Tình hình sử dụng tiếng mẹ đẻ và tiếng Việt của người Thái là nữ giới ở xã Mường Luân, huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên

Nguyễn Văn TăngVăn phòng HĐND – UBND huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên;
Email: nguyentang76dbd@gmail.com

TÓM TẮT: Mường Luân là một xã thuộc huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên có 13 bản, 1.064 hộ và 4.595 nhân khẩu với 4 dân tộc Thái, Lào, Khơ mú, Kinh và một số ít dân tộc khác sinh sống. Người Thái là một trong 4 dân tộc anh em cùng sinh sống trên địa bàn xã chiếm 58,6% trong tổng dân số cả xã và chiếm 13,6% dân tộc Thái cả huyện. Người Thái đã tạo dựng cho mình những phong tục tập quán và bản sắc văn hóa riêng, cộng đồng người Thái ở Mường Luân chỉ duy nhất là một nhóm ngành Thái Đen. Tình hình sử dụng tiếng mẹ đẻ và tiếng Việt của người Thái là nữ giới ở xã Mường Luân có sự khác biệt dựa vào độ tuổi, nghề nghiệp, trình độ học vấn và thái độ ngôn ngữ.

TỪ KHOÁ: xã Mường Luân; nữ dân tộc; huyện Điện Biên Đông; người Thái ở Mường Luân; dân tộc thiểu số.

NHẬN BÀI: 11/7/2022.             BIÊN TẬP-CHỈNH SỬA-DUYỆT ĐĂNG: 12/10/2022

1. Đặt vấn đề

Việt Nam là một quốc gia đa dân tộc với 54 dân tộc anh em cùng sinh sống. Dân tộc Kinh là dân tộc đa số, còn lại là 53 dân tộc thiểu số khác nhau sinh sống đan xen nhau, định cư chủ yếu trên các vùng núi của đất nước tạo nên bức tranh đa dạng và phức tạp về địa bàn cư trú. Mỗi dân tộc trên đất nước ta đều có nền văn hóa riêng đặc sắc. Dân tộc Thái là một trong 54 dân tộc, có số dân đứng thứ 3 cả nước sau người Kinh và người Tày, chủ yếu sống ở vùng núi phía Tây Bắc thuộc các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Sơn La, Điện Biên…Người Thái nói chung và người Thái Tây Bắc nói riêng có nền văn hóa lâu đời và độc đáo. Với những nét đặc sắc về bản sắc văn hóa kiến trúc nhà ở, trang phục thổ cẩm, văn hóa ẩm thực, phong tục tập quán riêng biệt, ngôn ngữ, chữ viết…đã góp phần làm cho nền văn hóa của dân tộc Việt Nam thêm phong phú và đa dạng.

Tiếng Thái là một ngôn ngữ có từ khá sớm và có chữ viết riêng. Tuy nhiên hiện nay tiếng Thái đang bị mai một. Có nhiều lí do, nhưng lí do cơ bản là một bộ phận không nhỏ (đặc biệt là lớp trẻ) người Thái sử dụng tiếng Việt thay vì dùng tiếng Thái. Chữ viết của người Thái không phổ dụng, rất ít người Thái biết chữ Thái.

Ngôn ngữ và chữ viết là công cụ để các dân tộc giữ gìn bản sắc, phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp của mình góp phần bảo tồn và phát triển sự đa dạng văn hóa Việt Nam. Trong xu thế hội nhập và phát triển, sự tiếp biến văn hóa sẽ diễn ra ngày càng nhanh và mạnh; điều này sẽ ảnh hưởng tác động trực tiếp đến các vùng dân tộc thiểu số. Sự mai một về ngôn ngữ là điều không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, việc giữ gìn bảo tồn ngôn ngữ dân tộc đang đặt lên vai những người trẻ – thế hệ tương lai của đất nước.Vấn đề đặt ra là, thái độ và ý thức của họ với ngôn ngữ lại không như mong muốn. Do đó một bức tranh tổng thể cần được vẽ ra. Bắt đầu là ở những địa bàn cấp xã. Trên cơ sở đó những giải pháp tích cực cần được tính đến gắn với cơ chế, chính sách ngôn ngữ đối với vùng miền của các cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương.

2. Khái quát về xã Mường Luân và dân tộc Thái

2.1. Khái quát về xã Mường Luân

Xã Mường Luân nằm ở phía đông của huyện Điện Biên Đông, được thành lập vào ngày 15 tháng 4 năm 1917 gồm cả 3 xã Mường Luân, Chiềng Sơ, Luân Giói cơ sở làm việc là bản Yên Bua hiện nay thuộc xã Luân Giói. Đến năm 1957 xã tách ra thành 3 xã gồm Mường Luân, Luân Giói, Chiềng Sơ. Trung tâm xã cách Trung tâm huyện Điện Biên Đông 32 km, nằm dọc theo bờ sông Mã theo quốc lộ 12b kéo dài nối với huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La.

Xã Mường Luân có 13 bản với 1.064 hộ và 4.595 nhân khẩu với 4 dân tộc Thái, Lào, Khơ mú, Kinh và một số ít dân tộc khác sinh sống.

Bảng 1. Số lượng các dân tộc sinh sống ở xã Mường Luân

SttDân tộcNamNữTổng số
1Thái134613482.694
2Lào6316441.275
3Khơ mú221248469
4Kinh và DT khác8473157
Tổng cộng228223134595
(Nguồn: Chi Cục Thống kê huyện Điện Biên Đông số liệu tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019)

2.2. Dân tộc Thái ở Mường Luân

Người Thái là một trong 4 dân tộc anh em cùng sinh sống trên địa bàn xã Mường Luân, chiếm 58,6% trong tổng dân số cả xã và chiếm 13,6% dân tộc Thái cả huyện (theo Chi cục Thống kê huyện Điện Biên Đông). Người Thái đã tạo dựng cho mình những phong tục tập quán và bản sắc văn hóa riêng, cộng đồng người Thái ở Mường Luân chỉ duy nhất một nhóm ngành là Thái Đen (Tay Đăm). Họ sinh sống rải rác ở tất cả 13 bản nhưng chủ yếu sống tập trung các bản Pá Vạt 1, Pá Vạt 2, Tạng Áng, Pá Pao 1, Pá Pao 2, Na Sản, Na Ten và bản Trung tâm. Người Thái ở nhà sàn và thường cư trú thành từng bản, mỗi bản có từ 40-50 nóc nhà trở nên kề bên nhau. Bản của người Thái ở đây chủ yếu là vùng thấp ven sông Mã, suối Huổi Men, suối Huổi Lóng gắn với tập quán sản xuất ruộng nước và chăn nuôi đại gia súc. Người Thái có nhiều kinh nghiệm đắp đập, đào mương, bắc máng lấy nước làm ruộng. Lúa nước là nguồn lương thực chính, đặc biệt là lúa nếp nên người Thái thường ăn xôi trong các bữa chính, ít khi ăn cơm tẻ. Họ cũng trồng hoa màu, sắn, ngô, đậu tương và nhiều thứ cây khác. Từng gia đình chăn nuôi gia súc, gia cầm, đan lát, dệt vải…Sản phẩm nổi tiếng của người Thái là vải thổ cẩm, với những hoa văn độc đáo, màu sắc rực rỡ, bền đẹp. Trang phục của người Thái: nam giới mặc âu phục, vải thổ cẩm; phụ nữ mặc áo cóm, váy, khăn piêu, với lối trang sức truyền thống riêng rất đặc sắc. Tuy nhiên, ngày nay trong cuộc sống có nhiều sự giao thoa giữa các dân tộc trong cộng đồng sinh hoạt nên nam giới trẻ tuổi đa phần mặc quần áo theo dân tộc Kinh. Chúng ta chỉ nhận thấy trang phục truyền thống với những người già hoặc trung tuổi khi sinh hoạt tại bản mường hoặc sinh hoạt tín ngưỡng, còn nữ giới đa phần vẫn mặc trang phục truyền thống của dân tộc. Người Thái ở nhà sàn có quy định kiến trúc thống nhất cửa mở hai phía, thang bắc hai bên (khay tu soong phái, cái soong đay). Xuất phát từ điều kiện cuộc sống đã tạo nên những tính cách riêng của người Thái: hiền lành, chất phác và kín đáo.

3. Tình hình sử dụng ngôn ngữ

Hiện nay khái niệm tiếng mẹ đẻ được nhiều nhà ngôn ngữ học, dân tộc học,…nhìn nhận ở những góc độ khác nhau. Trong bài viết này, chúng tôi sử dụng cách hiểu của Nguyễn Văn Khang (2014, tr.118) Tiếng mẹ đẻ thường được hiểu là tiếng cha mẹ mình và do vậy cũng là tiếng của dân tộc mình”. Nhìn từ góc độ hiểu tiếng mẹ đẻ là tiếng Thái, chúng tôi đã tiến hành khảo sát ngẫu nhiên số người là nữ dựa trên 4 tiêu chí: về độ tuổi, trình độ học vấn, nghề nghiệp và thái độ ngôn ngữ, cụ thể:

3.1. Dựa trên sự khác biệt về độ tuổi Chúng tôi tiến hành khảo sát 300 người là nữ giới ở xã Mường Luân, huyện Điện Biên Đông để đánh giá về khả năng sử dụng tiếng Thái và tiếng Việt theo độ tuổi và chia 4 nhóm tuổi: nhóm tuổi (từ 6-18 tuổi), nhóm tuổi (từ 19-50 tuổi), nhóm tuổi (từ 51-70 tuổi), và nhóm tuổi trên 70 tuổi.

Bảng 2. Các nhóm tuổi của nữ giới là người Thái ở xã Mường Luân

Độ tuổi10-18 tuổi19-50 tuổi51-70 tuổiTrên 70 tuổiTổng
Số lượng46159878300
Tỉ lệ15,3%53%29%2,7%100%

Bảng 3. Khả năng tiếng mẹ đẻ và tiếng Việt theo độ tuổi của nữ giới là người Thái ở xã Mường Luân

3.1.1. Nhóm tuổi trên 70

Ở nhóm tuổi này, chúng tôi khảo sát được được 8 người trên 70 tuổi. Họ cơ bản hoàn toàn nói tiếng Thái, có nghe và hiểu được số ít từ của tiếng Việt nhưng không nói được tiếng Việt nhiều, họ chỉ nói được những từ chào hỏi thông thường nhưng không hết câu. Nguyên nhân là do không được đi học, đồng thời sống trong cái nôi văn hóa khi mà mọi người dân trong bản đều sử dụng ngôn ngữ chung là tiếng Thái. Do đó tiếng Thái của họ không bị pha trộn với tiếng Việt (tạm gọi là thuần Thái). Ở nhóm tuổi này có 01 người biết viết chữ Thái do trước đây học từ bố đẻ.

3.1.2. Nhóm tuổi từ 51-70

Tổng số 300 người là nữ giới được khảo sát thì có 87 người ở độ tuổi từ 51-70 (chiếm 22%), trong đó có 11 người khả năng tiếng Việt còn hạn chế, họ không nói được nhiều mà chỉ là những câu giao tiếp đơn giản. Số người trong độ tuổi này chỉ có 53 người biết chữ do được đi học hết cấp Tiểu học và học hết chương trình xóa mù chữ (tương đương hết lớp 3) nhưng cũng đã bị mai một phần nào nên nhiều chữ khó không viết được. Tuy nhiên điểm giống nhau giữa nhóm tuổi này và nhóm tuổi trên 70 là tần suất sử dụng tiếng Thái của họ rất cao. Tiếng Thái được sử dụng ở mọi hoàn cảnh giao tiếp. 

3.1.3. Nhóm tuổi từ 19-50

Chúng tôi đã khảo sát 159 người trong tổng số 300 người là nữ giới. Có 02 (1,2%) người chỉ nghe, hiểu được một số từ và không nói được thành thạo tiếng Thái vì họ đi học xa nhà từ bé, cho nên đối tượng giao tiếp, không gian giao tiếp không còn như khi ở bản, xã trước đây. Những người tiếp xúc hàng ngày là người dân tộc Kinh, Khơ mú, Lào…đều nói tiếng Việt và những nơi họ đến là trường học, cơ quan Nhà nước, những địa điểm công cộng khác nên việc nói tiếng Việt là đương nhiên. Qua điều tra, chúng tôi nhận thấy những người trong độ tuổi này khả năng sử dụng tiếng Việt là thành thạo, nhất là những người đang đi học và đi làm tại các cơ quan nhà nước. Họ sử dụng tiếng Việt hiệu quả, thành thạo ở cả dạng nói và viết. Còn những người chỉ tham gia sản xuất nông nghiệp tại nhà thì họ sử dụng tiếng Việt chủ yếu ở dạng ngôn ngữ nói nhưng tần suất không cao (chiếm 32%).  Trong số được khảo sát này còn 12 người không biết viết chữ quốc ngữ và điều đáng mừng có 38 người biết chữ Thái là do được học trong nhà trường. Như vậy, với những người trong độ tuổi này, so với nhóm người từ 51-70 khi môi trường giao tiếp được mở rộng hơn, thì nhu cầu sử dụng tiếng Việt của họ cũng nhiều hơn. Việc sử dụng tiếng mẹ đẻ trong gia đình hay với những người đồng tộc vẫn luôn được duy trì. Với những công việc và hoạt động hàng ngày ngoài xã hội, đòi hỏi họ phải linh hoạt sử dụng song song cả tiếng Việt và tiếng Thái trong từng hoàn cảnh với những đối tượng giao tiếp khác nhau.

3.1.4. Nhóm tuổi từ 10-18

Ở độ tuổi này là số người đang học từ Tiểu học đến Trung học phổ thông (THPT), chúng tôi đã khảo sát được 46 người (chiếm 15,3%) trong tổng số 300 người là nữ giới. Trong đó có 12 người đang học lớp 5, 20 người đang học THCS, 11 người đang học THPT và 03 người đã thôi học sau khi học xong THCS. Qua khảo sát ở độ tuổi này 100% số người được khảo sát nói được tiếng Thái và tiếng Việt một cách khá thành thạo. Ở độ tuổi này các em đã được bố mẹ dạy cho tiếng Thái trong quá trình giao tiếp ở nhà nên họ biết nói tiếng Thái trước cả tiếng Việt. Bởi vậy ngôn ngữ dùng trong giao tiếp gia đình của các em vẫn là tiếng mẹ đẻ. Ở trường học, môi trường học tập gắn liền với tiếng Việt, điều này cũng ảnh hưởng đến thói quen giao tiếp của các em. Các em hoàn toàn sử dụng tiếng Việt trong giao tiếp với thầy cô. Nhưng trong số này vẫn còn 28 người chỉ có thể nghe hiểu và nói thạo tiếng Thái mà không biết viết chữ Thái.

3.2. Dựa trên sự khác biệt về trình độ học vấn

Chúng tôi chia thành 5 nhóm trình độ tương ứng với các lớp trong chương trình giáo dục phổ thông hiện nay: (1) Mù chữ; (2) Nhóm đã và đang có trình độ từ lớp 1 đến lớp 5; (3) Nhóm đã và đang có trình độ từ lớp 6 đến lớp 9; (4)  Nhóm đã và đang có trình độ từ lớp 10 đến lớp 12; (5) Nhóm có trình độ trên 12.

Bảng 3. Trình độ học vấn của nữ giới là người Thái ở xã Mường Luân

Trình độSố lượngTỉ lệ %
Mù chữ5317,7
Lớp 1 – Lớp 56923
Lớp 6 – Lớp 913444,6
Lớp 10 – Lớp 12268,7
Trên lớp 12186,0
Tổng300100

3.2.1. Nhóm người mù chữ

Với 17,7% số người mù chữ, trong đó gần tuyệt đối là số người trong độ tuổi trên 70 (7 người), nhóm tuổi từ 51-70 (34 người), nhóm tuổi 19-50 (12 người), ở nhóm tuổi 10-18 được khảo sát không có người mù chữ. Qua khảo sát cho thấy những người này họ đều là những người sử dụng tiếng Thái rất thành thạo. Trong số số đó có 07 người trên 70 tuổi sử dụng hoàn toàn tiếng Thái khi giao tiếp vì khả năng sử dụng tiếng Việt là không có. Số còn lại có thể sử dụng cả tiếng Việt và tiếng Thái trong giao tiếp. Qua phỏng vấn sâu, họ cho biết tần suất sử dụng tiếng Thái khi giao tiếp của nhóm này rất cao (chiếm 95%). Tiếng Thái được sử dụng hàng ngày, từ nhỏ đến lớn và nay tuổi đã cao không có điều kiện mở rộng phạm vi giao tiếp. Tiếng Thái được coi là sự lựa chọn tốt nhất và cần được duy trì. Như vậy, mặc dù khả năng tiếng Việt có hạn chế nhưng không ai khác nhóm người này sẽ là những người bảo tồn lưu giữ tiếng Thái hiện nay.

3.2.2. Nhóm người có trình độ từ lớp 1 đến lớp 5

Trong tổng số 300 người là nữ giới được khảo sát thì có 69 (23%) người có trình độ từ lớp 1 đến lớp 5, do họ ở mọi độ tuổi khác nhau nhưng có chung trình độ ở bậc Tiểu học nên chúng tôi xếp họ vào cùng một nhóm. Vì vậy mà những người này có những đặc điểm khác nhau khi sử dụng tiếng mẹ đẻ và tiếng Việt của mình trong giao tiếp hằng ngày. Chúng tôi khảo sát 12 người đang học lớp 5 kết quả cho thấy có 2 học sinh là người Thái ở trung tâm xã con của thầy cô giáo dạy tại trường THPT Mường Luân thì chỉ nghe được bập bõm một số từ tiếng Thái, các em hoàn toàn không nói được tiếng Thái. 10 người còn lại ở bản có bố mẹ là nông dân đều nói tiếng Thái và tiếng Việt rất tốt. Tuy nhiên tiến hành phỏng vấn sâu, các em cho biết chỉ nói tiếng Việt với thầy cô giáo, phát biểu trong tiết học. Còn khi ra chơi các em nói lẫn lộn cả tiếng Thái và tiếng Việt.

Đối với những người đã có trình độ tương đương với bậc Tiểu học thì phần lớn họ là những người ở các nhóm tuổi còn lại. Không giống với những người đang học ở bậc tiểu học, khả năng sử dụng tiếng Thái của họ rất tốt. Bên cạnh đó, việc sử dụng tiếng Việt cũng khá hơn so với nhóm người mù chữ. Khi giao tiếp với những người trong gia đình, những người đồng tộc trong phạm vi thôn bản, họ vẫn duy trì sử dụng tiếng mẹ đẻ của mình. Tiếng Việt được họ sử dụng trong những tình huống giao tiếp bên ngoài gia đình, có thể là ở những nơi công cộng, các cơ quan nhà nước.

3.2.3. Nhóm người có trình độ từ lớp 6 đến lớp 9

Chúng tôi tiến hành khảo sát có 134 người ở nhóm độ tuổi này. Đây là nhóm trình độ không cao (chiếm 44,6%) trong tổng số 300 người là nữ giới được khảo sát. Trong 134 người thì có 20 người đang học THCS. Nhóm này nói tiếng Thái rất thành thạo và tần suất sử dụng tương đối nhiều. Trong giao tiếp gia đình, thôn bản với những người đồng tộc, họ sử dụng tiếng Thái, nhưng bên cạnh đó có sử dụng song song với tiếng Việt. Với các em ở trình độ này đã hình thành ý thức về dân tộc mình khá rõ. Còn lại 114 người đã học xong lớp 9 hoặc mới hết lớp 8 nhưng đã thôi học thì họ vẫn duy trì sử dụng tiếng Thái trong giao tiếp hằng ngày và chỉ sử dụng tiếng Việt khi giao tiếp với những người không biết tiếng Thái và ở những tình huống giao tiếp ngoài xã hội như mua, bán hàng ngoài chợ, khi đến bệnh viện nói chuyện với y tá, bác sĩ là người dân tộc khác hoặc đến cơ quan nhà nước. Tần suất sử dụng tiếng Thái và tiếng Việt khác hẳn so với những người có cùng trình độ nhưng hiện đang còn theo học, tỉ lệ sử dụng tiếng Thái là 70%, còn tiếng Việt chỉ chiếm 30% trong giao tiếp của họ.

3.2.4. Nhóm người có trình độ từ lớp 10 đến lớp 12 Khảo sát có 26 người trình độ từ lớp 10-12 trong tổng số 300 người là nữ giới, trong đó có 11 người đang học THPT thì có 01 người hoàn toàn không nói được tiếng Thái, 10 người có khả năng song ngữ Thái-Việt rất tốt. Khả năng sử dụng tiếng mẹ đẻ đã được hoàn thiện hơn so với nhóm có trình độ ở bậc Tiểu học và THCS. Việc sử dụng tiếng mẹ đẻ được các em duy trì khi giao tiếp trong gia đình, với những người đồng tộc. Với việc học tập ở trường và các tình huống giao tiếp ngoài xã hội, các em hoàn toàn sử dụng tiếng Việt. Tần suất sử dụng tiếng Việt đã được nâng lên đáng kể, chiếm 90%, còn tiếng Thái chỉ chiếm 10% trong quá trình giao tiếp của nhóm trình độ này. Đặc biệt là quá trình giao tiếp hành chính được các em sử dụng 100% là tiếng Việt. Ngoài 11 người đã được đề cập ở trên còn lại 15 người được chúng tôi khảo sát có trình tốt nghiệp THPT, đa số những người này là những người trẻ ở độ tuổi 20 – 30 họ không học lên cao mà đa phần đi làm ở các công ty mới về. Vì thế mà những người này có môi trường giao tiếp rộng, và có những đối tượng giao tiếp khác nhau. Cũng giống như những người ở các nhóm trình độ khác, họ cũng sử dụng tiếng Thái khi giao tiếp trong gia đình, thôn bản, với những người đồng tộc nên khả năng sử dụng tiếng Thái rất thành thạo. Môi trường giao tiếp bên ngoài đòi hỏi họ phải sử dụng tiếng Việt thường xuyên, vì vậy mà tần suất sử dụng tiếng Thái giảm hẳn so với những người khác. Phần lớn thời gian của họ là làm việc bên ngoài, tiếp xúc với nhiều người và có những tình huống giao tiếp khác nhau nên đòi hỏi họ phải sử dụng tiếng Việt. Việc sử dụng tiếng mẹ đẻ trong giao tiếp gia đình sẽ ít hơn so với những người không tham gia vào các công việc ngoài xã hội. Bởi vậy tần suất sử dụng tiếng Việt chiếm tỉ lệ cao (90%), còn tiếng Thái chiếm tỉ lệ thấp hơn hẳn các nhóm trình độ khác (chiếm 10%) trong giao tiếp, việc giao tiếp hành chính của họ cũng sử dụng 100% là tiếng Việt.

3.2.5. Nhóm người có trình độ trên lớp 12

Chúng tôi khảo sát được 18 người (6,0%) có trình độ cao đẳng, đại học trong tổng số 300 người là nữ. Có 10 người trình độ đại học, cao đẳng, 08 người đang học đại học, cao đẳng. Trong số này có 17/18 người có khả năng nghe hiểu và sử dụng tiếng Thái thành thạo. Còn duy nhất 01 người đang học đại học là nghe, hiểu được tiếng Thái nhưng không nói được nhiều, phải vay mượn khá nhiều từ tiếng Việt khi giao tiếp. Nguyên nhân cơ bản do người này được gia đình gửi ra thành phố để học từ lớp 1 nên được tiếp xúc với bạn bè, thầy cô không cùng dân tộc do vậy phải nói tiếng Việt thường xuyên, còn tiếng mẹ đẻ chỉ nói khi về bản nói chuyện cùng người thân, đồng tộc. 

Qua khảo sát chúng tôi nhận thấy, những người có trình độ văn hóa cao, do yêu cầu học tập và yêu cầu công việc khiến họ sử dụng tiếng Việt nhiều hơn khi giao tiếp.

Việc tách khỏi cộng đồng Thái để học tập và làm việc bên ngoài xã hội  khiến tần suất sử dụng tiếng mẹ đẻ của họ giảm đi đáng kể so với những người có trình độ thấp hơn.

3.3. Dựa trên sự khác biệt về nghề nghiệp Trong quá trình khảo sát, chúng tôi chia ra làm 4 mức độ sử dụng, đối với những người là công chức, viên chức được xếp vào một nhóm tạm gọi là cán bộ, cụ thể như sau:

Bảng 4. Khả năng tiếng mẹ đẻ và tiếng Việt của người Thái là nữ giới theo nghề nghiệp ở xã Mường Luân

3.3.1. Nhóm nông dân

Trong số 224 người được khảo sát thì 205 người nghe hiểu và nói được tiếng Việt nhưng có 53 người không đọc và viết được tiếng Việt (mù chữ), 12 người biết đọc và viết được tiếng Thái. 100% số người ở nhóm này nghe, hiểu được tiếng mẹ đẻ. Điều này cũng dễ hiểu vì họ làm nông nghiệp, hằng ngày sinh hoạt tại cộng đồng dân tộc trong bản mường nên được sử dụng tiếng Thái thường xuyên. Từ đó có thể kết luận rằng, những người làm nông nghiệp là những người sử dụng tiếng mẹ đẻ rất nhiều trong đời sống hằng ngày. Điều đó góp phần không nhỏ vào việc lưu giữ ngôn ngữ của họ trong cộng đồng dân tộc Thái ngày nay. Họ gìn giữ, bảo tồn ngôn ngữ dân tộc mình chính bằng cách sử dụng nó thường xuyên trong đời sống hàng ngày từ đời này qua đời khác, xuyên suốt quá trình sinh tồn của mỗi người.

3.3.2. Nhóm công nhân

Qua khảo sát có 17 người đang làm công nhân trong các công ty, xí nghiệp tại các tỉnh miền xuôi, trong đó có 02 người đã tốt nghiệp đại học. Trong nhóm này 100% nghe và nói được tiếng Thái thành thạo, đọc, viết tiếng Việt tốt nhưng chỉ có 03 người biết đọc và viết tiếng Thái do được học trong trường phổ thông theo Quyết định số 895/QĐ-UBND ngày 8/9/2011 về việc phê duyệt đề án dạy tiếng Thái, tiếng Mông cho học sinh tiểu học và THCS tỉnh Điện Biên, giai đoạn 2010-2015, định hướng đến 2020.

3.3.3. Nhóm học sinh, sinh viên

Ở nhóm này các em có thể sử dụng tiếng mẹ đẻ của mình nhưng lại sử dụng nó song song với tiếng Việt. Phần lớn thời gian của các em là dành cho việc học tập ở trường và ở nhà, vì thế mà tần suất tiếp xúc và sử dụng tiếng Việt nhiều hơn đáng kể. Khả năng nghe hiểu và nói được tiếng Thái của các em khá tốt. Duy nhất chỉ còn 03 người không biết tiếng Thái với lí do cũng đã nêu ở trên là các em còn nhỏ tuổi, mới bắt đầu đi học, chập chững làm quen với tiếng Việt nên gia đình chú trọng cho các em học tiếng Việt nhiều hơn. Nhưng điều đáng mừng do được dạy thêm tại trường nên vẫn có tới 26/51 người biết đọc, viết chính tiếng mẹ đẻ của mình. Những kết quả phân tích ở trên có thể thấy nghề nghiệp là một yếu tố có ảnh hưởng quyết định đến khả năng sử dụng tiếng mẹ đẻ và khả năng tiếng Việt. Những người trẻ, trình độ văn hóa cao thì đều thuộc nhóm nghề nghiệp như giáo viên, cán bộ, viên chức, học sinh. Đây là một căn cứ cho thấy, một ngôn ngữ không được sử dụng thường xuyên và không có môi trường giao tiếp phù hợp để sử dụng thì khả năng bị mai một là dễ xảy ra.

3.3.4. Nhóm cán bộ

Những người ở nhóm này có khả năng sử dụng tiếng Thái thành thạo, trong đó có 05 người làm giáo viên và 03 người làm cán bộ xã. Đối với 05 người làm giáo viên, môi trường làm việc của họ chủ yếu là ở trường học. Họ đều phải sử dụng hoàn toàn bằng tiếng Việt để giao tiếp hàng ngày. Phần lớn thời gian dành cho công việc ở trường, về nhà khi dạy con cái học bài họ cũng sẽ phải sử dụng tiếng Việt. Việc sử dụng tiếng Thái rất ít, mặc dù nó vẫn được duy trì trong giao tiếp gia đình. Trong số này có 01 người không biết tiếng Thái do có bố là người Thái, mẹ là người Kinh và đi học ở thành phố nên không được tiếp xúc với tiếng Thái từ bé. Theo khảo sát, chúng tôi nhận thấy 04 phụ nữ này tần suất sử dụng tiếng Việt rất cao (chiếm 95%), còn tiếng Thái rất thấp (chiếm 5%) trong quá trình giao tiếp. Còn 03 phụ nữ là cán bộ xã thì tỉ lệ nói tiếng Thái 30% khi về nhà trong sinh hoạt gia đình, còn 70% nói tiếng Việt.

3.4. Dựa trên sự khác biệt về thái độ ngôn ngữ

Chúng tôi đã tiến hành khảo sát trực tiếp bằng hình thức phỏng vấn với những câu hỏi liên quan đến thái độ của họ đối với tiếng mẹ đẻ và tiếng Việt là hai ngôn ngữ được sử dụng hằng ngày. Sự khảo sát này, chúng tôi đã phân tách theo từng nhóm đối tượng như: tuổi tác, nghề nghiệp, trình độ học vấn, để so sánh mối tương quan từng nhóm đối tượng, cụ thể như sau:

3.4.1. Thái độ ngôn ngữ với tiếng mẹ đẻ Ở đây chúng tôi đã tiến hành khảo sát thái độ của người dân với 4 nội dung: (1) Thái độ với lí do sử dụng tiếng mẹ đẻ, (2) Thái độ đối với phạm vi sử dụng tiếng mẹ đẻ, (3) Thái độ với việc học chữ Thái, (4) Thái độ ngôn ngữ với tiếng Việt.

– Thái độ với lí do sử dụng tiếng mẹ đẻ:

Khi tiến hành hoạt động điền dã, điều tra, khảo sát ngôn ngữ học ở Mường Luân với 300 người là nữ giới, trước hết đối với việc xác định thành phần dân tộc và tiếng mẹ đẻ, chúng tôi nhận thấy 100% đều xác nhận không nhầm về tiếng mẹ đẻ của mình. Qua khảo sát có 90,3% (271 người) Thái khẳng định họ dùng tiếng Thái để giao tiếp với người cùng dân tộc. Số còn lại thì dùng tiếng Việt để giao tiếp nhưng số này chỉ tập trung vào những người trẻ, có học vấn và thường xuyên đi làm hoặc học tập ở nơi khác về. Có 8/8 người già trên 70 tuổi được hỏi đều khẳng định sử dụng tiếng mẹ đẻ để giao tiếp với nhau trong cuộc sống sinh hoạt hằng ngày. Trong số 90,3% người nói tiếng mẹ đẻ họ đều có chung một lí do đó là yêu thích tiếng của dân tộc mình và do quen từ bé nên khi nói bằng tiếng dân tộc sẽ dễ hiểu và dễ chia sẻ với nhau hơn. Câu hỏi đặt ra là tại sao người già lại sử dụng gần như tuyệt đối tiếng dân tộc của mình để giao tiếp với nhau, trong khi đó người trẻ tuổi thì vẫn có sự pha trộn giữa tiếng Việt và tiếng dân tộc. Điều này theo chúng tôi có thể lí giải bởi mấy lí do cơ bản sau:Một là, người già lúc trẻ không được đến trường học hoặc có được đi học nhưng học không bài bản (học xóa mù chữ sau đó lại tái mù, 98% không biết chữ – Theo thống kê của phòng GD năm 2020), ít ra khỏi địa bàn mà chủ yếu quanh quẩn bên ruộng, vườn, làng bản nên khả năng biết tiếng Việt ít do đó ngại giao tiếp.

Hai là, xuất phát từ vấn đề tự tôn dân tộc nên họ yêu quý và trung thành với ngôn ngữ mà cha ông đã để lại.

Ba là, xuất phát từ phương diện nhận thức thì nhóm người trẻ tuổi như học sinh, sinh viên, cán bộ được đến trường nhiều hơn và có nhiều cơ hội để tiếp xúc với tiếng Việt (học ở trường, giao tiếp với bạn bè, thày cô, hội họp…) nhưng số lượng này khá ít. Như vậy chúng ta có thể thấy rằng, người dân tộc Thái dù già hay trẻ thì tỉ lệ người yêu thích tiếng mẹ đẻ và muốn giao tiếp bằng tiếng mẹ đẻ chiếm tỉ lệ khá cao.

– Thái độ đối với phạm vi sử dụng tiếng mẹ đẻ:

Qua khảo sát có 98% người dân muốn được sử dụng ngôn ngữ của dân tộc mình trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày, đặc biệt là trong văn hóa tín ngưỡng của dân tộc như lễ đặt tên con, lễ cúng bản, các nghi lễ trong đám tang… Trong việc giảng dạy ở nhà trường có 64,3% (193 người) họ mong muốn thày cô cần phải dạy song ngữ nhất là đối với việc dạy học sinh trong nhà trường tiểu học. 67% (201 người) muốn sử dụng trong phương tiện truyền thông để tất cả các lứa tuổi đều có thể tiếp cận được thông tin. Riêng đối với việc truyền thông lưu động thì có tới 93,6% (281 người) muốn được tuyên truyền bằng tiếng Thái. Có 88,3% (265 người dân) mong muốn con mình nói và hiểu được tiếng Thái là tiếng mẹ đẻ trong sinh hoạt hằng ngày. Điều này cũng đã phần nào phản ánh ý thức của người Thái về vai trò của tiếng Thái không phải chỉ trong sinh hoạt hằng ngày mà cả trong các hoạt động chính trị, truyền thông… Như vậy, từ kết quả khảo sát trên cho chúng ta thấy ngôn ngữ Thái mà người Thái mong muốn được sử dụng trong các lĩnh vực của đời sống xã hội đều từ 60% trở lên. Điều đó có nghĩa là họ đang muốn gìn giữ và phát huy ngôn ngữ của cha ông để lại, nó có một sức sống mãnh liệt trong cộng đồng đa dân tộc, đa ngôn ngữ.

– Thái độ với việc học tiếng Thái:

Qua khảo sát có 53,6% (161 người dân) mong muốn con em mình biết viết chữ Thái, 8% (24 người) thì không có quan điểm rõ ràng. Điều đáng lưu ý là 38,3% (115 người) cho rằng cũng không cần thiết vì chỉ cần biết chữ quốc ngữ mà thày cô giáo dạy là đủ. Nguyên nhân nào dẫn đến sự không cần thiết đó, họ lí giải bởi hai lí do, một là chữ Thái khó học quá, hai là cần phải biết chữ quốc ngữ nhiều để sau này còn học lên cao hoặc đi làm công nhân được tốt hơn, dễ dàng hơn.

Đây cũng là một bài toán đặt ra đối với các nhà Ngôn ngữ học, các cấp ủy, chính quyền từ trung ương đến địa phương trong việc xây dựng chính sách ngôn ngữ DTTS gắn với bảo tồn tiếng nói, chữ viết của các DTTS hiện nay theo tinh thần Đại hội IX của Đảng với mục tiêu quan điểm xây dựng nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc nhưng nâng lên một tầm cao mới có ý nghĩa chiến lược lâu dài đó là “Chọn lọc, giữ gìn và nâng cao tinh hoa văn hoá của cộng đồng các dân tộc Việt Nam và của từng dân tộc; bảo tồn và phát triển ngôn ngữ và chữ viết của các dân tộc; tiếp thu những giá trị văn hoá, khoa học của nhân loại”. Đại đa số những người có suy nghĩ như trên đều là nông dân, không tham gia vào các chức trách gì của bản, của xã. Ngược lại, đối với một số cán bộ người Thái lại tha thiết việc dạy chữ Thái được mở đều đặn hơn trong các nhà trường để con em họ được học, đọc thông, viết thạo và hiểu nghĩa. Họ cũng lo sợ đến việc một ngày nào đó không xa, không còn ai biết viết chữ Thái mà cha ông để lại nữa, nghĩa là chữ Thái sẽ không tồn tại, dân tộc Thái giống như dân tộc Khơ Mú, Xinh Mun và một số dân tộc khác không có chữ viết.

– Thái độ ngôn ngữ với tiếng Việt:

Tiếng Việt là ngôn ngữ quốc gia. Đối với người Thái ở Mường Luân cũng như các DTTS khác, tiếng Việt ngày càng đi sâu vào đời sống hàng ngày và có một vai trò quan trọng. Nếu vắng bóng của tiếng Việt thì chắc chắn có những thay đổi ảnh hưởng theo chiều hướng tiêu cực, nhất là trong xu thế hội nhập của thời đại 4.0 phát triển như vũ bão hiện nay. Khi được hỏi có cần thiết phải học tiếng Việt không? 100% người dân trả lời “rất cần thiết” như vậy ý thức về việc học tiếng Việt là rất cao. Khi hỏi về mục đích cần phải học tiếng Việt, có nhiều ý kiến trả lời khác nhau, chúng tôi đưa vào các nhóm như sau:

Bảng 5. Mục đích của học tiếng Việt

NhómSố người trả lờiTỉ lệ %
Học tiếng Việt chỉ để giao tiếp45/30015
Học tiếng Việt để học lên cao82/30027,3
Học tiếng Việt để đi làm ăn phục vụ cuộc sống173/30057,7

Từ kết quả trên cho thấy số người mong muốn được học tiếng Việt để có cơ hội đi làm ăn ở các nơi trong cả nước phục vụ cuộc sống chiếm trên 50% tổng số người được hỏi, 27,3% người muốn học tiếng Việt để được học lên cao hơn chủ yếu là học sinh.

Đối với lí do sử dụng tiếng Việt, qua khảo sát có nhiều lí do nhưng căn nguyên cơ bản vẫn là do người giao tiếp đối diện không biết tiếng Thái (74%). Còn một số người chủ động nói tiếng Việt khi họ giao tiếp kể cả đối với những người đối diện biết tiếng Thái. Đối tượng này chủ yếu là đội ngũ giáo viên, công chức và học sinh, sinh viên. Như vậy chúng ta thấy yếu tố nghề nghiệp, trình độ học vấn có sự tác động rõ rệt đến thái độ ngôn ngữ của đồng bào DTTS là nữ giới trong việc sử dụng tiếng Việt hiện nay.

4. Kết luận

Dựa trên kết quả nghiên cứu về tình hình sử dụng tiếng mẹ đẻ và tiếng Việt của người Thái là nữ giới ở xã Mường Luân, huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên trong mối tương quan với nhiều yếu tố như: độ tuổi, nghề nghiệp, trình độ học vấn, thái độ ngôn ngữ có thể sơ bộ kết luận rằng độ tuổi, nghề nghiệp, trình độ học vấn có chi phối việc sử dụng tiếng mẹ đẻ của người Thái là nữ giới. Những người ở độ tuổi cao, khả năng sử dụng tiếng Thái tốt hơn và tần suất nhiều hơn những người trẻ tuổi. Người có trình độ văn hóa cao, có môi trường giao tiếp rộng thì tần suất sử dụng tiếng Thái thấp và phạm vi hẹp lại. Nghề nghiệp cũng là yếu tố ảnh hưởng đến tình hình sử dụng tiếng Thái nơi đây. Qua khảo sát cho thấy, tiếng Thái được duy trì và sử dụng nhiều nhất ở những người làm nông nghiệp. Tiếng Thái được sử dụng trong môi trường giao tiếp cộng đồng thôn bản với đời sống quen thuộc; mặt khác tiếng Việt được họ sử dụng ở ngoài phạm vi thôn bản và giao tiếp với người không cùng dân tộc. Còn đối với những người làm những công việc phi nông nghiệp/ ngoài xã hội tần suất và khả năng sử dụng tiếng Việt của họ khá cao (do yêu cầu công việc) nhưng tần suất sử dụng tiếng Thái lại giảm.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Lò Mai Cương (2014), Ngôn ngữ và chữ viết của dân tộc Thái Việt Nam trong thời kì hội nhập, Kỷ yếu Hội thảo khoa học Quốc gia ”Ngôn ngữ và văn học vùng Tây Bắc, Nxb ĐHSP Hà Nội.
  2. Chi Cục Thống kê huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên, Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019.
  3. Trần Trí Dõi (2003), Chính sách ngôn ngữ văn hoá dân tộc ở Việt Nam, Nxb ĐHQG Hà Nội.
  4. Nguyễn Thị Thu Dung (2016), “Một vài đặc điểm về cảnh huống ngôn ngữ ở huyện Mường Chà – tỉnh Điện Biên”, Tạp chí Ngôn ngữ, số 3 năm 2016.
  5. Nguyễn Hữu Hoành (chủ biên), Nguyễn Văn Lợi, Tạ Văn Thông (2013), Ngôn ngữ, chữ viết các dân tộc thiểu số ở Việt Nam (Những vấn đề chung), Nxb Từ điển bách khoa, H., .
  6. Nguyễn Hữu Hoành (2017), “Những vẫn đề đặt ra trong công tác xây dựng chữ viết cho ngôn ngữ các dân tộc thiểu số ở nước ta hiện nay”, Tạp chí Ngôn ngữ & Đời sống, Số 12.
  7. Nguyễn Thị Thanh Huyền – Bình Thành (2010), “Một số đặc điểm của cảnh huống ngôn từ ở Hà Giang”, Tạp chí Ngôn ngữ, Số 9.
  8. Nguyễn Văn Khang (2014), Ngôn ngữ học xã hội, Nxb Giáo dục Việt Nam.
  9. Nguyễn Hoàng Lan (2010), Cảnh huống đa ngữ trên địa bàn huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng, Luận văn thạc sĩ ngôn ngữ học, Trường Đại học KHXH&NV, ĐHQG Hà Nội.
  10. Nguyễn Văn Lợi (2000), Một số vấn đề về chính sách ngôn ngữ ở các quốc gia đa dân tộc. Tạp chí Ngôn ngữ, Số 1.
  11. Đinh Thị Tuyết Mai (2017), Tình hình sử dụng ngôn ngữ của người Thái xã Chiềng Ngần, thành phố Sơ La, tỉnh Sơn La, Luận văn thạc sĩ Ngôn ngữ học, Trường Đại học Tây Bắc.
  12. Sở Giáo dục và Đào tạo, Báo cáo tổng kết Đề án dạy tiếng Thái, tiếng Mông cho học sinh tiểu học và THCS tỉnh Điện Biên, giai đoạn 2010-2015, định hướng đến 2020.
  13. Bùi Văn Thành, Cổng thông tin điện tử Bộ GD&ĐT https://moet.gov.vn/giaoducquocdan/giao-duc-dan-toc/Pages/tin tuc.
  14. Vương Toàn (2017), “Vai trò của ngôn ngữ Thái trong phát triển bền vững vùng Tây Bắc”.
    Tạp chí Ngôn ngữ, Số 11.
  15. Ủy ban nhân dân huyện Điện Biên Đông, Báo cáo kinh tế – xã hội, năm 2021.
  16. Ủy ban nhân dân xã Mường Luân, Báo cáo kinh tế – xã hội, năm 2021.

The situation of the use of mother tongue and Vietnamese by Thai women in Muong Luan commune, Dien Bien Dong district, Dien Bien province

Abstract: Muong Luan is a commune in Dien Bien Dong district, Dien Bien province with 13 villages, 1,064 households, 4,595 people with 4 ethnic groups: Thai, Lao, Kho Mu, Kinh and a few other ethnic groups. The Thai ethnic group is one of four ethnic groups living together in the commune, accounting for 58.6% of the total number of ethnic groups and 13.6% of the Thai ethnic group in the district. The Thai people have built their own customs and cultural identities, the only Thai community in Muong Luan is the Black Thai. The use of mother tongue and Vietnamese by Thai women in Muong Luan commune varies according to age, occupation, education and language attitude.
Key words: Muong Luan commune; ethnic women; Dien Bien Dong district; Thai people in Muong Luan; ethnic minority.