Trạng thái đa ngữ xã hội  trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long

TRẦN THỊ HỒNG HẠNH*
* PGS.TS; Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội; Email: tthhanh@ussh.edu.vn

TÓM TẮT: Xuất phát từ nhu cầu đánh giá thực trạng tình hình sử dụng ngôn ngữ ở vùng dân tộc thiểu số, bằng các phương pháp điều tra điền dã của ngôn ngữ học xã hội như điều tra bằng bảng hỏi, phỏng vấn sâu, nghiên cứu này tập trung vào các vấn đề: 1) miêu tả trạng thái đa ngữ xã hội ở Vĩnh Long; 2) phân tích và đánh giá thái độ ngôn ngữ của người dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh; 3) đưa ra một số đề xuất và kiến nghị liên quan đến chính sách ngôn ngữ. Các kết quả miêu tả định tính và định lượng thu được đã chỉ ra rằng, trạng thái đa ngữ xã hội ở Vĩnh Long vừa có tính thống nhất với trạng thái đa ngữ xã hội ở Việt Nam nói chung ở trạng thái đa ngữ xã hội ở đồng bằng sông Cửu Long nói riêng. Bên cạnh đó, cảnh huống ngôn ngữ ở Vĩnh Long cũng có đặc thù về lượng và chất. Do vậy, bên cạnh tính thống nhất, trạng thái đa ngữ xã hội ở Vĩnh Long cũng chính là một mảnh ghép tạo nên tính đa dạng của cảnh huống ngôn ngữ ở Việt Nam

TỪ KHÓA:tỉnhVĩnh Long; đa ngữ xã hội; dân tộc thiểu số; thái độ ngôn ngữ; chính sách ngôn ngữ; thống nhất; đa dạng.

NHẬN BÀI: 8/11/2020.           BIÊN TẬP-CHỈNH SỬA-DUYỆT ĐĂNG: 6/1/2021
(Bài đăng trên Tạp chí số 1(307)-2021, tr.5-19)
* Bài viết là sản phẩm của Đề tài mã số: ĐTĐL-XH-06/18.

1. Dẫn nhập

Trên mảnh đất hình chữ S, Việt Nam có 54 dân tộc cùng chung sống khắp các vùng miền của đất nước. Chính vì vậy, Việt Nam có thể coi là một quốc gia đa ngữ điển hình. Rất nhiều nghiên cứu đi trước đã chỉ ra rằng, trạng thái đa ngữ xã hội ở Việt Nam là trạng thái đa ngữ ổn định, có sự phân bố chức năng rõ ràng giữa tiếng Việt với tư cách là ngôn ngữ quốc gia và các ngôn ngữ dân tộc thiểu số. Đặc điểm cư trú đan xen giữa các dân tộc đã tạo điều kiện để tiếng Việt và các ngôn ngữ dân tộc thiểu số tiếp xúc lẫn nhau. Hệ quả là, trạng thái đa ngữ ở Việt Nam luôn phát triển, các hệ quả của sự tiếp xúc có xu hướng xuất hiện liên tục và thường xuyên trong giao tiếp. Có thể coi đây là đặc trưng nổi bật của trạng thái đa ngữ ở Việt Nam. Tuy nhiên, ở từng địa phương, trạng thái đa ngữ lại có những đặc trưng riêng phụ thuộc vào các đặc điểm cụ thể của từng cảnh huống. Chính vì vậy, nghiên cứu trạng thái đa ngữ ở các địa bàn cụ thể sẽ cung cấp một cái nhìn chi tiết và toàn diện hơn về trạng thái đa ngữ ở Việt Nam, đặc biệt là trong bối cảnh trạng thái đa ngữ đang có nhiều biến đổi và tác động ngày càng mạnh mẽ đến đời sống ngôn ngữ nói riêng và đời sống kinh tế xã hội nói chung.

Trong phạm vi của nghiên cứu này, tỉnh Vĩnh Long được chọn làm địa bàn nghiên cứu. Chọn đối tượng nghiên cứu là trạng thái đa ngữ xã hội ở đây, nghiên cứu này đặt ra ra các nhiệm vụ sau: 1) Làm rõ cảnh huống ngôn ngữ ở Vĩnh Long; 2) Phân tích và đánh giá thái độ ngôn ngữ của người dân tộc thiểu số tại tỉnh Vĩnh Long; 3) Phân tích và đánh giá năng lực ngôn ngữ và tình hình sử dụng ngôn ngữ của người dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. Mục tiêu hướng tới là để làm nổi bật các đặc điểm của trạng thái đa ngữ ở Vĩnh Long, góp thêm những hiểu biết sâu sắc về trạng thái đa ngữ xã hội ở Việt Nam và tạo cơ sở lí luận để xây dựng các chính sách ngôn ngữ phù hợp với tình hình thực tế.

2. Một số vấn đề lí thuyết hữu quan

2.1. Tổng quan tình hình nghiên cứu

Ở Việt Nam, đã có không ít các công trình nghiên cứu ngôn ngữ các dân tộc thiểu số mà một trong các trọng tâm nghiên cứu là trạng thái song ngữ, đa ngữ ở vùng dân tộc thiểu số. Trong số đó, có thể kể đến các công trình nghiên cứu theo hướng vĩ mô của Khổng Diễn (1995), Trần Trí Dõi (1999, 2001), Viện Ngôn ngữ học (2002), Tạ Văn Thông (2009), Nguyễn Hữu Hoành (chủ biên, 2013), Bùi Khánh Thế (2013), Nguyễn Văn Khang (2013, 2014, 2019), Nguyễn Đức Tồn (2016)… Bên cạnh đó, cũng có nhiều nghiên cứu trường hợp về trạng thái đa ngữ xã hội ở Việt Nam với những kết quả miêu tả cảnh huống đa ngữ ở một địa phương cụ thể, miêu tả và phân tích tình hình sử dụng ngôn ngữ của một dân tộc thiểu số cụ thể hoặc ở một địa phương cụ thể như các công trình của Hà Thị Tuyết Nga (2014), Nguyễn Thị Thu Dung (2016), Trần Phương Nguyên (2018)… Ở nước ngoài gần đây cũng có một số nghiên cứu liên quan đến hiện tượng đa ngữ xã hội ở Việt Nam như Nguyen & Hamid (2016), Nguyen (2019).

Nhìn chung, các công trình kể trên đều đã phác họa một cách cơ bản về trạng thái đa ngữ xã hội ở Việt Nam cũng như chỉ ra những vấn đề mang tính phương pháp luận quan trọng trong nghiên cứu về vấn đề này. Trong số các công trình đi trước, chúng tôi rất quan tâm đến các nghiên cứu về vấn đề ngôn ngữ dân tộc thiểu số ở vùng đồng bằng sông Cửu Long như nghiên cứu của Hoàng Quốc (2014a, 2014b, 2015), Nguyễn Thị Huệ (2017), Huỳnh Thanh Thêm (2017), Đinh Lư Giang (2019)… Mặc dù vậy, chưa có công trình nào chọn địa bàn Vĩnh Long để khảo sát trạng thái đa ngữ xã hội và miêu tả tình hình sử dụng ngôn ngữ dân tộc thiểu số ở đây. Chính vì vậy, nghiên cứu này có thể coi là nghiên cứu đầu tiên lựa chọn đối tượng nghiên cứu này. Kết quả hướng tới việc góp phần cụ thể hóa bức tranh đa ngữ xã hội ở Việt Nam, đồng thời bổ sung thêm cơ sở lí luận giúp cho việc xây dựng chính sách ngôn ngữ vùng dân tộc thiểu số vùng đồng bằng sông Cửu Long nói riêng và chính sách ngôn ngữ dân tộc thiểu số ở Việt Nam nói chung đạt hiệu quả và phù hợp với tình hình thực tiễn.

2.2. Phương pháp nghiên cứu và thu thập tư liệu

Nghiên cứu này được tiến hành bằng các phương pháp ngôn ngữ học điền dã, phương pháp ngôn ngữ học xã hội, phương pháp miêu tả, thủ pháp thống kê phân loại có sự hỗ trợ của các phần mềm. Việc điều tra điền dã để thu thập tư liệu được thực hiện thông qua các bảng hỏi anket, kết hợp quan sát trò chuyện và phỏng vấn sâu.

Về khách thể nghiên cứu, hai nhóm đối tượng đã được lựa chọn để khảo sát. Nhóm thứ nhất gồm 309 người dân thường, cư trú ở 3 địa điểm là thành phố Vĩnh Long (104 người), huyện Trà Ôn (97 người) và huyện Tam Bình (108 người). Về thành phần dân tộc, chỉ có 19,4% người dân được khảo sát là dân tộc Kinh, còn lại đều tự xác định thành phần dân tộc của mình là người dân tộc thiểu số. Việc tự xác định thành phần dân tộc ở đây có một điểm đáng lưu ý. Một số người tự nhận mình là dân tộc Hẹ (1,3%) hoặc có người thân là dân tộc Hẹ (bố đẻ: 3%, mẹ đẻ: 0,3%); một số tự nhận là dân tộc Tiều Châu (1,3%) hoặc người thân là dân tộc Tiều Châu (bố đẻ 0,4%). Thực ra, các tên gọi này là cách gọi khác của người Hoa, bởi một số người Hoa tự gọi tên dân tộc mình theo nguồn gốc, quê quán: người Tiều Châu là người đến từ Triều Châu còn người Hẹ đến từ Khách Gia. Như vậy, có thể khẳng định rằng, những người dân được khảo sát chỉ thuộc ba dân tộc là Kinh, Khmer và Hoa.

Về giới tính, tỉ lệ nam giới là 66% và nữ giới chiếm 34%. Về độ tuổi, các đối tượng này có thể được phân chia thành 4 nhóm: 1) Dưới 18 tuổi (4,2%); 2) Từ 19 đến 30 tuổi (11,3%); 3) Từ 31 đến 50 (48,5%); 4) Từ 51 tuổi trở lên (35,9%). Có thể thấy, xét theo độ tuổi thì những người được khảo sát trong phạm vi đề tài này chủ yếu có độ tuổi từ 31 trở lên từ (chiếm tỉ lệ 84,5%). Xét theo trình độ, phần lớn người dân được phổ cập giáo dục tiểu học, chỉ có 0,6% mù chữ, còn lại đều có trình độ từ tiểu học (18,4%), trung học cơ sở (19,1%) và trung học phổ thông (44,7%), đại học và trên đại học (24,4%). Về cơ cấu nghề nghiệp, các đối tượng được xếp vào 9 nhóm gồm có: 1) Nông dân (41%); 2) Học sinh (6,1%); 3) Nghề khác (8,4%); 4) Công nhân (7,1%); 5) Buôn bán (22,3%); 6) Dịch vụ (4,5%); 7) Làm việc ở xã (3,6%); 7) Làm việc ở huyện (1,3%); 9) Về hưu (5,5%). Nhìn vào các con số này, có thể thấy người dân làm nông nghiệp vẫn chiếm tỉ lệ cao nhất, nhóm những người làm công việc hành chính ở các cơ quan chính quyền chiếm tỉ lệ thấp nhất.

Nhóm đối tượng thứ hai được khảo sát là 191 học sinh (62 nam và 129 nữ) tại trường Trung học phổ thông nội trú của tỉnh Vĩnh Long. Đây cũng là trường dân tộc nội trú duy nhất của tỉnh Vĩnh Long. Các em chủ yếu là học sinh dân tộc Khmer (99,5%), với thành phần dân tộc của bố mẹ và ông bà nội ngoại phần lớn cũng đều là người Khmer (trên 90%).

Bên cạnh việc khảo sát về sự phân tầng về giới tính, tuổi tác, nghề nghiệp, trình độ học vấn, thành phần dân tộc của bố mẹ, ông bà, vợ chồng, nghiên cứu này cũng chú ý đến việc điều tra tình trạng hôn nhân, việc kết hôn cùng dân tộc hay khác dân tộc, thời gian cư trú tại địa phương, mức độ tiếp xúc với các phương tiện truyền thông đại chúng như báo đài tivi, sách vở… Đây sẽ là cơ sở quan trọng để đánh giá và xem xét các nhân tố có khả năng tác động đến năng lực, thái độ cũng như việc sử dụng ngôn ngữ của người dân.

Song song với điều tra điền dã thông qua bảng hỏi kết hợp với quan sát, nghiên cứu còn sử dụng phương pháp phỏng vấn sâu để thu thập các ý kiến và đánh giá về tình hình sử dụng ngôn ngữ, thái độ ngôn ngữ của người dân tộc thiểu số ở Vĩnh Long. Cụ thể, các đối tượng đã được phỏng vấn bao gồm: Trưởng ban dân tộc tỉnh (người Khmer), các cán bộ Sở Giáo dục và Đào tạo, Trưởng phòng Dân tộc huyện Tam Bình (người Khmer), các giáo viên người Khmer tại trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh, cán bộ xã Loan Mỹ (huyện Tam Bình), trụ trì chùa Kỳ Sơn (chùa Khmer tại ấp Sóc Rừng, xã Loan Mỹ, huyện Tam Bình), cán bộ chính quyền là người dân tộc tại phường 1 (thành phố Vĩnh Long), cán bộ chính quyền huyện Trà Ôn, cán bộ chính quyền xã Hựu Thành và Tân Mỹ (huyện Trà Ôn).

2.3. Một vài khái niệm quan yếu

Trên thế giới nghiên cứu về song ngữ, đa ngữ xã hội đã được các nhà nghiên cứu ngôn ngữ học rất quan tâm và đã có một số lượng đáng kể các công trình nghiên cứu trình bày các quan điểm và phương pháp tiếp cận về hiện tượng này. Ở Việt Nam, các nghiên cứu ở tầm vĩ mô cũng đều đã chỉ ra rằng, hiện tượng song ngữ và đa ngữ ở Việt Nam vừa có tính thống nhất, vừa có tính đa dạng và phức tạp. Trên cơ sở đó, các nghiên cứu đi trước cũng đã xây dựng phương pháp luận và chỉ ra những cơ sở lí luận quan trọng để nghiên cứu hiện tượng song ngữ (đa ngữ) có xét đến các tính chất đặc thù của cảnh huống ngôn ngữ ở Việt Nam. Tuy nhiên, trong phạm vi của nghiên cứu này, chúng tôi chủ yếu chỉ dựa vào khung lí thuyết về đa ngữ xã hội của tác giả Nguyễn Văn Khang [12]. Các khái niệm liên quan như cảnh huống ngôn ngữ, thái độ ngôn ngữ, năng lực ngôn ngữ, tiếp xúc ngôn ngữ đều được chúng tôi vận dụng theo quan điểm của một tác giả. Cách làm này nhằm đảm bảo tính nhất quán và tính hệ thống của khung lí thuyết.

3. Kết quả điều tra và thảo luận

3.1. Cảnh huống ngôn ngữ tỉnh Vĩnh Long

Vĩnh Long là một tỉnh có diện tích tự nhiên đứng thứ 12/13 tỉnh, thành trong vùng đồng bằng sông Cửu Long. Tỉnh có 8 đơn vị hành chính, gồm có thành phố Vĩnh Long, thị xã Bình Minh và 6 huyện là Bình Tân, Long Hồ, Mang Thít, Tam Bình, Trà Ôn và Vũng Liêm. Theo thông tin chính thức từ Cổng thông tin điện tử của tỉnh [22], người Kinh ở Vĩnh Long chiếm khoảng 97,3% dân số, trong khi đó, các dân tộc khác chỉ có 2,7% (người Khmer 21.820 người, chiếm gần 2,1%; người Hoa khoảng hơn 4.879 người và các dân tộc khác chiếm tỉ lệ không đáng kể). Người Kinh phân bố đều ở các nơi; người Khmer sống tập trung ở 48 ấp thuộc 10 xã và 01 thị trấn thuộc 04 huyện Trà Ôn, Tam Bình, thị xã Bình Minh, Vũng Liêm; người Hoa tập trung ở thành phố Vĩnh Long và các thị trấn. Như vậy, có thể khẳng định, trạng thái đa ngữ ở Vĩnh Long là Việt – Hoa – Khmer. Trạng thái đa ngữ này là trạng thái đa ngữ điển hình và phổ biến ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, là kết quả của quá trình cộng cư lâu dài của ba dân tộc trên vùng đất này [14].

Xét theo tiêu chí lượng, so với ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long khác, người dân tộc thiểu số cư trú ở Vĩnh Long cũng không đông đúc bằng. Theo kết quả điều tra thu thập thông tin về thực trạng kinh tế xã hội của 53 dân tộc thiểu số năm 2019 do Uỷ ban Dân tộc và Tổng cục thống kê công bố [22], dân tộc Khmer có 1.319.652 người, cư trú tập trung ở vùng đồng bằng sông Cửu Long với 1.141.241 người (chiếm khoảng 86,4%). Có thể khẳng định, địa bàn cư trú của người Khmer chủ yếu là ở đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên, so với các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long khác như Sóc Trăng, Trà Vinh, Kiên Giang, dân số của người Khmer ở Vĩnh Long lại chỉ chiếm một tỉ lệ rất khiêm tốn (xấp xỉ 2%). Trong khi đó, dân số của người Hoa trên phạm vi toàn quốc là 749.466 người, tập trung đông nhất ở Đông Nam Bộ với 506.947 người còn ở đồng bằng sông Cửu Long chỉ có 149.449 người. So với toàn vùng, có thể thấy rằng, người Hoa ở Vĩnh Long cũng chiếm một tỉ lệ không đáng kể (khoảng hơn 3%). Như vậy, nhìn trong bức tranh tổng thể của toàn bộ vùng đồng bằng sông Cửu Long, Vĩnh Long không phải là tỉnh có đông người dân tộc thiểu số cư trú. Đặc điểm dân số này có vai trò không nhỏ trong việc duy trì và thay đổi ngôn ngữ trong trạng thái đa ngữ xã hội ở đây.

Xét từ góc độ lịch sử hình thành và phát triển của cộng đồng các dân tộc ở Vĩnh Long, kết quả điều tra đều cho thấy phần lớn người dân tộc thiểu số được khảo sát đều là những người cư trú lâu đời tại địa phương (95,5%), chỉ có một số rất ít mới đến sau năm 1975 (3,2%). Đối với nhóm học sinh được khảo sát, các em đều có bố mẹ ông bà nội ngoại là người dân tộc Khmer (tỉ lệ đều trên 90%). Thông tin trên trang cổng thông tin điện tử tỉnh Vĩnh Long cũng cho biết, lịch sử khai phá vùng đất Vĩnh Long chỉ khoảng 300 năm qua và trong suốt thời kì ấy, ba tộc người là Việt, Khmer và Hoa đã đến đây để khai phá, sinh cơ lập nghiệp [21]. Như vậy, có thể nhận định rằng, dân tộc Khmer và Hoa ở Vĩnh Long tuy có số lượng ít nhưng là những cư dân cư trú lâu đời tại địa phương.  

Xét về mặt ngôn ngữ, chủ yếu có ba ngôn ngữ cùng hành chức tại địa phương này là tiếng Việt, tiếng Khmer và tiếng Hoa. Tiếng Việt với tư cách là ngôn ngữ quốc gia có số lượng người nói chiếm ưu thế trội hẳn so với hai ngôn ngữ còn lại, do vậy trong sự tiếp xúc giữa các ngôn ngữ, tiếng Việt có thể coi là ngôn ngữ có sự phân bố chức năng rộng hơn tiếng Khmer và tiếng Hoa. Tiếng Việt và tiếng Khmer là hai ngôn ngữ cùng họ ngôn ngữ, vừa đồng hình vừa đồng nguồn, trong khi tiếng Hoa tuy không đồng nguồn nhưng cũng là ngôn ngữ đơn lập nên có tính chất đồng hình với tiếng Việt. Cả ba ngôn ngữ này đều có chữ viết. Những đặc điểm này cũng sẽ có tác động lớn đến quá trình tiếp xúc giữa các ngôn ngữ trong môi trường đa ngữ ở Vĩnh Long. Cần phải nói thêm rằng, trong bối cảnh việc dạy và học ngoại ngữ đã trở thành một xu thế tất yếu của xã hội, khi xét đến trạng thái đa ngữ ở Việt Nam nói chung và ở Vĩnh Long nói riêng, không thể chỉ xem xét sự tiếp xúc giữa tiếng Việt, tiếng Khmer và tiếng Hoa mà còn phải xét đến sự tiếp xúc giữa ba ngôn ngữ này với ngoại ngữ. Bởi vậy, trong nghiên cứu này, cảnh huống ngôn ngữ ở Vĩnh Long được xác định bao gồm sự tham gia hành chức của tiếng Việt, tiếng Khmer, tiếng Hoa và ngoại ngữ.

Xét về sự phân công chức năng, tiếng Việt là phương tiện giao tiếp chung của các dân tộc trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, là ngôn ngữ chính thức, hành chức trong phạm vi hành chính nhà nước. Các ngôn ngữ còn lại được phân bố chức năng chủ yếu trong phạm vi hẹp hơn, chẳng hạn như trong gia đình hay những hoàn cảnh giao tiếp nội bộ cộng đồng. Ngoài ra, kết quả điều tra cũng cho thấy, tiếng Việt được sử dụng cả ở kênh nói và kênh viết trong khi tiếng dân tộc chủ yếu chỉ ở kênh nói.

Để làm rõ hơn phương diện chức năng của các ngôn ngữ, chúng tôi đã khảo sát việc sử dụng tiếng dân tộc ở các hoàn cảnh giao tiếp khác nhau. Kết quả cho thấy, ngay cả trong giao tiếp ở nhà với người thân ở mọi độ tuổi, tỉ lệ người dân sử dụng tiếng dân tộc không quá 35%. Trong giao tiếp ở nhà với khách cùng dân tộc, tỉ lệ sử dụng tiếng dân tộc cao nhất với khách độ tuổi từ 19 đến 30 tuổi là 26,9%. Ở chợ, bến tàu, bến xe, ở cơ quan, tỉ lệ người lựa chọn tiếng dân tộc thiểu số để giao tiếp với người cùng dân tộc đều xấp xỉ trong khoảng 30%. Trong khi đó, vẫn trong các hoàn cảnh giao tiếp ấy nhưng các đối tượng giao tiếp không phải là người cùng dân tộc (người Kinh, người khác dân tộc), tỉ lệ sử dụng tiếng dân tộc rất thấp, đều dưới 6%. Ở các hoàn cảnh giao tiếp mang tính hành chính như họp xã, họp huyện, họp tỉnh tỉ lệ sử dụng tiếng dân tộc gần như không đáng kể (giảm dần tỉ lệ nghịch với phạm vi giao tiếp, ở xã là 3,9% và ở huyện là 2,9% và ở tỉnh là 0%). Ở các hoàn cảnh giao tiếp mang tính riêng tư, cá nhân như gọi điện thoại hay nhắn tin, tương quan chức năng của các ngôn ngữ cũng không có nhiều khác biệt. Tỉ lệ sử dụng tiếng dân tộc với người cùng dân tộc trong trường hợp này cũng không quá 35%. Với người Kinh, người khác dân tộc, việc gọi điện thoại, nhắn tin chủ yếu không dùng tiếng dân tộc (đều dưới 5%). Đặc biệt là trong hoàn cảnh giao tiếp riêng tư nhất là tự nói với chính mình hay ru con, số người lựa chọn tiếng dân tộc cũng chỉ đạt dưới 25%. Như vậy, từ kết quả điều tra bằng bảng hỏi có thể thấy, tỉ lệ người dân sử dụng ngôn ngữ dân tộc thiểu số trong mọi tình huống giao tiếp nội bộ cộng đồng đều chỉ trong khoảng từ 25-35%. Tuy nhiên, kết quả phỏng vấn sâu lại cho biết, ở một số ấp, xã người Khmer, những người trên 70 tuổi gần như chỉ sử dụng tiếng Khmer để giao tiếp trong mọi tình huống. Theo ông Thạch Dương, Trưởng ban Dân tộc tỉnh, nhiều người cao tuổi không rành tiếng Việt, thậm chí có người không nói được. Còn ở xã Loan Mỹ (huyện Tam Bình), cán bộ xã cho biết, cả xã chỉ có 2 dân tộc là người Kinh và Khmer. Tại đây, cả người già lẫn trẻ em đều nói tiếng Việt trong các giao tiếp quy thức còn trong nhà chỉ toàn dùng tiếng Khmer. Khi họp dân để tuyên truyền các vấn đề pháp luật, cán bộ xã cũng truyền đạt lại bằng tiếng Khmer để đồng bào dễ hiểu vì có đến 50% cán bộ xã là người Khmer.

Đối với nhóm học sinh, kết quả điều tra lại cho thấy có sự khác biệt lớn so với nhóm người dân được khảo sát. Tỉ lệ sử dụng tiếng dân tộc trong giao tiếp nội bộ cộng đồng như trong gia đình với người thân (ông bà, bố mẹ, anh chị em ruột), với người khác trong xóm bản, với khách cùng dân tộc lại rất cao (đều trên 80%). Với thầy cô, bạn bè là người cùng dân tộc, tỉ lệ các em học sinh lựa chọn tiếng dân tộc có giảm đi đôi chút. Riêng trong giờ sinh hoạt lớp, tỉ lệ này chỉ đạt 38,2%, còn trong giờ học hay trong giờ giải lao thì tỉ lệ cũng đều trên 70%. Nhìn chung, trong giao tiếp nội bộ cộng đồng, nhóm học sinh dân tộc thiểu số ở Vĩnh Long thiên về xu hướng chọn sử dụng tiếng dân tộc. Bên cạnh đó, trong tất cả các tình huống giao tiếp nội bộ dân tộc mà nghiên cứu đặt ra, dù là ở trong gia đình hay các giao tiếp mang tính quy thức, tỉ lệ sử dụng tiếng dân tộc của người dân không cao bằng ở nhóm học sinh.

Kết quả về sự phân bố chức năng của các ngôn ngữ ở Vĩnh Long so với các nghiên cứu trường hợp khác cho thấy không có sự khác biệt nhiều về sự phân công chức năng của tiếng Việt. Trong khi đó, người dân nói chung có xu hướng ít lựa chọn tiếng dân tộc ngay cả trong phạm vi giao tiếp nội bộ cộng đồng, ngược lại, ở nhóm đối tượng học sinh xu hướng lựa chọn tiếng dân tộc thể hiện cả trong phạm vi giao tiếp nội bộ dân tộc lẫn các giao tiếp ở trường học. Đây có thể coi là một tín hiệu lạc quan của cảnh huống ngôn ngữ ở Vĩnh Long.

Bên cạnh các vấn đề đã phân tích, cần chú ý đến một yếu tố tác động đến cảnh huống ngôn ngữ ở Vĩnh Long, đó là chính sách ngôn ngữ. Kết quả phỏng vấn các cán bộ chính quyền thuộc các cơ quan ban ngành địa phương cho biết, bên cạnh việc áp dụng các chính sách của trung ương, chính sách của tỉnh đã rất chú ý đến việc đảm bảo vai trò ngôn ngữ phổ thông của tiếng Việt trong giao tiếp chung giữa các dân tộc. Tỉnh cũng có các hình thức để khẳng định vị thế của tiếng mẹ đẻ các dân tộc thiểu số trong mối quan hệ với ngôn ngữ quốc gia và ngoại ngữ. Chẳng hạn, một vài lớp học dạy chữ Khmer đã được tổ chức cho cán bộ (công an, quân đội…), mỗi lớp 30-40 học viên, có các giáo viên được mời từ Trường Đại học Trà Vinh. Hiện nay các lớp học đang tạm dừng, nhưng các lớp học dạy tiếng Khmer lại được tổ chức miễn phí tại 13/13 điểm chùa Khmer do các nhà sư đảm nhiệm. Ngoài ra, ở các huyện có đông người Khmer cũng có một số trường tiểu học dạy tiếng mẹ đẻ cho con em Khmer. Cụ thể là, có tổng cộng 6 trường tiểu học trên tổng số 173 trường của toàn tỉnh dạy tiếng dân tộc 4 tiết 1 tuần từ lớp 2 đến lớp 5. Còn đối với tiếng Hoa, trước năm 2017 có trường song ngữ Vĩnh Liên có dạy tiếng Hán nhưng nay đã chấm dứt. Về cơ bản, chính quyền tỉnh đã tuân thủ các chính sách của Đảng và Nhà nước về vấn đề ngôn ngữ vùng dân tộc thiểu số.

Tóm lại, qua phân tích các kết quả điều tra, đặc điểm cảnh huống ngôn ngữ ở Vĩnh Long đã dần được làm rõ. Trước hết, cảnh huống ngôn ngữ ở đây là cảnh huống đa ngữ, có sự thống nhất với cảnh huống ngôn ngữ chung ở Việt Nam về vai trò và sự phân bố chức năng của tiếng Việt, về chính sách ngôn ngữ đối với ngôn ngữ vùng dân tộc thiểu số. Bên cạnh đó, tính đa dạng và đặc thù của cảnh huống thể hiện ở một số điểm sau. Đồng bào dân tộc thiểu số ở Vĩnh Long đều là cư dân cư trú lâu đời tại địa phương. Nhưng so với dân số chung của toàn tỉnh cũng như so với dân số người dân tộc thiểu số ở toàn vùng, người dân tộc thiểu số cư trú không đông đúc, mức độ đan xen không điển hình, sự phân bố chức năng và phạm vi giao tiếp của tiếng dân tộc hẹp. Mặc dù Khmer và Hoa là hoặc đồng nguồn hoặc đồng hình với tiếng Việt, lại đều là hai ngôn ngữ thành văn, nhưng có lẽ, do đặc điểm dân số, tiếng Việt vẫn có ưu thế hơn trong cả các phạm vi giao tiếp quy thức và phi quy thức.

3.2. Năng lực ngôn ngữ

Để làm rõ trạng thái đa ngữ xã hội ở Vĩnh Long, vấn đề năng lực ngôn ngữ cũng cần được chú ý đến vì năng lực ngôn ngữ là một trong các yếu tố có vai trò tác động đến thái độ ngôn ngữ và việc lựa chọn ngôn ngữ trong các hoàn cảnh giao tiếp khác nhau, từ đó tác động đến trạng thái đa ngữ xã hội. Trong phạm vi nghiên cứu này, để đánh giá năng lực ngôn ngữ, trong bảng hỏi, chúng tôi sử dụng các câu hỏi để người dân và các em học sinh tự xác định mức độ khác nhau của năng lực ngôn ngữ. Bên cạnh đó, các cuộc phỏng vấn sâu cũng cung cấp thêm các cơ sở để có được những đánh giá khách quan về năng lực ngôn ngữ. Năng lực ngôn ngữ được chia thành hai kiểu năng lực là năng lực nói và năng lực viết với các thang độ cụ thể như sau. Năng lực nói gồm: 1.Không biết; 2.Biết nói một ít; 3.Giao tiếp bình thường. Năng lực viết gồm: 1.Không biết chữ; 2.Biết một ít; 3.Biết nhiều. Các ngôn ngữ được đánh giá năng lực gồm: tiếng mẹ đẻ, tiếng dân tộc khác, tiếng Việt và tiếng nước ngoài. Như ở trên đã trình bày, phần lớn đối tượng được khảo sát đều là người cư trú lâu đời tại địa phương hoặc có bố, mẹ, thậm chí là ông, bà đều là người cùng dân tộc nên việc xác định tiếng mẹ đẻ cũng là ngôn ngữ đầu tiên của họ được hiểu là tiếng dân tộc (đối với người dân tộc) và là tiếng Việt (đối với người Kinh).

3.2.1. Năng lực tiếng mẹ đẻ Trước hết, đối với người dân, năng lực tiếng mẹ đẻ của họ được thể hiện thông qua biểu đồ sau:

Biểu đồ cho thấy, năng lực nói và năng lực viết tiếng mẹ đẻ có mối tương quan rất rõ. Số người không biết nói cũng gần tương đương với số không biết viết. Tỉ lệ người phân vân hoặc không tự xác định năng lực tiếng mẹ đẻ của mình cũng giống như vậy. Còn lại, đại đa số người dân đều biết nói và biết viết tiếng dân tộc ở các mức độ khác nhau. Phần đông là những người giao tiếp được bình thường bằng tiếng dân tộc nhưng tỉ lệ biết chữ lại không nhiều.

Kết quả điều tra bằng bảng hỏi này cũng nhất quán với các ý kiến đánh giá thu được trong điều tra phỏng vấn sâu. Cụ thể là, các cán bộ ở Ban Dân tộc tỉnh, Sở Giáo dục và Đào tạo, cán bộ huyện Tam Bình, huyện Trà Ôn và thành phố Vĩnh Long đều có chung nhận định là người dân chủ yếu chỉ dùng tiếng mẹ đẻ để giao tiếp nói, tỉ lệ người biết chữ không nhiều. Nguyên nhân được cho là do đồng bào chú trọng đến việc dạy chữ Việt để con em có trình độ ra ngoài làm ăn, việc tổ chức lại dạy chữ chủ yếu là ở các lớp học tự nguyện tại chùa hoặc ở các trường học nhưng số giờ học quá ít. Ở các trường học có dạy tiếng dân tộc, các thầy cô giáo cũng chủ trương tăng cường tiếng Việt để các em có thể tiếp thu các kiến thức tốt hơn nên ngay cả ở trường Phổ thông dân tộc nội trú thì tiếng Việt vẫn được sử dụng rộng rãi hơn. Đối với người dân tộc Hoa, Chủ tịch Hội người Hoa tại Vĩnh Long cho biết, do người Hoa ở Vĩnh Long có quê quán khác nhau như Triều Châu, Quảng Đông, Phúc Kiến nên ngay cả giao tiếp nói cũng khó khăn do các phương ngữ ở những vùng này như tiếng Tiều, tiếng Hẹ, tiếng Quảng cũng khác nhau. Bởi vậy trong gia đình, tiếng dân tộc vẫn còn ít nhiều được sử dụng nhưng đối với thế hệ trẻ thì không nói được nữa. Đối với chữ viết, ngày càng ít người dùng chữ Hoa, người dân cũng chủ yếu chỉ dùng trong các hoạt động cúng bái, tín ngưỡng, viết câu đối. Đối với các học sinh, năng lực tiếng dân tộc mình được đánh giá dựa trên 4 kĩ năng nghe, nói, đọc viết với các thang độ như sau: 1.Nghe được, nói được; 2.Nghe được, không nói được; 3.Biết nói, biết chữ; 4.Biết nói, không biết chữ.

Nhìn vào biểu đồ, chúng ta thấy nếu xét về năng lực nghe nói, các em học sinh đều cơ bản nghe nói được (86,4%), nhưng xét về năng lực đọc viết thì tỉ lệ này giảm đáng kể, chỉ chiếm chưa đến 50%. Đối với tiếng dân tộc khác, chỉ có 21,5% các em được hỏi có thể nghe được, nói được, 7,3% nghe được nhưng không nói được, 15,7% vừa biết nói vừa biết chữ. Những con số này hoàn toàn hợp lí và theo chúng tôi là phản ánh đúng tình hình khách quan vì mức độ cư trú đan xen và mức độ tập trung của người dân tộc thiểu số ở Vĩnh Long không cao. Trong các nghiên cứu về trạng thái đa ngữ xã hội ở một số địa phương khác, có những cảnh huống đa ngữ trong đó ngôn ngữ thứ nhất có thể là tiếng mẹ đẻ, ngôn ngữ thứ hai là ngôn ngữ vùng, cũng là ngôn ngữ của dân tộc thiểu số nhưng dân tộc đó có số dân đông hơn và được sử dụng rộng rãi hơn. Ở Vĩnh Long, như đã chỉ ra trong phần miêu tả về cảnh huống đa ngữ, người Kinh chiếm đa số và người Khmer và người Hoa có số dân ít ỏi, chính vì vậy, ở Vĩnh Long không có khái niệm ngôn ngữ vùng. Chính vì vậy, việc các em học sinh biết tiếng dân tộc khác không nhiều cũng là một thực tế hoàn toàn khách quan và dễ lí giải.  

Nhìn chung, đánh giá về năng lực tiếng mẹ đẻ, so với nhiều nghiên cứu về trạng thái đa ngữ ở các địa phương khác, vẫn có thể coi tỉ lệ người không biết tiếng mẹ đẻ ở Vĩnh Long là tương đối cao. Chẳng hạn, ở Mường Chà Điện Biên, tỉ lệ người biết tiếng mẹ đẻ là 100% và tất cả đều khẳng định họ có thể sử dụng tiếng mẹ đẻ ở mức độ thành thạo [1;103]. Hoặc khi nghiên cứu cảnh huống ngôn ngữ ở Trà Vinh, Nguyễn Thị Huệ khẳng định: “Hầu hết người Khmer đều nói được tiếng Khmer. Thậm chí các gia đình buôn bán ngay tại thành phố Trà Vinh, mặc dù thời gian tham gia học tập và sinh hoạt hoàn toàn gắn kết với người Việt, nhưng khi vào những dịp lễ, đám tiệc cùng với bà con thân thuộc, họ vẫn sử dụng tiếng Khmer để giao tiếp [4]. Hoàng Quốc (2015) cũng cho rằng, gần 100% người Khmer ở đồng bằng sông Cửu Long nói thạo tiếng mẹ đẻ, do sự thuần nhất về tôn giáo cũng như mức độ cư trú tập trung cao nên tiếng mẹ đẻ của họ được bảo lưu rất tốt và thường xuyên được sử dụng trong mọi phạm vi giao tiếp không chính thức và sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng cộng đồng. Nghiên cứu này cũng cho biết cộng đồng người Hoa ở đồng bằng sông Cửu Long nói chung sử dụng hai ngôn ngữ khá linh hoạt, tỉ lệ người Hoa có khả năng sử dụng ba ngôn ngữ Việt, Hoa và Khmer (khẩu ngữ) cao do đặc thù nghề nghiệp buôn bán [14]. Trong khi đó, theo chúng tôi, ở Vĩnh Long, người Hoa không có nhiều, lại chủ yếu sống ở thành phố Vĩnh Long, nên việc họ ưu tiên lựa chọn tiếng Việt thay vì tiếng mẹ đẻ cũng sẽ làm việc giao tiếp bằng tiếng mẹ đẻ càng ngày càng bị thu hẹp phạm vi. Tóm lại, các phân tích đã cho thấy đặc trưng cảnh huống ở Vĩnh Long rõ ràng đã tác động không nhỏ đến năng lực tiếng mẹ đẻ của người dân ở đây.

3.2.2. Năng lực tiếng Việt và ngoại ngữ

Những phân tích ở trên đã phần nào cho phép chúng ta dự đoán rằng năng lực tiếng Việt các đối tượng được khảo sát ở Vĩnh Long sẽ có phần vượt hơn so với năng lực tiếng mẹ đẻ. Kết quả điều tra bằng bảng hỏi đã cung cấp các bằng chứng khách quan cho phép khẳng định điều này. Xét các biểu đồ sau:

Biểu đồ đã cho thấy rõ, tỉ lệ người dân không biết tiếng Việt rất ít, có thể nói gần như 100% người biết tiếng Việt. Trong đó, xấp xỉ một nửa số người được điều tra tự xác định năng lực tiếng Việt của mình ở mức độ thành thạo, tức là giao tiếp được bình thường, viết được nhiều. Còn đối với các em học sinh, 100% đều có thể sử dụng tiếng Việt ở mức độ thành thạo, nhất là ở các cấp học cao. Kết quả điều tra bảng hỏi cho thấy, năng lực sử dụng tiếng Việt của các em còn thể hiện ở việc khi nghe đài, xem tivi, đọc báo, đọc sách. Trên 55% các em học sinh được điều tra chọn sử dụng tiếng Việt trong các hoạt động nghe nhìn này. Năng lực tiếng Việt tốt hơn năng lực tiếng mẹ đẻ, theo chúng tôi, không chỉ được phản ánh trong kết quả điều tra của nghiên cứu này ở Vĩnh Long mà theo chúng tôi, đây đang dần dần trở thành xu thế chung của cảnh huống đa ngữ xã hội ở vùng dân tộc thiểu số ở Việt Nam nói chung, ở vùng đồng bằng sông Cửu Long nói riêng.

Để đánh giá năng lực ngoại ngữ của các đối tượng được khảo sát ở Vĩnh Long, nghiên cứu này chưa thể đưa ra những đánh giá cụ thể vì kết quả bằng điều tra bằng bảng hỏi đối với đối tượng người dân, 100% người dân không đưa ra câu trả lời cho hai nội dung: 1.Năng lực tiếng dân tộc khác; 2.Năng lực tiếng nước ngoài. Có lẽ do đối tượng người dân được khảo sát làm công việc nông nghiệp nhiều, không di chuyển ra khỏi địa phương nên chưa có nhu cầu sử dụng ngoại ngữ. Đối với các em học sinh, chỉ có 6,8% trả lời là biết tiếng Anh, và các em cũng chỉ biết ở mức độ nghe được nói được, biết chữ ít. Bởi vậy, nghiên cứu này chưa thể đưa ra đánh giá toàn diện về năng lực ngoại ngữ của người dân trên toàn tỉnh Vĩnh Long.

Có thể thấy, các kết quả khảo sát về năng lực ngôn ngữ đã phản ánh tình trạng và vai trò của các ngôn ngữ trong cảnh huống đa ngữ ở Vĩnh Long. Có thể thấy, các đối tượng được khảo sát có năng lực song ngữ cao, trong đó gần như 100% có thể sử dụng tiếng Việt do đó năng lực tiếng Việt có phần cao hơn năng lực tiếng mẹ đẻ. Kết quả này khác biệt một chút với các kết quả nghiên cứu của các tác giả đi trước khi đánh giá về năng lực ngôn ngữ trên toàn bộ vùng đồng bằng sông Cửu Long. Nguyên nhân của sự khác biệt này nằm có thể nằm ở vấn đề dân số và sự phân bố dân cư, cũng có thể là nằm ở cả trình độ và điều kiện phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh Vĩnh Long. Các nghiên cứu tiếp theo có thể mở rộng phạm vi điều tra, khảo sát năng lực ngôn ngữ trong mối quan quan với các biến xã hội khác như lứa tuổi, nghề nghiệp, trình độ học vấn, điều kiện kinh tế… hoặc áp dụng thêm các thang độ đánh giá năng lực khác để có thể đưa ra được kết quả nghiên cứu sâu sắc hơn nữa.

3.3. Thái độ ngôn ngữ

Các đặc điểm cảnh huống và năng lực ngôn ngữ đã phân tích ở trên là cơ sở để phân tích và đánh giá tác động của các đặc điểm ấy đối với thái độ ngôn ngữ và việc lựa chọn ngôn ngữ trong đời sống. Trong xác định cảnh huống đa ngữ, thái độ là một trong ba tiêu chí quan yếu. Thái độ ngôn ngữ có thể được đánh giá bằng các cách tiếp cận khác nhau. Trong nghiên cứu này, chúng tôi dùng phương pháp điều tra bảng hỏi kết hợp với phỏng vấn sâu để khảo sát thái độ ngôn ngữ với hai nhóm đối tượng người dân và học sinh. Các câu hỏi sẽ có các lựa chọn, qua những lựa chọn này, có thể đưa ra đánh giá về thái độ ngôn ngữ. Chẳng hạn, câu hỏi đặt ra về sự cần biết tiếng dân tộc học sinh có 3 sự lựa chọn: 1.Cần; 2.Không cần; 3.Không có ý kiến gì. Ngoài ra, còn có các câu hỏi khác. Chẳng hạn như mục đích của việc học sinh dân tộc cần biết/ không cần biết tiếng dân tộc, việc cần hoặc không cần biết tiếng Việt, mục đích biết/ không cần biết tiếng Việt, ý kiến về việc học sinh người Kinh cần biết/ không cần biết tiếng dân tộc, cần biết ngoại ngữ gì, cần biết ngoại ngữ để làm gì… Liên quan đến việc đánh giá thái độ, bảng hỏi cũng có các câu hỏi liên quan đến việc trộn mã trong quá trình sử dụng, cụ thể là các câu hỏi nhằm đánh giá mức độ trộn giữa tiếng dân tộc và tiếng Việt và ý kiến về việc trộn tiếng.          

Trước hết, về thái độ đối với tiếng dân tộc mình, ở nhóm đối tượng người dân, 77,7% cho rằng người dân tộc cần biết tiếng dân tộc mình, chỉ có 8,1% cho rằng không cần và số còn lại là không có ý kiến gì, không trả lời hoặc chọn cả hai. Như vậy là đa số có ý thức cao với ngôn ngữ dân tộc. Thái độ đối với ngôn ngữ dân tộc của nhóm học sinh cũng thống nhất như vậy. 93,7% ý kiến cho rằng học sinh dân tộc cần biết tiếng dân tộc.

Để xác định mục đích cần biết tiếng dân tộc, các lí do được nêu ra để các đối tượng khảo sát lựa chọn là: 1.giữ gìn, thêm yêu dân tộc mình; 2.thuận tiện cho việc giao lưu; 3.để hiểu thêm về văn hóa dân tộc; 4.để thuận tiện cho việc dạy bảo con cái; 5.để thuận lợi cho việc cúng bái và các nghi lễ; 6.để dễ dàng lấy vợ, lấy chồng. 7.các ý kiến khác. Kết quả như sau:

Đối tượng Lí do cần biết tiếng dân tộc của mình
(1) (2) (3) (4) (5) (6) (7)
Người dân 73,5% 63,1% 54,7% 42,4% 32% 46,6% 0
Học sinh 77% 72,8% 71,7%     3%  

Có thể thấy, so với các em học sinh, người dân còn có thêm các lí do liên quan đến nghi lễ, việc kết hôn và nuôi dạy còn cái, còn lại nhìn chung, mục đích người dân tộc cần biết tiếng dân tộc mình không liên quan nhiều đến vấn đề kinh tế, mà chủ yếu là vì các lí do liên quan đến việc giữ gìn, bảo tồn và phát huy truyền thống văn hóa. Trong khi đó, để lí giải cho việc không cần biết tiếng dân tộc mình, các lí do được nêu ra liên quan nhiều hơn đến tình hình sử dụng và vị thế của tiếng dân tộc. Cụ thể là, lí do không cần biết tiếng dân tộc bao gồm: 1.Lợi ích kinh tế, việc làm; 2.Đã có tiếng Việt rồi; 3.Tần suất sử dụng tiếng dân tộc thấp; 4.Số người sử dụng ít đi; 5.Ảnh hướng đến việc học và sử dụng tiếng Việt; 6.Mất thời gian, phạm vi sử dụng hẹp, nhanh quên. Kết quả cụ thể phản ánh trong bảng sau:

 

Đối tượng Lí do cần biết tiếng dân tộc của mình
(1) (2) (3) (4) (5) (6)
Người dân 8.4% 23% 19,7% 14,2% 4,9% 3,6%
Học sinh 2,6% 2,1% 6,3%   6,3%  

 

Nhìn chung, lí do để không cần biết tiếng dân tộc mình mà các đối tượng lựa chọn đều thiên về lí do liên quan đến vị thế của tiếng Việt, hơn nữa, các lí do nêu ra không rõ ràng (thể hiện ở tỉ lệ lựa chọn đều rất thấp). Trong phần trình bày về ý kiến riêng của mình, các đối tượng đều nhấn mạnh việc cảm thấy cần phải học tiếng dân tộc mình, đặc biệt là ý thức cần phải biết tiếng dân tộc để thể hiện bản sắc và khẳng định niềm tự hào dân tộc. Như vậy, có thể khẳng định rằng, thái độ đối với tiếng dân tộc mình của các đối tượng điều tra trong nghiên cứu này là thái độ tích cực, tự hào về tiếng dân tộc mình, có ý thức cao về vai trò của ngôn ngữ trong việc khẳng định bản sắc và giữ gìn, phát huy truyền thống văn hóa của dân tộc. Đối với việc biết tiếng dân tộc khác, kết quả điều tra cho thấy, đại đa số người được khảo sát đều cho rằng, không cần thiết, lí do không cần biết tiếng của dân tộc khác cũng tương tự như các lí do để không cần học tiếng dân tộc của mình.

Bên cạnh đó, 74,4% người dân và 60,7% học sinh có ý kiến rằng người Kinh và học sinh người Kinh cũng cần biết tiếng dân tộc. Mục đích để người Kinh học tiếng dân tộc thiểu số liên quan đến vấn đề tăng cường giao lưu, thuận lợi trong việc tiếp xúc bạn bè hay công việc, tìm hiểu đời sống của người dân tộc khác hoặc để kết hôn với người dân tộc. Nhưng nhìn chung, trong các mục đích nêu trên, mục đích được lựa chọn nhiều nhất vẫn là để phục vụ mục đích giao lưu, tiếp xúc trong cuộc sống và trong công việc (tỉ lệ chọn mục đích này ở cả hai nhóm đối tượng đều trên 65%). Đồng thời, với các ý kiến cho rằng người Kinh và học sinh người Kinh không cần biết tiếng dân tộc thiểu số, lí do nêu ra cũng tương tự lí do mà người dân tộc không cần biết tiếng dân tộc mình. Nói cách khác, việc không cần biết tiếng dân tộc chủ yếu là vì hai lí do liên quan đến vị thế ngôn ngữ và lợi ích phát triển kinh tế.

Như vậy, đánh giá thái độ đối với tiếng dân tộc, nhìn chung, ý thức về sự cần thiết của tiếng dân tộc của các đối tượng là cao, thái độ đối với tiếng dân tộc là thái độ tích cực, tự tôn. Các lí do đưa ra cho việc cần hoặc không cần biết tiếng dân tộc khá thống nhất. Có hai mục đích lớn nhất để biết tiếng dân tộc, một là để khẳng định bản sắc dân tộc, hai là để thuận tiện giao lưu tiếp xúc. Trong khi đó, lợi ích kinh tế và vị thế ngôn ngữ của tiếng dân tộc sẽ là yếu tố chi phối đến thái độ không cần biết tiếng dân tộc.

Về thái độ đối với ngoại ngữ, số người dân cho rằng cần biết ngoại ngữ không ít nhưng cũng không phải là đa số. 58,9% cho rằng cần biết ngoại ngữ, trong đó phân nửa cho rằng cần biết tiếng Anh (52,1%), tiếng Trung Quốc phổ thông (14,2%), tiếng Trung Quốc địa phương (8,1%). Các thứ tiếng khác được nêu ra nhưng tỉ lệ thấp (đều có tỉ lệ chọn chỉ khoảng 4-6%) là tiếng Pháp, Nhật, Hàn, Lào. Đối với nhóm học sinh, ý thức về ngoại ngữ cao hơn thể hiện ở tỉ lệ 83,8% cho rằng cần phải học ngoại ngữ. Tiếng Anh cũng là lựa chọn hàng đầu, nhưng các ngoại ngữ khác, như Hàn, Nhật lại được các em học sinh chọn với tỉ lệ cao hơn. Chắc chắn các biến xã hội như tuổi tác, trình độ học vấn, cơ hội tiếp xúc với các chương trình truyền hình, phim ảnh, các trào lưu giải trí của giới trẻ đã tác động và tạo ra sự khác biệt này. Điểm chung trong thái độ đối với ngoại ngữ của hai nhóm đối tượng này là cả hai nhóm đối tượng đều xác định được mục đích của việc cần biết ngoại ngữ liên quan rất nhiều đến việc phát triển kinh tế, phát triển cơ hội nghề nghiệp của bản thân, thỏa mãn các nhu cầu giao lưu giải trí và cả mong muốn xuất ngoại. Có thể khẳng định rằng, các biến xã hội và mục đích sử dụng ngôn ngữ là các yếu tố tác động đến thái độ đối với ngoại ngữ.  

4. Thảo luận về tình hình sử dụng ngôn ngữ và một số vấn đề liên quan đến chính sách ngôn ngữ ở Vĩnh Long

Những phân tích về năng lực và thái độ ngôn ngữ trên đây sẽ là cơ sở cho việc tìm hiểu tình hình sử dụng ngôn ngữ của người dân ở Vĩnh Long. Trong phần phân tích về cảnh huống, để làm rõ vị thế và sự phân công chức năng của các ngôn ngữ trong cảnh huống đa ngữ ở đây, việc sử dụng ngôn ngữ của người dân trong các tình huống giao tiếp khác nhau đã được chúng tôi đề cập đến. Tuy nhiên, trong phần này, chúng tôi sẽ làm rõ hơn tình hình sử dụng ngôn ngữ, để có cơ sở hơn cho việc phân tích và đề xuất các chính sách ngôn ngữ đối với địa phương này.

 Trong nghiên cứu này, để xây dựng bảng hỏi, chúng tôi xác định hai phạm vi giao tiếp là giao tiếp chính là giao tiếp trong gia đình và giao tiếp trong cộng đồng.

Trong phạm vi gia đình, theo đối tượng giao tiếp, chúng tôi xác định có các tình huống giao tiếp với các đối tượng sau: dưới 18 tuổi, từ 19 đến 30 tuổi, từ 31 tuổi đến 50 tuổi, trên 50 tuổi. Trong phạm vi cộng đồng, theo đối tượng giao tiếp và hoạt động giao tiếp, chúng tôi xác định có các tình huống sau: giao tiếp tại các hoạt động cộng đồng (cúng bái, lễ hội, văn nghệ hát hò), giao tiếp khi đến nhà người khác hoặc khi khách đến nhà, giao tiếp tại nơi công cộng, giao tiếp tại cơ quan công sở. Trong mỗi tình huống, tùy theo đối tượng giao tiếp, chúng tôi lại đặt câu hỏi cho tình huống giao tiếp với người cùng dân tộc, giao tiếp với người khác dân tộc, giao tiếp với người Kinh.

Trong phạm vi gia đình, kết quả điều tra tình hình sử dụng ngôn ngữ của người dân thể hiện ở biểu đồ sau:

Nhìn vào biểu đồ ta thấy, rất nhiều người dân không đưa ra câu trả lời. Nhưng trong những người đưa ra câu trả lời thì sự chọn lựa tiếng dân tộc để giao tiếp trong gia đình vẫn là nhiều nhất. Qua đó có thể thấy trong môi trường gia đình, tiếng dân tộc vẫn được ưu tiên sử dụng và mức độ sử dụng đồng đều ở tất cả các đối tượng giao tiếp. Đối với các em học sinh, kết quả điều tra thể hiện ở biểu đồ sau:

Đối với các em học sinh, gần như chỉ có hai sự lựa chọn ngôn ngữ trong giao tiếp gia đình là tiếng dân tộc và tiếng Việt, trong đó, sự lựa chọn tiếng dân tộc có phần thống nhất cao hơn, là lựa chọn ưu tiên cao nhiều so với tiếng Việt. Nhìn chung, trong phạm vi gia đình, tiếng dân tộc đều được cả hai nhóm đối tượng khảo sát ưu tiên sử dụng.

Còn trong phạm vi giao tiếp cộng đồng, điều tra của chúng tôi cũng tiến hành ở trên hai nhóm đối tượng là người dân và các em học sinh. Tuy nhiên, đối với các em học sinh, phạm vi giao tiếp của các em chủ yếu là trong gia đình và ở trường. Việc lựa chọn ngôn ngữ để giao tiếp ở trường của các em học sinh đã được trình bày trong phần cảnh huống ở trên. Vì vậy, ở đây, chúng tôi tập trung phân tình hình sử dụng ngôn ngữ của người dân, vì phạm vi sử dụng ngôn ngữ của người dân trong trường hợp này đa dạng hơn. Các kết quả khảo sát thể hiện ở bảng sau:

Bảng 1. Tình hình sử dụng ngôn ngữ trong giao tiếp cộng đồng của người dân

Phạm vi giao tiếp Đối tượng giao tiếp Sự lựa chọn ngôn ngữ (Tỉ lệ %)
Tiếng DT Tiếng Việt Tiếng MĐ xen TV Tiếng Việt xen TDT Tiếng MĐ Xen TDT khác Chọn nhiều phương án Không trả lời
Ở nhà Khách cùng DT Dưới 18 25,6 8,4 6,8 7,8 0,3 4,9 46,3
Từ 19-30 26,9 12,9 6,1 5,8 0,3 5,5 42,4
Từ 31- 50 28,2 12,4 6,5 5,8 0 9,4 37,9
Trên 51 26,2 8,4 6,5 5,8 0 12 41,1
Khách khác DT Dưới 18 9,7 35,6 2,9 3,9 0,3 3,9 43,7
Từ 19-30 9,1 36,9 2,6 3,6 0 5,5 42,4
Từ 31- 50 12,3 35 4,2 4,2 0 9,4 35
Trên 51 10,7 32,4 3,6 3,6 0 13,3 36,6
Họp thôn 10,4 43,4 1 17,8 0 5,2 22,3
Họp xã 3,9 59,5 0,3 3,9 0 1,6 30,7
Họp cao tuổi 1 29,1 5,5 9,4 0 1 54
Họp thanh niên 0 30,4 0,6 12 0 0,6 56,3
Họp thiếu niên 1,9 25,9 0,3 7,8 0 1,0 63,1
Giao tiếp ở cơ quan Cùng DT 30,1 26,9 12,6 4,9 25,6
Khác DT 10,4 46,3 4,5 1,6 36,2
Kinh 1,6 79,9 2,6 4,5 11,3
Giao tiếp ở chợ Cùng DT 34,3 23,9 10,4 6,8 24,3
Khác DT 7,1 45 3,6 2,6 41,7
Kinh 4,9 68 2,6 6,5 18,1
Giao tiếp ở bến tàu xe, cửa hàng Cùng DT 31,1 25,2 9,7 6,5 28,5

Bảng số liệu đã cho thấy rõ xu hướng lựa chọn ngôn ngữ trong phạm vi giao tiếp cộng đồng của người dân. Yếu tố đối tượng giao tiếp sẽ quyết định sự lựa chọn ngôn ngữ trong phạm vi này. Trong mọi hoàn cảnh giao tiếp, họ có xu hướng lựa chọn tiếng dân tộc để giao tiếp đối với đối tượng giao tiếp là người cùng dân tộc. Còn khi đối tượng giao tiếp là người dân tộc khác hoặc người Kinh, người dân có xu hướng lựa chọn tiếng Việt là chủ yếu. Tuy nhiên, trong một số hoàn cảnh giao tiếp, sự lựa chọn tiếng Việt và tiếng dân tộc không có nhiều khác biệt, chẳng hạn như trong tình huống giao tiếp với người cùng dân tộc ở chợ, ở bến xe, cửa hàng hay các lễ hội tham quan. Riêng đối với việc nhắn tin thì người dân vẫn ưu tiên tiếng Việt. Điều này cũng dễ lí giải vì việc nhắn tin trên các thiết bị di động bằng tiếng Việt sẽ thuận tiện hơn so với việc phải đổi các kiểu chữ trên thiết bị sang ngôn ngữ khác. Hơn nữa, việc nhắn tin lại đòi hỏi người dân phải biết chữ dân tộc mà trong khi năng lực này của người dân lại không cao. Những kết quả trên cho phép rút ra một nhận xét là người dân ở Vĩnh Long không có xu hướng chọn tiếng dân tộc khác để giao tiếp. Khi lựa chọn tiếng dân tộc, sự lựa chọn chỉ tập trung vào ngôn ngữ của dân tộc mình.

Về mức độ trộn giữa tiếng Việt và tiếng dân tộc, số liệu cũng cho thấy người dân ít có xu hướng trộn, không thích việc trộn giữa tiếng Việt và tiếng dân tộc. Xét chung tất cả các phạm vi, tiếng Việt vẫn có xu hướng được lựa chọn nhiều hơn. Ngay cả trong các sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng, mức độ ưu tiên sử dụng tiếng Việt cũng cao hơn. Điều này hoàn toàn phù hợp với kết quả phỏng vấn sâu mà chúng tôi thu được. Chẳng hạn, đối với người Hoa ở Vĩnh Long, các cán bộ chính quyền cho biết, ở chùa người ta vẫn có thể dùng tiếng Hoa nhưng chủ yếu nói tiếng Việt. Trong mua bán, người dân có thể hỏi tiếng Hoa nhưng trả lời bằng tiếng Việt. Trong đám cưới, chủ hôn có thể nói tiếng Hoa nhưng các giao tiếp khác thì vẫn nói tiếng Việt. Khi cúng bái, chữ Hoa để viết. Còn theo sư trụ trì chùa Kỳ Sơn, khi người dân gặp nhau trong chùa có dùng tiếng Khmer, băng rôn và quần áo dùng tiếng Khmer nhưng khi có đông người Kinh ra vào chùa thì chủ yếu là dùng tiếng Việt. Còn cán bộ xã Hựu Thành (Trà Ôn) thì cho biết, trong đám tang, người dân còn dùng tiếng Khmer nhưng trong đám cưới thì đã dùng song song cả tiếng Khmer và tiếng Việt. Cán bộ xã Tân Mỹ (Trà Ôn) cũng có ý kiến tương tự, khẳng định rằng ở thôn thì có thể dùng cả tiếng dân tộc và tiếng Việt nhưng khi người dân lên ủy ban thì họ lại chỉ dùng tiếng Việt, Tuy nhiên các hoạt động phong tục tập quán, đám cưới, hát karaoke đều ở đây dùng cả hai thứ tiếng. Ở Tân Mỹ chỉ có người lớn tuổi dùng tiếng Khmer trong hầu hết các tình huống giao tiếp vì họ không thành thạo tiếng Việt.

Như vậy, có thể thấy, nhìn trên tổng thể, tiếng Việt có xu hướng lựa chọn nhiều hơn trong phạm vi giao tiếp cộng đồng. Trong gia đình, người dân có xu hướng lựa chọn tiếng dân tộc nhưng cũng chưa phải là sự ưu tiên tuyệt đối. Nếu xu hướng này tiếp tục diễn ra, khả năng bảo tồn và phát huy tiếng nói, chữ viết dân tộc trên địa bản tỉnh Vĩnh Long chắc sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Bản thân những người dân được phỏng vấn cũng thể hiện sự đồng tình với nhận định này của chúng tôi. Thông qua các ý kiến điều tra của người dân, của các cán bộ chính quyền có liên quan đến công tác dân tộc trong tỉnh, chúng tôi nhận thấy có mấy vấn đề cần đề cập đến chính sách ngôn ngữ ở đây. Xét về thái độ ngôn ngữ, có thể thấy người dân ở Vĩnh Long có ý thức tự tôn dân tộc, tự hào về ngôn ngữ và tiếng nói chữ viết của người dân tộc là rất cao, nhưng do các điều kiện kinh tế – xã hội, điều kiện để bảo tồn và phát huy tiếng nói chữ viết của họ còn hạn chế. Việc dạy và học tiếng dân tộc trong trường học còn chưa được chú trọng mà chủ yếu là tự phát, tự nguyên và được tiến hành phi chính quy tại các điểm chùa. Do vậy, các ý kiến đề xuất và kiến nghị mà chúng tôi thu được trong phỏng vấn của chúng tôi đều nhấn mạnh vào các điểm chính sau. Một là, chính quyền và người dân mong muốn Nhà nước có các chính sách hỗ trợ việc giảng dạy tiếng Khmer cho các sư sãi ở Vĩnh Long. Bên cạnh đó, so với các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long khác, Vĩnh Long chưa có các chương trình phát thanh, truyền hình bằng tiếng dân tộc. Hơn thế nữa, ở các huyện có đông đồng bào dân tộc, các trường học cũng chưa chú trọng dạy tiếng dân tộc cho học sinh trong chương trình học, chế độ dành cho các giáo viên người dân tộc và giáo viên tham gia giảng dạy tiếng dân tộc là chưa cụ thể và chưa có những ưu tiên đặc thù. Ngoài ra, các chính sách duy trì các hoạt động văn hóa nghệ thuật truyền thống, sinh hoạt âm nhạc, các trang thiết bị đồ dùng hỗ trợ cho sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng như ghe, ngo, bộ ngũ âm… của người dân tộc cũng cần có vì có bảo tồn được các hoạt động này thì mới có môi trường để ngôn ngữ tồn tại trong đó. Nhìn chung, các đề xuất và kiến nghị đều phản ánh mong muốn và nguyện vọng tha thiết bảo tồn và phát huy tiếng nói, chữ viết của người dân tộc thiểu số ở Vĩnh Long.

5. Kết luận

Trên cơ sở cách tiếp cận của ngôn ngữ học xã hội, các kết quả nghiên cứu đã cung cấp một cái nhìn khách quan, tổng thể về trạng thái đa ngữ xã hội ở Vĩnh Long. Trạng thái đa ngữ giữa ba ngôn ngữ Việt, Khmer, Hoa ở Vĩnh Long là một mảnh ghép trong bức tranh đa ngữ của toàn bộ vùng đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên, do đặc thù về dân số và sự phân bố về dân cư, trạng thái đa ngữ xã hội ở đây cũng có những nét đặc thù và chính những đặc trưng về cảnh huống ấy đã tác động không nhỏ đến năng lực ngôn ngữ của người dân. Tuy nhiên, về mặt thái độ ngôn ngữ, người dân có ý thức tự tôn dân tộc cao, ý thức tự hào về ngôn ngữ của mình và tất cả những người được khảo sát đều có chung một nguyện vọng được giữ gìn và bảo tồn chữ viết và tiếng nói của dân tộc mình, để từ đó giữ gìn và bảo tồn các giá trị văn hóa và truyền thống của cha ông. Tuy nhiên, để có thể đạt được mục đích đó, bên cạnh các chính sách chung của Đảng và Nhà nước, các chính sách ngôn ngữ dành cho vùng dân tộc thiểu số ở Vĩnh Long cần phải chú trọng vào các mảng sau: tăng cường công tác giáo dục, tăng cường các hoạt động truyền thông (phát thanh, truyền hình) và duy trì, ưu tiên, phát triển các sinh hoạt văn hóa của cộng đồng người dân tộc. Để có thể có thêm cơ sở cho việc xây dựng chính sách cho phù hợp với trạng thái đa ngữ xã hội của tỉnh, trong thời gian tới có thể ưu tiên thêm cho các nghiên cứu cụ thể đánh giá mức độ tác động của các biến xã hội (tuổi tác, giới tính, nghề nghiệp) đối với sự lựa chọn ngôn ngữ của từng dân tộc.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Tiếng Việt

  1. Nguyễn Thị Thu Dung (2016), Nghiên cứu trạng thái đa ngữ tại huyện Mường Chà tỉnh Điện Biên, Luận án Tiến sĩ, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội.
  2. Đinh Lư Giang (2019), Tình hình song ngữ Khmer-Việt ở đồng bằng sông Cửu Long, Nxb Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố Hồ Chí Minh.
  3. Nguyễn Hữu Hoành, Nguyễn Văn Lợi, Tạ Văn Thông (2013), Ngôn ngữ, chữ viết các dân tộc thiểu số ở Việt Nam (những vấn đề chung), Nxb Từ điển Bách khoa, Hà Nội.
  4. Nguyễn Thị Huệ (2017), “Nghiên cứu cảnh huống ngôn ngữ dân tộc qua việc xây dựng bản đồ ngôn ngữ (trường hợp tỉnh Trà Vinh)”, Tạp chí Khoa học Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, Tập 14, Số 11 (2017), tr.116-129.
  5. Nguyễn Văn Khang (2012), Ngôn ngữ học xã hội, Nxb Giáo dục Việt Nam, Hà Nội.
  6. Nguyễn Văn Khang (2014), Chính sách ngôn ngữ & lập pháp ngôn ngữ ở Việt Nam, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội.
  7. Nguyễn Văn Khang (2019), “Cơ sở lí thuyết và thực tiễn liên quan đến nghiên cứu tình hình sử dụng ngôn ngữ ở vùng dân tộc thiểu số Việt Nam – Một số vấn đề về đa ngữ xã hội”, Tạp chí Nghiên cứu dân tộc, số 8 (3).
  8. Hoàng Văn Ma (2002), Ngôn ngữ dân tộc thiểu số Việt nam. Một số vấn đề về quan hệ cội nguồn và loại hình học, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội.
  9.  Hà Thị Tuyết Nga (2014), Nghiên cứu cảnh huống ngôn ngữ dân tộc Tày ở vùng Đông Bắc Việt Nam, Luận án Tiến sĩ Ngôn ngữ học, Trường Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội.
  10.  Trần Phương Nguyên (2018), “Cảnh huống ngôn ngữ vùng dân tộc thiểu số Đông Nam Bộ: Một vài nội dung quan yếu”, Tạp chí Ngôn ngữ, Số 3 (2018), tr.51-67.
  11.  Hoàng Quốc (2014a), “Thực trạng sử dụng ngôn ngữ của người Hoa ở Kiên Giang”, Tạp chí Ngôn ngữ, Số 4 (2014), tr.45-58.
  12.  Hoàng Quốc (2014b), “Đặc điểm sử dụng ngôn ngữ của ngƣời Hoa ở thành phố Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu”. Tạp chí Ngôn ngữ và Đời sống (8), tr.1-9. 
  13.  Hoàng Quốc (2015), “Tình hình sử dụng ngôn ngữ trong giao tiếp của các dân tộc thiểu số tại đồng bằng sông Cửu Long”. Tạp chí Ngôn ngữ và Đời sống (1), tr.60-68. 
  14.  Huỳnh Thanh Thêm (2016), “Tình hình sử dụng ngôn ngữ của cộng đồng người Khmer ở thị xã Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang”, Tạp chí Phát triển Khoa học và Công nghệ, Tập 20 Số X2-2017, tr.73-81.
  15. Nguyễn Đức Tồn (2016), Cảnh huống và chính sách ngôn ngữ ở Việt Nam trong thời kì công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập quốc tế, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội.
    Tiếng Anh
  16. Robert Bayley, Richard Cameron, Ceil Lucas (2013), The Oxford Handbook of Sociolinguistics, New York: Oxford University Press.
  17.  Trang Thi Thuy Nguyen, M.Obaidul Hamid (2016), Language attitudes, identity and L maintenance: A qualitative study of Vietnamese ethnic minority students, Elsevier: System 61 (2016), 87-97.
  18. Trang Thi Thuy Nguyen (2019), Vietnamese ethnic minority students’language practices under the influence of external interventions: A management perspective, Cambridge University Press: Language in Society 48, 745-767.
    Tài liệu truy cập từ internet
  19.  Cổng thông tin điện tử tỉnh Vĩnh Long: https://vinhlong.gov.vn/
  20.  Trang web của Tổng Cục thống kê: https://www.gso.gov.vn/

Multilingualism in Vinh Long province

Abstract: Aiming at assessing the language situation in ethnic minority areas, by fieldwork methods of sociolinguistics such as questionnaires, depth interviews, this research focuses on the following issues: 1) description of the multilingual situation in Vinh Long province; 2) analysis and assessment of the language attitudes of ethnic minorities here; 3) proposals and recommendations related to language policy. The qualitative and quantitative descriptive results obtained show that the societal multilingualism here is unified with the societal multilingualism in Vietnam in general and with the Mekong Delta in particular. Besides, having its own characteristics in terms of quantity and quality, the societal multilingualism in Vinh Long also contributes to the diversity of language situation in Vietnam.

Key words: Vinh Long province; societal multilingualism; ethnic minorities; language attitude; language policy; unified; diversity