Vấn đề ngôn ngữ của cư dân văn hóa Đông Sơn

TRẦN TRÍ DÕI*
* GS.TS; Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội; Email: ttdoihanh@gmail.com

TÓM TẮT:Văn hóa Đông Sơn là văn hóa tiền sử trong lịch sử Việt Nam, là cơ sở văn hóa của “Nhà nước Văn Lang thời Hùng Vương”. Theo xác định của khảo cổ học, đây là văn hóa hiện diện trong không gian vùng đồng bằng sông Hồng, có niên đại khoảng từ +700 trước Công nguyên (TCN) đến khoảng 200 năm sau Công nguyên (SCN).

Khi nghiên cứu về văn hóa Đông Sơn, có một câu hỏi đã được đặt ra là cư dân văn hóa Đông Sơn sử dụng ngôn ngữ nào? Trên cơ sở tiếp cận liên ngành với nguyên tắc nghiên cứu của âm vị học lịch sử (historical phonology) và việc phân tích trình trạng phân bố ngôn ngữ ở Đông Nam Á, chúng tôi cho rằng cư dân vùng đồng bằng sông Hồng thời văn hóa Đông Sơn sử dụng ngôn ngữ của nhóm tiếng Việt (Vietic) gốc Nam Á (Austroasiatic). Và cộng đồng cư dân Đông Sơn ít nhiều đã có mối liên hệ với một vài nhóm cư dân nói ngôn ngữ thuộc nhóm tiếng Thái (Taic) láng giềng trong khu vực. TỪ KHÓA: Văn hóa Đông Sơn; đồng bằng sông Hồng; tiếp xúc ngôn ngữ văn hóa xã hội; tiền Hán-Việt; Hán-Việt; Hán-tiền Thái.

TỪ KHÓA: Văn hóa Đông Sơn; đồng bằng sông Hồng; tiếp xúc ngôn ngữ văn hóa xã hội; tiền Hán-Việt; Hán-Việt; Hán-tiền Thái.

NHẬN BÀI: 17/1/2020.           BIÊN TẬP-CHỈNH SỬA-DUYỆT ĐĂNG: 13/2/2020
(Bài đăng trên Tạp chí số 2(294)-2020, tr.3-15)

1. Dẫn nhập vấn đề

1.1. Thời gian và địa lí văn hóa Đông Sơn của Việt Nam Cho đến hiện nay, khi nói về tiến trình lịch sử Việt Nam, nhiều nhà nghiên cứu lịch sử đều cho rằng quãng thời gian tuyệt đối của thời kì văn hóa Đông Sơn của Việt Nam là ước chừng khoảng từ  +/- 700 TCN đến khoảng 200 năm SCN. Căn cứ vào việc xác định niên đại của tư liệu khảo cổ và niên các các di chỉ văn hóa Đông Sơn, Hà Văn Tấn – nhà khảo cổ học hàng đầu Việt Nam, đã viết rằng “Văn hóa Đông Sơn tồn tại ở miền Bắc Việt Nam từ giữa thiên niên kỉ thứ nhất trước Công nguyên đến khoảng thế kỉ II sau Công nguyên” [Hà Văn Tấn, 1997, tr.759-760]. Còn Hán Văn Khẩn thì khẳng định một cách rất rõ ràng hơn khi ông viết rằng “Kết quả nghiên cứu của toàn ngành khảo cổ học trong suốt một thế kỉ qua đã xác định một cách chắc chắn rằng, văn hóa Đông Sơn thuộc sơ kì thời đại đồ sắt, tồn tại kéo dài từ thế kỉ VII trước Công nguyên (TCN) đến thế kỉ I-II sau Công nguyên (SCN)” [Hán Văn Khẩn, 2011, tr.244].

Việc nhận định thời gian lịch sử của văn hóa Đông Sơn hiện diện trong lưu vực sông Hồng của Việt Nam như vừa được trình bày ở trên là một nhận định thực sự đáng tin cậy. Bởi vì, trong nghiên cứu lịch sử thuộc giai đoạn tiền sử, cách thức xác định niên đại mà các nhà khảo cổ học thực hiện, trên nguyên tắc, là đáp ứng được cơ sở khoa học. Có thể nhận xét được như thế là vì, như cái cách mà P. Bellwood đã nhận định, “Các nhà khảo cổ học có một vai trò quan trọng bởi tư liệu của họ, cũng như tư liệu của các nhà nhân cốt học, là những bằng chứng trực tiếp từ quá khứ” [Bellwood  P. 2005, tr.xxvi]. Điều đó có nghĩa là “tư liệu của khảo cổ học cũng như tư liệu của nhân cốt học”, theo P. Bellwood, cho phép chúng ta xác định thời gian trực tiếp của quá khứ lịch sử, cả ở giai đoạn tiền sử cũng như trong thời kì lịch sử (1)

Cũng trên cơ sở nghiên cứu của giới khảo cổ học dựa trên những tư liệu khảo cổ đã được khai quật, người ta cũng biết rằng địa bàn hiện diện văn hóa Đông Sơn ở Việt Nam chủ yếu thuộc lưu vực sông Hồng. Về nội hàm của không gian địa lí này, khi trình bày về vị trí địa lí cảnh quan môi trường sinh tụ của cư dân Đông Sơn, Hán Văn Khẩn đã viết như sau “Đa số các nhà nghiên cứu đều thừa nhận rằng, không gian phân bố của văn hóa Đông Sơn bao gồm cả miền Bắc Việt Nam… Mật độ các di tích Đông Sơn tập trung chủ yếu ở các châu thổ sông Hồng, sông Mã và sông Cả, trong đó châu thổ sông Hồng có tới 127 di tích và nhóm di tích, châu thổ sông Mã – 76” [Hán Văn Khẩn, 2011, tr.244].

Giải thích chi tiết thêm về vị trí địa lí môi trường sinh tụ của cư dân văn hóa Đông Sơn, Hán Văn Khẩn cho biết không gian văn hóa này bao gồm châu thổ sông Hồng (vùng đồng bằng sông Hồng), châu thổ sông Mã (vùng đồng bằng Thanh Hóa), châu thổ sông Cả (vùng đồng bằng hai tỉnh Nghệ Tĩnh) và vùng đồng bằng sông Gianh tỉnh Quảng Bình. Trong khoảng không gian này, ông cho rằng “ngay từ thời Đông Sơn đã hình thành những trung tâm cư trú đông đúc ở các châu thổ sông Hồng và sông Mã” [Hán Văn Khẩn, 2011, tr.247]. Như vậy, dựa vào những di tích khảo cổ thuộc loại “di chỉ cư trú, di chỉ – mộ táng và di chỉ xưởng” sản xuất, giới khảo cổ học Việt Nam mà Hán Văn Khẩn là người thể hiện đã cho biết những địa bàn thuộc vùng Bắc Trung Bộ và lưu vực sông Hồng mà chúng ta vừa nhắc đến là “những trung tâm cư trú đông đúc” của cư dân thời văn hóa Đông Sơn. Nhưng theo như bài viết của M.Alves, có một nghiên cứu khác ngoài Việt Nam cũng dựa vào phân tích những di chỉ khảo cổ trong khu vực Đông Nam Á còn cung cấp cho chúng ta một bản đồ vùng địa lí Đông Sơn mở rộng hơn nữa về phía tây sông Mê Công như bản đồ sau đây [Alves A., 2016, tr.278]:

Bản đồ 1. Địa lí văn hóa Đông Sơn theo A.Calo (Nguồn [Calo A., 2008, tr 209]).

Như vậy vào thời điểm hiện nay, căn cứ vào những mô tả của giới khảo cổ học trong và ngoài Việt Nam, có thể thấy vị trí địa lí cảnh quan môi trường sinh tụ của cư dân Đông Sơn là địa bàn mà A. Calo đã thể hiện. Địa bàn ấy, không chỉ giới hạn thuộc lưu vực đồng bằng sông Hồng như Hán Văn Khẩn mô tả mà có thể bao gồm cả vùng đất thuộc lưu vực sông Mê Công ở về phía tây.

1.2. Phân bố các ngôn ngữ trên địa bàn văn hóa Đông Sơn ở Đông Nam Á

Theo như mô tả địa bàn cư trú cũng như việc phân loại phổ hệ ngôn ngữ tộc người ở Việt Nam và Đông Nam Á [Trần Trí Dõi, 2016, tr.71-215] thì vùng địa lí thuộc địa bàn văn hóa Đông Sơn được A.Calo thể hiện là nơi hiện nay sinh sống chủ yếu của những nhóm tộc người thuộc những họ ngôn ngữ là Nam Á (Austroasiatic) và Thái – Kadai (Tai – Kadai), Mông – Dao (Hmông – Mien) và Hán-Tạng (Sino – Tibetan).

Trong số đó, họ ngôn ngữ Nam Á gồm có cư dân nói nhóm tiếng Việt (Vietic), nhóm tiếng Katu (Katuic) và nhóm tiếng Khmú (Khmuic), nhóm tiếng Bahnar  (Bahnaric). Vị trí địa lí của những nhóm ngôn ngữ thuộc họ Nam Á nói trên được Roger Blench [Blench R., 2015, tr.11] thể hiện trên nền địa lí văn hóa Đông Sơn như dưới đây. Có thể thấy, bản đồ địa lí vùng lõi (core area) của họ Nam Á được thể hiện ở đây dường như trùng khớp với vùng địa lí thuộc địa bàn văn hóa Đông Sơn của Việt Nam mà kết quả nghiên cứu khảo cổ học đã xác định.

Bản đồ 2. Địa lí các nhóm ngôn ngữ Nam Á trên địa bàn văn hóa Đông Sơn
(nguồn: [Blench R., 2015, tr.11])

Còn đối với họ ngôn ngữ Thái – Kadai thì chỉ cư dân nói nhóm tiếng Thái (Taic), trong đó gồm có những tiểu nhóm là tiểu nhóm Thái Tây nam (Southwestern Tai), tiểu nhóm Tày-Nùng (Tay-Nungic) và tiểu nhóm Choang (Zhwangic)(2). Trường hợp những họ ngôn ngữ khác còn lại như họ họ Mông – Dao và họ Hán-Tạng  thì kết quả nghiên cứu lịch sử tộc người đã chỉ ra rằng những người Mông – Dao và Hán-Tạng là bộ phận cư dân mới di cư đến về sau ở vùng địa lí cảnh quan môi trường sinh tụ của cư dân văn hóa Đông Sơn [L.Sagart, 2004]. Địa lí những ngôn ngữ Thái được thể hiện trên địa bàn văn hóa Đông Sơn ở bản đồ của A. Calo thuộc phần lãnh thổ Lào được thể hiện trên bản đồ như dưới đây. Bản đồ này cho thấy trên vùng địa lí của địa bàn văn hóa Đông Sơn thuộc lãnh thổ Lào các ngôn ngữ Nam Á, Thái – Kadai và Mông Dao đan xen nhau; trong khi đó, những ngôn ngữ Hán – Tạng không xác định trên vùng địa lí này.

Bản đồ 3. Địa lí các nhóm ngôn ngữ Nam Á và Thái – Kadai trên địa bàn văn hóa Đông Sơn
thuộc lãnh thổ Lào (nguồn: [http://www.ethnologue.com (3); truy cập ngày 15.10.2019.)

2. Vấn đề ngôn ngữ của cư dân văn hóa Đông Sơn và cách tiếp cận   

Với thời gian lịch sử và địa bàn cư trú của cư dân văn hóa Đông Sơn như vừa được mô tả ở trên thì “vấn đề ngôn ngữ của cư dân văn hóa Đông Sơn” sẽ là câu hỏi: vào thời gian xác định văn hóa Đông Sơn, cư dân của văn hóa ấy nói thứ ngôn ngữ nào theo sự phân loại ngữ hệ ngôn ngữ hiện nay và đâu là cơ sở để có thể đi đến một giả thiết như vậy?

2.1. Những nội dung của “vấn đề ngôn ngữ của cư dân văn hóa Đông Sơn”

Có lẽ trước khi trả lời cho câu hỏi này, ở đây, cần giải thích thêm lí do vì sao chúng ta lại phải đặt ra “vấn đề ngôn ngữ của cư dân văn hóa Đông Sơn”. Trần Quốc Vượng, một nhà khảo cổ học hàng đầu khác của Việt Nam, khi nghiên cứu vấn đề văn hóa thời Hùng Vương – Đông Sơn đã viết rằng “Tài liệu khảo cổ của chúng ta tuy đã khá nhiều – và tương lai sẽ ngày càng phong phú – song, chúng ta không quên một nhược điểm căn bản loại tài liệu này, đó lả những tài liệu “câm”, và nhiều hiện vật khảo cổ (ví dụ cái “chạc” gốm trong các di chỉ thời đại đồng thau Việt Nam) còn là tài liệu “bí ẩn” [Trần Quốc Vượng, 1970, tr.149]. Cho nên, muốn hiểu đầy đủ đặc điểm xã hội của cư dân văn hóa Đông Sơn ở Việt Nam, chúng ta không thể không xem xét những nguồn tài liệu thuộc các ngành khoa học xã hội khác, trong đó việc nhận biết trạng thái ngôn ngữ mà cư dân thời đó sử dụng dựa trên kết quả nghiên cứu của ngôn ngữ học so sánh là cần thiết. Bởi vì trên thực tế, tư liệu khảo cổ học cũng như tư liệu nhân cốt học không nói nhiều về trạng thái văn hóa xã hội của thời kì đó.

Vậy thì những nội dung chính trong “vấn đề ngôn ngữ của cư dân văn hóa Đông Sơn” sẽ phải gồm những nội dung gì? Chúng tôi tán thành với cách đặt vấn đề của M. Alves khi ông nêu ra hai câu hỏi về chủ đề đề này. Đó là câu hỏi cư dân văn hóa Đông Sơn nói ngôn ngữ nào khi tiếp xúc với nhóm Hán (Sinitic) trong thời gian nhà Hán nam tiến vào thế kỉ thứ hai trước Công nguyên? Và câu hỏi sau đó là có những bằng chứng nào thể hiện những kịch bản về ngôn ngữ và trong đó kịch bản nào được tư liệu (hay dữ liệu) ngôn ngữ hỗ trợ nhiều nhất? [Alves M., 2019, tr.4]. Trả lời được cho hai câu hỏi vừa nêu ra, về bản chất, là đã giải đáp được “vấn đề ngôn ngữ của cư dân văn hóa Đông Sơn”. Nói rằng tán thành với cách đặt vấn đề của M. Alves là vì trước đây hai năm những nội dung như vừa được nêu ra cũng đã từng được chúng tôi thảo luận khi bàn về vị trí của cư dân nói ngôn ngữ Thái – Kadai trong tiến trình lịch sử Việt Nam thời tiền sử [Trần Trí Dõi, 2017, tr.46-62].

Theo như M. Alves vừa mới trình bày ở Hà Nội, đối với câu hỏi đầu tiên, cho đến hiện nay đã có một số câu trả lời khác nhau về những cách lí giải liên quan đến tình trạng ngôn ngữ của cư dân văn hóa Đông Sơn. Thứ nhất là giả thiết cho rằng cư dân văn hóa Đông Sơn chủ yếu nói ngôn ngữ thuộc nhóm Thái, tuy có chịu ảnh hưởng của những người nói ngôn ngữ thuộc nhóm tiếng Việt (Vietic) (4) nhưng không nhiều. Giả thiết thứ hai thì cho rằng, ngôn ngữ chính của cư dân lưu vực sông Hồng thời văn hóa Đông Sơn chủ yếu là những người nói nhóm tiếng Việt, nhưng có chịu ảnh hưởng của những ngôn ngữ thuộc nhóm Thái. Có thể thấy với cả hai giả thiết này, như vậy, đều nhìn nhận sự hiện diện của cư dân nói ngôn ngữ thuộc nhóm tiếng Việt hay nhóm tiếng Thái nhưng “tỷ trọng” giữa chúng sẽ ở mức khác nhau. Cho nên, có một giả thiết thứ ba nữa lí giải theo hướng cư dân lưu vực sông Hồng thời văn hóa Đông Sơn chịu ảnh hưởng của cư dân nói nhóm tiếng Thái và cư dân nói nhóm tiếng Việt là như nhau. Ngoài ra, còn có một ý kiến có thể coi như một giả thiết thứ tư nữa là cư dân văn hóa Đông Sơn nói một thứ ngôn ngữ nhưng hiện nay nó đã không còn tồn tại nữa [Alves M., 2019, tr.6].

Để có thể đánh giá về tính hợp lí của những giả thiết được nêu ra ở trên, đương nhiên là chúng ta nhất thiết phải tìm cách trả lời cho câu hỏi thứ hai đã được đặt ra. Nói một cách khác, cần có những bằng chứng như thếnào về ngôn ngữđể minh chứng chonhững kịch bản hay giả thiết đã được giả định và trong số đó giả thiết nào được tư liệu (hay dữ liệu) ngôn ngữ hỗ trợ nhiều nhất. Đương nhiên, cùng với tư liệu của ngôn ngữ học, người ta cũng có thể viện dẫn thêm tư liệu của những ngành khác để chứng minh; nhưng ở đây nhiệm vụ là bàn về “ngôn ngữ mà cư dân văn hóa Đông Sơn sử dụng” nên tư liệu của ngôn ngữ học giữ vị thế chủ đạo. Theo chúng tôi, giải đáp cho được những nội dung vừa đưa ra không phải là một công việc đơn giản làm được trong ngày một ngày hai.

2.2. Cách tiếp cận vấn đề và một số thuật ngữ có liên quan

Để làm cơ sở trình bày cách tiếp cận cho vấn đề vừa được nêu ra, trước hết chúng tôi xin giải thích một số thuật ngữ chính có liên quan sẽ được sử dụng trong bài viết. Theo như tổng hợp và giải thích của M. Alves [Alves M., 2019, tr.10] thì trong ngôn ngữ học lịch sử tiếng Hán thuật ngữ tiếng Hán cổ (Old Chinese, OC) là trạng thái tiếng Hán thuộc giai đoạn từ thượng cổ cho đến khoảng thế kỉ thứ III sau Công nguyên; thuật ngữ cuối Hán cổ (late Old Chinese, LOC) là để chỉ riêng tiếng Hán thuộc thời kì Đông Hán, khoảng thời gian từ 0 đến sau năm 200. Thuật ngữ Hán trung đại (Middle Chinese, MC) là tiếng Hán vào khoảng thời gian từ thế kỉ thứ IV đến thế kỉ XII; thuật ngữ đầu Hán trung đại (early Middle Chinese, EMC) là tiếng Hán dùng ở triều đại nhà Tấn  của Trung Quốc (265-440 SCN). Còn thuật ngữ nhóm Hán hay chi Hán (Sinitic) bao gồm những ngôn ngữ hay phương ngữ gốc Hán đang được dùng hiện nay ở Trung Quốc. Như vậy, khi đối chiếu lịch sử của một ngôn ngữ nào đó với những giai đoạn phát triển tương ứng với những thuật ngữ liên quan đến lịch sử tiếng Hán nói trên cũng có nghĩa chúng ta đã “gắn” cho ngôn ngữ đó những thời gian phát triển cụ thể.

Trong trường hợp lịch sử ngữ âm tiếng Việt thì nội hàm một vài thuật ngữ ít nhiều có khác với cách gọi tên những từ gốc Hán mà trước đây Vương Lực [Wang L., 1948] (5) đã đề xuất, vốn được nhiều nhà Việt ngữ học đang sử dụng ở Việt Nam. Cụ thể, thuật ngữ Hán-Việt (Sino – Vietnamese) là để chỉ những từ gốc Hán được người Việt đọc theo âm tiếng Hán đời Đường dùng ở Việt Nam từ thiên niên kỉ thứ hai. Trong khi đó, thuật ngữ tiền Hán-Việt (Early Sino – Vietnamese) là để chỉ những từ gốc Hán được người Việt đọc theo âm tiếng Hán cuối thời Tấn trở về trước; thuật ngữ này chỉ phần nào tương ứng với cách gọi Hán-Việt cổ (Old Sino-Vietnamese) của Vương Lực. Còn thuật ngữ nhóm tiếng Việt hay chi Việt (Vietic) hay trước đây còn gọi là nhóm Việt-Mường (Vietmuong group) hoặc Việt-Chứt (Viet-Chưt) là cộng đồng những ngôn ngữ gốc Việt thuộc họ Nam Á với biến thể gồm những ngôn ngữ như tiếng Mường, tiếng Rục, tiếng Arem v.v. Như vậy, điều cần chú ý ở đây là trong nội hàm một số thuật ngữ vừa nêu trên đã được giới nghiên cứu xác định về mặt thời gian trong lịch sử phát triển ngôn ngữ (6). Ngoài ra, thuật ngữ Thái (Tai) được dùng ở đây không phải là toàn bộ họ Thái – Kadai mà chỉ là một nhánh phía nam của họ ngôn ngữ này. Cho nên, khi nói về sự tiếp xúc ngôn ngữ với nhóm Hán (Sinitic) của nhóm tiếng Thái (Taic) và nhóm tiếng Việt (Vietic) thì thời gian ấy được cho là xảy ra khoảng cuối giai đoạn Hán cổ (trong khoảng năm 200 TCN – sau năm 200) đến đầu thời kì Hán trung đại (là thời gian thuộc triều đại nhà Tấn của Trung Quốc). Vào khoảng thời gian này, về cơ bản, là thời gian tương ứng của Proto Thái (Proto Tai) và Proto Việt (Proto Vietic). Vào thời gian này, nghiên cứu khảo cổ và lịch sử đã có nói đến tiếp xúc văn hóa xã hội giữa nhóm tiếng Thái với nhóm tiếng Việt (Taic – Vietic); nhưng người ta không thể đưa ra được bằng chứng trực tiếp nào trong ghi chép lịch sử. Đúng như nhận xét của M. Alves, dường như người ta chỉ có thể nói đến một truyền thống chung về trống đồng ở cả vùng Lĩnh Nam (chủ yếu là Quảng Tây, Quảng Đông…) và vùng đồng bằng sông Hồng vào thời gian thiên niên kỉ thứ nhất trước Công nguyên [Imamura M., 2006 & Trình Năng Chung, 2014].

Qua nội hàm liên quan đến thời gian lịch sử của những thuật ngữ vừa được miêu tả, để có thể giải thích một cách hợp lí nhất những giả thiết đã được nêu ra ở trên, theo chúng tôi nhất thiết phải thống nhất áp dụng chung một cách tiếp cận. Do đó, chúng ta phải tuân thủ theo một phương pháp thống nhất của ngôn ngữ học mới hi vọng có được cơ sở đáng tin cậy khi xác định xem giả thiết nào tiệm cận nhất với chân lí. Chính vì do nhiệm vụ của chúng ta là thảo luận về “vấn đề ngôn ngữ của cư dân văn hóa Đông Sơn” nên nó quy định cần phải có một cách tiếp cận lịch đại (diachronic) của ngôn ngữ học. Cách tiếp cận lịch đại ấy quy định khi nghiên cứu phải tuân thủ nguyên tắc (principle) của âm vị học lịch sử (historical phonology)(7) là dựa vào kết quả phục nguyên (reconstruction) tiền ngôn ngữ để thiết lập mốc thời gian cho dạng thức của các từ giữa những ngôn ngữ cùng nguồn gốc hay những từ được vay mượn. Thực ra, không phải không có những nghiên cứu về lịch sử thời tiền sử đã sử dụng tài liệu ngôn ngữ để đưa ra ý kiến nhận xét nhưng còn chưa thật sự chú ý tuân thủ theo nguyên tắc âm vị học lịch sử này.

Khi nói về cách tiếp cận có một yêu cầu được đặt ra là chúng ta phải giải thích về những nguồn tư liệu được sử dụng để thực hiện khi áp dụng phương pháp nghiên cứu. Vì thời gian ngôn ngữ chúng ta đưa ra bàn luận là thời gian tiền sử, giai đoạn hiện diện văn hóa Đông Sơn, mà tư liệu là ở thời điểm hiện nay nên chúng ta phải sử dụng dữ liệu ngôn ngữ như sau. Trước hết đó là tư liệu về các ngôn ngữ Nam Á và những ngôn ngữ của cư dân thuộc nhóm tiếng Việt đang được sử dụng trong vùng lãnh thổ Đông Nam Á đã được công bố trong những bảng từ hay từ điển và từ nguyên của nhiều tác giả khác nhau. Sau đó là tư liệu của những ngôn ngữ Thái khác nhau và nhất là những dạng tái lập tiền Thái (proto Tai) của Lý Phương Quế [Li F.K, 1977] và của P. Pittayaporn [Pittayaporn P., 2009].

Với hai nguồn dữ liệu chính đó, đương nhiên người ta phải xem xét mối tương quan giữa những từ tiền Thái (proto Tai) với những từ tiền HánViệt (Early Sino -Vietnamese). Bởi vì, như A.G. Haudricourt nhận xét “Trong cả ngàn năm, một hay hai thế kỉ trước Công nguyên cho tới thế kỉ X, người Thái và người Việt đều đã sống dưới sự thống trị của Trung Hoa” [Haudricourt A.G.,1953, tr.19] nên về mặt ngôn ngữ người ta không thể không xem xét sự tiếp xúc (contact) ngôn ngữ giữa những cư dân nói nhóm tiếng Hán với cư dân nói nhóm tiếng Thái và nhóm tiếng Việt trong thời kì văn hóa Đông Sơn. Và cũng do đó, nguồn tư liệu ngôn ngữ mà cả người Thái và người Việt vay mượn từ tiếng Hán sẽ là nhóm tư liệu quan trọng thứ ba được dùng để xứ lí vấn đề và nguồn tư liệu này có thể cho chúng biết nhiều thông tin lịch sử mà những nguồn tư liệu khác không thể hiện được.

Tuy nhiên, để có thể xử lí được vấn đề, đương nhiên người ta phải cần có thêm những dữ liệu khác thuộc nhóm thứ tư. Đó sẽ là nguồn dữ liệu thành văn về dạng thức tái lập Hán cổHán trung đại (Middle Chinese) mà W.Baxter và L. Sagart [W.H. Baxter & L.Sagart, 2014] cũng như A.Schuessler [A.Schuessler, 2007] đã tái lập. Nguồn dữ liệu tái lập này tuy không có niên đại thực sự chính xác nhưng nó cung cấp chúng ta cơ sở để phân biệt các dạng thức từ tiếng Hán thuộc nửa đầu và nửa sau của thiên niên kỉ thứ nhất sau Công nguyên. Nhờ đó, nó là tiêu chí để nhận diện về thời gian của những dạng thức mà các ngôn ngữ của cư dân nói nhóm tiếng Thái hay nói nhóm tiếng Việt vay mượn từ tiếng Hán.

Ngoài ra, để góp phần xác định thời gian sử dụng các dạng thức từ vựng trong giai đoạn tiền sử của không ít trường hợp phải sử dụng cách tiếp cận liên ngành (interdisciplinarity). Theo đó, người ta có thể sử dụng dữ liệu của khảo cổ học và của lịch sử để bổ sung cho việc đoán định niên đại của dạng thức ngôn ngữ đang được nghiên cứu. Cách tiếp cận liên ngành như thế giúp xác định thời gian tuyệt đối của một từ nhất định nào đó sẽ cụ thể hơn. Để làm ví dụ, dưới đây, chúng tôi sẽ trình bày lại một vài trường hợp đã sử dụng kết quả nghiên cứu của khảo cổ và lịch sử để phân tích và chứng minh cho việc xác định thời gian lịch sử của dạng thức một từ trong tiếng Việt. Đó là trường hợp từ ngói  (tile) đang dùng trong tiếng Việt hiện nay [Alves M., 2019, tr.25].

Từ ngói là một từ tiếng Việt gốc Hán thuộc lớp tiền Hán-Việt (ESV); dạng thức ngữ âm Hán-Việt (SV) của từ này là ngõa (chữ Hán 瓦). So sánh những dạng thức của nó trong tiếng Việt và một vài ngôn ngữ nhóm tiếng Thái, chúng ta có kết quả như sau (8)

Tiếng Hán Chữ Hán
Hán cổ (OC) *C.ŋʷˁrajʔ {*C.ŋʷˁra[j]ʔ}
Hán trung đại (MC) ngwæX
Tiếng Việt Tiền Hán-Việt (ESV) ngói
Hán-Việt (ESV) ngõa
Nhóm tiếng Thái (Taic) Thái Yo ŋɔːj33
Tiếng Tày ngoạ
Thái Đăm ngỏi / ŋɔj²¹ˀ/
Tiếng Lào ka beuong (ກະເບື້ອງ)
Tiếng Thái Lan kra beụ̄̂xng (กระเบื้อง) /kra:1 buoŋ3/

Đối với nhóm tiếng Thái, cả Lý Phương Quế  lẫn P. Pittayaporn đều thống nhất không tái lập dạng thức proto Thái (proto Taic). Cho nên khả năng là ở vào thời gian cuối giai đoạn Hán cổ, nhóm ngôn ngữ Thái vẫn còn chưa vay mượn từ gốc Hán này. Dạng thức /ŋɔːj33/ trong tiếng Thái Yo ở Trung Bộ Việt Nam (do không bảo lưu dạng thức âm lướt /r/ trong Hán cổ), dạng thức Tày ngoạ (tương ứng với Hán-Việt ngõa, Hán trung đại ngwæX) và những dạng thức của tiếng Lào, tiếng Thái Lan đã góp phần chứng minh là ngôn ngữ nhóm Thái mượn từ gốc Hán này tương ứng với giai đoạn tiếng Hán trung đại. Điều đó có nghĩa, khi so sánh dạng thức từ ngói trong tiếng Việt với dạng thức tái lập của tiếng Hán cổ, với dạng thức tiếng Hán trung đại và với dạng thức Hán-Việt, ngôn ngữ học lịch sử đã cho chúng ta biết rằng từ gốc Hán này thuộc vào lớp tiền Hán-Việt, được người Việt vay mượn vào quãng thời gian cuối giai đoạn Hán cổ (khoảng từ 200 năm TCN đến sau năm 200). Trong khi đó, những cư dân nói nhóm tiếng Thái vay mượn từ gốc Hán này vào quãng thời gian thuộc giai đoạn tiếng Hán trung đại, tức là từ sau thời gian hiện diện triều đại nhà Tấn Trung Quốc.

Điều đáng chú ý là cách thức nhận diện thời gian xuất hiện của từ tiền Hán-Việt ngói trong tiếng Việt mà ngôn ngữ học lịch sử thực hiện được dữ liệu của khảo cổ học ủng hộ hay xác nhận. Theo như kết quả nghiên cứu của Viện Khảo cổ đã công bố thì có hàng ngàn viên ngói kiểu Trung Quốc đã được phát hiện tại di chỉ thành Cổ Loa với niên đại khoảng vào 200 năm TCN [Kim N.C., 2010]. Như vậy, chứng cứ của ngôn ngữ học lịch sử tương ứng với dữ liệu của khảo cổ học; nhờ đó, người ta có thể giả định rằng từ ngói này đã được cư dân nói nhóm tiếng Việt vay mượn trực tiếp từ tiếng Hán vào thời kì văn hóa Đông Sơn chứ không phải vay mượn qua cư dân nói tiếng Thái vào quãng thời gian rất muộn sau này. Do vậy, những phân tích của ngôn ngữ học lịch sử đối với trường hợp từ ngói đã cho biết cư dân nói nhóm tiếng Việt thời kì văn hóa Đông Sơn sử dụng ngôn ngữ độc lập với cư dân nói nhóm tiếng Thái trong cùng thời gian lịch sử.

3. Hai giả thiết chính trong vấn đề “ngôn ngữ của cư dân văn hóa Đông Sơn”

Với cách thức tiếp cận và với những nguồn dữ liệu ngôn ngữ cũng như khảo cổ học như vừa được trình bày, chúng tôi sẽ trao đổi vềnhững giả thiết khác nhau trong vấn đề “ngôn ngữ của cưdân văn hóa Đông Sơn” được trình bày cụ thể dưới đây. Theo những gì mà M. Alves cho biết, hiện có những giả thiết khác nhau về ngôn ngữ mà cư dân văn hóa Đông Sơn [Alves M., 2019, tr.6] như sau.

3.1. Giả thiết thứ nhất “tiếng Thái là ngôn ngữ chính của cư dân Đông Sơn”

Theo như M. Alves, giả thiết thứ nhất cho rằng cư dân văn hóa Đông Sơn chủ yếu là nói nhóm tiếng Thái (Taic), còn nhóm tiếng Việt (Vietic) tuy có ảnh hưởng nhưng không nhiều. Có thể nhận thấy cách lí giải như vừa nói đến thể hiện trong quan niệm của H. Maspero khi học giả này cho rằng “tiếng Việt có nguồn gốc Thái” [Maspero M.,1912, tr.118].  Ý kiến ban đầu này của H. Maspero về sau được nhiều nhà nghiên cứu nhân văn ở Việt Nam cũng như ở nước ngoài tán đồng theo những mức độ khác nhau (9). Chẳng hạn, gần đây, một vài nhà khảo cổ học hay dân tộc học viện dẫn những kiến giải đã có về ngôn ngữ (cách kiến giải của Phạm Đức Dương về từ ngữ Thái trong tiếng Việt [Phạm Đức Dương, 2007]) vẫn tiếp tục cho rằng “ngôn ngữ Tày Thái phải “xâm nhập” vào tiếng Việt vào thời gian trước Bắc thuộc. Mà trước Bắc thuộc chính là thời kì văn hóa Đông Sơn” [Trịnh Sinh 2015, tr.106-107]. Tác giả này còn cho rằng di chỉ kim khí đồng phân bố dọc sông Hồng chính là “mô hình ngôn ngữ tộc người thời kì văn hóa tiền Đông Sơn và Đông Sơn” [Trịnh Sinh, 2015, tr.119]; qua đó ông giải thích đây cũng chính là đặc điểm thể hiện “yếu tố Thái trong ngôn ngữ” của văn hóa Đông Sơn (!?).

Nhưng gần đây nhất và nổi bật hơn cả là giả thiết của nhóm J.R. Chamberlain. Nói rằng “nổi bật hơn cả” là nhờ cái cách dẫn giải chứng cứ rất tập trung và thông qua một cách nhìn rất tổng hợp. Theo như giả thiết đó, nhóm J.R. Chamberlain cho rằng tiếng Thái phải là ngôn ngữ chính của cư dân ở đồng bằng sông Hồng từ thời văn hóa Đông Sơn đến thế kỉ thứ X sau Công nguyên [J.R Chamberlain, 1998, 2016, 2018 & B. Kieman, 2017]. Những chứng cứ mà nhóm này đưa ra để chứng minh được viện dẫn cả trong tư liệu ngôn ngữ học lẫn trong tư liệu lịch sử. Theo đó, lập luận của J.R. Chamberlain là như sau. Về lịch sử, ông cho rằng người Việt đã ghi nhận một giả thuyết là thời tiền sử các tộc người Việt tiến từ phía nam ra phía bắc và cuộc “bắc tiến” ấy kết thúc vào thế kỉ thứ X ở đồng bằng sông Hồng. Về tộc danh, âm /kew/ (“keo”) trong tiếng Thái được dùng để chỉ người Việt; đồng thời âm đọc này cũng được ngôn ngữ nhóm Thái dùng để chỉ một vài nhóm người Thái. Dấu tích ấy còn lưu lại trong bài thơ của tiếng Thái cổ và trong một ngôn ngữ thuộc nhóm Kradai. Và với tình trạng như vậy, có nghĩa tộc danh chỉ người Việt ở Giao Chỉ cũng chính là tộc danh để chỉ người Thái trong khu vực. Về tư liệu ngôn ngữ, J. R.Chamberlain viện dẫn hai nguồn dữ liệu mà ông cho là rất quan trọng. Trước hết là nguồn dữ liệu gồm những từ mà cư dân nhóm tiếng Việt vay mượn từ tiếng Hán. Đối với ông, người Việt đã vay mượn những từ gốc Hán này thông qua tiếng Thái vào quãng thiên niên kỉ thứ nhất. Ý tưởng ấy được ông viết như sau “Hầu hết, nếu như không muốn nói là tất cả, các từ tiền Hán-Việt đều được tìm thấy trong Proto-Tai và Proto-Kam-Tai bởi vì những nhóm người này đã có mối quan hệ lâu dài hơn và gần gũi hơn không thể chối cãi với Hán Cổ” (10). [Chamberlain J.R., 2018, tr.158]. Sau đó, cũng theo như giải thích của ông, ở phần lãnh thổ phía nam phương ngữ Việt đa dạng hơn phần phía bắc; và đặc điểm đó mới chính là đặc điểm thể hiện “cái nôi (homeland)” của cư dân nói nhóm tiếng Việt thuộc về phần lãnh thổ phía nam.

3.2. Giả thiết thứ hai “cư dân văn hóa Đông Sơn nói nhóm tiếng Việt”

Giả thiết thứ hai cho rằng “cư dân văn hóa Đông Sơn ở đồng bằng sông Hồng nói nhóm tiếng Việt”, còn cư dân nói nhóm tiếng Thái chỉ là bộ phận cư dân láng giềng trong thời kì văn hóa ấy. Nhìn nhận này có thể được coi như là nhìn nhận sớm nhất ngay vào thời J. Logan năm 1859 đưa ra thuật ngữ “Môn-Annam” (tức là những ngôn ngữ Nam Á, Austroasiatic) và về sau nhiều nhà nghiên cứu khác tiếp tục ý tưởng ấy [Trần Trí Dõi, 2011a, tr.78; Sidwwell P.,2013, tr.438]. Tuy nhiên, vấn đề trở nên rõ ràng hơn khi vào năm 1942 Benedict cho rằng tiếng Việt thuộc hệ Môn – Khmer (Mon-Khmer) còn tiếng Thái thuộc hệ Nam – Thái (Austro – Tai) [Benedict P., 1942]. Nhưng có lẽ quan niệm này rõ ràng nhất là khi A.G Haudricourt (năm 1953, 1954) chứng minh đầy đủ tiếng Việt thuộc Môn – Khmer của họ ngôn ngữ Nam Á (Austroasiatic) [Haudricourt A.G., 1953, 1954].

Sau chứng minh nói trên của A.G Haudricourt từ năm 1953, chúng tôi cũng đã tổng kết lại cách lí giải tiếp theo của ông và những tác giả khác về sau vấn đề nguồn gốc Nam Á của tiếng Việt vào năm 2011 [Trần Trí Dõi, 2011a, tr.78-97]. Cho nên, xét ở góc nhìn lịch sử ngôn ngữ, điều đó cũng có nghĩa là đối với chúng tôi cư dân văn hóa Đông Sơn ở đồng bằng sông Hồng là cộng đồng nói nhóm tiếng Việt là chủ yếu.

Sau khi có sự thảo luận lại về vấn đề “cư dân văn hóa Đông Sơn ở đồng bằng sông Hồng nói nhóm tiếng Việt” mà Trịnh Sinh nêu ra năm 2015, hai năm sau (năm 2017) chúng tôi đã có sự trao đổi lại về vấn đề này [Trần Trí Dõi, 2017, tr.46-62]. Theo đó, chúng tôi đã giải thích rằng cơ sở ngôn ngữ mà Trịnh Sinh dựa vào là những miêu tả của Phạm Đức Dương còn chưa đáp ứng yêu cầu của nghiên cứu lịch đại ngôn ngữ. Bởi vì miêu tả ấy chưa tuân thủ nguyên tắc của âm vị học lịch sử, tức là người ta không thể căn cứ vào diễn giải của Phạm Đức Dương để phục nguyên tiền ngôn ngữ. Còn cái cách giải thích di chỉ kim khí đồng phân bố dọc sông Hồng là đặc điểm thể hiện “yếu tố Thái trong ngôn ngữ” của văn hóa Đông Sơn, nếu nhìn ở nguyên tắc âm vị học lịch sử của ngôn ngữ, thì không logic. Chính vì thế, từ góc nhìn lịch sử nhóm tiếng Thái (như tình trạng phân bố văn tự cổ của cộng đồng Thái ở lục địa Đông Nam Á và Nam Trung Quốc, một số vay mượn giữa nhóm tiếng Thái và nhóm tiếng Việt, v.v), chúng tôi đã một lần nữa đã cho rằng “văn hóa Đông Sơn chưa bao gồm văn hóa Thái – Kadai. Bởi vì vào thời gian tồn tại…văn hóa này, những cư dân nói ngôn ngữ Thái – Kadai còn chưa tham gia giữ vị trí là “chủ thể” của nền văn hóa mà chỉ là “láng giềng” của những cư dân Đông Sơn nói các ngôn ngữ nhóm Việt-Mường thuộc nhánh Môn – Khmer, họ Nam Á” [Trần Trí Dõi, 2017, tr.60].

4. Thảo luận thêm về những giả thiết đã có

4.1. Thảo luận về giả thiết thứ nhất

Như đã trình bày ở trên, J. R.Chamberlain viện dẫn hai cơ sở ngôn ngữ học là những từ vay mượn tiếng Hán của cư dân nói nhóm tiếng Việt và đặc điểm đa dạng về phương ngữ Việt thuộc phần lãnh thổ phía nam thể hiện “cái nôi (homeland)” của cư dân nói nhóm tiếng Việt. Từ đó ông đi đến nhận xét “Hầu hết, nếu như không muốn nói là tất cả, các từ tiền Hán-Việt đều được tìm thấy trong Proto – Tai và Proto-Kam-Tai bởi vì những nhóm người này đã có mối quan hệ lâu dài hơn và gần gũi hơn không thể chối cãi với Hán Cổ” [Chamberlain J.R.,2018, tr.158]. Nhưng trong hai cơ sở  mà J. Chamberlain dẫn ra để chứng minh, chính bản thân học giả này cũng đã thừa nhận phương ngữ Việt (11) nói chung và phần thuộc lãnh thổ phía bắc còn chưa được khảo cứu đầy đủ. Và trên thực tế phần phương ngữ Việt phía bắc cũng rất “đa dạng” nhưng chưa được Việt ngữ học miêu tả đầy đủ. Chính vì vậy, vẫn còn chưa đủ lí do để có thể nghĩ rằng phương ngữ Việt thuộc phần lãnh thổ phía bắc không thể hiện giá trị “cái nôi (homeland)” của cư dân nói nhóm tiếng Việt. Cho nên về bản chất, lập luận của Chamberlain trình bày năm 2018 tập trung vào phân tích mối liên hệ giữa từ tiền Hán-Việt (Early Sino – Vietnamese) trong cư dân nói nhóm tiếng Việt và những từ tiền Thái (Proto – Tai) của cư dân nói nhóm tiếng Thái sẽ được lí giải ở mục 4.2 sau đây.    4.2. Thảo luận về giả thiết thứ hai

Xin nhắc lại rằng, cách đặt vấn đề của M. Alves trong “vấn đề ngôn ngữ của cư dân văn hóa Đông Sơn” chính là nội dung trả lời câu hỏi bằng chứng nào thể hiện những kịch bản về ngôn ngữ cư dân ở đồng bằng sông Hồng sử dụng khi tiếp xúc với nhóm Hán (Sinitic) trong thời gian nhà Hán nam tiến vào thế kỉ thứ hai trước Công nguyên? [Alves M., 2019, tr. 4]. Và chính J. R.Chamberlain cho rằng vì những từ tiền Hán-Việt mà cư dân nói nhóm tiếng Việt sử dụng “đều được tìm thấy trong Proto – Tai” nên, vì thế, phải coi tiếng Thái mới là ngôn ngữ chính của cư dân ở đồng bằng sông Hồng vào thời văn hóa Đông Sơn. Tuy nhiên, những phân tích mà M. Alves dẫn ra dường như đã không ủng hộ lập luận như thế của J. R.Chamberlain. Và khi phân tích những dẫn chứng ấy, chúng tôi nhận thấy dẫn liệu được M. Alves sử dụng tuân thủ nguyên tắc của âm vị học lịch sử trong nghiên cứu lịch sử ngôn ngữ hơn. Tình hình cụ thể là như sau.

Thứ nhất, chúng tôi đồng ý với cách nhìn của M. Alves khi ông [M. Alves, 2019, tr.9] cho rằng về mặt từ nguyên những giả thuyết cho rằng cư dân nói nhóm tiếng Việt vay mượn những từ Thái cổ giai đoạn tiền Thái (proto Tai) là chưa đủ cơ sở. Nghiên cứu trước đây về những tương ứng một số từ Việt – Thái trong tiếng Việt của chúng tôi [Trần Trí Dõi, 2004, tr.94-97; 2011a, tr.68-77] đã góp phần giải thích cách nhìn đó. Thứ hai, những vay mượn từ nhóm Hán trong tiếng Thái ở giai đoạn tiền Thái (proto Tai) tạo thành lớp Hán – tiền Thái (Sino – proto Tai) và trong tiếng Việt ở giai đoạn tiền Việt (proto Vietic) tạo thành lớp từ tiền Hán-Việt dường như là khác nhau. Sự khác nhau ấy thể hiện, theo M. Alves [Alves M., 2019, tr.12], trước hết trong hơn 160 mục từ gốc Hán trong tiền Thái chỉ có gần một nửa (85 trường hợp) là có ở từ tiền Hán-Việt; ngữ nghĩa những từ gốc Hán ấy là khác nhau trong tiếng tiền Thái và trong từ tiền Hán-Việt, phản ánh cả hai ngôn ngữ cùng vay mượn độc lập từ nhóm tiếng Hán giai đoạn Hán cổ; số lượng từ gốc Hán trong tiếng tiền Thái và trong từ tiền Hán-Việt có số lượng lớn hơn nhiều so với những từ tiền Thái và tiền Việt vay mượn lẫn nhau. Điều đó chứng tỏ tiếp xúc giữa nhóm tiếng Hán với nhóm tiếng Thái và tiếp xúc giữa nhóm tiếng Hán với nhóm tiếng Việt mạnh mẽ hơn tiếp xúc giữa nhóm tiếng Thái với nhóm tiếng Việt. Sự khác nhau tiếp theo giữa những từ gốc Hán trong tiếng Thái ở giai đoạn tiền Thái và trong tiếng Việt ở giai đoạn tiền Việt, cũng theo M. Alves [Alves  M., 2019, tr.17-28], nếu căn cứ biến đổi ngữ âm và thanh điệu thì giống nhau ở những từ liên quan đến thương mại; nhưng khác về các động từ, khác về khái niệm, khác về bộ phận cơ thể,về công cụ sản xuất, về quan hệ họ hàng v.v và khác cả về những từ chỉ chức năng ngữ pháp.

Từ cơ sở phân tích dữ liệu ngôn ngữ như trên, kết hợp với kết quả nghiên cứu khảo cổ học về di truyền cho rằng “ngữ hệ Nam Á tại đồng bằng sông Hồng đã có từ 2000 năm trước Công nguyên” [Alves M., 2019, tr.30] (12), M. Alves đưa ra một nhận xét như sau: Theo đó, trong nhiều giả thuyết khác nhau thì giả thuyết “được nhiều người ủng hộ nhất” là giả thuyết từ thời Phùng Nguyên dân số thuộc đồng bằng sông Hồng chủ yếu là người nói ngôn ngữ Nam Á. Còn vào thời văn hóa Đông Sơn, những cư dân Nam Á ấy tách ra thành những bộ phận cư dân nói những ngôn ngữ thuộc nhóm tiếng Việt (Vietic) và những cư dân này chỉ “có liên hệ” ít nhiều với những cư dân nói ngôn ngữ thuộc nhóm tiếng Thái (Taic) láng giềng.  

5. Kết luận

Với cách thức tiếp cận liên ngành và trên cơ sở chứng cứ ngôn ngữ học hiện có, có thể kết luận rằng trong tình trạng hiện diện nhiều giả thiết khác nhau về “ngôn ngữ của cư dân văn hóa Đông Sơn” thì giả thiết cho rằng cộng đồng cư dân này chủ yếu nói những ngôn ngữ thuộc nhóm tiếng Việt (Vietic) nhưng “có liên hệ” với cư dân nói những ngôn ngữ thuộc nhóm tiếng Thái (Taic) láng giềng là giả thiết hợp lí nhất.

Bài này được viết lại trên cơ sở bài viết “Vấn đề ngôn ngữ của cư dân văn hóa Đông Sơn qua nghiên cứu lịch sử ngôn ngữ” trình bày tại Hội thảo Quốc gia “Thời đại Hùng Vương trong tiến trình lịch sử Việt Nam” tại Hà Nội ngày 24 tháng 9 năm 2019 do Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam đồng tổ chức.

Chú thích:

(1) Thời tiền sử (prehistory) là thời kì chưa có chữ viết, phân biệt với thời lịch sử (history) là thời có chữ viết. Lịch sử của một quốc gia hay dân tộc (như Việt Nam chẳng hạn) bao giờ cũng bao gồm cả thời kì tiền sử và thời kì lịch sử.

(2) Theo cách phân chia của Lý Phương Quế thì tiểu  nhóm Tày – Nùng (Tay – Nungic) và tiểu nhóm Choang (Zhwangic)  thuộc Thái Trung tâm (Central Tai), xin xem [Li P K.1977, tr.1].

(3) Xin lưu ý là “ethnologue.com” là dạng xuất bản điện tử của nhóm SIL International xuất bản  từ sau ấn phẩm thứ XVI năm 2009.

(4) Ở đây, chúng tôi dùng thuật ngữ nhóm tiếng Việt (Vietic) là để chỉ những ngôn ngữ đã được M. Ferlus [Ferlus M. 2007, 2011] cũng như chúng tôi xếp vào nhóm Việt – Mường (Vietmuong) trước đây [Trần Trí Dõi, 2011, 2016 ] hay giáo sư Nguyễn Tài Cẩn gọi là những ngôn ngữ Việt Chứt (Viet Chưt) [Nguyễn Tài Cẩn ,1995].

(5) Theo thuật ngữ mà Vương Lực sử dụng, những từ Việt gốc Hán được ông dùng chuyển sang tiếng Việt là Cổ Hán Việt, Hán Việt Hán Việt Việt hóa. Cách dùng của ông cho đến hiện nay vẫn được nhiều nhà nghiên cứu từ vựng tiếng Việt sử dụng.

(6) Về thời gian cụ thể của sự phân định này, có thể xem [Trần Trí Dõi, 2011a, tr.127-174].

(7) Ở đây, để tránh làm phúc tạp vấn đề, chúng tôi xin không trình bày chi tiết những nội dung liên quan đến nguyên tắc của âm vị học lịch sử. Tuy nhiên, trong ngôn ngữ học nguyên tắc này được trình bày rất nhiều trong những nghiên cứu ở Việt Nam và nước ngoài. Ở Việt Nam, người quan tâm đến có thể đọc trong hai công trình của Nguyễn Tài Cẩn [Nguyễn Tài Cẩn, 1995] và Trần Trí Dõi [Trần Trí Dõi, 2011].

(8) Dạng thức tiếng Hán cổ và Hán trung đại được chúng tôi lấy từ [W. Baxter & L. Sagart 2014]; tư liệu tiếng Thái và Lào do chị Madala người Thái Lan cung cấp; tư liệu tiếng Tày ở [Hoàng Văn Ma…2005, tr 373]; còn tư liệu Thái Yo ở Nghệ An (Trung bộ Việt Nam) và Thái Đăm do anh Sầm Công Danh là người Thái địa phương cung cấp. Xin chân thành cảm ơn.

(9) Nguyên văn tiếng Pháp ý kiến của H. Maspero: “c’est, je pense, à la famille thai que la langue annamite doit étre rattachée” [Maspéro M.1912: p.118]. Ví dụ ở Việt Nam chẳng hạn, thể hiện rõ nhất là ý kiến của nhóm  Phạm Đức Dương [Phạm  Đức Dương 2007], Hoàng Lương [Hoàng Lương, 2010] và Trịnh Sinh [Trịnh Sinh, 2015], v.v.

(10) Nguyên văn tiếng Anh: “Most if not all of the Early Sino-Vietnamese vocabulary are found in Proto-Tai and Proto-Kam-Tai as these peoples had indisputedly longer and closer relationships with Old Chinese” [Chamberlain J. 2018, p.158].

(11) Xin xem nguyên văn “Việc nghiên cứu đầy đủ hơn nữa về phương ngữ Việt, nhất là về từ vựng, cần phải được thực hiện (More complete dialectology of Vietnamese, especially lexicon, needs to be carried out)” [J. Chamberlain ,2018, tr.159].

(12) Theo M. Alves, kết quả nghiên cứu khảo cổ học về di truyền tại đồng bằng sông Hồng được ông dẫn theo [Corny J. et al. 2017; Lipson M.et al. 2018; McColl et al. 2018]. 

TÀI LIỆU THAM KHẢO CHÍNH

  1. Alves J.M (2016), Identifying  Early Sino-Vietnamese Vocabulary via Linguistic, Historical, Archaeological, and Ethnological Data, Bulletin of Chinese Linguistics  9 (2016), p 264-295.
  2. Alves J.M (2019), Dữ liệu liên ngành: chi Vietic kết nối với văn hóa Đông Sơn, Báo cáo tại Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, ngày 22.5.2019, 36 tr.
  3. Baxter W.H. & Sagart L. (2014), Old Chinese a new reconstruction, Oxford University Press 2014.
  4. Bellwood P. (2005), Những nhà nông đầu tiên – Nguồn gốc của các xã hội nông nghiệp, Nxb Thế giới, Hà Nội, 2010 (Người dịch: Tạ Đức – Nguyên Việt), 343 tr.
  5. Benedict P. K (1942), Thai, Kadai and Indonesian: a new alignment in Southseastern Asia, American Anthropologist, 44. Pp 576-601.
  6. Blench R. (2015), Reconstructing Austroasiatic prehistory,  in the “Handbook of the Austroasiatic Languages”, Leiden: Brill.
  7. Calo A. (2008), Heger I bronze drums and the relationships between Dian and Dong Sun cultures. In Interpreting Southeast Asia’s Past: Monument, Image and Text, eds. Peter Sharrock, Ian C. Glover, Elizabeth A Bacus, 208–224. Singapore: National University of Singapore Press.
  8. Corny J. et al (2017), “Dental phenotipic shape variation supports a multiple dispersal model for anatomically hurmans in Southeast Asia”, Journal of Hurman Evolution 112, pp 41-56.
  9. Nguyễn Tài Cẩn (1995), Giáo trình lịch sử ngữ âm tiếng Việt (Sơ thảo), Nxb Giáo dục, Hà Nội,  348 tr.
  10. Chamberlain J.R (1998), “The Origin of the Sek: Implications for Tai and Vietnamese History”, Journal of the Siam Society, 86.1& 86.2, pp 27-48.
  11. Chamberlain J.R (2016), “Kra – Dai and Proto-History of South China and Vietnam”, Journal of the Siam Society, Vol 104, pp 27-77.
  12. Chamberlain J.R (2018), A Kri-Mol (Vietic) Bestiary: Prolegomena to the Study of Ethnozoology in the Northerm Annamites, Kyoto Working Papers on Area Studies, Kyoto University.
  13. Trình Năng Chung (2014), Ảnh hưởng của văn hóa Đông Sơn ở vùng Lưỡng Quảng, Trung Quốc, In trong “Giao lưu văn hóa góp phần tăng cường nền tảng quan hệ Việt Nam – Trung Quốc, Nxb Hồng Đức, Hà Nội, tr.201-215.
  14. Corny J. et al (2017), “Dental phenotipic shape variation supports a multiple dispersal model for anatomically hurmans in Southeast Asia”, Journal of Hurman Evolution 112, pp 41-56.
  15. Trần Trí Dõi (2004), Tay – Thai and Việt Mường Cultural Contact in Vietnam: through the Analysis of Some Vocabulary Related to Water Paddy civilization, Papers of The IC THAI – DAI Cultural Studies, Yunnan ASS and Yunnan UN, China 12/2004, pp 94-97.
  16. Trần Trí Dõi (2011), Một vài vấn đề nghiên cứu so sánh – lịch sử nhóm ngôn ngữ Việt – Mường,  Nxb Đại học Quốc gia Hà  Nội, 371 tr.
  17. Trần Trí Dõi (2011a), Giáo trình lịch sử tiếng Việt, Nxb Giáo dục Việt Nam, 271 tr.
  18. Trần Trí Dõi (2016), Ngôn ngữ các dân tộc thiểu số ở Việt Nam (Language of ethnic minorities in Vietnam), Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 294 tr.
  19. Trần Trí Dõi (2017), Trao đổi về vị trí của cư dân nói ngôn ngữ Thái – Kadai trong lịch sử Việt Nam thời tiền sử. Trong “Phát huy vai trò, bản sắc cộng đồng các dân tộc Thái – Kadai trong hội nhập và phát triển bền vững” (Hội nghị QG về Thái học lần thứ VIII năm.2017), Nxb Thế giới 2017, tr 46-62.
  20. Phạm Đức Dương (2007), Bức tranh ngôn ngữ – văn hóa tộc người ở Việt Nam và Đông Nam Á,  Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 382 tr.
  21. Ferlus M. (2007),  A Layer of Dongsonian Vocabulary in Vietnamese. The 17th Annual Meeting of the SALS, Univ. of  Maryland, USA, August 31- Septembre 2, 2007, 15pp.
  22. Ferlus M. (2011), Les Bǎiyuè (百越) ou les “pays des (horticulteurs/mangeurs de) tubercules”. 24 èm e  Jo u rn é e s d e Li n g u i st i q u e d e l ’Asie Ori e n t a l e, 30 juin – 1er juillet 2011, Paris, 12 pp.
  23. Haudricourt A.G (1953), “Vị trí của tiếng Việt trong các ngôn ngữ Nam Á”, Tạp chí Ngôn ngữ, số 1. 1991, tr. 19-22.
  24. Haudricourt A. G. (1954), “Về nguồn gốc các thanh của tiếng Việt”, Tạp chí Ngôn ngữ, số 1- 1991, tr. 23-31.
  25. Imamura.K (2006), The distribution of bronze drums of the Heger I and pre-I type: temporal changes & historical background, Paper át IPPA 2006.
  26. Hán Văn Khẩn (2011), Vấn đề nông nghiệp thời đại sắt sớm ở Bắc Việt Nam, trong “Một chặng đường nghiên cứu lịch sử (2006-2011)”, Nxb Thế giới, tr.243-296.
  27. Kieman B. (2017), Vietnam: A history earliest times to the present, Oxford Univerty Press.
  28. Kim N.C, Lại Văn Tới and Trịnh Hoàng Hiệp (2010), Co Loa: an investigation of Vietnam’s ancient capital, Antiquity 84, pp 1011-1027.
  29. Li F. K. (1977), A Handbook of Comparative Tai, The Univertify Press Hawai.
  30. Lipson M. et al (2018), Ancient genomes document multiple waves of migration in Southeast Asian prehisstory, Science  2018 Jul 6; 361 (6397):92-95 (doi: 10.1126/science.aat3188 (Epub 2018 May 17).
  31. Hoàng Lương (2010), “Những địa danh Tày – Thái cổ xung quanh vùng Hà Nội”, Tạp chí Dân tộc học, số 4, tr.50-55.
  32. Hoàng Văn Ma – Lục Văn Pảo (2005), Từ điển ViệtTày-Nùng, Nxb Từ điển Bách khoa, Hà Nội.
  33. Maspéro H. (1912), Etude sur la phonétique historique de la langue annamite: Le s initiales, BEFEO, XII, no1, pp 1-127.
  34. McColl et al (2018), Ancient Genomics Reveals Four Prehistoric Migration Waves into Southeast Asia, Preprint. Published in Science. https://www.biorxiv.org/content/10.1101/278374v1.
  35. Pittayaporn P (2009), The phonology of Proto-Tai, Doctoral dissertation, Department of Linguistics, Cornell University, 417 p.
  36. Sagart L. (2004), Sino – Tibetan – Austronesian An updated and improved argument, from the “Origine de l’homme, origine du langage, origine des langues”, Progamme of the CNRS, Paris , 2004, pp 163-178.
  37. Schuessler A. (2007), ABC Etymological Dictionary of Old Chinese. Honolulu: University of Hawai‘i Press.
  38. Sidwell. P (2013), Issues in Astroasiatic Classification, Language and Linguistics Compass 7/8 (2013), tr.437-457.
  39. Trịnh Sinh (2015), Người Thái và văn hóa Đông Sơn, trong “Cộng đồng Thái – Kadai Việt Nam những vấn đề phát triển bền vững”, Nxb Thế giới, tr.105-113.
  40. Hà Văn Tấn (1997), Theo dấu các văn hóa cổ, Nxb Khoa học Xã hội, 851 tr.
  41. Trần Quốc Vượng (1970), Từ truyền thuyết, ngữ ngôn đến lịch sử, trong “Hùng Vương dựng nước, tập I”, Nxb Khoa học Xã hội, tr.148-155.
  42. Wang L. (Vương Lực 王力), (1948), HánViệt ngữ nghiên cứu ( 越  研 究),  Học báo Lĩnh Nam, kì I, tập 9 (岭南学报,第一期,第九卷), tr.1-96.
  43. http://www.ethnologue.com; truy cập ngày 15.10.2019. 

Languages of the inhabitants of Dong Son culture

Abstract: Dong Son Culture dates back to Vietnam pre-history and is recognized as the cultural foundation of the “State of Van Lang under the reign of Hung Kings”. Archeological evidence confirms that it existed in the Red River Delta from around the year +700 B.C.E to the year 200 C.E.

A must-ask question in the study of Dong Son Culture has always been “What languages were spoken by the inhabitants of this culture?”. Applying an interdisciplinary approach on the basis of historical phonology and analyses of language distribution in Southeast Asia, our study allows us to posit that inhabitants of the Red River Delta in Dong Son Culture used languages of the Vietic group in the Austroasiatic family. These inhabitants also enjoyed certain contacts with their neighbors who spoke Taic languages.Key words: Dong Son Culture; Red River Delta; socio-cultural and linguistic contact; Early Sino-Vietnamese; Sino-Vietnamese; Sino-Proto-Tai