giáo dục ở các khu đô thị lớn. Đặt trong một sự vận động của cả một nền kinh tế – xã hội, ta thấy được mối liên hệ giữa các tiến trình vận động này và tìm hiểu được mối liên hệ đó, tức là ta đang đi tìm đặc trưng văn hoá của định danh trường học. Bài viết có thể gợi ý cho việc đặt tên các trường học kiểu mới trong tương lai và cho nhiều cơ sở cần những tên gọi gắn với những mục đích, những ước muốn của người sáng lập.

THƯ MỤC THAM KHẢO

  1. Nguyễn Văn Âu (2008), Một số vấn đề về địa danh học Việt Nam, NXB ĐH Quốc gia Hà Nội.
  2. Đỗ Hữu Châu (1998), Cơ sở ngữ nghĩa học từ vựng, NXB GD.
  3. Đỗ Hữu Châu (1999), Từ vựng ngữ nghĩa tiếng Việt, NXB Giáo dục, Hà Nội.
  4. Đỗ Hữu Châu, Bùi Minh Toán (2003), Đại cương ngôn ngữ học, tập 1 và tập 2, NXB Giáo dục.
  5. Hoàng Kim Ngọc (2015), Tên – Dưới góc nhìn của ngôn ngữ và văn hóa, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, trang web: http://huc.edu.vn/
  6. Trần Ngọc Thêm (2001), Tìm về bản sắc văn hoá Việt Nam, NXB Tp HCM.
  7. Nguyễn Đức Tồn (2002), Tìm hiểu đặc trưng văn hoá dân tộc của ngôn gnữ và tư duy của người Việt (trong sự so sánh với các dân tộc khác), NXB ĐHQG